Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Về Miền Viễn Tây - SB

Một buổi sáng ngày 24 tháng 1 năm 1848, người thợ mộc James Marshall đi dọc theo bờ Nam sông American, một con sông đổ xuôi từ rặng Sierra Nevada phía đông của California chảy ra vịnh San Francisco. Ông ta tình cờ tìm thấy lấp lánh dưới bờ sông cạn 2 cục kim loại quý giá, điều này làm thay đổi lịch sử tiểu bang California và cả nước Mỹ. <!->
Những cục vàng quý giá đầu tiên đó được tìm thấy trong khu xưởng cưa của John Sutter. Chủ nhân của trang trại này dù cố giấu kín, nhưng tiếng đồn vang xa, vang nhanh như gió theo những vó ngựa suốt dọc chiều ngang nước Mỹ, theo những bức điện tín lan xuống Mễ Tây Cơ, theo những cánh buồm hải hành đến tận Trung Hoa và cả đến Úc châu...
Trước tiên phải nói đến sự phát triển mở mang của nước Mỹ đã tăng đến 23% diện tích sau hiệp ước mua được Louisiana (Louisiana Purchase) từ Pháp năm 1803. Nước Mỹ đã mở rộng ra thêm về phía Tây kéo dài từ Louisiana đến tận Montana, Oregon về phía Bắc. Cuộc sát nhập Cộng Hòa Texas năm 1845. Tiếp đó cuộc chiến tranh với Cộng Hòa Mễ Tây Cơ kết thúc năm 1848 đã sát nhập phần đất phía Tây mênh mông còn lại (bao gồm California, Nevada, Utah, một phần New Mexico, Colorado.) 
 
Ngư phủ người Hoa tại Monterey, California năm 1875 NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG
Trước đó miền viễn Tây là vùng đất xa lạ đầy bí hiểm và trắc trở. Vì thế rất ít người Mỹ từ phía đông của sông Mississippi đến lập cư. Những người cư dân ở chung quanh Vịnh San Francisco hầu hết nói tiếng Tây Ban Nha suốt 3/4 thế kỷ bỗng qua một đêm thấy mình bị vây quanh bởi bao nhiêu người xa lạ. Những người này đến từ các tiểu bang đầu tiên bên mạn đông sông Mississippi, họ là những anh thợ may sinh quán từ Đông Âu (như Levi Strauss, chủ nhân chiếc quần Jean xanh nổi tiếng cho đến bây giờ). Họ là những anh thư ký từ Luân Đôn, những quý tộc từ Nam Mỹ, những người thợ mỏ nghèo nàn ở Mễ Tây Cơ, những người Trung Hoa cơ cực đến từ lục địa và cả các tàu buôn chở đoàn tội phạm từ Úc Châu. Tất cả đến đây với một mục đích: đào vàng. Khoảng chừng hơn 300 ngàn người đến California trong một năm sau đó, 1849. Họ được biết với tên gọi “forty-niners” - những người bốn chín (đến California vào năm 1849). Họ đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt California. Từ một thành phố vịnh ngái ngủ yên tĩnh, San Francisco năm 1848 chỉ có khoảng 1 ngàn ngôi nhà, một năm sau đã mọc thêm 35 ngàn. San Francisco đã hóa thân thành một thương cảng quốc tế nhộn nhịp tàu bè và khách.
Dọc theo con sông American quanh khu vực xưởng cưa của John Sutter và hầu như quanh bờ sông đó đâu đâu cũng có vàng, những người đến đầu tiên chỉ cần chiếc muỗng và con dao nhỏ có thể vớt vàng lên từ đáy lòng sông cạn. Những lá thư của Chun Ming, một người Hoa vượt qua biển Thái Bình về Hoa lục đã dấy lên cơn sóng đổ xô về châu Mỹ, năm 1852 đã có đến 25 ngàn người Trung Hoa đến California, có lúc cao điểm đến 2 ngàn người trong một ngày. Họ gọi San Francisco là Gold Mountain - Núi Vàng - Kim Sơn. Thư của người đi trước kể lại rằng vàng nhiều đến mức một người có thể đào vàng mà con lừa mang về không nổi. Những lá thư gởi về quê nhà của những người đào vàng cho biết trong một ngày họ có thể kiếm được số tiền hơn 1 năm trời ở quê. Một cha xứ đạo Mormon dự định đến đây truyền đạo, đã bỏ ý định và mở cửa hàng bán cuốc xẻng, dụng cụ đào vàng. Ông ta trở nên giàu có nhanh chóng. Những chiếc tàu buôn đã mang đến nhiều gỗ để xây dựng lán trại và nhà cửa, ngay cả mang đến hàng trăm con mèo, để bán cho những trang trại có nhiều chuột. Năm 1853 Levi Strauss cũng mang theo vải bố dày dự định bán cho người đào vàng làm lều và bọc mui xe ngựa, sau đó nhận thấy loại vải denim này phù hợp bền bỉ cho người thợ, ông ta may quần jean, cùng Jacob Davis sáng chế ra những nút đinh gắn vào túi quần 1871, những túi quần bền chắc để nhét các thỏi vàng vào... (chiếc quần jean ra đời từ ấy). Một người Hoa tên Wah Lee mở tiệm giặt ủi đầu tiên ở góc phố Washington và Grant. Ông trở thành nổi tiếng và dẫn đường cho các tiệm giặt ủi truyền thống của người Hoa sau này khắp nước Mỹ. Tất nhiên thành phố phát triển sầm uất nhanh chóng với đầy đủ các dịch vụ, ngân hàng, bưu điện, môi giới cầm đồ... Và các hệ lụy cũng kéo theo sau. Các sòng bài, nhà chứa, cướp bóc và tội phạm. Điều thương tâm nhất là số phận của những người cư dân địa phương trong đó bao gồm các bộ lạc thổ dân da đỏ, người Mễ Tây Cơ bản xứ và thiểu số người Trung Hoa.  
Thoạt đầu khi những người da trắng băng qua lãnh thổ của họ để đến San Francisco, họ đã được lợi khi mua bán thực phẩm, nước uống và tính tiền với giá cao cũng như lộ phí băng qua lãnh địa. Sau đó bệnh dịch tả (mà người da trắng mang đến) và các vụ cướp ngựa, giành đất của người da trắng cũng như xung đột giữa các bộ lạc đã dẫn đến nhiều cuộc chết chóc đẫm máu. Chính quyền phải nhúng tay can thiệp mua chuộc các thổ dân để người da trắng tiếp tục cuộc chinh phục viễn tây. Với sức mạnh vũ khí những người di dân đã đàn áp thổ dân không nương tay. Người thổ dân mất dần lãnh thổ. Họ trở thành làm mướn cho những người đào vàng. Say sưa và nợ nần, đã đẩy một số trở thành nô lệ... Người thổ dân da đỏ gọi Kali là vàng, Fornia nghĩa là Wouldn’t you like some? California nghĩa là: bạn có muốn vàng không? Trước thời kỳ Gold Rush (đua nhau tìm vàng) có khoảng 300 ngàn thổ dân da đỏ. Trong vòng 20 năm sau chỉ còn lại 30 ngàn.
Không phải vận may và thành công đến với tất cả “những người bốn chín”. Nhiều người đã chết, đã thất bại và quay về cố hương hay cố thử thời vận ở rải rác các tiểu bang khác. Làn sóng chống đối người di dân lên cao. Chính phủ địa phương đã có biện pháp hà khắc về thuế để giảm thiểu cạnh tranh khốc liệt ấy. Những nhóm người sắc tộc thiểu số và không cùng ngôn ngữ phải nhận lấy hậu quả nặng nề. Đầu tiên là thuế năm 1850 đánh cao đến 20 đô la một tháng cho những người không mang quốc tịch Mỹ (Foreign Miners Tax) tương đương hơn 500 đô la hôm nay. Hàng ngàn người đã bỏ miền đất hứa hẹn này và trở về cố hương. Thế nhưng những người Hoa nhỏ bé và lam lũ này vẫn nhẫn nhục chịu đựng ở lại. Họ tiếp tục bám lấy mảnh đất này, dù khắc nghiệt nhưng cũng tốt hơn nơi quê chốn họ sinh ra ngàn lần. Họ vẫn chăm chỉ quây quần với nhau. Họ vẫn giữ tập quán xưa, không nhậu nhẹt bài bạc, ăn món ăn quen, dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, đa phần ít học nên họ không học được Anh Ngữ. Họ làm việc suốt cả ngày Chủ Nhật. Điều này trở thành cái gai trong mắt người Mỹ. Và thế là một luật thuế lần thứ nhì ra đời, đánh thuế trực tiếp đến người Hoa. Một số người Hoa phải chuyển qua làm những dịch vụ khác như giặt ủi và xây dựng đường hỏa xa sau này. 
Làm lụng cực khổ như vậy trong khi giá cả dịch vụ và thức ăn trở thành đắt đỏ đến mức không thể tưởng tượng được. Trong thời điểm cao trào năm 1849, một quả trứng giá đến 25 đô la theo thời giá hiện nay, nửa ký cà phê giá 100 đô và thay một đôi giày ủng để làm việc giá 2,500 đô! Nhiều thương gia và kỹ nghệ gia gián tiếp làm giàu lên nhanh chóng từ những người tìm vàng. Và họ đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng từ nơi này. Philip Armour đã làm giàu bằng hệ thống dẫn nước trên máng để điều khiển dòng chảy các con sông dẫn nước vào chỗ đãi vàng. Nhiều năm sau ông đã làm chủ các xưởng đóng thịt hộp theo dây chuyền ở Chicago. Trước khi xây dựng thành công hãng xe điện Studebaker Corporation ở Indiana, John Studebaker đã chế ra chiếc xe cút-kít 1 bánh (wheelbarrow) cho những người tìm vàng. Hai thương gia ngân hàng Henry Wells và William Fargo đã mở văn phòng ở San Francisco và sớm trở thành một trong những nhà băng tiếng tăm Wells Fargo. Và tất nhiên có cả Levi Strauss như đã nói phía trên.


 
bnguyen
Hàng ngàn người đã giàu có và thay đổi cuộc đời. Nhưng oái oăm thay chủ nhân của xưởng cưa John Sutter lại không có được may mắn. Khi người thợ mộc của ông tìm được cục vàng đầu tiên, ông đã cố giữ kín, nhưng 1 tháng sau những người làm công đã bỏ trang trại để đi đãi vàng. Hàng ngàn người mới đến đã xâm lấn và phá hủy trang trại cùng đất đai trong khu vực. Bị thúc ép vì nợ nần và nhà bị đốt cháy, ông dời đến Pennsylvania trong nỗ lực nhiều năm đòi chính phủ liên bang bồi thường tài sản. Ông thất bại và mất trong nghèo khó.  
Những người tiên phong về miền viễn Tây hoang dã này cùng những thỏi vàng đầu tiên đã làm nên một tiểu bang California trẻ trung, năng động và giàu có. Năm 1850, chỉ sau 2 năm từ khi chính phủ mua lại vùng đất, California trở thành tiểu bang thứ 31 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Kể từ đó California được gọi là tiểu bang vàng, có nền kinh tế đứng thứ 5 toàn nước Mỹ. Hiện giờ dù tiểu bang đã không còn tìm thấy vàng nhưng khí hậu ấm áp bốn mùa, nắng ấm chan hòa từ biển Thái Bình Dương, soi bóng chiếc cầu lịch sử Golden Gate như chiếc cổng vàng luôn bao dung chào đón người di dân bốn phương, trong đó có gần 1 triệu rưỡi người Việt. 
Khác “những người bốn chín” năm xưa, những người Việt đến định cư ở miền đất này để tìm một thứ khác quý giá hơn vàng. Đó là tự do. 
SB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét