Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Chuyện mới, chuyện cũ - Sổ Tay Ký Thiệt


Trên chuyến bay của Hãng Air Asia đêm 27.11.2015, một hành khách tên Phạm Hồng Phong đã chứng kiến một cảnh tượng “không giống ai” và đã chia sẻ với cư dân mạng như sau:<!->
Bay chuyến cuối cùng trong ngày, từ Don Muang về Tân Sơn Nhất. Gặp một nhóm hơn chục người đi tay không, quần áo nhàu nhĩ. Áo phông trắng thì thành cháo lòng, áo màu thì cáu bẩn, người đi tông, người đi chân đất, ồn ào, nhốn nháo lên máy bay tìm ghế ngồi. Tất cả đều rất trẻ, tuổi từ 20, đến 31.
Khá ngạc nhiên, hỏi ra mới biết anh em ngư dân Sông Đốc - Cà Mau bị cảnh sát biển Thái Lan bắt khi đang câu mực ở Vịnh Thái Lan, tịch thu thuyền, tài sản, án tù 3 tháng. Gia đình vay tiền chạy chọt, ngồi tù được 55 ngày, hôm nay được thả về. Cầm vé trên tay nhưng không biết ghế của mình chỗ nào. Mình cùng mấy cô tiếp viên Air Asia hướng dẫn từng chỗ ngồi vì anh em đều lần đầu bị đi bằng máy bay.
Ngồi hỏi chuyện và nghe kể mới biết sự cơ cực từ ngày bị bắt đến khi được tha.
Để được thả, gia đình phải tự tìm cò, qua Thái, liên hệ Đại sứ quán VN ở Bangkok, xuống Songkhla gặp cảnh sát, cai tù...
Rổ giá để được tự do:
- Thuyền viên 12 -20 triệu/người, 
- Tài công 80 -120 triệu/người tùy tội nặng nhẹ, tùy hứng của cò và cảnh sát.
Tiền vé máy bay riêng, nghe anh em nói là mỗi người 8 triệu nộp cho đại sứ quán mua và làm thủ tục cho cả nhóm, ngồi xe tù, cảnh sát chở tuột ra sân bay, gọi tên từng thằng phát cho cuống vé. (Giá bình thường mua cận ngày thì tối đa cũng chỉ 150$~ 3 triệu ông cụ). Mình bảo anh em, có thể do tiền cò, lệ phí giấy thông hành ĐSQ cấp và xăng xe tù, xe áp tải của cảnh sát Thái nên mới hết 8 triệu, chứ vé mình mua trước đây 5 ngày có 1.800 Bath - 1,2 triệu.
Được tự do, anh em ai nấy đều phấn khởi, dù về nhà sẽ phải cày cuốc để trả nợ. Thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Anh em kể ở bên đó còn hàng trăm ngư dân VN vẫn đang ngồi tù ở Songkhla, nhiều người không có tiền chạy nên ở tù mấy năm chưa được về. Có ông cụ ở tù lâu, bị đánh đến nỗi mất trí nhớ không biết quê mình ở đâu, gia đình cũng không có ai liên lạc, kể như sẽ ở đó cho đến chết.
Cu Hữu, năm nay 24 tuổi, hào hứng kể, khi đi biển và bị bắt lúc vợ đang mang bầu, sắp sinh, lần này được về gặp con.
Ngồi nghe kể trong tù thì muôn vàn cái khổ, cái anh em bức xúc, không hẳn là sự ngược đãi của cai tù, cảnh sát Thái mà lại chính là các "trưởng buồng" người Việt.
Cũng là ngư dân, cũng bị bắt nhốt, cùng cảnh ngộ, nhưng những người này có vẻ như xã hội đen và đầu gấu, đánh anh em không thương tiếc. Thu tiền vệ sinh, thu phí điện thoại của mọi người, ai không có thì bị bắt làm việc, ác nghiệt hơn cai tù Thái. Nhiều thuyền viên già 60 tuổi chúng cũng bạt tai, đánh đập như con. Theo anh em cho biết, một số tên này dù đã được thả, đã có vé về nhưng vẫn ở lại để "làm ăn" vì chúng biết tiếng Thái nên được cảnh sát Thái tin dùng.
Nhìn hoàn cảnh 14 anh em, ai nấy đều thương. Có 2 cụ xuống hỏi han, mỗi người cho mỗi thằng 10$, một chị Việt kiều Anh lên gom tiền VND của mấy chị em xuống cho cả nhóm gần 3 triệu. Mình mua đồ ăn trên máy bay và cho mấy anh em tiền đi đường về quê.
Xuống máy bay, một anh an ninh chờ ở cửa cầm danh sách, dẫn cả nhóm về phòng an ninh để làm thủ tục. Mấy thằng chào tạm biệt và hẹn anh khi nào xuống Cà Mau, Sông Đốc thì alo tụi em đánh ghe ra đón.(ngưng trích)
 
Ngày 30 tháng 11, Báo Tuổi Trẻ ở Sài-Gòn cũng khai thác tin này và viết như sau:
“Tháng nào thị trấn Sông Đốc, Cà Mau cũng có người báo tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Hung tin kéo theo bi kịch của hàng loạt gia đình cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Tháng Một: tám tàu, tháng Hai: một tàu, tháng Ba: chín tàu, tháng Tư: ba tàu, tháng Năm: ba tàu, tháng Bảy: ba tàu; tháng Tám: ba tàu… Phía sau đó là hàng loạt gia đình rơi vào cảnh tán gia bại sản, hàng loạt cảnh đời rơi vào thế ngổn ngang khi những người chồng, người cha theo tàu ra biển rồi biền biệt tin tức”.
 
Có tin cho biết họ bị đồng hương đánh đập trong trại giam ở miền Nam Thái Lan, rồi phải nộp tiền chuộc cho phía Thái cũng như 8 triệu đồng cho Đại sứ quán Việt Nam để mua vé máy bay và làm thủ tục về nước. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Đại úy VC Nguyễn Văn Hệ, phó đồn trưởng đồn biên phòng Sông Đốc, cho biết mỗi tàu khi vi phạm vùng biển nước ngoài trở về còn bị phạt hành chính đến 50 triệu đồng vì “tự ý đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài hoạt động”.
 
Tội nghiệp ngư dân Việt Nam! Vì sinh kế họ đã trở thành nạn nhân của đủ thứ cướp ngày, từ bọn biên phòng Thái tới sứ quán VC ở Bangkok, tới biên phòng VC. Thật ra, ghe tàu của ngư dân Việt Nam có vi phạm hải phận Thái Lan hay không cũng không ai biết và cũng không được ai bảo vệ.
 
Có lẽ nhiều người chưa quên, sau ngày 30.4.1975 Vịnh Thái Lan đã là nơi diễn ra bao nhiêu tội ác đối với những người Việt Nam trên đường đi tị nạn cộng sản. Bao nhiêu chiếc tàu đã bị chặn cướp? Bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp? Bao nhiêu người đã vùi thây dưới đáy biển? Những tội ác này không phải chỉ diễn ra trong một năm hay hai năm mà đã liên tiếp diễn ra trong hàng chục năm. Bọn “biên phòng” Thái lúc đó ở đâu? Bọn hải tặc lúc đó là ai? Là ngư dân Thái? Hay là “biên phòng” Thái trá hình? Không ai cần biết. Vua ở quá xa và quá cao nên chắc không biết. Chính quyền và mấy chục triệu dân Thái “con Phật” cũng không cần biết. 
 
Dưới đây là trích đoạn một bài báo cũ trên tờ Đất Mới thuật lại thảm cảnh của một nhóm thuyền nhân Việt Nam trên đảo Kokra trong Vịnh Thái Lan:
 
Những thảm cảnh trên biển Thái Lan vẫn tiếp tục xảy ra hãi hùng cho đồng bào tị nan. Một trong những thảm cảnh này vừa được phanh phui do những nhân chứng đã được cứu thoát qua những cơn kinh hoàng trong 21 ngày tại đảo Kokra do bọn hải tặc Thái lan gây ra. Trong số nhân chứng có nhà văn Nhật Tiến và hai vơ chồng nhà báo, ông bà Dương Phục, đã được đưa ra ánh sáng cho dư luận thế giới được biết vì những thảm cảnh hải tặc thường được các nhà chức trách Thái Lan làm ngơ vì bất lực và bọn cảnh sát Thái lan thì đồng lõa để ăn có với bọn cướp nên chúng tự do hoành hành.Đảo Kokra, một đảo hoang trong vịnh Thái Lan đã trở nên sào huyệt không che giấu của bọn hung thần ác quỷ.Có 157 đồng bào bị bọn hải tặc giam giữ trên đảo là do nhiều toán khác nhau mà chúng đưa đến để bóc lột. hãm hiếp, hành hạ… cực kỳ dã man không bút nào tả xiết, và ngoài sức tưởng tượng của con người. Sau đây là một vài thảm cảnh hãi hùng.
 
Bà Nguyễn Thị Thương 36 tuổi, đã tốt nghiệp tại Hoa kỳ, cựu giáo sư trường Bách khoa Thủ Đức cho biết: chiếc thuyền của bà chở 107 người khởi hành ở Rạch Giá ngày 1-12-1979. Gia đình bà gồm chồng bà là giáo sư đại học Trần Quang Huy, bà cụ thân sinh, hai em trai, hai em dâu và 7 đứa cháu. Sau ba ngày, sau khi thuyền tới hải phận Thái Lan thì bọn cướp xuất hiện. Chúng ra lệnh cho 27 người bước qua tàu của chúng rồi lục soát và cướp bóc, chúng rất hung hãn với đàn ông và hãm hiếp đàn bà. Hành động xong, chúng buộc thuyền của chúng ta vào tàu của chúng và kéo đi. Chúng mở tốc lực thật nhanh và quẹo thật gắt để cố tình làm cho thuyền đắm… và thuyền đã chìm mang theo 80 sinh mạng xuống đáy biển. Số 27 người mình trên tàu của chúng bị chúng mang đến sào huyệt là đảo Kokra, nhưng trước khi tàu tới, chúng đã ép 7 người đàn ông phải nhảy xuống biển bơi vào bờ. Cả 7 ông này đều không ai đủ sức bơi nên đã chết đuối trong đó có ông Trần Quang Huy, chồng bà Thương. Mục đích của chúng là giết hết các người đàn ông có mặt. Còn lại 20 người đàn bà chúng đưa lên đảo để làm mồi cho thú tính dã man của chúng.
Ông Dương Phục và bà vợ là Vũ Thanh Thủy thuộc toán khác cho biết: ông bà đã mục kích bọn cướp bắt ông Ngô Văn Liên 54 tuổi há mồm để bẻ gãy 3 chiếc răng vàng. Chúng đè ông xuống lấy búa đập, nhưng không được, chúng lấy tournevis nạy cũng không ra, sau chúng kiếm được một cây kìm rỉ sét để vặn chéo 3 chiếc răng. ông Liên ôm mồm rên la, máu chảy xối xả suốt một ngày; chúng bỏ 3 chiếc răng vàng vào túi và bắt đứa con gái ông 16 tuổi mang đi mất.
 
Các nạn nhân khi lên tới đảo, nhất là phụ nữ thì tản mát đi tìm các khe núi, hốc đá để trốn tránh bọn chúng. Chúng hành hạ các đàn ông và bắt đi tìm thân nhân phụ nữ; nhiều người không chịu, bị chúng hành hạ tàn nhẫn: ông Trần Minh Đức không nghe lời chúng, bị chúng dùng dây xiết cổ họng đến chết. Ông Nguyễn Minh Hoàng bị chúng treo lên cành cây, ông giãy giụa làm gẫy cành, chúng liền đá ông lăn xuống dốc núi, người em trai ông lại đỡ anh liền bị chúng dùng búa chém vào đầu, máu ra có vòi. Hai tên cướp cắp nách ông này dí đầu vào đống lửa, máu chảy xuống xèo xèo cho đến khi ông ta bất tỉnh.
 
Một cô bé 15 tuổi đã phải trốn tránh, chui rúc một mình trong một hốc đá với bao nỗi sợ hãi. Sợ từng tiếng lá xào xạc, từng tiếng động nhẹ, sợ từng đàn chuột chạy qua chân, từng con ốc xên bò trên người và sợ luôn cả ma… Nỗi sợ mỗi ngày một gia tăng, sau nhiều ngày chịu dựng không nổi, em đã phải bò ra và bị 4 tên hải tặc thay phiên hãm hiếp.
 
Một thiếu nữ 20 tuổi sau đêm đầu tiên bị hãm hiếp quá nhiều đă trốn trong các bụi rậm. Bọn cướp biết vậy nên đã nổi lửa đốt các bụi cây, cô bị cháy nát cả sau lưng nhưng cũng không chịu bò ra. Với tấm lưng nát bấy, thịt da nứt nẻ. cô còn tiếp tục trốn chui rúc cho đến lúc quá đau đớn vì sự cọ sát của các cánh cây, cô mới phải bò ra ngoài, nhưng luôn luôn nằm úp mặt xuống đất đưa tấm lưng nứt nẻ hôi thối vào mặt bọn hải tặc để được chúng buông tha, bọn cướp còn lấy gậy đánh vào vết thương của cô để đùa giỡn.
 
Một cô bạn khác đã phải lấy phân bôi đầy người, đầy mặt để hi vọng bảo vệ tấm thân, mùi hôi thối đã làm chính cô nôn oẹ nhưng bọn cướp vẫn không tha, thay nhau hãm hiếp và còn đánh đập cô tàn nhẫn vì tội trát nhơ bẩn lên người. Cô C. 23 tuổi, kỹ sư hóa học, sau khi bị hải tặc hãm hiếp, đã trần truồng nhảy từ mỏm đá cao xuống biển với tiếng rú thê thảm. Ai cũng tưởng cô sẽ nát thây vì bờ đá nhọn hoắt, nào ngờ một ngọn sóng to đã đỡ cô lên và hất cô vào một hang đá ngầm trong núi và tại đó cô đã sống sót trong nhiều ngày cho đến lúc nhân viên Cao ủy Liên hiệp quốc đón ra.
 
Bà Vũ Thanh Thủy còn cho biết: Khi bọn chúng đốt tất cả các bụi rậm, bà và một người bạn gái đã phải lui sâu vào trong rừng, leo lên sườn núi chênh vênh, bên bờ vực thẳm. Các bà ngồi ép bên sườn núi, dầm nắng dãi mưa, qua những đêm lạnh lẽo rét run lẩy bẩy, phải ôm chặt lấy nhau để có chút hơi ấm. Mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua các bà phải bíu chặt lấy nhau để khỏi bị thổi bay xuống vực. Các bà đã chọn những nơi nguy hiểm như thế và có ý định nếu gặp khi có tên cướp nào đi tới một mình thì các bà sẽ hất nó xuống biển.
Các nạn nhân đã sống trong kinh hoàng đói khát cho đến ngày thứ 21, khi có một chiếc trực thăng bay ngang qua. May thay trên đó có ông Schweitzer, một nhân viên của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc, ông đã trông thấy các nạn nhân và ông đã trở lại đảo Kokra trên một chiếc tàu cảnh sát Thái lan để cứu nạn nhân đưa vào trại Songkla. Tại sở cảnh sát, chính ông đã đảm bảo an ninh cho các nhân chứng để khuyên họ khai hết sự thật ra ánh sáng. Có tin vài tên hải tặc đã bị nhận diện và bị bắt để điều tra, nhưng lạ thay, sau ít ngày chúng đã được thả ra và còn đi dọa nạt các nạn nhân khác nữa. (hết trích)
 
Ai bảo Thái Lan là “xứ Phật”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét