Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Lẩm Cẩm Thiên hạ sự - Văn Quang viết từ SG 02.11.2015


   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 02.11.2015  

                                      Chỉ tại vợ tôi nó làm đấy!
Chuyện này chắc chỉ xảy ra ở Việt Nam của chúng tôi được thôi. Cứ là quan, khi phạm lỗi thường đổ quàng đổ xiên cho hết người này đến người kia, không là chỉ thỉ của cấp trên mập mờ chưa hiểu rõ thì cũng là tại cái thằng cấp dưới nó làm vậy. Và rồi mọi chuyện lại hứa văng mạng chúng tôi sẽ cho điều tra và xử lý thích đáng tùy theo tội danh. Chả biết bao giờ xử lý và xử kiểu nào. Thế là hết!
<!->
                                           alt
                             Tòa nhà to đùng xây dựng trái phép của ông Nguyễn Hoàng Linh - PGĐ Sở GTVT Hà Nội

Nhưng có chuyện quái đản nhất là khi quan to mắc lỗi, không đổ cho ai được thì quay sang đổ cho vợ. Chuyện xây nhà to đùng trái phép, không thể đổ cho đàn anh cấp trên bảo tôi làm thế, cũng thể nại cớ rằng tại thằng em cấp dưới nó xây nhà cho tôi. Vậy đổ cho vợ là tiện nhất.
Đó là chuyện mới toanh vừa xảy ra tại giữa thủ đô Hà Nội và là chuyện của quan Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải của cả thành phố.

Căn nhà to đùng xây trái phép

Cho đến cuối tháng 10 vừa qua, ngôi nhà đã xây xong phần thô và đang thời kỳ hoàn thiện. Toà nhà này được thiết kế và thi công 1 tầng hầm, 1 tầng lửng, 7 tầng và 1 tum* (tổng cộng 10 tầng).

                                                    alt
                              * Tum: Buồng nhỏ trên nóc nhà có mái, dùng để che cầu thang dẫn lên sân thượng.
Ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã, Quận Hoàn Kiếm) trả lời báo chí: Theo như quy định, phố Lý Nam Đế chỉ có thể xây nhà tối đa 6 tầng và một tum (tối đa 7 tầng). Tòa nhà này xây dựng chắc chắn là vượt quá giấy phép nên mới cao như thế.

Cũng theo bà Tâm, không có chuyện phường Hàng Mã làm ngơ để chủ nhà tự ý xây dựng vượt quá chiều cao cho phép. Bà Tâm nói thêm:  Tuy nhiên, có thể chúng tôi chưa giám sát chặt chẽ nên mới xảy ra sai phạm".
Cũng theo Phó chủ tịch phường Hàng Mã, mới đây phường đã đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt thi công.

Sự việc đã được báo cáo lên quận Hoàn Kiếm, nhưng đến thời điểm này chưa có quyết định, thời gian xử lý cụ thể. Phường Hàng Mã đã đề nghị quận Hoàn Kiếm xử lý theo hình thức tháo dỡ và xử phạt hành chính theo đúng quy định hiện hành.

Nói về các biện pháp xử lý công trình sai phạm này, bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: Trường hợp này khá nhạy cảm dù sai phạm là rõ ràng. Bởi anh Nguyễn Hoàng Linh là một lãnh đạo của thành phố. Phường chỉ có chức năng giám sát, bởi đây là công trình được cấp phép xây dựng".

Thế nào là nhạy cảm?
  
Việc xây dựng trái phép nếu là của một anh dân đen nào đó thì chắc chắn không phải là chuyện nhạy cảm nữa. Tòa nhà vừa ló lên sai phép là lực lượng của Phường ấp đến ngay lập tức. Nào là Dân phòng với xe cộ súng ống, nào là Công An Phường, nào là Quản lý thị trường lao đến bủa vây. Căn nhà xây thêm sẽ bị tháo dỡ ngay, không một phút chậm trễ. Và nếu là việc không to tát lắm thì có thể điều đình rồi tính sau.

Nhưng là việc của một ông thuộc loại lãnh đạo thành phố xây nhà to đùng thì cho là nhạy cảm. Chữ với nghĩa bây giờ lọa thật, muốn nói thế nào thì nói, muốn hiểu thế nào thì hiểu. Ở đây là chuyện nhạy cảm giữa Bà Phó chủ tịch Phường mí ông Phó Giám đốc sở Giao Thông- Vận tải TP Hà Nội có nghĩa là Bà Phó Chủ Tịch chạy mặt quan to, không dám vuốt râu hùm bèn đá quả bóng lên cho quận Hoàn Kiếm.

Thế là Phường chỉ nhạy cảm với quan to chứ chẳng bao giờ chịu nhạy cảm với dân. Cứ tưởng luật pháp là công bằng, đối với quan cũng như dân, anh nào làm sai cũng sẽ bị trừng phạt như nhau. Đừng nghĩ như thế mà lầm. Luật pháp đối với quan khác, với dân khác. Ở VN thì phải nhớ câu này.

Hết đường đổ thì đổ cho vợ

Liên quan đến sự việc này, chiều 22/10, nói chuyện với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc sở Giao Thông Vận tải TP Hà Nội - cho rằng cá nhân mình không liên quan đến việc xây dựng ngôi nhà này. Ông Linh nói:
Tôi ủy quyền hết cho vợ, tôi không liên quan. Công trình này vợ tôi và mấy đứa em góp tiền lại để xây dựng.

                                           alt
                                Ông Nguyễn Hoàng Linh Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội: "Chỉ tại vợ tôi nó làm đấy!"

Ông Linh giãi bày thêm, ông chỉ là người đứng tên trong sổ đỏ s hữu khu đất này. Tuy nhiên, việc xây dựng như thế nào thì ông ủy quyền hết cho vợ và người nhà, việc ông đứng tên sổ đỏ không có nghĩa lý gì, bởi đây là đất ông bà để lại.

Đúng là hết đường chối quanh, ông quay ra đổ tội cho bà vợ. Tội nghiệp bà vợ quan to, bỗng dưng đưa đầu ra chịu báng. Nhưng chịu đựng để chồng giữ được cái chức Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận tải của cả Thành phố thì cũng đáng tiền lắm rồi. 

Chỉ có điều đáng nói là ông Phó Giám Đốc nhát đòn quá. Có sự việc như thế mà cũng lôi vợ ra chịu đòn. Thà ông cứ nhận lỗi quách đi, rồi cùng lắm là phạt hành chánh rồi dỡ mấy cái tầng sai phép ra, căn nhà của ông cũng còn quá lớn. Tại sao thân nam nhi bây giờ lại nhu nhược đến như thế. Bởi làm quan càng to thì sự bảo vệ càng cẩn thận lắm mới được, hở ra là có thằng nó rình, nó cướp chỗ của mình ngay.

Hóa ra bảo vệ cái chức cái quyền còn to hơn cả lòng tự trọng của mình và gia đình mình. Bà vợ sẽ nghĩ sao nhỉ? Rồi đến một lúc nào đó, có sai phạm nào khác, ông cũng có thể đổ lỗi cho cả những đứa con. Ôi, cái thời này sao loạn cả tâm hồn đến trái tim như vậy? Gọi là thời đại gì đây nhỉ?

Cấp dưới yêu cầu ông Bộ trưởng chứng minh

Cũng lại chuyện ở Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội. Tại cuộc họp giải quyết các đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ngày 15/10/2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiết lộ thông tin về việc có người nói xin một lốt xe (slot - lượt xuất bến - TG) vào bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng.

                                     alt
                                                                          Bến Xe Mỹ Đình Hà Nội

Ngay sau đó ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lên tiếng, một số báo đăng ý kiến của Bộ trưởng trong cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam ngày 15/100 có nội dung: Có người nói với tôi, xin một lốt (slot, lượt xe xuất bến) xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng.
Văn thư viết:
Sở GTVT Hà Nội kính đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT cung cấp thông tin cụ thể về nội dung trên để Sở kiểm tra, xác minh, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT xử lý nghiêm theo đúng quy định, nhằm tiếp tục đổi mới công tác quản lý vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp".

Như thế có nghĩa là ông Giám Đốc sở GTVT truy ông Bộ trưởng phải đưa ra bằng chứng mới đáng tin và xử lý được. Chẳng khác nào yêu cầu ông sếp lớn của mình phải cử nhân viên của bộ ra đứng ở bến xe để bắt quả tang người nào đã chạy và anh nào đã nhận khoản tiền này.

Đúng là một quy trình lộn tùng phèo giữa cấp trên và cấp dưới. Sau đó ông Giám đốc sở GTVT còn nêu ra hàng chục lý do về cái sự chạy chọt này là không hề có, đó chỉ là là việc chuyển nhượng giữa các nhà xe, không phải tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước. Nói vòng vo làm chi, cứ nói thẳng ra là ông Bộ trưởng nói… tầm bậy!

Một tệ nạn trên bảo dưới không nghe

Nếu vụ việc cứ tiếp diễn theo kiểu đưa đẩy thông tin giữa các cơ quan quản lý, người dân sẽ thất vọng khi không thấy một sự xử lý quyết liệt, nghiêm khắc theo pháp luật. Thiết nghĩ bộ máy hành chính ở VN vốn không hiếm trường hợp trên bảo dưới không nghe.
Nếu cấp trên không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì cũng như rung cây dọa khỉ mà thôi. Trong trường hợp này, nếu Bộ chỉ tiết lộ thông tin rồi nhắc nhở, để cho Sở kiểm tra nội bộ thì vụ việc có thể không được giải quyết rốt ráo và chìm xuồng.

Do đó, Bộ GTVT cần sử dụng ngay luật lệ đã được Luật Tổ chức Chính phủ và Nghị định 36/2012 (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ) cho phép. Theo đó, Bộ có quyền giải quyết tố cáo, đề nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan và có quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội, Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình. Các quyền hạn này được thực hiện theo pháp luật về giải quyết tố cáo và thanh tra.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, với tư cách là cơ quan chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Sở GTVT Hà Nội, sau khi nghe tin về vụ việc cần có những biện pháp cấp bách nhằm xác định rõ đúng sai và trả lời cho mối nghi ngờ của công luận. Việc xử lý của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội có thể còn hiệu quả hơn Bộ GTVT, vì ngoài quyền hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, cơ quan này còn có thể đình chỉ chức vụ, cách chức những công chức tham nhũng nếu có.

Thât ra trái với mối lo ngại lâu nay rằng chính quyền cấp trên thường bao che cho sai phạm của cấp dưới bằng điệp khúc không biết, không nghe, không thấy, nhưng ở vụ này Bộ trưởng Bộ GTVT đã tiếp nhận thông tin từ dư luận và bày tỏ thái độ thẳng thắn khi phê bình cái khuyết tật muôn thuở của nền hành chính: các ông chỉ thích xin - cho". Đây là một kiểu tham nhũng.

Ông Bộ trưởng sẽ làm gì?

Tham nhũng là quốc nạn đang diễn ra ngày càng trầm trọng trong xã hội, đến nỗi người dân nhiều chán quá đành vô cảm với tham nhũng và coi như phải sống chung với lũ.

Dựa trên các chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới, có chuyên gia đánh giá rằng 2/3 công việc ở Việt Nam bị tham nhũng cản trở, phá hoại.Còn theo khảo sát về Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI), tham nhũng vặt diễn ra khắp nơi. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuế, khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (công bố 11/8/2015) cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp gặp phiền hà và 32% phải bôi trơn khi làm thủ tục thuế.

Cách đây vài hôm, trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư, TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, đánh giá: Lực lượng cản trở chống tham nhũng hiện tại cũng rất mạnh. Tham nhũng luôn gắn liền chặt chẽ với nạn quan liêu. Hệ thống này cấu kết với nhau từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, che chắn, đối phó, cản trở mạnh mẽ những nỗ lực phòng chống tham nhũng.

Sau vụ này dư luận ầm ỹ của người dân rộ lên khắp các trang báo. Tôi chỉ nêu 2 lời bình luận của người dân:

- Bạn Hero lên tiếng: Chuyện ở Việt Nam: Cấp trên chỉ đạo thì cấp dưới chất vấn ngược lại. Cấp trên truy cứu trách nhiệm thì ....cấp dưới trả lời theo kiểu....luồn lách. Thế là xong......có gì đâu? chỉ như là gặp nhau cuối tuần ấy mà.

- Bạn Hiệp viết: Chỉ là ông quan nhỏ giám đốc sở GTVT Hà Nội còn dám lộng ngôn thách thức cấp trên với ông Bộ trưởng GTVT, thì có lẽ ông quan giám đốc sở GTVT Hà Nội đã thách thức cả với hệ thống quản lý Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Em xin gục đầu chịu thua

Không lẽ cả nước chịu thua cái kiểu cấp dưới hạch sách cấp trên. Ông Đinh La Thăng vốn có tiếng là cương quyết, thẳng thắn, dám trảm tướng ngay tại trận tiền. 
Vụ này liệu ông sẽ làm gì để trả lời ông Giám đốc sở GTVT dưới quyền mình?


Văn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét