PARIS, 30-11-2015 (UBBVQLNVN) — Liền khi bộ Luật Hình sự sửa đổi được thông qua tại Quốc hội ở Hà Nội, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã phát hành Thông cáo báo chí bằng Anh ngữ hôm 27-11-2015 bình luận về những sửa đổi trong Bộ Luật đầy tranh cải này. Sau đây là bản dịch Việt ngữ thông cáo ấy :
<!->
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (UBBVQLNVN) chào đón sự huỷ bỏ tội tử hình cho 7 nhóm tội mà Quốc hội Việt Nam Cộng sản thông qua hôm nay. Tuy nhiên, Uỷ ban vô cùng thất vọng cho những hứa hẹn sửa đổi đã không thực hiện việc nâng cấp pháp luật quốc gia ngang đồng với luật pháp nhân quyền quốc tế. Trái lại, còn duy trì những hạn chế đối với tự do và nhân quyền cơ bản tại Việt Nam.
Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, ông Võ Văn Ái, bình luận rằng : “Bộ luật Hình sự sửa đổi xem ra còn kém hơn khi chưa sửa đổi trong việc xử tội đối với những ai hành xử cho mục tiêu nhân quyền. Hàng chục năm qua, Cộng đồng quốc tế đã tạo nhiều áp lực cho việc huỷ bỏ các điều khoản mơ hồ của cái gọi là “an ninh quốc gia”, thì nay vẫn còn nguyên như cũ. Còn bị kèm theo các điều luật tối nghĩa hơn như “vi phạm hay xâm phạm quyền của người khác”, là những điều trái nghĩa với Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ.
Án tử hình được huỷ bỏ cho các tội cướp tài sản (Điều 133 trong Luật Hình sự cũ), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thục phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 cũ), tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 193 &194 cũ), tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231 cũ), tội chống mệnh lệnh (Điều 316 cũ), và tội đầu hàng địch (Điều 322 cũ). Các tội tử hình dành cho tội tham ô tài sản được chuyển sang tù chung thân nếu sau khi kết án bị can chủ động trả lại ít nhất 75% tài sản tham ô. Án tử hình được huỷ bỏ cho người có 75 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, án tử hình vẫn duy trì cho những tội phạm mơ hồ trong chương “an ninh quốc gia” như gián điệp (Điều 80 cũ), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 cũ), là những tội thường được sử dụng kết án những ai phê bình nhà cầm quyền.
Tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Review) tháng 2 năm 2014 trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hà Nội đã cam kết chặt chẽ sẽ sửa đổi Điều 79 cho phù hợp với Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ theo khuyến nghị của nhiều quốc gia, kể cả Na Uy, Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi. Năm 2013, Biện lý nhà nước kêu án tử hình ông Phạm Văn Thu chiếu điều 79 này, vì những hoạt động sinh thái. Nhưng ông đã lãnh án tù chung thân.
Bình luận về án tử hình của Nhà nước Cộng sản, ông Võ Văn Ái nói rằng :
“Việt Nam giảm thiểu một số nhóm tội cho án tử hình nhằm mục đích tuyên truyền cho cái gọi là “chính sách nhân đạo”. Nhưng trong thực tế lại biểu tỏ điều ám ảnh của nhà nước là bịt miệng những tiếng nói độc lập để bảo vệ quyền lực Đảng. Còn việc bãi án tử hình cho những người già trong bộ Luật Hình sự sửa đổi, thì Nhà nước Cộng sản đã chậm tiến tới 500 năm. Vì trong Bộ Luật thời Lê hồi thế kỷ 15 đã minh định không thi hành tội những người già và thiếu nhi”.
Những tội phạm như “tội tuyên truyền chống phá nhà nước” CHXHCNVN (Điều 88 trong Luật Hình sự cũ), hay “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” (Điều 258 cũ) mà Việt Nam hứa hẹn thay đổi vẫn nằm nguyên trong bộ Luật Hình sự sửa đổi, ngoại trừ được thay đổi số thứ tự của điều luật. Một số điều liên quan đến tự do ngôn luận, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, tự do lập hội, tự do hội họp trở nên hạn chế hơn trước.
Một số Đại biểu quốc hội đã chống việc bỏ án tử hình cho nhóm tội tham nhũng. Họ sợ làm yếu đi cuộc tranh đấu chống tham những của nhà cầm quyền được xem như “Quốc nạn”. Một số khác thì ngại rằng các viên chức tham ô sẽ dùng khe hở luật pháp để “mua lại mạng sống của chúng”.
Việc sửa đổi bộ luật Hình sự đã xẩy ra vào lúc nhà cầm quyền đang thông qua một loạt những luật mới nhằm hạn chế nhân quyền tại Việt Nam.
Hôm nay, ngày 27 tháng 11, Quốc hội Cộng sản Việt Nam cũng bàn thảo Dự thảo lần thứ 5 “Luật tôn giáo và Tín ngưỡng” — Dự thảo 4 của luật này đã bị toàn thể các Cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam phê phán mạnh mẽ. Bản dự thảo Luật kỳ này cho phép nhà nước xâm phạm vào nội bộ tôn giáo để kiểm soát mọi hoạt động. Đây là điều vi phạm Điều 18 trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ.
Bộ Luật Lập hội cũng đang tiến hành trong hướng nhà cầm quyền áp đặt sự kiểm soát sinh hoạt các hiệp hội. Một luật khác còn hạn chế quyền được thông tin. Thêm vào đấy, việc sửa đổi bộ luật Tố tụng Hình sự chứa đựng nhiều yếu tố trái ngược với luật nhân quyền quốc tế.
Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét