Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

NẬU NGUỒN NẬU BIỂN - Nguyệt Nguyễn Em Xưa


                       Ai lên nhắn với nậu nguồn
                  Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên
                       Em xuôi biển Rạng cùng anh
                   Được ăn rau mức nấu canh cá chuồn.<!->

                     Có duyên lấy đặng chồng nguồn
                    Ăn cơm sáo mít, chè xanh bỏ gừng
                      Vô duyên lấy phải miệt xuôi
                   Quanh năm ăn mãi cái muôi cá chuồn
                      Có duyên lấy đặng chồng nguồn
                   Đêm nằm khe cửa trăng suông mò vào
                      Có duyên lấy đặng chồng nguồn
                   Đêm nghe chó sủa trăng tà bên truông
                      Có duyên lấy đặng chồng nguồn
                   Ngồi trên ngọn gió có buồn cũng vui...

     Ký ức tuổi thơ còn đọng mãi trong tôi, sống và lớn lên ở một nơi mà mọi người thường nói, sáng nắng chiều mưa bất chợt.  Như lòng cô thiếu nữ nhìn mây trôi lơ lững trên đầu núi, tự dưng dâng lên nổi buồn vô cớ.
    Mấy chục năm như dài đăng đẳng mà chẳng bao giờ quên được.  Hồi đó tôi mới lên mười, gia đình có sáu anh chị em.  Miền núi có nhiều cái thú của tuổi thơ, như đi tắm sông, bắt cá, hái sim, thả câu và kể cả đi hái trộm trái cây vườn hàng xóm.  Bắt chim còn trong tổ chưa ra ràng, chuyền từ cây này qua cây khác, quần cái nào cũng rách đáy, mỗi lần mẹ khâu đều cũng bị la.
     Nhớ nhất là cứ độ mười hay hai mươi ngày mẹ nói:
     - Mai cô Phan ở dưới biển lên, mấy con sẽ có cá kho ăn, mắm cái cũng vừa hết rồi...
     Hồi đó ở nhà quê ăn mặn kinh thiệt, mẹ gắp một tô mắm cá nục còn nguyên con, để sống xé từng miếng nhỏ, trộn với tiêu hay ớt kim xanh giã nhỏ.  Thêm vài ba tép tỏi đập dập trộn vào là xong, thế mà chúng tôi đứa nào cũng ăn bốn đến năm chén cơm đầy.
     Buổi sáng mẹ thường chưng đuôi mắm cá nục trong nồi cơm, vần tro bếp cho chín nhuyễn.  Lấy tô ra, những con mắm có đường răn nứt tuốt đến tận đuôi.  Gạn nước, chan vào cơm gạo mới đầu mùa, ngon ơi là ngon.
     Bên cạnh món mắm cá nục còn có cá nục kho, cá lăng tiêu hấp, cá mòi hấp.  Thôi thì đủ loại, được mấy cô, mấy chú gánh từ dưới biển lên.  Giở nắp bầu ra nghe mùi thơm lựng xộc vào mũi, từng tràng từng mẹt chồng lên nhau.  Cá được sắp thật ngay ngắn, bụng trắng căng cứng, cái đuôi dĩnh lên, hai con mắt còn đen xanh thấy là muốn ăn liền.  Mỗi đợt mẹ thường mua hai đến ba tràng cá, mươi kỷ mắm nục cọng thêm chục chai nước mắm nhĩ.
     Ăn cơm với cơm cá hấp thì bình thường, món khoái khẩu nhất mà được mẹ đãi là cá cuốn bánh tráng.   Rau muống tươi lặt đọt non, ít húng dũi, ngò.  Cá nục hấp lại cho thật nóng, bánh tráng nướng dòn nhúng nước, tất cả đã sẵn sàng.  Đặt rau vào bánh tráng, phẽ (vẽ) cho khéo nửa con cá hấp coi chừng xương, cuốn lại rồi chấm với nước mắm nhĩ có ớt tỏi, chỉ cần tới cuốn thứ tư thì anh em chúng tôi đứa nào bụng cũng căng cứng.
     Nói chuyện về mấy cô bán mắm, cũng đoạn trường chông gai không kém.  Câu ca dao mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên, nghe nhẹ nhàng êm dịu quá, mà gởi bằng cách nào đây.  Thật ra là gánh đi bộ từ ba đến bốn chục cây số đường đất.  Trong các cô đi bán mắm tôi vẫn còn nhớ tên một người đó là cô Phan, không biết đoàn người khởi hành từ lúc nào nhưng cứ khoảng mười giờ sáng là quang gánh đã đặt trước ngõ nhà tôi.
     Tôi chạy ra la chó, cả đoàn người đứng dậy kê vai gánh mắm lên sân, vừa đi vừa cười nói huyên thuyên.  Me bước ra chào và nói:  - Mấy chị em ngồi nghỉ một chặp cho ráo mồ hôi, tôi đã nấu cơm sẵn rồi, chờ dọn lên ăn xong hẵng tính.
     Cơm nước xong các cô bắt đầu soạn cá mắm cho mẹ, dĩ nhiên đợt nào nhà tôi cá mắm cũng ngon vì được chọn trước.  Gần trưa các cô quày quả chia nhau đi bán, từ nhà nọ đến nhà kia đến tối mịt mới quay lại.  Dân miền biển thích cơm sáo (độn) khoai hay sáo mít lắm nên bữa cơm nào mẹ cũng đãi theo sở thích của các cô.  Tối lại ba bốn chị em ngủ trên cái phản rộng và nói chuyện thâu đêm, nghe mẹ nói các cô ở tận biển Tam ấp, Bàng Thang...
     Ở lại chừng ba bốn hôm, sau khi đã bán hết các cô súc bầu đổ vào ui nước cơm, mẹ để dành nấu cho heo ăn.  Trước khi về mẹ biếu lại cả mũng mít hay khoai lang khô, đôi khi cả mít chín.  Lúc đi cặp giỏ bầu đầy cá mắm, giờ một đầu là lúa, đầu kia khoai mít trở về xuôi.  Nghĩ lại thương làm sao cái chăm chỉ, nhẫn nại của người dân đất cày lên sỏi đá.
     Có lần cô Phan nói đùa với mẹ, tôi với chị làm sui đi, mẹ cười hỏi, chị thích đứa mô cho chị lựa.  - Thì tôi thích con Chim Sâu ni đây, vừa nói tay cô ấy vừa xoa đầu tôi liên tục, làm tôi phát thèm cơm ( mùi mắm từ tay cô bốc ra khiến tôi thèm cơm là chuyện đương nhiên). Thế rồi như đã hẹn, cứ mươi lăm ngày chi đó là mẹ nói, ngày mai cô Phan sẽ lên.
     Mùa đông đến, dù trời lạnh cóng các cô cũng gánh mắm lên nguồn, từ cá mặn như: cá chuồn, cá hố, cá ớp, cá cơm khô...Đôi khi có tôm hấp, mực hấp ngon lắm.  Riêng món tép khô thì hết ý, mẹ rang lên bỏ chung với mít non luộc xé nhỏ thêm ít rau răm.  Đậu phụng giã, nước mắm ớt tỏi cho vào trộn thật đều, bánh tráng gạo nướng thật dòn, sau đó làm gì nữa tôi không biết...
     Hồi nhỏ ăn cái gì cũng thấy ngon, trong bụng nói mẹ  mình tuyệt quá, nấu món gì cũng ngon thiệt.  Chừ so lại thấy cũng bình thường.  Thử hỏi cá chuồn mà kho với dái thơm ăn cũng ngon thì biết làm sao bây giờ (con xin lỗi mẹ). 
     Cái chuyện mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên với ai ra sao không biết, riêng tôi thì đúng y chang.   Cái tình cảm giữa người miền núi và miền xuôi thật thắm thiết.  Mẹ cứ ngóng, các cô nói bửa ni lên mà sao chưa thấy, khi gặp thì hai đàng đều vui.  Nằm đêm kể những cuộc tình trăng gió với nhau, rồi cười rúc rích, sáng sớm lại kéo nhau gánh mắm đi bán.
     Mà các bạn ơi!  Bầu mắm cứ giở ra thường xuyên dễ bị sinh dòi.  Sáng sáng trước khi đi bán, mấy cô lấy cái vá vớt dòi ra, đôi khi cả chén, mẹ gôm lại nấu cho heo.  Có sợ không các bạn?  Rứa mà ai nấy coi như chuyện bình thường.
     Năm tháng trôi đi, chẳng biết các cô ấy nghỉ bán hồi nào, rồi chiến tranh khốc liệt và chắc tuổi đời chồng chất, không thấy các cô gánh mắm lên nữa, mẹ buồn.  Lớp trẻ hơn vẫn tiếp tục sự nghiệp của các cô.  Nhưng rồi xã hội đổi thay, càng ngày càng tiến bộ, xe cộ ì xèo, chuyện nậu nguồn, nậu biển chìm vào dĩ vãng.  Có còn chăng là trong ký ức hoặc ca dao... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét