Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Sài Gòn đón Obama như đón 'bạn cũ' - Người Việt

alt
Dân Hà Nội đổ ra đường đón ông Obama. Còn người Sài Gòn, sẽ đón “bạn cũ” ra sao? (Hình: Linh Pham/Getty Images)<!->

Chúng tôi xin ghi lại chân thực, mọi ý kiến của người dân Sài Gòn mà chúng tôi có dịp tiếp xúc những ngày qua. Và vì lý do bảo đảm an toàn  cho “miếng cơm, manh áo” của người được phỏng vấn, xin không nêu tên và không đăng hình ảnh của họ.
Mở đầu phóng sự là một người đàn ông tuổi trung niên, đánh giày nơi vỉa hè Sài Gòn.
Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, anh này cười ngất, và nêu điều kiện bằng giọng bỡn cợt: “Tôi sẽ nói hết sự thật, với điều kiện là khi ông Obama về nước, ổng phải cho tôi lên phi cơ của ổng đi luôn thì tôi mới nói.”
Rồi anh chợt ngưng đùa, nghiêm mặt, chỉ về phía hàng cờ xí, băng-rôn treo đầy trên hè phố Sài Gòn: “Có cái xứ nào như cái xứ này, người ta có bầu rồi mới đẻ, còn xứ mình thì đẻ rồi mới có bầu? Ðó, mấy anh coi, khẩu hiệu kêu dân đi bầu cử treo đầy đường, nhưng dân chưa bầu mà các chức danh họ đã định đoạt xong từ trước, vậy thì dân còn có ý kiến gì nữa?”
Trong một quán bánh canh cá lóc bình dân ở Sài Gòn, chúng tôi tiếp xúc với một người đàn ông trạc ngoài 50, dáng vóc to khỏe.
Người đàn ông nói giọng Quảng Trị, cho chúng tôi biết ông là ngư phủ, chuyên đánh bắt cá vùng ven biển Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân, bên địa phận Huế.
Ông cho biết, từ ngày xảy ra vụ cá chết ở vùng biển miền Trung, cá đánh bắt được không có người mua. Ông phải bỏ vô Sài Gòn phụ bán quán với đứa con gái. Ông nói, nếu mà có ai được gặp ngài Tổng Thống Obama thì xin nói lại với ngài, là giúp Việt Nam tìm ra nguyên nhân cá chết ở biển. Cũng xin Mỹ lên tiếng với Trung Quốc về việc họ cấm đánh bắt cá ở Biển Ðông làm ngư phủ miền Trung hết đường sống.
Rồi ông thở dài: “Hiện chánh phủ trợ cấp cho một người 15 ký gạo một tháng, nhưng chỉ trợ cấp một tháng rưỡi thôi. Sau này không biết tương lai tụi tôi ra sao, vì cũng chẳng biết đến bao giờ biển hết độc, mà dân bây giờ không ai dám ăn cá biển nữa.”
Tại một quán nhậu bình dân, nơi vỉa hè, Quận 5, chúng tôi nghe một người đàn ông đầu bạc, nói giọng oang oang: “Vụ cá chết ở ngoài Trung, cái thằng đại diện Formosa, nó dám hỏi dân mình là chọn thép hay chọn cá? Nó mà ở trong Sài Gòn này thì nó chết mẹ nó với dân Sài Gòn rồi...”
Chúng tôi bước qua bàn, cụng ly làm quen. 
Ông cho chúng tôi biết tên là B.K, cựu hạ sĩ, Liên Ðoàn 5, Biệt Ðộng Quân VNCH.
Khi chúng tôi than phiền là ngoài Hà Nội đón tiếp tổng thống Mỹ tưng bừng quá, mà trong này dân chúng coi bộ “yên ắng.” Người đàn ông đầu bạc, cười hiền, nhỏ giọng hẳn: “Mỹ là bạn cũ của Sài Gòn mà!”
Rồi sau khi cụng ly, ông kể về cái năm 1974, nếu như Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ miền Nam thì, ông nói: “Lính tụi tui dư sức tái chiếm lại Hoàng Sa!” Nhưng sau cùng, lệnh hành quân tái chiếm bị trên bãi bỏ, từ đó cho tới ngày miền Nam tan hàng, không còn cơ hội “chạm súng” với Trung Cộng.
Hỏi về tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ, người cựu quân nhân Biệt Ðộng Quân dự đoán, Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí (cùng ngày, Tổng Thống Obama tuyên bố bỏ cấm vận - NV), vì chỉ có cách đó mới tái trang bị cho quân đội Việt Nam trong việc chống Trung Cộng. Ðổi lại, Việt Nam phải để cho Mỹ vô Cam Ranh hoặc Ðà Nẵng, như vậy đôi bên sẽ cùng có lợi trên việc bảo vệ Biển Ðông khỏi thế độc chiếm của Trung Cộng.
Hỏi: Sao ông quá tự tin, khi mà Việt Nam đâu phải là đồng minh của Mỹ?
Người cựu quân nhân cười, hỏi lại: “Trong 10 nước Ðông Nam Á, nước nào năm 1974 dám nổ súng vào tàu chiến của Tàu Cộng? Nước nào mà năm 1979 dám dàn quân suốt tuyến biên giới để đánh nhau với quân Tàu? Nước nào mà lịch sử ngàn năm còn ghi những chiến tích của cha ông chiến thắng quân Tàu hung hãn nhất thời trước?”
Chúng tôi trò chuyện với một cựu quân nhân VNCH khác, nguyên là một hạ sĩ, trưởng xa thiết giáp, thuộc Thiết Ðoàn 10, quân lực VNCH.
Hỏi: Trong trường hợp Mỹ bỏ cấm vận vũ khí, thì mấy ông Cộng Sản Hà Nội cũng đâu có tiền mà mua?
Vị cựu hạ sĩ thiết giáp trả lời: “Dễ lắm! Mua trả góp! Mua trả chậm! Mua trả sau! Thậm chí là... trừ nợ, xóa nợ. Người Mỹ họ làm được hết, cứ vô quỹ đạo của người Mỹ đi thì biết!”
Nói chuyện với một nhà thơ về việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ, nhà thơ phân tích, điều đó gần như là một biểu tượng, nghĩa là phía Mỹ đã mở cánh cửa cuối cùng, coi như chấp thuận “đặt cược” niềm tin nơi Hà Nội. Nếu Hà Nội can đảm bước vô, thì nghĩa là Việt Nam có cơ may trở thành một Nhật Bổn, một Nam Hàn... kế tiếp. Nếu không, thì chỉ còn cách trở thành một quận, huyện của Tàu thôi.
Trò chuyện với một cựu sĩ quan chiến tranh chính trị của VNCH. Ông không quan tâm tới vấn đề vũ khí sát thương, mà cho rằng cả Obama lẫn Nguyễn Xuân Phúc bây giờ chỉ chú tâm vào vấn đề TPP thôi. Vì thực chất Việt Nam đang lâm nguy về kinh tế chứ chưa phải là quân sự. Vụ miền Trung cá chết, đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, chết khô. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, Ngân Hàng Thế Giới ngưng các khoản vay ODA... Nếu TPP sớm đi vô thực hiện, tạo một làn sóng đầu tư mới, giống như sau WTO trước đây, thì Việt Nam kéo lùi được thời gian khủng hoảng kinh tế, ít ra là thêm được một thời gian nữa.
Trả lời về “nút chặn” cuối cùng của TPP đối với Hà Nội là vấn đề công đoàn độc lập. Một nhà văn tự do ở Sài Gòn nhận xét: “Sẽ qua hết thôi!  Hiệp định cho phép cần thời gian để thực hiện, hết hiệu lực thì có thể lập một công đoàn giả hiệu, hay có thể là một công đoàn thiệt đi, nhưng cài cắm người kiểm soát, đâu có phải là quá khó đối với Hà Nội?”
Thế đấy! Ngày mai Tổng Thống Obama sẽ tới Sài Gòn. Qua cửa kiếng xe chống đạn, ông sẽ thấy một Sài Gòn, với những đám đông cuồng nhiệt. Nhưng chắc chắn ông không thể thấy những tâm tư riêng biệt của người dân Sài Gòn. Nơi đã từng là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, thời chiến tranh.
Văn Lang/Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét