-Ngày 30 tháng tư
*2giờ 30 sáng, tại tòa đại sứ còn 1000 người Việt, 53 nhân viên dân sự và 173 thủy quân lục chiến, trong khi ở phi trường TSN còn độ 2000.
* 3 giờ 45: Martin nhìn đám người trong sân và tuyên bố: những trực thăng đáp trên nóc tòa đại sứ chỉ dành cho người Mỹ.
<!->
* 4 giờ 42: chiếc trực thăng mang tên Lady Ace 9 đáp xuống nóc. Viên phi công trình lệnh của Tổng Thống: Martin phải lên phi cơ. Nếu Martin không tuân lệnh, viên phi công còn có một lệnh khác của Gayler, tư lịnh Mỹ vùng Thái Bình Dương là áp giải Martin.
Bước xuống HKMH Blue Ridge Đại sứ Martin trong một tâm trạng chán nản và mệt mỏi
Theo Darcourt, Đại sứ Martin đánh giá cuộc di tản không ra gì, muốn ở lại và chết ở đó. Với một tâm trạng rối loạn, mệt mõi (ông đã thức suốt 72 giờ liền), ôngđáp xuống hàng không mẫu hạm Blue Ridge, vào phòng đóng cửa lại để không ai thấy nỗi thất vọng của ông.
* 7 giờ 53: chiếc trực thăng cuối cùng chở những binh sĩ cuối cùng (thực ra còn 2 xác thủy quân lục chiến ở Tân Sơn Nhứt), yểm trợ bằng 6 trực thăng võ trang Cobra rời tòa đại sứ. Họ ném hơi cay trên đầu 420 người Việt còn đứng chờ bàng hoàng, ngơ ngác.
Lá cờ Mỹ đã cuốn đi mang theo nỗi thất vọng, cay đắng, oán hờn, sung sướng, của người Việt bắt đầu một trang sử mới.
*8 giờ sáng, tại dinh Phủ Thủ Tướng, ông Dương Văn Minh họp cùng các nhân vật quan trọng của nội các mới như Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu để trình bày tình hình quân sự và chính trị đã đến hồi tuyệt vọng, cuộc thương thuyết với chánh phủ Mặt Trận Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam và Hà Nội, qua trung gian của Pháp kể như không có trong khi thành phố Saigon đã hỗn loạn cực kỳ.
«Nhiều toán quân sĩ VNCH lang thang trong thành phố, họ vứt bỏ vũ khí, quân phục. Bọn cướp bóc tràn ngập trong thành phố, súng bắn loạn xạ» (Todd, p.390).
* 9g30: sau phiên họp, nội các Dương Văn Minh đến dinh Độc Lập dự định theo chương trình để bàn giao với Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng trong nội các Nguyễn Bá Cẩn, nhưng cuộc bàn giao không xảy ra mà họ chờ quân giải phóng đến.
*11g30: «tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô từ phía đại sảnh: Mọi người đi ra khỏi phòng… Người bước ra khỏi phòng trước tiên là tổng thống DVM… Có tiếng hô to: Mọi người giơ hai tay lên. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi sau đều nhất loạt giơ tay…Một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh: Anh hãy viết một bản tuyên bố đầu hàng. Ông Minh trả lời rằng sáng nay ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng…Ông Minh vẫn đứng yên lặng.
Viên chỉ huy yêu cầu ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng…Trước khi rời dinh Độc Lập đến đài phát thanh, ông Minh nói với vị chỉ huy bộ đội: Vợ tôi vẫn ở đây. Xin các anh bảo đảm an ninh giùm. Viên chỉ huy đáp: Anh hãy yên tâm…Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Saigon trên chiếc xe Jeep của bộ đội…Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát lúc 13 giờ 30…» (LQC, tr.410-412).
Trần Văn Đôn thuật dựa vào những điều nghe biết sau 30 tháng tư (vì ông đã ra đi): «Sau đó họ mời ông Minh, ông Mẫu và một người nữa lên xe jeep đi. Sau này tôi biết họ chở lại gặp tướng Trần Văn Trà. Tướng Trà nói: Tôi mời mấy ông về đây để uống trà với tôi. Tôi là Trà đây. Chiến tranh đã kết thúc rồi. Không có ai thắng ai bại» (Đôn, tr. 485). Và cũng với luận điệu ấy, Đôn đã viết: «Ai cứu dân chúng Saigon khỏi đổ máu. Không phải Kissinger, không phải đại sứ Mỹ, không phảiđại sứ Pháp. Saigon không đổ máu là nhờ Dương Văn Minh».
Pierre Darcourt kể lại với nhiều chi tiết sống sượng hơn:
«Đúng 12 giờ 10 phút, ba chiếc xe tăng T54 cán dẹp những hàng rào cản sơn màu trắng đỏ bao quanh dinh Độc Lập. Họ bắn chỉ thiên một tràng dài, ủi sập cánh cổng lớn, cán lên trên rồi tiến thẳng vào dinh Độc Lập, cày bừa lên các bãi cỏ trong sân. Hai chiếc xe Jeep và một chiếc xe vận tải chạy đến, qua mặt các chiến xa. Tất cả mang cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miên Nam…
Vị sĩ quan cao cấp được 4,5 lính CS hộ tống ập vô đại sảnh, nơi mà tướng Dương Văn Minh đang hội họp với các người thân cận của ông ta. Thấy vị sĩ quan đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, Tướng Minh tưởng rằng mình đứng trước một sĩ quan cao cấp nên nói:
- Thưa quan sáu (nguyên văn: mon général ong sau), tôi đã chờ ông từ sáng để trao quyền cho ông.
- Mầy (nguyên tác: tu, có thể dịch là anh, nhưng mày có lẽ đúng hơn trong hoàn cảnh nầy) dám nói là trao quyền à. Mầy chỉ là một kẻ cướp quyền và một tên bù nhìn. Mầy chẳng có quyền nào để trao cho tao cả. Chúng tao đạt được quyền bằng khẩu súng trong tay. Tao nói cho mày rõ là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chính trị. Và kể từ bây giờ, tao cấm mầy không được ngồi xuống. Gương mặt tướng Minh co rúm lại. Giọng nói hung bạo và khinh miệt của người sĩ quan khiến ông Minh hiểu rõ là ông đang đứng trước mặt một sĩ quan miền Bắc (nguyên tác: Tonkinois) chớ không phải là người Mặt Trận miền Nam. Tướng Minh cố giữ bình tỉnh và nhẹ nhàng nói:
- Chúng tôi đã có làm sẵn một bữa cơm để tiếp các ông. Có yến, súp măng cua.
Viên trung tá xẳng giọng
- Tụi bây đang ở trong tình trạng bị bắt. Hãy giữ thức ăn tư sản cho tụi bây. Chúng tao sẽ cho tụi bây ăn cơm dã chiến, một nắm cơm vắt và một hôp thịt mặn.
Tất cà các tổng trưởng hiện diện đều bị khám xét và bị bắt giam trong một phòng. Dinh Độc Lập bị tràn ngập bởi phóng viên báo chí» (Darcourt, p.209).
*Lúc 16 giờ 30, tướng Minh được rời khỏi phòng giam lỏng ở tầng dưới dinh Độc Lập. Một phóng viên của nhật báo Quân đội giài phóng hỏi ông
- Ông nghĩ sao về những biến cố mà ông vừa trải qua?
Ông Minh ngập ngừng giây lát rồi trả lời với ngôn ngữ tuyên truyền mà CS thường sử dụng:
- « Chúng tôi đã nhận thức được sức mạnh của Chánh phủ cách mạng lâm thời và của quân đội giải phóng. Các đơn vị thiết giáp của quân giải phóng thực hùng mạnh, quân đội Saigon không thể nào đương cự được, chỉ còn có việc đầu hàng không điều kiện mà thôi…
Chúng tôi tin tưởng các ông, nếu không thì chúng tôi đâu có đem cả gia đình chúng tôi đến đây để đón các ông. Các ông đã đạt được chiến thắng một cách nhanh chóng, chúng tôi vô cùng sung sướng. Chúng tôi và gia đình chúng tôi bình yên, thật là may mắn » (Darcourt, tr. 213)
Và sau đó, các nhân vật trong nội các cuối cùng của VNCH cũng lưu hậu thế với những câu nói bất hủ.
* Ông Nguyễn Văn Huyền thì dè dặt hơn: «Chúng tôi không chấp nhận cuộc di tản. Là người VN, mình phải ở lại sống trên quê hương mình chớ»
* Ông Vũ văn Mẫu thì hớn hở, nhảy nhót: «Các anh đánh hay lắm. Tôi rất sung sướng đã đuổi được người Mỹ ra đi. Bây giờ thì chúng ta với chúng ta mà thôi. Sau khi nhắc lại quê ông ở quận Thường Tín, phía Nam Hà Nội và chuyện ông cạo đầu phản đối ông Diệm, ông nói: Kể từ hôm nay thì tôi sẽ để tóc lại được rồi»
* Ông Nguyễn Văn Hảo đưa tay lên và nói lớn:«Các anh thật đáng phục vì đã đánh bại được nước Mỹ, chúng tôi hi vọng là tài nguyên của đất nước sẽ được sửdụng để xây dựng đất nước chúng ta». (Darcourt, tr.213)
Trong khi các chánh khách 30 của VNCH đầu hàng CS và tranh nhau nịnh bợ chánh quyền mới, trên khắp các nẽo đường đất nước, quân nhân các cấp phẩn uất, nhiều tướng tá tử tiết thay vì đầu hàng. Chỉ cần đan kể một vài anh hùng liệt sĩ: các tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần văn Hai…
Trong lịch sử chiến tranh, không có cuộc chiến nào để lại một khối lượng sử liệu khổng lồ, đa dạng và phức tạp như chiến tranh VN. Tại Hoa Kỳ, có ít nhất 10 đại học danh tiếng có bộ sách về chiến tranh VN trong đó trung tâm Texas Tech University được xem như quan trọng nhất.Ghi lại những biến cố chỉ trong tháng 4 từmột số tài liệu mà độc giả có thể tìm được dễ dàng trong các thư viện công cộng hay nhà sách, chúng tôi muốn nói lên bản chất dị biệt của các tài liệu qua các nguồn tư liệu và tác giả.
Sự dị biệt ít nhiều và bàng bạc qua gần 20 tài lệu mà chúng tôi tham khảo, nhưng chúng tôi chú tâm đặc biệt vào hai biên khảo-hồi ký căn bản của biến cố tháng tư viết bởi hai cộng sự viên quan trọng của Tổng Thống Thiệu là Đại Tướng Cao Văn Viên,Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn đặc biệt của Tổng thống. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, qua lời văn tuy ôn tồn nhưng quyết liệt, ông Viên đã dành một chương «Lời bạt» thêm vào quyển quân sử The final Collapse do ông soạn thảo cho Trung Tâm Quân sử lục quân Hoa Kỳphổ biến hạn chế năm 1983 và Nguyễn Kỳ Phong chuyển ngữ với tựa đề là Những ngày cuối cùng của VNCH, xuất bản năm 2003, để làm sáng tỏ và đính chính một số sai lầm, thiếu sót viết về ông và về Bộ Tổng Tham Mưu do ông điều khiển mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã viết trong quyển The Palace File xuất bản năm 1986 và ấn bản Việt ngữ tựa là Hồ sơ mật Dinh Độc Lậpxuất bản năm 1987.
Đa số độc giả cũng như chúng tôi không am tường các chuyện bí mật chính trị và quân sự, cho nên chuyện đúng hay sai là chuyện của các chuyên gia và nhà sử học, do đó khi chúng ta đọc những tài liệu loại nầy, chúng ta thường đọc bằng cảm tính qua văn phong của tác giả. Chúng ta có khuynh hướng nghiêng (tin) về người bị chỉ trích, bị hạ bệ và phản kháng (không tin) người dao to búa lớn, đại loại, tôi đã khuyên tổng thống chuyện nầy, can thiệp với ông đại sứ nọ… Đó là điều mà chúng tôi gọi là đem tâm tình đọc lịch sử.
Ngoài việc viết thiếu trung thực lịch sử vì vô tình hay cố ý, một hiện tượng khác còn trầm trọng hơn là việc ngụy tạo tài liệu đã đưa độc giả đến những hiểu biết sai lệch mà điển hình là vụ quyển sách Saigon et moi của cựu đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon mà từ hàng chục năm nay, cứ đến tháng tư thì tái xuất hiện như một thứ «cá tháng tư» (poisson d’Avril).
Nhiều sách báo đã phổ biến, trích dẫn «con cá tháng tư» này như chuyện thật.
Cách đây một tháng, nhiều bạn hữu lại chuyển cho chúng tôi qua internet một bài đọc dưới dạng mp3 về một chương sách tưởng tượng trong quyển sách ngụy tạo Saigon et moi. Đại ý, Jean-Marie Mérillon đã dàn xếp được với Mặt Trận Giải Phóng để chấp nhận Dương Văn Minh thành lập một chánh phủ liên hiệp để thoát khỏi gọng kềm của CS miền Bắc nhưng Dương Văn Minh đã phản bội lời hứa, thay vì đi Trảng Bàng để gặp Trần Văn Trà trong toan tính này thì lại đầu hàng với hi vọng sự nhượng bộ này sẽ được CS tưởng thưởng.
Ngoài ra, bài đọc (từ bài viết) còn có những chi tiết giựt gân, cảm động, đánh trúng cái khát vọng của người di tản không muốn VNCH chết một cách tức tửi và oán ghét những chánh khách bất tài, xôi thịt, hèn hạ.
Tác giả của nguồn tin này (ông Vũ Hải Hồ) cho là quyển sách xuất bản năm 1985, được ra mắt ở khách sạn La Fayette với sự chứng kiến của Tổng Thống Valéry Giscard d’Estaing và nhiều nhân vật chính trị quan trọng của Pháp, nhưng sau đó mấy ngày thì bị Bộ ngoại giao tịch thu.
Lối giải thích quả tình phi lý vì chế độ kiểm duyệt sách báo ở các quốc gia Tây Phương là chuyện không có, còn chuyện thu hồi một quyển sách hồi ký đã xuất bản lại còn là chuyện thần thoại hơn.
Ngoài ra, trong việc phát triển bộ sách tiếng Việt và sách ngoại ngữ viết về VN cho thư viện thành phố Montréal, chúng tôi có theo dõi trong nhiều năm thời ấy trong các thư mục các nhà xuất bản trên thế giới như Books in prints, Livres disponibles để mua cho thư viện, nhưng không hề thấy tên quyển sách này.
Để chứng minh quyển Saigon et moi không có, GS Tiến sĩ Sử học Hoàng ngọc Thành và Bà Thân thị Nhân Đức trong tác phẩm «Những ngày cuối cùng của Ngô Đình Diệm», xuất bản năm 1994, nơi trang 622 và 623 (trang 574 ấn bản năm 1996, phụbản trong ấn bản năm 1999) có nói rõ về vấn đề này.
Nguyên là ông Hoàng Ngọc Thành khi sang Paris năm 1989 không tìm mua được quyển Saigon et moi, nên có liên lạc với ông Mérillon, lúc ấy làm đại sứ ở Moscou để hỏi rõ . Ông Mérillon đã phúc đáp GS Thành nguyên văn nhưsau:
République Française
Ambassade de France En URSS
L’Ambassadeur
Moscou le 12th November1990
Dear Dr Thanh,
Your letter of the 22nd October has just reached me. I was most touched by it and very pleased to hear from you.
As far as the book«Saigon et moi» is concerned, I must make a point particularly clear. I did not write this book nor have I written any other about Vietnam; therefore the work that you are enquiring about is not mine. However, I am intrigued by this publication and should be glad to have any information relating to it.
Should I visit California, I shall not fail to take advantage of your kind invitation to a Vietnamese dinner.
Wishing your new book every success, I remain
Yours sincerely,
Jean- Marie Mérillon
Khi viết biên khảo, các tác giả có khuynh hướng sử dụng những tài liệu trích dẫn từ những tài liệu tham khảo cấp hai hay cấp ba mà không phải từ tài liệu gốc. Sự sai lầm, nếu có, tuy đáng tiếc, nhưng vẫn có thể hiểu được vì lẽ chúng ta không thể có được trong tay tất cà các tài liệu.
Tuy nhiên, khi đã biết một tài liệu ngụy tạo mà vẫn cố tình sử dụng vì một ý đồ, hành động nầy không thể nào nói khác hơn là một thứ bất lương trí thức. Đó là trường hợp bản dịch quyển « La mort du VietNam» của tướng Vanuxem của Dương Hiếu Nghĩa với tựa là «Nước Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử» (Nhà xb Đại Nam, 1997) có một phụ bản đặc biệt từ trang 194 đến trang 221 đăng lại từ tập san Đa Hiệu một chương sách ngụy tạo của Mérillon. Dịch giả đã có lời phi lộ như sau:
«Không ai tìm thấy tung tích quyển sách này ở bất cứ thư viện nào ở Pháp, kể cả Thư viện Quốc Gia Pháp ở Paris. Cũng như sau nầy, chính ông Mérillon đã đính chánh ông không phải là tác giả của quyển Saigon et moi hay bất cứ quyển nào khác viết về VN» (sđd, tr. 195).
Đã biết như vậy mà vẫn tiếp tục phổ biến một tài liệu ngụy tạo, chúng tôi không hiểu tác giả có ngụ ý gì nếu không đã mất trí.
Kết luận
Hôm nay, đọc lại những tài liệu cũ về những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi không giữ được nỗi bàng hoàng nhớ lại nỗi kinh hoàng của những ngày quốc biến của 34 năm trước. Người đọc lịch sử, nhất là lịch sử của tổ quốc mình không thể vô tâm như người ngồi ở ga xe nhìn đoàn tàu đi qua, mà tùy theo cảnh ngộ, người đọc xúc động với biến cố hay suy nghĩ về biến cố. Chẳng phải là sử gia cũng không phải là chính trị gia, đa số người Việt ngoài nước lẫn trong nước đều cảm nhận nỗi bất hạnh của quê hương mình và dân tộc mình đã từ hơn một thế kỷ qua, luôn là mảnh đất để các cường quốc ngoại bang và các tậpđoàn người Việt, nhân danh những khẩu hiệu giả ân giả nghĩa, đã thay phiên nhau xâu xé, thống trị và bốc lột một dân tộc không ngớt gánh chịu điêu linh. Nhưng nghĩ cho cùng, khi con người đã quá khổ đau, con người chỉ còn biết bám víu vào định mệnh. Nếu nước VNcó một định mệnh thì định mệnh đã bắt VN của chúng ta gánh chịu quá nhiều bất hạnh từ 1945 đến nay mà cái bất hạnh lớn nhất, nguy hại nhất, là chiến tranh VN đã được điều khiển bởi một Kissinger ác cảm khinh miệt chế độ miền Nam và một tập đoàn chính trị miền Nam đa số bất tài, thối nát.
Hôm nay, lần giở lại gần hai mươi quyển hồi ký và biên khảo tiếng Việt và ngoại ngữ trong kho tài liệu khổng lồ về chiến tranh VN, nếu chúng tôi được soi sáng vàđược lãnh hội nhiều sự kiện và nhận định ghi lại với sự trung thực và thành khẩn đáng được xem như những sử liệu giá trị qua vài biên khảo và hồi ký, chúng tôi lại cảm thấy bùng dậy nỗi bất bình với những trang giấy viết để ca tụng mình, phe nhóm mình, nhục mạ chiến hữu mình, phe nhóm đối lập với mình. Tác giả những thiên hồi ký khoác lác nầy đa số là những người đã vinh thân trong cuộc chiến, và giờ đây, họ vẫn không còn biết giữ được chút liêm sĩ còn sót lại để im tiếng, để yên cho những người may mắn thoát chết tiếp tục sống với nỗi đau gặm nhấm. Lịch sử sẽ phải thực sự được viết lại bởi những người viết sử công chính và những quyển hồi ký man trá nầy sẽ phải bị chôn sâu dưới nấm mồ của những tác giả đã đánh mất lương tri.
Trong một cuộc mạn đàm với các bậc thức giả, chúng tôi có bày tỏ nỗi ưu tư là những người di tản thế hệ chúng ta không có cơ may đọc được một quyển chính sử viết về thời kỳ chúng ta đã sống. Một cụ già đã sang sảng trả lời: «Biết làm chi nhiều hơn cho thêm cay đắng. Chúng ta chỉ cần biết rõ ràng rằng chúng ta là nạn nhân của ba sự lừa dối và phản bội, thứ nhất là của đồng minh người Mỹ của chúng ta, thứ hai là của người lãnh đạo phe quốc gia chúng ta và thứ ba là của bọn Cộng Sản Việt Nam».
Chúng tôi chỉ biết gục đầu thấm thía lời phẩn nộ nhưng không dám gật đầu chấp nhận thái độ buông tay.
Chúng tôi vẫn tự hỏi, có thế nào lịch sử cận đại của một dân tộc đã phải hi sinh bao triệu người sẽ được viết bởi những kẻ lừa dối và phản bội?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét