Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Huyền Vũ, tường thuật viên túc cầu

Huyền Vũ

Blog Những thằng già nhớ mẹ 

Huyền Vũ đã trở thành một thứ không thể thiếu của tất cả những trận đá banh của Sài Gòn trước những năm 1975. Một trận đá banh mà không có Huyền Vũ tường thuật thì kể như đó là một trận “tầm thường”. Cái tên ông gắn liền với giá trị của tất cả những trận banh. Mọi người mong ngóng chờ nghe tường thuật đá banh, một điều tất nhiên là nghe ông Huyền Vũ tường thuật mới đúng là “vừa được nghe, vừa được xem đá banh”.
<!->
Văn Quang
Nguồn : vietbao online
                                 Huyền Vũ tại buổi ra mắt hồi ký “Tôi làm ký giả thể thao”

Huyền Vũ với người Saigon

Đã từ lâu tôi vẫn đinh ninh rằng “ai cũng có thể thay thế được, dù cho đó là một thiên tài”. Nhưng đến hôm nay thì tôi nghĩ khác: “vừa có một người mất đi mà không ai thay thế được”. Đó không phải là ý kiến của riêng tôi, mà là ý kiến của hầu hết những người còn ở lại Sài Gòn tôi vừa gặp. Kể cả người có tuổi và người trẻ tuổi, người có thích coi đá banh hay không. Tôi nói thế hẳn bạn đọc đã biết là nói về ai rồi. Không là ông Huyền Vũ thì không thể là ai khác trong phạm vi này.
Chắc chắn đến hôm nay, nhiều bạn đọc đã biết tin ông Huyền Vũ từ trần vào lúc 01 giờ 56′ ngày 24 tháng 8 năm 2005 tại Hampton – Virginia, Hoa Kỳ. Và cũng chắc chắn đã có khá nhiều bài viết về ông Huyền Vũ. Nhưng người ở Sài Gòn thì chưa chắc đã có ai viết về sự kiện này. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà tôi viết về ông, tôi viết vì có một bổn phận thôi thúc phải viết, một tiếng nói của người hiện còn đang sống ở Sài Gòn tưởng nhớ và thương tiếc ông. Tôi không là đại diện cho ai cả, tôi viết với tính cách của một “fan” hâm mộ ông cùng với một số bạn bè tôi, với nỗi tiếc thương vô hạn.

Bóng cây đại thụ bao trùm lên tất cả 
Ông mất ở tuổi 90, ông hơn tôi đến gần hai chục tuổi, tôi chưa bao giờ được là bạn ông. Chỉ là một người quen biết và một người hâm mộ đúng nghĩa. Tuy rằng trước những năm 1975, cái thời mà chúng tôi thường gặp nhau ở sân banh Cộng Hòa, ngồi trên hàng ghế ký giả, ông làm việc tường thuật của ông, gần chỗ chúng tôi. Nếu có gặp nhau chỉ vẫy tay chào nhau là đủ. Tuy ông cũng tường thuật trực tiếp qua làn sóng điện phát thanh của Đài Tiếng Nói Quân Đội, nhưng thật ra đài Quân Đội chỉ là tường thuật “ké” đài Sài Gòn. Ông là phát thanh viên chính thức của đài phát thanh Sài Gòn, còn gọi là Đài PT Quốc Gia, mỗi khi có tường thuật trực tiếp đá banh, chúng tôi chỉ điện thoại sang yêu cầu Đài Quốc Gia cho Đài Quân Đội “nhập sóng” là xong. Tức là lúc đó “mình với ta tuy hai mà một”, nghe đài nào cũng như nhau, cũng là ông Huyền Vũ tường thuật. Còn có ai khác nữa đâu.
Hồi đó chúng tôi cũng đã có dự định “tuyển” một tay nói năng lưu loát, tường thuật cho ra vẻ ta đây cũng có “giá” như đài Sài Gòn. Nhưng trải qua vài cuộc thử nghiệm đều không thể tìm được ai làm xướng ngôn viên trực tiếp khả dĩ gần bằng ông Huyền Vũ chứ chưa nói đến bằng ông. Vì thế nên chúng tôi đành “thua”.
Thêm một điều nữa cần phải nói là trong thời chiến, đài phát thanh Quân Đội và Đài Sài Gòn thường là một người của quân đội sang chỉ huy, nhưng vẫn cứ “cạnh tranh” rất thẳng thắn. Đài nào cũng muốn có tin trước và tin hay. Đó là lương tâm nghề nghiệp. Ngay cả khi bạn tôi là ông Nhất Tuấn hay ông Vũ Đức Vinh làm “sếp” ở đài Sài Gòn và tôi phục vụ ở Đài Quân Đội thì chúng tôi cũng cạnh tranh gay gắt như thường. Các phóng viên và biên tập viên hai đài phát thanh này cũng vậy, họ thường là bạn của nhau, thậm chí là bạn thân, nhưng đến khi vào việc thì mỗi người chạy theo một cách lấy tin, mỗi người đều có cách tường trình “đặc biệt” của mình. Nếu không thế thì đài nọ dựa vào đài kia, làm sao có chương trình hay phục vụ thính giả được. Nhưng đến khi có ông Huyền Vũ tường thuật đá banh thì chúng tôi phải xin “Quý đài cho nhập sóng” để quân nhân ở các đồn xa được nghe ông Huyền Vũ chứ không phải người khác.
Ông Huyền Vũ đã trở thành một thứ không thể thiếu của tất cả những trận đá banh của Sài Gòn trước những năm 1975. Một trận đá banh mà không có Huyền Vũ tường thuật thì kể như đó là một trận “tầm thường”. Cái tên ông gắn liền với giá trị của tất cả những trận banh. Người lính trên khắp các quân khu, ngay cả khi ở chiến trường, cũng mong ngóng chờ nghe tường thuật đá banh, một điều tất nhiên là nghe ông Huyền Vũ tường thuật mới đúng là “vừa được nghe, vừa được xem đá banh”. Chúng tôi hiểu rất rõ điều này nên dù là xin “tường thuật ké” cũng sẵn sàng dẹp hết “lòng tự ái” để làm. Trong khi những tin tức chiến trường, những tin tức đặc biệt, bao giờ chúng tôi cũng làm tường thuật với những phóng viên của đài mình. Như thế đủ chứng tỏ cái giá của ông Huyền Vũ lớn lắm, cái bóng của ông như cây đại thụ bao trùm lên tất cả những giá trị khác.

Từ ngữ Huyền Vũ không thể quên 
Sau này, khi ông không còn ở trong quân đội nữa, thỉnh thoảng ông vẫn có dịp ghé vào đài Quân Đội theo lời mời của Ban chương trình để nói về một vấn đề thể thao hoặc tự đọc một bản tin thể thao nào đó. Tôi cho rằng ông cũng vẫn còn những tình cảm đậm đà với những quân nhân lúc nào cũng là thính giả trung thành của ông. Tôi chỉ được gặp ông một hai lần và câu chuyện cũng chỉ là những chuyện thông thường. Trong tôi, ông vẫn là một người anh, rất gần mà rất xa. Bởi tôi thường không gặp ông ở bất kỳ một nơi chốn nào mà những nhà báo hay đến, có lẽ chỉ có nhà hàng Thanh Thế là nơi những ký giả “gạo cội” của “làng thể thao Sài Gòn” hay ngồi thì tôi lại thường ít lui tới. Lúc đó, ký giả Thạch Lê, nguyên là “sếp” của tôi, cũng là một ký giả thể thao có tầm cỡ ngoài miền Trung, nhưng cũng chưa thể nào so sánh với ông Huyền Vũ được. Hầu như suốt những năm tháng sống ở Sài Gòn trước năm 1975, không có trận banh nào mà ông Thạch Lê không kéo tôi đi. Khi có những trận banh ở sân Tao Đàn và sau này là sân Cộng Hòa, phòng báo chí của Cục TLC gần như ngưng làm việc. Chỉ có Huy Vân ngồi một mình cặm cụi với chồng bài vở. Sau khi đi xem đá banh về, ông Thạch Lê đến tòa báo ngồi viết tường thuật, hôm nào ông dở chứng lười thì bảo tôi viết tường thuật “cho vui”. Cũng may mà tôi chỉ viết một hai bài, đến nay tôi không còn nhớ rõ, nhưng chữ nghĩa về tường thuật đá banh thì chắc là phải “mượn” chữ của ông Huyền Vũ. Bởi có những từ ngữ ông dùng rất hay mà khó có thể thay thế được. Đến nay, sau hơn ba mươi năm rồi mà tôi còn nhớ như in hai chữ “quả da” mà ông dùng thay cho quả banh và “mũi tên vàng Nguyễn Văn Tư bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống, đi tới… tới nữa và … sút”. Tim tôi muốn nhảy dựng lên với giọng nói truyền cảm kỳ lạ của ông.
Khi nghe ông nói thì xúc động như thế, song khi viết ra theo lối của mình thì thấy nó… vô duyên thế nào ấy. Không thể nào bắt chước được lối tường thuật của ông, dù là trên chữ nghĩa. Ông đã là một bậc thầy không ai bắt chước được.

Những thính giả trung thành còn ở lại Sài Gòn 
Ở đây, tôi không lạm bàn thêm đến tài nghệ và uy tín cũng như cuộc sống của ông bởi tôi đã vừa được đọc những bài của các ông Phạm Trần, ông Vũ Đức Vinh, ông Nguyễn Thiện Ân, – là những nhà văn, nhà báo, tôi cho rằng “có đủ thẩm quyền” viết về Huyền Vũ vì các vị này đã từng biết về ông cả trước và sau năm 1975. Tôi chỉ xin nói về những chuyện ở Sài Gòn khi tôi được tin ông vừa mất. Ông Vũ Đức Vinh gửi “meo” báo tin và gửi bài viết về ông cho tôi trước khi ông Huyền Vũ mất 1 ngày. Sở dĩ như thế vì trong bài, ông Vinh có một đoạn đề cập đến tôi và những buổi trực tiếp xem truyền hình đá banh tại VN. Ông là người rất kỹ tính và cũng muốn biết thêm vài chi tiết nên hỏi cho “chắc ăn”. Được hỏi bất ngờ nên tôi chưa sẵn sàng tài liệu gửi cho ông, nhất là những cái tên của những “chuyên viên tường thuật bóng đá” ở VN hiện nay. Bởi có tới năm, mười “chuyên viên bình luận” từ Hà Nội đến Sài Gòn và các đài địa phương nên tôi không thể nào nhớ hết và cũng chẳng có ai nổi trội nên tôi không để ý đến tên tuổi.
Hôm sau, vào ngày 24-8, khi tôi còn ở Sài Gòn, được ông Vinh báo tin “đại lão ký giả Huyền Vũ đã ra đi”. Trưa hôm đó, tôi phải trở về Lộc Ninh. Lại nhận được “toàn văn” cáo phó và tiểu sử của ông Huyền Vũ của anh Đỗ Nghi, Tổng thư ký Thời Báo ở Canada và anh “gáy” tôi “chắc chắn anh sẽ viết bài cho kỳ sau phải không?”. Ngay lúc đó, tôi trả lời đã có bài của anh Vinh, tôi viết có là thừa không? Thêm một điều nữa là tôi chỉ được biết về ông rất ít vào những năm còn ở Sài Gòn, từ khi ông qua Mỹ thì tôi không biết gì thêm, những anh em ở bên đó biết nhiều hơn tôi. Thế nhưng một ông chủ báo ở Mỹ bèn “gáy” tiếp: “người Sài Gòn thì phải có tiếng nói của Sài Gòn chứ”. Tôi nghĩ ông này đúng nên điện thoại về Sài Gòn, hỏi một người bạn có khá nhiều liên hệ với “cánh báo chí”, anh này trả lời chưa biết tin tức gì về ông Huyền Vũ ra đi. Hỏi thêm một vài người nữa, cũng “chưa biết gì” về tin này.

Trịnh Cung: một thế hệ say mê Huyền Vũ 
Tôi điện thoại cho họa sĩ Trịnh Cung, ông này cũng là một tay “ghiền” bóng đá. Vài lần ngồi với những người bạn khác, khi bàn về những trận bóng đá gần nhất, Trịnh Cung tỏ ra sắc sảo và hứng thú khi “bình luận” về vấn đề này. Vừa nghe tôi báo tin, anh cũng kêu lên:
– Trời ơi, ông ấy mất rồi sao?
Lặng đi một lát, anh mới nói được:
– Tôi nghe ông từ khi còn bé, đến bây giờ vẫn không thể nào quên. Đúng là cho đến bây giờ vẫn chưa ai có thể “bén gót” được ông chứ đừng nói đến thay thế. Hối đó còn là cậu học sinh trung học, không phải chỉ mình tôi mà cả một “thế hệ” những học sinh ở Nha Trang như tôi đều “mê” ông.
Tất nhiên, tôi lợi dụng ngay cơ hội này để hỏi tiếp:
– Anh vừa nói “không ai thay thế được”, vậy còn những chuyên viên bình luận bóng đá của các đài phát thanh truyền hình bây giờ ở Việt Nam thì sao?
Không úp mở, Trịnh Cung trả lời ngay:
– Làm sao mà bì được với Huyền Vũ. Có thể nói chưa ai có thể so sánh được với ông.
– Bây giờ họ bình luận thế nào?
– Tôi chỉ xem và nghe ở truyền hình chứ không nghe truyền thanh. Hầu hết là lớp trẻ, họ “cà kê dê ngỗng” quá nhiều làm giảm “tiết tấu” của cuộc tường thuật một trận banh đang hào hứng. Họ la lên “hào hứng, sôi nổi” mà không thấy sôi nổi như trên sân banh. Trong khi, vào thời đó chưa có truyền hình, ông Huyền Vũ chỉ có tiếng nói qua “làn sóng điện” chứ không có hình, vậy mà nghe ông, thính giả cứ tưởng như đang được coi một trận đấu thực thụ đang diễn ra từng pha bóng trước mặt mình. Ông thấy chưa, một sự khác biệt lớn lao đến thế đấy. Nghe ông ấy truyền thanh từng đường banh: “đi tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đựng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng “quả da” đụng khung thành bật ra. Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô, tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung!
Rồi Đực, rồi Rạng với đương banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”. Ông ấy làm tôi ở nhà cũng choáng váng theo.
Ngừng một chút Trịnh Cung kể tiếp:
– Hồi ấy những đội banh như Ngôi sao Gia Định, AJS và sau là Tổng Tham Mưu, Quan Thuế đấu với nhau. Rồi những Autobus Hồng Kông, Nam Hoa sang VN thi đấu là những ngày hội lớn của Sài Gòn và của cả tụi học sinh trung học tỉnh lẻ như bọn tôi, bàn tán mấy ngày trước và sau trận đấu chưa dứt. Và “học” lại toàn những từ ngữ của ông Huyền Vũ.
– Vậy phải kể như ông ấy là một thiên tài.
– Đúng thế. Một thiên tài trăm năm trước không có, trăm năm sau chắc cũng chưa thể có.
Chúng tôi hỉ hả cười vì nhận định đó và gác máy.
Ngay buổi chiều hôm đó Trịnh Cung lại điện thoại cho tôi ngỏ ý muốn có bản Cáo phó và Tiểu sử của ông Huyền Vũ. Theo anh thì anh sẽ viết bài cho một tờ báo nào đó, có lẽ là ở Sài Gòn và cần thêm một hai tấm hình gửi theo bài. Tôi chỉ có vài tấm hình của mấy người bạn từ Virginia gửi về, đúng ra thì phải giữ làm “bửu bối”, nhưng trong trường hợp này thì càng được phổ biến bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tôi cứ nghĩ thế nên dù cho những hình ảnh mà tôi gửi theo đây đã được đăng rồi cũng xin được đăng lại để cùng bạn đọc, thêm một lần nữa nhớ về một thiên tài vừa khuất bóng.

Thầy giáo cũng bỏ học nghe Huyền Vũ tường thuật 
Người thứ hai mà tôi hỏi chuyện là Thái Phương- một ông nhà giáo và cũng là nhà văn. Tôi cứ đinh ninh ông nhà giáo chắc biết ít hơn về đá banh. Quả đúng như vậy, nhưng Thái Phương nói:
– Tôi ít xem đá banh, song lại rất mê ông Huyền Vũ ngay từ những ngày còn học đệ nhất Chu Văn An.
– Tức là khi nghe khi không?
– Vâng, chúi đầu vào học, thỉnh thoảng mới có thì giờ nghe thôi. Cứ đụng nghe là mê, thế là bỏ luôn một buổi ngồi học. Tôi sợ “mê” ông ấy quá bỏ học lu bù, thi không đậu thì phải đòn. Mỗi lần nghe loáng thoáng ông ấy tường thuật qua một cái radio nhà hàng xóm hoặc của một người bạn nào đó, tôi lại “trốn”. Nhưng anh ạ, trốn cũng không khỏi “ma lực” của cái giọng nói “quái đản” ấy. Cứ như “Học trò xứ Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”. Tôi lại mon men đến nghe và nghe rồi là quên luôn sách vở.
– Thế thì ông mê Huyền Vũ còn hơn mê bà xã của ông hồi đó.
– Ấy, dù có thế thật thì xin anh cứ cho như mê bằng nhau đi cho nó vui cửa vui nhà.
Thái Phương vẫn có tiếng cười hồn nhiên chân thật của một anh “nhà giáo”. Anh tỏ vẻ tiếc nuối một tài năng có một không hai của Việt Nam. Anh lại ngẩn ngơ:
– Tiếc rằng sau này lớn lên, có thì giờ để xem đá banh và nghe tường thuật thì ông Huyền Vũ không còn ở Sài Gòn nữa.
– Thì anh coi và nghe những người bây giờ cũng được chứ sao.
Thái Phương lại cười:
– Tất nhiên là cũng được, nhưng rất nhiều lần tôi nói với thằng con trai tôi là những trận này mà nghe ông Huyền Vũ “diễn tả” mới thật là sướng tai. Có lần nghe ông tường thuật, bố suýt đá vào… mông “bà già” con đấy. Tôi tính kể cho nó nghe ông ấy tường thuật như thế nào mà không sao kể được. Nó… kỳ lạ quá, tôi cố gắng bắt chước, không bao giờ giống. Tuy vậy, thằng con tôi cũng hiểu được ông Huyền Vũ đôi phần.
– Cho thế hệ trẻ ngày nay biết được về ông Huyền Vũ là hay lắm rồi, anh đừng đòi hỏi gì hơn. Chính vì cái sự “ngắc ngứ” của anh mà cậu con trai của anh sẽ hiểu thêm được rằng bố nó tài giỏi như thế mà không “diễn tả” được hết tài năng của ông Huyền Vũ thì ông ấy còn tài năng đến như thế nào. Sự tưởng tượng đôi khi còn mạnh hơn là những gì ông muốn cho con trai ông biết đấy. Nó sẽ còn sống mãi trong tâm tưởng của lớp trẻ bây giờ.
– Tôi cũng mong như thế. Anh đã làm được một việc đáng làm anh ạ.
Giáo sư trường Quốc Học cũng mê 
Sau đó tôi lại gọi cho ông Lê Khắc Cầm, một nhà nghiên cứu văn học hiện nay, trước năm 1975, ông là giáo sư Anh văn của Trường Quốc Học – Huế. Tôi gọi “cầu âu” thôi, bởi cứ cho rằng ông giáo sư đạo mạo này ít khi có thì giờ theo dõi đá banh. Thế nhưng tôi lại găp may một lần nữa. Ông Cầm sốt sắng trả lời ngay:
– Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để biết ông Huyền Vũ là một nhà tường thuật tài danh. Bao nhiêu năm cũng không thể quên một con người như thế.
– Hồi này ông còn coi đá banh không?
– Đôi khi xem truyền hình, không coi đá banh thì chẳng biết coi cái gì. Thế nên vẫn coi.
– Ông thấy hồi này các nhà bình luận thể thao thế nào?
– Tôi chỉ biết về những người bình luận “bóng đá” trên truyền hình thôi. Hiện nay có một số người trẻ tuổi, tôi chỉ nhớ ở đài truyền hình Hà Nội có Long Vũ, anh em Quang Tùng và Quang Huy, thường xuyên có tiếng nói ở các trận đấu quan trọng trong nước cũng như những trận của nước ngoài. Ở Sài Gòn có Lý Chánh, Anh Tuấn… Họ mua quyền phát sóng trực tiếp từ các kênh thể thao quốc tế và ngồi tường thuật bằng tiếng Việt. Đôi khi họ bê nguyên con tiếng Anh ở các kênh như Star Sport.
– Theo ông thì người nào bình luận nổi nhất?
Suy nghĩ một chút, ông Cầm dứt khoát:
– Nói cho đúng, họ sàn sàn nhau. Nếu cần phải đưa ra một so sánh tạm thời thì tôi thấy có một bình luận viên của đài Đồng Nai là khá hơn cả. Trong thời đại thông tin điện tử bùng nổ này, họ có lợi thế là lấy được rất nhiều tư liệu trên net hoặc qua báo chí nước ngoài. Phần tài liệu của họ đầy đủ, có kiến thức bao quát, nhưng họ xen vào các trận đấu quá nhiều chi tiết làm giảm đi tính hấp dẫn của trận đấu đang diễn ra. Họ cho khán giả biết những cái chưa cần biết vội. Còn ông Huyền Vũ cho khán giả “thấy” cả những gì cần biết đang diễn ra. Ông Huyền Vũ nói năng lưu loát, tuôn trào như suối chảy thì bây giờ một vài người bình luận “ngắc ngứ, giật cục”, thường phải dừng lại để tìm chữ, tìm tên cầu thủ cho đúng, làm mất cái hứng thú của một trận đấu. Nếu sửa được những khuyết điểm này, họ sẽ khá hơn.
Ông Cầm suy nghĩ trước khi tiếp:
– Nghe một trận ông Huyền Vũ tường thuật có cảm tưởng như ngồi trên sân banh đã đành, ông còn truyền cho thính giả ngồi nhà cả cái “máu me” của các cầu thủ đang đi banh, lừa banh, bị thương hoặc chiến thắng và ngay cả khi thua trận. Đôi khi, tôi cứ nghĩ là ông ấy đang đọc truyện trinh thám. Ngoài khả năng ra, ông ấy là một tài năng thiên phú đấy ông ạ.
Tôi cũng nghĩ như ông Cầm. Bởi thiên tài cần phải có thêm yếu tố thiên phú, tức là cái của “trời cho”, như một người con gái đẹp hay xấu là do “thiên định”. Muốn đẹp như Tây Thi cũng chẳng được mà muốn xấu như Chung Vô Diệm cũng chẳng xong. Thế nên, cái chất giọng trầm ấm của Huyền Vũ là của trời cho. Và ông Cầm kết luận giùm tôi:
– Không ai thay thế ông Huyền Vũ được.

Người trẻ tuổi ở đây vẫn còn biết ông Huyền Vũ 
Khi tôi nói chuyện ông Huyền Vũ vừa tạ thế với một vài người trẻ tuổi như Khôi Hạo, năm nay chừng hơn ba mươi tuổi. Anh ta cũng biết và cũng nghe danh tiếng của ông Huyền Vũ, dù chưa một lần được nghe ông tường thuật bóng đá. Mấy người bạn Khôi Hạo ở tuốt vùng quê này cũng thế. Có vẻ như lớp tuổi ngoài ba mươi ở VN vẫn còn biết đến ông, có lẽ do “dư âm” của những bậc đàn anh kể lại. Nhưng lớp sau 30 chắc không còn biết gì về ông Huyền Vũ nữa. Tuy nhiên, những bài báo của những Phan Trần, Vũ Đức Vinh, Nguyễn Thiện Ân… và nhiều người khác nữa sẽ để lại hình ảnh và tiếng tăm của ông vang vọng mãi dù bất cứ ở đâu. Tôi cứ hy vọng rằng đã là người Việt Nam thì phải biết và nhớ đến ông Huyền Vũ.
Tôi tưởng nói như thế cũng là đủ cho tâm trạng của một người và không ít người hiện ở Sài Gòn tưởng nhớ đến ông Huyền Vũ với tất cả tấm lòng thương tiếc vô hạn của mình.
 
Tiểu sử Huyền Vũ

Huyền Vũ  (1914-2005)
Nguyễn Ngọc Nhung, tự Huyền Vũ  
Sanh ngày 1-10-1914 tai Phan Thiết
Đến Mỹ và định cư ở Newport News,Virginia năm 1975
1976-1981: Làm việc cho hãng NOLAND về Data Processing.
1988 : Đậu bằng Cữ Nhân về Political Science ở Đại Học Christopher Newport University ( CNU ) Newport News, Virginia.
Vì muốn làm gương cho con cháu để thấy sự cần thiết của học vấn và bất cứ lớp tuổi nào cũng có thể học được, nhứt là ở Hoa Kỳ có đủ phương tiện cho những ai muốn đi học. Vừa làm việc ở hãng Noland vừa đi học để thi GED, trước khi đi học bán thời gian, 8 năm, ở Đại Học Christopher Newport (CNU) để lấy bằng Củ Nhân về Political Science.
Trong khi làm việc với Noland Company và sau khi hưu trí ông có viết thể thao, kịch ngắn, chuyên vui cho báo và nguyệt san, thâu âm các tin tức thể thao cho chương trình phát thanh Việt ngữ.
Ngoài ra ông cũng có tham dự các buổi tổ chức Thể Vận Thể Thao Việt Nam ở Michigan, Texas, Washington DC ….
1988 : Ra mắt hồi ký “ Tôi làm Ký Giả Thể Thao”
1999 : Duyệt lại và tái bản hồi ký “Tôi Làm Ký Giả Thể Thao”
Ông chuẩn bị để viết hai cuốn sách về “Lưu Vong Trên đất Mỹ” và chuyện tình giữa ông và người bạn đời, Madeleine Ngà, nhưng không thực hiện đươc ý định nầy vì bệnh Parkinson.
 – Madeleine Hồ Thị Ngà, qua đời năm 1997
Chọn Newport News, Virginia để lập nghiệp vì ông bà Joe Leming, người bảo trợ của gia đình là bạn của anh cả Nguyễn Quốc Dũng khi hai người được thụ huấn về ngành Quân Vận ở Fort Eustis ( Newport News, VA )
Tất cả 8 người con, 6 trai và 2 gái đang ở Virginia .
Cháu nội, ngoại : 19 – Cháu cố : 13

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét