Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY Thứ Ba 23/02 /2016.


David Cameron đánh bài liều với Âu châu .
Le Monde trở lại sự việc Bruxelles và Luân Đôn đạt một thỏa thuận để giữ Anh Quốc ở lại trong Liên Hiệp Âu Châu . Sau hai ngày thương lượng căng thẳng, Thủ tướng Anh cuối cùng cũng đạt được một số nhượng bộ từ Âu châu  để có thể thuyết phục người dân Anh trong kỳ trưng cầu dân ý 23/06/2016 tới đây. Câu hỏi đặt ra liệu những thỏa thuận đạt được đó có đủ để cho phe «thuận » thu được thắng lợi hay không ?
<!->
Le Monde cho rằng:  « Chưa có gì là bảo đảm  ! ». Thủ tướng Anh chỉ có vài lập luận sít sao để nói rằng:  đất nước, vào thời điểm toàn cầu hóa kinh tế và các đe dọa chiến lược mới nảy sinh, có lẽ khó mà bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ khi ra khỏi Âu châu hơn là ở lại.
Vấn đề hiện nay ông đang phải đối mặt với một chính đảng chống Âu châu , một chính phủ bị chia rẽ và một giới truyền thông bài Âu châu. Do không thể đạt được đồng thuận về một dự án tương lai, phe « Brexit » đã để cho cảm giác bực dọc phản kháng của công luận chiếm lấy, mà người dẫn đầu là Thị trưởng thành phố Luân Đôn, ông Boris Johnson.
Thủ tướng Anh đang đánh một ván cờ lớn. Nếu phe « chống » thắng cuộc, không chỉ có Âu châu là người gánh hậu quả. Xứ Scotland, vốn dĩ ủng hộ Âu châu , rất có thể quyết định ra khỏi Vương quốc Anh. Thủ tướng Cameron, vì để thỏa mãn một tinh thần dân tộc chủ nghĩa Anh hẹp hòi, đang gánh lấy rủi ro làm tan rã Âu châu,  và ngay cả chính đất nước mình. Nói tóm lại là ông đang chơi ván bài « được ăn cả ngã về không », như tựa đề bài xã luận của Le Monde.


Boris Johnson gây náo loạn chính trường Anh.

media
Boris Johnson cũng đang chơi ván cờ « được ăn cả ngã về không » trên hồ sơ Brexit như hàng tít nhỏ trên Libération. Đây cũng là chủ đề thời sự nóng bỏng được các báo Pháp hôm nay bàn tán sôi nổi. 
« Brexit : Đợt xuất kích mới của Boris Johnson », « Brexit : Boris Johnson, người đàn ông làm David Cameron run rẩy » lần lượt là tựa các bài viết trên Libération và Le Figaro. Đối với các báo, khi gia nhập phe « out » theo như cách gọi của Libération, Thị trưởng Luân Đôn trước tiên muốn nhắm tới chiếc ghế Lãnh đạo đảng Bảo thủ. Và đồng thời vị trí Thủ tướng Chính phủ.
Rõ ràng là:  « Boris Johnson đang thách thức David Cameron trên hồ sơ Brexit » như tựa đề bài viết của Le Monde. Một cú tát đau điếng dành cho Thủ tướng Anh, và phe ủng hộ ở lại trong Liên Hiệp. Bởi vì, cho đến giờ phút này phe « chống » vẫn còn thiếu một tiếng nói có trọng lượng. Cái tài tung hứng của Thị trưởng Luân Đôn rất có thể sẽ mang đến một sự khác biệt.
Nếu như công luận Anh vẫn phân hóa trên hồ sơ này, thì sự việc cũng làm lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh về hồ sơ Âu châu. Tuy nhiên, đàng sau hành động « phản pháo » đó, còn là cả một sự tính toán chính trị. Quyết định này của ông Johnson cho thấy một chiến lược khôn khéo.
Trưng cầu dân ý về việc ở hay ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, có nguy cơ biến thành một dạng bầu cử sơ bộ để dành quyền Lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. Vì cho đến giờ phút  này, ông George Osborne, Bộ trưởng Tài Chính trên nguyên tắc được xem như là người kế nhiệm lý tưởng của David Cameron.
Les Echos nhìn sự việc này dưới góc cạnh kinh tế cho rằng : « Brexit : Người nhấn chìm đồng bảng Anh ! ». Đô trưởng Luân Đôn đã chứng tỏ cho thấy hết tầm ảnh hưởng mà ông có được lên thị trường ngoại hối. Sau khi tuyên bố gia nhập phe « Brexit » - tức ủng hộ Anh quốc ra khỏi khu vực Liên Âu, đồng bảng Anh đã bị rớt giá, xuống đến mức thấp nhất kể từ 7 năm nay so với đô la, và 1% so với đồng euro.
Thủ tướng Anh, David Cameron, đã bảo vệ lập trường của mình trước Nghị Viện, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý 23/06 tới đây. Ông khẳng định chính người dân Anh sẽ « đưa ra quyết định chính trị quan trọng nhất trong đời họ !». ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét