Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Khi người bán vé số bị XHCN/CS “bóc lột”

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Bài viết theo đơn đặt hàng của “Liên Đoàn Bán Vé Số Dạo” (không có văn phòng, không có ngân sách, ngân quỹ). Xuân Tết sắp về xin gửi đến các bạn trong thôn Danlambao để góp phần giúp họ - tạo chút áp lực từ xã hội với nhà nước CSVN - hy vọng cải thiện tình cảnh của hơn hai trăm ngàn những người tàn tật nghèo bán vé số trên cả nước.<!->
“Giúp vật, vật trả ân - Giúp nhân, nhân đi du lịch” - Hết UBND Tiền Giang tới UB/Cà Mau, hết UB/Bình Phước, tới UB/Đắc Lắc... Nhà nước đua nhau cử cán bộ sắp về hưu đi nước ngoài “học tập xổ số” bằng tiền tỷ của các Công Ty /Xổ Số Kiến Thiết. 

Người dân mai mỉa nói: “Đi đâu cho xa xôi mất công lại tốn kém. Muốn học làm xổ số thì mỗi ông nhận một cọc vé, đi theo những người đang bán vé số, bắt đầu làm việc từ 6g sáng tới 8 giờ tối, đều đặn mỗi ngày chừng một tuần vừa có thu nhập lại nắm hết các “kỹ thuật”. Còn muốn nâng cao thì chừng một ngày ngồi văn phòng máy lạnh dạo trên mạng qua công cụ tìm kiếm Google là nâng cấp lên ngay, nhưng mà có Chính Phủ nước nào trên thế giới tổ chức vé số như trăm hoa đua nở giống tại VN?- Vì vậy thiên hạ không đến học VN thì thôi chứ VN cần gì phải đi học của ai!. Tiền XSKT là để xây dựng phúc lợi nhân dân, trợ giúp xã hội chứ đâu phải để cán bộ giàu có còn lợi dụng núp bóng đi du lịch miễn phí”.

Một lần tôi (người viết) có dịp thăm Hàn Quốc do đối tác tiếp thị tài trợ để tham quan cơ sở của họ (Nhà máy sản xuất sâm Cao Ly) ở ngoại ô Seoul, buổi tối được mời cơm tại một nhà hàng bình thường thôi. Đang mùa hè, cho thoải mái tôi và anh bạn thân người Hàn là đại diện công ty ăn mặc xuề xòa áo pull quần jeans chân mang dép lẹp xẹp, xe vừa dừng là có một nhân viên chạy ra mở cửa cúi rạp mình chào rất cung kính, rồi trước tiền sảnh có tới 6 nhân viên đồng phục đứng 2 bên rạp mình chào mở cửa, bước vào trong ngang tầm mắt chạm ngay một tấm bảng sơn son thếp vàng có giòng chữ Hàn & Anh: Customers are "benefactors" of the enterprise (Quí khách là "ân nhân" của cửa hàng)

Dùng cơm xong ra về, y hệt như lúc đến, ấn tượng với những tư thế chào rạp mình chữ L ngược. Tôi cười nói với anh bạn Hàn: Không biết như vậy có cần lắm không với những đôi dép lẹp xẹp của mình? Anh bạn tôi tròn mắt: “Không hẳn chào mình đâu, dù bán một bữa cơm nhưng họ đang tỏ lòng cảm ơn người mang tiền đến cho họ, bất luận đó là ai.” Một nhà hàng 10 sao, giá có rẻ như thế nào, nhưng nếu không ai vào, cũng có nghĩa là “dead” (chết). Hàn Quốc có thu nhập đầu người 28.000 usd/năm. GDP quốc gia là 1.789 tỉ usd (2014). 

Rọi vào chiều sâu của phẩm giá nhân cách đạo đức con người qua lăng kính xã hội từ câu chữ: “cảm ơn người mang tiền đến cho mình dù bất luận là ai” một câu hỏi đặt ra: Ai là người “mang tiền” đến cho 63 công ty Xổ Số của 63 tỉnh, TP khắp nước Việt Nam hiện nay? Thoạt tiên chúng ta có thể đồng ý: Chính là những người mua vé số. Tất nhiên vậy rồi. Nhưng ai là người mang từng tấm vé số đến cho từng người mua trong mọi ngóc ngách hẻm hốc xa gần của xã hội, dù nắng hay mưa không vắng mặt ngày nào, và đứng ra nhận tiền trực tiếp của người mua, bảo quản chắt chiu đem về giao nộp đầy đủ 100% số tiền qui định? Một sự thật khách quan, không thể chối bỏ (như cái nhà hàng nói trên) các CT/Xổ Số Kiến Thiết của 63 tỉnh thành phải cuối rạp đầu cám ơn họ... những người này:

Bán vé số, một nghề rất khó “trúng tuyển”! Đây! Chân dung những người quyết định sự sống còn của các CT/XSKT. Bất luận thời tiết, 365 ngày/năm họ bán mặt với vé số, bán cuộc đời rẻ mạt cho gió bụi nắng mưa.

Chúng ta và nhất là “quí ngài” lãnh đạo nhà nước “đảng ta” ở các công ty xổ số đang ngồi mát ăn bát vàng, sảng khoái trong văn phòng máy lạnh thử ngả lưng ra ghế nệm sofa nhắm mắt một lần, một lần thôi, tưởng tượng ra xem sao: Bất chợt 1 tháng nào đó bỗng nhiên vài trăm ngàn (ước lượng 3-4 trăm ngàn) những con người bán vé số dạo này (ảnh theo bài viết) trên 63 tỉnh thành cả nước tự nhiên đồng loạt tẩy chay, bỏ bán “vé số” chuyển sang bán nhiều thứ “hạ cám” khác để tạm sống được (việc này họ không kén) thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn rằng những con số dưới đây sẽ “báo động đỏ” và các vị lãnh đạo ngành xổ số nhà nước “đảng ta” củng sốt vó đứng ngồi không yên ngay: 

Năm 2014 thị trường xổ số Việt Nam có mức tăng trưởng khả quan với tỷ lệ đạt 7,48% hơn năm 2013. đạt doanh thu 63 nghìn tỷ đồng (3 tỷ USD) Thị trường xổ số miền Nam tiếp tục có những đóng góp tích cực, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường cả nước.(1)

Xổ số doanh thu 63 nghìn tỷ đồng (3 tỷ USD) năm 2014 

Trong 4 năm gần đây, doanh thu xổ số tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng từ xấp xỉ 47,9 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên 63 nghìn tỷ đồng (3 tỷ USD) năm 2014, tương ứng với mức tăng trưởng đạt 32%. Riêng năm 2014 so với năm 2013, tốc độ tăng trưởng doanh thu xổ số đạt 7,48%. Năm 2014, ngành xổ số đã nộp ngân sách nhà nước 20.230 tỷ đồng (gần 1 tỷ usd) tăng 15,1% so với năm 2013. 

Ngoài con số nộp ngân sách nhà nước “trung ương” 20. 230 tỷ đồng Thì theo Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và là một chuyên gia nghiên cứu về tài chính khu vực công, cho biết nguồn thu từ xổ số hàng năm đã đóng góp rất quan trọng vào ngân sách nhiều tỉnh thành địa phương, cụ thể Hậu Giang lên đến gần 48%, Vĩnh Long hơn 46%. Cá biệt như tỉnh Phú Yên thu ngân sách địa phương 225 tỉ đồng, riêng tiền vé số nộp vào đã là 140 tỷ. (2) 

Không ai khác, những con người như ở tận cùng đáy xã hội đi bán vé số ấy đã làm nên phần lớn những con số và tỷ lệ % tăng trưởng ngoạn mục này, bởi vì chắc chắn bản thân Công Ty/XSKT và các đại lý bán sỉ vé số sẽ hoàn toàn “việt vị” bó tay, nếu không có đội quân chí ít củng 2-3 trăm ngàn cảnh đời bất hạnh này hàng ngày nhận vé số rồi trực tiếp “chiến đấu” với nắng bụi gió mưa tỏa ra khắp các nẻo đường để săn nhặt từng đồng tiền lẻ trên từng tấm vé số tạo ra kỳ tích 63 nghìn tỷ đồng (3 tỷ USD) năm 2014. 

Tuy nhiên vào Internet lục lọi trên không gian mạng, không thấy nơi nào trên thế giới này người bán vé số lại khốn khổ như ở Việt Nam. Thật phi lý, từng đó những con người góp công rất lớn làm nên con số 63 nghìn tỷ đồng (3 tỷ usd) năm, mà ngay cả 2 (quả đấm thép) tổng công ty đóng tàu SBIC (Vinashin) và (Vinalines) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (đang làm ăn lỗ lã không hiệu quả) phải ngã nón bái phục, nhưng chưa bao giờ họ, những người bán vé số này, được mặc một bộ đồng phục để được gọi là “công nhân”, không có công đoàn, không có tổ chức đại diện cho quyền lợi mình, trong khi doanh thu xổ số tăng đều đặn từng năm một thì họ, hàng trăm ngàn người, tác giả tập thể của tỷ lệ tăng trưởng đó suốt hơn 30 năm qua chỉ duy nhất là tăng... tuổi đời, ngoài ra không tăng bất cứ cái gì hết. 

Có bao giờ CT/XSKT tài trợ cho phụ nữ này chiếc xe lăn để đi bán vé số? 

Có bao giờ cụ già này được CT/XSKT tặng chiếc xe đạp để mưu sinh? 

Đôi vợ chồng mù bán vé số này khi đau ốm CT/XSKT có tặng bảo hiểm? 

Có bao giờ cụ bà bán vé số này được CT/XSKT tặng bộ quần áo ấm? 

Có bao giờ CT/XSKT tặng người bán vé số này chiếc xe điện 3 bánh. 

Tai nạn luôn rình rập người bán vé số - CT/XSKT có mua tặng bảo hiểm.

Không may bị cướp giật (thường diễn ra) 
người bán vé số tật nguyền này duy nhất chỉ biết ngồi khóc? 

Chỉ có tại Việt Nam - khá nhiều trẻ em nghèo không thể đến trường 
vì phải kiếm sống hàng ngày bằng bán vé số.

Thì đoàn CB/ Tỉnh Tiền Giang (2/3 là đảng viên CS) 
đi “học tập kinh nghiệm” (thực ra đi du lịch miễn phí) 
tại Hà Lan bằng tiền tỷ của CT/XSKT 
(Nhìn ảnh họ cười tươi - chắc họ không hề biết xấu hổ?)

Trong khi theo Nghị quyết 68/2006/NQ-QH11 của Quốc hội, tiền thu từ xổ số kiến thiết sẽ được dùng để đầu tư phúc lợi, trợ cấp cho xã hội - Nghị quyết ghi rõ:“Không được sử dụng số tiền thu này vào các mục đích khác”. Nhưng thực tế cho thấy việc sử dụng không đúng mục đích, ngang nhiên rất đa dạng. Đơn cử là trường hợp Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai lấy nguồn tiền xổ số mua khoảng 6,61% cổ phần của Ngân hàng Đại Á (2) UBND/tỉnh Bạc Liêu lấy 477 tỉ đồng từ xổ số kiến thiết xây công trình phục vụ Festival đờn ca tài tử (hiện nay công trình này cửa đóng then cài)!? (3) 

Theo qui định khi quyết toán ngân sách, địa phương phải công khai báo cáo riêng về thu, chi, từ nguồn xổ số hàng quí, hàng năm cho công chúng biết, nhưng đến nay báo chí chưa bao giờ thấy địa phương nào công bố bảng báo cáo này?

Trong khi những phận người thuộc lớp tận cùng nghèo khổ mà theo luật phải được trợ cấp từ quỹ xã hội, không ngồi chờ đợi, đã xuống đường phơi nắng mưa, gió bụi, góp công sức rất lớn bán từng tờ vé số tạo nên một số tiền rất lớn lý ra phải được trích một phần từ số tiền ấy trợ giúp thêm cho họ như là đối tượng tất nhiên phải ưu tiên qua tâm của quỹ xã hội, thì họ không hề được trợ giúp cụ thể một chút gì suốt bao năm qua ngoài số tiền hoa hồng nhỏ nhoi đạm bạc trên tờ vé số bán được (?) Nhưng UBND các tỉnh Thành thì đua nhau quyết định cử Cán Bộ sắp về hưu “lạ hoắc” đi nước ngoài “học tập xổ số” (thật ra là đi du lịch) bằng nguồn tiền tỷ từ Công Ty /Xổ Số Kiến Thiết (?) 

Dù muốn dùng từ ngữ nhẹ nhàng là “thiếu sót”trong trường hợp này nhưng suy cho cùng nếu có sót thì củng đôi ba lần thôi nhưng hơn 30 năm biết bao lần Lễ- Tết sự thiếu trong cái sót này nó đã biến thành “bóc lột”. Còn tệ hơn nữa “bóc lột” sức lao động của những người tàn tật, già cả nghèo khó, tận cùng đáy xã hội. 

Trong khi hầu hết các quốc gia văn minh phương Tây không chính phủ nào đứng ra tổ chức làm xổ số mà toàn bộ do công ty tư nhân với phần % trích ra từ lợi nhuận phối hợp với các tổ chức từ thiện tôn giáo công khai trợ giúp trực tiếp, tuyệt đối, cho xã hội trong quang minh chính đại, báo chí tự do kiểm tra. Điển hình, tiểu bang Georgia ở Hoa kỳ đã phát động Chương trình Hy vọng của Công ty Xổ số Georgia và các chương trình tiền mẫu giáo, nhờ đó đã cấp được hơn 4,6 tỉ USD giá trị học bổng cho hơn 1,1 triệu đối tượng. Còn công ty xổ số bang Massachusetts tung ra chiến dịch “Tất cả chúng ta đều thắng”, trong đó công bố giải thích rõ số tiền thu từ xổ số đã được sử dụng hiệu quả như thế nào. (2)

Nhân danh hàng trăm ngàn những phận đời cùng cực “bán vé số” của xã hội người ta có quyền thốt lên: “Xã Hội Chủ Nghĩa, nghĩa là bóc lột?” như thế này ư? Hàng chục ngàn công nhân của 2 tổng công ty đóng tàu SBIC (Vinashin) và Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) cũng như khá nhiều các công ty nhà nước làm ăn từ hòa vốn đến thua lỗ khác (TCT lương thực miền Nam lỗ hơn 218 tỉ đồng, TCT xây dựng công trình giao thông 8 lỗ gần 60 tỉ đồng- 2014 Eximbank lỗ lũy kế 1.618 tỷ đồng v.v...) (4)

Nhưng ngoài tiền lương, hàng vạn công nhân của các đơn vị làm ăn thua lỗ ấy vẫn được chu cấp đầy đủ các chế độ của người lao động thì tại sao họ, bao nhiều người lao động “bán vé số” cho “nhà nước” suốt 30 năm qua luôn giúp tăng trưởng doanh thu XSKT hàng năm (3 tỷ usd năm nay) lại không có gì hết ngoài số hoa hồng tiền bán vé số (mà phải cận lực bán cho hết) trong một ngày mới sống nổi? 

“Không còn từ ngữ nào hơn để nói là họ đã và đang bị “bóc lột” công khai trắng trợn, nhưng không thể lên tiếng được, do thấp cổ bé miệng, vì họ thuộc giai tầng “hạ đẳng” của xã hội. Có điều “kỳ dị” là đến kỳ bầu cử vị trí của những người cùng khổ ấy bỗng nhiên cao lên ngang bằng với TBT/đảng hay CT/nước, rất giống nhau, chỉ một thẻ cử tri, cầm lá phiếu bỏ vào thùng!?” nhưng Quốc Hội người được họ tin tưởng bầu làm đại diện cho mình thì chưa một lần nhắc đến quyền lợi nào của chính họ. 

Không phải chỉ vô lý, mà đó là điều cực kỳ phi lý, khi họ những người tàn tật nghèo khổ bán vé số hầu hết như là thành phần “vô sản”!? Trong khi Friedrich Engels (bạn thân của Karl Marx Cha đẻ của CNCS) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày lễ Quốc Tế Lao Động và Các chế độ CS có nghĩa vụ phải tôn vinh giúp đỡ những tầng lớp lao động vô sản ở các nước. (Cái này thì ngài TBT/tiến sĩ Xây Dựng Đảng Nguyễn Phú Trọng rành lắm). 

Cần lắm, qua bài viết này, mong mỏi các đoàn thể “xã hội dân sự” đang có mặt ngoài xã hội như: Mạng lưới Bloggers VN, Hội Anh Em Dân Chủ, Lao Động Việt, Hội Bầu Bí tương thân, Hội nhà báo độc lập v.v… photocopy bài viết này tiếp cận tặng cho họ và giải thích giúp đỡ họ (những người bán vé số cùng khổ, đang bị bóc lột ấy) nhận ra một quyền lực tiềm tàng trong chính mỗi con người (hàng trăm ngàn người) tưởng chừng là “bèo bọt” ấy, có một sức mạnh là từ quyền “đình công”. Chỉ dẫn tư vấn tổ chức hình thành đại diện tập thể liên đoàn lao động “Bán vé số dạo” trên khắp 63 tỉnh thành theo đúng pháp luật (Bộ Luật Lao Động) đó là bước khởi đầu của quá trình đấu tranh giành quyền lợi cho họ trong các bước kế tiếp để hàng trăm ngàn người “cùng khổ” ấy hiểu rằng: Điển hình như trong 63 nghìn tỷ đồng (3 tỷ USD) năm 2014 họ góp sức đạt được thì ít nhất con số lẻ 3000 tỷ đồng phải trích ngược về trợ giúp họ thì mới phù hợp đạo lý và công bằng. 

Hy vọng qua bài viết này, Tết năm nay, tất cả họ những người bán vé số dạo mỗi người ít nhất củng phải được một tháng “lương thứ 13” (bằng thu nhập 1 tháng bán vé số) như nhiều công nhân viên nhà nước khác. Một điều nhỏ nhoi thôi nhưng bao nhiêu năm qua tất cả họ chưa từng thấy, dù trong giấc mơ. 

22.12.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét