Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Văn hóa Truyện Kiều - Lê Minh Quốc


Kể từ ngày Truyện Kiều được phố biến rộng rãi cho đến nay, thiên hạ vẫn tiếp tục tìm hiểu sức hấp dẫn và nghiên cứu kiệt tác này dưới nhiều góc độ khác nhau. Có lẽ, trên thế giới chỉ có Truyện Kiều là trường hợp duy nhất mà độc giả đã dùng tác phẩm để bói cho số phận của mình. Và bản thân tác phẩm đã được quần chúng sử dụng để trở thành một sinh hoạt văn hóa rất đa dạng.

<!->
Ta có thể kể đến: bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, nhại Kiều, vịnh Kiều…hoặc dùng các thể loại phú, văn tế, văn sách, biểu, từ khúc, ngâm khúc… để viết về Kiều và các nhân vật trong Truyện Kiều. Ngoài ra, Truyện Kiều còn được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, chèo, cải lương… và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho các họa sĩ vẽ nhân vật, cảnh vật trong tác phẩm này…
Thông thường khi muốn “bói Kiều”, người ta khăn áo chỉnh tề, tay cầm cuốn Truyện Kiều, thành tâm với điều mà mình muốn biết sắp xảy ra như thế nào, nhìn nén hương đang cháy nghi ngút và khấn” “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều con tên là… xin cho con biết chuyện X của con sẽ như thế nào, xin ứng vào trang (phải hoặc trái), dòng thứ… (tính từ dưới lên hoặc từ trên xuống)”. Khấn xong thì người bói lật trang Kiều để tìm câu ứng nghiệm, tùy theo tâm thế của mình mà suy ngẫm, so sánh, tính già tính non… Tại sao lại dùng Truyện Kiều để bói? Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ từ năm 1895 cũng đã đặt câu hỏi như thế và ông lý giải phải chăng văn chươngTruyện Kiều là một “khúc tình từ quán tuyệt thiên cổ… cho nên chẳng những làm say lòng người đọc mà còn cảm thông được thần linh nữa?”.
“Lẩy Kiều” là dùng câu 6 ghép vào câu 8 – lấy bất kỳ câu nào trong 3.254 câu trong Truyện Kiều miễn là cùng vần để tạo ra một văn bản hàm nghĩa khác; dài ngắn như thế nào là tùy vào nội dung mà người lẩy Kiều muốn diễn đạt. Còn “tập Kiều” người ta cũng ghép như trên, nhưng bên cạnh những chữ nguyên vẹn từ Truyện Kiều thì còn có những câu, những chữ do người đặt làm ra. Với lối chơi tao nhã như thế này, cả hàng ngàn bài thơ mang nhiều nội dung, chủ đề khác nhau đã ra đời. Điều thú vị là có người đã miêu tả được cả những điều mà sinh thời thi hào Nguyễn Du không ngờ đến. Chẳng hạn như… xe hơi:
Thênh thang đường cái thanh vân
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
“Nhại Kiều” là phỏng theo một số câu quen thuộc trong Truyện Kiều để viết ra những câu tương tự, thường là để châm biếm, giễu cợt. Chẳng hạn, với hai câu: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” thì có người “nhại Kiều” là:
Có tiền mà cậy chi tiền
Có tiền như Mỹ cũng phiền lắm thay.
Nhưng công phu hơn cả phải kể đến Kiều tân thời dài 310 câu của Bạch Diện, in tại Hà Nội năm 1935; Kiều bình dân học vụ của Nguyễn Văn Trinh, dài 2.050 câu lục bát viết từ sau Cách mạng tháng Tám nhằm tuyên truyền cho chủ trương xóa nạn mù chữ…
“Vịnh Kiều” là lấy Truyện Kiều hoặc các nhân vật trong Truyện Kiều làm đề tài để qua đó giãi bày tâm sự hoặc nêu lên quan điểm của mình khi nhận định một vấn đề nào đó. Chẳng hạn bài Vịnh thằng bán tơ, cụ Nguyễn Khuyến viết trong đó có câu:
Có tiền việc trước mà xong nhỉ,
Thời trước làm quan cũng thế a?
thì đâu phải chỉ vịnh thằng bán tơ mà còn là lời tố cáo tệ nạn tham nhũng của xã hội đương thời. “Đố Kiều” là người chơi dựa vào cả ý lẫn âm hoặc chỉ âm và ý của câu Kiều để đố. Chẳng hạn:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần ra sao.
được giải là “cái kệ” vì đồng âm với “mặc kệ”. Hoặc:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn thiên có biết vuông tròn mà hay
Chẳng duyên chưa dễ vào tay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
được giải là “cái quạt giấy”…
Cách chơi “câu đối” hoặc “đề vịnh” thì cũng lấy từ các câu thơ trong Truyện Kiều mà sắp xếp thành. Chẳng hạn, có câu đối đề nhà thờ Nguyễn Du:
Khúc đầu lưu thủy hành văn, để tiếng tài tình chung đất nước;
Chốn ấy sơn hồ cổ thụ, nhớ người thanh khí nặng non sông.
Hoặc đề quán trà của vợ chồng nhà thơ già:
Chung lửng mở một ngôi hàng, khi trà trưa, khi rượu sớm;
Vỗ tay nên mười khúc ngâm, này ngọc nhả, này châu phun.
Khảo sát ca dao, dân ca, hát trống quân, hát ví, hát sa mạc, hát giặm ta cũng thấy nhân vật trong Truyện Kiều được đi vào trong lời ăn tiếng nói của nhân dân. Chẳng hạn, trong hò Nam bộ:
Đường Sài Gòn trơn như mỡ
Cát núi Sập lạnh như gương
Dang tay đưa bạn lên đường
Gá duyên để gió, khác chi Kim Trọng về để lại khúc đoạn trường cho Kiều nương.
Trong hò Huế ở Bình Trị Thiên:
Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào lựu ngã đào nghiêng
Xa em ngày tháng gieo phiền
Khác nào như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho hết sầu.
Trong hò khoan Quảng Nam:
Kể từ ngày xa cách người thương
Về nhà đài sen nối sáp đọc mấy chương phong tình
Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa cách Kim sinh
Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy, nghĩ tội tình biết chừng mô!
Hoặc trong hát quan họ Bắc Ninh:
Bây giờ tôi mới gặp tình
Khác gì Kim Trọng thanh minh gặp Kiều
Tiện đây tôi hỏi một điều
Đài gương soi đến dấu bèo cho nhau?
Tư khi ăn một miếng trầu
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu tương tư…
Trong hát đối đáp về nội dung Truyện Kiều cũng là một sinh hoạt rất độc đáo trong dân gian. Chẳng hạn:
Vấn: -Truyện Kiều anh thuộc đã thông,
Đố anh kể được một dòng chữ Nho?
Đáp: -Hồ công quyết chí thừa cơ,
Lễ tiền binh hậu, khắc cờ lập công.
Ngoài những sinh hoạt văn hóa phổ biến như trên, ta còn thấy có người còn tìm cảm hứng trong Truyện Kiều bằng những cách chơi cầu kỳ hơn như: “Án Kiều” do Nguyễn Văn Thắng (1803- ?) soạn bằng văn Nôm, gồm 22 bản án soạn cho 22 nhân vật trong truyện với lời kết tội, khen thưởng; Nguyễn Liêng Phong cũng viết Kim Vân Kiều tập án… Còn Truyện Kiều gọt là cách chơi khá lạ lùng của cử nhân Hà Mai Khôi, người Thái Bình, chưa rõ năm sinh và năm mất, đã tóm lược Truyện Kiều bằng thể thơ 4 chữ, có 142 đoạn thơ (568 câu) theo lối “tập Kiều”. Chẳng hạn:
Có nhà viên ngoại
Vốn dòng Nho gia
Một trai con rốt
Hai ả Tố Nga.
Đủ mùi ca ngâm
Nổi danh tài sắc
Phú quý ai bì
Phong lưu rất mực.
Nhà Nho Phạm Mạnh Danh (1866-1942) lại kỳ khu hơn nữa, đã viết hàng trăm bài thơ mà ông gọi là Kiều tập thơ cổ: lấy bất kỳ những câu thơ cổ điển của các thi nhân Trung Quốc, ghép lại thành bài thơ tứ tuyệt; rồi dùng thơ Kiều mà dịch nghĩa những câu thơ ấy. Phạm Quỳnh nhận xét: “Hơn ngàn câu thanh cao diễm lệ trong thơ cổ chữ Hán, đối chiếu với hơn ngàn câu bóng bẩy chải chuốt trong Truyện Kiều của ta, ghép vần ghép điệu, lựa ý lựa lời, Nôm với chữ Hán, chữ Hán với Nôm, phảng phất xa gần, tưa hồ dịch mà không phải dịch, rất có công phu, thật cũng tài tình, âu cũng là để thỏa cái thị hiếu văn chương, biểu lộ cái cốt cách thanh nhã của một khách chơi thơ sành sỏi vậy”. Chẳng hạn, Phạm Mạnh Danh đã ghép:
Ngọc tác phu cơ, băng tác thần, (Tân Liêu Trai)
Hối tương tĩnh chất điếm phong trần. (Bách Mỹ)
Đa nhân lợi lợi hại đa phùng kiếp, (Thuyết Đường)
Nhược vị hồng nhan tích thử nhân. (Bách Mỹ)
Và dùng thơ Kiều để “dịch”:
Tiếc thay trong giá, trắng ngần
Đến phong trần cũng phong trần như ai
Tẻ vui cũng một kiếp người
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru?
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng có cách chơi mà ông gọi là thơ truyền Kiều mà người chơi gọi là “người truyền” do quan niệm: Truyện Kiều được coi là như một kiến trúc trường giang, đặt trên nền tảng ngôn ngữ chứ không phải văn tự, do đó 3.254 câu lục bát của Nguyễn Du chỉ là một chuỗi liên tiếp 22.778 tiếng (không có vấn đề chấm câu hay viết hoa…). “Người truyền” sẽ lấy ra từng chuỗi nhỏ từ 6 tiếng trở lên, bất cứ ở quãng nào trên chuỗi mẹ (dài tới 22.778 tiếng của Truyện Kiều) để kết hợp lại thành một kiến trúc nhỏ mang tên Thơ truyền Kiều, mà ý nghĩa có thể khác hẳn, không lệ thuộc vào nội dung của Truyện Kiều. Chẳng hạn, một bài Thơ truyền Kiều của “người truyền” Vũ Hoàng Chương:
Cạn tóc tơ gà đà gáy sáng
Thôi bây giờ kẻ ngược người xuôi
Tài tình chi lắm cho trời đất
Ghen cánh hồng bay bổng tuyệt vời.
(Bài truyền số 4)
Đặc biệt nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế lại bày tỏ tấm lòng yêu lời lời thơ trác tuyệt của Nguyễn Du đã bỏ công sức để làm Truyện Kiều đọc ngược cũng dài 3.254 câu thơ như nguyên bản. Chẳng hạn, đây là đoạn trích “tái hồi Kim Trọng”, ông đã sắp xếp:
Nàng rằng: Phận thiếp đã đành (câu 3.145)
Có làm chi nữa cái mình bỏ đi (câu 3.146)
Chở che đùm bọc thiếu gì (câu 3.185)
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay (câu 3.186)
Tẻ vui cũng tại lòng này (câu 3.209)
Hay là khổ tận đến ngày cam lai? (câu 3.210)
Ảnh hưởng của Truyện Kiều không chỉ đối với người đọc đương thời mà càng về sau càng tỏa sáng và sức thu hút rất mãnh liệt khó có thể kể xiết. Có thể nói, mỗi từ, mỗi câu trong Truyện Kiều đều là nguồn cảm hứng vô tận cho người thưởng thức, lẫn người nghiên cứu. Do đó, khó ai có thể “vỗ ngực xưng tên” rằng mình là người am hiểu Truyện Kiều nhất. Ma lực Truyện Kiều chính là chỗ đó. Chắc chắn sau này sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu khác, hoặc những cảm hứng sáng tạo khác, mà người ta còn tìm thấy ở Truyện Kiều.
Lê Minh Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét