Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Chỉ một chữ Nhẫn - Sương Lam

 
 Trong ngày hội Xuân năm 2016 do ban chấp hành Cộng Đồng Việt Nam Oregon tổ chức tại Portland, người viết có phúc duyên hội ngộ với ông đồ trẻ Đặng Hoà và được tặng bức tranh thư pháp chữ Nhẫn rất đẹp.<!->
 Về nhà, người viết treo bức tranh này ngay phía trên máy computer trong phòmg làm việc của người viết. Có thể nói phòng này là “tàng kinh các” của tôi vì ngoài những giây phút làm bà nội trợ ở nhà bếp, và “mơ nhiều mộng đẹp” ở phòng ngủ, tôi thường an toạ ở phòng này để luớt trên mạng ảo và gõ bài cho mục Một Cõi Thiền Nhàn của tôi. Với tôi, bức tranh thư pháp chữ Nhẫn này rất đáng quý vì đã nhắc nhở tôi phải biết  Kiên Nhẫn và Nhẫn Nhịn trong mọi suy nghĩ, hành động và lời nói trong các sinh hoạt hằng ngày để cho thân an trí lạc đôi chút.  Smile! 
Cám ơn  ông đồ trẻ Đặng Hoà.
Mời xem những bức tranh thư pháp tuyệt đẹp của Nhà thư pháp Đặng Hoà trong website dưới đây:
Website:  



https://lh6.googleusercontent.com/-h2_U-qVabjo/Vs5aCLl3nhI/AAAAAAAA9pI/rRZbbEDx2fY/w751-h564-no/DSCN3460.JPG
 
 Người viết đi tìm thêm tài liệu về chữ Nhẫn để chia sẻ với bạn bè thân hữu để chúng ta cùng hưởng những lợi lạc khi thực hành đức tính cao đẹp này.
 Trước nhất theo Hán tự, chữ Nhẫn được viết với Chữ ĐAO (con dao) ở trên và chữ TÂM (con tim) ở dưới. Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…
Trong tài liệu Ý Nghĩa Của Chữ Nhẫn tìm được trong website chuatutam.net chữ Nhẫn được  giải thích như sau:
Chữ nhẫn có nghĩa là chịu đựng. Danh từ "chịu đựng" là một danh từ rất hay.
            Chữ nhẫn viết theo tiếng Hán có chữ Tâm nằm dưới và trên chữ tâm có chữ Nhận. Chữ Nhận có nghĩa là mũi nhọn, giống như có một cây dao hay cái dùi có mũi nhọn đang làm chúng ta đau nhức. Tâm chúng ta phải làm thế nào để có thể ôm được, chấp nhận được sự nhức nhối đó. Đó là nghĩa của chữ nhẫn theo cảm nghĩ của người Trung Quốc.
            Trong khi đó tiếng Việt là Chịu Đựng. Chịu tức là chấp nhận. “Chịu không, anh chịu không?" "Tôi chịu." Cho dù có khó khăn, vất vả, cho dù có lao nhọc, dai dẳng, tôi vẫn gánh chịu được. Chữ chịu nầy là có nghĩa là sự chấp nhận. Chúng ta biết rằng chấp nhận là một sự thực tập rất lớn. Khi chưa chấp nhận được chúng ta mới đau khổ nhiều. Giờ phút mà ta chấp nhận được thì ta đã có sự an bình trong lòng rồi.
            Khi có một sự kiện bất như ý xảy ra trong đời sống, chúng ta thấy rằng chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta nghĩ: “làm sao sống được với tình trạng này, với cái gì đang xảy ra? Tại sao ta như thế này mà lại phải gặp một hoàn cảnh như thế kia? Tại sao ta như thế mà người ta lại đối xử với ta như thế? Ta phản kháng, ta chống đối, ta không chấp nhận.” Nhưng sự thật là như vậy. Cuối cùng ta cũng phải học chấp nhận. Đó là nghĩa chữ Chịu của tiếng Việt.
Chữ thứ hai là đựng. "Đựng" có nghĩa là chứa đựng. Chúng ta có những cái chén có thể đựng nước. Chén nhỏ thì đựng được ít nước. Chén lớn thì đựng được nhiều nước. Nếu niềm đau nỗi khổ của ta lớn thì ta phải có một cái tâm khá lớn thì mới đựng được nó. Nếu không nó sẽ tràn ngập và làm ta khổ vô cùng. Tâm càng lớn thì nỗi khổ đau càng nhỏ, khi mà tâm đạt tới cái mức rất lớn thì cái đau khổ đó tuy có mặt nhưng không đủ sức làm cho ta đau khổ.
            Phật có dùng một ví dụ rất hay. Phật nói nếu trong một bát nước mà người ta thả vào một nắm muối thì nước ở trong bát đó uống không được. Nhưng nếu có một người đứng trên thuyền mà đổ một bát muối xuống dưới sông thì người ta vẫn có thể uống nước sông được như thường. Người ta uống nước sông được, không phải tại vì trong ấy không có muối, nhưng tại vì lòng sông quá lớn. Cho nên so với sông thì chút muối ấy không có nghĩa lý gì cả. Cũng vậy, khi ta có một nỗi khổ niềm đau, mà ta có một cái tâm quảng đại, thì nỗi khổ niềm đau đó không đủ sức làm cho ta đau khổ. Nó có đó chứ không phải là không có, nhưng vì ta có một sức chịu đựng rất lớn cho nên nỗi khổ niềm đau đó không có tác dụng gì trên cái tâm của chúng ta. Đó là nghĩa của chữ Đựng.


Nhẫn như là một triết lý sống
Trong cuốn “Luận về chữ nhẫn” của Mạnh Chiêu Quân có viết:
“Bạn chớ nên cáu gắt, cáu gắt sẽ làm tổn thương hòa khí;
Bạn chớ nên tức giận, tức giận sẽ làm hủy hoại nguyên khí;
Bạn chớ nên đùa giỡn, đùa giỡn sẽ làm hỏng tài khí;
Bạn phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn sẽ được thần khí”…
            Cũng như câu tục ngữ của Việt Nam ta: “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng, ai mà nhẫn được, thì càng sống lâu”. Tự tìm được cho mình một chữ nhẫn thích hợp sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn, và nếu biết sử dụng chữ nhẫn sao cho đúng cách, sẽ mang lại cho con người một sức mạnh vô cùng
 
Cái nhẫn cưới và chữ “Nhẫn”
           
Từ xa xưa, tổ tiên ta muốn các thế hệ con cháu luôn luôn nhớ và thực hiện đức tính “nhẫn” đã nghĩ ra cách, dùng kim loại chế tác một cái vòng xỏ vào ngón tay để luôn nhắc nhở ta, rèn luyện lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ sao cho tốt đẹp, gọi đó là cái “nhẫn”. Thuở ban đầu, đời sống kinh tế còn thấp, nên nhẫn được làm bằng đồng thau, rồi tiến đến bằng bạc, và thế kỷ XX làm bằng vàng, hoặc nhẫn khảm đá quý.
 
Có điều đáng nói là, không ít người chỉ coi chiếc nhẫn là đồ trang sức, nhằm tô thêm vẻ đẹp, sự sang trọng cho con người, mà quên hẳn, thậm trí không biết đó là một thực thể, để nhắc ta luôn luôn nhớ đến việc thực thi đức “nhẫn” trong đời sống hàng ngày.
 
Khi người ta cưới nhau, người ta thường trao nhau chiếc Nhẫn. Cái nhẫn ở đây có ý nghĩa tinh thần sâu sắc lắm. Cái nhẫn cưới tượng trưng cho chữ “Nhẫn” trong nhẫn nại, kiên nhẫn, nhẫn nhịn. Việc trao nhẫn trong ngày cưới như để nhắc nhở hai con người từ nay trở đi khi thành vợ, thành chồng phải biết “Nhẫn” để gìn giữ hạnh phúc gia đình, để biết yêu thương nhau, để biết kìm chế những lúc xung đột, căng thẳng. Hôn nhân và tình yêu khác xa nhau, do vậy khi hai người yêu nhau, quyết định đến với nhau là lúc họ sẽ trao nhẫn cho nhau. Chiếc nhẫn mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất. Do vậy, chiếc nhẫn không nhất thiết phải là nhẫn kim cương, nhẫn vàng, nhẫn bạc hay thứ gì đó quý giá quá, nhưng nếu không có tiền thì nhẫn cỏ cũng được, miễn là ghi nhớ trong lòng ý nghĩa của chiếc nhẫn. Yêu nhau là ở tấm lòng, không phải vì giàu sang, phú quý.

Chữ “Nhẫn” trong hôn nhân gia đình

Rất nhiều những đôi, khi yêu nhau thì quyết có nhau nhưng chỉ một thời gian ngắn chung sống đã “tan đàn xẻ nghé”. Phần nhiều là vì thiếu chữ “Nhẫn” trong ứng xử gia đình. Chữ “Nhẫn” trong hôn nhân gia đình được hiểu theo nhiều nghĩa và ít nhiều đều mang ý nghĩa tiêu cực. Vì vậy, trước hết phải khẳng định rõ rằng: Nhẫn không phải là nhục, không phải là cam chịu, luồn cúi hay hạ thấp mình. Nhẫn là “vì nhau” mà sống mà hành động.
Có tình yêu thì mới cưới nhau. Nhưng hôn nhân không chỉ đơn giản là màu hồng, giữ gìn hạnh phúc hôn nhân cần thật nhiều hy sinh và tha thứ nữa bởi đâu có ai hoàn hảo. Bỏ qua những giận hờn vụn vặt, nhỏ nhặt chính là để bảo vệ cái hạnh phúc của mình thì chắc chắn là việc đáng phải làm.
Nhẫn không chỉ là chịu đựng mà là tha thứ. Nhờ có Từ, Bi, Hỷ, Xả mà ta có được Nhẫn một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Bởi thế, Nhẫn còn là thuốc đối trị sân hận, làm chủ được bản thân. Nhờ kiên nhẫn, độ lượng mà bớt được cái tính nóng nảy chỉ làm hỏng việc, mất hòa khí với người xung quanh và đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.
            
Thiết nghĩ, hôn nhân có nền tảng từ tình yêu, lại có thêm chữ “Nhẫn” thì không có khó khăn hay trở ngại nào là không thể vượt qua.
( Nguồn: trích trong chuatutam.net)
 Thật tình, thực hành được đức tính Kiên Nhẫn và Nhẫn Nhục trong đời sống không phải là một chuyện dễ dàng như nhà sư trong câu chuyện dưới đây:

Câu chuyện về chữ Nhẫn
Có một nhà sư chọn tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật, sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì sư cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh, trụ vững như kim cương khi bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khách ganh ghét, lăng nhục, mưu hại sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không.
Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đạo và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.
…Một hôm có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi:
_Thưa Thầy, đây là chữ gì ạ?
Sư trả lời đầy vẻ tự hào:
– Chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh đứng trước tấm bảng gỗ gãi đầu gãi tai:
Thưa Thầy chữ gì đây ạ?
Nhà sư tươi cười trả lời:
– Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ Nhẫn đó mà.
Một chút sau, anh lại ngắm nghía tấm bảng và hỏi:
_Thưa Thầy, thầy viết chữ gì đây ạ ?
– Chữ NHẪN!
Trước khi ra về anh lại tần ngần trước tấm bảng:
_Thưa Thầy, chữ gì đây ạ?
Nhà sư không chịu nổi nữa, nộ khí xung thiên:
– Chữ nhẫn! nhẫn! nhẫn! Đồ ngu, ngu gia truyền! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!
(Nguồn: Email bạn gửi. Cám ơn anh TH)
 Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nên nhớ như đã trình bày ở trên  chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ: Đao ở trên và Tâm ở dưới. Tâm (tức là trái tim) mà không chịu nằm yên thì Đao (tức con dao) sẽ phập xuống tức thì. Vậy đấy, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên.
 Xin mượn những lời hay ý đẹp về chữ Nhẫn dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.


 *Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao.
 
*Hữu Tâm tất thành tựu
Vô Nhẫn bất thành nhân
 
*Chữ Nhẫn là chữ tượng vàng
Ai mà nhẫn được đời càng hiển vinh.
 
*Lắng lòng nhẫn một chút thôi
Sẽ nghe trời đất mở lời yêu thương.
 
Bây giờ vẫn  còn là Tháng Giêng âm lịch, như vậy vẫn còn là Tết vì văn hoá Việt Nam vẫn cho là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà lị.  Smile!

 Xin hãy trao nhau lời chúc an vui hạnh phúc cho cuộc đời vẫn còn đẹp sao nhé. Smile!

 Youtube Chúc Sức Khỏe An Vui Hạnh Phúc

Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc nhé.  Smile!
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 311-ORTB 719-22416)


Sương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét