HÒN VỌNG PHU 1-2-3 - Lê Thương - Thái Thanh - HX Ngàn Khơi - Ánh Tuyết - NNS
Lê Thương: Hòn Vọng Phu
Hòn vọng phu là một trường ca trứ danh do nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) sáng tác từ năm 1943 đến 1947. Đây là một trong những bản nhạc mang tính trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.<!->
Trong chuỗi ba bản “Hòn Vọng Phu”, mượn hình ảnh “hòn vọng phu”, Lê Thương đã tài tình kết hợp âm nhạc ngũ cung của dân tộc với giai điệu hiện đại của tân nhạc để cho ra đời bản trường ca đầu tiên này và cũng được xưng tụng là hay nhất trong nền âm nhạc Việt Nam.
Trong phần 1, qua nét nhạc hào hùng và lời ca bi tráng, làm chúng ta như thấy hết được hồn thiêng sông núi qua buổi xuất quân của các bậc tiền nhân.
Phần 2, chiến tranh gây ra nỗi đau đè nặng lên người phụ nữ , nhạc sỹ Lê Thương đã lồng ghép hình ảnh Hòn vọng phu với dãy Trường Sơn chạy dọc đất nước và chín nhánh sông Cửu Long, vẽ nên một bức tranh hùng vỹ của non sông, gợi nhớ về một thời cha ông chúng ta đã đổ máu để gìn giữ và mở mang bờ cõi.
Phần 3 , và cũng là phần cuối của trường ca Hòn Vọng Phu là sự trở về của người chinh phu. Với nét nhạc tài hoa và lời ca chắt lọc, nhạc sỹ Lê Thương đã lột tả được hết nỗi đau xót của người chồng, người cha khi biết tin vợ đã không còn nữa. Cũng đâu đó tiếng vó ngựa nhưng trong phần 3 không phải là sự bịn rịn và lòng quyết tâm ra đi như trong phần 1 mà là sự nô nức muốn đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng Người chồng - sau khi vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy - cuối cùng đã thực hiện được lời hứa là trở về với nàng nhưng đã quá muộn. Nàng đã không còn để gặp chồng, chỉ còn "vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu" và nỗi tiếc thương lưu truyền mãi đến muôn đời sau. Sự nghiệt ngã luôn là một phần không thể thiếu của bất kỳ cuộc chiến nào, từ cổ chí kim!
Trường ca Hòn vọng phu gồm có ba phần. Mỗi phần có thể được hát như một bài riêng:
Hòn vọng phu 1: Đoàn người ra đi (Hương Mộc Lan xuất bản lần đầu vào năm 1946), do danh ca Thái Thanh và Ban Hợp xướng Ngàn Khơi trình bày.
Hòn vọng phu 2: Ai xuôi vạn lý (Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946), cũng do Thí Thanh và Ban hợp xướng Ngàn Khơi.
Hòn vọng phu 3: Người chinh phu về (Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949), 2 lời. Lời 1 do Thái Thanh hát và Lời 2 do Ánh Tuyết trình bày.
Lại một tuyệt tác khác: Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi.
Nghe để tưởng nhớ công lao của Cha Ông ta khởi nghiệp đâu đó từ miệt sông Hồng mang gươm xuôi Nam dựng nước và giữ nước.
Theo cố Ns/Ts Trần Văn Khê có 4 Ns viết lời Nhạc hay nhất, thì trong đó Lê Thương và Phạm Duy đứng đầu bảng.
Link: Tiểu Khúc 10 trong Trường ca Con Đường Cái Quan - Phạm Duy - Quang Lê - Mai Thiên Vân - Gs TranNangPhung - NNS
Tình thân,
NNS
..........................................................................................................................
1. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) RFI: Chế độ toàn trị Trung Quốc và Nga chưa bao giờ nguy hiểm như bây giờ
Các chế độ toàn trị Trung Quốc và Nga, hiện trong thế phòng thủ sau những thất bại gần đây, chưa bao giờ lại tỏ ra nguy hiểm như thời điểm đầu năm 2016 này. Theo ghi nhận của François Hauter, nhà văn – nhà báo, nguyên chủ bút tờ Figaro, tác giả bài "Gió lạnh thổi tại Trung Quốc và Nga" (Vents glacés sur la Chine et la Russie), được báo Pháp ngữ Le Temps (tháng 2/2016) đăng tải. Sau đây là toàn văn bài dịch.
Tin xấu đầu tiên trong năm 2016: tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố là Hoa Kỳ và do vậy cả các đồng minh phương Tây của họ, là một « mối đe dọa » đối với nước Nga.
Tuyên bố hung hăng này, bất hạnh thay lại chính là đặc trưng chính sách tuyên truyền của chế độ Nga đương đại. Người đứng đầu điện Kremlin giải thích với 140 triệu đồng bào rằng cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hai năm vừa qua, các trừng phạt của phương Tây hay thậm chí những bất hạnh của của nước Nga, tất cả đều do Hoa Kỳ gây ra. Những hiện tượng kể trên chẳng liên quan gì đến việc giá khí đốt và dầu lửa sụt giảm, bạn bè, người thân của nguyên thủ Nga vơ vét tài sản của Nhà nước hay việc ông Putin đã đưa nước Nga vào tình trạng bị cô lập…
Chủ nghĩa dân tộc hung hãn
Cơn gió độc dân tộc chủ nghĩa hung hãn này không chỉ thổi qua đất nước Nga, mà thậm chí cả ở Trung Quốc. Nước này tự khép mình như một con hàu trước những ảnh hưởng từ bên ngoài. Có vẻ như từ đầu năm 2016, sau khi cùng nhau phô trương sức mạnh cơ bắp của mình, cả hai chế độ toàn trị lớn nhất trên thế giới đều có nhu cầu khẩn trương « sáng tạo » ra các kẻ thù, để tự cứu chính mình. Kinh tế của hai quốc gia này đều đang lung lay và chính quyền của hai nước, hiện trong thế phòng thủ, đều tỏ ra hung hăng một cách nguy hiểm.
Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, triết gia Trung Quốc Mạnh Tử (Mencius) từng giải thích rằng chính quyền chỉ như chiếc thuyền mỏng manh trên mặt biển. Biển ở đây là dân chúng. Một khi biển dậy sóng - tức là khi dân chúng bất mãn, thì giới chức quyền nên tự rút lui hoặc phải tìm ra thủ phạm.
Sự rồ dại của chính sách tập thể hóa
Khi nhận thấy các vụ mùa bị thất thu nghiêm trọng do chính sách tập thể hóa điên rồ, Stalin đã ra lệnh xử bắn các nhà khí tượng học. Putin thì tân tiến hơn : các đối thủ của ông nếu không bị đưa vào các trại tâm thần thì cũng bị ám sát một cách bí ẩn ở Luân Đôn và Matxcơva. Như vậy, chỉ còn có Putin là người duy nhất được nói tại Nga. Khi chính sách của Mao Trạch Đông đã làm cho Trung Quốc rơi vào nạn đói và đẩy đảng Cộng Sản đến bờ vực tan vỡ, thì ông ta tấn công Khổng Tử bằng cuộc « Cách Mạng Văn Hóa ». Tập Cận Bình tỏ ra tân tiến hơn khi núp sau cái bóng của Khổng Tử để ngăn chặn những « ảnh hưởng tiêu cực » từ bên ngoài vào.
Tại Trung Quốc, giai đoạn chấm dứt thời kỳ « 30 năm vinh quang » này đầy nguy hiểm. Vì không còn tỷ lệ tăng trưởng GDP 10% hàng năm để bảo đảm tạo công ăn việc làm đầy đủ, Trung Quốc sẽ còn có thể phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, nhưng chính sách này cũng có giới hạn của nó. Mặc dù hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo, nhưng công lý vẫn chỉ là công lý của một đảng duy nhất, nền kinh tế còn ở giai đoạn chủ nghĩa tư bản sơ khai, môi trường bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, giá nhân công không còn sức cạnh tranh nữa, bất động sản hụt hơi, các cơ sở hạ tầng lớn đã được xây dựng, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và thị trường chứng khoán thì như một sòng bài khổng lồ.
Năm 2001, có 100 ngàn vụ biểu tình phản đối, thì đến năm 2014, đã có 800 ngàn vụ. Ngân sách dành cho lực lượng an ninh nội địa cao gấp hai lần ngân sách quân sự. « Giấc mơ Trung Hoa » về một sự « phát triển hài hòa », như ông Tập từng hứa, nay gây ra vô số nạn nhân ung thư phổi. Mọi tự do tư tưởng đều bị vùi dập. Núp sau vẻ ngoài của sự hiện đại hóa, đảng Cộng Sản Trung Quốc đóng cửa đất nước để chống lại những tư tưởng bên ngoài. Điều này minh chứng cho trạng thái căng thẳng và dễ bị thương tổn của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Sự sụp đổ của đồng rúp
Nền kinh tế Nga không tốt đẹp hơn. Ngoài Matxcơva và Saint-Peterburg, thu nhập trung bình của một nhân công là 300 đô la/tháng. Mức lương này thậm chí còn giảm 10% trong năm 2015. Đồng rúp bị mất giá (đã qua rồi các thời dân Nga được hưởng những kì nghỉ giá rẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Thái Lan), một chiếc điện thoại có giá bằng 2-3 tháng lương, giá thực phẩm tăng vọt và giới doanh nhân thì phàn nàn vì không còn thị trường xuất khẩu.
Tham nhũng ở Nga thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Nigeria. Theo phân tích của Karen Dawisha (tác giả cuốn « Chế độ đạo tặc của Putin, ai sở hữu nước Nga », Simon và Schulster, 2014), các tài nguồn năng lượng của nước này (trị giá 1,6 nghìn tỷ đô la trong giai đoạn 2000 – 2011) đã bị đánh cắp. Không có một đường cao tốc nào giữa các thành phố lớn được xây dựng trong giai đoạn này. Với nước Nga, tự cung tự cấp lương thực chỉ là một huyền thoại, bởi vì không thể thực hiện cung ứng liên vùng mà không có cơ sở hạ tầng.
Không ai vui mừng về tình hình thê thảm này vì chúng mang mầm mống của khủng hoảng, thậm chí những cuộc xung đột trong tương lai. Những chế độ toàn trị chưa bao giờ sụp đổ mà lại không tái diễn và làm trầm trọng thêm những hậu quả mà chúng đã gây ra trước đó.
Những cuộc chiến nhỏ của triều đại đỏ
Tại Bắc Kinh, cho đến lúc này, triều đại đỏ đã tránh thoát được khủng hoảng bằng cách tiến hành các cuộc chiến tranh nhỏ chống lại các nước láng giềng, có nghĩa là tìm cách tập hợp người dân để chống lại những « mối đe dọa bên ngoài », như đến từ Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam. Việc Trung Quốc sáp nhập các vùng biển của Brunei, Việt Nam, Philippin hay Malaysia, bằng cách xây bồi các đảo nhân tạo là điềm báo trước xẩy ra các xung đột trong tương lai tại Biển Đông. Đằng sau Nhật Bản và Việt Nam, tất cả các cường quốc khu vực đều đang trong tình trạng chuẩn bị.
Tại Mátxcơva, Putin cũng dùng những thủ đoạn tương tự với các hoạt động tại Ukraina. Tại Syria, vì đã trang bị vũ khí cho chế độ Assad từ nhiều năm nay, rõ ràng ông Putin phải là người chịu trách nhiệm chính về các vụ thảm sát ở nước này. Những toan tính chia rẽ phương Tâythông qua việc liên kết với những lực lượng chính trị mị dân của phương Tây, từ Donald Trump đến các chính trị gia dân túy châu Âu, chỉ đánh lừa được những kẻ ngu ngốc.
Chế độ toàn trị tại Trung Quốc và Nga, trong tư thế phòng thủ sau những thất bại, lại càng tỏ ra nguy hiểm hơn vào đầu năm 2016 này. Chẳng có gì tốt đẹp để mong đợi từ các chế độ này : bởi vì chính nền dân chủ đe dọa các thể chế toàn trị và các chế độ toàn trị chống lại nền dân chủ. Họ thù ghét lối sống của chúng ta.
*** Theodore Roosevelt Malloch: Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin khen ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump là “một người cực kỳ tài năng” và là “người dẫn đầu tuyệt đối” của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhưng thực sự ông muốn tỷ phú này thất cử năm 2016.
Theo trang tin Mỹ WND, nhận định trên là của chuyên gia Theodore Roosevelt Malloch, một cố vấn uy tín toàn cầu chuyên tổ chức các hội nghị quốc tế, từng làm việc cho Liên Hợp Quốc và giữ nhiều vị trí cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Ông Malloch cho rằng Tổng thống Nga Putin thích bà Hillary Clinton kế nhiệm Barack Obama vì ông tin rằng Moscow sẽ có một khoảng thời gian dễ dàng hơn với Washington nếu cựu nữ Ngoại trưởng làm chủ Nhà Trắng.
“Người Nga ngại sức mạnh thực sự và ông Trump không có vẻ sợ đối đầu với bất kỳ ai, kể cả Putin”, cố vấn Malloch bình luận. “Những gì ông Putin ngại là một tổng thống Trump sẽ đánh dấu việc Mỹ quay trở lại chính sách đối ngoại đối đầu với Nga”.
Ông Malloch nhìn nhận ông Trump giống cựu Tổng thống Ronald Reagan, người thẳng thừng đối đầu với Liên Xô khi đương chức, thậm chí thắng cuộc Chiến tranh Lạnh vốn đã dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô. “Ông Trump có thể sẵn sàng chơi một ván cờ chính trị giống như Reagan năm 1982″, Malloch nói. “Năm đó, Reagan đã tính toán sự phụ thuộc vào dầu lửa của kinh tế Liên Xô chính là điểm yếu mà Mỹ có thể lợi dụng bằng cách khuyến khích Ảrập Xêút bơm dầu, nhằm tạo ra dư thừa dầu lửa trên toàn thế giới, khiến giá dầu lao dốc”.
“Ngày nay, kinh tế cũng trong hoàn cảnh tương tự, và một Donald Trump ở Nhà Trắng sẽ không cần vũ khí gì ngoài giá dầu để hạ gục Putin”, ông Malloch lập luận. “Putin đã học được từ (cựu Tổng thống Mikhail] Gorbachev và ông hiểu Reagan đã dùng dầu lửa để thắng Chiến tranh Lạnh như thế nào”. Theo chuyên gia này, so với thời Reagan, một Tổng thống Trump thậm chí dễ dàng hơn nếu dùng dầu lửa như một vũ khí kinh tế chống lại Nga. Ông chỉ ra rằng, năm 1982, Reagan đã phải nhờ đến Ảrập Xêút tăng sản lượng dầu nhằm đẩy giá xuống thấp. Nhưng ngày nay, Mỹ đã trở lại ngôi vị nước sản xuất dầu lửa hàng đầu. Với sản lượng ngày càng tăng, giá dầu trên các thị trường giảm mạnh và điều này cực kỳ bất lợi cho Nga. (Theo Vietnamnet)
*** Nguyễn Quang Dy: Trung quốc có thể làm gì ở Biển Đông
“Chính trị là nghệ thuật của điều có thể” (Politics is the art of the possible). (Bismarck)
Biển Đông xa quá!
Sau khi đọc bài của Alexander Vuving (Vũ Hông Lâm), “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Dự án Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016), tiếp theo mấy bài trước cùng nội dung, đã làm tôi mất ngủ. Không phải vì có nội dung gì mới gây sốc, mà vì tác giả khẳng định một kết luận cũ làm độc giả nhức đầu. Nó làm người ta liên tưởng đến một tai họa sắp xẩy ra, như một trận đại hồng thủy (tsunami) “ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới”. (Còn ai vào đây nữa!)
Kết luận này là một suy diễn, nên độc giả sẽ suy diễn tiếp (hầu như chắc chắn) là Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông, sẽ thống trị Châu Á, và thống trị thế giới. Nói cách khác, trong vòng 15 năm nữa (nếu không có cách gì ngăn chặn), thì Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ (theo báo cáo của CSIS “Asia Pacific Rebalance 2025”). Nếu điều này xảy ra thật thì (lạy Chúa! lậy Phật!) chắc nhiều người không muốn sống lâu, hoặc phải di cư. Nhưng đi đâu? Chẳng lẽ lên mặt trăng hay sao hỏa! Vì Mỹ, Canada, Australia… sẽ đầy người Trung Quốc (Hán Hóa) trong khi Châu Âu sẽ đầy người Arab (Hồi giáo hóa).
Có cách gì thoát không? Rất khó! Không biết sau khi đọc báo cáo của CSIS, tổng thống Obama (hay ông Donald Trump và bà Hilary Clinton) có nghĩ ra cách gì không, hay là họ quá bận rộn tranh cử nên không có thời gian cho những chuyện viển vông. Lyle Goldstein khen phát biểu của Donald Trump (về việc Trung Quốc xây sân bay trên các đảo mới bồi đắp ở Biển Đông) là “hợp tình hợp lý nhất” (most sensible comments), “nó ở xa quá, và chúng ta có rất nhiều vấn đề. Mà nó đã được xây xong rồi.” (It is very far, and we have a lot of problems, OK? And they are already built). Nói cách khác, hãy mặc kệ nó, không phải chuyện của Mỹ. Nếu Donald Trump mà làm tổng thống Mỹ thì nguy quá. (Lyle Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths, National Interest, September 29, 2015; “The Main Problem with America’s Abundant South China sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015).
Hay là đến hỏi Henry Kissinger xem ông ấy có cao kiến gì không, vì chính ông ấy (và sếp của ông ấy là tổng thống Nixon) đã có công tạo ra con quái vật Frankenstein của Châu Á. Nếu ông ấy không nghĩ ra được cách gì để ngăn chặn Frankenstein thì hãy cách chức ông ta. (Nhưng ông ấy đã về hưu lâu rồi, làm sao cách chức được nữa). Vậy thì hãy kiện ông ấy ra toàn án quốc tế, vì đã góp phẩn tạo ra hiểm họa này cho thế giới (và nước Mỹ). Chắc nhiều người trên thế giới muốn kiện ông Kissinger (nhất là người Bangladesh).
Binh pháp nào?
Cái chốt trong lập luận của Alexander Vuving về bàn cờ Biển Đông là người Trung Quốc đang ứng dụng binh pháp Tôn Tử (và cờ vây), trong vùng xám (grey zones), để giành chiến thắng mà không cần phải đánh. Trong khi đó, các chiến lược gia Mỹ lại nhìn nhận bàn cờ Biển Đông theo binh pháp Clausewitz (và cờ vua), trong vùng sáng tối rõ ràng (black & white). Có lẽ tư duy chiến lược của họ được điều khiển bởi hai hệ điều hành (hay văn hóa) khác nhau, nên hiểu thực chất vấn đề khác nhau và đề xuất giải pháp khác nhau. Có người khuyên Mỹ không nên ngăn chặn Trung Quốc. Tranh luận giữa Vuving và Goldstein về Biển Đông phản ánh thực trạng đó. (Alexander Vuving, “Think again: Myths and Myopia about the South China sea”, National Interest, October 16, 2015; Lyle Goldstein, “The Main Problem with America’s Abundant South China Sea Hawks”, the National Interest, October 28, 2015).
Trong nhiều trường hợp, việc tranh luận về học thuyết rất khó nhất trí, không ai chịu ai. Nhận ra sai lầm và thừa nhận mình nhầm là một điều rất khó. (nhất là giới academic!) Đó là cảm tưởng của tôi khi theo dõi các học giả lập luận và tranh luận. Đã có thời, các học giả Mỹ đổ xô kết luận Trung Quốc giống Liên Xô, và Việt Nam giống Trung Quốc (vì họ đều là cộng sản). Muốn ngăn chặn Trung Cộng, phải đánh Việt Cộng (thuyết Domino). Gần đây, muốn ngăn chặn khủng bố, phải đánh Iraq. Can thiệp, hay không can thiệp, đều có thể sai lầm, không phải sai về hành động, mà là sai về lý do hành động. Lịch sử có thể lặp lại.
Điều đáng mừng là trong báo cáo của CSIS gần đây, “Asia Pacific Rebalance 2025”, các tác giả khuyến nghị rằng học thuyết ngăn chặn (containment) áp dụng từ thời Chiến tranh lạnh không còn phù hợp nữa. Muốn đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung quốc hiện nay (đặc biệt là tại Biển Đông), Mỹ phải kết hợp cả ba yếu tố là “tham dự” (engagement), “răn đe” (deterrence) và “trấn an” (reassurance). Dù đây có phải là sự thỏa hiệp giữa các trường phái hay không, thì cách đề cập của CSIS là hợp lý, vì nó phản ánh được bản chất phức tạp của bàn cờ Biển Đông và tư duy lắt léo của người Trung Quốc.
Khi ứng dụng “Binh pháp Tôn tử” (hay cờ vây), chắc người Trung Quốc cũng ứng dụng một cách linh hoạt như “Tam chủng Chiến pháp” (three warfares doctrine). Linh hoạt (hay “quyền biến”) theo logic “hư hư thực thực” (vừa thật vừa giả), thiên biến vạn hóa như ma trận, luôn là phương châm chỉ đạo hành động của người Trung Quốc. Có thể hình dung bàn cờ Biển Đông sẽ diễn biến giống như một ma trận (hay “trận đồ bát quái”). Nhìn cách Trung Quốc triển khai bố trí các cơ sở hạ tầng quân sự tại Biển Đông (Trường Sa và Hoàng Sa), cũng như trên đất liền, ta thấy hình dạng một chiến lược tổng thể, như một ma trận.
Cách đánh giá của một số chuyên gia quân sự về giá trị của các hạ tầng quân sự (sân bay, bến cảng, trận địa tên lửa, ra đa, kho tàng…) mà Trung Quốc triển khai trên các đảo mới san lấp tại Trường Sa và Hoàng Sa, có thể sai lạc (misleading). Thoạt nghe thì có vẻ đúng về lý thuyết quân sự nhưng lại không đúng về thực tế, vì không lý giải được bản chất sự việc. Đúng là nếu xung đột quân sự (với Mỹ) xảy ra, thì các hạ tầng quân sự đó (military assets) dễ dàng bị phá hủy trong một trận oanh kích (từ máy bay hay tàu chiến Mỹ). Nhưng tại sao Trung Quốc vẫn đầu tư xây dựng các “lâu đài trên cát”? Không phải họ ngu, mà theo Vuving, họ đang chơi cờ vây, theo binh pháp Tôn Tử (để không đánh mà thắng).
Trung Quốc triển khai trận địa tên lửa HG-9 và ra đa tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) không phải chỉ để uy hiếp máy bay B-52, mà còn để nhắn nhủ Obama và lãnh đạo 10 nước Asean đang họp tại Sunnylands ai là người quyết định cuộc chơi. Một ví dụ khác, trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cho mấy tàu chiến đến ngoài khơi Alaska, không phải để đe dọa Anchorage, mà để nhắn nhủ Obama (lúc đó đang thăm Alaska) rằng Trung Quốc là một cưòng quốc hải quân không thua kém Mỹ, cần được đối xử bình đẳng theo luật chơi giữa các “nước lớn” (great power relations). Một kiểu gunboat diplomacy.
Một số người lập luận rằng còn lâu Trung Quốc mới mạnh bằng Mỹ (về tiềm lực hải quân và không quân), nên hiện nay Mỹ chưa phải lo. Nhưng họ quên rằng sự trỗi dậy một cách hung hăng của Trung quốc hiện nay là hệ quả của những gì Mỹ đã làm (hay không làm) cách đây vài thập kỷ. Nếu Mỹ xoay trục như “tiếng kèn ngập ngừng” (uncertain trumpet), đối phó với Trung Quốc một cách nửa vời (half-hearted) như hiện nay thì không răn đe được Trung Quốc, mà còn khuyến khích họ hành động quyết đoán hơn. Thái độ do dự của Mỹ trong vụ tranh chấp đảo Scaborough giữa Trung quốc và Philippines là một ví dụ. Cho tàu tuần tra FONOP tại Biển Đông theo kiểu “vô hại” (innocent passage) là một ví dụ khác. Đúng là Trung Quốc hiện nay còn yếu hơn Mỹ về tổng thể, nhưng nếu Mỹ không hành động quyết đoán thì Trung Quốc sẽ mạnh hơn Mỹ tại Biển Đông. “Điều duy nhất quan trọng là phải mạnh hơn tại địa điểm quyết định, vào lúc quyết định, để đạt mục đích” (Clausewitz)
Tại sao Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ, nhưng lại gây căng thẳng (brinkmanship)
Thứ nhât, Mỹ là mối lo lớn nhất của Trung Quốc: họ gây căng thẳng để hù dọa Mỹ không can thiệp vào khu vực. Nếu xung đột nhỏ với Việt Nam hay Philippines xảy ra thì họ dễ dàng đè bẹp đối phương, và coi đó là việc nội bộ (song phương), không liên quan đến Mỹ. Trung Quốc sẽ rất mừng nếu có người đề xuất với lãnh đạo Mỹ đừng can thiệp vào Biển Đông. Những người có quan điểm như Goldstein rất dễ rơi vào bẫy của họ (playing into their hands). Thứ hai, Trung Quốc không muốn Nhật, Úc, Ấn Đô can thiệp vào Biển Đông (cùng với Mỹ) vì một liên minh như vậy là mối lo thứ hai của Trung Quốc. Nếu vô hiệu hóa được hai mối lo trên, thì Trung Quốc dễ dàng cô lập, phân hóa ASEAN, có thể dùng cái gậy (vũ lực) để răn đe và củ cà rốt (viện trợ) để mua chuộc các nước này. Vì vậy, cuộc gặp cấp cao Mỹ-Asean tại Sunnylands, và đoàn kết Asean là mối lo thứ ba của Trung Quốc.
Lý thuyết cái bẫy chiến tranh “Thucydices trap” có giá trị răn đe vì xung đột tất yếu giữa một cường quốc đang trỗi dậy với một cường quốc đang suy yếu. Nhưng cái bẫy này có thể bị trung hòa và triệt tiêu bằng hai yếu tố khác: Thứ nhât, Mỹ và Trung quốc bị trói buộc bởi lợi ích kinh tế (economic codependency trap); Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc cùng lo bị hủy diệt (Mutual assured dystruction). Vì vậy, giá trị thực tiễn của lý thuyết “Thucydices trap” tại Biển Đông không cao. Khả năng xảy ra xung đột Trung-Mỹ rất thấp.
Trên thực tế, răn đe sử dụng vũ lực (threat perception) có giá trị thực tiễn và hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng vũ lực (tốn kém và rủi ro cao). Chiến tranh tâm lý thường diễn ra trước khi có xung đột thực sự. Tình trạng “nửa chiến tranh, nửa hòa bình” (no war no peace) là lý tưởng để Trung Quốc gây khủng hoảng (bên ngoài) nhằm tháo ngòi khủng hoảng (bên trong) bằng cách bành trướng theo chiến thuật cắt lát (salami), và biến thành chuyện đã rồi (fait accompi), đồng thời nắn gân đối phương bằng nước cờ “gambit”.
Nhưng Trung Quốc chỉ có thể làm được điều đó nếu đối phương (Mỹ và đồng minh) tự hạn chế và tự kiểm duyệt mình, để chơi theo cờ vây của Trung Quốc. Nếu người Mỹ lo ngại xung đột có thể leo thang (thành chiến tranh hạt nhân) nên không dám can thiệp vào Biển Đông, là mắc mưu Trung Quốc (dù là vô tình). Mỹ cần chuyển đổi tư duy chiến tranh thông thường sang tư duy phản ứng linh hoạt để đối phó với tình trạng “nửa chiến tranh, nửa hòa bình” (no war no peace). Nhưng quan trọng hơn cả là người Mỹ phải vượt qua “hội chứng Trung Quốc”, cho rằng Mỹ không nên đối đầu và không thể ngăn chặn được Trung Quốc. Nếu nghĩ rằng không nên đối đầu với Trung Quốc chỉ vì mấy cái đảo nhỏ, hay mấy bãi đá trên biển, là nhầm to (misleading). Trung Quốc đang lặng lẽ thay đổi thưc địa, và chỉ vài năm nữa là những bãi đá hoang trở thành các căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần, và cứ điểm mạnh, để kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Vì vậy, không thể chơi cờ vây với Trung Quốc bằng tư duy Clausewitz.
Có thể làm gì?
Về căn bản, tôi tán thành cách nhìn nhận vấn đề và lập luận của Vuving (về Biển Đông). Đây là một trong số ít các nhà nghiên cứu có quan điểm thực tế (realist), hiểu biết sâu sắc về tư duy chiến lược lắt léo của người Trung Quốc, và thực trạng Biển Đông (mà nhiều người khác chưa chắc đã hiểu rõ). Vuving đã giải thích “Trung Quốc SẼ làm gì”, và trong một số trường hợp, thực tế đã diễn ra như vậy. Tôi chỉ muốn bổ xung một chút xem “Trung Quốc CÓ THỂ làm gì”, vì điều này phụ thuộc vào những yếu tố mà có lẽ Trung Quốc không kiểm soát được (như một hệ quả không định trước). Hay nói khác đi, Mỹ và đồng minh CÓ THỂ làm gì để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông, trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, Mỹ và đồng minh/đối tác tiềm năng cần liên kết thành một liên minh thực tế (de facto alliance) dựa trên cơ sở hợp tác (TPP) và cơ chế an ninh tập thể (liên khu vực), để ngăn chặn Trung Quốc. Một liên minh như vậy có thể gồm mấy nước nòng cốt như Mỹ, Nhật, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Úc, để cùng tuần tra Biển Đông, bổ xung cho vai trò an ninh tập thể của Asean đang yếu kém vì chia rẽ, đồng thời hỗ trợ tam giác Mỹ-Trung-Việt chuyển động theo hướng “thoát Trung”. Điều này là khả thi vì sau sự kiện tranh chấp đảo Điếu Ngư và sự kiện dàn khoan HD 981 là 2 bước ngoặt lớn (tipping point) làm quan hệ Trung-Nhật và Trung-Viêt thay đổi về bản chất, không còn như trước nữa (beyond the point of no return). Điều này là tối cần thiết, vì mối liên kết để lập một liên minh thực tế như vậy còn khá rời rạc, ngay cả sau thỏa thuận TPP và cuộc gặp cấp cao Mỹ-Asean tại Sunnylands. Bầu cử tổng thống Mỹ và chuyển giao quyền lực ở một số nước khu vực (như Myanmar, Đài Loan, Việt Nam) có thể ảnh hưởng phần nào tới tiến trình hợp tác với Mỹ (theo lộ trình đó). Thứ hai, những gì đang diễn ra tại Đài Loan, Hong Kong, Myanmar, Việt Nam, Lào…đang theo xu hướng “thoát Trung”. Trung Quốc càng đối phó cực đoan, họ càng bị cô lập và khủng hoảng.
Thứ ba, Trung Quốc có thể mạnh lên về quân sự (tại Biển Đông), nhưng tình hình kinh tế, xã hội, chính trị nội bộ đang xấu đi nghiêm trọng (tới mưc khủng hoảng), có thể đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ. Đây chính là tử huyệt của Trung Quốc. Nó vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại hán, dựa trên tinh thần dân tộc cực đoan, để thay đổi nguyên trạng (bên ngoài), và tăng cường các biện pháp trấn áp để duy trì nguyên trạng (bên trong). Đó là hai trụ cột chính của Tập Cận Bình để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Nhưng chính điều này có thể phản lại ông ta, dẫn đến “hệ quả không định trước”. Đó là sự sụp đổ của mô hình phát triển độc đáo (authoritarian resilience) mà nhiều người đã từng đánh giá cao như là động lực làm Trung Quốc phát triển thần kỳ.
Nhưng ngày càng nhiều người nhất trí về nguy cơ sụp đổ không tránh khỏi của chế độ CS Trung Quốc. (Minxin Pei, “The twilight of Communist Party rule in China”, American Interest, Nov 12, 2015). Danh sách ngày càng dài, gồm những tên tuổi như Paul Krugman, David Shambaugh, Minxin Pei… Chẳng ai muốn Trung Quốc sụp đổ, vì điều đó là một thảm họa toàn cầu, do phản ứng dây chuyền. Nhưng một nước Trung Quốc ốm yếu và suy sụp (implosion) có thể làm giảm động lực và năng lực bành trướng bá quyền tại Biển Đông. Nói cách khác, những gì đang diễn ra tại Biển Đông không thể tách rời những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Biển Đông là một canh bạc lớn, và một con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc, mà mối lo chung (mutual fear) là ẩn số trong mọi trò chơi quyền lực (game of thrones).
Tham khảo: Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Dự án Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016, etc...;
*** NV-Online: Những tuyên bố và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông không những không làm cho cộng đồng quốc tế ngán ngại trước “lập trường kiên định” của Bắc Kinh, thậm chí, nó còn phản tác dụng.
Sau khi phớt lờ những lời kêu gọi và khuyến cáo của cộng đồng quốc tế về việc không nên thay đổi hiện trạng Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp từ bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ phải đáp trả bằng cách điều khu trục hạm tiến vào phạm vi 12 hải lý của một trong bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để khẳng định, sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Không những không dừng việc xây dựng các cơ sơ quân sự ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc còn điều động phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh tại một trong những phi trường vừa xây dựng hoàn tất ở quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ phải tiến thêm một bước, bằng cách điều khu trục hạm tiến vào phạm vi 12 hải lý của một trong các đảo tự nhiên ở quần đảo Hòang Sa, giống như gửi đi một thông điệp: Dứt khoát không để Trung Quốc đẩy cộng đồng quốc tế vào thế phải chấp nhận chuyện đã rồi. Trung Quốc đáp lại bằng cách bài bố hỏa tiễn phòng không ở quần đảo Hoàng Sa, đưa chiến đấu cơ đến đó. Cùng thời điểm này, cộng đồng quốc tế phát giác, Trung Quốc đã thiết lập xong hệ thống radar giám sát cả trên biển lẫn trên không, tại quần đảo Trường Sa... Chuỗi sự kiện vừa kể cho thấy Trung Quốc bội tín, cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” đã bị vứt bỏ và được thay thế bằng tuyên bố đã “tổ chức phòng vệ” từ... lâu.
Ngoài Hoa Kỳ, nay, tới lượt Nhật, Úc, Ấn cũng đã bắt đầu tăng mức độ đáp trả các tuyên bố và thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Cùng lúc với việc ngoại trưởng Nhật lên án Trung Quốc làm cho mức độ căng thẳng tại Biển Đông “leo thang,” bộ trưởng Quốc Phòng Nhật vừa khẳng định, Nhật đang thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Điều đó khiến người ta tin rằng, nếu trước đây, Nhật chỉ lập kế hoạch tuần tra trên biển và trên không để chứng tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông của mình thì nay, Nhật sẽ sát cánh với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác để thực hiện các cuộc tuần tra chung. Một viên chức cao cấp chính phủ Nhật vừa tuyên bố công khai rằng, sở dĩ Trung Quốc càng ngày càng ngông cuồng, hung hăng vì đã khai thác tối đa khoảng trống về ảnh hưởng quân sự tại Biển Đông và vì phản ứng của các quốc gia trong khu vực quá chậm chạp. Với nhận thức như thế, chắc chắn Nhật sẽ tham gia lấp đầy khoảng trống và tự thay đổi cũng như thúc đẩy sự thay đổi về cách thức phản ứng sao cho vừa nhanh, vừa hiệu quả.
Giống như Nhật, Úc cũng đã thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn. Trong Bạch Thư Quốc Phòng 2016, Úc bạch hóa lý do quốc gia này gia tăng chi tiêu quốc phòng là vì e ngại trước chuỗi hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối tài liệu này
Trung Quốc tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa bằng tuyên bố, Trung Quốc “không hài lòng” về Bạch Thư Quốc Phòng của Úc và bảo Úc phải “thay đổi lập trường” cũng như “phải có quan điểm tích cực về sự phát triển của Trung Quốc.”
Ấn vốn đã quyết định sẽ tổ chức tuần tra tại Biển Đông với mục tiêu giống như nhiều quốc gia khác là chứng tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông của mình và đang cân nhắc có nên phối hợp tuần tra chung hay không. Nay, Trung Quốc đã cho Hoa Kỳ nhiều bằng chứng để thuyết phục Ấn hợp tác tuần tra. Thượng Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ vừa mới đến Ấn để hội đàm với Thủ tướng Ấn. Ông bảo rằng, tuy dân chúng Ấn chưa sẵn sàng nhưng nay, chính phủ Ấn đã có đủ cơ sở để “chuẩn bị dư luận” trong việc hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên mà ông Ash Carter, báo cáo với hạ viện Hoa Kỳ rằng, Trung Quốc đang tự cô lập mình và khiến cho các lân bang cùng tính đến việc phải chống lại Trung Quốc.
*** Người Buôn Gió: Bi hài kịch phản đối Trung quốc:
Sau hội nghị cấp cao Asean và Hoa Kỳ tại Sunnylands vào hồi tháng 1 năm 2016. Trung Quốc tiếp tục đưa tên lửa và máy bay đến những hòn đảo ngoài biển Đông mà họ xâm chiếm được của Việt Nam. Biến nơi đây ngày càng trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ. Đe doạ uy hiếp đến an ninh trên biển Đông. Hành động của Trung Quốc thể hiện ý chí coi thường những vấn đề an ninh biển mà hội nghị Sunnylands lo ngại. Việt Nam và Phi Luật Tân là hai nước nạn nhân lớn nhất bởi hành động xâm lược của Trung Quốc.
Trước hành động của Trung Quốc gần đây nhất, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam ông Lê Hải Bình đã lên tiếng phản ứng như thường lệ. Nhưng trong âm điệu có phần gay gắt hơn, phát ngôn của ông Bình vào ngày 25 tháng 2 năm 2016 có những từ trước đó không có, khi đề cập đến hành vi của Trung Quốc trên biển Đông là xâm phạm chủ quyền, đe doạ an ninh hàng hải, hàng không và hoà bình khu vực.
Cũng vào ngày 25 tháng 2 năm 2016 một cuộc biểu tình phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc đã diễn ra tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân. Báo Dân Trí đưa tin nói rằng sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế tại Phi biểu tình phản đối Trung Quốc quân sự hoá ở biển Đông.
Hãng truyền thông BBC đưa tin với tiêu đề Sinh Viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc.
Theo CNN cuộc biểu tình có khoảng 100 người. Cuộc biểu tình thu hút rất nhiều hãng truyền thông quốc tế có mặt đưa tin. Nhưng một điều đáng buồn mà BBC và Dân Trí đều không nói rõ. Chỉ có khoảng gần chục sinh viên Việt Nam và tầm 5 sinh viên của các nước Lào, Đông Timor, Miến Điện, Hàn Quốc tham gia. Những sinh viên này là bạn bè của mấy sinh viên người Việt Nam đang học tại Phi. Trên những tấm hình diễn tả về đoàn biểu tình cho thấy, những người mặc áo quốc kỳ nước CHXHCH Việt Nam có đến 90 % là người Phi nghèo khó, được hai người phụ nữ Việt Nam huy động từ các vùng quê đến để biểu tình. Những người Phi mặc áo cờ đỏ sao vàng này chỉ biết hô một vài câu Chi Na Gét Ao. Thật bi hài có lúc họ ngắn gọn câu khẩu hiệu Trung Quốc ra khỏi biển Việt Nam thành Chi Na Việt Nam. Hãy nhìn những khuôn mặt của người biểu tình mặc áo quốc kỳ CHXHCN Việt Nam để rõ hơn (hình kèm)..
Thật bi hài, trước tình hình Trung Quốc gia tăng ở biển Đông. Dư luận quốc tế đổ dồn ánh mắt theo dõi động thái của các nước có liên quan, đặt biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. Thiết nghĩ việc nhà nước Việt Nam cho vài sinh viên Việt Nam ở Phi tổ chức biểu tình cũng phù hợp. Ngay cả chuyện không đủ người, phải thuê người dân Phi đóng giả cũng thông cảm. Vì hoàn cảnh ở Phi không lấy đâu ra nhiều sinh viên hay người Việt đến thế.
Nhưng để tạo được sự quan tâm của dư luận ủng hộ, bênh vực cho mình trên phương diện đối thoại, ngoại giao thì lúc này nhà nước Việt Nam cần phải có một thái độ nghiêm túc. Đất nước Việt Nam không hề thiếu những người nhiệt huyết sẵn sàng đi biểu tình phản đối Trung Quốc để ủng hộ tiếng nói nhà nước, gây sự chú ý của dư luận mà nhà nước không phải bỏ tiền thuê, tiền mua áo, cờ, khẩu hiệu. Việc thuê người bản xứ đóng giả sinh viên Việt Nam biểu tình không thể nào qua mắt được các phóng viên quốc tế lão luyện. Họ chán đến nỗi không buồn phỏng vấn những người mặc áo đỏ sao vàng. Mặc dù họ rất cần tin tức để lên án Trung Quốc. Thái độ của đông đảo phóng viên quốc tế có mặt tại cuộc biểu tình hôm đó cho thấy sự thất vọng tràn ngập của họ với tinh thần đấu tranh giữ chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Tại sao dân chúng Việt Nam sục sôi sẵn sàng biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ, nhà nước Việt Nam không cho phép, trái lại còn đàn áp bắt bớ đe doạ. Trái lại bên ngoài lại làm trò lố bịch đi thuê người lộ liễu đóng giả biểu tình thay cho mình. Như thế chẳng phải là bôi bác dân tộc mình hay sao.? Người ngoài họ sẽ nghĩ gì về việc nhà nước Việt Nam thuê những người Phi nghèo khó đi biểu tình hộ cho Việt Nam?
Niềm tự hào lại thành nỗi nhục, vì nó được giàn dựng giả tạo một cách trắng trợn.
Khi quốc ca Việt Nam cất lên thì đoàn người biểu tình áo đỏ sao vàng cười nói vô tư, đến khi quốc ca Phi cất lên một số theo bản năng đặt tay lên tim cất tiếng hát quốc ca Phi. Gần như hầu hết những người Phi mặc áo đỏ sao vàng đi biểu tình chống Trung Quốc tại Manila hôm 25 tháng 2 vừa qua đều do một bà già gầy gò người Việt Nam đội nón lá đưa đến. Bà đội nón làm việc một bà Việt Nam khác béo tốt, trắng trẻo đeo túi xách tay cầm tờ chương trình biểu tình. Bà gầy gò đòi hỏi về việc thêm tiền cho vấn đề nào đó, hai bà đôi co một lúc rồi cũng đi đến thoả thuận.
Thật ê chề cho dân tộc Việt Nam. Lẽ ra nhà nước Việt Nam không cần phải làm cuộc biểu tình như thế tại Phi, có hàng ngàn hàng triệu người Việt ở khắp nơi có thể tổ chức biểu tình quy mô và đủ kiến thức để trả lời rành rọt về tình hình biển Đông với phóng viên quốc tế. Lẽ ra phải để người dân Việt trong nước tự tổ chức biểu tình chứ không phải mượn đất Phi thuê người diễn hộ. Làm thế này, chỉ chuốc thêm nhục nhã cho đất nước mà thôi.
*** Đoàn Hưng Quốc: Vũ khí và Ý chí chiến đấu
Thỉnh thoảng trên báo chí quốc tế lại có tin tức về chính sách quốc phòng của Việt Nam: nào là nước mua vũ khí đứng hạng thứ 8 trên thế giới; trang bị tàu ngầm Kilo có khả năng tấn công căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam hay ngay cả thành phố Thượng Hải, hoặc trả đũa đe dọa đường tiếp vận biển nếu Trung Quốc tấn công Trường Sa.
Điều đáng nói là những tin tức loại này chỉ đến từ chuyên viên và truyền thông nước ngoài, còn trong nước thì không hề có một bài phân tích quân sự nghiêm chỉnh nào từ nhà nước hay Bộ Quốc Phòng, không có thảo luận trong Quốc hội, không có đối thoại giữa nhà cầm quyền và dân chúng về sách lược bảo vệ Tổ Quốc. Như vậy nhà cầm quyền hoặc dấu nhẹm thông tin trong nước hay thiếu thành thật với nước ngoài, nếu không phải là dối trá với cả hai.
Vũ khí chỉ là công cụ nhưng ý chí để sử dụng vũ khí khi cần thiết mới là chính. Khi cả quân lẩn dân đều hèn thì vũ khí chỉ còn là đống sắt vụn đắt tiền. Quân hèn vì tướng hèn, tham nhũng nên bị bôi nhọ công khai mà không dám chối cãi, lại vì danh lợi mà cung cúc cúi đầu ca ngợi tình hữu nghị hữu hảo với đối phương.
Dân hèn vì khi hai bên chỉ mới bắn nhau bằng vòi rồng thì thành phố hỗn loạn, tư bản đỏ vội vã tìm cách đưa người và tiền của chạy ra nước ngoài (theo chương trình du học hay đầu tư EB-5 sang Mỹ) thì dân thường tự hỏi phải chịu ở lại hy sinh bảo vệ cái gì? Nhưng cũng không thể trách người dân vì nhà cầm quyền đâu có chuẩn bị cho họ bảo vệ đất nước mà không hốt hoảng. Nhà nước hèn vì bịt miệng tiếng nói của những người yêu nước, che giấu sự hy sinh của các chiến sĩ bảo vệ biển đảo và biên giới, không dám khơi động lòng yêu nước vì sợ người dân sẽ đòi lãnh đạo tốt.
Việt Nam chỉ có kinh nghiệm đánh bộ mà chưa đánh trên biển. Lại đơn độc không thao dượt tập trận chung với ai, đến khi hữu sự tàu ngầm lặn dưới lòng biển không phân biệt được tàu bạn địch để tấn công, máy bay hoả tiễn tầm xa có thể bắn lầm thường dân thay vì quân sự. (Đ. H. Q. - Tác giả gửi BVN).
(ii) Nguyễn Gia Kiểng: *** (1) Sơn xuyên chi cương vực ký thù
Nguyễn Trãi (1380-1442) mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo như sau:
Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân, // Điếu phạt vi sư mạc tiên khử bạo.
Như nói chuyện Đại Việt chi quốc, // Thực vi văn hiến chi bằng,
Sơn xuyên chi cương vực ký thù, // Bắc Nam chi phong tục diệc dị.
Trong Việt nam Sử lược, học giả Trần Trọng Kim cung cấp một bản dịch mà nhiều người nói là của cụ Bùi Kỷ: “Việc nhân nghĩa cốt yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác.”
Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn bất hủ, lời lẽ hùng tráng mà ý kiến cũng rất sâu sắc. Được sáng tác vào năm 1427 khi nước ta vừa giành lại được độc lập từ tay quân Minh, Bình Ngô Đại Cáo có giá trị của một bản tuyên ngôn độc lập. Nó xác nhận văn tài xuất chúng và ý thức chính trị phi thường của Nguyễn Trãi, một trong những anh hùng kiệt xuất nhất trong suốt dòng lịch sử của nước ta. Hầu hết mọi người Việt nam đều chỉ biết đến Bình Ngô Đại Cáo qua bản dịch của Trần Trọng Kim (hay Bùi Kỷ?). Bản dịch đó cũng là một tuyệt tác. Tuy nhiên, phù hợp với văn phong của thời các cụ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, nó chú trọng đến lời văn và âm hưởng nhiều hơn là ý, và địch giả đã bỏ qua một chi tiết có tầm quan trọng rất lớn trong sự tồn tại của đất nước ta mà Nguyễn Trãi đã nêu ra. Sơn xuyên chi cương vực ký thù được dịch là Sơn hà cương vực đã chia thay vì núi sông bờ cõi riêng biệt hay lãnh thổ có núi ngăn chia, bỏ qua mất cụm từ sơn xuyên, có nghĩa là núi sông nhưng cũng có thể có nghĩa là cách núi. Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh sự kiện Việt nam và Trung Quốc cách nhau một dãy núi. Câu mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo có thể dịch sát nghĩa hơn như sau:
“Chính trị chuyên mưu tìm hòa bình, chiến tranh chỉ là để khử trừ bạo ngược. Nước Việt nam là một nước văn hiến, lãnh thổ có núi ngăn chia, phong tục Bắc Nam khác nhau…”
Bỏ qua vách núi là bỏ qua một yếu tố rất quan trọng của nước ta. Chính nhờ núi mà nước ta còn đến ngày nay. Dọc theo biên giới Trung Quốc là cả một vùng núi non dày đặc, dày gần một trăm cây số. Dọc theo biên giới Lào là dãy Trường Sơn. Hai dãy núi này kết hợp với nhau làm một tường thành kiên cố che chở và cô lập các đồng bằng miền Bắc và miền Trung nước ta. Chính nhờ núi mà Trung Quốc đã không thể thôn tính và đồng hóa nước ta, và cũng nhờ núi mà nước Lào đã không bị Việt hóa.
Trước đây khi nước ta chưa thực sự hình thành, thế lực còn đơn sơ đến độ một đạo quân nhỏ cũng đủ đề chinh phục, Trung Quốc đã đặt được sự thống trị lên quận Giao Chỉ, nhưng số người Tàu đủ mạo hiểm để vượt núi qua nước ta lập nghiệp đã rất giới hạn. Vì thế mà một ngàn năm Bắc thuộc đã không thể biến Việt nam thành một vùng hoàn toàn hội nhập vào Trung Quốc. Khi người Việt nam trở thành đông đảo với thời gian và giềng mối xã hội trở thành gắn bó, ta đã đuổi được quan cai trị người Tàu rồi bảo vệ được nền độc lập. Từ khi giành hẳn được độc lập, năm 939 ta chỉ bị rơi vào ách Bắc thuộc hai mươi năm, từ 1407 đến 1427, trong một bối cảnh suy đồi đặc biệt. Cuộc chiến tranh giải phóng do Lê Lợi cầm đầu đã rất vẻ vang, nhưng khách quan mà nói lực lượng Trung Quốc xa hậu cứ và khi phải đương đầu với cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc đã không chứng tỏ một quyết tâm đặc biệt nào đề duy trì nền thống trị.
Các đạo quân xâm lăng phải vượt qua những đường mòn chật hẹp dài cả trăm cây số nên vận tải lương thực rát khó khăn, và làm mồi ngon cho các cuộc phục kích. Muốn xâm nhập nước ta, quân Trung Quốc thường phải đi đường biển đổ bộ xuống vùng Nghệ An, rất xa địa điểm xuất phát xét theo phương tiện di chuyển ngày xưa, hay cửa Bạch Đằng, tuy gần hơn nhưng vẫn còn phải đi một chặng đường hiểm trở đề tiến về Hà Nội.
Nhờ thường xuyên đánh thắng quân xâm lăng phương Bắc, chúng ta thường tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc, mà ít khi chịu khiêm tốn đề nhìn nhận rằng sự tồn tại của nước ta chỉ được bảo đảm nhờ vách núi dày đặc và hiểm trở. Nhiều nhà lý luận nặng đầu óc dân tộc đã biện bạch rằng dân ta đứng vững được nhờ có một nếp sống riêng, một nền văn hóa dân tộc cao, một tinh thần dân tộc cao và một tinh thần chiến đấu đặc biệt kiên cường.
Những yếu tố đó đều đúng nhưng chỉ đúng một phần mà thôi. Ta đã phóng đại và huênh hoang quá đáng. Thực ra tinh thần dân tộc của ta không lấy gì làm mạnh và khả năng chiến đấu của ta tuy khá nhưng không thể nói là phi thường.
Về văn hóa, ta đã bắt chước người Tàu một cách mê mải và vô điều kiện. Nếu văn hóa của ta vẫn còn khác văn hóa Tàu thì cũng chỉ vì ta bắt chước chưa xong mà thôi. Văn hóa ta khác văn hóa Trung Hoa không phải ở chỗ ta thực sự khác mà là ở chỗ ta chưa bằng. Sự khác biệt ở trình độ nhiều hơn là ở bản chất.
Sau này khi lệ thuộc người Pháp, chúng tà cũng đã mê mải chạy theo văn hóa Pháp. Nhiều người còn muốn quên hẳn gốc gác Việt nam. Những người “vong bản” này không hẳn là những người “phản quốc”, ngay cả “phản quốc” hiểu theo nghĩa cộng sản. Năm 1980, tôi có dịp nghe một bài nói chuyện của ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. Ông Phạm Văn Đồng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc chiến tranh cam go chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Đồng là người đã giữ chức vụ thủ tướng lâu nhất tại Việt nam trong gần 40 năm. Trong các lãnh tụ cộng sản, ông là người được các đảng viên kính trọng nhất sau ông Hồ Chí Minh. Ông được coi là lãnh tụ cộng sản kỳ cựu có văn hóa cao. Điều đặc biệt là ông Phạm Văn Đồng, mặc dầu đảm nhiệm chức vụ chính trị quan trọng đã tỏ ra đặc biệt ưu tư tới tiếng Việt ông viết một loạt bài dưới đề tựa “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Và tôi đã nghe ông Đồng nói những gì? Bài nói chuyện của ông có ít nhất 20% là tiếng Pháp. Ông chêm tiếng Pháp bất cứ lúc nào ông có thể chêm được. Có khi ông nói cả những câu hoàn toàn bằng tiếng Pháp mà hầu hết cử tọa không hiểu. Tôi hỏi một người bạn đảng viên khá cao cấp đã nhiều lần nghe ông Đồng thuyết trình, anh ta cho hay ông Đồng lúc nào cũng nói như vậy vì ông ấy học giỏi và quen miệng nói tiếng Pháp. Thực ra bác sĩ Đặng Văn Hồ (mà tôi gọi bằng chú do một liên hệ gia đình gián tiếp), bạn học của ông Đồng, cho tôi hay ông Đồng chưa học hết trung học bản xứ và đã từng nói với bác sĩ Đặng Văn Hồ rằng: “Mày đậu tú tài thì học tiếp tao không có tú tài thì đi làm cách mạng”. Như thế vốn liếng tiếng Pháp của ông Đồng tuy có thực nhưng không nặng đến nỗi sau hơn một nửa thế kỷ đấu tranh chống Pháp ông vẫn còn phải chêm tiếng Pháp luôn miệng như vậy. Tôi học và sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn hẳn ông Đồng, tôi cũng sinh sống tại đất Pháp lâu năm, nhưng không có nhu cầu phải pha thêm tiếng Pháp trong khi viết và nói tới mức độ như ông Đồng. Ông Đồng chêm tiếng Pháp vì ông thích tiếng Pháp, cho rằng nói tiếng Tây là sang. Và ông nghĩ như vậy, bởi vì những người chung quanh ông cũng nghĩ như vậy, người Việt nam rất vọng ngoại về mặt văn hóa.
Đã nói tới người cộng sản thì cũng phải nói đến người quốc gia. Ông Nguyên Văn Thiệu tuy vốn liếng tiếng Pháp chẳng hơn gì ông Đồng là mấy nhưng cũng luôn miệng nói tiếng Pháp. Trong biên lai mà ông ký cho tướng Trần Văn Đôn đễ nhận một triệu đồng tiền thưởng của tình báo Mỹ sau cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, ông viết “Bon pour 1.000.000 piastres”. Một biên lai giữa người Việt với nhau lại viết bằng tiếng Pháp. Như thế mới sang. Trong thời gian làm việc tại Ngân Hàng Việt nam Thương Tín và Bộ Kinh Tế, tôi đã được đọc nhiều hồ sơ. Hồ sơ nào hầu như cũng pha tiếng Pháp, có hồ sơ hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đó là sau khi Pháp đã ra đi gần 20 năm!
Sức chiến đấu kiên cường của ta cũng cần xét lại. Quả thật ta đã có những chiến công hiển hách, nhưng cũng có những lúc mà sức chiến đấu của ta kể như không có. Bảy người lính Pháp đã có thể vào chiếm tỉnh Ninh Bình, bắt quan quân Việt nam quì gối hạ khí giới. Vài trăm lính Pháp đã có thể hạ được Thăng Long, đánh tan nhiều ngàn quân Việt nam, một lần bắt sống Nguyễn Tri Phương, một lần buộc Hoàng Diệu phải tuẫn tiết.
Hồ Quí Ly chuẩn bị một đạo quân đông đảo và hùng hậu dề đương đầu với quân Minh. Nhưng chỉ một đạo quân nhỏ của Trương Phụ đã đánh tan được toàn bộ quân nhà Hồ và bắt sống Hồ Quí Ly trong một thời gian chớp nhoáng.
Vậy phải giải thích thế nào những chiến công của ta? Quan sát kỹ ta thấy người Việt nam có tâm lý sợ và phục tùng uy quyền. Khi có những cấp chỉ huy cứng cỏi, họ chiến đấu có hiệu lực. Nhưng không nên vội đồng hóa tâm lý sợ và phục tùng cấp trên với ý chí sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh vì đất nước....
Tôi nói văn hóa đặc thù của ta không có bao nhiêu, tinh thần dân tộc và khả năng chiến đấu của ta chỉ giới hạn hoàn toàn không phải nhằm mục tiêu hạ nhục dân tộc ta. Để làm gì?
Tôi chỉ muốn lưu ý rằng khả năng tự vệ của dân tộc ta thực ra chỉ vừa phải, chúng ta đã tồn tại được chủ yếu là nhờ có núi làm biên giới thiên nhiên. Ngày nay, trong thế giới hiện đại này, núi không còn là mộc che thân của ta nữa và biển lại là cửa vào xâm nhập lý tưởng; sự xâm nhập không còn bằng quân sự mà bằng văn hóa, kinh tế, thương mại, sách báo, phim ảnh, âm nhạc. Ta phải hết sức lo lắng để giữ nước vì bài toán giữ nước đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta không còn trông vào núi được nữa. Muốn giữ nước từ đây ta phải có khả năng tự vệ thực sự, tinh thần dân tộc thực sự, lòng yêu nước thực sự. Làm thế nào đề có những yếu tố đó phải là ưu tư của mọi người quan tâm tới đất nước.
*** (2) Một dân tộc tinh anh
Trong cuốn sách Việt nam Sử Lược quen thuộc với mọi người, Trần Trọng Kim viết về người Việt nam như sau:
“Về đằng trí tục và tính tình thì người Việt nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.”
Trần Trọng Kim, xuất thân là một giáo viên, được gởi đi học và tốt nghiệp Trường Thuộc Địa (Ecole Coloniale) tại Pháp. Trường Thuộc Địa Pháp vào đầu thế kỷ này là một trường có trình độ trung học, có mục đích khai mở nền văn minh Pháp nói riêng và phương Tây nói chung cho những trí thức Việt nam dầu tiên để họ về nước phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Năm 1911, ông Hồ Chí Minh, lúc đó làm bồi tàu và mới tới Pháp, cũng có làm đơn với lời lẽ thống thiết viện cớ có cha đậu tiến sĩ Hán học để xin vào trường này, nhưng bị từ chối.
Tuy vốn liếng khoa bảng không có bao nhiêu (nhưng vào thời đó trình độ của Trường Thuộc Địa cũng đã là cao lắm rồi), nhưng ông Trần Trọng Kim đã dày công học hỏi và nhờ trí tuệ xuất sắc ông trở thành một học giả lớn. Ngoài kiến thức uyên bác, Trân Trọng Kim còn là một người liêm khiết, lương thiện. Ông có uy tín rất lớn trong thời đại của ông. Năm 1945, khi nhật đảo chánh pháp, trả độc lập trên nguyên tắc cho Việt nam, ông Trần Trọng Kim, lúc đó đã về hưu, được vua Bảo Đại mời ra làm thủ tướng theo ý của người Nhật. Sự kiện ông được chỉ định làm thủ tướng là một ngạc nhiên cho rất nhiều người. Phần đông giới theo dõi thời cuộc lúc đó chờ đợi ông Ngô Đình Diệm, một cựu thượng thư, có uy tín, có tham vọng chính trị và nhất là đã giao dịch với Nhật từ lâu. Ông Diệm đã tham gia từ 1941 tổ chức Việt nam Phục Quốc Hội của hoàng thân Cường Để do Nhật đỡ đầu. Người ngạc nhiên nhất chính là ông Ngô Đình Diệm. Thực ra ngay từ khi đỗ bộ vào Việt nam, Nhật cũng đã có ý định dùng Trần Trọng Kim như một lá bài thay thế cho Ngô Đình Diệm, có lẽ vì họ nghĩ Ngô Đình Diệm là một chính khách sắc bén hơn và có thể đòi hỏi họ nhiều hơn là Trần Trọng Kim. Tuy vậy ông Trần Trọng Kim cũng đã dần dần đòi hỏi được nơi người Nhật tất cả những nhượng bộ cần thiết. Nếu người Nhật coi Trần Trọng Kim là người không đáng lo ngại thì người Pháp sau này lại lo ngại Trần Trọng Kim và làm áp lực để Bảo Đại chọn Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng năm 1948 thay vì Trần Trọng Kim. Sau đó Trần Trọng Kim qua Phnom Penh sống với người con gái, ông mất vài năm sau đó, khi vừa trở về Việt nam.
Trần Trọng Kim tóm lược cuộc đời chính trị của ông trong thiên hồi ký ngắn Một cơn gió bụi. Có lẽ những ai có ý định viết hồi ký đều nên đọc cuốn sách nhỏ này trước đã. Đó thực sự là một cuốn hồi ký. Nó được viết một cách thực thà, lương thiện, rành mạch, điều ít thấy trong các cuốn hồi ký khác. Hồi ký là một loại sách đặc biệt. Nó có tác dụng chính, và có thể nói là duy nhất, là ghi chép các sự kiện đễ làm chứng cho một giai đoạn. Đòi hỏi duy nhất của nó là phải trung thực, phải có giá trị của một tài liệu. Người Việt nam, nhất là các tướng tá quân đội miền Nam cũ, hay dùng hồi ký đề bóp méo sự thật, tán dương hay chạy tội cho mình, bôi nhọ người khác. Những hồi ký như vậy không thể dùng làm tài liệu. Trần Trọng Kim được mọi người kính trọng, người ta kính trọng kiến thức của ông và người ta còn kính trọng hơn nơi ông nhân cách của một trí thức chân chính. Nếu không phải Trần Trọng Kim mà một người khác viết ra những dòng trên, thì chắc chắn sẽ bị cả một loạt bài đả kích và mạt sát thậm tệ vì đã dám coi thường người Việt Nhưng vì là do Trần Trọng Kim viết ra nên không ai cãi lại, và hầu hết nhìn nhận là đúng. Tôi cũng có đọc trong nhiều cuốn sách cũ của các học giả Pháp một nhận định tương tự như vậy về người Việt, không biết có một sự tham khảo nào không. Điều chắc chắn là Trần Trọng Kim chỉ viết những điều ông tin là đúng.
Nói chung, Trần Trọng Kim nhận định người Việt nam có cấu tạo cơ thể tốt có trí óc tương đối tốt, siêng năng, hiếu học, biết trọng đạo đức, nhưng tâm lý thì rất dở. Ông không nói người Việt Nam nói chung có yêu nước hay không, đó cũng là một điều lạ trong cuốn sách sử.
Tôi đã đề cập phần trước tới nước Hòa Lan như là một kỳ quan của thế giới. Quan sát kỹ người Hòa Lan, thành thực tôi không thấy họ thông minh hơn người Việt, hay có hơn cũng không hơn bao nhiêu. Họ cũng không chăm chỉ hơn người Việt nam, hay có hơn cũng không hơn bao nhiêu. Vậy mà họ đã tạo nên được quốc gia đáng phục nhất thế giới. Tôi làm việc với người Pháp và cũng đi tới một nhận định tương tự. Riêng người Anh thì phải nói tuy họ có nét độc đáo riêng, nhưng trí tuệ của họ cũng chỉ xấp xỉ như người Hòa Lan và người Pháp, ngoài ra họ lười biếng hơn hẳn người Việt nam. Vậy mà tại sao các quốc gia đó giàu mạnh đến thế, trong khi nước ta nghèo nàn lạc hậu và tang tóc đến thế?
Khi một máy vi tính hoạt động dở thì chỉ có hai giải thích: một là cái hardware (phần vật liệu hay phần cứng) của nó dở, hai là cái software (phần trí liệu hay phần mềm) của nó dở. Chất liệu, nghĩa là cấu tạo cơ thẻ và trí óc của người Việt nam tốt. Vậy thì phải chăng cái software, nghĩa là cái văn hóa và tâm lý, của người Việt nam tồi dở? Tôi tin như thế. Một người bạn tôi sau hơn một thập niên làm cố vấn cho các chính phủ châu Phi đã chỉ rút ra được một kết luận rõ nét: các nước đó không vươn lên được vì trở ngại văn hóa và tâm lý.
Đọc những bài đóng góp gần đây của các tác giả Việt nam về vấn đề phát triển đất nước, phần đông có giá trị, nhiều bài rất xuất sắc tôi ít thấy đề cập đến yếu tố tâm lý (hay văn hóa cũng thế vì tâm lý và văn hóa rất gần nhau), trong khi đó tất cả các nhà bác học có thẩm quyền ở tam vóc thế giới về vấn đề phát triển đều coi yếu tố tâm lý là ye~u tố cốt lõi. Nhiều tác giả còn gọi phát triển là một cấu trúc tâm lý (structure mentale).
Tâm lý của một dân tộc, nhiều người thích dùng cụm từ hồn tính dân tộc, một phần do điều kiện thiên nhiên tạo thành, nhưng một phần lớn là do các giá trị đã được nhìn nhận từ lâu đời và đã tạo ra một nếp sống. Các giá trị ấy hình thành có khi do sự khám phá trong cuộc sống của dân tộc, có khi được du nhập và hấp thụ, được kiểm chứng và xét lại theo kinh nghiệm lịch sử. Lịch sử vì thế đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành tâm lý dân tộc. Lịch sử là trí nhớ tập thể của dân tộc, một nguồn tài liệu và gợi ý. Lịch sử cũng là tấm gương đề một dân tộc nhận diện được mình, hiểu mình, biết mình nên làm gì và có thể làm gì. Muốn như thế, lịch sử phải chính xác và cũng phải được phân tích và khai thác một cách sáng suốt và khách quan. Nhưng một mặt lịch sử của ta không chính xác, và, mặt khác, chúng ta rút ra từ lịch sử những kết luận và những bài học sai lầm.
2. Thơ từ Bạn bè
(i) Nguyễn Đông Giang: Ngày về, qua đò cuối năm
chiều cuối năm ta lên đó qua sông
gió thổi hiu hiu nắng úa bên lòng
An Hải ơi ! xin mừng ta trở lại
thuở ấu thời, con ngựa già long đong
ôi đời ta buồn như mùa đông
râu tóc hắt hiu cái rụng cái còn
già nửa đời người dạn dày lận đận
chợt nghe hồn vừa nở những nhánh bông
có ai đợi ta trên con đò cuối năm
ôi, chỉ bóng ta chao bóng xuôi dòng
mặt mũi tiêu điêu theo phần đời gió nổi
cái đời buồn như nước chảy trăm năm
thêm một mùa xuân ta già thêm một đổi
tim phổi héo hon theo ngày tháng vô tình
cũng gắng quay về nằm trên đất mẹ
chúa đã buồn nhưng ta lại buồn hơn
đã mấy mươi năm ta hát khúc tiêu dao
đời còn ai là bậc anh hào
chẳng lẽ khóc để cho đời mai mỉa
chẳng lẽ cười khi thế sự lao đao
ta cứ dửng dưng như không có gì
giả bộ yêu đời như mọi khi
dan diú đời ta những thơ cùng rượu
còn nắng còn mưa nên chẳng thiết gì
nghĩ quẩn nghĩ quanh thêm buồn đời thi sĩ
hương khói nhà ai chạnh nhớ quê nhà
thôi chào em, chào con đò năm cũ
trôi vào xuân - ta, lòng rụng xót xa
(ii) Trần Vấn Lệ: Một chút Quảng Nam
ôi người bên nớ, kẻ bên ni
một dải Hàn giang nước ngược về
nhớ buổi triều dâng, Ðà Nẵng lạnh
gặp nhau chưa nói, đã chia ly !
ôi người bên nớ, chừ bên nớ
bên một dòng sông - cuối một trời
còn giọng Quảng Nam chiều thỏ thẻ
còn câu hờn mát chẳng chia đôi
mình ở bên ni con nước xanh
bên ni chừ bỗng hoá mông mênh
giọng quê còn nặng hương mùa cốm
còn lạnh hoài khi sông nước lên...
người một quê chừ đang bốn phương
mai chiều không khéo mất yêu thương
con sông Hàn có bao giờ biết
nó đã nằm trong đáy đại dương !
em hỡi nghe gì ta mới ngỏ
nhớ mình nhớ quá nắng Duy Xuyên
mây Kim Bồng gió hình như lặng
ta biết tìm mô tiếng thở em ?
(iii) Phan Xuân Sinh: Nhìn em qua đò Hà Thân
một dạo ta ngồi lỳ ở đó
nhìn em qua đó áo lụa bay
mắt ta dán chặt vòng eo nhỏ
em xôn xang qua cái chau mày
ta tưởng mình đùa chơi đôi chút
nào hay lòng rũ rượi bất an
bởi em có áo lụa mờ đôi mắt
ta thẩn thờ giữa bến Hà Thân
bên kia An Hải nhà em phải
mà sao ta mãi thấy ngút ngàn
qua đò, trên tay em cầm guốc
quần xăn để trắng nõn ngón chân
bỗng dưng ta động tình nghĩ bậy
ước chi ta làm thân chiêc đò
để cùng em chòng chành trên sóng
mình đong đưa qua những nhấp nhô
chỉ một giòng sông, lòng ngăn cách
Hà Thân, Hà Thân, trong lo âu
một thuở yêu em nhưng lỡ chuyến
đò em sang sông mang ta nỗi sầu
..............................................................................................................
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét