Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Lẩm Cẩm Saigon Thiên hạ sự - Văn Quang 25-3-2016


Văn Quang – Viết từ Sài Gòn 25-3-2016

Chuyện Tào Lao


Đường Catinat Saigon xưa
 
Trong thời gian này ở VN đang sôi nổi vì những “chuyện tào lao”. Đó là những thứ chuyện vớ vẩn không có thật và cũng có thể là mấy ông mấy bà rảnh việc ngồi tán gẫu những chuyện trời ơi, thật giả lẫn lộn. Cũng như ở Sài Gòn xưa có thành ngữ rất hay là “chuyện radio Catinat”. Nó bắt nguồn từ những buổi chiều khoảng giờ tan sở, mấy ông công tư chức, nhất là mấy ông văn nghệ sĩ rảnh rỗi ra ngồi ở nhà hàng La Pagode, một quán café lớn nhất Saigon hồi đó nằm giữa ngã tư đường Catinat – Lê Thánh Tôn, hai con đường chính của thành phố.
<!->
Quán La Pagode hồi đó của ông chủ Liêm. Quán này theo kiểu mấy nhà hàng bên Paris xưa, thường bày mấy dãy salon ra ngoài hè rộng để khách ngồi tán dóc. Thôi thì đủ thứ chuyện từ thời sự đến chuyện riêng tư, chuyện văn nghệ, chuyện làm ăn, chuyện tình “cô Ba Tí”... chẳng thiếu thứ gì. Nhưng chuyện “nghe đồn” nhiều hơn chuyện có thật. Thế nên thiên hạ nói đó là thứ “radio Catinat”, ai tin thì tin, không tin cũng chẳng chết thằng Tây nào.

Bây giờ đường Catinat đã đổi tên là đường Tự Do, nhà hàng La Pagode cũng mất tích, nhường chỗ cho hãng du lịch. Nhưng những thứ chuyện kiểu radio Catinat vẫn còn nguyên si. Nó còn “vươn lên tầm cao mới”, các quan cũng nói chuyện kiểu radio Catinat hay chuyện tào lao cũng như nhau.

Ở đây tôi chỉ kể với bạn đọc hai chuyện mới toanh đang được dư luận bàn tán xôn xao. Chuyện thứ nhất là chuyện thuộc về “đại sự quốc gia”. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng làm nhiều người dân thắc mắc và nghi ngại.

       Chung cư Cô Giang (quận 1) đã xuống cấp nghiêm trọng nằm trong danh sách cần thay thế của TP Sài Gòn 

Ai phản động, thế lực thù địch nào đứng sau mấy ông ông cử Đại biểu Quốc Hội?
Câu chuyện bầu cử Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) đang làm xôn xao dư luận tại VN. Theo quyết định của Quốc hội, ngày bầu cử Đại biểu Quốc Hội tại VN năm nay vào Chủ nhật, ngày 22/5/ 2016 . Thể thức bỏ phiếu: Từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Đến nay đã có hơn 100 người xin tự ứng cử Đại biểu Quốc hội trên cả nước.
Thực tế thì người dân đã quá quen thuộc với tình trạng đi bầu này rồi, hầu hết đều là người bận rộn và không thể biết hết tiểu sử của từng ông ứng cử để lựa chọn lá phiếu của mình.

Chỉ có mấy ông có liên quan tới các “chức sắc” trong cơ quan nhà nước mới hăng hái bàn tán và kén cá chọn canh thôi. Có quá nhiều chuyện phức tạp trong những kỳ “toàn dân đi bầu” theo khẩu hiệu hàng ngày trên khắp các đường phố. Nhưng chưa năm nào có kiểu phát ngôn “sặc mùi thù địch” như năm nay khiến ngay cả những người chẳng để ý gì đến ngày bầu cử cũng phải giật mình. Bởi các ông trong cái gọi là Tiểu Ban An Ninh, Trật Tự, An Toàn Xã Hội của Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia đã “dọa” rằng “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”.

Nguy hiểm thật, mấy cái tổ chức phản động ở đâu ra thế? Ở nước ngoài về hay ở trong nước? Người dân lại trở nên lo lắng băn khoăn sợ mình bầu lầm cho những anh đó sẽ bị gán cho cái tội “theo chân bọn phản động” là bị hạch hỏi lôi thôi, có khi bị tù oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, ngồi tù 10 năm vì cái tội do người khác làm.
Tôi tường thuật chi tiết hơn về phát ngôn “quái đản” này.

                                  Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, nơi tác giả Văn Quang đang sống.
Phát ngôn gây sốc nặng
Ngày 15 tháng 3, Đoàn giám sát công tác bầu cử do phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ủy Ban Bầu Cử TP. Hà Nội. Tại buổi làm việc này, một thành viên đoàn giám sát, Tiểu Ban An Ninh, Trật Tự, An Toàn Xã Hội nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.

Thành viên đoàn giám sát này đã thông tin, trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động. Tuy nhiên, vị này không nêu cụ thể trường hợp nào.

Tức khắc các vị đại biểu tự ứng cử bị “chạm nọc” cứ như bị vu khống ngang xương, chẳng khác nào một đòn hiểm đánh vào uy tín của mình. Người dân chắc chắn không dám bầu cho mình.

Bình luận trước vấn đề này, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa - cho biết: Các kỳ bầu cử ĐBQH trước cũng có nhiều người tự ra ứng cử, nhưng không thấy có thông tin một số trường hợp tự ứng cử được tổ chức phản động đứng đằng sau. Ông Cuông đặt vấn đề: "Sau khi thấy thông tin như trên, tôi rất ngạc nhiên vì đây là vấn đề mới xuất hiện gần đây". Ông Cuông cũng nêu quan điểm, nếu chưa có chứng cứ xác thực mà chỉ là nghi vấn hay tin đồn thì phải xác minh làm rõ ngay.

Nếu chưa đủ căn cứ để khẳng định trường hợp tự ứng cử đó có vi phạm, trong khi hồ sơ ứng cử của họ hợp lệ phải đưa vào hiệp thương theo đúng quy định của pháp luật. Theo ông Cuông, việc thông tin như vậy cũng là để cảnh báo cho dư luận, để cử tri cảnh giác. Tuy nhiên đối với những ứng cử viên chân chính, họ cũng sẽ bất bình bởi thông tin đó cũng gây ảnh hưởng nhất định tới uy tín của họ.

Ông nói, “Nếu thông tin chỉ dừng lại chung chung kiểu một số người tự ứng cử có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài mà không nêu cụ thể là ai sẽ làm cho vàng thau lẫn lộn, gây khó cho cử tri và chính những ứng viên khác. Dư luận và cử tri không rõ trong số người tự ra ứng cử ĐBQH ai là chân chính, ai có vấn đề. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của những người ứng cử nói chung."
                                          Vẻ hoang lạnh, âm u của chung cư 727 Trần Hưng Đạo.
Cần phải nói rõ ai là người đã phát ngôn
Theo tôi, một vấn đề then chốt là phải chỉ đích danh người đã đưa thông tin này, ông nào, tên gì, chức vụ, có ý định gì khi thông tin mơ hồ như vậy. Người dân và dư luận đòi hỏi phải đưa danh tính người phát ngôn “kinh khủng” đó ra để anh ta giải thích và chứng minh đích danh ai là kẻ được bọn phản động đứng đằng sau và bọn phản động đó tên gì, ở đâu?

Nếu không chứng minh được thì đây chỉ là thứ báo cáo tào lao hay nói bình dân hơn là “chơi đểu” ngay trong cuộc họp cùa các giới chức cấp cao. Sao không truy hỏi người đã nói ngay lúc đó? Chuyện lớn như thế mà cũng tào lao được thì chỉ thời nay mới có. Chuyện thứ hai tôi muốn kể, đó là chuyện về “cải tạo” chung cư ở Sài Gòn.
Ông Thăng đi thị sát chung cư cũ
Lại chuyện ông Bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng đi thị sát quanh thành phố. Ngày 18/3 vừa qua, ông đã có chuyến thị sát bất ngờ ngay tại chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, Quận 1). Chuyến thị sát “chớp nhoáng” nhưng người dân ở đây ngóng đợi rất lâu và hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực cho cuộc sống của họ.

Chung cư Cô Giang được xây dựng vào năm 1968 gồm 4 lô với gần 900 gia đình dân sinh sống. Kết quả kiểm định của cơ quan chức năng cho thấy nhiều hạng mục của chung cư này như tường bị bong tróc, nhiều nơi sắt thép lộ ra ngoài, lối đi tối om. Cơ quan chức năng đánh giá chung cư có thể sập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. (Theo báo chí ở VN).

Năm 2006, UBND TP Sài Gòn chủ trương đầu tư khu nhà và trung tâm thương mại tại chung cư Cô Giang với quy mô 1.4 ha gồm 30 tầng, 1,092 căn nhà. Trong đó, gần 300 căn phục vụ cho tái định cư tại chỗ. Tổng chi phí bồi thường được phê duyệt hơn 1,500 tỷ đồng ($66 triệu Mỹ kim). Đến năm 2011, mặc dù UBND TP Sài Gòn đã chỉ đạo tháo dỡ khẩn cấp nhưng vẫn chưa thực hiện được vì người dân vẫn còn sống ở chung cư chưa di dời.
                                        Mái tôn mục nát, tiêu điều ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo.

Bí thư Thăng yêu cầu trong 5 năm, Quận 1 phải xây mới toàn bộ những chung cư đang trong tình trạng “sập bất cứ lúc nào”. Ông Thăng nói tiếp: “Phải bảo đảm người dân sống trong sự an toàn chứ không phải lo nhà sập. Nhà dân sập thì mấy lãnh đạo cũng sập.”

Có lẽ ông Thăng chỉ đe nẹt cấp dưới thế thôi chứ sự thật thì nhà sập nhưng mấy ông lãnh đạo vẫn không sập đâu. Các ông ấy ở biệt thự lo gì nhà dân sập, quyền lực đầy mình, móc nối đủ loại chằng chéo làm sao mà sập được. Có ngàn lẻ một lý do, ngàn lẻ hai nguyên nhân có thể “đổ vạ” cho cái sự sập chung cư này, “không phải tại tôi”.
Lại chuyện tào lao về cái chung cư
Tôi là dân ở chung cư khoảng gần 40 năm nay, cái chung cư cũ nát, xây dựng từ năm 1968 cho những người dân ở khu Bàn Cờ bị cháy nhà, tôi ở trại cải tạo ra, nhà cửa mất sạch, phải đi ở thuê, sau này mua lại căn chung cư này. Đến nay cũng chẳng khác gì cái chung cư Cô Giang mà ngài Bí thư vừa vi hành. Nhiều hạng mục như tường bị bong tróc, đục tí tường để đóng một cây đinh, vữa rơi ra vụn như cát, nhiều nơi sắt thép lộ ra ngoài, thỉnh thoảng ngay tại hành lang một mảng vữa rơi xuống giữa lối đi, may mà chưa có ai chết. Cơ quan chức năng cũng đánh giá chung cư này cũng có thể sập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.

Tuần vừa qua có chừng 5-7 cậu thanh niên xin phép vào “khảo sát” nhà cửa của tôi. Các cậu khoét vài cái lỗ, hứng ít vữa vụn hơn cát mang đi. Nhà nào cũng được “khảo sát” như thế. Lúc đó người dân khu tôi ở mới có tin chung cư đã có người mua, dân chung cư sẽ phải di dời đi nơi khác. Thường có hai cách giải quyết cho chủ nhà: Một là là nhận tiền đền bù rồi đi luôn chỗ khác. Hai là ra nơi ở tạm gọi là “khu tái định cư” đợi chung cư mới làm xong sẽ được “bố trí” cho chủ nhà ở lại trên tầng lầu 3 trở lên.

Nghe tin này những người hàng xóm của tôi có vẻ xôn xao nhưng rồi lại bảo nhau cứ yên tâm. Bởi họ thừa biết ở Sài Gòn còn có rất nhiều chung cư như thế mà chẳng có gì thay đổi, dân vẫn cứ “đánh đu với thần chết”, mặc cho mọi sự xảy ra.
                        Nhiều câu chuyện hoang đường được thêu dệt cho rằng chung cư 272 bị ma ám.
Chung cư ma vẫn còn đó
Theo thống kê mới nhất từ Sở Xây Dựng TP Sài Gòn, hiện cả thành phố có 1,244 chung cư thì có 533 chung cư xây dựng trước năm 1975 với trên 50 ngàn căn nhà có người đang sinh sống. Phần lớn những chung cư này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Đáng kể nhất là chung cư 727 Trần Hưng Đạo, người dân gọi đó là “chung cư ma”. Hơn chục năm trước đã có lệnh tháo dỡ và cho di dời dân, nhưng nay vẫn còn đó, vẫn còn 13 gia đình dân “bám trụ” vì cho rằng chưa được đền bù thoả đáng. Mỗi ngày, hàng chục con người vẫn đang sống trong "chung cư ma" giữa Sài Gòn dù nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tôi cũng đã từng lên chung cư đó cách đây 5-7 năm, quả là đáng sợ thật. Cầu thang gỗ lung lay, lối đi tối om, rác rến bừa bãi. Con người ở đó ra vào chẳng khác nào chuột ngày. Rất nhiều tin đồn chung cư có ma. Nhưng chỉ có “ma cô,” “ma túy” hoành hành. Trong căn phòng ẩm thấp, tồi tàn, bà Hồ Thị Kim Hồng, 51 tuổi, than thở: “Có ai muốn sống cảnh ai nhìn cũng sợ như thế này đâu, nhưng giờ với số tiền đền bù chỉ 150 triệu đồng thì chúng tôi biết tìm đâu ra căn nhà khác để ở”.

Vì thế hầu như người dân trong cả chung cư tôi đang ở vẫn cứ lo lắng. Cứ ngồi tính tiền đền bù không đủ mua một căn nhà tranh cũng không đủ, đi đâu đây? Còn ở tạm cái “khu tái định cư” đợi cái chung cư mới có khi hàng chục năm xây chưa xong. Nơi tái định cư thường là ở những nơi khỉ ho cò gáy hoặc giữa cánh đồng quê làm sao chịu nổi. Kiếm đâu ra việc làm. Cái sự “quy hoạch treo” tức là quy hoạch rồi để đó diễn ra ở khắp nơi trở thành chuyện “bình thường”, dân la làng chẳng ai nghe.

Cái chung cư ma như 727 Trần Hưng Đạo hơn chục năm nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, có mỗi cái mà làm không xong, vậy thì các ngài định phá dỡ, xây dựng vài chục cái chung cư mới từ nay đến năm 2020, tức là còn 4 năm nữa. Bạn đọc nghĩ xem có phải là chuyện tào lao không?
Văn Quang (24-3-2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét