Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Đại hội Đảng và tính chính danh cầm quyền - Võ Tấn HuânGửi tới BBC Tiếng Việt từ Canada

altImage copyrightReuters
Sau hơn 70 năm cách mạng tranh đấu giành lại quyền làm chủ của người dân, Việt Nam đang đứng trước thách thức để cụ thể hóa quyền này vào trong cuộc sống thường nhật.<!->
Việt Nam hiện đang có gần 60 phần trăm dân số trong độ tuổi dưới 35. Đội ngũ nhân công trẻ và năng động, cùng với nguồn đầu tư nước ngoài dồi dào, là những động lực để Việt Nam phát triển và vươn xa.
Tuy nhiên, bước vào năm 2016 – hơn bảy thập niên sau cuộc cách mạng – tương lai Việt Nam do Đảng Cộng sản tự phong quyền lãnh đạo, vẫn còn nhiều bấp bênh.
Giữa lúc đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra, điểm gây nhiều chú ý nhất trong dư luận không phải là chủ trương, chính sách, hay tầm nhìn cho quốc gia mà là ai sẽ giữ chức vụ này, ghế kia.

Thiếu tính chính danh

Hơn một nghìn năm trăm đại biểu đại diện cho một thành phần thiểu số cộng sản trong xã hội chỉ đặt trọng tâm làm thế nào để tiếp tục độc quyền nhà nước và tiếm quyền của hơn 90 chục triệu dân Việt Nam.

Những phát biểu “đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta” vẫn là những câu nói sáo rỗng, cũ kỹ, không mang tính thực chất lẫn thực tế. Dù bất kỳ nhân vật cộng sản nào lên nằm quyền thì chế độ hiện hành của đất nước vẫn không chính danh.
Từ lâu nay, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn đề cao quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều này đồng nghĩa với việc nhân dân làm chủ đất nước là yếu tố trung tâm trong cơ chế quyền lực của quốc gia. Cụ thể nhân dân làm chủ là quyền được ứng cử, bầu cử, phúc quyết hiến pháp và các vấn đề hệ trọng khác, cũng như quyền được thay đổi chính phủ và quyền làm chủ chính đáng mảnh đất của mình.
Tuy nhiên, qua các đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như lần Đại hội 12 này và các cuộc bầu cử quốc hội suốt mấy thập niên qua, đã cho thấy rõ người dân không có quyền bầu ra các lãnh đạo quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự đặt mình lên trên nguyện vọng và quyền của nhân dân, tự chọn nhân sự cho đất nước mà không có đối lập – tương tự như việc cầm quyền mà không qua bầu cử.
altImage copyrightAFP
Các cuộc đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mang màu sắc của một đảng chính trị hơn là đại diện cho tương lai của đất nước.
Người dân không có tiếng nói trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước cũng như bầu chọn những người chính trực để lãnh đạo đất nước. Các cuộc bầu cử quốc hội với những kết quả gần một trăm phần trăm thì hầu như ai cũng rõ đó chỉ đậm tính phô diễn hình thức.
Thắng cuộc mà không thắng cử là vẫn chưa đủ để hợp thức hóa tính chính danh cầm quyền.
Cầm quyền không chính danh hiển nhiên không đúng với pháp lý, không phù hợp với tinh thần nhà nước pháp quyền – bất kể đó là nhà nước pháp quyền theo chủ nghĩa hay tư tưởng nào.
Về phương diện chính trị và quốc gia, việc này không thể chấp nhận nếu không muốn nói đây là tội ác đối với lương tâm lãnh đạo và đối với đồng bào của chính mình.
Hậu quả của việc nhân dân không có quyền làm chủ đã dẫn đến việc chính phủ không chính danh.
Danh xưng của chế độ chỉ là tên gọi. Tính chính danh cầm quyền mới thực chất thể hiện sự tôn trọng quyền của người dân trong một xã hội đa dạng, và thực tâm của lãnh đạo chính trực để xây dựng đất nước với một nền tảng vững chắc.

Bắt đầu từ pháp luật chuẩn mực

Quyền lực của chế độ nếu không được nhân dân chuẩn thuận trao quyền – cơ bản nhất là bản quy ước xã hội, tức bản hiến pháp dân chủ – thì dù nhà nước cộng hòa với tư tưởng hay chủ nghĩa gì thì cũng không chính danh.
Pháp luật không chuẩn mực, tùy tiện như Việt Nam hiện nay không chỉ là môi trường thuận lợi cho các phe nhóm lợi ích, tham nhũng và lũng đoạn xã hội mà trên tất cả, đó là lá chắn để phục vụ cho một đảng chính trị tiếm quyền của nhân dân và độc quyền nhà nước. Hiến pháp hiện hành chỉ là công cụ phụ vụ cho một đảng chính trị.
Nguy hại hơn hết, pháp luật không chuẩn mực tiếp tục cản trở quốc gia hướng tới xã hội công bằng và thịnh vượng. Và hơn nữa, nó để lại biết bao hậu quả tai ương cho tương lai đất nước mà các thế hệ sau phải gánh chịu.

altImage copyrightAFP
Dù theo tư tưởng hay chủ nghĩa nào thì cũng cần điều hành xã hội bằng pháp luật, và việc này cần phải cụ thể hóa bắt đầu từ nền tảng cơ bản của hiến pháp thay vì chỉ phát biểu chung chung trong các diễn văn hình thức hoặc bên trong nội bộ của một đảng. Lãnh đạo đất nước nói quanh co, né tránh pháp luật chuẩn mực là ngụy biện, không chính trực.
Pháp luật chuẩn mực – bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân – là cơ bản của pháp luật quốc gia, là đòi hỏi của xã hội công bằng, là điều kiện cho cơ chế nhà nước minh bạch, và là nhu cầu để Việt Nam phát triển toàn diện.
Nền tảng hiến pháp đặc thù với bản sắc dân tộc bao gồm nhiều thành phần trong xã hội sẽ là động lực để Việt Nam phát triển, hội nhập, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, mở đường cho Việt Nam cất cánh và trường tồn.
Việc bầu chọn lãnh đạo của riêng một đảng chính trị nào đó là chuyện nội bộ không thể đánh đồng với việc bầu chọn lãnh đạo quốc gia và nhân sự cho đất nước. Quyền làm chủ của nhân dân đối với việc bầu chọn lãnh đạo quốc gia là yếu tố quan trọng để tạo tính chính cầm quyền.
Chấm dứt lũng đoạn quyền làm chủ của nhân dân để họ tham gia và có tiếng nói chính trị cũng sẽ giúp ổn định xã hội và ổn định chính trị để đất nước phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của những người cầm quyền. Đây đồng thời cũng là nguyên tắc quốc gia.
Phải chăng phối hợp từng bước chuyển đổi để đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân và tạo tính chính danh cầm quyền là mục tiêu để Việt Nam xây dựng sự ổn định lâu dài cho đất nước?
Bài thể hiện quan điểm và văn phong riêng của người viết, hưởng ứng chuyên mục 'Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12' của BBC Tiếng Việt.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét