Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Lẩm Cẩm Thiên hạ sự - Văn Quang viết từ Sàigon

   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 25.01.2016  
 
                           Nhận phong bì là chuyện tất nhiên
 
Trong bài trước tôi chưa thể tường thuật chi tiết về vụ cán bộ Hải quan TP Sài Gòn vừa bị bắt vì nhận phong bì, vì chi tiết quá dài và chưa thể phân tích hết những dư luận và thực trạng của các quan chức ngành Hải Quan VN.<!->
Thật ra chuyện đó chẳng có gì mới, chẳng có gì phức tạp và khó hiểu. Người dân VN nào chẳng biết, cứ làm cán bộ Hải Quan hay ngành thuế vụ mà không giàu có là thằng ngốc. Trên các diễn đàn mạng 2 ngày qua, giới doanh nghiệp xuất nhập khẩu kháo nhau rằng : “Nguyễn Tường Duy xui, phải “đen” lắm mới bị tóm chứ tiêu cực trong hải quan thì có gì lạ đâu”.
Không muốn ăn, nó cũng “tự động” đút cho mà ăn, thế thì ngu gì không nhận.
 
Từ xưa tới nay có ông nào từ chối đâu, dù có thanh liêm đến đâu mà tiền nó tự nhiên chui vào nhà thì “phải nhận” chứ. Nhận kiểu ô-tô-ma- tích thế rồi thành thói quen, thằng nào không đưa là láo, phải “phạt nặng”. Cho nên người dân đã gọi đó là “nghề nhận phong bì”.
Đó là một “nghề” cứ như được toàn xã hội công nhận vậy. Vậy thì chuyện anh cán bộ Nguyễn Tường Duy (48 tuổi), thuộc Đội kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP Sài Gòn chỉ trong 3 ngày nhận tới hơn 60 cái phong bì trong đó có tới 1 tỉ đồng, chẳng làm ai ngạc nhiên. Người ta chỉ bàn tán số tiền đó nhiều hay ít thôi.
                                            alt
                       Nguyễn Tường Duy, 48 tuổi, cán bộ Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải Quan, Sài Gòn vừa bị bắt.
 
Dư luận chia làm hai phe.
Phe cho là nhiều vì 1 tỉ đồng dày cộm, dù toàn giấy 500 ngàn cũng chất đầy một túi, làm sao ông ta vác được.
Phe cho là ít vì có những doanh nghiệp lớn chơi hàng lậu phải hối lộ một lần vài tỉ đồng là thường và ông cán cỡ tầm trung này tất phải có xe hơi, chở một tỉ còn rộng chán, thừa chỗ cho cả vài cô chân dài quá giang.
Kết luận chẳng ai đúng, chẳng ai sai, họ cười rộ cho đỡ buồn trong ngày giáp Tết và lo lắng cho tương lai nước nhà đi vào ngõ cụt thôi.
 
Chi tiết “ khôi hài” về vụ bắt giữ anh cán bộ Hải quan này
Báo Người Đưa Tin thông tin việc Cục An ninh Tiền tệ (A84) - Bộ Công an đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Tường Duy (SN 1968), thuộc Đội Kiểm soát Cục Hải quan TP. Sài Gòn vào ngày 29/12/2015 như sau: Khi ông Duy vừa vừa đáp chuyến bay từ Trung Quốc về trong chiều muộn khi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Sài Gòn) thì đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng an ninh.
 
Ông Duy không về thẳng nhà mà qua ngay nhà mẹ của ông ở quận 1 (TP Sài Gòn) để lấy những hầu bao. Số phong bì hơn 60 cái để tại nhà này (chưa mở) được ông gom bỏ vào một túi ny-lông xách mang ra để về nhà thì bị các trinh sát của Cục A84 ập vào bắt giữ.
 
Số tiền này như nguồn tin xác nhận, tổng cộng gần 1 tỷ đồng được các doanh nghiệp buộc phải chung chi trong 5 ngày, tương đương khoảng thời gian ông du hí bên Trung Quốc.
 
Một  tờ báo khác cho biết, từ nguồn đơn tố giác kèm theo bằng chứng ghi hình quả tang, ban đầu cơ quan an ninh xác định, ông Duy đã ép buộc hơn 200 lượt người cống nạp tiền. Theo đó, thủ đoạn của ông Duy là áp đặt luật cho một container được thông quan không có dấu hiệu khả nghi là 2 triệu đồng cho một container. Và container chứa hàng hóa “có vấn đề” là 15 triệu đồng/container. Nói rõ hơn đó là những container chứa hàng lậu, hàng “đểu”.
 
Bộ Tài Chính biết nhưng … im lặng?
 
Hành vi lộng hành áp dụng luật riêng để ép doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập qua các cảng tại TP. Sài Gòn thuộc quyền quản lý của Cục Hải quan TP. Sài Gòn được ông Duy áp đặt trong suốt thời gian kể từ khi có nguồn đơn thư tố cáo kèm theo các clip video ghi nhận quả tang được Cục A84 tiếp nhận và thụ lý trong nhiều tháng. 
Khi xác định có sai phạm quá rõ ràng của cán bộ Duy, cơ quan an ninh đã liên liên lạc với một lãnh đạo của Bộ Tài chính để đề nghị yêu cầu phía ngành hải quan phối hợp điều tra.
 
Cần nói rõ thêm, bên Tổng Cục Hải quan (đơn vị thuộc Bộ Tài chính quản lý) có hẳn sự hiện diện Cục Hải quan điều tra chống buôn lậu. Cục này được thành lập theo Quyết định số 1016/QĐ-BTC ngày 11/5/2010 của Bộ Tài chính và Quyết định số 2055/QĐ-BTC ngày 12/8/2010, có nhiệm vụ quyền hạn thực thi tố tụng theo quy định. Song, rất tiếc trước thông tin Cục A84 cung cấp, phía Bộ đã….không trả lời! Không hiểu vì sao.
 
Cả 3 anh em kéo nhau vào làm cán bộ Hải Quan
Theo hồ sơ của báo Người Đưa Tin thu thập được, những anh em trong nhà Nguyễn Tường Duy đều có điểm khởi nguồn truyền thống từ lực lượng hải quan tỉnh An Giang. Trong đó Duy là anh cả trong gia đình. Khi nhắc đến nhóm anh em của Nguyễn Tường Duy nhiều cán bộ hải quan làm việc lâu năm trong ngành của khi về hưu hay đang đương nhiệm đều lắc đầu “chúng nó ăn kinh lắm!”.
Ngoài Duy làm việc tại Đội Kiểm soát Hải thuộc Cục Hải quan TP. Sài Gòn còn có 2 người em khác đang đương nhiệm Đội Trưởng thuộc Chi Cục Hải quan Cát Lái (KV1) và Chi Cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư. Có thể mối liên hệ “dây mơ rễ má” này đã hình thành liên minh để bày ra cuộc chơi áp đặt luật riêng, gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp?
 
Theo báo An ninh Tiền Tệ dẫn lời của một cán bộ hải quan nhận định: “Chúng lộng hành quá mức, làm việc có tâm một tí, chứ ai dí doanh nghiệp vào đường cùn như vậy. Sự việc này trong nội bộ đều biết, nhưng đâu dám. Vấn đề vì sao, Duy từ một cán bộ hải quan được sa thải bởi Cục Hải quan tỉnh An Giang giờ lại chui sâu trong lực lượng Cục Hải quan TP. Sài Gòn mà ngang nhiên áp dụng luật chơi cho riêng mình như vậy. Không phải Duy một mình dễ dàng lộng hành như vậy?”.
 
Hai ông em cũng tham chẳng kém gì ông anh cả
 
Không phải riêng bậc anh cả như Nguyễn Tường Duy bây giờ bị phía cơ quan an ninh “lật mặt” mà trước đó trong chuyên án của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Thanh, cán bộ của cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang), em ruột Duy.
Ở vụ án này, Thanh trong vai trò là Đội trưởng thủ tục, tổng hợp đã cùng sếp trưởng cửa khẩu Hải quan Khánh Bình cùng các anh em khác nhận lời của hai nhân viên ở Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn ký khống các tờ khai hải quan xuất khẩu thuốc lá Caraven “A” cho doanh nghiệp này với thỏa thuận hưởng lợi 0,3% trên trị giá hàng hóa ghi trong tờ khai.
 
Số tiền kiếm được từ việc ký khống giấy tờ được chia theo tỷ lệ như sau: 5% cho bếp ăn tập thể và tiếp khách của Chi cục Hải quan Khánh Bình; 25% cho cá nhân sếp trưởng Chi Cục; sếp phó là 15%; Nguyễn Văn Thanh cùng một đồng nghiệp nữa được chia cùng mức được 12%...
 
Ôi cái sự chia chác mới rành rọt làm sao, thế thì suốt ngày các quan chỉ nhắm vào các vụ có cơ hội làm tiền này. Bất chấp thằng dân đang cùng khổ, nhà nước nợ đầm đìa.
 
Người thứ ba cũng nhanh tay ăn đút lót
 
Trước khi Nguyễn Tường Duy và Nguyễn Văn Thanh đưa tay vào còng thì tháng 6/2014, PC46 Công an TP. Sài Gòn cũng đã khởi tố bắt tạm giam một người thứ ba trong gia đình Duy là Nguyễn Phước Tường (45 tuổi, nhân viên Chi Cục Hải quan KV3, thuộc Cục Hải quan TP. Sài Gòn  cùng nhiều bị can khác thuộc Cục Hải quan TP. Sài Gòn  để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Hành vi của nhóm này được xác lập và trở thành tội phạm khi được tòa phán quyết. Tháng 12/2013, công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và công ty Nhất Minh lập 10 tờ khai hải quan nhập khẩu 10 container hàng. Theo khai báo, các container chứa máy móc, thiết bị điện, đèn trang trí... với tổng trị giá là 930 triệu đồng. Số hàng này được Chi cục Hải quan khu vực 3 ký xác nhận kiểm hoá với tỉ lệ 5% và thông quan cùng ngày. Riêng Nguyễn Phước Tường đã móc nối, ăn chia với những người làm thủ tục nhập khẩu để không kiểm tra hàng hoá có giá trị lên nhiều tỷ đồng. Song, Nguyễn Phước Tường sau khi thụ án trong trại giam thì mất.
 
Bị kỷ luật vẫn được đưa lên làm ở chỗ tốt hơn
 
Một chi tiết đáng kinh ngạc khác là trước đây ông Duy cũng từng làm việc tại Cục hải quan An Giang nhưng bị kỷ luật và sau đó chuyển đến công tác tại Hải quan TP. Sài Gòn. Một cán bộ bị kỷ luật mà vẫn được đổi đến một chỗ ngon lành hơn. Ai đã ký quyết định điều động này? Có vấn đề gì mờ ám ở đây.
 
Theo người đứng đầu Cục Hải quan TP. Sài Gòn, quy định này đồng nghĩa với việc những cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức hải quan bị xử lý hình sự do vi phạm pháp luật (nhưng được hưởng án treo) vẫn không bị sa thải khỏi ngành hải quan mà chỉ chuyển vị trí công tác (không cho làm quản lý, lãnh đạo) hoặc cách chức đối với cán bộ có chức vụ lãnh đạo, quản lý (nhưng vẫn còn làm trong ngành hải quan).
Theo ông Cường, quy định trên không có tính răn đe, công bằng, nhất là trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. 
 
Nhưng theo luật pháp và nguyện vọng của người dân là những tên tham nhũng phải trả lại hết tài sản cho nhà nước, phải đuổi ra khỏi ngành, phải bị ngồi tù và tù thật nặng mới mong bớt được nạn tham nhũng đã thành “thâm căn cố đế” ở VN rồi.
 
Công an xã và huyện bị tố trắng trợn “cướp” tiền của dân
 
Chính vì những cái gọi là “kẽ hở” của pháp luật và sự “nhẹ tay” cho đàn em của các quan trên làm cho tham nhũng lộng hành. Cho nên mới đây tại Nghệ An lại xảy ra vụ Công an xã và huyện bị tố trắng trợn “cướp” tiền của dân. Chuyện có nhiều tình tiết khá khôi hài, tôi chỉ tóm tắt nội dung vụ này.
Những ngày cuối tháng 12/2015, PV báo Dân trí tại Nghệ An nhận được đơn tố cáo của anh Vi Hải Đức (SN 1972, trú tại xã Châu Hoàn, huyện vùng sâu vùng xa Qùy Châu, Nghệ An) “tố” một số cán bộ công an xã Châu Hoàn và Công an huyện Quỳ Châu trắng trợn cướp tiền của vợ anh.
 
Trong đơn tố cáo nêu rõ: Vào chiều ngày 16/12/2016, vợ anh là chị Lữ Thị Miền (SN 1970), đi xe gắn máy từ nhà lên huyện Quế Phong vay tiền của một người dì để mua trâu bò làm trang trại, phát kinh tế. chị Miền vay tổng số tiền là 493.000.000 đồng.
 
Đến khoảng 17h cùng ngày (16/12/2015), chị Miền về đến địa bàn bản Na Cống, xã Châu Hoàn thì gặp một tổ công tác công an xã Châu Hoàn đang đi tuần.
                
         Đơn tố cáo của anh Vi Hải Đức gửi tới cơ quan chức năng và báo Dân trí.
                                              Đơn tố cáo của anh Vi Hải Đức gửi tới cơ quan chức năng và báo Dân trí.
Trong tổ công tác bao gồm các ông: Lữ Đức Năm - Trưởng công an xã, Lô Văn Thanh - Phó công an xã, Hà Văn Tuyên - Phó công an xã, Lữ Văn Dũng và Lữ Tự Nhiên - đều là công an viên xã Châu Hoàn. Cũng trong tổ công tác này còn có một anh Công an huyện Qùy Châu tên là Giáp. Khi thấy chị Miền, tổ công tác gồm những người trên yêu cầu chị dừng xe để kiểm tra.
     
                                                              alt
                                        Chị Lữ Thị Miền kể lại mình bị công an bắt cởi áo giữa trời giá rét
Sau khi rà soát trên xe thấy một túi bóng đen chứa trong đó số tiền lớn, tổ công tác đã “ép” chị Miền phải cởi bỏ áo, cởi quần ngay tại đường để kiểm tra trên người chị. Sau khi kiểm tra, khám xét trên người chị Miền không có gì đáng nghi, tuy nhiên tổ công tác này vẫn một mực bắt chị Miền phải về trụ sở để giải quyết.
 
Xin tiền để bồi dưỡng và biếu sếp
 
Chị Miền kể với phóng viên báo Dân Trí: “Tôi đi vay tiền về chứ có làm gì vi phạm pháp luật đâu mà họ lại bắt tôi và còn dọa sẽ bỏ tù. Sau một hồi họ lại xin tôi cho 5 triệu để bồi dưỡng, rồi xin thêm 10 triệu để biếu xếp. Tiền đi vay về nên tôi không cho. Rồi họ nói sẽ bắt tôi đưa ra huyện, rồi cho tôi vào tù, lúc đó họ dọa vậy tôi sợ lắm”.
                                                      
                                                        alt
                     Anh Vi Hải Đức chỉ tay về phía cọc tiền được vợ mình treo trên xe bị công an lấy về lập biên bản
 
Nhưng rất may là vụ này bị báo chí phát hiện nên số tiền trên đã được phía công an xã, huyện (1 cán bộ công an huyện) đã trả lại cho gia đình anh anh Vi Hải Đức rồi. Thế là ăn cướp cạn không thành đành phải nhả ra. Song không hề có một biện pháp kỷ luật nào cho nhóm cướp cạn giữa ban ngày đó.
 
Phải chăng sự chia chác đã làm cho tình trạng người dân bị đè đầu bóp cổ tiếp diễn khắp nơi. Tất nhiên còn nhiều vụ người dân bị cướp mà đành im miệng vì bị đe dọa, bị dằn mặt bằng đủ mọi thủ đoạn đen tối nhất.
Tội nghiệp cho người dân Việt, không tiền cũng chết, có tiền cũng chết.

Văn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét