Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Cơn Lũ Thông Tin - Phan Hạnh

 (Ảnh minh họa trên Net)
 Tôi có lướt đọc bài viết "Death by Information Overload" (Chết Vì Sự Quá Tải Thông Tin) của tác giả Paul Hemp trên trang mạng Harvard Business Review tại link
 Cơn lũ thông tin tràn ngập tôi hàng ngày dường như gây đau đầu hơn là ích lợi. Tôi đau đầu không phải chỉ vì hàng loạt thư điện tử và định dạng tập tin (RSS = Really Simple Syndication) ào ạt tràn vào hộp thư tôi như con nước lớn. Tôi còn đau đầu vì đại dương thông tin mênh mông mà tôi cảm thấy cần bơi ra khám phá để theo kịp với công việc của tôi. (The flood of information that swamps me daily seems to produce more pain than gain. And it’s not just the incoming tidal wave of e-mail messages and RSS feeds that causes me grief. It’s also the vast ocean of information I feel compelled to go out and explore in order to keep up in my job).
 
Paul Hemp nói một người đang làm việc mà nhận được một cái thư điện tử và lo trả lời nó cũng phải mất một khoảng thời gian vài chục phút gián đoạn công việc. Nhưng cũng may là vấn đề này có thể giải quyết được trong tương lai:
 
"Các công cụ và kỹ thuật sáng tạo mới hứa hẹn sẽ trợ giúp chúng ta đương đầu với các cơn lũ thông tin. Một số đó là những nhu liệu có khả năng tự sắp xếp và phân loại thứ tự ưu tiên những thư điện tử gởi vào hộp thư của chúng ta. Chúng được soạn ra với khả năng làm cho dòng thông tin chảy điều hòa và tránh bị tràn ngập. Một số công cụ khác giúp chúng ta khỏi đuối ngộp trong biển thông tin bằng cách thay đổi cách thức chúng ta cư xử và suy nghĩ. Biết đâu một ngày nào đó, bạn và tôi sẽ không còn lo sợ bị dòng thông tin chảy siết nhấn chìm nữa và sẽ bơi một cách thoải mái." (There’s hope, though. Innovative tools and techniques promise relief for those of us struggling with information inundation. Some are technological solutions—software that automatically sorts and prioritizes incoming e-mail, for instance—designed to regulate or divert the deluge. Others prevent people from drowning by getting them to change the way they behave and think. Who knows: Maybe someday even I will enjoy swimming in the powerful currents of information that now threaten to pull me under).
 
Tôi nghĩ Paul Hemp là một người còn trẻ, tương lai còn dài, đầu óc còn nhanh nhẹn bén nhạy, dễ dàng tiếp nhận và dùng những nhu liệu mới đó. Tôi thuộc lớp tuổi già, không mong các công cụ và kỹ thuật sáng tạo mới sẽ giúp mình điều hành đống thông tin to như núi mỗi ngày. Nhiều cơ sở thương mại gồm cửa hàng bách hóa, siêu thị, quán ăn ngày nay đã áp dụng kỹ thuật thông tin tân tiến rồi, giúp cho công việc trôi chảy nhanh hơn và hữu hiệu hơn. Bạn từng đi mua sắm đồ dùng ở Home Depot, mua thức ăn ở chợ Metro v.v. chắc cũng đã chứng kiến khách hàng tự scan các món hàng và tự trả tiền. Tôi cũng đã dùng thử một cách lóng cóng lọng cọng, xong lại trở về thói quen cũ xưa chịu phận sắp hàng ở quầy tính tiền có người. Đầu óc chậm chạp của người già khó mà tiếp nhận những phát minh mới áp dụng trong cuộc sống.
 
 (Hình minh họa)
 
Tôi nghe nói vào ăn ở các quán ăn Olive Garden, Applebee's, Chili's bên Mỹ, bạn có thể bấm máy tính bảng màn hình cảm ứng đặt ngay nơi bàn bạn ngồi để xem thực đơn bằng hình ảnh trực quan, chọn và đặt gọi thức ăn. Hình ảnh thị giác có thể gây tác dụng mạnh mẽ và trở thành sự cám dỗ. Qua hình ảnh, bạn thấy có những món trông hấp dẫn quá và bạn muốn thử. Nếu cùng đi ăn với người thân yêu, bạn vui hơn, hứng thú hơn, có khi lại gọi nhiều món ăn không hết. Bạn không biết Oscar Wilde đã dí dõm nói "Tôi có thể cưỡng lại tất cả mọi thứ, trừ sự cám dỗ" đó sao. Ngồi nhâm nhi đã đời xong, bạn lại bấm "tablet" để thanh toán "bill". Giản dị vậy đó. "Thời đại tân kỳ cái gì cũng có" mà, tại chúng ta ít theo dõi nên không biết đó mà thôi.
 
Cũng như đọc các bản tin Anh ngữ, tôi hay gặp từ ngữ lạ. Đương nhiên là nó chỉ lạ đối với tôi thôi, còn đối với người mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ thì chắc chẳng lạ. Anh ngữ có lợi thế dễ tạo ra một chữ mới bằng cách gộp gọn từ hai chữ đã có sẵn, cứ như là sự sinh con đẻ cái của sinh vật. Do đó, mỗi năm ngữ vựng Anh ngữ mỗi có thêm nhiều từ ngữ mới; từ điển Anh ngữ cũng phải phát hành ấn bản cập nhật thường kỳ.
 
Global Language Monitor (GLM), một công ty tư nhân đặt căn cứ ở Austin TX chuyên theo dõi sự phát triển của Anh ngữ, đầu năm 2014 cho biết tổng số chữ trong ngữ vựng Anh ngữ là một triệu hai mươi lăm ngàn một trăm lẻ chín chữ. (The number of words in the English language is: 1,025,109.8. This is the estimate by the Global Language Monitor on January 1, 2014. http://www.languagemonitor.com/number-of-words/number-of-words-in-the-english-language-1008879/).
 
Nhưng bạn và tôi đừng vội thấy con số quá vĩ đại mà giật mình. Thật ra từ điển Anh ngữ uy tín nhất là Oxford English Dictionary cũng chỉ chứa 171,476 chữ hiện dùng. Điều đáng cho bạn và tôi mừng hơn nữa là chỉ có 3,000 chữ thường dùng trong đời sống hàng ngày mà thôi. Nếu chúng ta biết dùng ba ngàn chữ đó thì trình độ Anh ngữ của chúng ta được coi như là lưu loát theo tiêu chuẩn của tôi. Các nhà văn lớn Anh Mỹ nổi tiếng cũng chỉ dùng khoảng từ 10,000 đến 15,000 chữ trong những tác phẩm kiếm bạc triệu của họ. Điều này cũng tự nhiên thôi, vì nếu tác phẩm của họ chứa nhiều chữ cao xa khó quá thì ai mà hiểu cho nổi. (http://www.lingholic.com/how-many-words-do-i-need-to-know-the-955-rule-in-language-learning-part-2/).
 
 (Ảnh minh họa trên Net)
 
Chữ lạ tôi vừa gặp là chữ "infobesity" do hai chữ "information" và "obesity" gộp gọn lại với nhau. Dịch ra Việt ngữ như thế nào đây? Béo phì thông tin? Bạn nghĩ như vậy nghe có được không? Bạn có đề nghị gì không? Chữ "infobesity" được dùng để chỉ tình trạng tràn ngập, thừa mứa, áp đảo, choáng ngợp, quá tải thông tin, "information overload", một tình trạng mà ngày nay hầu như ai cũng gặp phải.
 
Nếu bạn giống như tôi, một người tham lam muốn biết mọi thứ tin tức, thì bạn cũng đang bị chứng bệnh "infobesity" đó. Tôi đọc tin tức trên các báo mạng, tôi có hộp thư điện tử, có tham gia vài diễn đàn, có trang mạng xã hội Facebook. Ngần thứ thông tin dù không tìm cũng tới ấy tràn ngập, chúng ta - tôi và bạn - có ngồi đọc cả ngày cũng không thể nào tiêu thụ cho hết.
 
Ngoài chữ "infobesity" còn có thuật ngữ "infoxication" ghép gọn từ "information" và "intoxication": nhiễm độc thông tin. "InfoAddict" (người nghiện thông tin) nghe đã đủ sợ; "intoxication" nghe càng sợ hơn. Tôi từng thấy nhiều nam thiếu niên trong vòng thân thuộc đáng được gọi là "InfoAddict" vì suốt ngày cắm cúi trước màn ảnh máy điện toán đến quên ăn quên ngủ. Từ chỗ "InfoAddict" tới "infoxication" coi bộ không xa.
 
Tại sao thông tin làm cho chúng ta nghiện để trở thành béo phì và nhiễm độc? Tôi nghĩ tại vì hai lý do: số lượng thông tin quá thừa mứa để tiêu thụ và tính tham cái gì cũng muốn biết của chúng ta. Đó là người ta ví thông tin như thức ăn cho trí óc. Ai mà chẳng ham tìm tòi học hỏi. Ai mà chẳng muốn theo kịp với trào lưu. Ai mà chẳng cảm thấy quê khi người ta bàn chuyện gì mình cũng ngớ.
 
Bây giờ hãy nói đến một sự so sánh khác. Chắc bạn cũng thường nghe nói "siêu xa lộ thông tin" (information superhighway). Thật đúng khi so sánh thông tin như một siêu xa lộ với dòng xe cộ lưu thông tấp nập, có lúc xảy ra tình trạng ứ đọng kẹt xe, lưu thông tắt nghẽn. Đó là vì số lượng xe cộ đổ vào xa lộ quá nhiều, chữ thường dùng ngày nay là "quá tải" (overload).
 
 (Xa lộ thông tin - ảnh minh họa trên Net)
 
Tình trạng quá tải thông tin xảy ra khi số lượng thông tin đi vào quá ào ạt dồn dập khiến cho người nhận giải quyết không kịp, chỉ còn cách loại bỏ bớt. Nếu bạn giỏi về khả năng điều hành, quản trị và tổ chức, bạn có thể giải quyết nhanh chóng: thông tin nào cần loại bỏ, cần đọc ngay, cần giữ lại; thư nào nên vứt, thư nào cần trả lời. Nên nhớ, dù bạn hiện đang có khả năng này, nhưng càng lớn tuổi bạn sẽ càng chậm đi, như bản thân tôi đang kinh nghiệm đau thương.
 
Tình trạng quá tải thông tin ngày càng trở nên trầm trọng xung quanh ta. Bạn để ý mà xem, trước đây bạn bè người thân còn thường hay dùng điện thoại gọi nhau để tán chuyện cà kê dê ngỗng, còn nghe giọng pha trò và tiếng cười giòn giã. Dần dà tiếp đến, các cuộc điện đàm vơi đi và được thay thế bằng thư điện tử, lời bình trên Facebook. Nói chuyện chuyển qua gõ chữ, bây giờ gõ chữ cũng ít và chỉ còn đọc thôi, ngụp lặn trong trùng khơi biển cả thông tin mênh mông không bờ bến.
 
Trong xã hội ngày nay, những sinh hoạt hàng ngày đều liên quan và lệ thuộc vào kỹ thuật thông tin. Ngoại trừ một số ít người (MC Nguyễn Ngọc Ngạn?), hầu như chúng ta ngày nay ai cũng dùng computer và internet cả. Tôi nghĩ nếu ai cấm tôi không được vào (truy cập?) Internet nữa thì tôi không biết tôi phải làm gì và tôi sẽ khổ sở như thế nào. Gõ đến đây, tôi chợt nhớ một người thân ở trong nước than thở bị "mất mạng", nghe mà hết hồn. Hóa ra đó chỉ là sự gián đoạn Internet. Lại một chữ lạ đối với tôi.
 
Thế giới đang vào một kỷ nguyên mới, ngày càng có nhiều "netizen", - một thuật ngữ gộp gọn từ hai chữ "internet" và "citizen" - có nghĩa "người thường xuyên dùng internet" như bạn, như tôi. Chúng ta dùng internet để liên lạc thư từ, đọc tin tức, nghe và xem phim ảnh giải trí, mua sắm và thanh toán hóa đơn trực tuyến (online shopping, online banking), tham khảo và nghiên cứu tài liệu, khai thuế lợi tức hàng năm, v.v. Internet mang lại cho chúng ta rất nhiều tiện nghi và lợi ích. Chúng ta có khuynh hướng ngày càng phụ thuộc vào internet.
 
Nhưng bên cạnh các lợi ích mà internet mang tại, tôi cũng cảm thấy dường như tôi càng bị cơn lũ thông tin nhận chìm khiến cho tôi ít còn thì giờ cho những sinh hoạt khác. Tin tức báo chí trực tuyến, thư điện tử, tin nhắn FB, bài viết, video chuyển tiếp kèm lời giới thiệu "rất hay", "nên xem", v.v. cập nhật liên tục suốt ngày; cứ ngồi vào trước màn hình là hầu như dính mắt ở đó không rời. Vấn đề là một phần không nhỏ những thư, lời nhắn, thông tin đó là không liên quan, thiếu chính xác, thiếu trung thực, thiếu nguồn trích dẫn làm cho chúng ta tốn thì giờ lọc lựa, kiểm chứng.
 
Ôi cơn lũ thông tin đang nhận chìm biết bao người, trong đó có tôi.
 
Phan Hạnh. 

Không có nhận xét nào: