Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

BÀ BẮC VÔ NAM TÌM CHỒNG - Nhã Ca


Đó là một bà vợ Bắc Kỳ có chồng tập kết từng một thời quen mặt với khu phố Tự Do- Lê Thánh Tôn. Không ai cần biết tên bà ta là gì, nghe nói giọng Bắc thì gọi là bà Bắc. Bà ta nhỏ thó, gầy gò, khuôn mặt nhọn hoắt vì hai gò má cao quá, có hàm răng hô khó  khép miệng, lúc nào cũng như cười mà không phải cười.<!>
Thời đánh Mỹ cứu nước, ông chồng tập kết của bà phải trở lại miền Nam. Đại thắng mùa xuân, ổng về thành phố gặp lại vợ cũ, vậy là cặp lại, bà vợ Bắc Kỳ ra rìa. Đôi vợ chồng cũ được cấp hai phòng lớn trên một tòa bin-đinh góc đường Tự Do-Lê Thánh Tôn. Vợ cũ còn tài sản, mua cho chồng chiếc xe Honda kiểu đàn bà.  Bà vợ Bắc Kỳ vô Nam dành chồng, bà đã ở lì khu xóm này cả năm, đi kiện, ăn vạ, làm đủ kiểu, chửi xiên xỏ, nói móc nghéo, cả hai vẫn trơ trơ. Rồi chính bà ta phải lặng lẽ biến mất.
Bẵng đi một thời gian, bà Bắc xuất hiện lại trên đường Tự Do. Vẫn chiếc quần đen, chỉ cũ hơn, sờn rách hơn và cái áo nâu thêm nhiều miếng vá hơn, vải có co rút mà người mặc càng lúc càng thấy rộng, chỉ là bà đã gầy tới không còn cách nào để gầy hơn. Khuôn mặt, hàm răng hô như mái hiên tơi tả, thêm nỗi đau không khép miệng được, và thay vì cái mếu, thì nó đã trơ răng ra, mới nhìn, thoạt giống cái miệng cười !
Một buổi sáng cuối năm, khi chị Mùi mở cửa lấy thùng rác vào thì đã thấy bà Bắc ngồi lù lù trước cửa.
“Mèn ơi, dì vô khi nào vậy ?”
Bà Bắc hỏi:
“Bà Muội dậy chưa?”
Bà Bắc, trước đây hay “ngồi dính” mấy bậc cấp này để ngó cho rõ “kẻ đoạt chồng”, đã thường kể lể tâm sự với bà Muội. Khi còn cơm thừa, cá cặn, bà Muội lén đem cho người đàn bà khốn khổ này.
“Dì hổng biết gì hết trơn sao ? Bà cháu ở riêng với cô Hợp rồi…”
Người đàn bà chưng hửng:
“Thế à ?”
“Dạ. Cô Hợp cháu lóng này ăn nên làm ra. Cô là ca sĩ nổi tiếng lắm, có hình đăng  nhựt trình đó, dì…”
Có tiếng trong nhà réo gọi, bà Bắc nhìn vô, bóng dáng hai tiểu thư thấp thoáng, cô nào cũng nhớn quá là nhớn.
“Hở một chút là hổng được, kêu réo om sòm…”
Chị Mùi lắc đầu, kéo tấm cửa sắt lại.
Còn lâu con đường này mới có sinh hoạt. Cũng còn lâu, bà Ba bán thuốc lá mới khệ nệ bưng sạp ra, đặt trước cửa bin-đinh. Bà nhớ, ông thường đi làm trễ. Ông vẫn làm ở cơ quan báo chí gì đó. Dáng người ông rắn rỏi, tóc hoa râm, áo sơ mi trắng, quần xanh, trông cứ trẻ trung hoài. Thấy ông dắt chiếc xe Honda nữ, sao mà giàu có sang trọng quá.  Nhiều khi thấy trên môi ông gắn điếu thuốc, khói bay vu vơ, bà hâm mộ quá, những lời cay đắng không làm sao thốt ra được. Chỉ khi nào có con mẹ, quần xoa đen, lót tót vội theo và nhảy ngồi đằng sau xe, lúc đó, máu ghen mới dâng lên, bóp nghẹt cổ, và bà nói bậy nói bạ, chửi bới như con mẹ điên.
“Hê, bà Bắc vô khi nào dzậy ?”
Bảy Cà Tong đây mà. Còn hỏi nữa:
“Tính dàn trận nữa sao đây, bà.”
Bà Bắc lắc đầu. Thua lâu rồi. Chẳng qua, lết vô đây vì uất, vì hận, và cũng vì ở ngoài không có công việc gì để sống nữa. Căn hộ được chia như cái chuồng chim, tù túng, khi đứa con dâu có thêm một đứa con thì bà không còn chỗ đặt chân.
“Đi đâu sớm thế ?”
“Đi làm. Thôi tui đi kẻo trễ xe buýt nghen chị.”
Bảy Cà Tong tất tưởi bước đi. Bà Bắc nhìn theo, cái miệng cười há hốc thèm thuồng.  Để vào được đến đây, lần này, bà ta đã phải ăn xin ngay từ trên xe hỏa.
Bà Bắc tiếp tục thả bộ qua công viên. Dân bụi đã đi kiếm sống, chỉ còn con Quê đang cho con bú bình sữa. Con này chị biết, nó đã rà mòn đường Tự Do này rồi.
“Mày đẻ rồi hả ?”
Con Quê nhìn lên. Người đàn bà này đâu xa lạ gì. Trước đây nó cũng không thích bà ta. Lúc nào cũng thấy bà ta ngồi bệt xuống đất, trước, hoặc cạnh bin-đinh, chửi xiên chửi xéo nhức cả đầu. Mà sao, mới đây, trông bà đã bệ rạc tiều tụy vậy ?
“Giai hay gái, hả ? Thằng cu hay cái đĩ thế ?”
Nghe hỏi tới Bò Lai, con Quê thấy vui.
“Thằng cu, thím. Nè, thím ngó…”
“Ối giời ! Thằng cu kháu quá nhỉ ? Mà “lày”, tớ hỏi không phải đừng “rận”, “ló nai” Tây gì thế ?”
“Biết đâu, thím.”
Giọng người đàn bà có chút ghen thầm:
“Mày mà cũng “nấy” được Tây cơ à ?”
Con Quê suýt cười lớn. Ối giời, chỉ mong là đừng dính, đừng đẻ, chớ để bình thường thì đường Tự Do này mấy năm nay, con lai các nước chạy đầy như cóc nhảy trời mưa ! Báu gì ! Nó hỏi:
“Thím muốn có một đứa hôn ? Muốn thì đẻ”.
“Tao ? Mày nói cái gì thế ?”
“Phải, thím cũng hết đẻ được rồi !”
Thấy con Quê nói chuyện hay hay, bà Bắc ngồi xuống.
“Mày cho tao “bế” nó một chút. Kháu ơi “nà” kháu, xinh quá “nà” xinh chứ “nị”… Cho bà bế tí nào…”
Làm như đứa con lai nó khác con người mình, bà phủi phủi vạt áo, chùi hai tay vào nhau, rồi đưa tay ra. Bế cũng nhẹ thôi, không dám ôm siết, ngắm nghía. Thằng bé không được mũm mĩm lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt xanh mà lông mi thưa, màu vàng như tóc. Bà nghĩ, ở ngoài Bắc, nhà nước nhồi nhét bắt nhân dân ghét thằng Mỹ, thử hỏi, ai ngoài miệng không phải nói “ghét”, nhưng nếu bà có một đứa cháu như thế này thì ước mười đời cũng không có. Nghĩ cũng hãi, nếu con gái bà mà đẻ ra một thằng cu như này, ngày trước ở Bắc thì có yên mà sống không đã nào, nói gì việc lo cho cháu ? Mà thằng nhỏ chắc gì sống nổi mà lo !
“Nó đẹp quá “nà” đẹp… Cho bà hít một cái “lào”. Bố đĩ nhà mày, biết cười chưa nào. Biết cười một cái cho bà ngắm, hả, hả…?”
Bà Bắc say sưa với thằng bé. Con Quê thấy bà nựng nịu con mình cũng bớt dần ác cảm.
“Thím mới vô ?”
“Ừ. .”
“Sao thím không ở ngoải cho khỏe, vô ra hoài tốn tiền lắm.”
Đang vui vẻ nựng nịu thằng bé, mặt người đàn bà héo úa.
“Ở ngoài đó không biết lấy cái “rì” mà ăn.”
“Vô đây cũng vậy, không nhà cửa, khổ lắm, thím biết ?”
Người đàn bà thở dài. Bà kể:
“Ở ngoài đó, tao cũng khổ lắm, đói là đằng khác mầy ơi ! Có căn hộ ở quê, phòng không ra phòng, con giai, con dâu, cháu, ba người đã không quay trở được. Chúng nó cũng khổ, mà mày coi, cha chúng nó như thế, đi Hon-đa đẹp “nà” đẹp”, ăn mặc sang như lãnh đạo, mê con mẹ “cướp chồng” tao, có màng gì đến con với cháu…”
“Hồi lấy bà có làm giấy tờ không ? Sao bà không đi kiện ?”
“Ối giời ! Hồi đó đánh nhau gay lắm mầy ơi. Tao lấy ông là đám cưới tập thể, có cơ quan chứng nhận đàng hoàng. Tao có hỏi cấp trên, họ trả nhời, ông ấy cũng có hôn thú với người vợ trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ nữa là do hoàn cảnh chiến tranh, “nà” đảng chỉ đạo. Nay thống nhất, ông ấy không bị tội, mà kiện “rì” mày ơi, đời này đồng bạc đâm xoạt tờ giấy, ai “nại nà” không biết.”
Con Quê cảm thấy xót thương người đàn bà Bắc, mỗi người, mỗi nơi, khổ vì những cảnh ngộ khác nhau.
“Vô đây, thím lấy gì sống ?”
“Tao cũng chưa biết lấy “rì” sống. Ở ngoài, tao nhờ viết cả chục đơn kiện không ở đâu xử hết. Ức quá, tao vô đây, ‘nần này nà’ tao liều mạng… “
“Rồi thím ăn ngủ ở đâu ?”
“Thật giời có mắt, cái bà Ba bán thuốc lá bên kia kìa, mày biết không, nói ra “nà” người cùng “nàng” với tao khi xưa. Không có bà ấy tao “nàm” sao dám vô đây. Ối này, nó bĩnh ra rồi đây, mày có ngửi thấy mùi “rì” không ?”
Con Quê đón lấy thằng nhỏ. Cái áo cũ quấn đã muốn thấm ướt ra ngoài. Nó lấy đồ thay cho con. Coi, bả ngồi chòm hỏm, mắt nhìn chăm chú soi mói. Bộ cứt con lai khác cứt con người mình sao mà ngó dữ thần vậy, thiếu điều đưa ngón tay quẹt cho vào miệng thử. Con Quê buồn cười sự thật thà của người đàn bà Bắc nên khi cúi xuống gầm ghế đá, lôi ra ổ bánh mì thịt để nguội từ hôm qua, của thằng Được gửi cho, nó bẻ ổ bánh ra làm đôi:
“Thím ăn một miếng đi. Đói bụng lắm phải hôn ?”
Bà Bắc cười, có chút ngượng ngập.
“Không… không thấy đói…”
“Nhìn thím là biết. Cái bụng xẹp lép hà… Thôi, cầm đi, còn ngượng gì chớ. Tui mời thiệt à nghen.”
Vẫn còn cái thói giữ kẽ của người miền Bắc:
“Không dám đâu.”
Con Quê xởi lởi kiểu miền Nam “ruột để ngoài da”:
“Ăn đi mà, mời hoài mệt quá !”
Thì ra vậy, không nề hà, không kiểu cách. Bà Bắc nhìn con bé cụt một tay, bế đứa con lai trên cánh tay còn lại, mặt mày khắc khổ, thiếu ăn, ốm đói, nhưng vẫn có một vẻ gì nhẫn nhịn, chịu đựng. Thương con bé, bà cầm tay thằng nhỏ hít hít:
“Con mẹ mày tốt quá !”
“Bữa nào không có chỗ, thím qua đây ngủ với tui nghen.”
“Tao sợ…”
“Sợ gì ? Tui đây nè, cũng không nhà không cửa, tui ở đây ai làm gì tui. Thím biết, nhà của trời, của đất cho mình chớ của ai mà sợ, thím.”
Nói thì phải. Nhưng sự thật không có dễ vậy đâu, bà Bắc biết. Bà cảm kích con Quê lắm.
“Nuôi thím thì không được, tụi này cũng đói lắm, nhưng chỗ ngủ thì tụi này nhường. Tui bảo đảm cho thím, hổng sao đâu, đừng sợ.”
Nhớ ra, hồi trước nó ăn ở với một thằng. Bà ta có nhìn thấy, một đứa đi, một đứa bò, giỡn hớt, đuổi nhau, cười cợt nối đuôi khít rịt trên đường phố.
“Thằng kia đâu rồi ?”
Con Quê chưa kịp nhớ ra:
“Thằng nào, thím”.
“Cái thằng nó chỉ bò. Sao không thấy nó đâu ?”
À, thằng Bò. Con Quê nuốt một tiếng thở ra. Lại có người nhắc. Nó ở đâu, có ông trời biết. Nó cũng từng ngửa mặt lên trời, kêu, xin giúp nó. Ông cũng làm ngơ rồi. Còn có tin nó được đưa đi Mỹ chữa bệnh. Bệnh gì nó chớ, có tật trời sinh thì còn chữa gì nữa. Chuyện hoang đường !
“Không biết, thím.”
“Bộ nó bỏ mày hở ? Sao thằng đó độc thế ?”
“Không phải đâu thím ơi. Bị bắt. Công an bắt đó.”
“Bị bắt ? “nàm” sao mà tin được. Giời ơi, nó “nàm rì” mà bị bắt chứ ? Bắt thì cũng phải thả…”
“Tui biết đâu, thím. Bị bắt, ai cũng thấy, chỉ không thấy về…”
Người đàn bà thở dài. Sao cảnh ở đâu cũng vậy, trong này hay ngoài kia cũng đầy người khổ như thế. Chịu thôi. Thấy con Quê cứ thở ra. Thở ra, nuốt vô, đã quá thường đối với những người như chị.
****
Khi bà Bắc trở lại góc đường Tự Do-Lê Thánh Tôn thì dì Ba đã dọn xong hộp thuốc lá. Dì Ba ngồi đằng sau hộp thuốc, gác một chân lên kiểu “nước lụt”, ngó mông lung. Thấy người đàn bà bất thần hiện ra, khuôn mặt dì Ba không được vui.
“Lại vào rồi hả ?”
“Vâng.”
“Bà thiệt chưa tởn ? Người ta đã không ngó ngàng, làm cách chi cũng trơ trơ vậy thôi…”
Giọng dì Ba nửa Bắc nửa Nam.
“Ở ngoài đó sống không nổi…”
“Vô đây sống nổi ? Bà không biết thì thôi. Tui vì bà cũng bị cảnh cáo mấy lần. Lần này không yên với họ đâu.”
Người đàn bà cúi đầu. Mấy sợi tóc bạc không ăn nếp trong vành khăn rung rung. Dì Ba lại thương cảm, thở dài:
“Đã nói rồi, kiện tụng còn chưa đi tới đâu. Người ta làm lớn, nhà báo kia đấy bà ạ… Gớm, hà tiện vắt cổ chày ra nước. Lâu lâu, ve chai cân báo “Sài Gòn Giải Phóng”,, ghính một ghính đi không nổi. Tiền không đó. Bà lấy cái gì ra mà so với người ta…”
Thấy người bạn cùng quê cúi đầu, khuôn mặt khổ ải, dì Ba lại sót, giận:
“Đã nói ở ngoài đó cho yên. Làm cái gì được nữa mà ra với vô. Nó có sót có thương gì không ? Tui thấy là… Còn nữa, con mẹ còn nói xỏ nói xiên tui… a, dám chứa dân lậu, không giấy tờ, không hộ khẩu. Con này cũng đừng tưởng, không vừa. Xăn quần, chống tay vặt lại liền.. vặt cho một cái là im re, tưởng giỏi…Thấy bất bằng, không nhảy vô tức chết !”
Còn nữa, hễ thấy bà Bắc này là dì Ba nhớ quê:
“Ngoài ra sao, có khá hơn không ?”
“Ôi dào, khá cái “rì” mà khá. Chúng “ló” giàu lên, dân mới “nà” khổ nhiều chứ “nị”…”
“Ruộng ngoài đó, có máy cày chưa ?”
“Máy ? Máy “nà” cái “rì” ? Con trâu còn không có mà cày, người làm trâu cày thế thôi… “
Như sợ dì Ba không hiểu ra, bà tiếp:
“Mới đây, bên Tàu mua móng trâu giá cao lắm, vậy là ở quê mình, chặt, lột móng trâu đem qua biên giới bán, trâu còn mấy con !”
“Mua làm gì vậy ?”
“Tui “nàm” sao biết được. Chỉ biết giá cao lắm, bốn bộ móng chân mua giá nhời hơn bán một con trâu mới “nà nạ”…”
Lạ quá ! Nhưng cả hai người đàn bà đều không hiểu. Họ nói qua chuyện khác. Đến trưa, dì Ba mua bánh mì ăn, bà Bắc lại được nửa ổ.
Cả buổi chiều, bà Bắc đi xuống đi lên con đường Tự Do, ngắm nhìn dãy phố quen thuộc với những tiệm buôn. Đã thay đổi nhiều. Vài tiệm đóng cửa, vài tiệm đã thay đổi mặt hàng khác. Xuống nữa là khách sạn, nhiều Tây Mỹ ra vô quá. Bộ thằng Mỹ nó trở lại rồi sao ? Theo sự hiểu biết của bà thì nhà nước thù thằng Mỹ lắm, đời nào để cho nó sang nước mình đi khơi khơi như thế. Bà nhớ ở ngoài Bắc hồi đó, bắt được một thằng Mỹ giặc lái là trói gô lại, dẫn đi khắp đường làng quê, hô hào, vận động bà con căm thù, ném đá. Người vận động là ông chồng của bà chứ ai ? Bà nghe chồng, đã ném đá, nhiều hòn đá đã ném trúng. .. mà kể cũng lạ, ném trúng mà bà không thấy vui, còn thấy chùn tay… Không lẽ trở mặt nhanh như vậy, chắc là mấy ông “Liên Xô” cố vấn vĩ đại thôi. Bà ngó hoài từng tốp đi ra đi vô khách sạn, như con mán lạc chợ !
Bà canh giờ trở lại chỗ bán thuốc lá của dì Ba. Trước giờ công nhân viên đi làm về thì không trật được. Phải nhìn cho rõ coi con đàn bà giành chồng ra làm sao, thằng đàn ông phụ bạc thế nào. Dì Ba hỏi chuyện, bà không định tâm, trả lời tầm bậy tầm bạ. Dì Ba lắc đầu:
“Khổ, già hai thứ tóc mà còn chưa muốn yên. Ghen cái gì nữa mà ghen!”
Không uổng công chờ. Chiếc xe Honda phụ nữ từ ngã tư Lê Thánh Tôn quẹo lại, tấp vô lề. Ông đó. Bà run lên. Phải mà, con người đó, cánh tay đó, đã từng ôm ấp bà suốt mười mấy năm với cuộc sống gian truân, cùng khổ. Vậy mà bây giờ, con người đã khác đi, béo tốt, tươi tắn. Còn con đàn bà đâu không thấy ? Chắc giờ này nó đang dọn mâm cơm ở trên lầu cao kia. Bà đứng như trời trồng nhìn ông dẫn chiếc xe lên lề. Ông chợt nhìn thấy bà, ánh mắt vừa thoáng gặp đã quay đi. Bà chạy lại:
“Ông…”
Ánh mắt quắc lên:
“Lại vô nữa, vô đây làm cái gì ?”
“Tui…”
“Hừ. Đừng có lải nhải…”
Lạnh lẽo, tàn nhẫn, ông dẫn chiếc xe vào bên trong nhà. Người đàn bà lùi lại đứng kéo vạt áo nâu rách lên chùi nước mắt.
Hôm đó, bà Bắc lang thang cả buổi tối, buồn bã, thất thần. Bà cũng không ngờ ma đưa lối quỷ dẫn đường gì mà khi gặp ông, miệng bà cứ gọi, cứ hỏi… Bà còn biết con đường nào để đi. Về quê, con trai trăm bề vật lộn với sinh kế, con dâu phàn nàn thêm một miệng ăn, thằng cháu thì  có lần chửi bà “Đéo mẹ mày, không bà nội bà ngoại gì hết”. Phân bua thì con trai đấm ngực kêu trời, con dâu đay nghiến “Bà không ra bà, cháu nó mới hỗn”.
Đường phố buổi tối nhộn nhịp. Qua một con đường, bà nghe tiếng nhạc inh tai nhức óc. Toàn là người ăn vận lịch sự, con trai con gái từng tốp. Con gái ở trong này ăn mặc như vậy sao ? Váy ngắn cũn cỡn, áo mỏng bày cả da, còn bá vai bá cổ con trai, cười đùa, giỡn hớt. Bà thấy chói mắt, xót trong bụng quá… Bà lại lầm lũi đi ngược trở lại, lúc băng qua đường ở nhà hát thành phố, suýt chút bà bị một đoàn xe đạp đang đua tông phải. Bà nhảy được lên lề đường, mặt tái xanh mà trống ngực đập liên hồi.
Đứng một lúc cho cơn sợ giảm đi, bà mới lo đi tìm chỗ ngủ. Lúc này đã khuya, chắc dì Ba ngon giấc lâu rồi. Bà nhớ tới con Quê, vội bước tới công viên.
Khu công viên tối thui, bà con ngủ cả rồi chứ gì? Càng hay, sẽ không ai nhìn thấy bà ta. Bà Bắc cẩn thận bước lên mấy bậc cấp. Có mấy con gì nhúc nhích từng cục ở cạnh bụi cây? Bà định thần nhìn xuống, suýt nữa kêu lên. Một cặp đang làm chuyện “bậy bạ”. Bà lắc đầu, bước tới nữa, lại đụng một bóng người đang đi tha thẩn:
“Con mẹ mày, ở đâu tới đây ?”
Bà Bắc đứng lại. Mũi bà thoáng ngửi một mùi thơm hăng hắc. Cô gái tóc xõa, gầy còm, lại nạt tiếp:
“ĐM. Cút xéo ngay… Mắt với mũi để đâu ?”
Bà đoán ra rồi, một cô gái “bán hoa” đây thôi. Bà cũng không vừa:
“Này, cái đĩ, tông người ta còn “na” cái “rì”, hở ?”
“Nói ai là cái đĩ, con mụ kia…”
Trong bóng tối, một giọng:
“Nè, việc ai nấy làm, ồn ào nửa đêm nửa hôm… ĐM con nào đó…”
Cô gái lỉnh. Bà Bắc cũng nín khe. Một sự nhịn chín sự lành mà, mấy chục năm bà đã quen nhịn.
Lần đến chỗ con Quê, ghế đá bỏ trống. Bà ngồi xuống, rồi mệt mỏi, bà đặt lưng, và ngủ liền.
Ai kéo, ai đá bà bình bịch vậy. Bà trở dậy. Một người đàn bà bế đứa bé con.
“Ai cho nằm đây ngủ, đồ vô duyên…”
“Tui….”
“Kinh tế mới phải không ? Ở đây không còn chỗ chứa, tìm chỗ khác đi…”
“Tui không phải kinh tế mới đâu…”
“Không phải ? Ở tù ra phải không ? Biết mà, coi, kiểu này là mới ra khỏi tù. Tội gì ? Ăn cắp, lường gạt ? Vô gia cư há ?”
Tất cả các tội người kia nói ra bà đều không có. Nói là “vô gia cư”, bà có một chỗ che mưa che nắng ở ngoài quê kia mà, nhưng giờ đây…
“Sao, hổng trả lời… Muốn gì nữa đây ? Tính ăn cắp gì đây ?”
Khó khăn lắm bà mới lên tiếng được.
“Tui tìm con cụt…”
Bà định nói “con cụt tay…”, nhưng sợ chọc giận người đàn bà kia nên sửa lại:
“…con…Que. ..”
“Ở đây không có ai là que, là nhánh gì hết trơn… Bà đừng có nói láo… Đi đi…”
Bà Bắc nhận ra đứa nhỏ trên tay chị đàn bà rồi, cái thằng bé lai mà lúc sáng bà đã bồng, đã ôm…
“Tui tìm gặp mẹ của thằng bé này này.
Người đàn bà là chị Thìn, ngó kỹ bà ta một lần nữa….
“Chị biết ?”
“Vâng, mẹ của nó… cụt một cánh tay…”
“Xì, cụt tay thì ăn nhằm gì chớ !”
“Vâng, vâng…”
Chị Thìn ngần ngại. Lỡ họ quen biết nhau thì sao. Chị muốn gọi chị Bảy hỏi cho ra lẽ, nhưng giờ này Bảy Cà Tong cũng đã ngủ. Tự nhiên chị thấy giận con Quê. Giờ này còn chưa thấy về. Làm ăn thì cũng có chừng mực chớ. Chết nghen con ! Nhưng rồi giọng chị vui mừng:
“Kia, con Quê nó dzìa…”
Con Quê tới, ngó bà Bắc:
“Thím phải không ? Tui tưởng ai…”
Chị Thìn:
“Tao cũng tưởng ai nên tới đuổi bả đi đó mày…”
“Hiểu lầm hết. Nè, thím, đây là chị Thìn, còn đây là thím… thím gì…à thím Bắc…Bắc là tên thím, còn thím ở ngoài Bắc mới vô…”
Chuyện gì lạ vậy. Bộ con Quê có bà thím ở ngoài Bắc ? Bà con mới ở trên trời rớt xuống ? Con Quê liếng thoắng:
“Chị Thìn tốt lắm thím. Hổng có bả là tui mệt rồi, đâu biết nhờ ai coi con để đi làm…”
Bà Bắc ngơ ngác:
“Đi làm giờ này ?”
“Phải, đi làm vào ban đêm chớ ban ngày tìm đâu ra mối…”
Tai bà Bắc nghễnh ngãng, nghe chữ mối, không hiểu rõ lắm, đoán, con này đêm đi bắt thằn lằn rắn mối sao ? Nếu có vậy, bà cũng đi bắt kiếm ăn, khó khăn gì.
“Rắn mối ở đây nhiều lắm hả ? Đâu, tao đi bắt cùng…”
Con Quê cười rộ. Rồi chợt nhớ đang nửa đêm nó bịt miệng lại. Còn chị Thìn thì lắc đầu, chê người đàn bà quê mùa, lại là thím của con Quê. Ở đâu ra có bà thím vậy.
“Mày bà con với bả ?”
“Không đâu chị Thìn. Tui biết bả lâu rồi nhưng mới nói chuyện sáng nay thôi…”
“Mới sáng nay… mèn ơi…Mày khùng rồi…”
Con Quê nói:
“Khùng gì, thì cũng như chị, không có thằng Hôi giúp, còn lâu chị mới nhập hộ được đây. Giúp người ta làm phước bà à…”
Con Quê bế thằng bé.
“Cám ơn chị Thìn, chị dzề ngủ nghen… Thôi được rồi, để tui…”
“Để tôi…”
Bà Bắc lại đón lấy thằng bé. Chị Thìn nhìn, lắc đầu bỏ đi. Chị còn biết nói gì nữa, hoàn cảnh chị, nếu không có thằng Hôi, không được dân bụi thương, giờ chị ra sao rồi…
Buổi tối hôm đó con Quê thu xếp cho bà Bắc ngủ chung cùng một chiếc chiếu. Chưa quen cảnh màn trời chiếu đất, bà Bắc khó ngủ, thức chong đến gần sáng mới thiếp đi một lúc. Vậy chớ sáng ra, bà Bắc cũng bỏ tiền ra mua khúc bánh mì đãi con Quê, tỏ lòng cảm kích.
“Mèn ơi, ai biểu thím mua. Tui có tiền nè…”
Con Quê còn dọa:
“Ở đây khó kiếm tiền lắm, giữ mà tiêu. Thím thì hết đi bắt “rắn mối” được rồi.
Bây giờ thì bà Bắc đã hiểu đi “bắt mối” không phải là bắt thằn lằn rắn mối. Rõ là bà không đi “bắt mối” được. Hai thím cháu cười nói vui vẻ. Con Quê định tối nay, nói với chị Bảy Cà Tong, giúp đỡ cho thím Bắc sinh sống chung ở đây. Nhưng đến tối nó lại “đi làm” sớm, Bảy Cà Tong bận. Lúc chiều, thím Bắc lại sang ngồi bên thùng thuốc lá với dì Ba, con Quê bỏ lỡ dịp giới thiệu. Phải mấy ngày sau, bà con mới biết rõ. Ai cũng thương con Quê, và khi nghe hoàn cảnh của thím Bắc, không ai nỡ xua đuổi. Sợ xẩy ra chuyện, con Quê dặn chị Thìn:
“Nhớ canh chừng bả, không bả lại nổi điên nổi khùng sinh chuyện…”
Chị Thìn phàn nàn:
“Tui đã canh giữ hai đứa nhỏ, lại còn canh chừng bả nữa, có là ba đầu sáu tay…”
Thiệt ra, ba đầu sáu tay cũng không canh giữ thím Bắc đươc. Vài ngày sau, mọi người dỗ dành, khuyên bảo tưởng đã nguôi ngoai. Vậy mà một buổi sáng lại sinh chuyện.
Lúc đó, bà Bắc ngồi với dì Ba ở thùng thuốc lá. Dì Ba ngồi trên ghế còn bà Bắc ngồi bệt dưới đất. Họ cùng ăn mấy củ khoai lang bọc trong tờ giấy vở học trò tèm nhem màu mực tím. Ở góc đường, sáng sáng có một bà cắp cái thúng bán khoai lang luộc, đắt hàng lắm.
Thình lình, bên trong, ông “nhà báo” dắt chiếc xe ra, bà vợ, quần đen láng, áo xoa thêu, cầm cái giỏ xách ni-lông, loại mới sản xuất của một công ty quốc doanh làm ra do nhựa tái sinh. Thím Bắc ngừng nhai, củ khoai nằm trên tay.
“Con giành chồng”.
Người đàn bà quê mùa, tội nghiệp đứng bật dậy. Miếng khoai lang đang ăn dở rơi xuống đất. Hàm răng chìa ra và ánh mắt căm hờn. Dì Ba nắm tay người đàn bà:
“Thôi đi. Làm gì đây ?”
“Tôi…”
Giọng bà Bắc nghẹn ngào. Người vợ đang dướn người để ngồi sau yên xe. Xe nổ máy chờ. Thình lình bà Bắc nhào tới. Nhanh nhẹn, một tay túm cục tóc bối, một tay xô. Người đàn ông nhảy xuống khỏi xe, giằng vợ lại. Chiếc xe ngã, nằm vắt trên lề đường, máy vẫn nổ.
“Làm gì thế, hả ?”
“Con cướp chồng, tôi sống chết với nó… “
“Dang ra…”
Với người đàn ông đã từng cầm súng, từng vượt Trường sơn, một người đàn bà ốm đói như bà Bắc thì có nghĩa lý gì. Xô mạnh một cái, bà Bắc ngã xuống đất, đầu đụng vào lề đường kêu đánh cốp một tiếng.
“Ối giời ơi, nó giết tôi…”
Bà dãy đành đạch, kêu làng kêu nước, kêu ông phường, ông quận, ông sở công an, kêu luôn cả bác Hồ. Người đàn ông đỡ người vợ miền Nam, cơn giận làm mặt ông ta xanh dờn, hiện rõ từng nét nhăn. Tiện chân, ông đá bà vợ miền Bắc một cái rồi dằn chân lên người bà.
“Con đàn bà khốn nạn…”
Thằng Phu sửa xe cùng dì Ba chạy tới một lượt đỡ người đàn bà khốn khổ lên.
“Ông làm gì đánh người ta…”
Thằng Phu sừng sộ. Bên mé đầu của bà Bắc, máu rỉ ra, ướt mèm một mớ tóc, chảy dàn xuống một bên mặt.
“Quân giết người, bớ ông phường, bớ nhà nước…”
“Mày dám chửi cả nhà nước ? Con đĩ già… “
Ông xông tới. Một cú đá nữa, người đàn bà lăn xuống lề đường. Không nghe bà ta kêu la gì nữa. Dì Ba:
“Đánh chết người sao đây, coi…”
“Nó làm bộ, giả chết… Màn này thuộc lắm rồi…”
Ông ta dựng chiếc xe dậy. Máy vẫn nổ. Người vợ leo lên yên sau, tay ôm chặt eo ếch chồng. Chiếc xe vù đi, mất dạng.
“Khổ, còn ghen cái gì nữa mà ghen chớ. Sao mà ngu… “
Dì Ba cùng thằng Phu đỡ bà Bắc dậy. Bà đã bất tỉnh, máu trên đầu chảy rỉ rả. Quýnh quáng, dì Ba lấy một bánh thuốc lào gỡ ra, dém vào mảng đầu bị rỉ máu. Thằng Phu:
“Chở bả vô nhà thương đi…”
“Nhà thương gì mày, vô cái nhà ghét đó còn chết chắc hơn nữa mậy.”
Chị Mùi và mấy người đàn bà nữa chạy ra. Bà Bắc được vực vào phía sau cầu thang, chỗ trú mưa nắng của dì Ba. Chiếc ghế bố được dựng ra và người đàn bà khốn khổ được đặt nằm trên đó. Con Quê và chị Thìn tất tả tới với mớ bông gòn và chai thuốc đỏ mới “năn nỉ” xin được bên nhà thuốc quốc doanh. Một lúc sau, bà Bắc đã khá hơn, mở mắt, nói được, nhưng toàn là nói sảng.
“Có sao không vậy nè ?”
Con Quê nóng nảy. Dì Ba thở ra:
“Tình đời vậy đó, khi lấy người ta, vợ vợ chồng chồng, một ngày cũng là tình nghĩa, con người hơn con chó một chút là ở chỗ đó thôi… “
“Thằng chả đánh ?”
“Thì ai vô đó, bây.”
“Đồ ác nhơn, trời đánh nó đi.”
“Đánh xong còn tàn nhẫn bỏ đi…”
“Rồi bả chết thì sao ?”
“Sao nữa. Chó chết là hết chuyện…”
“Phải vậy hôn ?”
“Hơ, vậy thì sao? Thưa đi. Mà thưa ai. Người ta là cán bộ, muốn bỏ tù ai còn được nữa kìa…”
“Ờ hén !”
Buổi khuya hôm đó, dì Ba biết người đàn bà này sẽ không chết chóc gì. Nhưng lúc bà ta tỉnh dậy, đòi uống nước. Bà cầm ly nước trên tay, bàn tay run rẩy và nước sóng đổ ra ngoài. Dì Ba trách:
“Mèn ơi, cẩn thận một tí được không…”
Bà Bắc cười. Vậy là ổn rồi. nhưng nụ cười không ngừng ở đó, mà cười nữa.
“Làm cái gì vậy ? Ma bắt sao cười dữ thần vậy, má !”
Dì Ba rủa. Bực mình quá đi chớ. Bộ chuyện vui lắm sao cười ! Vậy mà bà Bắc cười nữa.
“Vui lắm sao cười hoài vậy ?”
Giọng bà Bắc như một người nào khác:
“Vui ? Cũng vui chứ “nị”. Cái đầu tui sao nó quay vòng vòng…”
“Có sao hông đây?”
Giọng Bắc của dì Ba lại đặc tiếng miền Nam. Bà Bắc đưa tay lên đầu xoa xoa, ly nước cầm một tay lại sánh ra ngoài.
“Chị nói cái “rì” thế !”
“Cái mả bố bà. Vớ vẩn .”
“Hi hi, cái mả bố. Mả bố… mả bố…
Dì Ba mở to mắt ngạc nhiên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn từ phòng sau, nơi làm kho dọi tới, khuôn mặt bà Bắc đã như một người nào khác lạ. Vẻ khắc khổ, hờn oán đã tiêu tán mất đâu rồi. Trông cái mặt nghệch ngạc, cái miệng có hẳn nụ cười chớ không chỉ hở hàm răng hô. Vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi, dì Ba nạt:
“Nói cái gì vậy hả ? Điên rồi hả ?”
“Ai điên ?”
Nói xong, bà Bắc ôm mặt. Ly nước bà đòi uống chưa có một giọt vô miệng.
“Đau đầu quá, tui ngủ…”
Bà Bắc nằm xuống, quay mặt vô tường, im lìm. Dì Ba lắc đầu. Lôi cái chăn cũ, bà trải ngay dưới chân ghế bố, đặt lưng xuống. Kệ chuyện gì xẩy ra, còn ngày mai mệt nhọc đang chờ. Hễ mở mắt ra là thấy khổ ! Chiếc ghế bố rung lên. Thì ra, bà Bắc cũng không ngủ.
Sau bữa “đụng độ” ít lâu,  suốt ngày bà Bắc lân la bên con Quê và thằng “bò lai,” trở thành “thím Bắc” của xóm bụi. Con Quê lại thêm một miệng ăn.
Dì Ba sau đó nói phóng lên là bà Bắc khùng khùng. Khùng gì đâu. Chị Thìn cãi. Khùng gì mà khôn quá chừng. Đi qua đường biết tránh xe, bế con cho con Quê, biết rửa ráy, lau cứt đái cho thằng nhỏ gọn ghẽ.
Chiều ba mươi tết năm ấy, Bảy Cà Tong nấu một nồi cơm nếp. Con Nết gặp mối sộp, ra chợ Cũ mua hai con vịt quay. Nước lạnh do mụ Cùi mang từ máy nước. Chị Thìn và con Kiểm góp gói đậu phọng nấu với mấy củ khoai lang.
Ăn tết vui vẻ, dân bụi chọc thím Bắc:
“Nó “nấy” chồng của thím, thím không đánh chết cha con đĩ đi…”
Thím Bắc lắc đầu, trề môi:
“Mình khôn rồi, không ngu tranh thủ nữa.”
Rồi thím cười:
“Cho nó hầu chết mẹ luôn !”.
Đầu năm, thấy “chồng cũ” chở con mẹ “giành chồng” xuất hành,  thím chỉ đứng nhìn theo với ánh mắt hiền lành, với cái miệng cười quá khổ không thể khép lại nữa.
NHÃ CA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét