Tôi
quen anh năm 17 tuổi, khi còn cắp sách đến trường. Lúc ấy anh là sinh
viên sĩ quan năm thứ ba, hai mươi tuổi đời, nhưng dạo đó trong mắt tôi
anh thật chững chạc, lại tài hoa,
và cũng không thiếu… si mê.
<!->
Anh
nhất định đòi cưới tôi ngay sau khi ra trường, nói rằng Thầy Mẹ anh sẽ
ưng ý, không thể phản đối. Tôi hình như có hơi ngạc nhiên và hơi… sợ sợ,
vì tuổi 18, 19 thời đó còn
nhỏ lắm, chẳng biết gì, chỉ biết rằng tôi hình như cũng… yêu anh nhiều
lắm. Tôi còn nhớ, tuy còn nhỏ và ngây thơ lắm, nhưng những ngày giữa
năm thứ tư của anh, từng đêm tôi đã thổn thức một mình. Cảm giác lúc ấy
là chỉ sợ mất anh vào nơi gió cát mịt mù mà
biết bao người trai đã ra đi không hẹn ngày về. Và tôi nhất quyết lấy
anh, tuy anh làm phiền lòng Ba Má tôi không ít, khi anh dứt khoát từ
chối mọi công lao chạy chọt của song thân tôi ngay từ truớc ngày anh tốt
nghiệp. Gia đình tôi ngần ngại, nhưng tôi là
con gái út, được cưng nhất nhà, vả lại cả nhà ai cũng quý mến anh…
Thế
là tôi rời ghế nhà trường năm 19 tuổi, lên xe hoa mà tưởng như đang
trong giấc mộng tình yêu thời con gái. Rồi thì giã từ quê huơng Đà lạt
yêu dấu, giã từ những kỷ niệm yêu
đương trên từng con dốc, từng vạt nắng xuyên cành trong hơi lạnh thân
quen, từng hơi thở thì thầm trong ngàn thông thương mến, tôi theo anh về
làm dâu gia đình chồng ở Sài Gòn. Tôi chưa hề được chuẩn bị để làm dâu,
làm vợ, đầy sợ hãi trong giang sơn nhà chồng,
còn chưa biết ứng xử ra sao, nhưng được cha mẹ và các em chồng hết lòng
thương mến.
Các chú em chồng nho nhã luôn luôn hoan hô những món ăn tôi nấu nướng.
Tuần
trăng mật thật vội vã nhưng vô cùng hạnh phúc, chỉ vỏn vẹn trong thời
gian anh nghỉ phép ra trường, rồi trình diện đơn vị mới. Mùng sáu tết
Tân Hợi 1971, Sư đòan Dù của anh
đi mặt trận Hạ Lào. Hôm ra đi anh vui tưng bừng như con sáo sổ lồng,
trong khi tôi thẫn thờ… Anh siết tôi thật chặt, không cho tôi khóc, nói
rằng ra đi trong giòng nước mắt vợ hiền là điều xui rủi.
Tôi
vội vã gượng cười, để rồi từng đêm thổn thức một mình trong căn phòng
lạnh vắng, run rẩy lắng nghe từng tin chiến sự miền xa. .. Thư anh từ
mặt trận toàn những điều thương
nhớ ngâp tràn, pha lẫn những lời như những tràng cười say sưa của người
tráng sĩ đang tung mình trên lưng ngựa chiến. Mẹ chồng tôi chẳng vui gì
hơn tôi. Hai mẹ con buôn bán xong thường đi lễ chùa, khấn nguyện. Bà cụ
bảo tôi "phải khấn cho nó bị thương nhẹ
để mà về, chứ vô sự thì lại không được về, vẫn còn bị nguy hiểm"… Tôi
càng hoang mang, thảng thốt, quỳ mãi trong khói hương với đầy nước mắt,
chẵng khấn được câu nào… Má tôi trên Đà lạt cũng vội lặn lội lên tận cốc
xa, thỉnh cho được tượng ảnh Bồ Tát Quán
thế Âm để chồng tôi về sẽ đeo vào cổ.
Sau
trận đầu tiên ở Hạ Lào anh trở về với cánh tay trái treo trước ngực.
Tôi run run dội nước tắm cho anh để nước khỏi vào vết thương, mà không
giấu được nụ cười đầy sung sướng,
pha lẫn… đắc thắng, cảm ơn Trời Phật linh thiêng…
Rồi
anh lại ra đi. Tây Ninh, Cam Bốt, cùng những địa danh trong các dòng
tin chiến sự mà tôi thuộc nằm lòng. Trảng Bàng, Trảng Lớn, Suông, Chúp,
Krek, Đam Be… Anh đi toàn những
trận ác liệt một mất một còn với quân thù quái ác. Vừa lành vết thương
là lại ra đi. Tôi thành người chinh phụ, thao thức từng đêm, vùi đầu vào
gối khóc mùi trong lời khấn nguyện Phật Trời che chở cho sinh mạng
chồng tôi. Còn anh, anh cứ đi đi về về trong
tiếng cười vui sang sảng, hệt như các bạn chiến đấu trong cùng đơn vị,
mà nay tôi vẫn còn nhớ tên gần đủ: các anh Tường, Hương, Trung, Dũng,
Sinh, Chiêu, anh Sĩ, anh Tâm, anh Quyền….
Mỗi
lần trở về bình an là một lần cả nhà mở hội, và mỗi khi nhận lệnh đi
hành quân là một lần tôi thờ thẫn u sầu trong lúc anh hăng hái huýt gió
vang vang khúc hát lên đường.
Con người ấy không biết sợ hãi là gì, không cần sống chết ra sao, và
không hề muốn nghe lời than vãn, chỉ thích nụ cười và những lời thương
yêu chiều chuộng. Anh nói không biết tại sao anh có niềm tin kỳ lạ là
không có việc hiểm nguy nào hại đựơc thân anh.
Tôi chỉ còn biết chiều theo ý chồng, không bao giờ dám hé môi làm anh
buồn bực, vì thời gian gần nhau quá ngắn ngủi, tôi chỉ lo cho anh những
phút giây hạnh phúc hiếm hoi của người lính chiến, không muốn để anh bận
lòng vì những nỗi lo âu. Lấy chồng hơn hai
năm sau mà tôi vẫn chưa có cháu, vì anh cứ đi, đi mãi đi hoài, những
ngày gần nhau không có mấy.
Rồi
mùa hè đỏ lửa nổ ra. Anh nhảy vào An Lộc, lăn lóc đánh dập đánh vùi với
địch quân đông gấp bội trong gần ba tháng trời, mất cả liên lạc bưu
chính, ở nhà không hề nhận một
chữ một lời. Người hạ sĩ quan hậu cứ mỗi tháng ghé lại gia đình thăm
hỏi đều phải vẫy tay tươi cười ngay từ đầu ngõ. Anh về được đúng một
tuần, thì lại lên đường đi Quảng Trị. .. Rồi anh lại bị thương ở cửa ngõ
Cổ thành, trở về trong phòng hồi sinh Tổng y
viên Cộng Hòa. Trên đướng tới bệnh viện cùng với gia đình, tôi ngất xỉu
trên xe của người anh chồng…
Nhưng
rồi anh vẫn đứng dậy, lại khoan khoái cất bước hành quân. Ôi, không
biết tôi mang nợ anh từ tận tiền kiếp xa xôi nào, mà tôi yêu thương cái
con người chỉ biết miệt mài say
mê chiến trận. Tôi chỉ biết ước nguyện của anh là trở thành một tướng
Patton của Việt Nam, "Rồi nước mình sẽ phải tự chủ hơn lên, mấy năm nữa
phải khác hẳn đi chứ. Nền nếp quân đội sẽ phải thay đổi. Anh sẽ làm Tư
lệnh đại đơn vị, để anh điều động liên quân
chủng, cả thiết giáp, máy bay, đánh giặc như Patton cho mà coi. Cam
bốt, Hạ Lào Trung Thượng Lào ăn nhằm gì… Hà hà" Tôi chỉ ậm ừ vì chẳng
hiểu gì, khi anh thì thầm bên tai tôi vào một đêm tôi dần thiếp đi trong
đôi cánh của hạnh phúc, một lần anh về phép hành
quân…
Sinh
cháu gái đầu lòng năm 1973 ở Đà Lạt, anh về thăm mẹ con tôi và trường
cũ, xong lại bay đi trấn thủ đường ranh giới ngưng chiến ở vùng Tây Nam
Huế...
Tháng
tư năm 1975, đơn vị anh đóng quân ở Thủ Đức, chuẩn bị tử chiến với quân
thù. Chú em chồng là sĩ quan chuyển vận tàu HQ505. Tàu ghé Sài Gòn để
chuẩn bị đi công tác Phú Quốc.
Chồng tôi bảo cả gia đình, gồm Thầy Mẹ, các chú và cả mẹ con tôi, xuống
tàu đi Phú Quốc lánh nạn chiến sự, rồi khi yên sẽ lại trở về. Tôi tưởng
anh cũng định ra đi, nhưng anh quắc mắt nói tại sao anh lại phải bỏ đi
lúc quân lính của anh vẫn còn chưa nao núng,
"bọn nó làm gì thắng nổi khi cả Sư Đoàn Dù đầy đủ bung ra phản công,
cho nó ăn một cái Mậu thân nữa thì mới hết chiến tranh, quân Dù đánh
giặc một chấp bốn là thường, còn trận cuối này là xong." Anh hăng say
như sắp xung trận, nhưng rồi anh quay lưng lại,
run giọng bảo tôi hãy bế con theo xe của ông anh ra bến tàu. Đến nước
đó tôi không còn gì sợ hãi, ôm con nhảy xuống, nhất định đòi ở lại. Vợ
chồng sống chêt có nhau...
Ba
lần toan vượt thoát từ đầu đến giữa tháng 5 đều thất bại não nề. Anh
lên đường đi trại tập trung vào tháng 6, khi tôi đang mang bầu cháu thứ
nhì… Bé Dung ưỡn người đòi theo
bố. Anh quay lại, vẫy tay cười với mẹ con tôi. Vẫn nụ cười ấy, anh vẫn
chẳng nệ âu lo sống chết là gì, nhưng còn mẹ con em, anh ơi??? …
Gia
đình nhà chồng tôi thiệt có phước, hầu hết đã theo tàu HQ505 đi Phú
Quốc rồi sang Mỹ, kể từ hôm tôi ôm con ở lại với chồng. Gia đình tôi từ
Đà lạt chạy về Sài Gòn, sống chen
chúc quây quần đùm bọc lẫn nhau. Hàng quán của gia đình chồng tôi bị
tịch biên hết. Tôi nhất định giữ chặt ngôi nhà của cha mẹ chồng để lại,
đuổi mấy cũng không đi. Chị ruột tôi bỏ dấn vốn ra mua được ngôi nhà
khác, vì ông chồng ôm vợ bé chạy mất, nhà cửa
xe cộ bị tịch biên hết. Tôi và các anh chị em tôi chạy vạy đủ điều để
lo sinh kế, nuôi con thơ cha già mẹ yếu. Chồng tôi mịt mù tăm tích, chỉ
có đôi ba lá thư viết về từ trại Long Giao. Lên Long Giao cũng không
gặp. Anh bị đưa ra Bắc.
Năm
đó tôi tròn 25 tuổi, dung nhan tuy tiều tụy nhưng vẫn khiến nhiều kẻ
phải suýt soa dòm ngó. Biết bao người mai mối thì thầm bên tai tôi, thôi
hãy lo cuộc đời mới, sĩ quan
ngụy đi Bắc chẳng có ngày về... Bao nhiêu nỗi khổ đau dồn nén đôt nhiên
bùng nổ. Tôi vùng lên như một con cọp cái: bác thử nghĩ coi cả bọn cả
lũ tụi nó đó có đáng xách dép cho chồng tôi không!!! Rồi ba mẹ con tôi
ôm nhau khóc vùi trong tủi hận.
Không,
không, một ngàn vạn lần không. Quanh tôi chỉ còn toàn rác rưởi. Vâng,
những người đàn ông ở miền Nam mà đang đi tù Cộng Sản mới là những người
xứng đáng với đàn bà con
gái miền Nam ở lứa tuổi tôi. Chị em chúng tôi gọi đó là "tấm bằng tù
cải tạo" của các ông để chọn gửi cuộc đời, dù là trao gửi vào một nơi
bất định…. Còn gì nữa mà chọn lựa! Thà vậy, đành thôi. Tôi đã là vợ anh,
tôi vẫn tôn thờ anh trong tim óc, làm sao khỏi
lợm giọng trước bọn người lường lọc, bướm ong, hèn hạ ... Chị em tôi
buôn bán từ thuốc lá đến bánh cuốn, bánh ướt, bánh mì, thuốc tây, thuốc
nam, kiêm luôn cắt chải gội uốn tóc, làm móng tay … nhưng luôn tránh chỗ
công quyền và nơi phồn hoa nhan nhản những
con mắt hau háu của bọn ăn cướp và bọn trở cờ. Mấy anh chị em tôi đồng
lòng, đùm bọc lẫn nhau, nên áo rách nhưng một tấm lòng son tôi vẫn vẹn
với câu thề…
Vượt
qua được thời gian khó khăn cực khổ nhất lúc ban đầu, sau ba mẹ con tôi
được gia đình chồng từ Mỹ chu cấp, tuy không dư dả nhưng cũng đủ gửi
quà ba tháng một lần, rồi lại
dành dụm cho môt chuyến thăm nuôi….
Anh
từ miền cực bắc bị đưa về Thanh Hóa chừng một năm, thì tôi xin được
giấy phép đi thăm nuôi. Tôi và chị tôi chạy đôn chạy đáo mua đủ một trăm
năm chục ký quà để tôi đem ra
Bắc cho chồng. Bà cụ buôn bán quen ngoài chợ lại nhờ đem thêm năm chục
ký thăm dùm con trai, vì con dâu cụ đã vượt biên. Cháu Dung đã lên 6, em
Long nó 4 tuổi và chưa lần nào thấy được mặt cha. Tôi đem cả hai con đi
cho anh gặp đứa con trai.
Xuống
ga Thanh Hóa, cả đoàn quân khuân vác vây quanh gọi mời giục giã. Tôi và
mấy chị cùng thăm chồng chia nhau giữ chặt hàng hóa không cho ai khiêng
vác, rồi tự mình kéo lê kéo
lết đi thuê nhà trọ. Có người đã đi về kể rằng cứ sơ ý là bị vác hàng
chạy mất. Chúng tôi cũng phải chia nhau ở lại nhà trọ coi chừng hàng và
đi chợ. Tôi nhờ một chị mua thêm được ký mỡ, về rang tóp mỡ ngoài sân
nhà trọ. Nghe con khóc, tôi vội vã chạy vô nhà.
Chưa kịp dỗ con thì nghe tiếng ồn ào. Quay ra, hai kẻ cắp đã bưng chảo
tóp mỡ ù té chạy, chị bạn rượt theo không kịp. Tôi khóc thầm tiếc hoài,
cứ nghĩ những tóp mỡ kia đáng lẽ đã giúp chồng mình đỡ bao đói khát.
Xe
đò đi Thanh Cẩm chật ních những bà thăm chồng. Chúng tôi năm người lớn
và hai cháu xuống ngã ba Nam Phát để vô Trại 5. Tôi lê từng bao hàng rồi
lại quay lui kéo lê bao khác,
chừng hơn nửa cây số mới đến trạm xét giấy tờ vào trại, hai cháu còn
quá nhỏ chẳng muốn chúng đụng tay . Cô Út thiệt giỏi, xong phần mình lại
xông xáo giúp hết người nọ tới người kia.
Xong
giấy tờ, chờ một lát thì một người tù hình sự đánh xe trâu đến. Hàng
hóa và hai con tôi được lên xe trâu, tôi và chị Phước, chị Điệp cùng hai
mẹ con cô Út lẽo đẽo theo sau.
Đường đi xuyên trại xuyên rừng dài tám cây số. Chúng tôi chưa biết lúc
trở ra mới càng thê thảm.
Chân
tay rã rời, tới chiều tối mới thấy cổng trại 5 Lam Sơn. Đêm xuống bé
Dung còn phải phụ tôi gom lá mía cho tôi vội nấu hết gạo thành cơm, nắm
lại từng vắt, vì nghe nói công
an không cho tù chính trị đem gạo sống vô, sợ các anh âm mưu trốn trại.
Đêm chờ sáng để thăm chồng, nhìn hai con thơ ngây ngủ say sưa vì mỏi
mệt, tôi rời rã vô cùng nhưng không sao ngủ được. Hằng trăm hình ảnh
chồng tôi nhảy múa trong đầu… Chồng của tôi, người
lính dù hăng hái húyt sáo mỗi khi nhận lệnh hành quân ấy, nay đã ra
sao???
Sáng,
đến lượt ra nhà thăm nuôi ngong ngóng chờ chồng, tôi không được phép ra
khỏi cửa căn buồng nhỏ xíu, kê một bàn gỗ dài và hai ghế băng dọc hai
bên. Đột nhiên một ông lạ hoắc
đứng lù lù ngay cửa. Tôi ngỡ ngàng chưa biết điều gì. Cô nữ công an
nhìn chòng chọc, hằn học, đợi chờ như con gà chọi sắp tung đòn. Tôi
không thể hiểu người con gái Bắc cỡ cùng tuổi tôi kia thù hằn tôi điều
gì. Tôi ngó lại, lát sau cô ta coi sổ xong, mới nói
đây là anh Đức mà bà cụ nhờ tôi đi thăm dùm. Mất nửa tiếng giao quà và
kể chuyện gia đình cho anh Đức nghe, tôi được biết chỉ còn một tiếng
rưỡi gặp chồng. Thế là tôi bắt đầu ôm mặt khóc, càng lúc càng nức nở vì
tủi cực, không thể nào cầm được. Trên thế giới
này có ai phải lặn lội hằng ngàn cây số để chỉ được gặp chồng có một
giờ ba mưới phút không hả Trời?!!
Hai
cô công an lớn tiếng dọa dẫm, những là phải động viên học tập tốt,
không lau sạch nước mắt thì không cho ra thăm… Nhưng kìa, ai như chồng
tôi vừa bước ra khỏi cổng trại. Tôi
không còn nhớ quy định luật lệ gì nữa, vùng đứng dậy chạy nhào ra như
một tia chớp. Hai đứa nhỏ vừa khóc vừa chạy theo. Hai công an nữ bị bất
ngờ không cản kịp, đứng nhìn.
Tôi
chạy tới ôm anh, và càng khóc dữ, đôi chân khụyu xuống, không còn sức
lực. Trời ơi, chồng tôi ốm yếu đến nỗi tôi ôm không trọn một vòng tay.
Người anh nhỏ thó hẳn lại, chỉ
có đôi mắt sáng với tia nhìn ngay thẳng là vẫn hệt như ngày nào, nhưng
nay đượm nét u buồn khiên tôi đứt ruột. Anh vẫn không nói được lời nào,
chỉ bặm môi nhìn tôi nhìn con thăm thẳm. Tôi biết anh đang cố trấn
tĩnh, vì không muốn rơi nước mắt trước mặt công
an. Anh dìu tôi và dắt con trở vào nhà thăm nuôi. Anh nắm chặt tay
tôi, đưa vào chiếc ghế băng. Cô công an lạnh lùng chỉ anh bước sang
chiếc ghế đối diện, rồi ngồi sừng sững ở đầu bàn, cứ chăm chăm nhìn vào
sát tận mặt tôi. Anh khuyên tôi ở nhà ráng nuôi
dạy con cho giỏi. Rồi thật nghiêm trang, anh bảo tôi phải đưa con đi
vùng kinh tế mới, về tỉnh Mỹ Tho chỗ bác Chánh với chú Cương và cô Huyền
đã tự nguyện đi khai hoang rồi, đang chờ vợ chồng mình lên lao động sản
xuất. Tôi hơi sững sờ, rồi chợt hiểu, đang
khóc lại suýt bật cười hân hoan, khi thấy nét khôi hài tinh anh của
chồng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Bác Chánh là tên gọi của Thầy Mẹ chúng
tôi, chú Cương và cô Huyền chính là chú Cường, chú em chồng đã đưa cả
nhà xuống tàu HQ 505 đi lánh nạn. Cô công an có vẻ
rất đắc ý, nhắc tôi:
- Chị phải nói gì động viên anh ý đi chứ.
Anh nhìn mắt tôi, cười thành tiếng. Tôi chợt cười, nhưng lại chợt giận hờn.
Tôi cúi mặt giận dỗi:
- Em không đi đâu hết, em chờ anh về đã rồi muốn đi đâu cũng được …
Tôi lại khóc, hai tay nắm
chặt tay anh, chỉ sợ phải xa rời. Cô công an cứ quay nhìn hết người nọ đến người kia, lên tiếng:
-
Chị này hay nhỉ! Phải đi kinh tế mới, lao đông tốt thì anh ấy mới chóng
được khoan hồng chứ! Trại giáo dục anh ý tiến bộ thế đấy, còn chị thì
cứ…. Chỉ được cái khóc là giỏi
thôi!!
Anh không nhịn được, lại cười khanh khách và nói:
-
Đó em thấy chưa, cán bộ ở đây ai cũng tiến bộ như vậy hết, em phải nghe
anh mới được… Em cứ thấy anh bây giờ thì biết chính sách Nhà nước ra
sao, cũng đừng lo gì hết, ráng
nuôi dạy con cho nên người đàng hoàng đừng học theo cái xấu, nghe…
Tôi
dở khóc dở cười, chỉ nắm chặt tay anh mà tấm tức, dỗi hờn. Anh gọi hai
con chạy sang ngồi hai bên lòng. Cô nữ công an do dự, rồi để yên, lại
tiếp tục nhìn sững vào mặt tôi.
Anh ôm hôn hai cháu, nói chuyện với hai cháu. Đôi mắt chúng tôi chẳng
nỡ rời nhau. Mắt tôi nhòa lệ mà vẫn đọc được trong mắt anh những lời
buồn thương da diết. Tội nghiệp hai con tôi đâu biết chỉ được gần cha
trong giây lát nữa thôi.
Tôi
như một cái máy, vừa khóc vừa lay lay bàn tay anh, nhắc đi nhắc lại, em
sẽ đợi anh về, anh đừng lo nghĩ gì nghe, em sẽ đợi anh về, em nhất định
đợi anh mà.. anh về rồi mình
cùng đi kinh tế mới… anh ráng giữ gìn sức khỏe cho em và con nghe… Em
thề em sẽ đợi anh về…. Em không sao đâu… Anh đừng lo nghĩ, cứ yên tâm
giữ gìn sức khỏe nghe, em thề mà, anh nghe…
Tôi
chợt thấy chồng tôi nhòa nuớc mắt. Cô công an lúng túng đứng dậy, bỏ ra
ngoài nhưng lại trở vào ngay, gõ bàn ra hiệu cho người ở ngoài. Người
nữ công an kia chẳng biết núp
ở đâu, lập tức xuất hiện, báo hết giờ thăm… Vợ chồng tôi lại ôm chặt
nhau ở đầu bàn bên kia ngay trước cửa phòng, bất chấp tiếng gõ bàn thúc
giục. Anh nắm chặt hai bàn tay tôi, chỉ nói được một câu:
-Anh sẽ về đưa em và con đi, không thể quá lâu đâu, đừng lo nghe, cám ơn em … đã quyết đợi anh về… Rồi anh nghẹn ngào…
Tôi
bị ngăn lại ngay cửa nhà thăm nuôi, cháu Dung chạy ù theo cha, cu Bi
nhút nhát đứng ôm chân mẹ cùng khóc . Tôi ôm cây cột gỗ nhìn dáng anh
chậm chạp buớc tới hai cánh cổng
gỗ to sầm, mà không thể nào ngưng tiếng khóc.
Anh ngoái đầu nhìn lại hoài, bước chân lảo đảo, chiếc xe cút kít một bánh mấy lần chao nghiêng vì hàng quá nặng…
Sáng
hôm sau tôi như người mất hồn. Các chị bạn cũng chẳng hơn gì . Mấy chị
em và bà bác dắt díu nhau ra, mới biết không được về lối cũ, mà phải đi
vòng bên ngoài trại cả gần
hai chục cây số nữa để trở lại chỗ ngã ba Nam Phát.
Đường
xuyên rừng, rồi lại ra đồng trống, nắng hanh chang chang như muốn quật
ngã ba mẹ con tôi. Cu Bi mệt lắm, có lúc ngồi bệt xuống, áo quần mồ hôi
ướt nhẹp. Tôi phải đứng giữa
nắng đem thân mình che nắng cho hai con, dỗ dành chúng, rồi lại bế cu
Bi, lầm lũi bước thấp bước cao. Bà bác và hai chị cùng cô Út cứ phải đi
chậm lại chờ mẹ con tôi. Bao nhiêu cơm gạo đã giao cho chồng hết, chúng
tôi không còn gì ăn uống. Dọc dường mua được
mấy cây mía, tôi róc cho các con ăn cho đỡ đói. Hai đứa không khóc lóc
một lời. Bé Dung thiệt ngoan, luôn miệng dỗ em cố gắng. Bụng đói, chân
mỏi rã rời trong lúc chiều cứ xuống dần. Đám người lang thang trong
những cánh rừng tre nứa âm u, trên miền đất không
một chút tình thương. Ai cũng lo sợ, dớn dác nhìn trước ngó sau, tự
nhiên túm tụm lại mà đi, càng mệt lại càng như muốn chạy. Tôi bế cu Bi,
mỏi tay quá lại xoay ra cõng cháu, vừa mệt vừa đói vừa sợ, lếch thếch
vừa đi vừa chạy, không biết sẽ ngã gục lúc nào.
Cháu Bi nhìn thấy mẹ mệt quá, đòi tuột xuống, rồi lại hăng hái tiến
bước. May sao, đến hơn 6 giờ chiều, trời gần tối hẳn, thì trở lại được
ngã ba Nam Phát. Hai công an dắt xe ra đạp về nhà, dặn chúng tôi ở đó
đón xe đò ra Thanh Hóa.
Đám
người ngồi bệt xuống bên đường. Lâu lắm mới có một xe chất đầy người
chạy qua, nhưng đều chạy thẳng, không ngừng. Đã hơn chín giờ đêm. Dáng
cô Út cao mảnh rắn chắc đứng vẫy
xe in lên nền trời đêm đầy sao như một pho tượng thần Vệ Nữ. Một xe lớn
có hai bộ đội chở đầy tre nứa, từ xa chiếu đèn pha sáng lòa trên dáng
người con gái đảm đang ấy, từ từ dừng lại. Chúng tôi xúm lại hứa trả
thật nhiều tiền, rồi bà bác cùng hai con tôi
được lên ngồi ca bin, còn tôi với hai chị và cô Út đẩy kéo nhau leo lên
ngồi nghiêng ngả trên tre nứa, tay bám, chân đạp chặt vô thành xe, qua
năm tiếng đồng hồ trên con đường đất dằn xóc kinh hồn, nhiều lần tưởng
đã văng xuống đất. Hai bộ đội tử tế, không
lấy tiền, chỉ ăn hai tô cháo lòng mà chúng tôi mời mãi. Ra đến Thanh
hóa là hai giờ sáng. Các chị đi thăm chồng xuống tàu đêm thật đông, thăm
hỏi tíu tít, trả lời không kịp. Khi ấy sao mà chị em chúng tôi thương
nhau quá sức.
Vé
về Nam không có, phải mua vé ra Hà Nội rồi mới đi ngược trở về. Đêm hôm
sau mới đến ga Hàng Cỏ, mấy bà con ra đường đang ngơ ngác thì các chị
đằng xa đã đôn đáo vẫy chào, kéo
chúng tôi tới chỗ… lề đường, đầy những chiếu với tấm ni lông, nơi tạm
trú mà các bà "vợ tù cải tạo" gọi là… Hotel California.
Vâng,
chúng tôi nghiễm nhiên nhận chồng chúng tôi là "các ông cải tạo" như
người miền Nam vẫn kêu với tấm tình trân quý, để phân biệt với những
người tù hình sự. Cho nên danh
từ thường đi theo với ý nghĩa nào mà người ta hiểu với nhau, không còn
giữ được nguyên cái nghĩa mà nó được đặt cho vì mục đích chính trị sâu
xa.
Ngủ
lề đường nhưng chẳng ai thấy khổ, vì gần nhau thấy ấm hẳn tình người
đồng cảnh. Các chị em thì thầm trò chuyện suốt đêm, kẻ thì khóc rấm rứt,
người lại cười khúc khích. Tôi
vừa ôm con ngủ gật vừa quạt muỗi cho hai cháu, hình ảnh chồng tôi quay
cuồng mãi trong đầu, khi anh nói, khi anh cười, lúc anh đầy nước mắt…
Sau những nguồn cơn cực nhọc và xúc động mạnh này, về nhà tôi bị thương
hàn nhập lý, rụng hết mái tóc dài, gần trọc
cả đầu, tôi đã trối trăn cho bà chị nuôi dạy hai cháu, tưởng không còn
được thấy mặt chồng tôi lần nữa…
…Chín
năm sau, đúng ngày giỗ đầu Ba tôi, anh đột ngột bước vô nhà. Tôi suýt
té xỉu vì vui mừng, cứ ôm chặt anh mà.. khóc ngất. Anh cười sang sảng:
- Cái chị này chỉ được cái khóc là giỏi thôi, phải động viên cho chồng đi sang Mỹ đi chứ … Hà hà..
Các
chị em tôi từ Đà Lạt tất bật xuống thăm. Vừa xong ngày đám giỗ thì cả
nhà đã vui như hội. Tất nhiên tôi là người mừng vui nhất….
Hạnh phúc đã trở về trong vòng tay tôi. Tôi sẽ ôm thật chặt lấy nguồn hạnh phúc này, không bao giờ để cho đi đâu xa mất nữa…
Minh Hoà
Phong cách Sĩ quan Hiện dịch Đà Lạt là vậy đó . . . Mà còn là Sĩ quan Dù mũ đỏ . . . Có làm Vợ của " Tù Cải Tạo " mới hiểu & thấm thía tâm trạng của mấy Bà, mấy Cô ! ! ! Không có cảnh đau thương nào hơn nỗi đau của người mất nước, mất quê hương, mất chồng con . . . Nhưng cũng không có niềm hãnh diện & tự hào nào hơn niềm tự hào của người Phụ nữ, người Vợ Sĩ quan được dạy dỗ trong khuôn khổ Giáo dục của Miền Nam Tự Do VIỆT NAM CỌNG HÒA . . . Ôi ! Ngày ấy đã xa rồi ! ! ! Cám ơn Tác giả Minh Hòa đã viết lên bài viết hay ho nầy.
Trả lờiXóaMột người " Tù Cải Tạo 8 năm trên đất Bắc "