Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) chào đón thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Sunnylands nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 15/02/2016.Mandel Ngan / AFP Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California – Hoa Kỳ) đã diễn ra trong hai ngày 15-16/02/2016. Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, có một lập luận cho rằng hội nghị đã không thành công, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông, vì không dám chỉ trích đích danh Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến theo đó Sunnylands dẫu sao cũng đánh dấu một bước tiến trong quan hệ Mỹ-ASEAN.<!->
.Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason (Virginia- Hoa Kỳ) cho rằng nếu căn cứ vào mục tiêu được chính tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra, thì hội nghị thượng đỉnh Sunnylands đã thành công ở mức 50%. Trong bối cảnh ASEAN vẫn đồng sang dị mộng trên vấn đề Biển Đông và Trung Quốc, Việt Nam, với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biết khai thác cơ hội này để thúc đẩy quan điểm của Việt Nam, kể cả trong vấn đề Biển Đông và Trung Quốc.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - Hoa Kỳ. 03/03/2016 Nghe
RFI: Mục tiêu của Hoa Kỳ nước chủ nhà khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN trong thực chất là gì ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Như tổng thống Obama đã nói trong cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc, ngày 16/02, Hoa Kỳ muốn đưa tín hiệu là cam kết của Hoa Kỳ với ASEAN là một cam kết “mạnh và bền vững.” Ông cũng muốn thấy một ASEAN “có tiếng nói rõ rệt và thống nhất.”
Điều thứ nhất được thực hiện bằng hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Hoàng Sa chỉ khoảng hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN họp ở Sunnylands. Hành đông ấy có làm ASEAN vững tin (ở cam kết của Mỹ) hay không lại là một chuyện khác.
Điều thứ hai thì sau Sunnylands, nó vẫn còn là hy vọng. Tức là khi ông Obama nói là ông muốn thấy một ASEAN có tiếng nói rõ rệt và thống nhất, thì đó mới chỉ là hy vọng, không được thực hiện ở thượng đỉnh đó.
RFI: Hoa Kỳ đã có đạt được các mục tiêu mong muốn hay không?
Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Obama có nói rằng ông muốn thượng đỉnh Sunnylands đưa quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN vào “một quỹ đạo mới dẫn đến đỉnh điểm cao hơn trong những thập niên sắp tới.” Nếu như vậy, thì có thể nói là mục tiêu đạt đươc khoảng 50%. Nó mới chỉ là điểm khởi đầu cho thế đối tác đó mà thôi.
RFI: Về vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, có thể có những kết luận nào về quan điểm của từng nước ASEAN?
Nguyễn Mạnh Hùng: ASEAN gồm có 10 nước đồng sàng dị mộng. Dĩ nhiên quan điểm mỗi nước trong ASEAN có những chi tiết khác nhau, ASEAN không có lập trường thống nhất đối với Trung Quốc.
Những nước bị Trung Quốc đe doa trực tiếp đến vẹn toàn lãnh thổ như Philippines và Việt Nam có thái độ cứng rắn hơn. Indonesia thì có lập trường lơ lửng vì Trung Quốc nói rõ là họ không có tranh chấp lãnh hải với Indonesia. Một số nước khác như Cam Bốt và Lào thì có thái độ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại.”
RFI: Malaysia thì như thế nào?
Nguyễn Mạnh Hùng: Malaysia cũng nửa nạc nửa mỡ. Tuy rằng hành động của Malaysia cũng “tiến” hơn một chút khi bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia đứng cạnh bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt khi ông Carter tuyên bố rằng Mỹ có thể bay đến bất cứ nơi nào luật pháp cho phép, và việc cho phi cơ do thám Mỹ cất cánh từ Malaysia.
Nhưng dù sao thì hành động của Malaysia không rõ rệt bằng thái độ của Philippines và Việt Nam.
RFI: Thái Lan phải chăng sẽ gia nhập vào nhóm thân Trung Quốc trong ASEAN?
Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng quyền lợi và truyền thống của Thái Lan không thuận lợi cho việc đó.
Tôi nghĩ là Thái Lan ấm ức với Mỹ chỉ vì Mỹ có xu hướng chỉ trích chính quyền quân đội Thái Lan và muốn họ đi nhanh đến dân chủ. Hành động của Thái Lan hiện nay chỉ là một phản ứng bất mãn thôi, nó không phục vụ hoàn toàn lợi ích lâu dài của Thái Lan.
RFI: Giáo sư đánh giá sao về tuyên bố có phần mạnh bạo hơn của ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông công khai kêu gọi Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và có hành động thiết thực để chấm dứt việc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Mấy năm trước ông Dũng đã từng tuyên bố mạnh dạn đối với Trung Quốc ở Đối Thoại Shangri La (Singapore). Lần này, phát biểu của ông Dũng cho thấy Việt Nam muốn nói công khai việc ủng hộ sự can dự và việc làm của Mỹ ở Biển Đông, chống lại việc Trung Quốc chỉ trích những hành động ấy.
Ngoài ra, có hai sự kiện đặc biệt: ông Obama dành ra 40 phút để nói chuyện riêng với ông Dũng và hứa rõ rệt sẽ thăm Việt Nam vào tháng 5 năm nay.
Những điều ấy tăng uy thế cho Việt Nam nói chung và cho tư thế của ông Dũng nói riêng.
RFI: Có thể xem đấy là một hành động đẹp, một "tuyên bố đặc biệt để tạo ra một « thành quả » cho Việt Nam" tại hội nghị, như Giáo sư dự đoán trong lần phỏng vấn trước đây hay không?
Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết, ông Dũng đươc cử đi dự hội nghị, đại diện cho Việt Nam lần cuối. Thứ hai, nhân cơ hội này, ông Dũng đã đưa ra được nhiều yêu cầu đối với Mỹ, những điều mà Việt Nam lần lượt đưa ra trong nhiều trường hợp, nhưng lần này đưa ra trọn gói, từ đòi hỏi Mỹ phải châm chước cho Việt Nam trong việc thi hành hiệp định đối tác thương mại Thái Bình Dương, việc Mỹ cho Việt Nam hưởng quy chế kinh tế thị trường, vấn đề xuất cảng cá basa của Việt Nam, việc khắc phục các hậu quả chiến tranh, cho đến đề nghị thêm là Mỹ giúp cảnh sát biển Việt Nam thi hành nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, và bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Ngoài ra, đây còn là một dịp rất tốt để ông Dũng đại diện cho sự đồng thuận trong Đảng và Nhà Nước Việt Nam, bàn riêng và trực tiếp với ông Obama để tìm một mẫu số chung của hai nước trong việc đối xử với Trung Quốc, đồng thời định rõ trong sách lược chung ấy là Mỹ làm gì và Việt Nam phải làm gì.
Tôi không biết ngoài những vấn đề mà ta biết qua báo chí, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Việt có đề cập gì đến các vấn đề mà tôi nói trên hay không, và kết quả ra sao.
Dù sao, ông Dũng cũng có cơ hội làm tốt nhiệm vụ của mình trong một hội nghị quốc tế quan trọng trước khi bàn giao chức vụ cho ông Nguyễn Xuân Phúc để ông này có đủ tư thế tiếp ông Obama khi ông thăm Việt Nam trong vài tháng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét