Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Một Vài Tin Quan Trọng của Á Châu

media
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010© AFP/ Park Yeong-Dae
Một tờ báo quân đội Trung Quốc ngày hôm nay cho biết : Hải Quân nước này vừa hạ thủy một bến tàu nổi tự hành đầu tiên. Đây là một phương tiện sẽ được sử dụng để làm nơi sửa chữa chiến hạm ngay trên biển ở ngoài khơi xa Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa binh chủng Hải Quân, vào lúc Bắc Kinh không che giấu tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông, trong đó Hải Quân là chủ lực.
<!->
Theo nguồn tin trên, bến tàu nổi đầu tiên vừa hạ thủy mang tên Hoa Xuyên số 1 (Huachuan No 1). Bến tàu này sẽ cho phép các lực lượng hải quân đưa chiến hạm bị hư hỏng về sửa chữa, để khôi phục năng lực tác chiến của các chiếc tàu « trong một thời hạn rất nhanh chóng ». Loại bến tàu nổi này đã được thiết kế để có thể được đưa đến những khu vực có chiến sự.
Theo bài báo, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, thì phương tiện vừa được hạ thủy cho phép « sửa chữa các chiến hạm lớn của hải quân Trung Quốc ngay tại những điểm di động cách xa bờ, thay vì phải dựa vào những điểm cố định trên bờ biển như trước đây ».
Các loại tàu như tuần dương hạm, khu trục hạm, thậm chí tàu ngầm đều có thể là được sửa chữa tại bến tàu nổi này, được thiết kế để có thể chống chọi với sóng cao đến 2 m. Tờ báo cũng không quên nêu bật nhiều lợi ích khác của loại phương tiện mới này như giúp cho các tàu bị hư hỏng nhẹ tiếp tục chiến đấu, trong khi những chiếc bị hư hại nặng nề hơn không nhất thiết phải được đưa về sửa chữa trong một nhà máy đóng tàu.
Theo các nhà quan sát, có rất nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ đưa chiếc bến tàu nổi tự hành vừa hạ thủy xuống hoạt động tại khu vực Biển Đông để tăng cường tiềm lực của Hải Quân Trung Quốc trong việc khống chế khu vưc.
Những chiếc bến tàu nổi này bổ sung vào màng lưới các cơ sở quân sự cố định mà Trung Quốc đang cấp tốc xây dựng và hoàn thiện tại cùng quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông, và quần đảo Trường Sa ở phía nam, bao gồm các sân bay, các bến cảng, các bãi đáp trực thăng ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các đài radar, nhà kho, cơ sở truyền tin trên toàn bộ các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bối đắp trong Biển Đông.
Sự kiện Trung Quốc phô trương chiếc bến tàu nổi đầu tiên nằm trong cả một chiến dịch dùng các kênh thông tin báo chí để tuyên truyền cho các thiết bị mới mà chính Trung Quốc chế tạo ra.
Cuối tuần trước, Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc cho biết là Hải quân nước này đã tiến hành một tập trận bắn dạn thất trong khu vực, và dự trù live-đạn trong khu vực, và đang có kế hoạch đưa vào hoạt động một chiếc máy bay vận tải quân sự do Trung Quốc sản xuất.
Trước đó, theo báo Singapore The Straits Times vào trung tuần tháng Giêng, Trung Quốc hoàn thành việc đóng một chiếc tàu tuần tra biển cực lớn, và có thể triển khai chiếc tàu này xuống Biển Đông. Đây là một chiếc tàu có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, còn lớn hơn cả khu trục hạm USS Lassen từng được Mỹ cử vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi (Trường Sa).

Biển Đông : Trung Quốc trấn an ASEAN và dịu giọng với Việt Nam

media
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 29/02/2016.REUTERS/HOW HWEE YOUNG/ Pool
Trung Quốc vào hôm qua, 29/02/2016, đã liên tiếp tỏ vẻ hòa hoãn với các láng giềng Đông Nam Á trên hồ sơ Biển Đông. Gặp đồng nhiệm Singapore, ngoại trưởng Trung Quốc cho biết sẵn sàng tìm cách giảm thiểu nguy cơ xung đột tại Biển Đông. Còn tiếp đặc sứ của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh đến quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã đến Bắc Kinh trong một chuyến công du hai ngày với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Phát biểu sau cuộc hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Balakrishnan cho biết là Bắc Kinh đã đồng ý xem xét các phương cách để hạn chế những rủi ro xung đột võ trang tại Biển Đông.
Về phần mình, ASEAN đã nhấn mạnh đến việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như tầm quan trọng của quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
Một trong những mục tiêu cụ thể mà Singapore hướng tới nhân chuyến công du Bắc Kinh của ngoại trưởng Balakrishnan là thúc đẩy việc đúc kết một Bộ Quy Tắc Ửng Xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trên vấn đề này, truyền thông Singapore cho biết là ngoại trưởng Trung Quốc xác nhận rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng làm việc với ASEAN trên vấn đề thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC và thực thi bản Tuyên Bố về Ứng Xử ở Biển Đông DOC.
Đối với Việt Nam, nước vừa gay gắt phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng tỏ thái độ hòa hoãn. Tiếp kiến ông Hoàng Bình Quân, trưởng ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng, đặc sứ của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm qua vẫn nhắc lại quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai đảng Cộng Sản.
Các lời lẽ đầy tính ngoại giao của giới lãnh đạo Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố hiếu chiến của giới tướng lãnh Trung Quốc, cũng như các hành động lấn lướt vẫn tiếp diễn trên Biển Đông.
Một ví dụ cụ thể là cuối tuần qua, tướng Vương Giáo Thành tư lệnh chiến khu miền nam của Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa là quân đội nước này sẵn sàng dùng võ lực xử lý mọi mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc.
Viên tướng này xác định rằng vấn đề « phòng thủ biển » là điều quan trọng nhất đối với quân khu của ông mà « nhiệm vụ trước tiên là bảo vệ quyền lợi đất nước tại vùng Biển Đông ».

Hồng Kông : Chủ nhà sách khẳng định « không bị bắt cóc »

media
Hình ông Lý Ba (phải) chủ nhà sách Mighty Current trong cuộc biểu tình tại Hồng Kông sau khi ông bị mất tích hồi đầu năm 2016.REUTERS/Tyrone Siu
Chủ nhà sách bị mất tích Lý Ba (Lee Bo), mang quốc tịch Anh, khẳng định rằng ông không bị chính quyền Hoa lục bắt cóc. Ông là một trong số năm nhân viên và chủ nhà xuất bản Hồng Kông chuyên ấn hành sách chỉ trích Bắc Kinh đã bị mất tích trong những tháng gần đây.
Ông Lý Ba, đồng chủ nhân nhà xuất bản Mighty Current, đã xuất hiện trên đài truyền hình Phoenix của Hồng Kông tối qua (29/02). Trả lời phỏng vấn của đài, ông vẫn kể, như đã viết trong thư gởi gia đình trước đó, rằng ông đã tự nguyện đi sang Hoa lục. Ông Lý Ba còn tuyên bố đã từ bỏ quốc tịch Anh.
Anh Quốc đã cho rằng vụ mất tích của ông Lý Ba là một sự vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ký kết với Bắc Kinh khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước lời chỉ trích này của Luân Đôn, xem đây là hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Trước đó, hôm Chủ nhật, 28/02/2016, bốn nhân viên và chủ nhà sách mất tích, gồn Lữ Ba (Lui Por), Trương Chí Bình (Cheung Chi-ping) và Lâm Minh Cơ (Lam Wing-kee), ba nhân viên nhà sách Mighty Current và đồng chủ nhân Quế Dân Hải (Gui Min-hai), cũng đã xuất hiện trên đài truyền hình Phoenix để thú nhận đã « buôn lậu sách » vào Hoa lục.
Ông Quế Dân Hải, có quốc tịch Thụy Điển, bị mất tích ở Thái Lan, trong khi ba nhân viên bị mất tích khi đi du lịch ở Quảng Đông cùng thời điểm tháng 10/2015. Đến cuối tháng 12 thì đến phiên ông Lý Ba, biến mất ngay tại Hồng Kông.

Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về Bắc Triều Tiên

RFI 
media
Lính Bắc Triều Tiên trên một con tàu thả neo trên sông Áp Lục, biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, gần thành phố Sinuiju. (Ảnh chụp ngày 10/06/2013)Reuters
Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong tháng Giêng va tháng Hai 2016, trước sức ép của quốc tế, Trung Quốc đã đồng ý với Hoa Kỳ là phải « nghiêm trị » Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn kiểm duyệt thông tin về Bắc Triều Tiên và theo báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày 28/02/2016, thì có một « Lằn ranh đỏ đậm đối với báo chí Trung Quốc về những gì các nhà báo có thể viết về đồng minh cộng sản Bắc Triều Tiên ». RFI giới thiệu bài viết này.
Vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây ồn ào trên toàn thế giới và làm dấy lên một làn sóng thông tin, phân tích về quốc gia khép kín này, nhưng tại Trung Quốc, các vụ thử nghiệm này chỉ làm gợn lên một chút các tranh luận và các nhà báo tỏ ra thận trọng hơn bao giờ hết khi đưa tin về quốc gia láng giềng ngỗ ngược này.
Từ lâu nay, một lằn ranh đỏ đã tồn tại đối với những gì mà các nhà báo tại Trung Hoa lục địa có thể viết về Bắc Triều Tiên, đồng minh cộng sản của Trung Quốc. Theo các nhà báo và giới nghiên cứu thì lằn ranh này do các nhà kiểm duyệt của chính quyền và bản thân báo chí vạch ra và lằn ranh này theo sát mối quan hệ song phương phức tạp.
Một phóng viên thuộc tờ báo nổi tiếng Quảng Đông cho biết : « Các hạn chế viết về Bắc Triều Tiên đã có từ lâu. Chúng tôi chỉ được viết theo Tân Hoa Xã, do vậy, về cơ bản, người ta chẳng thấy có gì đặc biệt trong những thông tin về Bắc Triều Tiên trên tờ báo của chúng tôi ».
Vẫn theo nhà báo này, các hạn chế nói trên do cơ quan tuyên huấn địa phương áp đặt nhưng cũng phần nào do chính sách tự kiểm duyệt.
Báo chí cũng như các phương tiện thông tin truyền thống đã đưa tin về vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng Giêng và phóng tên lửa trong tháng Hai bằng cách sử dụng các thông tin của Tân Hoa Xã và Trung Hoa Tân Văn Xã.
Theo một phóng viên khác thì cũng có thể đưa một vài thông tin độc đáo, nhưng các nhà báo có xu hướng không đi quá mức.
Phóng viên này nói : « Chúng tôi có thể phỏng vấn các nhà nghiên cứu phân tích các vấn đề cũng như các ý đồ chiến lược của Bắc Triều Tiên, nhưng không có chuyện công khai phê phán Bắc Triều Tiên ».
Các nhà báo và giới phân tích nói rằng lần này, việc xử lý thận trọng hồ sơ Bắc Triều Tiên cho thấy mối quan hệ song phương đã trở nên nhậy cảm đến nhường nào.
Hai nhà báo cho biết, một tờ báo ở Trung Quốc đã từng đăng các bình luận chỉ trích Bắc Triều Tiên, thì chỉ có Bình Nhưỡng phàn nàn với Bắc Kinh về tờ báo này. Không rõ liệu tờ báo có bị trừng phạt hay không nhưng một nhà báo nói là sự cố này càng làm cho một số phóng viên nghĩ rằng đưa tin về Bắc Triều Tiên là một chủ đề rất nhậy cảm.
Theo ông Kiều Mộc (Qiao Mu), lãnh đạo Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông Quốc Tế, thuộc đại học Quan Hệ Quốc Tế Bắc Kinh thì việc chỉ trích chế độ chính trị Bắc Triều Tiên bị cấm bởi vì điều này có thể làm dấy lên những câu hỏi về chính sách độc tài Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các hạn chế đưa tin chủ yếu là do chính sách tự kiểm duyệt.
Nhưng một số người khác lại coi các hạn chế này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm duy trì quan hệ với Bình Nhưỡng.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin một chiếc xe hơi do một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên uống rượu lái đã gây tai nạn đâm chết 3 công dân Trung Quốc ở Đan Đông (Dandong), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning). Theo báo chí, nhà ngoại giao này dường như đã uống rượu trong bữa tiệc mừng Bình Nhưỡng phóng tên lửa.
Câu chuyện này không được truyền thông tại Trung Quốc đăng tải, nhưng lưu truyền trên nhiều diễn đàn trên mạng. Nhiều nhà báo nói rằng sự cố này, cho dù có được kiểm chứng, dưòng như sẽ không được đăng tải vì nhạy cảm. 
Nhà nghiên cứu Lee Seong-hyon ở Học Viện Sejong, tại Hàn Quốc, nói rằng việc ngăn cấm truyền thông đưa tin là một dấu hiệu về mong muốn của Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng cho dù tại Trung Quốc ngày càng có nhiều nghi ngờ về sự dung thứ đối với đồng minh thất thường này.
Theo chuyên gia Lee, « Trung Quốc không muốn một sự cố cụ thể nào đó gây trục trặc hoặc phá hoại quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng. Đối với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên chỉ là một đối tác gây phiền nhiễu chứ không phải là mối đe dọa chính. Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ là mối đe dọa hàng đầu đối với sự tồn tại của nước này ».
Cho dù các phương tiện đưa tin truyền thống bị kiểm duyệt, nhưng công chúng vẫn có thông tin – không được kiểm chứng – qua các mạng truyền thông xã hội ít bị Nhà nước kiểm soát hơn.
Trong một bài xã luận sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng người dân Trung Quốc đang thay đổi quan điểm về Bắc Triều Tiên.
Bài xã luận viết : « Có một xu hướng rất lớn tại Trung Quốc là ngày càng có nhiều người không còn coi Bắc Triều Tiên như một nước anh em nữa và nhiều người trong số này coi Bắc Triều Tiên là một gánh nặng đối với Trung Quốc, thậm chí một vài người còn nói đó là một láng giềng xấu ».

Trung Quốc sẽ nghiêm trị tỷ phú Nhậm "Đại Bác"

media
Tỷ phú Nhậm Chí Cường, có biệt danh « Nhậm Đại Bác". Ảnh chụp năm 2012Wikimedia Commons / Wang65
Tân Hoa Xã hôm nay, 01/03/2016, loan tin chính quyền Trung Quốc sẽ trừng trị nghiêm khắc nhà tỷ phú dám chỉ trích việc Nhà nước kiểm soát các phương tiện truyền thông ở nước này.
Tân Hoa Xã thông báo như trên sau khi hôm qua cơ quan quản lý Internet đóng cửa toàn bộ các tài khoản trên mạng xã hội của nhà tỷ phú địa ốc Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), biệt danh « Đại Bác », vì những trang này bị xem là đã « loan truyền thông tin trái phép ». Nhà tỷ phú họ Nhậm nổi tiếng về những lời chỉ trích chính quyền, rất được nhiều người tán thưởng. Chỉ riêng trang của ông trên mạng Vi Bác Sina đã có đến 37 triệu follower.
Ông đã bị báo chí Nhà nước lên án nặng nề sau khi dám đặt vấn đề là có nên dùng tiền công quỹ để tuyên truyền cho đảng sau khi chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm tòa soạn của ba tờ báo chính thức lớn. Ông Nhậm Chí Cường cũng đã cực lực phê phán chủ trương của ông Tập Cận Bình muốn siết chặt sự kiểm soát của nhà nước trên các phương tiện truyền thông, ra lệnh cho báo chí là phải đi theo đường lối của đảng.
Bản thân ông Nhậm Chí Cường là một đảng viên. Theo Tân Hoa Xã, thành ủy Bắc Kinh cho biết nhà tỷ phú họ Nhậm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc và sẽ chịu những biện pháp kỷ luật nội bộ.
Chính quyền Bắc Kinh cho tới nay vẫn không chấp nhận những lời chỉ trích độc quyền lãnh đạo của đảng. Các tờ báo, các trang web, các đài phát thanh truyền hình đều bị kiểm soát chặt chẽ. Nhiều trang thông tin của phương Tây vẫn bị chặn.

Miến Điện : Bầu tổng thống sớm hơn dự kiến một tuần

media
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng LND, tới dự phiên họp đầu tiên Quốc hội mới, ngày 01/02/2016.REUTERS/Soe Zeya Tun
Quốc hội Miến Điện sẽ thảo luận về việc bầu tân tổng thống vào ngày 10/03/2016, tức là sớm hơn một tuần so với dự kiến, khiến cho khả năng bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử càng khó xảy ra.
Quyết định nói trên đã được chủ tịch Quốc hội Win Khang Than thông báo với các nghị sĩ Miến Điện hôm nay, 01/03/2016, nhưng không giải thích lý do vì sao việc bầu tổng thống lại diễn ra sớm hơn một tuần.
Thông báo này một lần nữa làm dấy lên nhiều lời đồn đoán. Từ nhiều tuần qua, bà Aung San Suu Kyi đã thương lượng với quân đội về việc sửa đổi bản Hiến pháp của Miến Điện, hiện có những điều khoản cản trở bà ra tranh cử tổng thống. Chiếu theo Hiến pháp hiện hành, do có hai con trai mang quốc tịch nước ngoài ( quốc tịch Anh ), bà Aung San Suu Kyi không thể nắm giữ chức vụ lãnh đạo tối cao của đất nước.
Cho tới nay, chưa ai biết nội dung các cuộc thảo luận giữa bà với đại diện quân đội là như thế nào. Nhưng việc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sớm hơn một tuần so với dự kiến ban đầu cho thấy có thể là cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện đã thất bại trong việc đòi sửa đổi Hiến pháp.
Với việc bầu một nhân vật do bà chọn vào chức vụ tổng thống sớm hơn dự kiến, bà Aung San Suu Kyi sẽ nhiều thời giờ hơn để lập chính phủ mới. Chính phủ này phải nhậm chức vào ngày 01/04 tới cùng lúc với tổng thống.
Mặc dù đảng của bà, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức, mà trên hết là quan hệ giữa chính quyền mới với quân đội, hiện vẫn có thế lực rất mạnh.
Trong nghị viện mới, quân đội vẫn nắm 25% số ghế ( được chỉ định, chứ không phải được bầu). Quốc hội không thể sửa đổi Hiến pháp nếu không có sự đồng ý của quân đội.
Hiện giờ, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chưa tiết lộ danh tính ứng cử viên tổng thống của đảng, như bà Aung San Suu Kyi đã báo trước là nếu không sửa được Hiến pháp, bà sẽ lãnh đạo bên trên tổng thống mà bà chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét