Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

BÔNG HOA ĐỜI TRÊN NGÔI MỘ HOANG‏ - by Thanh Thương Hoàng

images (13)
Email 1.
Thưa Ông,
Qua một người bạn thân, tôi rất hân hạnh được quen biết ông. Trước hết, tôi xin tự giới thiệu tôi là Mark D. Kennedy, cựu quân nhân đã từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam và Kampuchia từ năm 1970 tới 1972.<!->
 Hiện tôi sống tại New York với gia đình và hành nghề phóng viên nhiếp ảnh cho nhật báo N. Qua mạng internet tôi được biết ông Nguyễn Thanh Thu là người đã từng quản lý Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên xa lộ Biên Hòa, hiện sống tại Los Angeles. Tôi rất muốn biết địa chỉ của ông nầy. Nếu có thể được mong ông vui lòng giúp đỡ tôi.
Vô cùng biết ơn ông.
Chào ông,
Mark D. Kennedy.
Email 2:
Ông Mark quý mến,
Tôi có thể tìm giúp ông địa chỉ của ông Nguyễn Thanh Thu nhưng trước hết tôi xin nói ông rõ: Ông Nguyễn Thanh Thu không phải là sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia, tác giả pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngồi ôm súng an nghỉ đặt trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa bên xa lộ Biên Hòa. Tôi nghĩ ít nhất ông cũng đã một lần nhìn thấy pho tượng nầy trước năm 1975. Có thể nói đây là một tác phẩm tuyệt vời. Các điêu khắc gia tên tuổi đã nhìn nhận là một pho tượng sống, sẽ tồn-tại mãi với thời gian.
Nếu không trách tôi quá tò mò, ông có thể cho biết rõ lý do tìm người quản lý nghĩa trang Quân đội VNCH, để may ra giúp ích được ông một phần nào chăng! Chúc ông vui khỏe, may mắn.
Email 3.
… Rất cám ơn ông đã cho tôi biết điều tôi lầm. Vâng, quả là tôi muốn biết tin tức, đồng thời rất muốn gặp viên sĩ-quan quản lý Nghĩa trang Quân-đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa. Vì chỉ có ông này mới có thể giúp tôi biết điều tôi muốn biết. Nếu ông ta còn sống thì dù ở bất cứ nơi nào tôi cũng phải tìm gặp bằng được. Tôi đã gần như tuyệt vọng qua mấy lần về Việt Nam tìm kiếm. Không một ai biết tin tức về ông ta. Tôi nghĩ có lẽ ông ta đã chết trong trại tù cải tạo. Nếu đúng vậy quả là một sự bi thảm, một sự đau đớn không bao giờ chấm dứt trong suốt cuộc đời còn lại của tôi. Tôi có thể nói với ông đây là một việc vô cùng quan trọng, một sự bức xúc to lớn đã nung nấu trong tim tôi, trong đời sống tôi gần 30 năm qua. Nếu ngày nào chưa giải quyết xong món nợ ân tình nầy thì chẳng bao giờ đời sống của tôi được yên ổn, mặc dầu tôi phải nói để ông biết tôi có một gia đình rất hạnh phúc đầm ấm với người vợ tốt đẹp và đứa con trai ngoan.
Việc quan trọng, tối ư quan trọng đối với tôi là tôi muốn tìm địa chỉ một người chết. Vâng, một người chết. Tôi mắc món nợ lớn với người nầy. Khi còn sống anh là sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mang cấp bậc Đại úy. Đại úy Lữ Sơn, bạn thân của tôi. Khi tôi về nước một thời gian, vào khoảng cuối năm 1974, nhận được tin anh tử trận trong một trận phục kích của địch. Và điều tôi biết chắc thi thể anh đã được chôn cất tại Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa với đầy đủ lễ nghi quân cách, mặc dầu lúc đó nước VNCH đang bị người ta trói lại sắp đem chôn sống.
Mong ông cố gắng tìm giúp tôi những gì có liên quan tới người bạn thân – một ân nhân đã chết – của tôi. Cám ơn ông lắm lắm.
Trông tin ông.
Email 4.
Cám ơn ông luôn hỏi thăm. Tôi rất tiếc chưa giúp được gì cho ông. Tôi đã dò hỏi nhiều nơi, kể cả một số bạn bè cựu quân nhân hiện còn trong nước, không một ai biết rõ về viên sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân đội VNCH. Ngay những cấp chỉ huy của viên sĩ quan nầy sau khi đi tù cải tạo về cũng không biết ông ta hiện sống ở đâu hay đã chết. Nhưng tôi nghĩ rằng sớm muộn gì chúng ta cũng tìm ra địa chỉ người bạn đã chết của ông, vì người chết không cần nhu cầu di chuyển chỗ ở để tìm sự sống như người sống. Họ đã bám trụ vĩnh viễn miếng đất chết đó. Xin Thượng đế phù-trợ cho ông sớm thành đạt ước nguyện.
Email 5.
Có lẽ ông lầm hoặc ông không còn nhớ, xin lỗi ông. Qua tin tức báo chí tôi biết là sau khi tiến chiếm Sài Gòn vào năm 1975, Cộng sản đã ra lệnh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi và một số nghĩa trang khác. Như vậy người chết cũng bị đuổi ra khỏi ngôi mộ của mình như những người sống bị đuổi ra khỏi nhà thành phố để đi vùng kinh tế mới. Nhưng điều tôi biết rõ cho tới hôm nay Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa chưa bị giải tỏa. Chưa bị giải tỏa không có nghĩa là người Cộng sản tôn trọng những người lính quốc gia đã chết vì cầm súng chống lại họ mà theo tôi vì họ chưa có nhu cầu sử dụng khu đất ấy. Cách đây 5 tháng tôi đã về Sài Gòn và đã đến Nghĩa trang nầy nên tôi mới dám cả quyết với ông như vậy. Tuy nghĩa trang chưa bị giải tỏa, chưa bị san bằng nhưng quả là vô cùng hoang phế, tang thương. Tôi có cảm tưởng đó là một bãi tha ma hơn là một nghĩa trang quốc gia. Khi nghĩa trang nầy chưa bị thủ tiêu thì niềm hy vọng tìm ngôi mộ người bạn tôi chưa bị dập tắt.
Email 6.
Tôi rất vui báo tin ông biết tôi có một người bạn hy vọng có thể giúp ích cho ông trong việc tìm kiếm ngôi mộ người bạn sĩ quan VNCH của ông. Ông nầy tên là Lê, giám đốc chương trình “Huynh đệ chi binh”, một tổ chức từ thiện bất vụ lợi nhằm mục đích giúp đỡ các thương phế binh và gia đình tử sĩ VNCH hiện còn sống trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vật chất. Tổ chức nầy có trụ sở tại thành phố San Jose, Bắc California và đã hoạt động trên 10 năm. Họ quyên góp được khá nhiều tiền, phẩm vật – nhất là xe lăn – gởi về Việt Nam giúp những người kể trên.
Ông Lê trước 1975 là Trung tá Quân lực VNCH. Sau 30-4-1975 ông bị kẹt ở lại và bị bắt đi tù cải tạo hơn 10 năm. Ông và gia đình đến Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO năm 1990. Cảm thông sâu xa nỗi đau của những người bạn đồng ngũ đang sống quằn quại trên quê hương, ông Lê sáng lập tổ chức “Huynh đệ chi binh”. Qua 10 năm hoạt động, tổ chức của ông Lê đã có một uy tín lớn trong các cộng đồng người Việt khắp thế giới. Và cũng chính tổ chức của ông đã giúp đỡ hàng ngàn người chiến binh VNCH cũ thoát khỏi tình trạng vật chất ngặt nghèo, cái chết vì đói đang lơ lững nơi cổ họ. Trong cương vị giám đốc tổ chức “Huynh đệ chi binh”, do nhu cầu công việc, ông Lê có rất nhiều tài liệu cũng như những sự kiện liên quan tới các cựu chiến binh VNCH. Do đó tôi hy vọng ông Lê sẽ giúp ông tìm kiếm ra manh mối những người có liên quan đến người bạn đã chết của ông.
Xin chúc ông sớm đạt ước nguyện và một ngày nào đó tôi hy vọng gặp ông để tay bắt mặt mừng, nghe ông hân hoan loan báo tin lành… Tạm biệt ông. Thật đáng tiếc chúng ta quen biết nhau, gặp gỡ nhau trong máy điện toán bấy lâu mà lại chưa gặp nhau lấy một lần ở ngoài đời.
TB. Tôi đã phone cho ông Lê nói rõ về ý muốn của ông và dưới đây là địa chỉ email của ông Lê.
Email 7.
Kính chào ông Lê.
Tôi là Mark D. Kennedy. Tôi được sự giới thiệu của bạn ông là ông Bao Nguyễn. Chắc ông Bao Nguyễn đã thông báo với ông đầy đủ về tôi. Tôi rất hân hạnh làm quen với ông. Tôi biết ông là một người đã làm nhiều việc tốt đẹp cho những bạn đồng ngũ cũ của ông hiện còn kẹt lại Việt Nam. Tôi mong muốn chúng ta trở thành bạn thân.
Email 8.
Tôi rất hân hạnh quen biết ông. Tôi rất vui lòng và sẵn-sàng giúp đỡ ông trong việc tìm kiếm ngôi mộ Đại Uùy Lữ Sơn tại Nghĩa-trang Quân đội VNCH bên xa lộ Biên-Hòa. Hiện nay trong mấy cái tủ đựng hồ sơ của tôi, tôi đã lùng tìm mà chưa lần ra manh mối người quản lý nghĩa trang nầy. Tôi đang gởi email cho tất cả bạn bè tôi trên khắp thế giới và cả trong nước để họ giúp đỡ. Tôi có rất nhiều hy vọng. Ông có thể cho biết lý lịch Đại úy Lữ Sơn?
Email 9.
Tôi tha thiết mong ông và các bạn ông giúp đỡ để tôi sớm đạt được nguyện vọng to lớn của mình. Nói rõ hơn đây là một món nợ ân tình lớn cuả đời tôi. “Nó” đã ám ảnh tôi hơn 20 năm qua. “Nó” đã thúc giục tôi lao vào biển sương mù dày đặc với những hiểm nguy ngặt nghèo mà có lần (nói theo người Việt các ông) sinh mạng tôi treo trên sợi tóc. Lần trước, đứng kề bên cái chết tôi đã có vị cứu tinh là Lữ Sơn. Còn lần nầy, mấy người bạn Việt-Nam của tôi nói chính hồn ma Lữ Sơn cứu tôi đấy! Lúc sống anh đã cứu tôi và lúc chết lại cũng vẫn là anh cứu tôi. Ơn nầy chất chồng biết làm sao tôi trả cho được!
Lữ Sơn khi còn sống, những ngày bên tôi, anh ít nói về mình, ít nói về gia đình mình. Qua lời các bạn bè của Lữ Sơn thì cha anh là một sĩ quan mang cấp bậc Đại Tá ngồi trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH. Và người chú ruột của anh là Tướng Tư Lệnh Vùng. Nếu như người khác, với thế lực to lớn của gia đình như vậy, Lữ Sơn có thể tự ý chọn lựa một chỗ ngồi thích hợp và yên ổn an nhàn ở Thủ đô. Nhưng anh đã quyết đi con đường của mình, đầy gai góc nhưng cũng đầy oanh liệt hào hùng đối với người trai thời loạn: ra chiến đấu ngoài chiến trường.
Lữ Sơn chưa lập gia đình. Khi chết anh để lại một người yêu mới ngoài 20 tuổi. Cô gái nầy cũng là bạn chí thân của bà vợ tôi bây giờ. Tôi và Lữ Sơn tình cờ gặp hai cô gái quê hiền lành chất phác trong một cuộc hành quân lục soát tìm kiếm kẻ địch ẩn náu trong làng. Chính họ đã chỉ cho chúng tôi biết một cái hầm cất giấu vũ khí của địch. Cuộc tình của Lữ Sơn và cô gái quê thơ mộng đẹp lắm. Hai người đã hứa hôn và chờ khi đất nước hòa bình mới làm lễ cưới. Rất tiếc tới bây giờ tôi vẫn chưa biết cô ta ở đâu, sống hay chết.
Nghĩ tới những việc đã qua, dĩ vãng bỗng ào ào kéo tới làm tôi xúc động không cầm được nước mắt. Tôi không thể viết tiếp cho ông được nữa
Xin hẹn thư sau.
Email 10.
Ông Lê,
Tôi xin lỗi đã chậm trễ trả lời thư ông, có lẽ hơn một tháng rồi phải không? Sở dĩ có sự chậm trễ trả lời này vì tôi phải thu xếp một số công việc riêng tư. Gia đình chị vợ tôi được vợ chồng tôi bảo lãnh mới đặt chân xuống đất Hoa Kỳ đầu tháng rồi. Chúng tôi rất bận rộn để lo cho gia đình họ từ chỗ ăn ở đến công việc làm và sự học hành của mấy cháu nhỏ. Tôi chắc ông thông cảm với những khó khăn và bận rộn chúng tôi vừa gặp, vì tôi biết ông cũng đã đứng bảo lãnh cho nhiều gia đình.
Bây giờ mọi sự tạm ổn định nên tôi mới có thì giờ viết thư cho ông đây. Vâng, tôi đã về Việt Nam, nói rõ hơn là Sài Gòn, tất cả 3 lần từ sau 1975. Lần thứ 3 cách đây 5 tháng. Khỏi nói ông cũng biết tôi trở lại Việt Nam với tâm trạng của một kẻ vào hang cọp. Nhưng vì ân tình thiêng liêng cao quý của người bạn nên tôi phải liều. Lần nào cũng vậy, khi vừa tới Sài Gòn còn chân ướt chân ráo, tôi đã tìm cách lên Nghĩa trang Quân đội VNCH ở xa lộ Biên-Hòa ngay. Hình như có một cái gì như là sức mạnh vô hình đưa đẩy thúc giục tôi hành động. Lần thứ nhất, vào năm 1978, người lính Cộng sản gác nghĩa-trang cương quyết không cho tôi vào mặc cho tôi giải thích, năn nỉ. Tất nhiên tôi nói với họ bằng tiếng Việt. Tôi xin mở ngoặc là vợ tôi đã dạy tôi nói tiếng Việt rất giỏi, có người khen “đặc giọng Nam”. Tôi thất vọng trước sự nạt nộ đe dọa của người lính Cộng sản đành trở về khách sạn. Ông giám đốc khách sạn chỉ dẫn cho tôi cách làm đơn xin phép chính quyền địa phương. Nhưng sau mấy ngày vợ tôi chạy chọt vất vả, tôi vẫn không bước qua được cổng nghĩa trang. Tôi buồn rầu đưa vợ về thăm quê ngoại ở miền Tây. Vừa tới nơi, chưa kịp chuyện trò với ông bà già vợ, tôi đã bị chính quyền địa phương bắt giam về tội CIA. Vợ tôi phải mất một số tiền hối lộ khá lớn họ mới chịu buông tha tôi. Vợ tôi tin nhờ hồn ma của anh bạn Lữ Sơn phù hộ tôi mới sớm thoát nạn.
Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn rùng mình khủng khiếp với 7 ngày đêm trong một phòng giam nhỏ bé chật hẹp tăm tối hôi hám bẩn thỉu. Ngoài sự thân thể bị rệp muỗi thường trực thi nhau hút máu, hàng ngày tôi liên tục bị gọi lên “làm việc”. Họ tra vấn và bắt viết “bản tự khai”. Ngày nào cũng hỏi, ngày nào cũng viết đến phát điên. May mà chỉ có 7 ngày (tôi coi như 7 năm dài) tôi đã thoát nạn. Do đó tôi rất thông cảm và kính phục sự chịu đựng dẽo dai ghê gớm của các ông bị giam cầm trong các trại tù cải tạo hàng chục năm liền. Khi được thả tôi và vợ vội vã trở lại Sài Gòn và đáp máy bay về Mỹ ngay. Thật hú vía!
Email 11.
Mong ông vui lòng kể tiếp cho tôi nghe chuyến thứ hai của ông về Việt Nam. Ông tuy là một chuyên viên nhiếp ảnh mà kể lại sự việc như một nhà báo chuyên nghiệp. Tôi rất thú vị theo dõi câu chuyện ông kể. Cám ơn ông.
Email 12.
Cám ơn những lời khen tặng của ông. Tôi xin tiếp tục kể tiếp chuyến thứ hai về Việt Nam. Qua tin tức báo chí, truyền hình và nhất là nhiều người bạn thân cựu chiến binh của tôi sau khi đi Việt Nam về cho biết Việt Nam bây giờ đã đổi mới, đã cởi mở. Họ mở rộng cửa đón tiếp du khách. Du khách có thể ra vào thong thả không bị gây sự khó khăn phiền hà và bắt bớ giam cầm vô lý như trước nữa. Vì nôn nóng tìm mộ bạn tôi bàn với vợ quyết liều một phen nữa xem sao. Đó là vào đầu năm 1993 chúng tôi đáp máy bay về Việt Nam.
Quả là thành phố Sài Gòn có đổi khác trước nhiều. Nhà cao tầng mọc lên khắp nơi. Người Sài Gòn ra đường với những bộ quần áo đẹp đẽ, lịch sự. Xe hơi xe gắn máy xe đạp chen chúc đầy đường. Sau khi ổn định chỗ ở trong một khách sạn sang trọng nằm giữa trung tâm thành phố, vợ chồng tôi thuê một xe taxi chở lên xa lộ Biên Hòa. Lần nầy Nghĩa trang không thấy có lính gác nữa. Nhờ sự chỉ dẫn mách bảo mánh mung của anh bồi phòng, vợ chồng tôi đi thẳng tới căn nhà của giới chức có phận sự trông coi Nghĩa trang. Người nầy lớn tuổi, vẫn ăn mặc theo lối bộ đội, trông mặt khó chịu và hơi dữ dằn. Ông ta không mấy thiện cảm khi nhìn tôi, nhất là khi tôi cho biết ý định. Vợ tôi tinh ý mở túi xách lấy gói thuốc lá hiệu ba số 5 và một phong bì căng phồng đưa ông ta. Ông ta thản nhiên tiếp nhận và mở gói thuốc lấy ra một điếu hút liền. Còn cái phong bì ông ta biết là có gì trong đó rồi nên nhét ngay vào túi quần. Sau khi hỏi một số chi tiết cho đúng thủ tục, với vẻ quan trọng, ông ta hướng dẫn chúng tôi đi vào Nghĩa trang tìm kiếm. Ông ta cũng không biết gì hơn về những ngôi mộ coi như vô chủ.
Bây giờ tôi xin tạm ngưng vì đêm đã quá khuya. Tôi còn phải đi ngủ để sáng mai đi làm việc. Xin hẹn ông thư sau.
Email 13.
Nếu có thể được xin ông vui lòng tả sơ qua cho tôi biết hiện trạng Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa. Nhiều bạn bè thân thiết và cùng khóa với tôi nằm trong đó. Tôi có nhiều người quen về Việt Nam nhưng vì không có liên hệ gì nên họ không quan tâm tới Nghĩa trang nầy. Trước đây tôi nghe nói pho tượng người chiến sĩ quốc gia ngồi an nghỉ nơi cổng Nghĩa trang đã bị phá bỏ và ngôi mộ lớn của một vị Tướng cũng cùng chung số phận. Không biêt sự thật có đúng vậy không?
Email 14.
Tôi đã mất một ngày trời sục sạo lùng kiếm trong Nghĩa trang. Nghĩa trang mênh-mông vắng lặng quạnh quẽ đến não lòng. Hàng ngàn ngôi mộ coi như hoang phế tàn lụi, cỏ dại mọc đầy phủ lấp. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngôi mộ được dọn dẹp sạch sẽ, có đặt bình hoa bằng nhựa và những nén hương cháy dở. Nhiều, rất nhiều tấm bia nhỏ ghi tên tuổi số quân người chết, bị đập bể nằm chổng chơ bên lối đi, vì hầu như tất cả những ngôi mộ đều chịu chung số phận như nhau, tức là đều bị bàn tay con người cộng với tàn phá hủy hoại của thời gian không còn giữ nguyên được hình thù của một ngôi mộ nữa! Có rất nhiều ngôi mộ chỉ còn lại mấy viên gạch vỡ. Nghe nói người ta đã vào đây đập phá những ngôi mộ lấy gạch về xây nhà ở. Còn pho tượng lớn người chiến sĩ VNCH ngồi an nghỉ nơi cổng vào Nghĩa trang thì không còn thấy nữa. Có người cho tôi biết pho tượng bị phá hủy từ lúc mới “giải phóng” kia. Tiếc thay một công trình nghệ thuật – một tuyệt tác đã bị bàn tay thù hận phá hủy!
Viên cán bộ phụ trách Nghĩa trang sau ít phút hướng dẫn vợ chồng tôi đi đã bỏ cuộc để chúng tôi “muốn đi tới chỗ nào túy ý”. Chúng tôi đã vạch cỏ từng ngôi mộ. Mãi tới lúc mặt trời sắp lặn vẫn không tìm thấy ngôi mộ Lữ Sơn. Chúng tôi quá mệt mỏi nên đành buồn rầu từ giã Nghĩa trang. “Lữ Sơn ơi, nếu hồn anh có linh thiêng hãy hướng dẫn chúng tôi tìm ra ngôi mộ anh”. Tôi thầm kêu lên như vậy khi bước lên xe taxi trở về thành phố Sài Gòn. Ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, vợ chồng tôi tiếp tục lên Nghĩa trang lùng kiếm. Nhưng vô vọng. Tôi có rất nhiều ảnh chụp Nghĩa trang, hàng trăm tấm. Nếu ông muốn tôi sẽ gữi tặng. Ông coi ảnh sẽ biết sự hoang phế tệ hại tới mức nào. Đúng là một bãi tha ma chứ không còn là một Nghĩa trang quốc gia.
Email 15.
Mấy ngày vừa qua tôi rất bận vì phải tháp-tùng phái đoàn Tổng-thống đi họp hội nghị quốc tế. Ông Tổng thống này cương quyết đòi đánh Iraq bằng được để diệt Saddam Hussein mà trước đây hơn 10 năm ông Tổng thống bố ông đã ra tay nhưng chưa tóm cổ được lão nầy. Lúc còn trai trẻ tôi đã nếm mùi chiến tranh, đã mấy lần suýt chết vì chiến tranh, bây giờ nhìn lại vẫn thấy rùng mình. Bao giờ nhân loại mới chấm dứt chém giết nhỉ? Lại sắp có bao nhiêu chàng trai lao mình vào cõi chết. Ôi chiến tranh, tôi thù ghét căm phẫn nó vô cùng. Ước gì tôi là Tổng thống!
Email 16.
Lần thứ ba tôi trở lại Việt Nam tôi đã bị lừa. Có một người cho tôi hay họ biết ngôi mộ Lữ Sơn nằm chỗ nào trong Nghĩa trang Quân đội. Tôi phải mất một số tiền để có được bản họa đồ chỉ dẫn. Họ nại cớ không dám đi cùng tôi vì sợ chính quyền nghi kỵ làm khó dễ. Theo đúng sự chỉ dẫn của bản họa đồ tôi đã đến ngôi mộ mà người ta bảo đó là của Lữ Sơn. Nhưng sau khi xem xét tôi chẳng thấy bằng chúng nào chứng tỏ bạn tôi nằm trong ngôi mộ đó. Mộ chưa được xây và nấm đất được gọi là mộ đó gần như bị san bằng. Cái bằng chứng duy nhất để chứng minh là tấm bia khắc tên tuổi người chết thì không có. Vợ tôi càu nhàu tôi mãi về việc nầy. Có lẽ, tôi nghĩ, mình đã đi vào con đường tuyệt vọng rồi. Bây giờ chỉ còn biết đặt ngôi mộ Lữ Sơn trong trái tim mình thôi. Có người mách bảo đi tìm kiếm thân nhân Lữ Sơn. Một gợi ý hay nhưng trời đất bao la như thế nầy, nhất là sau một cuộc biến đổi long trời lở đất, người người tứ tán muôn phương biết đâu mà tìm kiếm, nhất là với một người ngoại quốc như tôi? Đến người chết nằm một chỗ còn không tìm ra nói gì tới tìm người sống!
Email 17.
Ông muốn biết rõ mối ân tình nặng trĩu và to lớn của tôi đối với Đại úy Lữ Sơn? Vâng, tôi xin thành thật kể ra hết với ông đây. Phải nói là giữa tôi và Lữ Sơn một tình bạn nẩy nở ngay từ lúc đầu khi tôi đến làm cố vấn cho đơn vị anh. Đại đội anh chỉ huy là Đại đội tiền sát. Khi hành quân tôi luôn cặp kè bên anh. Khi rãnh rỗi chúng tôi ngồi bên nhau nhậu nhẹt đến say khướt quên cả đời lính tráng nơi tiền tuyến, quên cả thần chết thường trực rình rập chung quanh. Vào thời điểm nầy hiệp định Ba Lê ký kết Mỹ sẽ rút quân về nước bỏ mặc cho VNCH chống chọi với quân Cộng sản. Với một quân số đông gấp mấy lần và với võ khí tối tân hơn, quân Cộng sản liên tiếp gây thiệt hại cho quân VNCH trên nhiều mặt trận. Người Việt Nam cho rằng tại người Mỹ bỏ rơi đồng minh nối giáo cho giặc. Anh em binh sĩ trong đơn vị của Lữ Sơn thù ghét khinh bỉ tôi ra mặt. Chỉ còn ít ngày nữa tôi giã từ họ về Sài Gòn hồi hương nên tôi cóc cần. Một hôm toán tuần tiểu của họ bị Cộng sản phục kích làm chết một số người. Đau đớn trước sự mất mát mà họ cho là phi lý, có nội tuyến và có thể cộng với sự hiểu lầm về một cử chỉ hoặc thái độ nào đó của tôi, họ đã nổi giận nhất loạt chĩa mũi súng vào tôi quy trách nhiệm. Họ đòi đem tôi ra bắn để trả thù cho cái chết của đồng bạn!
Nhìn những đôi mắt quắc lên giận dữ, rực lửa hận thù, nhìn những mũi súng đen ngòm chĩa thẳng vào ngực mình, tôi biết đã tới lúc tôi phải lên đoạn đầu đài chịu tội cho cả nước Mỹ. Tôi không thể giải thích cho họ hiểu tôi cũng như họ chỉ là nạn nhân của bọn to đầu. Tôi không tình nguyện đến nước nầy để giết người hay để người giết. Tôi đến vì người ta bắt phải đến. Tôi giết vì nếu không giết thì sẽ bị giết. Tôi đến hay đi hoàn toàn không phải ở tôi mà ở bọn chóp bu ngồi cách xa nơi nầy cả nửa vòng trái đất!
Trước sự “hận thù đằng đằng” tôi phải cầu cứu tới Lữ Sơn, lúc ấy đang đứng bên tôi và tỏ ra vô cùng lúng túng, bối rối. Trước ánh mắt sợ hãi và cầu cứu của tôi, Lữ Sơn đã đứng ra can thiệp. Anh nói nhiều lắm, bây giờ tôi không còn nhớ hết anh đã nói những gì nhưng nội dung chính vẫn không ngoài sự ngăn cản, khuyên giải. Nhưng đám đông vẫn không chịu buông súng nghe theo. Họ la lối gào hét đòi quyết giết tôi. Sau khi với tư cách chỉ huy ra lệnh cho họ không nghe, Lữ Sơn nói lớn: “Vậy trước khi giết chết người Mỹ nầy, các bạn hãy giết tôi đi. Người Mỹ nầy vô tội, chúng ta đừng giận cá chém thớt. Dân tộc ta chưa bao giờ có truyền thống giết hại người ơn của mình. Dân tộc ta bao giờ cũng lấy nhân nghĩa làm đầu. Vậy tôi xin chết thay cho anh ta”. Dứt lời Lữ Sơn đứng ra lấy thân mình anh che chắn cho tôi. Đám đông giao động bàn tán. Ít phút sau họ tự động giải tán. Thế là tôi thoát chết. Lữ Sơn đã đem thân mình tình nguyện chết để cứu sống tôi. Ông thấy ơn nầy to lớn quá phải không? Khi đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời tôi đã lấy tên Lữ Sơn đặt cho nó. Vì ông hỏi nên tôi mới nói ra sự việc đau lòng nầy. Thực sự nó chẳng đẹp đẽ gì trong mối quan hệ giữa người Mỹ và người Việt vốn đã quá bi thảm tăm tối.
Tôi về nước, cuối năm 1974 nhận được tin Lữ Sơn tử trận. Anh chết vì cứu người đồng đội bị thương nặng. Một băng đạn AK phá nát bộ ngực anh. Tôi đã khóc mấy ngày liền, bỏ cả ăn uống, công việc.
Email 18.
Sau một thời gian khá dài, đến hơn 3 tháng chúng ta không viết thư cho nhau phải không? Hôm nay tôi xin thông báo một tin vui, rất vui. Ánh sáng đã rọi qua đám sương mù dày đặc của ông. Những hy vọng tìm mộ người bạn quá cố có thể trở thành hiện thực. Tôi đã tìm được địa chỉ người em ruột của Lữ Sơn hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông có thể liên lạc trực tiếp với ông ta theo địa chỉ email ……
Chúc ông may mắn và thành công.
Email 19.
Tôi không biết nói gì để bộc lộ lòng trân trọng và sự biết ơn của tôi đối với ông. Tôi đã gặp ông Lữ Hà, em trai của Lữ Sơn. Tuần vừa qua Lữ Hà đến chơi với gia đình tôi và ở lại mấy ngày. Lúc Lữ Hà đứng trước cửa nhà, tôi xúc động muốn ngất xỉu. Tôi cứ tưởng Lữ Sơn hiện diện. Hà giống hệt Sơn từ điệu bộ đi đứng cười nói. Chúng tôi đã có những buổi chuyện trò tâm tình thú vị và hầu như thức trắng mấy đêm liền. Bao nhiêu kỷ niệm về Lữ Sơn đều được nói ra hết.
Tôi đang cố gắng thu xếp công việc để sớm trở lại Việt Nam lần nữa. Nhất định lần nầy tôi phải thành công vì có người em gái của Lữ Sơn hướng dẫn. Cô ta hiện sống ở một tỉnh xa xôi miền Trung nhưng tôi bắt liên lạc được rồi.
Email 20.
Tôi xin chúc mừng ông. Hình như lịch sử của hai dân tộc chúng ta đã lật sang trang khác nhưng cái ân tình của Lữ Sơn dành cho ông và cái thâm tình ông dành cho Lữ Sơn nhất định sẽ trường tồn, mãi mãi không phai nhạt.
Giữa những bom đạn và chết chóc reo rắc đau thương hận thù triền miên trên trái đất già nua khô cằn nầy vẫn có những bông hoa nhân ái mọc lên rực rỡ ánh hào-quang.
Chúc ông sớm tìm được người bạn quá cố đã nằm trong lòng đất lạnh hơn một phần tư thế kỷ giờ được đánh thức dậy để nhận một bông hoa Đời…
Email 21.
Ông biết không, tôi và vợ tôi đã bật khóc về những dòng chữ ông viết trong email. Thú thật với ông khi mới đặt chân tới đất nước ông, bắt gặp những nhỏ nhặt đời thường, tôi đã có ý nghĩ không mấy tốt đẹp về đất nước nhỏ bé xa xôi hẻo lánh ít được biết tới này. Nhưng rồi với tấm lòng cao quý tỏa ra từ con người Việt Nam chân chính Lữ Sơn – một thanh niên xả thân chiến đấu vì lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do. Rồi sau đó cả triệu người lao vào cõi chết để tìm tự do – một cuộc tìm tự do vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Tôi chưa bao giờ thấy dân tộc nào vĩ đại như vậy. Ý chí kiên cường bất khuất và máu của người Việt Nam trên đường tìm Tự Do đã tô đậm nét vàng son 5 chữ “Tự do hay là chết” lấp lánh đến muôn đời.
Càng khâm phục ngưỡng mộ dân tộc ông tôi càng nôn nóng tìm kiếm bằng được mộ người bạn ân tình của tôi, Đại úy Lữ Sơn.
Nhân đây tôi cũng xin thông báo để ông biết tôi và vợ tôi đã quyết định ngày đến Việt Nam. Đó là ngày mùng Một Tết âm lịch. Ngày mùng Một Tết là ngày quan trọng thiêng liêng nhất của Năm đối với người Việt Nam và là ngày mở đầu của mùa Xuân nên chúng tôi chọn đúng ngày này để viếng mộ Lữ Sơn. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ cỏ rác, tôi sẽ cắm lên mộ Lữ Sơn một bông hoa Hướng Dương mà lúc sinh thời anh rất thích, rồi thắp cho anh một bó hương. Tôi sẽ quỳ xuống ôm ngôi mộ anh nói to lên rằng: “Anh Lữ Sơn! Anh là một anh hùng! Dân tộc anh là một dân tộc kiêu hùng bất khuất! Chúng tôi không bao giờ quên anh, Anh Lữ Sơn!”

by Thanh Thương Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét