Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Obama cầm dù, trú mưa bên quán nghèo ở Mễ Trì Hạ

Một poster hình ông Obama tại Hà Nội. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
VIỆT NAM - Chống Trung Quốc, muốn thân thiện với Mỹ, là tâm lý đã sẵn có trong lòng người dân Việt Nam và sức hấp dẫn của cá nhân Tổng Thống Obama đã làm nổi bật thực tế ấy trong ba ngày thăm viếng Việt Nam của ông
<!->.
Vì vậy bên cạnh tất cả những nhận định của các nhà bình luận chính trị, những lời diễn giải hay phủ nhận của giới chức các bên, một kết quả nổi bật nhất trong ba ngày qua là sự hào hứng phấn khởi của dân chúng Việt Nam khi tiếp đón nhà lãnh đạo nước Mỹ đến hai thành phố chính của đất nước mình.


Không ai có thể đoán được là việc Tổng Thống Obama vào ăn bún chả trong một quán bình dân ở Hà Nội tạo nên tác động và ảnh hưởng sâu sắc hơn tất cả những gì mà ông muốn đề cao về mối quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia và hai dân tộc.
Hầu như tất cả báo chí trong nước chưa bàn luận gì về những quyết định manh tính cách chính trị – như bãi bỏ cấm vận vũ khí – hay kinh tế – như vụ Vietjet mua 100 máy bay của Boeing với giá $11.3 tỷ. Trên tất cả các trang báo điện tử, từ VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing, ... người ta chỉ thấy những bài viết, hình ảnh và video nói đến  chuyện Tổng Thống Obama đi ăn bún chả, và rất nhiều chuyện khác liên quan. 
Tổng Thống Obama không bỏ qua những cơ hội có thể tiếp cận trực tiếp người dân Việt Nam.

Buổi trưa Thứ Ba, từ khách sạn Marriot đi ra phi trường Nội Bài bay vào Sài Gòn, Tổng Thống Obama cho ngừng ở ngôi chợ nhỏ cổng làng Mễ Trì Hạ, ra khỏi xe để … trú mưa dưới chiếc lán tạm của một quán nước. Ông lưu lại đây gần một giờ, đứng cầm dù và bắt tay người dân, chụp ảnh lưu niệm với chủ hàng trà đá.

Qua hàng loạt hình ảnh, video,  trên các báo mạng, người ta thấy hàng ngàn dân Hà Nội, và ở Sài Gòn còn đông đảo hơn nữa, kiên nhẫn đứng dọc hai bên những con đường đoàn xe Tổng Thống đi ngang. Tại Sài Gòn, dự đoán Tổng Thống Obama có thể ra ngoài đi ăn ở đâu đó giống như tại Hà Nội, nên từ chập tối Thứ Ba, 24 tháng Năm, hàng ngàn người tập trung trên các tuyến đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du quanh khách sạn và kiên nhẫn chờ đợi tới gần nửa đêm với mong muốn một lần được gặp và thân mật bắt tay nhà lãnh đạo nước Mỹ.
Một số người khác chọn lối dễ dàng hơn bằng cách tìm gặp những giới chức trong phái đoàn tháp tùng Tổng Thống như Ngoại Trưởng John Kerry. Sau suốt một ngày bận rộn với lịch làm việc dày đặc ở Hà Nội và Sài Gòn, ông Kerry đã có những giây phút thảnh thơi đi ăn tối ở Bitexco đại lộ Nguyễn Huệ, tòa nhà cao nhất Saigon, 601 feet với 68 tầng. Bước ra khỏi xe, ông tươi cười vẫy tay chào thân mật chào đám đông đứng chờ và dừng lại trò chuyện, bắt tay mọi người, kể cả các em bé. Ông Kerry là người có đóng góp lớn trong quá trình dẫn tới quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia như ngày nay.
Trong lời phát biểu tại cuộc họp báo chung với chủ tịch Việt Nam, Trần Đại Quang, Tổng Thống Mỹ Barack Obama nói "xin chào," "xin cám ơn," bằng tiếng Việt khi mở đầu và kết thúc bài phát biểu, đồng thời ông nhắc đến món cà phê sữa đá với niềm thích thú. "Tôi đang mong chờ có cơ hội trò chuyện với người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ thích thú với cà phê sữa đá," ông Obama nói, trong phần cuối bài phát biểu.
Trái với những nhận định ban đầu của một số nhà bình luận chính trị, cho rằng chuyến thăm của Tổng Thống Obama diễn ra với nhiều miễn cưỡng, kể cả sự tiếp đón đủ thủ tục chứ không trang trọng như đón chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Nhận xét ấy có phần phiến diện, vì hai phía Việt Nam – Hoa Kỳ đã bàn thảo hoạch định rất kỹ mọi chi tiết, trong đó chắc chắn phải có sự cân nhắc, tránh gây ra những phản ứng phụ ngoài ý muốn từ quốc nội cũng như phía Trung Quốc.
Những hình thức rườm rà chỉ mang tính thủ tục ngoại giao bình thường không được coi là yếu tố quan trọng. Ngay báo chí trong nước cũng chỉ nói nhiều về việc Tổng Thống Obama đi ăn bún chả như thế nào chứ không chú ý đến thực đơn buổi tiệc chiêu đãi chính thức của nhà nước, bao gồm nộm xoài cát nướng, nem bao cánh én, cuốn ba miền (nem rán, nem cuốn, phở cuốn), càng cua bể bao rong biển, súp tôm hùm bách ngọc, cua bấy chiên bơ xốt trứng muối, miến om dùng gà, thăn bò nướng phên sốt mận, khoai lẵng quà - rau xanh om bơ...
Chuyến đi của Tổng Thống Obama như vậy là một cuộc thăm viếng hoàn hảo và thành công, cả về hình thức và nội dung, một cuộc trình diễn ngoạn mục nhưng không vì thế mà bỏ qua những mục đích cần phải đạt được. Ba nội dung chính là TPP, vấn đề Trung Quốc và nhân quyền tại Việt Nam đều được thể hiện minh bạch bằng cách này hay cách khác.
Hoàn toàn bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí là quyết định mà nhiều người lúc đầu hoài nghi sẽ không tới mức đó. Không trực tiếp nói về những thỏa thuận đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông nhưng trong bản tuyên bố chung Việt – Mỹ, những nguyên tắc ứng xử được khẳng đĩnh không úp mở. Và trong bài nói chuyện dài nửa giờ tại Hà Nội trước 2,000 người, một lần nữa, sau khi đã nói trong cuộc họp báo với chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng Thống Obama nói rằng “nước lớn không được ăn hiếp nước nhỏ,” và minh xác: “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam.” Ông cũng dẫn lời bài thơ lịch sử của Lý Thường Kiệt: Nước Nam của vua Nam, ý Trời đã định như thế. Tổng Thống Obama trong nhiều dịp đã dẫn lời ca dao, tục ngữ và thơ văn Việt Nam, từ Nguyễn Du cho tới Thích Nhất Hạnh, Văn Cao, Trịnh Công Sơn.

Về nhân quyền, sau buổi gặp gỡ một số nhà hoạt động xã hội dân sự, bài phát biểu của Tổng Thống Obama không ngần ngại chỉ trích chính quyền Việt Nam và thẳng thắn đưa ra những khuyến cáo mà theo ông Việt Nam sẽ phải thi hành để có thể tiến tới trong tương lai. Chưa biết việc này nên sáng hôm Thứ Ba, có một điều khá khôi hài là Trung Quốc lại tỏ như phàn nàn giùm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Global Times, một tờ báo của đảng Cộng Sản viết: “Việc bãi bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam chứng tỏ Hoa Kỳ giảm nhẹ chuẩn mực đòi hỏi về nhân quyền tại Việt Nam trong mục đích kiềm chế Trung Quốc” và “Tòa Bạch Ốc dùng Việt Nam để khuấy động Biển Đông.”

Từ Saigon, ngoại trưởng John Kerry nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ tăng cường quan hệ với Việt Nam không phải để nhắm vào Trung Quốc. Ông tuyên bố: “Không phải  Trung Quốc. Tất cả những gì chúng tôi làm và nói ở đây không nhằm tập trung vào Trung Quốc. Chúng tôi chú trọng đến Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh trên thế giới.” (HC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét