Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Ra Mắt Hồi Ký Tình Yêu, Ngục Tù Và Vượt Biển Phóng Viên Chiến Trường Dương Phục & Vũ Thanh Thủy - Triều Giang

Inline image 1Inline image 2
<!> 
Inline image 4
                   
HÌnh trái, phiá trên là hình bỉa của cuốn hồi ký. Hình phải: hai tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ phát biểu  trong phần chào mừng và cảm tạ quan khách. Hình dưới:  ban hợp ca của nhóm 100 với nhạc phẩm Và Con Tim Đã Vui Trởi lâ của nhạc sỹ Đức Huy.

Buổi Ra Mắt

Khoảng 600 quan khách đã tề tựu tại phòng ballroom của nhà hàng Kim Sơn trên đại lộ Bellaire, của thành phố Houston vào lúc 10 giờ sáng Chủ nhật 15 tháng 5, 2016 để tham dự buổi ra mắt đầu tiên cuốn hồi ký do hai nguyên phóng viên chiến trường đồng tác giả; ông Dương Phục và bà Vũ Thanh Thuỷ hiện cùng là chủ nhân điều hành đài phát thanh Saigon Houston 900 AM tại Houston. Hồi ký: Phóng Viên Chiến Trường : Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển do Tủ Sách Tiếng Quê Hương tại Virginia vừa xuất bản.
Quan khách, ngoài số thính giả đông đảo của Đài Saigon 900 AM, bao gồm những vị dân cử như: Dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ, nghị viên thành phố Houston Steven Le, các thành viên của Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston & Vùng Phụ Cận, đại diện đông đảo các hôi đoàn, thân chủ và thân hữu của hai tác giả, và hầu như có mặt đầy đủ giới truyền thông, báo chí Việt Nam tại Houston. Đặc biệt cuối tuần này cũng là dịp họp mặt của giới báo chí các ngành truyền thông quốc gia của VNCH trước 1975, nên một số đông ký giả, nhà văn, nhà báo và giới truyền thông trước 1975 đã góp mặt.
Chúng tôi ghi nhận có ông Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng trưởng Thông tin; nhà văn  Uyên Thao, cựu Tổng thư ký nhật báo Sóng Thần, hiện cùng chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương với nhà văn Trần Phong Vũ; nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh, chủ nhiệm Thời Báo Houston, cũng là một trong hai người chủ trương Báo Diều Hâu trưóc năm 1975, nhà báo Lê Phú Nhuận của đài phát thanh Sàigòn và Việt Tấn Xã trước 75, các ký giả Nguyễn Tuyển của nhật báo Người Việt tại California, Nguyễn Mạnh Tiến, cũng là phóng viên Nam Nguyên của đài phát thanh RFA, từng làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn và báo Sóng Thần, nữ ký giả Yến Tuyết thuộc đài phát thanh Sài Gòn,… những người từng là đồng nghiệp với hai tác giả trong hơn nửa thế kỷ qua đã đến đây để chia sẻ và chung vui với đứa con tinh thần mà hai tác giả đã ấp ủ gần 40 năm qua.
Hai MC ông Trịnh Tiến Tinh và nữ Thẩm Phán Hoàng Bảo Khanh mở đầu với phần nghi lễ chào cờ và mặc niệm. Buổi ra mắt được tiếp nối bằng video clip chiếu trên 2 màn ảnh lớn với những đoạn phim của chương trình “20/20 “thuộc hệ thống truyền hình ABC với nữ ký giả truyền hình nổi tiếng Barbara Walter giới thiệu chương trình “Cứu Người Vượt Biển” của Tổ chức Boat People SOS mà hai tác giả Dương Phục-Vũ Thanh Thuỷ đã tham gia trong thập niên 80 sau khi họ định cư tại Hoa Kỳ. Chính họ đã từng là thuyền nhân và là nạn nhân của hải tặc. Họ đã cùng với nhiều tổ chức khác như “Hội Y Sĩ Thế Giới” (Doctors of the World) của Pháp và “Cap Anamur” của Đức… trở lại vùng biển Đông để cứu vớt thuyền nhân Việt Nam. Nỗ lực của những tổ chức này đã cứu được hơn 3,000 thuyền nhân đang trong nguy khốn cùng cực vì sóng gió, đói khát và hải tặc trong thập niên 80.
Nhìn cảnh bà Vũ Thanh Thuỷ mở lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH để làm hiệu cho chiếc thuyền mỏng manh đầy ắp thuyền nhân trên biển Đông với những gương mặt xạm đen vì nắng gió và nét kinh hoàng còn in dấu trên đôi mắt của họ, và cảnh nhà báo Dương Phục thăm trại tị nạn với những căn lều rách nát, đông đúc, chen chúc những người  không ai là không xúc động. Quan khách như đang sống lại với những ngày đau thương đó, chuyện như mới xảy ra hôm qua.
Chương trình được tiếp nối bằng ba bài diễn văn của ba diễn giả chính: Nhà truyền thông Lê Văn, cựu Chủ Biên chưong trình Việt ngữ của đài VOA, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, sáng lập viên hội Văn Hoá Khoa Học, và nhà văn Trần Phong Vũ trong Ban chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương.
Ngoài ra, còn một số nhà văn, nhà truyền thông và thân hữu được mời phát biểu cảm tưởng như cựu Bộ trưởng bộ Thông tin Nguyễn Ngọc Linh, nhà văn Uyên Thao, nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến, nhà báo Yến Tuyết, nhà báo Triều Giang, nhà truyền thông Thu Nga, LM. Phạm Hữu Tâm…
Xen kẽ các bài phát biểu là một chương trình văn nghệ với những ca khúc tình tự quê hương đi kèm với những slide show trong chủ đề “30-4, Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” do nhóm nghệ sĩ tài tử của Houston phụ trách phong phú và đặc sắc với sự góp mặt của các nhạc sĩ Võ Đức Phương, Hoàng Phúc, cùng các ca sĩ Bạch Hạc, Tiểu Muội, Hoàng Kim Thành, Nguyễn Đức Cường và Kim Thoa với ca khúc “Quê Hương Mình Ngộ Quá Phải Không Anh,” phổ thơ của cô giáo Trần Thị Lam.
 
Trên 500 cuốn sách đã được bán hết tại chỗ. Trên 600 ghế đã đầy. Một số quan khách đã phải đứng để tham dự. Buổi ra mắt kết thúc khoảng 3 giời chiều sau phần ký tên lưu niệm của hai tác giả.
 
 
 
Tác giả

Vào làng báo từ giữa thập niên 60; ông Dương Phục sanh ngày 9 tháng 9, 1945 là gốc người miền Bắc nhưng sanh tại Thanh Hoá khi cha ông được chuyển đến đây làm việc. Đang là sinh viên Luật, ông được nhận vào làm cho đài phát thanh Sài Gòn. Năm 1969, động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ông được điều về phục vụ Đài phát thanh Quân đội và cộng tác với nhật báo Sóng Thần. Ông là một trong số ít ỏi những phóng viên lúc bấy giờ được huấn luyện qua các khóa học của Bộ Thông tin dưới thời Tổng trưởng Thông tin Nguyễn Ngọc Linh và còn được học khóa nhảy dù cùng với hai phóng viên dân sự khác là Lê Phú Nhuận và cố phóng viên Vũ Ánh để có thể nhảy dù thẳng vào các chiến trường để làm những bản tường trình nóng hổi tới thính giả toàn quốc qua làn sóng đài phát thanh Quân đội và Sài Gòn. Ông được chọn vào phái đoàn đại diện Việt Nam Cộng Hoà trong Hội nghị bốn bên, và là một trong 3 người của miền Nam Việt Nam đầu tiên đến đất Bắc Việt Nam sau gần 20 năm Bắc Nam chia cắt tại vĩ tuyến 17 để bàn về vấn đề trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ông phải vào tù, rồi vượt ngục, vượt biển và đến Hoa Kỳ năm 1980.
Bà Vũ Thanh Thủy sinh ngày 24 tháng 9 năm 1950 tại Hà Nội. Bà vào nghề báo trong một dịp tình cờ. Đến khi có cuộc họp báo Mậu Thân Huế về những mộ chôn tập thể, bà tham gia và sau đó tình nguyện săn tin tại các chiến trường. Trong những năm tháng này, bà có dịp làm việc chung và trở thành bạn với nhiều ký giả ngoại quốc tên tuổi như Marie Joannidis, Oriana Fallaci. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ cũng từng cộng tác (free lancer) với báo Le Monde, hãng thông tấn AP và từng được tướng Đỗ Cao Trí tặng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc vì sự dũng cảm của bà trong việc săn tin tại chiến trường Cam Bốt. Sau bà kết hôn với phóng viên Dương Phục, sanh con gái đầu lòng Thuận An vào những ngày Sài Gòn hấp hối. Khi chồng phải vào tù tập trung cải tạo của Cộng Sản, bà giúp chồng vượt ngục rồi vượt biên và cùng chồng và hai con đến Mỹ vào năm 1980. 

Tác phẩm

Giống như tựa đề: Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển, cuốn hồi ký của hai phóng viên chiến trường nói về cuộc đời thăng trầm cùng với vận nước của họ. Họ yêu nhau trong chiến tranh, “hoà bình” đến thì bị đẩy vào ngục tù, sống không nổi trong nhà tù nhỏ được mỹ từ hoá là “trại học tập cải tạo”, và nhà tù lớn là xã hội Việt Nam đang oằn oại dưới gông cùm Cộng Sản, họ vượt ngục và cuối cùng vượt biên.
Từng đoạn đời của họ được kể lại trong một bối cảnh lịch sử của hai thập niên 60 và 70 của Việt Nam đầy máu lửa chiến tranh, bạo lực, chết chóc. Khi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Lúc mà nhân phẩm của con người bị chà đạp, bị thách đố đến cùng cực. Giữa cái đúng và cái sai, điều thiện và điều ác chỉ cách nhau có một sợi chỉ mỏng manh. Theo bản năng, họ đã làm gì để sinh tồn và lý trí họ đã phải ứng xử ra sao để sống còn nhưng vẫn giữ được nhân phẩm? Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biên trả lời độc giả câu hỏi này và gói ghém hành trình vượt thoát gông cùm Cộng sản để tìm tự do của hai người Việt Nam, hay nói đúng hơn, của một gia đình Việt Nam; gia đình của hai tác giả Dương Phục-Vũ Thanh Thuỷ. 

Có gì lạ?

Có thể có ngưòi đã nghĩ rằng: lại thêm một hồi ký của người tù và thuyền nhân vượt biển, đã có hàng trăm cuốn được xuất bản trong hơn 40 năm qua. Có gì là lạ?
Sự thực Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển có rất nhiều điều lạ. Đây là hồi ký của hai phóng viên hành nghề và đã có tên tuổi từ trước 1975. Cái nhìn của họ sắc bén và tinh tế về những sự kiện xảy ra chung quanh với từng chi tiết mà người thường không chú ý. Và vì ngoài việc làm chứng nhân, họ còn là nạn nhân nên những cảm xúc sâu xa của họ được kể lại với những chi tiết sống động khiến người đọc như đang sống với họ trong từng giây phút mà họ đã trải qua. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ đã phát biểu trong phần chào mừng và cảm tạ quan khách: “Rất nhiều cuốn sách đã viết lại những chuyện này, nhưng chúng tôi, là những phóng viên chiến trường, viết lại như bản tường trình của nhân chứng, kể lại những điều mắt thấy, tai nghe, chính mình kinh qua, trải nghiệm, như người thợ chụp hình, như chuyên viên ghi lại những âm thanh, như người thân kể chuyện đời mình lại cho những người thân khác”.
 
Vì cả hai đều là những ký giả có kinh nghiệm nên khi viết hồi ký thì hơi khó về việc quyết định ai là người viết chính, ai là người viết phụ? Cách xưng hô ra sao và khi nói về người kia phải dùng danh xưng thế nào để người đọc cảm thấy gần gũi nhưng không mang tính cách của một cuốn tiểu thuyết cải lương. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ chia sẻ: “Nội dung câu truyện thì đã có sẵn, chỉ cần sắp xếp những chi tiết và thời gian là được. Nhưng cái khó là phải xưng hô làm sao đây? “tôi” và “chàng” hay “tôi” và “nàng”? Nghe sao có vẻ cải lương quá! Có như vậy thôi mà chúng tôi loay hoay hết 10 năm, không biết phải quyết định ra sao? Cuối cùng, nhân một dịp Đài Saigon Houston thực hiện chương trình tưởng niệm Tháng Tư Đen 1975, chúng tôi đọc một số trích đoạn trên đài phát thanh 900 AM. Mỗi người thay phiên đọc phần của mình viết về từng giai đoạn hay sự việc giống nhau nhưng ở góc cạnh của mỗi người. Cách xưng hô thì xưng “tôi” và nói về người kia thì dùng tên: “Phục” hay “Thuỷ”. Những bài đọc này được thính giả thích thú và tán thưỏng. Chúng tôi quyết định cứ giữ như vậy”.
Nhà truyền thông Lê Văn, cựu chủ biên chưong trình Việt ngữ của đài VOA, một trong ba diễn giả chính của buổi ra mắt với giọng hóm hỉnh và duyên dáng, ông nhận định:”Tôi rất thích lối viết xen kẽ. chàng viết một đoạn mô tả lại sự việc theo nhận định của mình, nàng lại viết một đoạn khác nói lên quan điểm của nàng về cùng một sự việc đó, phần nhiều là để bổ túc cho nhau nhưng đôi lúc cũng có sự khác biệt”
Thêm vào đó là phần phụ lục với bộ sưu tập hình ảnh riêng tư của gia đình cũng như về chiến tranh, về xã hội chung quanh, về cảnh tù đày, vượt biển thật phong phú và giá trị..

Nguồn tài liệu trung thực. quý giá

Chiến tranh VN đã chấm dứt hơn 40 năm qua, tại Hoa Kỳ đã có nhiều trăm cuốn sách viết về cuộc chiến tranh VN. Một số không ít đã viết bởi những phóng viên chiến trường người Mỹ. Xin đơn cử một vài như nữ ký giả Frances Fitzgerald với cuốnFire In The Lake, Neil Sheehan với cuốn A Bright Shining Lie, Marilyn B. Young với cuốn The Vietnam War 1945-1990, Stanley Karnow với Vietnam War A History…những ký giả này khi đến VN, họ hầu hết không nói đưọc tiếng Việt, không hiểu gì mấy về lịch sử và văn hoá VN, nên dù họ có ngồi ngay tại Sàigòn hay đi ra ngoài chiến trận, họ không biết gì hơn ngoài những gì người thông dịch nói cho họ biết. Cuốn The Spy Who Loves Us của phóng viên chiến trường Thomas A, Bass tiết lộ hầu hết những tin tức các ký giả Hoa Kỳ nhận từ cơ quan thông tin của Hoa Kỳ và VNCH qua các bản tin, phần còn lại họ đi săn các nguồn tin lạ tại các quán cà phê Grival, Catinat, Continental thời bấy giờ để tìm gặp nguồn cung cấp của loại tin này là Phạm Xuân Ẩn, một tướng tình báo Việt Cộng đội lốt ký giả cho báo Time Magazine. Do đó, cái nhìn của họ về chiến tranh VN nghiêng hẳn về phiá CS hoặc quan điểm chống chiến tranh VN. Buồn thay, những sách vở của họ lại là nguồn cung cấp dữ kiện cho các nhà viết sử để giảng dạy cho con em chúng ta tại học đường Hoa Kỳ.
Biết bao ký giả Hoa Kỳ lấy chiến tranh VN là nơi để thăng tiến nghề nghiệp. Hàng chục ký giả, nhiếp ảnh viên Hoa Kỳ đươc lãnh giải thưởng cao quý như Pulitzer. Chiến tranh chấm dứt, họ trở về Mỹ và coi thời gian họ làm việc tại VN là những thành tích huy hoàng trong tiểu sử của họ. Có những người lên ngôi vị hàng đầu của ngành truyền thông Hoa kỳ với những số lương hậu hĩnh như Walter Cronkite, Dan Rather, David Brinkley, Peter Arnett, Philip Caputo, Tom Wolf. Và cả hai ngưòi bạn phóng viên ngoại quốc của tác giả Vũ Thanh Thuỷ mà bà đã nhắc đến trong hồi ký là Marie Joannidis gốc Hy Lạp, và Oriana Fallaci gốc Ý. Cuộc đời sự nghiệp của họ đã đến tột đỉnh vinh quang, nhưng ngay cả tác phẩm của họ cũng đã và đang được CSVN chọn dịch để dùng làm phương tiện tuyên truyền. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ chia sẻ với người viết về một cuốn sách của bà Oriana Fallaci được nhà nước Cộng Sản dịch ra tiếng Việt dưới tựa đề “Cuộc Sống, Cuộc Chiến Tranh…Và Rồi…” (không biết có phải đã đưọc dịch từ nguyên bản của cuốn: Wir, Engel Und Bestien: Ein Bericht Aus Dem Vietnamkrieg, là một trong trên 30 tác phẩm của Oriana Fallaci hay không?), trong đó có câu mà nhà xuất bản tâm đắc nhất đưa vào phần giới thiệu: “Cuộc sống là phải chiến đấu. Như một Việt Cộng.” Vì không có nguyên bản nên chúng tôi không dám kết luận câu nói thiếu hiểu biết, hàm hồ đến lố lăng này đã được dịch trung thực từ nguyên bản hay không? Nhưng một điều rõ ràng là cả tác giả lẫn tác phẩm đang bị CSVN xử dụng vào mục tiêu tuyên truyền của họ. 

Một công trình hiếm họi 

Riêng với các ký gỉa miền Nam Việt Nam, khi Cộng sản chiếm chính quyền, họ đã bắt trên 100 ký giả, nhà văn vào tù và coi họ như những “phần tử nguy hiểm cho chế độ”. Rất nhiều người đã chết trong tù. một số khác phải chịu những bản án tù nặng nề hàng chục năm như Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng. Hoàng Hải Thuỷ, Lý Đại Nguyên, Văn Quang,.. Khi ra khỏi tù, họ còn bị nhiều năm quản chế gắt gao, thêm vào số tuổi chồng chất nên hầu hết các ký giả đã không tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp. Đây là một mất mát lớn cho người Việt Nam tự do trong việc phản bác lại lịch sử sai lạc trong học đường Hoa Kỳ, trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Do đó, Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển là một trong những tác phẩm hiếm hoi của giới truyền thông báo chí Nam VN trước năm 1975.

Ông Nguyễn Ngọc Linh trong phần phát biểu đã bày tỏ sự vui mừng và hãnh diện về hai tác gỉả. Ông nói: “ Tôi rất vui và hãnh diện vì không ngờ rằng những người mà tôi từng huấn luyện đã trải qua những quãng đời khó  khăn, nay lại có thể làm công việc mà ít ai có thể làm được như cuốn hồi ký này. Tôi đã đọc một mạch trong hai đêm…”
Nhà văn Trần Phong Vũ người biết cả hai tác giả từ khi họ còn niên thiếu đã xác nhận tính cách trung thực của cuốn hồi ký khi viết về hai nhân vật. Ông bày tỏ sự hài lòng về tác phẩm và hai tác giả mà ông hằng quý mến.
Nhà văn Uyên Thao nhắc lại những kỷ niệm làm báo Sóng Thần với tác giả Dương Phục. Hôm nay với tư cách nhà chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương, ông rất vui lại được dịp làm việc với tác giả.
Ký giả Nguyễn Mạnh Tiến xác nhận tính cách trung thực của hồi ký khi nói về tình yêu và sự nghiệp của hai tác gỉả vì ông là một trong những người bạn thân từng chia sẻ vói cả hai trong suốt thời kỳ đó. Riêng chỉ có một chi tiết về việc hai tác giả đã gặp nhau lần đầu ở đâu? Vấn đề vẫn còn đang trong vòng tranh luận. Ông thì nói gặp bà ở mặt trận Khe Sanh. Bà lại bảo gặp ở Lai Khê, gần thị trấn An Lộc. Ký giả Nguyễn Mạnh Tiến thì lại cho rằng chuyện xảy ra ngay tại mặt trận An Lộc. Dù ở đâu thì gần nửa thế kỷ đã trôi qua và hai người đã có với nhau năm cô công chúa xinh đẹp, tài giỏi.
Nhà báo Yến Tuyết thì gọi hồi ký là “bản tường trình đặc biệt” nói theo ngôn ngữ chuyên môn của giới phát thanh.    
Ông Nguyễn Ngọc Bảo trong bài diễn văn hùng hồn đã so sánh Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển với Cuốn Theo Chiều Gió  của Margaret Mitchell, Chiến Tranh Và Hoà Bình  của Leo Tolstoy, Về Miền Đất Hứa của Leon Uris mà ông hằng yêu mến.
LM. Phạm Hữu Tâm ghi nhận những đóng góp trong mọi sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hoá của hai tác giả trong cộng đồng người Việt Houston. Theo LM. Tâm cuốn hồi ký là một đóng góp đặc biệt của hai tác giả mang tính cách ích lợi lâu dài cho giới trẻ.
Riêng với người viết, khi biết hai tác giả Dương Phục – Vũ Thanh Thuỷ viết và đang dịch hồi ký Tình Yêu, Ngục Tù Và Vượt Biểnsang tiếng Anh, chúng tôi rất lấy làm vui mừng và hy vọng hồi ký này sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp những dữ kiện lịch sử trung thực về chiến tranh Việt Nam và nhất là Việt Nam thời hậu chiến để giúp vào việc phản bác những thông tin sai lạc của giới ký giả, nhà báo ngoại quốc, những người đóng vai “cưỡi ngưạ, xem hoa” trong cuộc chiến tranh VN và hầu như không biết gì về Việt Nam thời hậu chiến.

Di sản tinh thần 

Hơn thế nữa, ở hoàn cảnh chúng ta, những “người thua cuộc” không giống như “bên thắng cuộc”, họ có quyền cao chức trọng, có nhà cửa, dinh thự nguy nga cướp được của người khác để truyền lại cho con cháu, chúng ta chỉ có một di sản tinh thần là bài học làm người, phải làm sao để đứng dậy với nhân cách sau khi ngã? Chính nhân cách này sẽ giúp con cháu chúng ta đứng thẳng trước những bất công của xã hội, không chịu khuất phục trước những áp bức của bạo quyền. Cũng như chính di sản tinh thần này đã giúp những người dân từ Vũng Áng của miền Trung tới đồng bằng sông Cửu Long đứng dậy đòi quyền làm người, đòi một môi trường trong sạch, một chính quyền minh bạch mà cả thế giới đang nhìn vào với sự đồng cảm và thán phục.
Hai tác gỉa Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ đã thai nghén trong suốt 40 năm để cho ra đời một tác phẩm để đời. Những người con của họ: các cháu Dương Vũ Thuận An, Châu Giao, Bình Minh, Trang Thu, Mai Kim và cả những người trẻ VN sẽ hãnh diện và mang ơn vì cả hai tác giả đã trao lại cho các em bài học là chính phần đời mà họ đã sống bằng mồ hôi, nước mắt, và cả máu trong quá khứ. Hôm nay đây, bài học này được họ đã và đang ghi lại bằng chữ nghĩa với cả nhiệt huyết và tấm lòng yêu thương để trao lại cho các em và con cháu các em mẵi mãi sau này.

Sách dầy gần 700 trang. Giá bán $30 USD, Độc giả muốn mua sách xin liên lạc với: 
Dương Phục-Vũ Thanh Thủy 
Radio Saigon Houston 
10613 Bellaire Blvd., Suite 900 
Houston, TX 77072. 
Điện thoại: 713-917-0050

* Triều Giang (05/2016) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét