Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Thư gởi bạn vong niên - Nguyễn Thức Đượng


Xứ Mỹ ngày … tháng … năm …
 
Ông Bạn Vong Niên,
 
Xếp Lớn tui vừa giúp tui nghiệm được một điều rất chí lí, đại đại vô cùng chí lí, và cực kỳ quan trọng.  Để tui kể ông nghe chớ không thôi mai mốt tui quên mất tiêu thì cái điều tui nghiệm ra sẽ trở thành mai một. Tui không nhớ, mà ông cũng chẳng biết.<!->
 
Ông biết sao không?  Bữa hổm ông bạn nhà báo của tui gọi điện thọai lòng vòng ân cần xúi bạn bè viết bài cho báo Tết, nghe mà mắc cười.  Tui nghe nói là thường thường, làm báo xuân phát hành ngày Tết thì phải chuẩn bị bài vở trước ít nhứt cả tháng, đặng còn có thì giờ đánh máy, trình bày, in ấn, v.v.  Như vậy bài vở viết về mùa xuân thường thường là được viết trong mùa đông.  Tui nghĩ tới những người đang hè nhau nghe lời xúi dại của ổng mà cong cái lưng, nặn cái đầu, bóp cái óc đặng sáng tác ca ngợi mùa xuân. Ôi, thời tiết ở những nơi như tui ở nó lạnh tàn canh gió lộng trong các tháng giêng lịch tây;  lạnh thở ra khói, lạnh không dám bẻ đốt ngón tay sợ nó đông đá gãy luôn, vậy mà có những người co ro trong nhà, mặt mày xám ngoét, nhăn nhăn nhó nhó ráng thả óc tưởng tượng đặng làm thơ viết văn ca ngợi cái nắng ấm của mùa xuân đang về. "Xuân đã về ~~~~ Xuân đã về ~~~~ Kìa hoa lá đón mừng nắng ấm ~~~~…"
Thiệt tình là xạo hết chỗ chê ! Đía hết chỗ nói ! Tui đợi coi cái tờ báo Tết của ông  bạn tui để xem thử  thiên hạ đía tới cỡ nào.
 
Riêng tui, để tui kể ông nghe. Từ tháng nay, tui cố thủ trong nhà. Tui có thăm ai thì cũng đi thăm qua dường dây điện thoại chớ biểu bước ra đường thì cái thân xác đang bị bịnh phong thấp của tui nó rất lừng khừng. Tui lẩn quẩn trong nhà, đi tới đi lui, đầu óc lịch kịch những chuyện trên trời dưới đất. Tui nghĩ nhiều chuyện lắm. Mà có một chuyện cứ quanh quẩn luần quần trong đầu tui từ tháng Chạp đến giờ là chuyện Ông Táo.   Mỗi lần lò dò vô bếp nấu bình nước pha trà, hoặc hâm chai sữa cho thằng cháu, là mỗi lần đầu tui nảy lên câu hỏi: "Mình là người Việt Nam, mà mình đang ở Mỹ. Vậy thì ông Táo trong cái nhà mình đang ở là ông Táo Việt Nam hay là ông Táo Mỹ?"
 
Tui ngắm ánh lửa xanh xanh từ cái bếp gas toả lên, tui nghĩ ngợi.  Người Việt mình mỗi năm đến ngày 23 tháng Chạp thì cúng đưa ông Táo về trời.  Đường từ trần thế về trời xa ngút ngàn diệu vợi, cá chép vượt vũ môn hoá rồng bay 7 ngày mới tới để ông Táo kịp trình diện Ngọc Hoàng Thượng Đế.  Bây giờ ở Mỹ, mà lại ở Mỹ trong thời đại văn minh, có hoả tiễn, có phi thuyền bay ào ào, phụt một cái là mất tiêu vào mây xanh. Mình đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp vậy có sớm quá không? Ổng về tới trời sớm rồi ổng ở đâu? Làm gì cho hết ngày giờ?
 
Tui còn nghĩ thêm nữa.  Tui phân vân không biết ông Táo trong các nhà Việt Nam ở Mỹ có chân dung hình dạng như thế nào?  Hình ảnh ông Táo Việt Nam tui thường thấy qua các tranh vẽ đi kèm với bài Sớ Táo Quân trong mấy tờ báo xuân thường thường là hình ảnh một ông ốm nhách, râu ria lởm chởm, mặc cái áo thụng ngắn cũn cỡn, "đội mão đi hia chẳng mặc quần".  Có ông còn đưa cặp giò khẳng khiu lưa thưa vài sợi lông cẳng ra nữa .  Chân dung ông Táo Việt Nam tuy có tiếu lâm như vậy, nhưng cái dáng luộm thuộm của ông Táo trong hình vẽ, với cái áo rộng thùng thình mà ngắn cũn, với cái mũ cánh chuồn và với cặp hia tổ chảng dẫu sao cũng có vẻ là người Á Đông, người Việt Nam da vàng, nên tui thấy gần gũi thân thương. Tui thấy ông Táo hay ông thần bếp của mình là một ông thần rất hiền lành, rất bao dung độ lượng, rất tràn đầy tình thương. Còn bây giờ người Việt mình đang ở Mỹ, chẳng lẽ ông Táo của các gia đình Việt Nam ở đây lại là một ông mặc quần jean, áo da, đi giày bốt, đeo súng lủng lẳng và đội mũ cao bồi rộng vành? Chẳng lẽ ông thần bếp của người mình lại là một ông Mỹ râu ria lởm chởm lúc nào cũng sẵn sàng móc súng bắn đùng đùng?  Mỹ lại là cái xứ đa chủng, nhiều giống dân. Nhà nào không biết coi tới coi lui, thờ trúng một ông Táo Mỹ đen suốt ngày cứ "Hey man ! What's up bro ?" hoặc một ông Táo Mexican mặc quần xệ mông đi khuỳnh khuỳnh "Hey, Qué pasa ? Como ésta ? Taco Enchilada " thì ô hô !
 
Tui cứ suy nghĩ miên man. Tui suy nghĩ liên miên để "nhận diện" ông Táo của các gia đình Việt Nam ở Mỹ.
 
Việc đầu tiên tui đã làm để nghiên cứu là gọi điện thoại đến người quản thủ thư viện coi họ có tài liệu gì về ông Táo hay không . Tui bấm số điện thoại, hỏi:
 
-- Hello ! Do you have any books about the Kitchen God ?
 
Trả lời:
 
-- What God?
 
Tui cố gắng giải thích:
 
-- The Kitchen God. Mr. Táo, you know ? The God in the kitchen?
 
Giọng người quản thủ thư viện ngạc nhiên:
 
-- Is there a God in the kitchen?
 
Tui thấy coi bộ hổng xong. Mà giải thích nữa thì không đủ chữ nên tui thank you đại một tiếng rồi tui gác điện thoại .  Cái chuyện tìm tài liệu này không xong. Tui bấm số điện thoại hỏi đứa cháu gái, con của thằng con lớn. Con nhỏ này đẻ ở Mỹ, đi học từ nhỏ tới lớn ở đây, tui chắc nó biết.
 
-- Con có biết ông Kitchen God không? Trong mấy cái chuyện con đọc hay trong mấy cuốn tập con học ở trường đó, con có thấy nói về ông Kitchen God không vậy con?
 
Con cháu tui tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt. Nghe hỏi tiếng Việt nó ráng trả lời:
 
-- Dạ khon bít. Mà ong Kitchen God là ong zì?
 
Tui giải thích để may ra nó hiểu, nói cho tui biết điều tui đang tìm kiếm:
 
-- Ông Kitchen God tức là ông Táo.  Là ông thần bếp.  Người Việt Nam mình thờ ông thần bếp, gọi ổng là ông Táo.  Con có nghe thầy cô của con nói tới ông thần bếp không?
 
Con cháu tui lúng túng:
 
-- Cái ong đó là ong zì ? Ông thằng nào?  Tại sao nó ở trong kitchen ? Con đau có bít ong apple nào ở trong kitchen đâu?
 
Tui hỏi người quản thủ thư viện thì tiếng Anh tui yếu quá, không hỏi được rõ ràng. Còn hỏi con cháu thì tiếng Việt nó quá siêu, nó nói ông Táo thành "ong Apple". Tui đành thôi, không hỏi nữa.
 
Tui gác điện thoại.  Lò dò hỏi Xếp Lớn của tui:
 
-- Bà nè, tui thấy bà cúng đưa ông Táo về trời. Vậy bà có biết ông Táo là ai không?
 
Xếp Lớn nghe tui hỏi cắc cớ. Bả giương cặp mắt cách đây rất rất nhiều nhiều năm đã là mắt của con nai dzàng ngơ ngác dẫm trên lá vàng khô; nheo nheo nhìn tui, đo lường mức độ thiệt hay dỡn của tui.  Bả nghĩ ngợi chút xíu trước khi điềm đạm trả lời:
 
-- Ông Táo là ông thần trong bếp. Mỗi năm ổng về trời để báo cáo sự tình trong nhà mình. Mình cúng ổng là xin ổng. Chẳng hạn như nhà mình có chuyện gì tốt thì ổng nói thêm chút đỉnh, chuyện gì không tốt thì xin ổng giúp đỡ …
 
Vừa nghe bả nói tới đây thì đầu tui hiện lên ý nghĩ:  Í da! Xếp tui ngó bộ ham cái trò hối lộ dữ à nghen ! Bả hối lộ cả ông Táo.  Nhưng ý nghĩ mới vừa thoáng qua thì lòng tui nhũn lại, cảm động khi nghe bả nói tiếp:
 
-- … Chẳng hạn mình xin với ổng là mấy cái chuyện của tui thì ổng cứ việc nói thêm; còn mấy cái chuyện của ông thì xin ổng giấu bớt, đừng nói cho Trời biết …
 
Tui đứng im re, cảm động dâng tràn. Cũng như hết thẩy mọi người đàn ông Việt Nam khác trên cái cõi đất Mỹ này, tui đã rất thuộc lòng lời xưng tội "lỗi tại tôi ~~~ lỗi tại tôi ~~~~ Mọi đàng lỗi tại tôi ~~~" để tâm hồn và thể xác được bình an ở mọi căn phòng trong nhà. Có lỗi hay không và lỗi gì không cần biết, tui thấy Xếp tui có lòng che chở cho tui như vậy là tui cảm động.  Biết là bả chưa hiểu ý tui muốn hỏi về ông Táo Việt hay ông Táo Mỹ, tui lái trở lại ý nghĩ của mình. Tui hỏi tiếp:
 
-- Vậy chớ khi bà cúng ông Táo, bà cầu xin với ổng, bà nói tiếng Việt hay nói tiếng Mỹ ?
 
Kỳ này coi bộ Xếp tui suy nghĩ hơi lâu. Một lát, cặp mắt nheo nheo của Xếp trợn lên, như mắt mèo con biến thành mắt cọp rằn. Giọng bả xì nẹc:
 
-- Ông mắc cái chứng gì vậy? Ông ỷ ông biết nói tiếng Tây tiếng Mỹ ông "xóc" tui đó hả ?
 
Tui vội vã phân bua:
 
-- Tui hỏi thiệt mà. Bà hay la tui cái chuyện làm không hỏi ý kiến bà, bà biểu tui hay tự ý tự thị làm không xin phép bà trước. Bây giờ tui hỏi ý kiến thì bà biểu tui "xóc". Tui hỏi bà thiệt đó !
 
Xếp Lớn nguội lại, dịu dàng:
 
-- Ông Táo là ông thần. Ai nói tiếng gì ổng cũng hiểu hết. Ông có nói tiếng Tàu tiếng Nhựt tiếng Tây tiếng Đại Hàn ổng cũng nghe được.
 
Xong bả lườm tui, lắc đầu:
 
-- Thôi, ra bồng cháu, nói chuyện với nó chút đi để tui pha sữa cho nó bú .
 
Tui bước ra chỗ thằng cháu nội đang nằm, nghĩ bụng Xếp Lớn trật lấc, đã không hiểu ý tui, lại còn chơi tui, biểu tui đi nói chuyện với thằng con nít mới có 5 tháng. Con nít 5 tháng thì chỉ có è è, ơ ơ, a a với há cái miệng ra mà gào lúc đói bụng hay lúc đái ướt nhèm cái tã thôi chớ biết nói chuyện cái gì. Nó nói cái gì thì chỉ có … ông Táo hiểu !
 
Xếp Lớn pha sữa xong, bước ra bồng thằng cháu.  Bả đưa mắt âu yếm nhìn thằng nhỏ, đầu bả gật gật, cái hàm dưới bả nhe nhe ra, miệng lải nhải:
 
-- Ừ, coi cái mặt kìa, coi cái mặt dễ ghét kìa. Ổng bỏ con nằm vậy đó hả con? Ông nội hư quá há con?  Ổng hổng có thương con hén con?  Để bà … quánh ông nội nghen con? Ừ, ừ! Để đó bà bồng, bà cho bú sữa hén?
 
Thằng cháu 5 tháng của tui làm như hiểu thiệt. Không biết nó có khoái cái vụ "Để bà quánh ông nội nghen con?" hay không mà thấy nó nhe hai hàm nướu đỏ hỏn chưa có cái răng nào ra cười, miệng è è, è è, tay quơ quơ, hai chân lắc lắc dẫy dẫy . Với cái lý luận của Xếp tui và với lối nói chuyện của bả với thằng cháu thì trong nhà này chỉ có ba người hiểu nhau là ông Táo, bả, và thằng cháu .
 
Tui vòng vòng vô bếp đứng, đầu miên man, nhớ về những cái bếp trong những căn nhà mình đã cư ngụ hồi còn ở Việt Nam. Theo tuổi đời, tui đã thấy nhiều cái bếp. Thuở còn nấu nướng bằng củi, nhà tui có cái bếp kê bằng ba viên gạch; sau đó tiến bộ lên chút xíu, bếp có cái kiềng sắt 3 chân thế cho mấy viên gạch; rồi tiến bộ thêm chút nữa, nấu ăn bằng than, gia đình tui sắm mấy cái lò đúc bằng đất sét có ba cái đế ở trên để đặt nồi và có cái miệng ở dưới để lấy tro ra.  Cái bếp Việt Nam mà tui đã in hằn trong đầu là những cái bếp thường thường ở gần phía sau nhà, nơi có tro, có bụi, có máng nhện, có nồi niêu soong chảo lỉnh kỉnh.  Cái bếp ở Việt Nam tối hù hù nhưng ấm cúng quá cỡ, thân thiện quá cỡ, hợp với hình ảnh ông Táo lè phè "đội mão đi hia chẳng mặc quần" quá xá chừng. Bây giờ, đứng nhìn cái bếp chẳng có tí tro tí bụi gìcả, mà lại nào là nút nọ nút kia, tui nghĩ phải có một ông Táo đóng bộ veston thời trang, đeo cà vạt, áo sơ mi trắng, nghiêm trang chĩnh choẹ gác cẳng ngồi chình ình ở trỏng thì mới hợp cảnh hợp tình.
 
Thế rồi cái đầu óc ưa kiếm chuyện đặng suy nghĩ của tui còn đi thêm một đường tính toán. Bếp Việt Nam ở nhà quê làm bằng ba cục gạch kê lại; hay làm bằng mấy cái kiềng sắt 3 chân; bếp ở tỉnh thành nấu bằng than, bằng dầu hỏa, hay bằng gas cũng có cái kiềng đế 3 chân, rất phù hợp với cái chuyện Táo hai ông một bà của người mình. Cái bếp Mỹ, hiệu Kenmore, General Electric … nấu bằng gas hay điện đều giống nhau, đế có tới 4 hoặc 5 chân lận.  Chuyện cổ Việt Nam kể sự tích thần bếp là:
 
"Ngày xưa có hai vợ chồng nhà rất nghèo, chồng phải bỏ đi kiếm việc làm nơi xa mãi mãi không thấy về.  Bao năm trôi qua.  Sau đó, người vợ lấy được người chồng khác giàu có, dọn đi nơi khác.  Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn. Vợ nhận ra, động lòng thương cảm đem cơm gạo tiền bạc ra cho.  Vợ chồng ôm nhau mừng mừng tủi tủi.  Bất thần người chồng sau đi làm về. Vợ hoảng hốt, sợ chồng sau ghen, bảo chồng trước chui vào đống rơm núp.  Người chồng sau đốt rơm lấy tro bón ruộng.  Chồng trước hy sinh ở luôn trong đám rơm chịu chết cháy.  Người vợ cảm kích nhảy vào lửa chết theo.  Người chồng sau biết chuyện, thương vợ, cũng nhảy vào chịu chết cháy.  Ngọc Hoàng Thượng Đế nghe chuyện thương ba người cùng có nghĩa, phong cho cả ba làm thần bếp."
 
Tui nghĩ đến chuyện cổ tích Việt Nam, nghĩ đến nghĩa tình được đề cao trong mẫu chuyện lâm li bi đát đó, rồi tui nhìn mấy cái kiềng bếp gas có 5 chân trước mặt mình tui thắc mắc. Giả tỉ mai mốt thằng cháu tui lớn lên, biết hỏi chuyện sự tích ông thần bếp Mỹ, tui biết đặt điều làm sao để kể nó nghe? Kiềng bếp Việt Nam có 3 chân phù hợp với chuyện hai ông một bà.  Kiềng bếp Mỹ có tới 4, 5 chân, đặt chuyện coi bộ khó. Người Mỹ họ ít thích cái trò tự thiêu, họ chỉ ưa lôi nhau ra toà. Chẳng lẽ tui nói với thằng cháu mấy cái chân dư ra đó là mấy người luật sư do ông chồng cũ và ông chồng mới hè nhau mướn để kiện nhau xem thử ông nào được độc quyền làm chồng vợ mình?  Hơn nữa, lại còn có những nhà có cái bếp hiện đại, phẳng lì, đen thui bóng loáng, nhìn vô chẳng thấy cái kiềng nào hết.  Như vậy mấy ổng mấy bả đi đâu?
 
Hè ! Ông coi như vậy đó ! Tui lẩn quẩn trong nhà nguyên cái tháng Chạp suy nghĩ hoài về chuyện ông Táo.  Xếp Lớn tui sau lúc dỗ thằng cháu ngủ, thấy tui cứ loanh quanh trong bếp hơi nhiều nên hỏi vọng vào:
 
-- Ông làm cái chi chi mà cứ đi tới đi lui trong bếp hoài vậy? Muốn ăn món gì nói tui nấu cho chớ tui thấy ông cứ lò dò, lò dò tui mệt quá !
 
Câu nói của bả, đúng hơn, một chữ trong câu nói của Xếp Lớn tui, chữ "nấu" , đã như tiếng sét nổ cái đùng trong đầu tui, nó như là tia chớp loé lên cho tui thấy được giải đáp cho cái thắc mắc của mình. Tui mở toang hai cánh cửa tủ bên cạnh bếp, đứng ngắm nghía.  Trong tủ ôi thôi đủ loại chai bình hũ lọ …  Chai nước mắm cao dềnh dàng, chai mắm nêm ốm nhách đục dục, hũ mắm ruốc tím tím, chai nước màu đen thùi lùi, cộng với bao nhiêu là hũ đựng hành khô, tỏi sấy, gia vị nấu bún bò, nấu mì, bột bánh xèo, bánh bao, bánh căn … Toàn là những gia vị đặc biệt của người Việt Nam để nấu món ăn Việt Nam. Tui nhận diện được ông Táo trong bếp nhà tui là một ông Táo Việt Nam trăm phần trăm qua những món đồ gia vị này.
 
Ông coi tui nghiệm đúng không hỉ?
 
Ở Việt Nam, ở Mỹ, hay ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới hễ có người Việt mình sinh sống là ở nơi đó đều có những ông Táo Việt Nam "đội mão đi hia chẳng mặc quần" phù hộ cho gia chủ . Cái ông Táo này sống trong các gia đình người Việt còn biết nấu nướng thức ăn Việt, còn xài chao tương nước mắm. Ông Táo Việt Nam ốm nhách, lè phè, nhưng thân thương bao dung rộng lượng nên mới chịu đựng được và thưởng thức được những nồi phở sôi ùng ục bốc hơi kín trời, những nồi bún bò giò heo, bún bò Huế có váng ớt đỏ cay xè, những nồi cá kho "thơm" tối tăm mặt mũi, những chảo cá chiên văng dầu tứ tung minh tàng bốc mùi hết cỡ nói, hay những nồi bún riêu bún ốc có thả mắm ruốc mắm nêm nồng nàn Mỹ chạy.
 
Phải là Táo Việt Nam, quen và ghiền những mùi vị thức ăn của dân Việt Nam thì mới ở trong bếp của người Việt Nam được. Mà bếp nhà người Việt Nam không bao giờ hoàn toàn sạch sẽ vì gia đình người Việt thường hay quay quần nấu nướng. Bếp của người Việt Nam mình để nấu ăn chứ không phải để làm cảnh.  Mấy cái đít nồi niêu soong chảo của nhà Việt Nam thì đen, thì dính dầu vàng khè chớ không có bóng loáng treo tòng teng biểu diễn như nhà Mỹ. Bởi vậy trong bếp mình không thể nào có ông Táo mặc veston với áo sơ mi trắng .  Bếp Việt Nam mình ấm cúng tình thương người vợ dành cho chồng, chăm sóc món ăn cho chồng (hay ngược lại, nếu ông chồng là tay biết nấu nướng); bếp chan chứa tình thương bà mẹ dành cho các con qua những món ăn mỗi ngày; bếp chứng kiến lòng hiếu khách của những người Việt Nam công phu làm món ăn cầu kỳ đãi bạn. Và ông Táo trong bếp của người Việt Nam chỉ có thể là ông Táo Việt Nam tình nghĩa chớ không thể nào là một ông Táo Mỹ râu ria lởm chởm đeo súng xề xệ bên hông, hay là một ông Táo đen thui mắt trắng nhỡn nhún nhẩy lắc lư miệng lắp bắp nhạc "Rap", hoặc là một ông Táo Mexican đội mũ rộng vành ôm đàn ghi ta dựa tường ngủ gục được.
 
Tui nghĩ chừng nào người Việt mình "hội nhập" hoàn toàn vào văn hoá Mỹ, mất tiêu cái gốc cái rễ Đại Cồ Việt của mình; chừng nào mình ăn hamburger, ăn pizza, ăn khoai tây xay nhuyễn thế cơm ; chừng nào trong nhà mình không còn cái mùi quyến rũ của thức ăn Việt Nam nữa thì lúc bấy giờ trong nhà mình mới có Mr. Táo Mỹ/Mễ/Canadien … trong bếp; còn chừng nào mình còn xài nước mắm, mắm nêm, mắm ruốc, chao tương v.v.… thì ông Táo Việt Nam lè phè của mình vẫn còn ghiền mùi thức ăn Việt Nam mà ở lại với mình .
 
Ông Táo này vẫn cần con cá chép để ngày 23 tháng Chạp về trời.  Ổng vẫn đi bảy ngày mới tới, và ổng vẫn đội mão đi hia mặc cái áo thụng rộng thùng thình ngắn cũn cỡn chớ nhất định không mặc quần.
 
Như tui nói với ông hồi nãy, tui thấy điều tui nghiệm ra thiệt là chí lí. Tui nghiệm ra được chân lí tui sung sướng quá, tui đem cớ sự kể cho Xếp Lớn tui nghe.  Tui biểu bả ngồi xuống đàng hoàng đặng tui kể đầu đuôi cái thắc mắc đã nặng trĩu trong đầu tui cả tháng nay, và tui phân tích tỉ mỉ như một nhà hùng biện những luận cứ dẫn đến kết luận của mình. Tui cảm thấy thiệt là quá đã, rất đã, trong việc tìm ra chân lí.
 
Ông biết bả nghe rồi bả nói sao không ?  Bả nói:
 
-- Xiiiií ! Tui tưởng ông lo chuyện hội đoàn, chuyện quốc gia đại sự. Dè đâu ông đi lo chuyện ông Táo!  Sao không hỏi tui?  Trong nhà này tui toàn là nấu nướng bằng nước mắm, tui nấu đồ ăn Việt Nam, thì ông Táo là ông Táo Việt Nam chớ làm sao mà ổng là Mỹ được? Táo Mỹ làm sao biết ăn đồ ăn Việt Nam? Thiệt tình! Mấy ông đàn ông các ông thiệt là vô tích sự!  Có chút vậy mà tính cả tháng không ra ! Xiiiiiií ! Tưởng cái gì !
 
Ông Bạn Vong Niên,
 
Ông nghĩ coi có tức mình không ? Và ông thấy điều tui nghiệm ra có cực kỳ chí lí, vô cùng siêu đại chí lí không ?
 
Cụ Nguyễn Thức Đượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét