Hôm nay chúng ta sẽ nói chyện đời, vì đời và đạo là hai mặt của một đồng tiền. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà có. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Không phải chỉ nói thiền, tịnh, vô ngã, tánh không, v.v... mới là Phật pháp mà ngay cả những chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, gánh nước, bửa củi, lặt rau, rửa chén, quét nhà cũng là Phật pháp. Phật pháp không hẳn chỉ dạy cầu niết bàn, vì căn cơ chúng sinh khác nhau, đâu phải ai cũng muốn thành A La Hán, Bồ Tát, hay thành Phật hết.
<!->
Vì thế mới có ngũ thừa Phật giáo: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ tát thừa. Có một kinh điển hình nói về nhân thừa, đó là kinh Thi Ca La Việt (Sigalo-vadasutta), trong đó Phật giảng cho một thanh niên dòng Bà la môn, con nhà giàu ở thành Vương Xá. Ngoài ra lúc còn tại thế đức Phật vẫn thường giảng cho các cư sĩ tại gia sống làm sao cho an vui hạnh phúc, giảng cho vua chúa cách an dân trị nước, những kinh này bàng bạc trong các bộ A-Hàm.
Qua những dịp tiếp xúc với Phật tử, tôi thấy có nhiều người khổ vì tình. Tình ở đây gồm đủ loại: tình vợ chồng, tình cha con, tình anh em, tình yêu, tình bạn, tình đời, v.v... Nhờ có khổ như vậy mới đến chùa học hỏi mong sao hết khổ. Nhưng phần đông lại rơi vào một trường hợp, đó là lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh bổn phận gia đình, chồng con, vì chồng con nhiều lúc đã làm mình đau khổ. Hãy nhìn hoàn cảnh của người phụ nữ Việt Nam . Theo truyền thống phong tục tập quán, người đàn bà chỉ biết suốt đời hy sinh cho chồng con, nhưng rồi ít có chồng con nào ý thức được sự hy sinh đó. Nho giáo đã xem nhẹ vai trò của người phụ nữ. Cái gọi là tình vợ chồng thật ra là nghĩa vợ chồng. Thời xưa người ta cưới gả nhau ít vì tình mà vì môn đăng hộ đối, hoặc tìm chỗ nương thân, sống chung cho đỡ hiu quạnh. Khi ký một hiệp ước sống chung thì mỗi người phải có bổn phận. Bổn phận làm vợ phải thế này, bổn phận làm chồng phải thế kia. Người phụ nữ phải tam tòng tứ đức. Nhiều cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ hạnh phúc, mỗi người làm đúng bổn phận của mình, nhưng bên trong rất nhạt nhẽo vô tình, không có sự thương hiểu lẫn nhau. Tuy sống chung một mái nhà nhưng trong lòng cách xa nhau cả ngàn cây số, mỗi người sống riêng trong thế giới của mình. Sống như vậy đâu có vui thú gì, đúng là oán tắng hội khổ. Nay mình biết chùa muốn tu, muốn dứt bỏ chồng con, nhưng ai cho phép? Nhiều bà, nhiều cô muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng chồng không cho phép. Những ông chồng này nói rằng: muốn tu thì cứ việc tu, đâu ai cấm, nhưng phải làm tròn bổn phận người vợ trước đã. Ở đây tôi không thể bênh vực bên nào cả, vì mỗi khi có sự bất hòa thì cả hai bên đều có phần trong đó. Không có ai phải, ai trái mà chỉ có một sự thiếu hiểu biết, không thông cảm, không thực sự thương yêu và thay vào đó là một sự đòi hỏi kẻ khác phải chiều theo ý mình.
Tu học không phải để chạy trốn chồng con. Tu học để tỉnh thức, nhận ra những điều mà trước đây mình không hề hay biết. Nhiều người phàn nàn, chán ngán chồng con, nhưng trước kia ai bắt mình lấy người đó, ai bắt mình đẻ con? Nếu không thương mà lỡ lấy vì bất cứ lý do gì đi nữa thì mình cũng có 50% trách nhiệm. Nếu thương mà lấy thì 100% trách nhiệm. Sinh con ra để làm gì? Ai bắt? Vì thương yêu hay vì bổn phận? Những quan niệm như con trai lớn lên phải có vợ, con gái lớn lên phải có chồng, rồi phải sinh con đẻ cái, v.v... đã gây đau khổ cho nhiều thế hệ.
Con người là loài hữu tình, tiếng Phạn là sattva, có nghĩa là có tình cảm. Ai cũng muốn thương và được thương. Khi thương ai mà được người kia thương lại thì chúng ta sung sướng. Khi cưới được người mình thương thì đúng lý ra ta phải sung sướng chứ? Việc hôn nhân cần phải đạt trên nền tảng của tình yêu. Thương yêu nhau mới cưới và muốn sống chung với nhau. Ở đây tôi không bàn đến những cuộc hôn nhân miễn cưỡng, bất đắc dĩ, vì đương nhiên những cuộc hôn nhân như vậy vô nghĩa, vô tình, làm sao đưa đến hạnh phúc được! Nhưng ngay cả những cuộc hôn nhân do tình yêu đi nữa, sau một thời gian cũng đưa đến sự nhàm chán. Như vậy là sao? Trước kia ở Việt Nam , vấn đề ly dị là điều tối kỵ, dù vợ chồng bất hòa đánh nhau đến đổ máu cũng phải cắn răng sống chung cho tới chết. Ngày nay vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị.
Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là ly dị cho chúng ta bài học gì? Chúng ta hiểu được gì? Hay cứ nhắm mắt theo đà, tái diễn lại cảnh khổ. Nhiều lúc khổ quá muốn đi tu, nhưng tu làm sao yên khi tình cảm hãy còn ướt át? Tôi xin nhấn mạnh một điều là tu không phải dứt tình mà là chuyển tình. Quan niệm chung thường cho rằng tu là dứt hết tình như câu kệ xuất gia:
Hủy hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thế nhân.
Dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy để thành gỗ đá chăng? Cây cỏ, núi sông còn có tình huống chi con người.
Chúng ta đau khổ vì tình, vì tình của chúng ta là thứ tình ích kỷ, tình thương chiếm hữu mang nhiều tính chất ái luyến của ngã và vô minh. Thương mà không biết cách thương nên làm cho kẻ khác bực bội, khó chịu đau khổ.
Tu là sửa, là chuyển. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương ích kỷ, chiếm hữu thành tình thương ban bố vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật, thương thầy của mình thôi, không biết thương yêu kẻ khác thì đó đâu phải là tu. Phật là người đại từ, đại bi thương chúng sinh, Phật đâu phải là người vô tình. Mặt trời tỏa ánh sáng cho khắp mọi loài, cho cả thế giới, cho khắp vũ trụ, không tỏa riêng cho người giàu, cho nước Mỹ , Canada , hoặc cho riêng trái đất.
Ở Việt Nam trong thời chiến, khi nghe tin người yêu tử trận, nhiều cô nữ sinh ngất xỉu, thấy bầu trời sụp đổ, không còn lẽ sống, có cô quyên sinh tự tử. Ðó là vì dồn hết tình yêu vào một cá nhân, một đối tượng. Một bà mẹ có đứa con cưng độc nhất, chẳng may nó bị bệnh qua đời, bà ta có thể đau khổ phát điên lên được. Nhưng nếu bà ta có mười đứa con và bà thương yêu mười đứa như nhau thì chắc chắn bà sẽ chỉ đau khổ một phần mười mà thôi.
Ở Làng Hồng, vào mùa hè mỗi năm, có rất nhiều gia đình gồm vợ chồng con cái về làng tu học. Thầy Nhất Hạnh giảng dạy những cách thức sống làm sao cho gia đình được hạnh phúc. Có nhiều người 'chuyên tu' phàn nàn rằng thầy không chịu dạy tu mà chỉ dạy hạnh phúc gia đình, thầy chú trọng về đời nhiều! Có lẽ những người này cho tu chỉ là tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật thôi. Quan niệm tu như vậy thật là giới hạn. Từ đấy họ suy ra một ông thầy tu chỉ biết gõ mõ tụng kinh thôi, ngoài ra không biết gì về việc đời. Ðương nhiên cũng có những thầy tu như thế chứ không phải không, nhưng theo Ðại Thừa Phật giáo, một thầy tu là người phát nguyện tự lợi, lợi tha, đi vào cuộc đời để cứu nhân độ thế. Ngay cả người cư sĩ sống trong đời cũng chưa chắc hiểu được cuộc đời. Một thầy tu có thể nghiên cứu tâm lý học, phân tâm học, xã hội học, nhân chủng học, v.v... để hiểu rõ những căn bệnh của con người và để dễ dàng độ sinh hơn.
Người cư sĩ tại gia hãy còn sống với gia đình, nay học cách thức làm sao cho gia đình hạnh phúc, đó không phải là tu hay sao? Ðây cũng là nhân thừa Phật giáo, hay nói cách khác là nhân đạo (con đường làm người). Nhiều lúc nhân đạo chưa xong mà đòi ngay Phật đạo.
Tóm lại sống làm sao cho cuộc đời trở nên đáng sống, có ý nghĩa, có lý tưởng, có thương yêu, hiểu biết thì đó là Ðời Ðạo. Còn chạy theo Ðạo mà quan niệm hẹp hòi, bảo thủ cố chấp, không khoan dung độ lượng thì đó là Ðạo Ðời. Có người sống cả đời chỉ để làm một việc lợi ích thôi, như Lão tử, đến và đi không tung tích, để lại độc nhất một quyển Ðạo Ðức Kinh giá trị vô cùng. Há không phải là một đại thiền sư hay sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét