Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 28/3 - Lê Minh Nguyên



1.
Pakistan tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom Lahore
Pakistan đang tưởng niệm cái chết của ít nhất 70 người trong vụ nổ bom tự sát của phe Taliban hôm chủ nhật nhắm vào người Cơ đốc giáo tại thành phố Lahore ở miền đông. Các giới chức bệnh viện cho biết có đến 30 em bé trong số những người thiệt mạng.
Vụ nổ xảy ra tại một công viên đông người và gây thương tích cho hơn 300 người khác. Nhiều nạn nhân là những người thuộc cộng đồng Cơ đốc giáo thiểu số đến công viên để mừng Lễ Phục Sinh.
<!->

Một phát ngôn viên của quân đội hôm nay cho biết nhân viên an ninh đã thực hiện nhiều cuộc đột kích dựa trên những manh mối ban đầu và đã bắt giữ “một số nghi can khủng bố và những kẻ đồng loã” tại những khu vực trong tỉnh lỵ và hai thành phố khác của tỉnh Punjab, là tỉnh đông dân nhất nước.

Một người phát ngôn của nhóm Jamaatul Ahrar, một nhóm hiếu chiến thoát ly khỏi phe Taliban ở Pakistan, đã lên tiếng nhận trách nhiệm và nói rằng vụ tấn công này là nhắm vào người Cơ đốc giáo.

Cả thế giới lên án

Vụ tấn công khủng bố này gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nhà lãnh đạo Pakistan và nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đến Lahore sáng nay và chủ toạ một cuộc họp của các giới chức an ninh và các quan chức cấp cao trong chính phủ. Trong lúc lên án vụ tấn công khủng bố nhắm vào thường dân vô tội, ông Sharif nói rằng hành động đó không làm ông chùn bước trong việc diệt trừ chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố ở Pakistan. Ông cũng đến bệnh viện để thăm hỏi những người bị thương.

Ông Ned Price, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đưa ra một thông cáo để lên án vụ tấn công ở Lahore “với những ngôn từ mạnh mẽ nhất”. Thông cáo nói rằng đây là “một hành động hèn nhát tại một nơi vốn là một công viên xinh đẹp và yên bình.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng đưa ra một thông cáo lên án vụ tấn công và nói rằng “những kẻ chủ mưu của hành vi khủng bố đáng kinh tởm này phải được đưa ra trước ánh sáng công lý một cách nhanh chóng, phù hợp với những nghĩa vụ về nhân quyền.”

Ông cũng hối thúc chính phủ Pakistan làm hết sức mình để áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh cá nhân cho tất cả mọi người trong nước, kể cả những cộng đồng tôn giáo thiểu số.

Sau vụ khủng bố ở Lahore, giới hữu trách Pakistan đã tăng cường an ninh tại các công viên và những địa điểm công cộng khác trên khắp nước.

Biểu tình tại Islamabad

Trong khi đó, hàng trăm nhân vật tranh đấu của phe Hồi giáo hôm nay tiếp tục thực hiện cuộc biểu tình gần trụ sở quốc hội ở thủ đô Islamabad và nhất định không chịu giải tán cho tới khi đòi hỏi của họ được thỏa mãn.

Tối chủ nhật, hàng vạn người đã xuống đường ở Islamabad để phản đối  vụ treo cổ một người đã giết chết một viên tỉnh trưởng vì ông này kêu gọi sửa đổi luật báng bổ tôn giáo.

Những người biểu tình, hầu hết là những người thuộc các đảng phái của phe Hồi giáo, phản đối việc xử tử Mumtaz Qadri, là người đã bắn chết tỉnh trường tỉnh Punjab, ông Salman Taseer, vào năm 2011.

Người biểu tình đã xô xát với cảnh sát và lực lượng bán quân sự trong lúc họ nổi lửa đốt các toà nhà của tư nhân và của chính phủ.

Những vụ đụng độ gây thương tích cho hơn 20 nhân viên an ninh, khiến chính phủ phải huy động binh lính để bảo vệ cho khu vực có tên Vùng Đỏ ở Islamabad, nơi toạ lạc của hầu hết các trụ sở quan trọng của chính phủ, kể cả quốc hội và các sứ quán nước ngoài.

Một trong những đòi hỏi của người biểu tình là chính phủ phải cam kết  không thay đổi những luật lệ về tội báng bổ tôn giáo.

Hầu hết những người biểu tình đã giải tán vào giữa khuya chủ nhật. - VOA
|
|

2.
Ả Rập Xê Út thả 109 người Yemen, đổi lấy 9 người Ả Rập Xê Út

Liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu chống phiến quân Shi’ite ở Yemen hôm 28/3 cho hay họ đã thả 109 tù nhân người Yemen để đổi lấy 9 người Ả-rập Xê-út bị bắt giữ.

Tuyên bố của liên minh không nói chi tiết về những người Ả-rập Xê-út bị giam giữ ở địa điểm nào và như thế nào, song cho biết những người Yemen bị giam giữ ở gần biên giới của Ả-rập Xê-út.

Phiến quân Houthi Shi’ite đã chiếm giữ thủ đô Sana’a của Yemen hồi tháng 9/2014, và vào tháng 3 năm ngoái đã tiến về phía nam tới thành phố cảng Aden, tiến hành tấn công buộc tổng thống Abdu Rabu Mansour Hadi phải chạy sang Ả-rập Xê-út.

Phía Ả-rập Xê-út đã đáp trả bằng cách lập một liên minh tiến hành không kích vào quân Houthi, và sau đó chiến trận có sự tham gia của lính bộ binh ủng hộ ông Hadi chống lại phiến quân và một số vụ bạo lực dọc theo biên giới giữa Ả-rập Xê-út và Yemen.

Cuộc xung đột đã làm hơn 6.000 người thiệt mạng ở đất nước nghèo nhất khối Ả Rập.

Hồi tuần trước, Liên Hiệp Quốc thông báo các bên tham chiến đã đồng ý ngừng bắn trên toàn quốc từ ngày 10/4 và dự kiến tiến hành hòa đàm trực diện vào ngày 18/4 ở Kuwait. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc: Căn cứ tại Djibouti không mang tính quân sự --- Thái Lan hủy bỏ một dự án đường sắt quy mô ký với Trung Quốc

Trung Quốc phát động một chiến dịch “chiêu dụ” bất thường để giải thích về căn cứ hải quân đầu tiên của mình ở nước ngoài, đóng tại Djibouti, và tìm cách làm dịu bớt mối quan tâm của thế giới về sự bành trướng quân sự của nước này. Bắc Kinh khẳng định căn cứ tại Djibouti là sự đóng góp của Trung Quốc đối với an ninh và phát triển trong khu vực.

Dự án xây dựng cơ sở tại Djibouti liên quan đến việc mở hành lang thương mại trên khắp các châu lục và sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, cũng như giúp quốc gia Đông Bắc Á này kết nối với phần còn lại của thế giới.

Điều ngạc nhiên là thông điệp trên lại hoàn toàn trái ngược với lập trường hiếu chiến của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền tại hầu hết khu vực này nhằm giành quyền kiểm soát tuyến hàng hải thương mại quan trọng. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền, cũng như với Hoa Kỳ, ngày càng trở nên căng thẳng.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không đi theo phong cách “bá chủ” của Hoa Kỳ thông qua việc mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự, trong đó có việc thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Thế nhưng, Trung Quốc lại đang đi đúng theo hướng này với căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, được đặt tại Djibouti, quốc gia Đông Phi có vị trí chiến lược nằm trên lối vào Hồng Hải dẫn tới kênh đào Suez.

Bắc Kinh đã lặng lẽ thông báo lý do thành lập căn cứ trên và huy động truyền thông Nhà nước tuyên truyền cũng như cố gắng giải đáp mọi thắc mắc về mục đích thật sự của dự án căn cứ tại Djibouti.

Trong thông cáo gửi tới Reuters, bộ Quốc Phòng Trung Quốc xác nhận đã thông báo mục đích của mình về các dự án tại Djibouti tới « các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan », đồng thời nhắc lại rằng các cơ sở trên chủ yếu nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống cướp biển, hoạt động nhân đạo và gìn giữ hòa bình.

Bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc nhấn mạnh : Bắc Kinh « duy trì con đường phát triển hòa bình ... và chưa bao giờ tham gia chạy đua vũ trang hay bành trướng quân sự. Điều này sẽ không bao giờ thay đổi ».

Một nhà ngoại giao phương Tây, được một số quan chức Trung Quốc giới thiệu về kế hoạch trên, phát biểu với Reuters : « Trung Quốc giải thích đó là một phần của “một con đường, một vành đai” chiến lược, giúp nối nước Ethiopia ra biển », nhằm nói đến con đường tơ lụa chiến lược mới của Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao khác, cũng được Trung Quốc thông báo về dự án phát triển cơ sở tại Djibouti, nhận định chiến dịch “chiêu dụ” này là một động thái “bất thường” của chính phủ Trung Quốc, thường vẫn “âm thầm mà làm”. Bắc Kinh đang cố tỏ ra minh bạch về các kế hoạch tại châu Phi, vì theo nhận xét của nhà ngoại giao trên :« Trung Quốc không muốn bị xem như một mối đe dọa ».

Ấn Độ nâng cao cảnh giác

Cộng hòa Djibouti, nơi mà Pháp và Mỹ đều có căn cứ quân sự tại đây, cũng nhắc lại đường lối mà Bắc Kinh từng tuyên bố. Theo đó, các cơ sở trên của Trung Quốc sẽ được sử dụng để tiếp nhiên liệu và công tác hỗ trợ hậu cần nhằm chống cướp biển và bảo vệ các tuyến đường thương mại.

Quốc gia Đông Phi này cũng đồng thời “an ủi” phương Tây không nên lo lắng nếu Trung Quốc tìm kiếm “các tiền đồn quân sự”, vì cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, các nước phương Tây đã có các căn cứ khắp thế giới.

Công việc xây dựng cơ sở hậu cần đã được khởi công vào tháng 02/2016 tại đất nước chỉ có hơn một triệu dân. Djibouti đang cố gắng để trở thành một trung tâm vận chuyển quốc tế. Theo truyền thông Trung Quốc, một tuyến đường sắt trị giá 4 tỉ đô la sẽ nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với cảng mới do Trung Quốc đầu tư ở Djibouti.

Nằm ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, vị trí chiến lược của Djibouti đã khiến Ấn Độ lo ngại rằng quốc gia châu Phi này sẽ trở thành một viên ngọc trong “chuỗi ngọc trai” khác của Trung Quốc với các liên minh và phương tiện quân sự hiện gồm Bangladesh, Miến Điện và Sri Lanka, để bao vây Ấn Độ.

Các quan chức quân sự Ấn Độ phát biểu với hãng tin Reuters rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Djibouti sẽ buộc New Delhi mở rộng kế hoạch phòng vệ quân sự, mà cho đến nay chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động bộ binh và không quân, xuất phát từ các tranh chấp biên giới với Trung Quốc trên dãy núi Himalaya đã tồn tại từ nhiều thập niên gần đây.

Thiếu tướng Ấn Độ Mandip Singh nêu rõ trong một báo cáo, được đăng bởi Viện Nghiên Cứu và Phân Tích (do Nhà nước tài trợ), rằng cùng với sự tham gia của Trung Quốc tại cảng Gwadar ở Pakistan - một căn cứ quân sự tiềm năng, vai trò của lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể và có thể trở thành mối đe dọa cho hải quân Ấn Độ.

Ông viết : « Djibouti cũng có thể để cho Trung Quốc đặt nhiều phương tiện hải quân, không quân tầm xa tại đây, có khả năng duy trì giám sát trên biển Ả Rập cũng như các vùng lãnh thổ hải đảo của Ấn Độ ngoài khơi bờ biển phía Tây ».

Còn nhà ngoại giao phương Tây được Reuters phỏng vấn thì nhấn mạnh : « Nếu tôi là Ấn Độ, tôi sẽ rất lo ngại về những động thái của Trung Quốc tại Djibouti ».

Vào cuối năm 2015, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng nói : « Chúng tôi mong nhận được những lời giải thích rõ ràng hơn, như vai trò và mục đích của cơ sở mới này, đồng thời chúng tôi ghi nhận rằng Trung Quốc tham gia vào các chiến dịch quốc tế chống cướp biển ở Vịnh Aden ».

“Chuỗi ngọc trai” châu Phi

Tại hội nghị thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu cần phát triển thêm cơ sở hậu cần trên con đường tơ lụa nếu điều kiện cho phép. Tại châu Phi còn có một số các cảng khác mà Trung Quốc và các công ty của nước này đang giúp đỡ xây dựng và phát triển. Dĩ nhiên ngoài các tầu thương mại, tầu hải quân Trung Quốc có thể neo đậu tại đó trong tương lai.  

Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên tiết lộ ý tưởng lập căn cứ tại Djibouti được đưa ra năm 2015 khi hải quân Trung Quốc tham gia di tản người nước ngoài tại Yemen.

Các tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc tham gia chiến dịch phải chất đầy hàng tiếp tế trên tầu cho những người được sơ tán. Sau đó những con tầu này gặp khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu hay đảm bảo nguồn tiếp tế mới. Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc không có căn cứ hậu cần cố định. Nguồn tin trên nhấn mạnh : « Đó chỉ là một cơ sở hậu cần theo đúng nghĩa ».

Với Bắc Kinh, không thể gọi cở sở tại Djibouti là một “căn cứ quân sự” và các phương tiện truyền thông Nhà nước được lệnh tuyên truyền đúng như vậy.

Tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trích lời của các chuyên gia Trung Quốc, ngay sau bài phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị, rằng Trung Quốc không xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti mà chỉ là một “cơ sở hậu cần”.

Trong khi đó, chính phủ Djibouti lại rất muốn phát triển hợp tác quân sự với Bắc Kinh. "Trung Quốc đã chuẩn bị tốt để hỗ trợ Djibouti, tăng cường khả năng quân sự và đảm bảo an ninh cho nước này". Đây là lời phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong chuyến công du Djibouti năm 2014. Nguyên văn vẫn được đăng trên website của sứ quán Djibouti tại Bắc Kinh. - RFI

***
Do bất đồng về vấn đề tài chính với Trung Quốc, chính quyền Thái Lan tuần rồi đã quyết định tự đầu tư vào một dự án đường sắt quy mô thay vì nhận tài trợ từ Bắc Kinh, tuy đôi bên đã tưng bừng khai trương vào năm 2015.

Tháng 07/2015, hai nước đã ký một thỏa thuận sơ bộ về việc xây dựng một tuyến đường sắt dài 870 km gồm hai đường ray, bắt đầu từ Nong Khai gần biên giới Thái-Lào, và mở rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O Cha đã thông báo cho đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường trong dịp hội nghị thượng đỉnh khu vực hôm thứ Sáu 25/03/2016, là Bangkok sẽ tự thực hiện dự án.

Hai bên không thỏa thuận được về chi phí, phần vốn góp cũng như việc quản lý. Thái Lan muốn Trung Quốc góp 60% vì Bắc Kinh hưởng lợi nhiều do đây là một phần của kế hoạch đường sắt xuyên Á, nhưng bị từ chối. Bangkok cũng phản đối Bắc Kinh cho vay với tỉ lệ lãi cao, bên cạnh đó Trung Quốc còn nhất định giành quyền quản lý dự án.

Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời bộ trưởng Giao Thông Thái Lan, ông Arkhom Termpittayapaisith, cho biết Thái Lan sẽ tự đầu tư 170 tỉ bath cho tuyến đường sắt này. Do không thể hủy bỏ hẳn thỏa thuận đã ký, Thái Lan vẫn sẽ sử dụng một số công nghệ của Trung Quốc.

Theo nhận định của tờ báo Nhật Bản, quyết định trên đây của Bangkok là một đòn nặng, không chỉ giáng vào chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, mà còn vào tham vọng xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á. Tuyến đường này nối liền Côn Minh với Singapore, chạy qua Lào, Thái Lan và Malaysia, nhằm thúc đẩy việc giao thương với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời gia tăng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong khu vực. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Nhật Bản chỉ trích chủ trương của ông Trump về an ninh Châu Á

Ông Donald Trump, người đang dẫn đầu trong cuộc đua để được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống, đã gây bất bình cho các đồng minh chính của Mỹ ở Châu Á sau khi ông chỉ trích sự đóng góp của họ cho an ninh khu vực và đề nghị họ tự phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Seoul

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho tờ New York Times, ông Trump đã hô hào cho việc thực hiện một cuộc đánh giá lại toàn bộ những hiệp ước an ninh của Mỹ với Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Trong quá khứ ông Trump đã chỉ trích hai đồng minh chính của Mỹ ở Đông Bắc Á là ‘những kẻ ăn bám” vì chi trả quá ít cho việc Hoa Kỳ bố trí 50.000 binh sĩ ở Nhật Bản và 28.500 binh sĩ ở Nam Triều Tiên để duy trì hoà bình và bảo vệ an ninh cho khu vực này.

Ông Trump nói với tờ New York Times rằng Hoa Kỳ “không dư giả đến độ có thể phí phạm hàng tỉ đô la” để hỗ trợ cho hoà bình và an ninh, và ông sẽ xem xét tới việc triệt thoái binh sĩ nếu Tokyo và Seoul không chịu gia tăng khoản tiền bồi hoàn cho Washington.

Ông Trump cũng cho biết ông sẵn sàng để cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên chế tạo bom hạt nhân để tự bảo vệ trước những mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Ông nói thêm rằng “nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi theo đường lối hiện nay, đường lối của sự nhu nhược, Nhật Bản và Nam Triều Tiên sẽ muốn có vũ khí hạt nhân.”

Chủ trương của Trump đã gặp phải sự phản bác mạnh mẽ của các giới chức chính phủ và các nhà phân tích. Họ cho rằng những sự thay đổi kịch liệt như vậy sẽ gây ra những sự thiệt hại to lớn cho uy tín của Mỹ và cho các mối quan hệ đồng minh trong khu vực, có phần chắc sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Châu Á và sẽ gây phương hại cho các nỗ lực quốc tế để gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Phản ứng tiêu cực

Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, nhận định như sau về những đề nghị của ông Trump.

"Nó sẽ gây ra những thiệt hại cực kỳ to lớn và rơi ngay vào bẫy của những kẻ có chủ trương cứng rắn ở Bình Nhưỡng."

Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, hôm nay bác bỏ gợi ý cho rằng Nhật Bản có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nói “Nguyên tắc 3 không về hạt nhân -- không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân hiện diện trên lãnh thổ Nhật, là một chính sách cơ bản quan trọng của chính phủ nước tôi.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong thời gian qua đã ra sức để tăng cường khả năng phòng vệ của nước ông, và những phát biểu của ông Trump về việc triệt thoái binh sĩ Mỹ ra khỏi Châu Á có thể làm mạnh thêm những chủ trương cho rằng Nhật Bản cần có một quân đội hùng mạnh hơn.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, ông Moon Sang Kyun, hôm nay nói rằng bình luận về các ứng viên tổng thống Mỹ là một việc không nên làm, nên ông chỉ có thể nói là nước Đại Hàn Dân Quốc tiếp tục ủng hộ cho những sự giàn xếp về an ninh đã có với Washington kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên bùng ra năm 1950.

"Liên minh đó giữa Đại Hàn Dân Quốc và Hoa Kỳ đang được duy trì một cách hết sức chặt chẽ bởi Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Hàn. Không có sự thay đổi nào trong lập trường và nguyên tắc này."

Sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi tháng giêng năm nay, một số nhà lập pháp Nam Triều Tiên nói rằng Nam Triều Tiên cũng nên phát triển khả năng răn đe hạt nhân.

Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Park Guen Hye cho rằng Nam Triều Tiên không cần vũ khí hạt nhân, vì có thể dựa vào khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ - một việc được bảo đảm trong hiệp ước đồng minh hiện có với Washington.

Lợi ích an ninh của Mỹ

Ông Donald Trump nói rằng ông không phải là một người chủ trương nước Mỹ không nên can dự vào công việc của thế giới, nhưng ông muốn đặt lợi ích của Mỹ “lên trên hết.”

Những người chỉ trích nói rằng doanh nhân giàu có và là tác giả cuốn sách “The Art of the Deal” (Nghệ thuật thương lượng) này đã không nghĩ tới những lợi ích kinh tế và chiến lược mà nước Mỹ có được từ sự hiện diện quân sự ở Châu Á.

Họ cũng cho rằng ông Trump không suy tính tới vấn đề là quyền lợi của nước Mỹ và các nước đồng minh sẽ bị tổn hại như thế nào nếu Mỹ rút quân và Châu Á bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, làm gia tăng mối rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân. Ông Pinkston nhận định như sau.

Nếu chúng ta nghĩ trước vài nước cờ và nếu chúng ta nghĩ tới những hậu quả của một hành động như vậy thì chúng ta sẽ thấy đề nghị đó thật sự không hợp lý chút nào.

Một số tờ báo ở Nam Triều Tiên nói rằng những phát biểu của ông Trump là 'nguy hiểm và gây sốc'.

Ấn bản tiếng Anh của tờ Trung ương Nhật báo ở Nam Triều Tiên hôm nay cho đăng một bài bình luận với những lời lẽ gay gắt để chỉ trích ông Trump. Họ nói rằng quan điểm của ông là “hết sức thiển cận”.

Tờ Yomiuri Shimbun ở Nhật trích lời một nguồn tin dấu tên nói rằng “nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ thì đó sẽ là một vấn đề cho hệ thống an ninh quốc gia Nhật-Mỹ.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Trung ‘tay bắt, mặt mừng’ --- TQ muốn làm dịu quan hệ với VN?

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nắm chặt tay người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn ở Hà Nội hôm qua trước cuộc gặp song phương.

Quan chức quân đội nước láng giềng phương Bắc tới thăm Việt Nam trong hai ngày 27/3 – 28/3.

Các bức ảnh được truyền thông Việt Nam đăng tải cho thấy đôi bàn tay của quan chức quân sự Việt – Trung siết chặt vào nhau trước cuộc trao đổi được cho là tập trung vào tranh chấp biển Đông.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Thanh và ông Thường đã “trao đổi thẳng thắn về tranh chấp trên biển, cho rằng hai nước cần tiếp tục xử lý thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị”.

Ngoài ra, hai quan chức quốc phòng này cùng nhất trí rằng “quân đội hai nước phải kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới”.

Trong khi đó, tin tức mới nhất cho hay, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 943 của nước này khoan thăm dò ở Biển Đông từ 25/3 đến 31/7.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về thông báo này, nhưng một số bình luận trên mạng nói rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu như vậy ngay khi ông Thường đang ở Việt Nam cho thấy Bắc Kinh “không tôn trọng Việt Nam”.

Trên trang thông tin chính phủ chính thức của chính phủ Việt Nam trên Facebook, xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích Bắc Kinh dưới tin về cuộc gặp giữa ông Thanh và ông Thường.

Một người sử dụng mạng tên Tiến Lê viết: “Đoàn kết hữu nghị hai nước mà sao mấy anh lấy hết đảo của chúng tôi? Xây sân bay rồi đâm chìm tàu cá của đồng bào tôi là sao...?” - VOA

***
Báo trong nước đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Việt Nam cùng thời điểm giàn khoan Hải Dương 943 đang cắm ở Biển Đông.

Hôm 28/3, báo Tiền Phong cho hay, trong buổi hội đàm tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn “thẳng thắn trao đổi về vấn đề tranh chấp trên biển ảnh hưởng quan hệ hai nước”.

“Hai bộ trưởng nhấn mạnh, hai bên tiếp tục xử lý thỏa đáng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

“Hai bên nhất trí, quân đội hai nước phải bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới; đồng thời tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả, ổn định, bền vững, qua đó tiếp tục khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước,” báo này viết.

Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin Cục Hải sự Trung Quốc thông báo đặt giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25/3 đến 31/7.

Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo tàu thuyền không đi lại trong phạm vi bán kính 1 hải lý (1,85 km). 

Hôm 28/3, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung nói: “Tôi đánh giá chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn vào thời điểm này có ý nghĩa là một bước chuyển, hai bên có vẻ muốn làm dịu những mối căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng khi có tin Bắc Kinh điều giàn khoan Hải Dương đến Biển Đông thì rõ là họ vẫn chơi trò ‘hai mặt.”

“Các báo trong nước khi viết về quan hệ Việt - Trung thì lúc nào cũng nhấn mạnh ‘hữu nghị, hòa hảo’ nhưng sự thực có như thế đâu? Cứ tin Trung Quốc là chết!”, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc cho hay.

Ông cũng dự báo: “Mối quan hệ Việt - Trung khó có thể cải thiện trong thời gian tới, trừ phi Mỹ quyết định quay lại khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Và dù Bắc Kinh tiếp tục có những động thái lấn lướt trên Biển Đông, chính quyền Việt Nam cũng khó có khả năng bật đèn xanh cho những cuộc biểu tình chống Trung Quốc”. - BBC
|
|

6.
Vợ anh Ba Sàm kể chuyện bên trong tòa án

Vụ án anh Ba Sàm tuy đã kết thúc ở tòa sơ thẩm với kết quả 5 năm tù giam nhưng dư luận quốc tế vẫn tiếp tục lên tiếng đòi Việt Nam phải hủy bản án vì tính chất không minh bạch của nó. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Hà, vợ của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, đã có mặt bên trong tòa án trong phiên xử mà bà cho rằng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong phiên xử này.

Mặc Lâm: Trước khi tòa sơ thẩm mở ra xét xử ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bà được nghị sĩ Đức là ông Martin Patzelt hết lòng ủng hộ và bay từ Đức sang để mong tham dự phiên tòa. Bà có nghĩ rằng việc làm này của ông Martin Patzelt đã khiến cho Việt Nam cứng rắn hơn trong bản án đê chứng tỏ rằng họ độc lập và không chịu chi phối bởi thế lực nào hay không?

Bà Lê Thị Minh Hà: Tôi thì không nghĩ như vậy. Chuyện giảm án hay không giảm án hoàn toàn không phụ thuộc. Họ không vịn vào cơ sở luật pháp nào cả. Tôi cho rằng họ luôn luôn mong muốn một thỏa hiệp là anh ấy nhượng bộ, hoặc là anh ấy không nhượng bộ. Tức là việc mà cơ sở đưa ra bản án nó không căn cứ vào một cái gì hết, không chứng cứ, không một văn bản quy phạm pháp luật nào, không trên cơ sở hiến pháp. Rõ ràng rằng tất cả những hành xử ấy nó như là một nhà nước không có pháp quyền, thế thì mình làm sao hy vọng vào cái gì được?

Chính vì những suy nghĩ như thế, do một thông tin đến tôi mức án nặng hay nhẹ thì phụ thuộc vào thái độ của anh ấy. Tôi không hiểu nhà nước này có pháp quyền hay không? Chuyện vận động của tôi, tôi cho rằng ngay từ khi anh bị bắt tôi đã không trông chờ gì vào phiên xử cả, ngay cả khi bắt anh ấy thì họ đã vi phạm, nó chả có trên cơ sở nào, nó đã sai rồi.

Thế thì mình còn trông chờ gì vào phiên tòa nữa ạ? Tôi không trông chờ việc giải quyết bằng phiên tòa, còn chuyện người ta cứ phải đưa ra tòa đấy là để khẳng định vụ án có tiến triển mà thôi, chứ còn tôi không hy vọng và không trông chờ gì vào phiên tòa. Tôi cũng chẳng vì kết quả của phiên tòa mà ảnh hưởng đến suy nghĩ hay thay đổi của tôi hết.

An ninh bất thường

Mặc Lâm: Ngoại trừ những người được tòa sắp xếp, bà và mẹ của chị Minh Thúy là hai người được tham gia phiên tòa, xin cho biết nhận xét của bà về diễn tiến phiên tòa ra sao?

Bà Lê Thị Minh Hà: Có mấy vấn đề như thế này: Cảm giác đầu tiên mà khi tôi vào, một điều tôi rất ngạc nhiên không thể ngờ là tại sao phải cẩn mật, canh phòng đến mức độ như thế? Cái cảm giác như có một cuộc “đảo chính” sắp xảy ra. Cảm giác là tại sao “xử kín” mà lại huy động nhiều lực lượng đến độ như thế? Tất cả tại tầng một, hôm đó phiên tòa chỉ có duy nhất một phiên này và dừng tất cả những phiên tòa hình sự khác. Thứ hai nữa là tầng một đi vào đầy dẫy những thanh niên trẻ ăn mặc như côn đồ, xăm trổ, đeo dây chuyền vàng đủ thứ rất ghê.

Phải qua máy kiểm tra, thu giữ tất cả các loại như máy tính, điện thoại của tôi và các luật sư. Sau đó thì phải đi qua cái máy kiểm tra và đi lên tầng ba. Có một cái phòng khoảng 60 mét vuông thôi, cả ở trong và ngoài đều gần như là những người rất trẻ của bên công an, có thể bên Tòa án, Viện kiểm sát… là những người nhân viên nhưng mà tuổi còn trẻ.

Tôi nghĩ chắc là họ muốn nói cho mọi người biết “đây là một dạng tội phạm nguy hiểm” lại là “tội phạm công nghệ thông tin” cho nên rất khó cho việc xét xử, nên họ muốn qua phiên tòa đó để cho những người trẻ đó học tập, tôi cảm giác như thế.

Cái cảm giác lúc đầu tôi đã thấy không ổn. Người dân chỉ có duy nhất là tôi và mẹ của cô Nguyễn Thị Minh Thúy thôi, duy nhất có hai người dân, một vài nhà báo chắc là của báo “lề phải”, của đảng hoặc của nhà nước. Khi mà ông chủ tọa phiên tòa đọc lên vài lời, sau đó thì bên Viện kiểm sát, những người này nói bản cáo trạng này do Viện kiểm sát tối cao viết ra, nhưng mà ủy quyền cho Viện kiểm sát Hà Nội thực hiện.

Khi họ đọc lời truy tố thì tôi đã thấy là so với lực lượng luật sư hùng hậu có kinh nghiệm, và có tâm thì với một chủ tọa phiên tòa và hai vị bồi thẩm cùng hai người thuộc bên Viện kiểm sát của công tố viên thì thấy lực lượng quá chênh lệch.

Hơn nữa khi người ta đọc những danh từ riêng như Gmail thì họ đọc thành “Gờ Mai”, rồi không tranh tụng một cách sòng phẳng bởi vì họ không có khả năng để tranh tụng lại. Tôi đã thấy rất “đau khổ”.

Mặc Lâm: Về những nhân chứng, vật chứng mà tòa dùng để chống lại ông Ba Sàm theo bà có bình thường và hợp với thủ tục tố tụng hay không?

Bà Lê Thị Minh Hà: Đó là điều không bình thường. Toàn bộ tài liệu, tài liệu chứ không phải là “chứng cứ” nhé, tại vì chưa đủ cơ sở để coi là “chứng cứ”, và bản thân quy trình thu thập tài liệu đó không đúng quy trình pháp luật, cũng như không đúng cái thông tư thi hành về chứng cứ nhận tội thì bản thân nó đã không có giá trị trước tòa, nhưng lại được đưa vào bản án.

Trong khi đấy, khi mà đọc cáo trạng các tài liệu trong bản án không có một cáo trạng nào được đọc tại tòa, cũng như được mang ra kiểm chứng trước tòa, thì toàn bộ chứng cứ được đưa vào bản án đấy là không có giá trị pháp lý, thế mà họ vẫn có thể kết án được. Cái thứ hai nữa là cơ quan điều tra đã ba lần xác định trước tòa rằng trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra nói rằng không có điều kiện để xác minh 24 bài viết trên, và các bị cáo không chịu khai báo, cho nên mặc nhiên là công nhận điều đấy và họ đưa vào cáo trạng để luận tội.

Rõ ràng, rất nhiều người trong số tác giả của 24 bài viết ấy đã làm đơn đề nghị ra tòa, được tham dự ở vị trí người liên quan và sẵn sàng làm người làm chứng rằng các bài viết đó là của họ. Họ có đầy đủ tài liệu để xác định bài viết đó là của họ, nhưng tòa án đã không trả lời cho họ và không cho họ được tham dự phiên tòa.

Mặc Lâm: Ngay sau khi phiên tòa kết thúc thì hầu như tất cả các nước có gửi đại diện sứ quán tham dự phiên tòa đều lên tiếng yêu cầu Việt Nam bãi bỏ bản án, ngay cả Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng về điều này. Bà nghĩ sao về việc này?

Bà Lê Thị Minh Hà: Cái bộ máy nhân sự mới thì tôi cho rằng họ rất là trẻ, và không biết là có yếu tố chính trị khác hay “yếu tố Trung Quốc” hay không, nhưng tôi nghĩ là họ cũng thừa hiểu quyết định phiên tòa này sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước, ví dụ như kinh tế, chính trị, quân sự của quốc gia.

Nếu mà phiên tòa này họ tỏ ra là biết điều hoặc tỏ ra tôn trọng pháp luật hoặc tỏ ra là tôn trọng nhân quyền của người dân thì họ sẽ lường trước được là quyết định của phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến chuyện chính sách của các nước lớn như Mỹ, Đức, Châu Âu hoặc là một số nước khác đối với chính sách của Việt Nam trong tương lai trong cái nhiệm kỳ mới của cái “chính phủ mới”. Thế nhưng, họ đã cương quyết không coi cái đấy là cái gì cả thì không còn gì nữa để bàn.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà Lê Thị Minh Hà đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này. - RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét