Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Thái Lan: Bỏ Mỹ, Bắt Tay Trung Quốc? - Thu Hằng


media
(Hình REUTERS/Olivia Harris: Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và đồng nhiệm Thái Lan Prayuth Chan-o-Cha (phải) tại thượng đỉnh ASEAN, Kuala Lumpur, Mã Lai Á, 21/11/2015)
 (RFI ) Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Thái Lan, hiện đang bị “thất sủng” tại quốc gia Đông Nam Á từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền vào tháng 5/2014. Nhật báo Le Monde, trong số ra ngày 24/2/2016, khẳng định: “Thái Lan bị Trung Quốc cám dỗ” và Vọng Các không che dấu sự chuyển hướng sang Bắc Kinh.
<!->

Từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền, Thái Lan và Trung Quốc luôn đưa ra những tín hiệu xích lại gần nhau, như để “hàn gắn” lại mối bang giao lâu đời, được duy trì cho tới thế kỷ XIX, trước khi Thái Lan ngả sang phương Tây.

Mối quan hệ bang giao Bắc Kinh-Vọng Các được bắt đầu bằng những chuyến công du, sau đó là những dự án quốc phòng và đầu tư kinh tế. Ngay tháng 12/2014, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới thăm Vọng Các. Chỉ vài ngày sau, tướng Prayuth Chan Ocha tới Bắc Kinh “đáp lễ”. Tháng 2/2015, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wan Quan) tới Vọng Các. Hai tháng sau, tới lượt Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương, tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qi Liang).

Vào mùa hè năm 2015, trước khi lên đường sang Bắc Kinh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan thông báo đang đàm phán với Trung Quốc để mua ba tầu ngầm tác chiến với trị giá khoảng 1 tỉ Euro. Dù hợp đồng vẫn chưa thành hình, nhưng ý định này khiến Hoa Thịnh Ðốn lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương.

Ngoài ra, còn phải kể tới sự năng động của cộng động Hoa Kiều tại Thái Lan, dù chỉ chiếm một lượng nhỏ song họ ngày càng giầu lên theo dòng thời gian. Họ là lực lượng giúp thắt chặt mối quan hệ thương mại giữa hai nước kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào cuối thập niên 1970.

Bắc Kinh và Vọng Các đang đàm phán xây dựng hệ thống tầu hỏa cao tốc nối liền biên giới với Lào tới vịnh Thái Lan với tổng trị giá lên tới 10,9 tỉ Euro. Trung Quốc còn hứa hàng năm mua của Thái Lan 2 triệu tấn gạo và 200.000 tấn cao-su.

Bỏ Lơ Quan Hệ Với Đồng Minh Hoa Kỳ?

Mối quan hệ giữa Thái Lan và Mỹ được hình thành từ thời chiến tranh lạnh bắt đầu rạn nứt khi Hoa Thịnh Ðốn không ngừng chỉ trích cuộc đảo chính của giới quân sự. Trước đó, trong chuyến công du Vọng Các năm 2012, Tổng Thống Barack Obama ủng hộ mạnh mẽ chính phủ của Thủ Tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra.

Tháng 1/2015, trong chuyến công du Vọng Các, Phụ tá Ngoại Trưởng Mỹ, Daniel Russel, chỉ trích: “Thái Lan đang mất dần uy tín trong mắt các đối tác ngoại quốc vì không muốn dỡ bỏ thiết quân luật và khôi phục các quyền dân sự”.

Những lời chỉ trích trên, cùng với sự bất ổn trong nội bộ đất nước, càng thúc đẩy chính quyền quân sự Thái Lan chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, một đối tác không hề bận tâm tới việc thiếu dân chủ.

Phía Mỹ cố duy trì mối quan hệ với Thái Lan. Đợt tập trận chung hàng năm “Cobra Gold” giữa hai nước vẫn tiếp tục diễn ra dù Bộ Quốc Phòng Mỹ giảm bớt lực lượng tham gia. Theo nhận định của chuyên gia Gregory Poling, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Thịnh Ðốn, “Thái Lan vẫn là một đối tác mang tính quyết định của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, Hoa Thịnh Ðốn cũng không nên quá lo ngại việc Trung Quốc có thể “nẫng” Thái Lan khỏi tay Mỹ”.

Vẫn theo chuyên gia trên, chuyến công du của Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương, tướng Hứa Kỳ Lượng, dường như chỉ mang tính biểu tượng trong việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, có thể xảy ra trong tương lai. Thế nhưng, Thái Lan vẫn luôn ưu tiên nền ngoại giao cân bằng và dĩ nhiên không muốn trở thành một nước “chư hầu” của Trung Quốc như trong quá khứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét