Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Lẩm Cẩm Saigòn.. Văn Quang viết từ SG 02-5-2016

   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 02.5.2016 
 
Thích cả cái nhỏ nhất đến cái to nhất
 
Chuyện VN trong tuần này có vô số cái oái oăm để kể. Dường như dư luận bây giờ thích nói đủ thứ chuyện, từ chuyện “nhỏ như con kiến” đến chuyện to như cái đình.<!->
Chuyện nhỏ như con kiến như chuyện anh bán phở chưa “đăng ký kinh doanh” bị lôi ra tòa hình sự. Chuyện thích to có thể kể đến chuyện những “kỷ lục” về bánh chưng bánh dầy, tô hủ tíu, bánh trung thu to nhất nước, có thể là to nhất thế giới không chừng.
Quán cà phê “Xin Chào” và anh chủ quán
Với hai cái đề tài ấy, hầu hết các báo VN xúm nhau vào khai thác tối đa, mỗi báo thêm vào một tí chi tiết “lâm ly bi đát” câu khách. Bởi ở VN tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè. Tháng này vẫn còn trong tháng ba nên các lễ hội mở ra rất linh đình. Từ làng xã xa xôi, từ các đền phủ thờ quan lớn quan nhỏ đến các vị anh hùng dân tộc cũng được mượn danh để tổ chức lễ hội. Mỗi lễ hội thường mang về cho địa phương một khoản tiền kếch xù, tất nhiên trong đó phải có lợi ích của các cấp các ngành. Cho nên các cụ rất hăng hái “phấn khởi hồ hởi” đánh mõ khua chiêng quảng bá rầm rộ cho mọi thứ lễ hội. Nhiều nơi tổ chức lễ hội rất thực dụng, chỉ nhằm kiếm chác, tìm cách chặt chém, làm sao được lợi nhất! Nói như chân dài Ngọc Trinh thì “không có tiền cạp đất mà ăn à?” Câu tuyên bố hùng hồn trắng trợn đó của “ranh ca” mới nổi bỗng trở thành thứ “triết lý” cho những nơi cần tiền làm cứu cánh cho hành động.

Ngày 20/4, người ta đã thống kê, năm 2009, Việt Nam có 7,966 lễ hội, thế nhưng, chỉ qua bảy năm, số lượng lễ hội đã vượt quá con số 8,000, nhiều nhất là lễ hội dân gian, kế đến là tôn giáo, lịch sử. Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc của người Việt đổ vào những lễ hội của tháng ăn chơi. Mặc cho 90 triệu dân, hiện nay mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay. Tôi điểm qua vài nét về câu chuyện nhỏ xíu trước.

Đó là sự tồi tệ và không thể tưởng tượng nổi!
Chuyện anh chủ cửa hàng phở có cái tên dễ thương là “Xin Chào” bị công an lập biên bản và đưa ra tòa thành tội hình sự bỗng trở thành chuyện lớn. Cả ba tòa quan lớn bị lôi vào cuộc và phải khởi tố rồi lại được bồi thường. Câu chuyện thật ra chẳng đáng là gì, còn nhỏ hơn cái móng tay, đó là thứ chuyện đã và đang xảy ra trên khắp các hè phố, các con hẻm.

Thế mà bỗng dưng nó được bùng lên trên khắp các trang báo, nhảy vào cả Quốc Hội, hàng tá luật sư phải trổ tài hùng biện, nó như con cóc nhảy ra giữa những cuộc gọi là “tọa đàm” của các nhà nghiên cứu bằng cấp đầy mình. Chưa hết, chuyện anh bán phở còn được nâng lên tầm mức “vận mạng kinh doanh của quốc gia.” Bởi cái sự liên tưởng đến hàng triệu anh buôn bán nhỏ cũng có thể bị xử theo luật hình sự nên trong Hội nghị Kinh tế Vĩ mô vừa được tổ chức sáng 22-4 vừa qua tại Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đem vấn đề này ra bàn cãi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói trước hội nghị: "Tôi không thể tin được tại sao tư duy của cơ quan điều hành của một thành phố lớn, năng động lại ứng xử với một cá nhân kinh doanh nặng đến như vậy. Họ không có giấy phép kinh doanh thì phạt tiền, chậm đăng ký kinh doanh cũng đè ra phạt, xử lý hình sự…. mà cơ quan công an lại nói nhỏ như móng tay. Quốc gia khởi nghiệp gì mà ông bán cà phê sau 5 ngày không có giấy phép kinh doanh thì phạt 17 triệu đồng ($755) và bị cho ra tòa, đó là sự tồi tệ và không thể tưởng tượng nổi. Làm vậy làm sao chúng ta khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp nữa.”
- Đúng là chuyện bé xé ra to.

Đến nỗi Thủ tướng mới của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện cho chủ tịch UBND TP Sài Gòn - ông Nguyễn Thành Phong - yêu cầu dừng ngay việc khởi tố vụ án hình sự chủ quán cà phê. Cuối cùng Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao yêu cầu bồi thường cho chủ quán Xin Chào và bày tỏ thái độ xin lỗi chân thành đối với người bị oan. Rồi tiếp đến ông đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh bị mất chức. Bằng ấy sự việc khiến anh chủ quán phổng mũi và hy vọng hàng quán của ông nổi tiếng đắt như tôm tươi. Ngoài người thân, bạn bè, khá đông khách lạ tìm đến uống cà phê ủng hộ và chia vui với ông.

Xin cảm ơn “quý vị khách quý” đã vô tình yểm trợ cho anh hàng phở. Xin chào…
Kết luận lại là các quan thích cả cái to nhất đến cái bé nhất.

Đến chuyện thích cái to nhất
Đó cũng chính là câu chuyện của chiếc bánh chưng khủng 2.5 tấn do Công Viên Văn Hóa Đầm Sen (TP. Sài Gòn) tổ chức gói, làm lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ Tổ Vua Hùng mới đây. Chiếc bánh chưng cần tới 1.2 tấn nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt heo, 300 kg lá chuối và 50 kg lá dong, được đun nấu liền 4 ngày đêm, phải có xe cẩu di chuyển. Tính ra, chiếc bánh chưng này ngốn hết 160 triệu đồng, trong đó tốn nhất là khuôn bánh, lò (100 triệu đồng), còn lại chi phí cho bánh 60 triệu đồng.
Chiếc bánh chưng khủng 2 tấn rưỡi do Công viên Văn hóa Đầm Sen tổ chức gói,
làm lễ vật dâng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Nhà báo Hoàng Linh trên facebook của mình cho biết, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám Đốc Đầm Sen quyết định Giỗ Tổ năm sau sẽ làm cái bánh chưng… to hơn, rồi làm bánh trung thu khổng lồ vào dịp Tết Trung thu.
- Sợ chưa?!
Người dân chưa quên vụ bánh chưng, bánh dày khủng năm 2008, cũng do Công Ty Văn Hóa Đầm Sen dâng cúng vào ngày Giỗ Tổ. Chiếc bánh chưng gần 2 tấn, chiếc bánh dầy nặng gần 1 tấn. Rút cục, bánh chưng bị vữa, lên men, bánh dầy bị mốc xanh. Đặc biệt, bánh dày thật ra chỉ có lớp bột mỏng bên ngoài, bên trong hoàn toàn bằng mút xốp (mousse).

Người dân cũng chưa quên, chỉ vì tham vọng “lớn nhất, to nhất” mà trước đó, tháng 2, 2015, tô hủ tiếu “kỷ lục lớn nhất” VN được xác lập tại Hội Hoa Xuân tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp), có đường kính 1.5 m, sâu 0.7 m, được nấu bằng 100 kg hủ tiếu gạo, 100 kg tôm, thịt, 60 lít nước súp và các loại rau, gia vị khác, sau đó đã phải… đổ đi vì thiu không ăn được?

Cái bệnh thích to đã trở thành bất trị của các quan đầu ngành đầu tỉnh, ngoài ra còn cái bệnh cái gì của tỉnh nhà cũng phải to hơn tỉnh bên cạnh, đó là “tinh thần thi đua tích cực” còn dân sống thế nào cũng mặc. Đó cũng chính là cái bệnh “lên gân” của các cơ quan từ trên xuống dưới. Xin điểm qua vài nét về lễ hội Đền Hùng năm nay đang được dư luận bàn tán xôn xao chưa ngớt.

Khóc thét, ngất xỉu giữa biển người trong lễ hội Đền Hùng
Sáng 16-4 vừa qua (tức 10-3 âm lịch), ngay sau nghi thức dâng hương của lãnh đạo Nhà nước kết thúc, lực lượng chức năng đã mở hàng rào an ninh để nhân dân cùng nhau lên dâng hương làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ước tính khoảng 1.5 triệu người tới dự lễ, vượt quá sức chứa của ngọn núi Nghĩa Lĩnh.
30 phút sau thời điểm mở hàng rào chắn, lượng người vẫn tắc nghẽn ở cổng đền - Ảnh: Nguyễn Khánh

Người ta chen nhau lao về phía trước, lực lượng cảnh sát quá vất vả để giữ gìn trật tự, trong khi người dân bất chấp nguy cơ giẫm đạp, cứ lao lên như một làn sóng. Dưới là biển người, phía trên là cái nắng dội xuống, nhiều người bị ngất xỉu. Cảnh sát giúp đỡ những phụ nữ bị ngất, rất may tất cả đều được đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguy hiểm hơn, hàng trăm cháu bé bị mắc kẹt trong đám đông, người lớn không bế nổi trẻ em vì kiệt sức, rất dễ bị té ngã. Lực lượng công an đã phải giải cứu các cháu tập trung về một điểm, chờ cha mẹ đến đón. Nhìn biển người chen lấn xô đẩy tranh cướp như đám loạn quân thật kinh hoàng. Tại sao con người lại mê cuồng đến thế?
 
 
Ngất xỉu, khóc thét trong biển người dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Trên Báo Mới bạn An Lê đã giải thích:

“Nhìn biển người ào ào lao lên Đền Hùng, thấy có điều rất không bình thường. Những gương mặt hớt ha hớt hải, lo âu như sợ người khác tranh cướp cái gì đó ở phía trước. Hình như họ không phải đi dâng hương trong tâm thế nhớ về nguồn cội mà đi giành giật phúc lộc cho riêng mình. Họ thờ phụng vua Hùng hay đi mặc cả với vua Hùng bằng chút lễ vật mang theo, họ mặc cả điều gì thì chỉ có họ biết. Những hành động cầu xin điên cuồng đã biến tín ngưỡng dân gian lành mạnh hoặc lễ hội dân gian thông thường thành sự buôn thần bán thánh. Ngày này qua tháng khác, cái ý nghĩa ban đầu của lễ hội bị biến chất, có thể thấy rõ điều này ở nhiều lễ hội hiện nay.

“Người ta đi tìm niềm tin vào thần linh, bất kể đó là vua chúa, thánh thần, Phật, Chúa. Không riêng gì ở Đền Hùng mà nhiều địa điểm, đền thờ có đồn đãi linh thiêng, thế là người ta kéo tới như một cơn lên đồng tập thể. Đây không phải là niềm tin tôn giáo, càng không phải tín ngưỡng lành mạnh mà là sự mê muội. Câu hỏi đặt ra là vì sao con người ngày càng đổ đốn như vậy?

“Sự mất thăng bằng trong đời sống tinh thần đã dẫn đến các hình thức cân bằng khác, để rồi tin vào thần thánh một cách mê cuồng.

“Người ta đã bàn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thức ăn nhưng có một thứ ô nhiễm ghê gớm nhất đó là ô nhiễm văn hóa. Những lễ hội dân gian thông thường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng không có thuốc chữa. Độc tố của ô nhiễm đã xâm nhập sâu trong cơ thể của nền văn hóa đất nước, nguy thay!”

Nguy thật, đến văn hoá cũng nhiễm độc thì hết thuốc chữa.
Bạn Hoàng Huy viết trên báo Ngày Nay “năm lý do vua Hùng không muốn tổ chức giỗ từ năm sau.” Tôi xin tóm lược những lý do đó.
5 lý do vua Hùng không muốn tổ chức giỗ từ năm sau
- Lý do thứ nhất: Hàng ngàn năm sau khi Vua mất, gần 100 triệu con dân của Người, phần đông vẫn không học được những điều đơn giản nhất mà hầu hết cả thế giới đều biết - đó là xếp hàng. Phải tự giác giữ trật tự ở chỗ đông người, không chen lấn xô đẩy gây hỗn loạn, biết giữ văn minh khi đi du lịch, tham quan...
Khổ bà già, tội trẻ con, thương người có bệnh. Từ trên đỉnh non cao, nhìn đàn con cháu “có lớn mà không có khôn”, Vua thấy mà buồn không tả xiết!
Cảnh chen chúc, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau trong Lễ Hội Đền Hùng

Lý do thứ hai: Cứ đến ngày giỗ của mình, Vua lại thấy đau lòng trước thói ưa hình thức, lãng phí kệch cỡm đến vô lý của đám cháu con. Thời xưa, dù cho bánh chưng là đất, bánh dày là trời thì cũng chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh như một nét văn hoá đẹp, chứ không phải bánh chưng hai tấn rưỡi, bánh dày năm tạ như bây giờ.
Ở miền cao, trẻ em còn mơ được ăn cơm có thịt. Miền Tây sắp khô hạn cả rồi. Đất nước còn nghèo khó, nợ công mỗi lúc một dày. Vua lòng dạ nào mà ăn cho được. Và hơn cả, Vua đâu dám ăn vì ai dám chắc thịt nhân bánh không có chất tạo nạc, gạo nếp kia không phải hạt nhựa Tàu, ăn vào có khi Vua “băng hà” lần nữa. Ngẫm mà đắng lòng!
Báng chưng, bánh dày dâng vua Hùng

Lý do thứ ba: Mỗi lần giỗ, Vua mệt mỏi vì những lời khấn nguyện xầm xì của cháu con. Kẻ cầu cho con được trúng mánh cho đời lên hương, đứa thì mong được thăng quan tiến chức, ti tiện hơn thì cầu cho con năm nay xà xẻo được nhiều nhiều... Vua nghe xong chỉ muốn đuổi cả lũ về, tìm ngay lại chuyện Mai An Tiêm mà đọc. Không có quả ngọt nào chỉ cần cầu khấn mà có. Đến thế kỷ này rồi mà vẫn còn mơ làm ít ăn nhiều. Phải là nước mắt, mồ hôi gian khó, trí tuệ cần cù mới mong có hoa thơm trái ngọt. Vua thấy mà thêm sầu!
 
Lý do thứ tư: Vua buồn khi cháu con chỉ mượn cớ giỗ mình để thêm ngày nghỉ, bày trò nhậu nhẹt tối ngày, say xỉn hò hét như thể nơi rừng xanh núi đỏ. Để rồi mỗi lần giỗ xong là năm sau lại thành giỗ của vài ngàn đứa chết vì tai nạn giao thông hay đánh nhau ẩu đả. Thương cha Lạc mẹ Rồng thì cố gắng làm lụng chăm chỉ, đừng hò nhau đổ về Phú Thọ nữa, núi Nghĩa Lĩnh đã chật chội lắm rồi. Vua ngẫm mà thấy ứa nước mắt.
 
- Lý do cuối cùng: Giỗ Vua nhưng ngày càng càng ít cháu con biết về lịch sử. Vua Quang Trung giờ chúng nó còn cho là bạn chiến đấu của Nguyễn Huệ thì nói gì đến vua ở cách đó cả ngàn năm. Lịch sử cách đây vài chục năm đã bị xói mòn nghiêm trọng, Gạc Ma không ai nhắc tới, Vị Xuyên ngày càng nhiều người quên... thì nói gì đến 18 đời vua Hùng tên dài dòng khó nhớ. Vua nghĩ tới mà giận khôn cùng!
Tổ tiên nào cũng mong muốn được thờ cúng, được cháu con nhớ tới, nhưng hơn hết tất cả tổ tiên mong muốn cháu con sống tốt, sống đẹp, sống có ích trong một đất nước hùng cường - văn minh - lịch sự. Vua mất cả ngàn năm nay rồi còn thiết tha gì nữa đâu một ngày giỗ mọn. Chi bằng từ năm sau toàn dân vẫn cứ đi làm ngày 10/3 Âm lịch nhưng lấy lương bổng ngày đó để làm từ thiện cho đồng bào. Suối sâu còn cần cầu, núi cao học sinh còn cần "Cơm có thịt", đồng bằng cần học phép tắc ứng xử văn minh, trẻ con cần học ngoan ngoãn, người lớn cần tự sửa mình để lúc nào cũng làm người tử tế chứ đợi lúc về hưu thì đã quá muộn. Chỉ cần vậy thôi là Vua chẳng cần giỗ nữa mà vẫn sống đời đời bên cháu con hạnh phúc.

 Đó là 5 lý do vua Hùng không muốn con cháu không muốn con cháu tổ chức giỗ vào năm sau. Theo TS Nguyễn Văn Vịnh: “Tôi thấy ở nước ta có nhiều kỷ lục linh tinh, kỷ lục vớ vẩn.”

Nghĩ mà đau lòng cho đất nước ngày một suy thoái trầm trọng. Văn hoá, đạo đức, tâm linh và cả niềm tin cũng mất. Khi con người mất niềm tin bởi những bất an trong đời sống đành trông vào thánh thần chứ còn biết tin vào cái gì bây giờ? Xin thông cảm cho người dân Việt chúng tôi giữa thời đại này.

Văn Quang

Không có nhận xét nào: