Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Lẩm Cẩm..Văn Quang viết từ Sàigòn 29.02.2016

   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 29.02.2016  
                     
                        Được mùa buôn Thần, bán Thánh
 
Người dân Việt Nam thường gọi “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên các lễ hội được tưng bừng mở ra ở khắp mọi nơi. Những lễ hội có đủ màu sắc khác nhau. Trước hết phải nói đó là phong tục của dân Việt từ ngàn xưa cho tới nay. Sự sùng bái là vấn đề của tâm linh không ai ép buộc được và cũng không nên chế diễu những tập tục đó.
<!->
 
Tuy nhiên, lâu dần rồi nhiều lễ hội đã biến thành nơi buôn thần bán thánh và có những lễ nghi bị biến chất trở nên quái gở. Vạn vật biến chuyển, con người cũng biến đổi theo. Hoàn cảnh cũng khiến con người thay đổi tâm lý, tình cảm nguyện vọng. Mỗi hoàn cảnh người ta có những ước mơ ước khác nhau cũng là lẽ thường.
Cánh già chúng tôi thường có những lúc ngồi cùng nhau tán dóc về đủ mọi thứ chuyện trên đời. Có những anh già “ngang ngang” lý sự tưởng rằng ngược đời nhưng vẫn có cái lý riêng của mình.

Mấy anh già ngang ngang

Có một ông giáo già, ngồi cà phê đầu đường đọc tờ báo mới ra ca tụng một vị hảo tâm bỏ ra vài chục triệu cúng rằm tháng giêng, xin Trời Phật ban ơn cho bà con nghèo quê ông năm nay được vạn phúc vạn lộc, sau đó ông ta bỏ ra chừng một tỉ cúng chùa và phát “lộc” cho bà con nghèo.
Ông Giáo Già buông tờ báo cưới khẩy phê rằng: “Lão này giàu hàng trăm ngàn tỉ bằng con đường hối lộ, con cái buôn gian bán lận cơ ngơi đồ sộ, ăn ba đời chưa hết. Nay mang ra vài tỉ “hối lộ” Đức Phật, làm từ thiện “mua chuộc” tiếng thơm chứ từ thiện cái gì mà ca tụng om xòm”.
Kể ra ông Giáo cũng có lý. Nhưng có ông cãi lại “Thà như thế còn hơn mấy thằng giàu ngàn tỉ mà vẫn làm lơ, coi dân đói như không biết, không nghe, không thấy”. Xét ra ông nào cũng có lý cả.
 
Nhưng bàn đến lễ hội năm nay thì nhiều ông thở dài lắc đầu quầy quậy vì cái sự biến chất của nó.
Ông bạn cùng khu phố tôi ở, lý luận rằng: “Thời đại này chúng nó tham ô nhiều quá, chúng nó không làm mà vẫn có ăn, chẳng phải lao tâm khổ tứ mà vẫn giàu nên khiến người ta tin vào phận số, mặc dân tình đau khổ nên người ta không còn biết tin vào cái gì, chỉ còn biết tin vào Thần vào Thánh thôi chứ tin ai bây giờ. Cho nên mỗi năm cái tâm trạng mê tín lại càng gia tăng, cũng vì thế mà bọn buôn thần bán thánh có cơ hội làm giàu, bọn lừa bịp càng sống khỏe. Nơi này kiếm bộn bạc thì nơi khác cũng “thi đua” kiếm bạc chứ thần thánh có biết quái gì đâu.
Các ông đừng trách “dân ngu cu đen”, tội nghiệp cho họ. Chẳng qua cái sự giàu sang quyền quý cứ bày ra trước mắt, người ta “thèm” đến phát rồ là tại thằng cha đó cả”.

Ông nào cũng ngồi thừ mặt suy tư, nhìn vào những trang báo tường thuật in hình những lễ hội lòe loẹt với những hàng tường thuật lạnh người. Buồn cho thời đại văn minh này mà bà con mình vẫn còn u mê như vậy. Tại ai? Thời thế hay con người? Con người làm nên thời thế “gặp thời thế, thế thời phải thế” thôi. Ngay như mấy ông nhà giàu, mấy ông quan to cũng bỏ hết công việc đi lễ chùa, đã sướng, đã giàu, đã sang còn muốn giàu muốn sang hơn nữa và cứ thế quan nọ lên chức thì quan bà cũng thúc giục chồng mau mau tìm cách trèo lên cao hơn thằng hàng xóm. Xã hội cứ như mà… đi lên thiên đường mù!
 
Cửa cơ quan đóng kín, các quan cùng nhau đi lễ chùa
 
                   altalt
                                         Đóng cửa cơ quan, các quan chuẩn bị xuống thuyền đi dự lễ hội chùa Bái Đính
 
Nguồn tin do báo Người Lao Động VN cho biết:
Ngày 19-2 là ngày làm việc nhưng khoảng 30 cán bộ một ban quản lý dự án của TP Thanh Hóa đã không có mặt tại “nhiệm sở” nhưng lại thấy xuất hiện ở chùa Bái Đính.
 
Các cán bộ của Ban quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa (trực thuộc UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đã đóng cửa công sở đi lễ chùa. Tại trụ sở đơn vị này sau đó ở 146 đường Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, không bóng người, cổng vào cơ quan được đóng, khóa cẩn thận.
Một người bán quán nước cạnh đó cho biết “họ đi lễ chùa hết rồi, nghe nói đi chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay Am Tiên (huyện Triệu Sơn) gì đó”. Một lúc sau, có một bảo vệ tới mở cổng và nói hôm nay cả cơ quan đi Bái Đính hết rồi, khoảng 30 người.

Một nguồn tin cho biết sau khi đi lễ tại chùa Bái Đính xong, cán bộ của đơn vị này đã ăn trưa tại nhà hàng Trúc Linh (trong khu vực chùa Bái Đính), rồi sau đó lên xe hơi tiếp tục đi Tràng An chơi.
 
Được biết, Ban quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Miền trung - Tiểu dự án Thanh Hóa đang đảm nhiệm rất nhiều dự án lớn, trong đó có Dự án tiêu úng Đông Sơn với tổng số vốn hơn 700 tỉ đồng, khối lượng công việc rất lớn, hiện dự án này đang có khoảng 10 gói thầu thi công dang dở, cần được đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ.

Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong vài năm trở lại đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa luôn ban hành Công điện gửi các cơ quan hành chính cấp dưới sau Tết Nguyên đán để chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức tổ chức tiệc tùng, đi lễ hội, đền, chùa trong giờ làm việc, sử dụng xe công. Nếu đơn vị nào vi phạm thì cần có biện pháp xử lý nghiêm và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Thế nhưng trên bảo dưới không nghe là chuyện hàng ngày ở huyện, chứng tỏ một dấu hiệu “bất lực” nặng lắm rồi. Chỉ thị túi áo, thông báo túi quần, việc ta ta cứ chơi, tiền dân ta cứ vét, dự án nào bằng dự án nhà lầu xe hơi ăn chơi tới bến. Đó là thứ khẩu hiệu “thực tiễn” nhất cho các quan.
Một dự án tới 700 tỉ đồng, tiền mồ hôi nước mắt và cả xương máu của người dân chứ có phải của các quan đâu mà lo. Phải không các quan?
 
Hiện tượng này không chỉ có ở Thanh Hóa, nếu chịu khó “điều tra phóng sự” sâu rộng hơn, chắc sẽ có rất nhiều quan chức “bỏ việc quan đi ở chùa” chứ không ít.
 
                                          alt
                                              Xe lớn, xe nhỏ biển số màu xanh của các quan tấp nập đi lễ chùa
 
Hãy cứ nhìn hàng dãy xe mang biển số xanh (số xe của công sở hay của các quan) đậu lền khên ở khắp các ngôi chùa danh tiếng bậc nhất VN sẽ thấy. Chưa kể các vị khôn ngoan hơn, năm nay sắm xe riêng đưa vợ con đi chùa. Nhưng dù thế nào quan cũng chẳng giấu được bộ mặt “đầy đặn và cái bụng bự” trước người dân được.
Vài kiểu lễ hội biến chất

Theo thống kê có đến hơn 8.000 lễ hội kể từ sau Tết Bính Thân. Lễ to lễ nhỏ, lễ hội nhàng nhàng nào cũng đông nghẹt. Tôi không thể kể hết và không phải lễ hội nào cũng biến chất như nhau. Xét về mặt tâm linh và đạo đức, những lễ hội đó hầu hết là để người dân tỏ lòng sùng kính các vị anh hùng dân tộc. Nhưng lại cũng chính vì mục đích ấy nên người ta dễ dàng lợi dụng cho nên lễ hội biến chất, các nhà tổ chức vin vào đó mà “bán” cả các anh hùng.

Hãy lấy một nơi tưởng nhớ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, một vị anh hùng mà trẻ con học lớp ba cũng biết. Nhưng thử xem trong đó có những gì gọi là tưởng nhớ.

                                           alt
                                                                     Người dân chen lấn, xô đẩy xin ấn đền Trần            

Trong đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng bói toán, xin quẻ đầu năm

Rạng sáng 22/2 (tức ngày 15 tháng giêng vừa qua), tại đền Trần (TP Nam Đinh, tỉnh Nam Định), nhiều người có mặt từ 3h sáng để chờ được nhận ấn. Ban đầu, dòng người xếp hàng trật tự, nối tiếp nhau đứng trước nhà Giải Vũ phía Đông đền Thiên Trường.
 
Gần đến giờ phát ấn, lượng người đổ đến càng đông. Nhiều người đi sau tìm cách chen chân vào giữa dòng người đang xếp hàng. Dòng người bị chen lấn, bắt đầu phá vỡ hàng lối và trở nên lộn xộn. Bị phía sau xô đẩy, hàng người đằng trước bắt đầu chen lấn trước cửa nhà Giải Vũ - nơi phát ấn.
 
Người dân đặt lá ấn lên mâm bê vào đền để tiếp tục lễ bái. Lễ khai ấn diễn ra đêm 21/2 trở nên hỗn loạn khi hàng ngàn người trèo rào, xông vào trong đền để vặt lộc, cướp hoa..., bất chấp nghi lễ tôn nghiêm nơi đền, chùa. Trèo cả lên bàn thờ cướp lộc.

Sự khao khát vật chất cháy bỏng hiện diện trong từng lời khấn cầu mà người ta có thể nghe bất cứ đâu giữa mùa lễ hội, thậm chí phô lộ ra thành tiếng cầu xin rất to mà ai cũng có thể nghe được giữa điện thờ. Cầu mua xe hơi, cầu lấy chồng giàu, cầu mua thêm nhà, cầu có được tiền đi du học… Ước nguyện của tín đồ được quăng lên chốn linh thiêng như món hàng trao đổi với các vị thánh ngồi yên trong cõi thờ phụng cả năm trời chẳng ai thèm nhớ tới.
 
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên nói trên báo Tuổi Trẻ: “Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông”, thậm chí lễ khai ấn này còn... “chẳng liên quan gì đến thời Trần”.
Ấy thế mà người ta vẫn cứ mang Đức Thánh Trần nhét ấn vào tay thánh để kiếm tiền. Đó thật sự là một sự phản bội trắng trợn. 

Ẩu đả hỗn loạn trong lễ hội cướp phết lấy may

Lễ hội cướp phết ở làng Hiền Quan (Phú Thọ) lại tái diễn cảnh hỗn loạn đến mức đổ máu khi các trai làng lập bè phái tổ chức giành giật bằng được sự may mắn cho năm mới.

                    altalt
            Người dân chen lấn, xô đẩy xin ấn đền Trần. Nhiều người khênh kiệu nhau lên cao để quyết tâm... cướp phết.
 
Ngày 13 tháng Giêng âm lịch, lễ hội cướp phết làng Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ) thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương đến dự. Lễ hội này hàng năm được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh mẫu Đại vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.
 
Mặc dù nghi thức chính diễn ra vào buổi chiều nhưng ngay từ buổi trưa đã có hàng ngàn thanh niên tập trung thành nhiều nhóm, cởi trần hò hét dưới bãi sông. Trong đó hầu hêt là trai làng. Họ lập hội liên kết bè phái với nhau để làm sao mang may mắn về cho làng mình. Thế là các nhóm nhào vào tranh cướp, giẫm đạp lên nhau không khác gì một đám cướp với những tay xâm trổ đầy mình. Cảnh hỗn loạn xẩy ra như một bài chiến trường thời trung cổ.
 
Ai nắm được quả cầu son trong tay ngay lập tức trở thành mục tiêu của đối thủ. Một số thanh niên còn đấm túi bụi vào những người phía dưới đang giữ quả phết. Cứ mỗi khoảng 10 phút lại có hàng loạt trai làng nằm vật ra đất vì kiệt sức.

Ở nhiều nơi khác cũng vậy.

Chẳng phải chỉ có ở đền Trần và ở “lễ hội cướp phết” mà ở nhiều ngôi chùa, khi mùa Tết tới, nhà chùa thức thời thương mại, tổ chức luôn cả quầy gieo quẻ, quầy bói, quầy cúng sao, quầy đọc lá số, dịch vụ nào cũng tiền bạc đâu ra đấy. Trong khi đó, trong Phật giáo thuần thành, không có hoạt động nào có thể... đoán trước tương lai được cả.
Tôi chỉ tường trình với bạn đọc hai nơi tưởng niệm anh hùng thành nơi “cướp cạn” là bạn có thể hình dung ra những nơi khác như thế nào.

                             alt
                                       “Ông Lợn” bị đao phủ chém trước mặt đám đông kể cả trẻ em
 
Tiếc rằng trang báo có hạn nên tôi chưa thể kể hết những lễ hội kỳ quái khác nữa như “Lễ hội chém lợn” ở Bắc Ninh làm máu tươi đẫm sân đình trước mặt cả đám trẻ con. Có hai tay đao phủ kề 2 cây đao sáng loáng vào cổ 2 "ông Lợn" trước sân đình Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, người ta cho đó là lễ hội truyền thống đầu năm. Chẳng hiểu cái thứ truyền thống đó là gì? Mê tín quái gở!


Bạn hãy thử nhẩm tính các lễ hội đó ngốn hết bao nhiêu tiền của, công sức, ngày giờ của người dân? Chơi sang một lúc rồi lại trở về cuốc sống nghèo khó. Các quan chơi sang, dân ngước lên nhìn thèm quá nên cũng cố gắng xin được giàu sang như quan. Bao giờ VN mới ngóc đầu lên được!

Văn Quang

Không có nhận xét nào: