Phạm Đình Chương: Ly Rượu Mừng
Hợp ca: ASIA
Youtube: TranNangPhung
pps: Ly Rượu Mừng (New Version)
Hợp ca: Paris By Night
Tình thân,
NNSYoutube: TranNangPhung
pps: Ly Rượu Mừng (New Version)
Hợp ca: Paris By Night
Tình thân,
<!->
(1) Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Ts Nguyễn Văn Tuấn: Việt Nam - cảm nhận từ đường phố
Tôi vừa có một chuyến đi gần 1 tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian tương đối dài đối với tôi, một phần là vì công việc, và một phần khác là nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi đây đó, và có dịp quan sát quê hương - không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực địa. Tôi e rằng những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan. Thú thật, tôi không thấy một Việt Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu và lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN.
1. Một đất nước trên đà suy thoái
Cái ấn tượng chung và bao quát trong chuyến về thăm quê là đất nước này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi mặt. Mặc cho những con số thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước, trong thực tế thì cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn. Hơn 70% dân số là nông dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con. Gia đình này làm ra gạo để các tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?) nhưng số tiền mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu. Gia đình này có thể có 5 công đất (hoặc cao lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15 triệu đồng, có khi còn không bằng một bữa nhậu của các quan chức.
Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên. Đầu mùa thì vay ngân hàng để mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải trả nợ cộng tiền lời cho ngân hàng. Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng vay - trả nợ lại bắt đầu. Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa phải gánh ít nhất là 10 loại phí khác nhau, có khi lên đến 20 phí! Các trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan công quyền, v.v. đua nhau sáng chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người dân vốn đã quá ít ỏi. Họ không cần biết người dân có tiền hay không, phí là phí, và phải đóng phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ học. Đã có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường tự tử.
Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực cực kì lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn. Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở Việt Nam đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông. Những con sông Việt Nam đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ. Đó là chưa nói đến sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần là do mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.
Ở đất nước này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa. Cái bệnh vô cảm của chính quyền nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người dùng mọi phương cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống. Có thể nói cả xã hội đang chạy đua. Cái chữ "chạy" ở Việt Nam đã có một ý nghĩa khác. Dân chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi đời. Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, và họ chạy bằng tiền. Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì người dân lãnh đủ. Sự suy thoái ở Việt Nam diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế, môi trường, y tế, giáo dục, đến đạo đức xã hội.
2. Đất nước đang bị "bán"
Một anh bạn tôi vốn là một doanh nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này đang bị bán dần cho người nước ngoài. Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, đến Nha Trang, tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán cho các tập đoàn nước ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những "ông chủ" mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.
Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của Việt Nam cũng dần dần bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát. Chẳng hạn như các tập đoàn Thái Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát các cửa hàng này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có phẩm chất tốt và đáng tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng.
Đó là chưa kể một loại buôn bán khác: buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.
3. Tham nhũng tràn lan
Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết Việt Nam là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Chỉ cần tiếp xúc với hải quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có thể nếm "mùi tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia, từ cấp thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi tiền mặc cả cái giá mà không hề xấu hổ. Các cơ quan Nhà nước phải hối lộ các cơ quan Nhà nước khác, và họ xem đó là bình thường. Ngay cả những ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức" như giáo dục và y tế mà cũng tham nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai ngành này còn "tinh tế" hơn các ngành khác!
Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá. Cái văn hoá này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn hoá thì nó rất khó xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng còn thú nhận rằng trạng tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu", nhưng cho đến nay ông cũng không làm được cái gì để giảm tình trạng này.
4. Xã hội bất an
Có thể nói không ngoa rằng Việt Nam là một xã hội bất an. Đọc báo hàng ngày thấy tin tức về tội phạm dày đặc khắp nơi. Chẳng những sự phổ biến của tội phạm, mà sự manh động của các vụ án càng ngày càng táo tợn. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở Việt Nam: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết!
Đáng ngại nhất là tội phạm đã lan tràn về tận vùng quê. Ở quê tôi, nơi mà ngày xưa là một làng êm ả, ngày nay là một cộng đồng bất an vì những vụ chém giết xảy ra hầu như hàng tuần! Người dân dưới quê cảm thấy mệt mỏi, không muốn nuôi trồng gì nữa, vì nạn trộm cắp hoành hành triền miên. Nuôi cá chưa đủ lớn thì đã bị trộm câu mất. Trồng một cây mít, trái chưa chín thì đã có trộm hái dùm. Chưa bao giờ tình trạng trộm cắp phổ biến như hiện nay ở vùng nông thôn.
Đó là chưa nói đến tai nạn giao thông vốn còn kinh hoàng hơn cả trộm cắp. Ở Việt Nam, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách.
5. Trí thức không có tiếng nói, không có phản biện
Theo dõi báo chí ở VN, dễ dàng thấy sự trống vắng tiếng nói của giới trí thức. Trước một sự kiện tương đối quan trọng như đại hội đảng csvn, mà không hề có bất cứ một bình luận độc lập nào, không hề có một bài phân tích về các nhân vật chóp bu trong đảng, hoàn toàn không có một phát biểu mang tính viễn kiến của bất cứ một nhân vật "lãnh đạo" tương lai nào! Thay vào đó là những tiếng nói của những người mang danh "sư sĩ" nhưng cách họ nói và ngôn ngữ của họ thì chẳng khác sự "cò mồi" là bao nhiêu.
Trước hiện tình đất nước, giới có học nói chung có vẻ lãnh đạm. Họ không quan tâm. Họ thường chạy trốn thực tế bằng cách biện minh rằng "chỉ lo việc chuyên môn". Thật ra, cũng khó trách họ, vì nếu họ nói ra những ý kiến thì có thể sẽ bị phạt nặng nề, thậm chí tù đày. Ngay cả yêu nước là một tình cảm thiêng liêng mà cũng phải được tổ chức và ... cho phép. Một xã hội đối xử với giới trí thức như thế thì làm sao bền vững được.
6. Guồng máy quản lí bất tài
Thật ra, sự bất tài của quan chức Nhà nước không còn gì là bí mật. Vì bất tài, nên họ thường "sản xuất" ra những qui định hài hước, và có khi cực kì vô lí và phi khoa học. Chúng ta còn nhớ trước đây, họ cho ra qui định mang danh "ngực nở chân dài" để được lái xe ô-tô, gây ra một trận cười cấp quốc gia. Tưởng như thế đã là hi hữu, ai ngờ họ lạ tái xuất với một qui định "trời ơi": Xe ô-tô 4 bánh phải có bình chữa cháy. Qui định này làm trò cười cho cả thế giới và các hãng sản xuất xe hơi. Tưởng qui định như thế đã là vô lí, họ còn cho ra một qui định "trên trời" như xe trên 10 chỗ ngồi phải có găng tay và khẩu trang lọc độc!
7. Tuy bất tài, nhưng guồng máy đó rất giỏi trong việc hành dân
Sự hành dân của guồng máy quản lí & hành chính của Việt Nam phải nói là vô song trên thế giới. Đối với người dân, có việc đến cổng công đường là một nỗi sợ, một cơn ác mộng. Hầu như không có một việc gì, từ nhỏ đến lớn, mà trôi chảy lần đầu khi đến gặp các quan chức Nhà nước. Tôi về quê và nghe nhiều câu chuyện hành dân mà nói theo tiếng Anh là "incredible" -- không thể tin được. Chỉ cần cái họ viết sai dấu (như "Nguyển" thay vì "Nguyễn") là cũng bị hành và tốn tiền triệu! Những lỗi sai chính tả đó là của họ (quan chức, cán bộ), nhưng họ vẫn hành dân một cách vô tư. Họ tìm mọi cách, mọi lúc để "đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái banh để họ làm tiền. Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ Nhà nước ngày nay.
Năm 2016 này Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community hay AEC). Mục tiêu là hình thành một cộng đồng kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ, đầu tư sẽ tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên. Tôi ghé thăm một đại học lớn ở Thái Lan vào năm 2013, và giới trí thức bên đó đã bàn rất nhiều về viễn cảnh này, họ tư vấn cho chính phủ để chuẩn bị hoà nhập vào AEC. Nhưng ngạc nhiên thay, ở VN rất ít thảo luận về AEC và những tác động của nó đến cuộc sống của người dân! Nhưng với tình trạng suy thoái, đất nước bị "bán", tham nhũng tràn lan, xã hội bất an, trí thức không có tiếng nói, guồng máy quản lí bất tài nhưng giỏi hành dân, thì không nói ra, chúng ta cũng biết là khả năng cạnh tranh của VN không cao trong AEC. Khả năng cạnh tranh không cao rất có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc. (Nguồn: facebook.com/drtuanvnguyen)
*** Trần Hùng: Hai câu chuyện Văn hóa
Đầu năm mới 2016, có hai câu chuyện văn hóa vừa diễn ra, chứa đựng giá trị tinh thần và nhân văn mà người dân được đáp ứng, tận hưởng.
Thứ nhất, Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) cấp phép cho Phương Nam phim được phổ biến ca khúc Ly rượu mừng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991) trên toàn quốc. Ly rượu mừng được sáng tác năm 1952 (có thông tin cho là năm 1955) chính thức được phép phổ biến sau gần 41 năm vắng bóng.
Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã được lòng khán giả, là tác phẩm được trình bày và nghe nhiều nhất trong mỗi dịp Xuân về. Ly rượu mừng có âm điệu rộn ràng, tươi vui, như một thông điệp, một lời chúc Tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do.
Đây là một nhạc phẩm đơn giản thuộc loại dễ hát. Ca từ dễ hiểu, âm điệu dịu dàng, đằm thắm. “Mừng Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”. Chỉ có mỗi chữ Xuân ở ngay câu mở đầu, còn lại toàn là lời chúc và giấc mơ hòa bình, hạnh phúc. Mà thật ra, chúc nhau có lẽ là ước nguyện của tất cả người Việt Nam, không cứ dịp Tết đến: chúc mừng sinh nhật, chúc có nhà mới, chúc có việc làm tốt, chúc thi cử thành công, chúc vụ mùa bội thu…
Nhưng chúc an khang thịnh vượng, gia đình hạnh phúc là lời chúc thân yêu nhất mà mọi gia đình, mọi người đều mong muốn được chia sẻ lẫn nhau trong dịp Tết đến. Ca khúc Ly rượu mừng thuần túy là những lời chúc xuân cho mọi người và đất nước. Toàn bài hát không có các hình ảnh thiên nhiên mùa xuân như hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét, cây nêu; phố phường đông đúc... mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết.
Bài hát Ly rượu mừng là vậy nhưng gần 41 năm sau mới được cấp phép phổ biến. Nhiều người cho rằng, một số ca từ trong bài Ly rượu mừng chưa phù hợp nên đã bị “treo” suốt mấy chục năm qua. Nay bài hát được cấp phép chứng tỏ cách nhìn nhận của nhà quản lý đã đổi mới, tiến bộ hơn, đáp ứng sự hưởng thụ của người nghe nhạc.
Thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi mới tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”. Công trình có vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng trên diện tích gần 2ha tại núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn. Đây cũng là khu văn hóa tâm linh để đồng bào cả nước viếng thăm, tưởng nhớ những người con đất Việt quên mình bảo vệ Hoàng Sa.
Khu tưởng niệm gắn liền với chủ đề “Người mẹ thắp lửa” nhằm tri ân tổ tiên đã phát hiện và xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn. Từ bao đời nay, nhiều nghĩa sĩ đã hi sinh tại Hoàng Sa. Đáng chú ý, vào ngày 19.1.1974, Trung Quốc đã dùng quân đội cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này. 74 người con đất Việt đã chiến đấu và ngã xuống tại vùng biển Hoàng Sa trong trận chiến với quân Trung Quốc xâm lược. Cũng trên mảnh đất mẹ ở Hoàng Sa, nhiều thế hệ ngư dân đã nằm lại nơi đây.
Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” là công trình văn hóa nhưng chứa đựng trong lòng dấu ấn lịch sử. Lịch sử đất nước sẽ không quên những người con đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hai câu chuyện văn hóa trên tuy khác nhau về nội dung, nhưng có một điểm chung - theo tôi - đó là cách nhìn về sự hòa hợp. Trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi đoàn thể… có thể có những tiếng nói khác nhau về quan điểm sống, phương hướng phát triển nhưng đoàn kết, ổn định vẫn là nền tảng để xây dựng những mục tiêu lớn hơn.
Năm 2016 là năm đánh dấu tròn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế - xã hội, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Tổng kết 30 năm đổi mới nhưng công cuộc đổi mới vẫn tiếp tục, trong đó cần chú trọng đổi mới về tư duy quản lý nhằm hướng đến một nước Việt Nam hoà hợp, hạnh phúc, thịnh vượng, phát triển. (Source: Thanh Niên Online)
*** Đại Dương (DanTri Online): Đại sứ Mỹ thả cá chép trên sông Hương tiễn ông Táo về trời
Sáng nay 1/2 (ngày 23 tháng Chạp âm lịch), tại bến thuyền chùa Thiên Mụ, TP Huế, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã thực hiện nghi thức thả cá chép vàng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời.
Nhà ngoại giao Mỹ Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond đã thả chú cá chép vàng xuống sông Hương để tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nghi thức văn hóa truyền thống của người Việt vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Đây là lần thứ hai ông Osius thực hiện nghi thức thả cá nhân ngày ông Công, ông Táo. Năm ngoái, ông và người bạn đời đã thả cá chép trên Hồ Tây tại Hà Nội. "Tôi nghĩ rằng đây là một hoạt động truyền thống quan trọng cho dù được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi đã tham gia vào “Hành Trình Mới” đạp xe từ Hà Nội vào Huế. Tôi nghĩ thật hoàn hảo khi có mặt tại Huế đúng vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch để tiễn ông Công, ông Táo. Huế thực sự là trung tâm văn hoá, lịch sử của Việt Nam, nên có thể thực hiện thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời tại đây ngay trước Tết là điều rất có ý nghĩa", ông Osius nói. Ông Osius vừa hoàn thành chuyến đạp xe dài 840km từ Hà Nội và Huế để đánh dấu hành trình mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Ông xuất phát từ Hà Nội hôm 24/1 và cán đích tại thành phố Huế ngày 30/1.
Chia sẻ ấn tượng về các món ăn xứ Huế, ông nói: "Món ăn Huế rất ngon. Tôi đã ăn những món rất tuyệt vời. Cơm hến rất ngon. Bánh bèo, mít trộn, cà và cá cũng rất ngon. Có rất nhiều món ăn Huế nhưng có lẽ món mà tôi thích nhất là món bánh bèo với tôm chấy bên trên, dùng thêm với nước mắm".. Nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ rằng người Huế rất hiếu khách. "Kể từ khi đặt chân đến Huế và ở mọi nơi tôi đến mọi người đều hiếu khách. Và tôi muốn đề cập đến một người cụ thể, đó là ông Phan Thuận An, một nhà nghiên cứu về Huế nổi tiếng. Chúng tôi đến thăm ông và ông đã giải thích rất nhiều về lịch sử và văn hoá của thành phố xinh đẹp này. Ông ấy có kiến thức rất sâu về văn hoá, lịch sử Huế và cách giải thích thú vị, rất dễ hiểu. Ông An đã giúp tôi hiểu biết nhiều về truyền thống, vẻ đẹp và lịch sử của thành phố này".
Đại sứ Mỹ cho hay ông đã đến Huế nhiều lần và dự kiến sẽ quay lại Huế nhân dịp Festival Huế diễn ra vào cuối tháng 4/2016. Ông tiết lộ, Mỹ sẽ tham gia vào Festival Huế lần này theo hai cách. "Thứ nhất, chúng tôi sẽ đóng góp một hình thức biểu diễn ca nhạc nào đó. Thứ hai là một dự án lâu dài hơn, đó là chúng tôi đang hỗ trợ bảo tồn, tu bổ Triệu Tổ Miếu", ông nói. "Đây là một địa điểm quan trọng ở Huế và mang tính biểu tượng cao vì Triệu Tổ Miếu được vị vua đầu tiên của triều Nguyễn xây dựng vào năm 1804. Nhà Nguyễn đã thống nhất Việt Nam nên đây còn tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của cả Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào đã hợp tác chặt chẽ cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để bảo tồn, tu bổ Triệu Tổ Miếu. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể đóng góp một cách lâu dài cho vẻ đẹp và văn hóa đa dạng của Huế", ông Osius nhấn mạnh.
Nhân dịp năm mới, Đại sứ Mỹ nói ông hy vọng mỗi người Việt Nam, mỗi gia đình Việt Nam có một năm mới an khang và thịnh vượng. "Và tôi chúc nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, thịnh vượng", ông Osius nói.
*** Nhà văn ĐÀO HIẾU : Những cú sút vào lưới nhà
Có lần ông Bùi Tín được một nhóm trí thức Việt kiều mời sang San José nói chuyện về chế độ CSVN và tình hình hiện nay ở Việt Nam. Cuộc nói chuyện ấy đã không xuôi chèo mát mái. Thoạt tiên là việc bất đồng trong Ban tổ chức buổi nói chuyện, vì có những kẻ phản đối cho rằng việc gì phải đi nghe một “tên cán bộ cộng sản” nói chuyện.
Kế đến, khi buổi nói chuyện diễn ra thì có người la ó phản đối, có người xé ảnh Bùi Tín, chà đạp dưới chân rồi lên tiếng chửi rủa. Sau buổi nói chuyện đến phần chất vấn thì ôi thôi, nhiều vị đem chuyện xưa tích cũ ra mà chì chiết, nào là: hồi ấy chính ông giết cha tôi, nào là ông đã từng như thế này… như thế kia…làm cho cụ Bùi nhà ta phải vất vả chống đỡ… Thế rồi sau buổi nói chuyện, ra khỏi hội trường lại có kẻ chạy theo cô Võ Ngọc Trang, biên tập viên của báo mạng Đàn chim Việt mà… nhổ vào mặt. Trong bài này tôi sẽ không bày tỏ chính kiến của mình về ông Bùi Tín. Tôi chỉ muốn phát biểu về “phương pháp đấu tranh cách mạng” cơ bản, mà bất cứ ai muốn tranh đấu và giành thắng lợi đều phải biết.
*
Trước ngày 30/4/1975 chánh quyền của Tổng thống Thiệu đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ngoài mặt trận thì Việt cộng đánh rất mạnh, ở Sài Gòn thì phong trào sinh viên tranh đấu hoạt động ráo riết.
Lúc ấy ông Nguyễn Cao Kỳ và các cộng sự của ông thừa biết Huỳnh Tấn Mẫm và các thành viên trong Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn là đảng viên cộng sản nằm vùng nhưng ông Kỳ vẫn mời Huỳnh Tấn Mẫm đến họp để bàn “quốc sự”.
Tại sao? Vì một lý do rất đơn giản là: tuy hai ông Kỳ và Mẫm một bên là “quốc gia” một bên là “cộng sản” nhưng họ đã biết dẹp bỏ thù riêng để liên minh với nhau vì một mục đích chung: lật đổ Tổng thống Thiệu.
Vậy thì tại sao Bùi Tín lại bị cái nhóm người kia chửi rủa, xé ảnh và chà đạp dưới chân. Rõ ràng họ không có ý niệm gì về “liên minh”, về “tính mục đích” của một phong trào tranh đấu. Họ đã hành động hoàn toàn vì cá nhân và rất “ngây thơ chính trị”. Đừng nói Ông Bùi Tín đã từ bỏ chế độ CSVN và đã phản tỉnh sâu sắc (thông qua các bài viết rất đa dạng của ông), ngay cả khi ông chẳng viết lách gì cả, mà ông đồng ý đến dự một hội thảo như thế thì cũng dáng để cho những người chống cộng kia phải trải thảm đỏ đón ông rồi. Có thể những người đó trong lòng vẫn còn ấm ức vì tư thù, nhưng vì hai bên đều có cùng một “mục đích đấu tranh chính trị” nên họ phải đưa tay ra và nở nụ cười. Đó là điều cơ bản, sơ đẳng nhất của những người làm chính trị.
Gần đây, chị Kim Chi, một diễn viên điện ảnh lão thành cách mạng của Việt Nam đã ngang nhiên từ chối bằng khen của thủ tướng với lý do: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm.” Chị cũng khẳng định: ”Tôi là một người cộng sản chính hiệu”. Chỉ vì cái câu này mà có người phê phán chị là “vẫn còn tự hào mình là một người cộng sản”. Họ không biết rằng khi chị Kim Chi khẳng định mình là người cộng sản tức là chị đang dùng một chiêu tự vệ cần thiết. Cũng cần nói thêm: những kẻ phê phán chị Kim Chi thật giống những “quý ông” ở San José: quá ngây thơ chính trị và chẳng hiểu gì về ý niệm “liên minh” về “tính mục đích” của phong trào.
Đấu tranh chính trị cũng giống như đá bóng: cho dù anh ghét cay ghét đắng cầu thủ X cầu thủ Y nào đó (vì nó lăng nhăng với vợ anh chẳng hạn) nhưng đã đá cùng một đội thì khi anh ta chuyền bóng cho anh, anh cũng phải đón bóng và tấn công đối phương, thậm chí đường chuyền của anh ta có vụng về, sai sót kỹ thuật, thì anh cũng phải cố cứu lấy bóng mà tiếp tục tấn công. Trong tình huống ấy nếu anh bỏ bóng và chê anh ta là một thằng ngu thì chính anh lại là một thằng ngu. Tệ hơn nữa, nếu anh đưa bóng vào lưới nhà thì chỉ còn cách mời anh ra sân và thay cầu thủ khác mà thôi.
Đấu tranh chính trị mà không coi nhau như “đồng chí”, hở một chút là lên án, chụp mũ, chê bai … thì chẳng khác nào đá bóng vào lưới nhà.
(ii) Chuyện cuối Năm ta về Trung quốc
*** Hồng Thủy (GDVN): Trung quốc và chiến lược "có tiền là có bạn"
Cary Huang và Zhen Liu cho rằng, ông Tập Cận Bình đang lặp lại con đường tương tự như các hoàng đế nhà Hán.
South China Morning Post ngày 28/1 đăng bài phân tích của hai tác giả Cary Huang và Zhen Liu nhận định, kế hoạch lớn đằng sau chiến lược ngoại giao đô la của Trung Quốc là nhằm chuyển bớt căng thẳng kinh tế trong nước ra ngoài, tạo thế để cạnh tranh vị trí siêu cường với Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã để lại ấn tượng mạnh về chiến lược "ngoại giao đô la" trong thời gian gần đây, với hàng chục chuyến công du hải ngoại và ký kết các hợp đồng giao dịch hàng tỉ USD, một nỗ lực dùng tiền để "kết giao bạn bè" với thế giới. "Có tiền là có bạn"
Từ khi lên nắm quyền, người ta thấy ông Tập Cận Bình đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới, từ Hoa Kỳ đến Anh, sang Pháp, châu Phi và Trung Đông. Truyền thông chủ yếu chú ý tới những hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc mỉm cười, vẫy tay từ cầu thang máy bay bước xuống, nhưng đằng sau những chuyến đi này là cả một loạt giao dịch quy mô lớn.
Cary Huang và Zhen Liu cho rằng, ông Tập Cận Bình đang lặp lại con đường tương tự như các hoàng đế nhà Hán, triều đại Trung Quốc bắt đầu "mở rộng" lãnh thổ lần đầu tiên sang phía Tây và xuống phía Nam. Ngày nay, ông Tập Cận Bình có kế hoạch của mình để mở rộng ảnh hưởng cho Trung Quốc trở thành siêu cường toàn cầu. Ông đề xuất ý tưởng làm sống lại Con đường Tơ lụa cổ xưa, trải dài từ Tây An, kinh đô cũ của Trung Quốc cổ đại đến tận thành Rome. Đi cùng ý tưởng và tầm nhìn này, ông Tập Cận Bình đã có những cam kết đầu tư khổng lồ dọc theo Con đường Tơ lụa.
Trong khi người Trung Quốc tin rằng, tiền có thể làm ra bè bạn, các nhà quan sát gọi chiến lược này của ông Tập Cận Bình là "ngoại giao đô la". Trung Quốc có tiền để tiêu, và cũng có động lực để tiêu tiền. Bắc Kinh muốn tận dụng tối đa hơn 3 ngàn tỉ USD dự trữ ngoại hối.
Chuyến đi gần đây tới Trung Đông, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung 20 tỉ USD với Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Qatar, đồng thời cam kết viện trợ nhân đạo 230 triệu nhân dân tệ cho khu vực.
2015 là một năm đặc biệt bận rộn đối với ông Tập Cận Bình. Ông đã đi thăm 14 quốc gia, hội đàm với lãnh đạo từ 74 nước, có những nhà lãnh đạo ông đã gặp nhiều lần trong năm. Trong cơn lốc ngoại giao này, Trung Quốc đã cam kết hàng trăm tỉ USD đầu tư trực tiếp, vốn vay và viện trợ.
Ông Tập Cận Bình đã cam kết hơn 200 tỉ USD trong các giao dịch thương mại, đầu tư nhà nước, các khoản cho vay và viện trợ khi đi thăm Pakistan, Nga, Belarus, Mỹ, Anh và Nam Phi trong năm ngoái. Trong đó Pakistan 46 tỉ USD, Nga 25 tỉ USD, Belarus 15,7 tỉ USD, Mỹ 27,1 tỉ USD để mua các sản phẩm của Hoa Kỳ bao gồm 300 chiếc máy bay Boeing. Ở Anh, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ đầu tư 62 tỉ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm một nhà máy điện hạt nhân và hợp tác năng lượng với tập đoàn BP. Tại châu Phi, ông hứa sẽ cung cấp 60 tỉ USD tài trợ phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tạo thế cạnh tranh vị trí siêu cường toàn cầu với Hoa Kỳ
Zhu Zhiqun, một Giáo sư khoa học chính trị Trung Quốc từ Đại học Bucknell nói rằng, kể từ khi nhậm chức ông Tập Cận Bình đã mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng các hợp đồng thương mại và đầu tư với các nước ở mọi ngóc ngách của thế giới. "Chính sách ngoại giao đô la của ông Tập Cận Bình nhất quán với chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1990. Nó tập trung vào việc đảm bảo nguồn lực, mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc", ông Zhu Zhiqun bình luận. Học giả này dự đoán, Bắc Kinh sẽ tăng cường đầu tư ở châu Phi, Trung Á và Mỹ Latinh khi Bắc Kinh tiếp tục chính sách duy trì và phát triển quan hệ với các nước đang phát triển. Một số khoản đầu tư cũng được Trung Quốc sử dụng như phần thưởng cho các nước "bạn bè thân thiết".
Một số nhà phân tích cho biết, hoạt động đầu tư ra bên ngoài ngày càng tăng của Trung Quốc là một nỗ lực để Bắc Kinh xuất khẩu công suất công nghiệp dư thừa của mình, đồng thời nuôi dưỡng cải cách cơ cấu kinh tế trong nước, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Họ tin rằng nhiệm vụ được ông Tập Cận Bình đặt ra là mở rộng thị trường cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các quốc gia này.
Benjamin Herscovitch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Trung Quốc từ Bắc Kinh nhận định: "Sử dụng ngoại giao kinh tế là một phương tiện Trung Quốc sử dụng để giảm bớt căng thẳng kinh tế trong nước.". Matt Ferchen, một học giả Trung tâm Carnegie - Tsinghua cho rằng, nhiều sáng kiến kinh tế quốc tế của ông Tập Cận Bình như AIIB hay Một vành đai, một con đường tập trung vào việc thúc đẩy phát triển. Đặc biệt là lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, những ý tưởng này là một sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược thúc đẩy lợi ích kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc với nỗ lực thay đổi cấu trúc nền kinh tế trong nước.
Nhưng mặt khác, một mục tiêu quan trọng của ông Tập Cận Bình trong chiến lược này là cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong việc thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu. Ví dụ điển hình cho điều này chính là việc ông Tập Cận Bình đã khởi xướng 2 ngân hàng, BRICS và AIIB, đồng thời khởi động Con đường Tơ lụa.
Tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc là một phần trong chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Tập Cận Bình để tạo nên một trạng thái bình thường mới ngang bằng với Washington, thậm chí vượt cả Mỹ(?).
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã trở thành một cường quốc ngoại giao trong thời gian ngắn hay chưa, thì sự hiện diện của Trung Quốc giờ đây đã có thể cảm nhận thấy ở mọi ngóc ngách của thế giới. Ngay cả khi Bắc Kinh thành công, họ cũng phải trả giá khá lớn. Hiện vẫn chưa có câu trả lời về những cái giá Trung Quốc sẽ phải trả để đạt được mục tiêu này.
*** Hoàng Sơn (DanTri Online): Đằng sau tranh luận giữa Thủ tướng Trung Quốc với tỷ phú Mỹ
Mặc dù đích thân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên tiếng phản bác lời cảnh báo của tỷ phú người Mỹ G. Soros, sau khi tỷ phú này nói kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi việc tăng trưởng chậm, thực trạng này hình như đang là một thực tế.
Từng là “đầu tàu” tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhưng sau nhiều thập kỷ tăng trưởng GDP với tốc độ chóng mặt hơn 2 chữ số, kinh tế Trung Quốc đang dần giảm tốc. Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc ước tính tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2015 chỉ ở mức 7%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Nhiều nhà phân tích độc lập thì cho rằng tốc độ thực tế chỉ 6,9%.
Những tín hiệu phát ra đầu năm 2016 cũng đầy báo động, thậm chí xuất hiện cả những thông tin rằng Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất. Thực tế là chưa kịp lắng dịu sau cú sốc sập sàn chứng khoán đầu năm mới, thị trường tài chính Trung Quốc lại rúng động. Lần này là 2 cú sốc trong một ngày: đồng nhân dân tệ giảm giá và thị trường chứng khoán sập sàn lần thứ 2.
Mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này còn nằm trong vòng kiểm soát, nhưng khẳng định điều này trên thực tế không dễ. Hồi năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường từng đưa ra “công thức” như sau: Khi muốn biết kinh tế ra sao, chỉ cần nhìn ba yếu tố là lượng điện tiêu dùng, lượng hàng hóa của xe lửa, và tiền vay của ngân hàng.
Vậy thì ba yếu tố này, hay còn gọi được gọi là “Chỉ số Lý Khắc Cường”, hiện nay ra sao? Trong năm 2015, lượng điện tiêu thụ chỉ tăng 0,7%, trong khi lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường xe lửa giảm 10,5%, tiền vay tổng cộng giảm 467 tỉ nhân dân tệ trong năm 2015. Đó là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang co rút lại. Người ta dự báo là trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc còn thấp hơn cả năm ngoái khoảng 1%.
Nguyên nhân nào khiến nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc mạnh? Có thể thấy đó là do xuất khẩu suy yếu, tình trạng dư thừa công suất của các nhà máy, đầu tư chậm lại, thị trường bất động sản yếu và mức nợ cao. Có những phân tích thì cho rằng nợ nần đang là “tử huyệt” lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, tương tự như ở Nhật Bản cách đây 25 năm.
Khi đó nền kinh tế Nhật Bản phát triển quá nóng liên tục trong khoảng hai thập kỷ, tạo ra khoản nợ quốc gia khổng lồ. Khi khủng hoảng nổ ra, khoản nợ khổng lồ này đã nhấn chìm kinh tế Nhật Bản vào một giai đoạn suy thoái kéo dài mà thế giới vẫn gọi là “hai thập kỷ mất mát”.
Có những tính toán cho rằng Trung Quốc cần hơn 5 nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế, nhưng chưa chắc biện pháp đó đã đem lại kết quả. Bởi tới nay, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp tiền tệ để hỗ trợ kinh tế. Có điều, các biện pháp đó có vẻ kém hiệu quả khi kinh tế Trung Quốc đang bị quá tải, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh đó, để vực dậy kinh tế, Trung Quốc có thể áp dụng một giải pháp là thao túng tỷ giá của đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng nếu để đồng nhân dân tệ giảm giá sâu sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên nỗi lo sợ trong giới đầu tư, thậm chí làm bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ với các nước khác.
Chưa ai có thể dự báo chắc chắn về triển vọng lấy lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Theo tỷ phú người Mỹ G. Soros, Trung Quốc đang từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu là chủ đạo, chuyển sang nội địa làm chủ đạo. Một sự đảo chiều như vậy không hề dễ dàng. Trước mắt, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
(iii) Chuyện đầu Năm ta về Mỹ - Nga -Trung
*** BBC (FB): Trung - Nga - Mỹ, tam giác không cân
Cựu thứ trưởng TQ bà Phó Oánh viết: Quan hệ Nga - Mỹ - Trung trong thế kỷ này như 'tam giác' ba cạnh không đều.
Bà kêu gọi ba nước lớn thông hiểu nhau để cùng phát triển.
Bà Phó Oánh, cựu đại sứ, nay là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc vừa có bài viết trên trang Foreign Policy số đón năm mới 2016 mang tựa đề 'Beijing and Moscow Are Close, but Not Allies' nói về quan hệ Nga - Trung.
Nhưng bài phân tích cũng đề cập nhiều đến quan điểm của chính quyền Trung Quốc về Hoa Kỳ.
Bà Phó Oánh, từng là thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, gọi đây là quan hệ ba bên 'như một tam giác không cân'. Đặc biệt, bài báo không nói gì đến Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước khác.
Nga-Trung: 'Là bạn, không là đồng minh'
Cạnh Nga - Trung ngắn nhất vì hai bên những năm qua đã giải quyết nhiều vấn đề để đi đến thông hiểu nhau rất nhiều. Tuy vậy, như tựa đề bài viết nói rõ: "Bắc Kinh và Moscow gần gũi nhưng không phải đồng minh."
Theo tác giả, dù một phần xã hội Trung Quốc có 'bức xúc lịch sử' như nhà Thanh để mất đất cho Nga hoàng, các thể chế sau này đều tìm cách hợp tác với Liên Xô và Nga. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc cũng rút kinh nghiệm hai lần 'làm đồng minh' với Moscow, một lần thời phong kiến, một lần thời Liên Xô, đều với kết quả không tốt.
Vì thế, lãnh đạo hai bên từ 1992 xác định sẽ 'là bạn' nhưng ngày càng gần gũi, chia sẻ. Khủng hoảng Crimea và Ukraine không làm cho mối bang giao Nga - Trung kém đi. Đặc biệt, dù ban đầu ủng hộ 'toàn vẹn lãnh thổ Ukraine' nhưng Trung Quốc cũng cho rằng 'không có lửa thì làm sao có khói' và nói Cách mạng Màu mà Hoa Kỳ và Phương Tây ủng hộ là lý do khiến Moscow ra tay ở Ukraine.
Từ 2013, hai lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc và Vladimir Putin của Nga g̣ặp nhau nhiều lần, nhiều hơn hẳn các cuộc gặp với lãnh đạo những nước khác, theo bà Phó Oánh. Đây là quan hệ 'tích cực và ổn định' hơn cả dù Trung Quốc thường 'phản ứng và thận trọng' trên trường quốc tế còn Nga thì 'dày dạn kinh nghiệm' hơn, đôi khi có 'quyết định gây ngạc nhiên'. Quan hệ này thậm chí được coi là 'hình mẫu' đi từ chỗ thiếu vắng niềm tin đến chỗ tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Mỹ-Nga: 'Căng thẳng vì nhiều chuyện'
Cạnh 'Mỹ - Nga' trong tam giác là dài nhất, hàm ý Washington và Moscow xa nhau nhất, và thường xuyên căng thẳng vì nhiều hồ sơ, từ châu Âu tới Trung Đông.
Đặc biệt từ khi Hoa Kỳ áp đặt cấm vận với Nga thì quan hệ này căng thẳng.
Mỹ-Trung: 'Vừa đồng thuận vừa bất đồng'
Theo cách phân tích của bà Phó Oánh, quan hệ Mỹ - Trung có đồng thuận tốt trên các vấn đề: kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, sức khoẻ toàn cầu, chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sau các hội đàm Tập Cận Bình - Barack Obama.
Nhưng trong các vấn đề Biển Nam Trung Hoa (nơi mà Việt Nam gọi biển Đông), Đài Loan, nhân quyền, thương mại và một số chủ đề khác, bà Phó Oánh thừa nhận "Bắc Kinh và Washington có thể tiếp tục có bất đồng".
Tuy thế, bà kết luận bằng một thông điệp rằng: "Từ góc nhìn của Trung Quốc, quan hệ ba bên không nên bị coi là cuộc chơi mà hai bên về một phe chống lại bên thứ ba.". Chỉ có như thế các nước mới xây dựng được môi trường quốc tế 'hòa bình, ổn định' như lãnh đạo Trung Quốc đã nêu ra, theo tác giả.
***Latest News (NV Online): Des MOINES, Iowa - Ứng cử viên Tổng Thống Đảng Cộng Hòa, Ted Cruz, tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử đầu tiên của vòng sơ bộ tại tiểu bang Iowa hôm Thứ Hai.
Ted Cruz, Donald Trump và Marco Rubio dẫn đầu bên phía đảng Cộng Hòa.
Bên phía Dân Chủ, Hillary Clinton dẫn đầu nhưng chỉ chênh lệch rất xít xao với Bernie Sanders và kết quả cuối cùng chưa thể xác định. Martin O'Malley, Thống đốc Maryland, thành tích quá yếu đã quyết định rút lui.Theo ước đoán của CNN khi 99% phiếu Cộng Hòa được kiểm: Cruz 28% - Trump 24% - Rubio 23%. Còn phía Dân Chủ tới 85% phiếu được kiểm: Clinton 50% - Sanders 49% - O'Malley 1%.
Bà Clinton đã chuẩn bị tình thế có thể không thắng ở Iowa và New Hampshire, nơi Sanders thu hút được các cử tri giới trẻ với lập trường dân chủ xã hội và chủ trương đổi mới của ông. Chiến thắng của Cruz là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng Thiên Chúa Giáo và giới cử tri bảo thủ. Cruz mới đắc cử Thượng Nghị Sĩ Texas lần đầu tiên 4 năm trước trong làn sóng đang lên của Tea Party. Trump hy vọng vào cuộc bầu cử thứ hai ở New Hampshire, nơi ông được ủng hộ bởi nhiều cử tri chán nản và thất vọng với sinh hoạt chính trị ở thủ đô Washington. (HC)
Thống kê những kỳ bầu cử gần đây cho thấy, người trở thành tổng thống Mỹ thường là một trong hai người dẫn đầu trong cuộc đua nội bộ đảng ở Iowa. Năm 2008, ông Barack Obama dẫn đầu các ứng viên dân chủ được ủng hộ ở Iowa với 38% cử tri ủng hộ. Sau đó, ông đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên. Năm 2000, ông George W. Bush dẫn đầu các ứng viên Cộng hòa ở Iowa với 41% và sau đó trở thành ông chủ Nhà Trắng...
Iowa lần đầu tổ chức cuộc bầu cử kín từ những năm 1970. Các điểm bầu cử đặt tại 1.100 trường học, nhà thờ và các điểm công cộng khác trên toàn bang thuộc miền Trung Tây nước Mỹ. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 diễn ra trong bối cảnh các cử tri Mỹ không hài lòng trước hàng loạt vấn đề như nhập cư, khủng bố, bất bình đẳng trong thu nhập và chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là những vấn đề được các ứng viên Trump, Sanders và Cruz để cập trong chiến dịch tranh cử của họ cho tới nay.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tổ chức 4 năm một lần. Ứng viên tổng thống phải có tuổi từ 35 trở lên, sinh ra trên đất Mỹ và phải sống ở Mỹ tối thiểu 14 năm. Nếu một công dân Mỹ suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc chạy đua vào Nhà Trắng, thành lập ủy ban thăm dò ý kiến công chúng là việc đầu tiên họ phải thực hiện. Nếu kết quả thăm dò ý kiến công chúng cho thấy cơ hội trở thành tổng thống khá lớn, họ sẽ thông báo chính thức về việc tranh cử. Sau đó, họ hoặc người đại diện phải nộp đơn đăng ký lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, cơ quan phụ trách hoạt động bầu cử. Các ứng cử viên thường tuyên bố tranh cử trước ngày bầu cử ít nhất một năm để cử tri có đủ thời gian hiểu rõ về họ. Diễn thuyết, gặp quan chức từ nước ngoài, thăm các địa danh là ba trong số những cách mà ứng cử viên thực hiện để duy trì hình ảnh trong tâm trí công chúng.
Để được đảng tiến cử trong nội bộ và trở thành đại diện của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, ứng viên phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ khác trong nội bộ đảng suốt khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 6 của năm bầu cử.
Bầu cử sơ bộ, quy trình chọn người dự đại hội của đảng Dân chủ và Cộng hòa, khá giống tổng tuyển cử. Cử tri nhận lá phiếu với tên của những ứng cử viên rồi tới điểm bỏ phiếu. Một hình thức chọn lựa khác là "caucus", theo đó cử tri thảo luận về các vấn đề mà họ quan tâm rồi chọn đại biểu.
Vài tháng trước ngày bầu cử, các đảng tổ chức đại hội để chọn người tranh cử tổng thống. Mặc dù vậy, từ kết quả bầu cử sơ bộ và "causus" tại các bang, giới quan sát có thể biết trước người sẽ trở thành ứng viên của đảng. Tới thời điểm nước rút khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào thứ ba sau thứ hai đầu tiên của tháng 11. Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để chọn các "đại cử tri" trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành tổng thống. Đây là quy trình bầu cử tri đoàn. Đại cử tri sẽ tập trung vào ngày 17/12 tại bang để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Sau đó Quốc hội Mỹ sẽ họp vào ngày 3/1 trong năm tiếp theo để kiểm phiếu.
(2) Thơ Xuân từ Bạn bè
(i) Trần Trung Đạo: Mỗi mùa Xuân thêm một lần dối Mẹ
Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê
Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Ðời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn
Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần
Căn nhà cũ chắc năm nay mục nát
Tiền gởi về không đủ mẹ nuôi thân
Con gái lớn theo chồng đi nơi khác
Con trai đầu biền biệt chốn xa xăm
Cây mai nhỏ ba đã trồng năm trước
Mấy xuân rồi có nở nụ nào không
Hay đã chết theo ba từ dạo ấy
Ðể mùa Xuân hoa trắng nở trong lòng
Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc hơn nhiều, má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất ở trần gian
Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai
Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn.
(Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc thành bài hát Mỗi mùa xuân về lại thêm một lần dối mẹ).
(ii) Mạc Phương Đình: Mơ ước mùa Xuân
bên bếp lửa, nồi bánh chưng còn đó
mùa xuân nào như những bóng mây xa
mấy mươi năm đời trôi qua mấy ngỏ
vẫn không nguôi nỗi nhớ một quê nhà
đêm lầm lũi giật mình trong giấc ngủ
tưởng quê hương về đợi dưới hàng cây
sao cứ mãi băn khoăn bao chuyện cũ
chút bình yên giấu kín một phương này
có phải Mẹ hay Cha trên nét khói
chiều tất niên thắp lại nén nhang buồn
dường như có thoảng lời Cha Mẹ hỏi
gần hay xa ngày trở lại quê hương ?
nén đau đớn khóc thầm đời viễn xứ
nợ áo cơm ngưng đọng chút tình xuân
đâu mơ ước đời qua cơn mông dữ
bốn mươi năm đã đủ một xa... gần
(iii) Trần Mộng Tú: Tấm Chăn Quilts
Ly cà phê Starbucks bánh mì paté Pháp
bún Thái
cà ry Ấn
cơm chiên Trung Hoa
Phở Việt Nam
tất cả bầy trên những chiếc bàn tròn
trong thương xá Mỹ
tất cả tạo nên những hình màu khác biệt
tung ra
như một chiếc chăn được may bằng nhiều mảnh
ở đất nước này
người địa phương có biệt tài
may những tấm chăn quilts
tuyệt đẹp
họ chắp từng miếng một
màu sắc khác nhau
họ may thành tấm chăn đa sắc
làm quà tặng nhau
hay mang tới
cho em bé nghèo ở khu “Baby Corner”
cho người già trong “Nhà Già”
Buổi trưa cuối năm
những người bạn ngồi ăn với nhau
họ nói tiếng Việt Nam
những chiếc bàn bên cạnh
với thức ăn mùi, vị khác nhau
họ nói tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Tàu ….
chúng ta ngồi đây
bao nhiêu năm rồi nhỉ
ta như những miếng vải
nhiều màu
được cắt xén
may vào nhau
thành tấm chăn quilts
Buổi trưa cuối năm
những người bạn Việt Nam
gặp nhau
ly cà phê có đắng
bỏ thêm chút đường
uống cạn ngụm thời gian
những miếng vải nhỏ
nhìn nhau
có miếng đã bạc màu
ôi những miếng vải
dù muốn hay không
đừng phụ những đường may
trong tấm chăn tạp chủng
Cuối năm gió lạnh vào thành phố
áo khăn không ấm kẻ quê xa
ta như miếng vải trên chăn mới
vá cạnh bên nhau đắp nỗi nhà.
(tmt - Buổi trưa cuối năm âm lịch, với bạn ở Crossroad Mall-Bellevue -1/30/2016)
.............................................................................................................
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét