1. Sao không có một ngày dành cho Nguyễn Du, bậc đại thi hào của dân tộc, tác giả những hàng châu ngọc làm rung động trái tim của bao thế hệ người dân Việt? Sao ở đây hàng năm không thấy tổ chức một ngày tưởng niệm, tôn vinh Người, một tài hoa xuất chúng đã với khúc đoạn trường bất tử nâng văn chương và ngôn ngữ Việt lên trình độ tuyệt mỹ? Sao tên Người bị vùi quên như thế với thời gian vô tình, theo dòng đời hưng phế, trong sự hờ hững kỳ lạ của con cháu?<!->
Thật là đau xót, và bất công, bởi qua gần một ngàn năm lịch sử văn học Việt Nam, từ triều đại Lý, Lê, Trần cho đến ngày nay, có ai hơn nổi Nguyễn Du? Người tượng trưng cho tinh hoa Việt ngữ, tiếng của Thơ của Nhạc, êm đềm mà sôi nổi như những dòng sông, luân lưu từ bốn mươi thế kỷ thăng trầm, chở đầy tình tự quê hương và tinh thần bất khuất trước cuồng vọng đồng hóa của lũ ngoại xâm phương Bắc. Người chính là Thơ là Nhạc, là Hồn Việt Nam luôn khát khao tìm về, như Platon thuở trước, thế giới huyễn hoặc của Chân Thiện Mỹ, và những khung trời mộng ảo dành cho tình yêu, bất hạnh, thủy chung, và hy vọng. Như cuộc đời của Vương Thúy Kiều. Hay biết đâu của chính chúng ta, những kẻ lưu đày còn ngóng trông về cố hương yêu dấu.
Quả vậy, Ðoạn Trường Tân Thanh là một kiệt tác, không thua La Divina Commedia hay Faust, hayRomeo and Juliet, hay bất cứ tác phẩm cổ điển nào trong văn học thế giới, bởi cùng mang vẻ đẹp thần kỳ và dấu ấn của thời gian vĩnh cửu. Và bởi mỗi câu thơ Kiều là viên ngọc bích trong ngần, không tì vết. Không thể thay thế, sửa đổi, thêm bớt, dù một vận, một lời. Người ta đã cố gắng dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng làm sao chở được trọn vẹn ý tứ thâm trầm sâu sắc, chất thơ bàng bạc, lời thơ trầm bổng, và nỗi mê say đằm thắm, mà từng câu Kiều mang đến làm sảng khoái tâm hồn. Cũng như, trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, thơ của thi sĩ Pháp Verlaine không thể nào chuyển được hết, ví dụ, điệu buồn ảo não của tiếng vĩ cầm nức nở chiều thu, sang một tiếng nước khác. Mỗi tiếng nói, vì vậy, có một linh hồn riêng. Và linh hồn tiếng Việt đã tỏa nhập hết vào Ðoạn Trường Tân Thanh rồi.
2. Càng đọc Truyện Kiều, càng thấy hãnh diện về tiếng nói của mình. Nhờ đó mới biết khả năng diễn đạt và truyền cảm của tiếng mẹ đâu kém thua bất cứ ngoại ngữ nào. Nhà tây học Phạm Quỳnh –chủ nhiệm tờ Nam Phong Tạp Chí, người phải được vinh danh như đã có công lao vĩ đại trong việc gây dựng và mở mang chữ quốc ngữ– trong bài diễn văn nhân ngày kỷ niệm Tiên Ðiền Nguyễn Du năm 1924, đã thốt lên câu nói bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”1.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như ông. Trong văn học sử nước nhà, trước đây, Truyện Kiềuluôn vẫn là đề tài tranh luận gay gắt, được mổ xẻ dưới nhiều khía cạnh, theo nhãn quan từng người.
a) Ông nghè Ngô Ðức Kế và đồng chí Huỳnh Thúc Kháng, chẳng hạn, vì bất đồng chính kiến với Phạm Quỳnh, xem đó là một thứ dâm thư bị thực dân Pháp và tay sai lợi dụng để đầu độc thanh niên Việt, và Huỳnh Thúc Kháng còn mạt sát “con đĩ Kiều” [sic] về tội đêm khuya dám cả gan trèo tường sang phòng Kim Trọng. Lối phê bình văn chương sặc mùi thù hận chính trị trá hình của hai ông này dưới lớp vỏ bọc đạo đức cổ xưa khắt khe, lỗi thời, vẫn được các “học giả” Việt Cộng bây giờ tán thưởng nhiệt liệt2.
b) Các văn thi sĩ tiền chiến, như Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nhất Linh, trái lại, dựa trên giá trị văn chương tuyệt vời để không tiếc lời ca ngợi Truyện Kiều, như Phạm Quỳnh đã làm. Trong khi Nguyễn Bách Khoa, tức Trương Tửu, thì dùng lối phê bình “khoa học”, tức phân tâm Freud, lúc ấy còn mới mẻ, để vẽ lên một Nguyễn Du thần kinh yếu đuối, ươn hèn và một tiểu thư Thúy Kiều dâm đãng, bị dồn ép sinh lý, trở thành bệnh hoạn, bất thường, da mặt tái nhợt, kinh nguyệt rối loạn, đồng thời theo duy vật biện chứng pháp Mác-xít coi truyện Kiều như một biểu hiện đấu tranh giai cấp giữa nông dân và địa chủ3.
Nguyễn Bách Khoa và những nhà phê bình Việt Cộng còn đi xa hơn, chê âm điệu lục bát trong Truyện Kiều là lối thơ “bạc nhược”, ru ngủ, làm bại hoại tinh thần chiến đấu, mà cố tình quên rằng cũng chính thơ lục bát đó đã diễn tả những cảnh tượng hùng tráng như đoạn nói về Từ Hải và buổi xuất quân cờ xí ngợp trời. Họ cũng chê thơ song thất lục bát, với cùng một giọng điệu độc đoán, hằn học, hàm hồ, để bài bác một thi phẩm diễm lệ khác, khúc Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm4.
c) Tại Miền Nam, Truyện Kiều được sớm đưa vào chương trình học cho các trường trung và đại học như một tác phẩm kinh điển, bắt buộc5. Tuy nhiên, năm 1962, có Nguyễn Văn Trung, một giáo sư đại học trẻ tốt nghiệp Triết tại Bỉ mới về nước, nhân một buổi thuyết trình tại Trường Quốc gia Âm nhạc, về “Văn học và Chính trị, một quan điểm mới về cuộc tranh luận Phạm Quỳnh – Ngô Đức Kế qua Truyện Kiều” vào tháng 10/1962 (sau in lại, năm 1972, dưới nhan đề Vụ án Truyện Kiều như tài liệu dành cho sinh viên Văn khoa Sư phạm lớp Lý luận văn học), vì ghét Pháp và nhất là Phạm Quỳnh đã đem nhà học giả họ Phạm ra xét xử và tố khổ về hai “tội” không ăn nhập với nhau: làm tay sai cho Pháp, và sùng bái Kiều theo chỉ thị của thực dân –như Ngô Ðức Kế và Huỳnh Thúc Kháng từng lên án– với luận điệu quá khích, khiến dư luận ồn ào một dạo6.
d) Còn nữa. Hiện tại, một vài nhà phê bình đại ngôn, vì lập dị hay muốn được thiên hạ biết đến tên tuổi, đã dám chê bai một cách hàm hồ, vô trách nhiệm rằng thơ Truyện Kiều còn thua cả thơ Con Cóc, như Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc tại Úc7. Hoặc cố moi tìm cho bằng được những “nhược điểm” (tưởng tượng) trong tuyệt phẩm Truyện Kiều, như một Hồng Huy nào đó ở Canada (?)8.
3. Dù sao, dưới quan điểm nào, thì Ðoạn Trường Tân Thanh và Nguyễn Du vẫn được đọc, được học, được bàn đến. “Ðược” chê bai, chỉ trích, hoặc đố kỵ, dù hồ đồ sai quấy, vẫn là bằng chứng hùng hồn của vị thế quan trọng, vì không có gì bạc phước hơn cho một tác phẩm, hay một tác giả, là bị lãng quên, không nhắc tới. Như trường hợp Nguyễn Du ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Như nàng Kiều bây giờ.
Nàng thực sự đã chết. Không phải dưới sông Tiền Ðường như nàng đã ao ước, mà chính ở tại lòng ta, những người, trong một nghĩa nào đó, có tên ghi trong sổ đoạn trường, đâu khác chi nàng. Quả thế, ngồi đây, ta tìm trong vô vọng, như kẻ lạc loài, một gương bán mình chuộc cha, hy sinh tình riêng cho hạnh phúc gia đình. Mơ những giọt nước mắt kiêu sa của nàng kỹ nữ bên lầu Ngưng Bích thuở xưa còn “nhớ lời nguyện ước ba sinh” mà gửi mộng đêm đêm đến người tình chung. Còn đâu dư âm khúc đàn bạc mệnh não lòng chở sầu ta về giữa “tiệc hoa” của nàng ca kỹ hương sắc tàn phai và người Tư Mã Giang Châu “cùng một lứa bên trời lận đận”, trên bến nước Tầm Dương với bóng trăng soi vàng võ và nỗi hờn viễn xứ khôn nguôi. Còn đâu phấn hương ngày cũ, ngất ngây lãng mạn, đầy ắp trong Ðoạn Trường Tân Thanh, nơi có đôi lứa yêu nhau giữa đời truân chuyên, bất hạnh, có giấc hương quan lạnh lùng, có liễu Chương đài xõa tóc chờ ai, có hạnh phúc mong manh và đớn đau dai dẳng, có sóng mắt giai nhân cho hồn ta đắm đuối... Có tất cả, để đưa ta, một phút giây nào, thoát rời thực tế tanh hôi và cõi đời tục lụy đã biến con người thành bộ phận nhỏ nhoi, vô tri vô giác, trong guồng máy khổng lồ hủy diệt –là cuộc sống hàng ngày. Nguyễn Du, thiên tài Việt Nam, ân nhân diệu kỳ, giúp ta trở về cội nguồn dân tộc, tìm lại thiên đường tuổi nhỏ thuở mộng còn xanh và trăng gió xa khơi chưa mang đi những lời thề đã lỡ.
4. Nỗi khổ của ta, hay của Nguyễn Du, không phải chỉ có thế. Không phải chỉ là mối u hoài tiếc nuối một thiên đường xanh đã mất tựa trong thơ Milton, hay Baudelaire. Bởi Ðoạn Trường Tân Thanh không phải chỉ kể một truyện tình tan vỡ, hay ca tụng gương trung hiếu tiết nghĩa, hay vẽ ra một bức tranh hiện thực xấu xa với những thành phần cặn bã nhất của xã hội đương thời, hay hơn nữa, gởi gắm một tâm sự u hoài riêng, theo một số bình luận gia, mà còn chứa một kho tàng vô giá: đó là vẻ đẹp muôn đời của Việt ngữ.
Chính vì thế mà nỗi khổ đó của ta còn thêm triền miên ngày nào mà nơi đây tiếng mẹ còn bị coi thường, nếu không nói là khinh chê, rẻ rúng, không những bởi các em nhỏ sinh ra hoặc lớn lên tại ngoại quốc, mà cả bậc phụ huynh thuộc lớp trưởng giả học làm sang. Biết ngoại ngữ rất cần thiết để sống còn nơi xứ người, nhưng chối bỏ tiếng Việt là điều khó chấp nhận được. Còn gì làm xấu hổ hơn là phải nghe các thanh niên đã thành danh, vào đời, đứng trước công chúng, không biết nói, hoặc nói ngọng, tiếng Việt, và còn gì làm khó chịu hơn là phải nghe họ rào rào tiếng Mỹ, tiếng Tây, kể cả trong gia đình với nhau, hoặc với bố mẹ, dù bố mẹ nói ngoại ngữ đặc sệt giọng địa phương (accent)? Đành rằng cha mẹ nào trong cuộc sống mới trên xứ người cũng bận rộn, vất vả, nhưng xin hỏi, có khó gì đâu khi phải nói tiếng Việt, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi (Phạm Duy), với con cái trong nhà, có tốn gì nhiều đâu nếu phải gửi các cháu đến các trung tâm dạy Việt ngữ? Muốn con cái giỏi ngôn ngữ của quê hương thứ hai ư? Ở đây, không nên lo các cháu kém Anh ngữ, Pháp ngữ, mà chỉ lo các cháu không biết tiếng Việt và văn hóa Việt mà thôi.
Hơn nữa, đâu phải nói tiếng Mỹ như Mỹ, tiếng Pháp như Pháp, là đương nhiên trở thành Mỹ, Pháp chính cống, trừ phi làm sao cho tóc hết đen, da hết vàng, mũi hết tẹt, ở một thế giới mà xung đột, kỳ thị về màu da, chủng tộc, xảy ra gần như hàng ngày, trở thành nan giải. Người ngoại quốc, rất thẳng thắn, chỉ kính nể những người Việt Nam tự trọng không chối bỏ hoặc mắc cỡ mình là Việt Nam, biết và nói thông thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn ngôn ngữ của nước mình đang định cư9.
Mà có gì phải hổ thẹn với tiếng Việt và văn chương Việt yêu quý của ta? Vì (a) về ngữ học, chưa ai quên rằng Việt Nam là nước Á Châu đầu tiên, nếu không muốn nói duy nhất, có hệ thống ngôn ngữ chính thức bằng mẫu tự Latin như những quốc gia được gọi là “văn minh” trên thế giới. Và trên thế giới tiếng Việt Nam cũng là tiếng duy nhất có năm dấu cho mỗi chữ –một đặc điểm ta phải trân quý, hãnh diện. Ðối với các nhà ngữ học ngoại quốc, năm dấu ấy, tuy có phần rắc rối, đã cho tiếng Việt âm sắc đặc biệt trầm bổng, như những nốt nhạc, nghe hấp dẫn lạ thường, còn hơn một số ngoại ngữ được dạy ở các trường.(b) Về văn chương, ta đâu thua kém nước nào. Có kẻ chê nó nghèo nàn. Nhưng nếu để họ học nghiêm chỉnh, đầy đủ hết những tác phẩm bằng chữ Nôm, hay Quốc ngữ từ bài Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên, thế kỷ XIII, trở đi chắc phải mất nhiều năm, chưa kể Truyện Kiều. Có người còn bảo văn chương nước ta toàn vay mượn, hết Tàu rồi tới Tây. Nhưng văn chương thế giới không vay mượn lẫn nhau là gì? Xin đơn cử hai ví dụ thôi:
• Văn chương Latin : Thời kỳ đầu (240-70 BC) khi tiếng Latin còn thô sơ, văn chương về hình thức lẫn nội dung bắt chước và rập khuôn Hy Lạp (đặc biệt Homère và Menander), và các tác giả Latin cũng thường thường bậc trung: Naevius và Ennius (anh hùng ca), Ennius, Plautus, và Terence (bi hài kịch), Cato (văn xuôi). Ngay trong thời cực thịnh (43BC-AD14) của văn chương Latin, thi hào Horace (65-8 BC), tác giả của Carmina, tức Odes (23 BC), trong đó có bài “Carpe diem” trứ danh, cũng đã đem thể thơ trữ tình, với nhịp điệu rất trầm bổng, của các thi sĩ Hy Lạp, như Anacreon, Alcaeus, và Sappho, áp dụng cho câu thơ Latin.
• Văn chương Pháp : Thời kỳ Phục Hưng tràn ngập sách vở cổ điển dịch từ Hy Lạp và Latin –là những tác phẩm được xem như nền móng cho sự phát triển văn chương những thế kỷ về sau. Chưa nói đến Pháp ngữ, thuộc nhóm ngôn ngữ Romance, như Ý và Tây Ban Nha, nguyên thủy được pha trộn trực tiếp với tiếng Latin của lính tráng và con buôn La Mã thành thứ tiếng lingua franca (hỗn tạp). Mở những tác phẩm thời Trung Cổ Pháp (cf thơ Villon, hay những Chansons de geste) người ta thấy rằng nếu không biết Latin và thiếu phần dịch giải, độc giả, kể cả người Pháp chính hiệu, khó lòng hiểu được. Hay phong trào lãng mạn Pháp, thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng nặng nề của Schiller, Shakespeare, Goethe, hay của Ossian xứ Tô Cách Lan quanh năm sương mù che phủ. Ấy là chưa nhắc đến Homère, ông tổ chung cho nền thi ca Âu Châu.
Có người sẽ hỏi văn chương và tiếng Việt ta hay như thế mà tại sao không được chính thức dạy trong các trường Mỹ một cách qui mô, “cao cấp” như tiếng của người Nhật, Tàu, hay cả Ðại Hàn? Câu trả lời cho thấy một thực tế phũ phàng. Ta không thể “đầu tư” văn hóa như họ được. Một phần vì đối với người Mỹ, Việt Nam nhắc nhở một sự thất bại và phản bội nhục nhã, ê chề phải quên, và hơn nữa, Việt Nam không phải là thị trường kinh tế quan trọng, nhất là đang bị cai trị bởi một lũ lãnh đạo tự phong độc tài, tham nhũng, vô liêm sỉ, ngu si, gốc gác cu li, bồi tàu, thiên heo, giao liên v.v... cả đời chưa được học một chữ về văn chương, văn hóa của dân tộc. Phần khác, vì thiếu “áp lực”, hay “quyền lực”, tài chánh. Người Nhật, chẳng hạn, đã cho các lãnh sự mang hàng triệu Mỹ kim đến tặng cho phân khoa và phòng thực tập sinh ngữ của các đại học nổi tiếng, như University of Oregon (là alma mater của người viết nên biết rõ), với điều kiện ngầm, bất thành văn, dĩ nhiên, là phải mở hoặc duy trì lớp Nhật ngữ. Họ cũng đã bỏ tiền mua làm chủ ít nhất năm đại học ở Mỹ này rồi. Trên bình diện khác, tiếng Tàu, với dân số hơn một tỷ có mặt khắp nơi, là tiếng được nói nhiều nhất trên thế giới, hơn cả tiếng Anh, nên người Mỹ ưa chuộng, trong lãnh vực business, cùng với tiếng Tây Ban Nha, tưởng không có gì lạ. Con cháu Chú Sam rất thực tế, thấy không lợi là không làm, tỷ như tiếng Pháp, tuy thanh tao, quý phái, nhưng không thực dụng, nên lớp Pháp ngữ tại các trường Mỹ rất trống sinh viên.
5. Thực ra, lý do chính yếu vẫn là thái độ thờ ơ, lãnh đạm của dân tỵ nạn chúng ta đối với chính ngôn ngữ và văn chương nước mình. Đã có hay chưa một đoàn thể người Việt nào chính thức gửi thư yêu cầu mở lớp tiếng Việt tại các Đại Học Mỹ, Pháp và phát văn bằng BA hay MA về Văn chương và Ngữ học Việt –như người Nhật, vốn có tinh thần dân tộc rất cao, và dồi dào tiền bạc, đã làm cho ngôn ngữ của họ? Đã có hay chưa bài viết nào đề cao, quảng bá Việt ngữ trên báo Mỹ, Pháp để lôi cuốn sinh viên? Mà dù có yêu cầu, đòi hỏi mà không có khả năng tài chánh thì cũng như không. Cho nên, sự thiếu vắng tiếng Việt trong chương trình học là điều không làm ai ngạc nhiên.
Với cái đà này thì chừng mươi thế hệ nữa, nếu chúng ta không tỉnh thức, Truyện Kiều sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn trong bụi thời gian và không còn ai biết đến Nguyễn Du nữa. Tiếng Việt, lúc đó, sẽ biến mất tại ngoại quốc, hoặc may ra, sẽ biến dạng như tiếng Pháp tại tiểu bang Louisiana, hay xứ Haiti, hay Cộng Hòa Trung Phi Tchad. Nói chi đến văn chương. Tiếng ta mất thì mãi mãi nước ta mất, lời Phạm Quỳnh nói ắt chẳng sai.
Thi hào Nguyễn Du có lẽ đoán được vận nước và sự bạc bẽo của con cháu đối với Truyện Kiều và, qua đó, văn chương và ngôn ngữ Việt, nên đã thốt lên trong bài thơ xót thương nàng Tiểu Thanh bạc mệnh như một lời trăng trối tiên tri: “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Chưa đến ba trăm năm mà giờ đây đã có bao nhiêu là dòng lệ nhỏ xuống khóc Người rồi.
CHÚ THÍCH
1 Phạm Quỳnh, “Bài diễn thuyết bằng quốc văn”, tháng 8 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức, cf Nam Phong, số 86, 8/1924: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà, cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”
2 Ngô Đức Kế, “Luận về chánh học cùng tà thuyết - quốc văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du”, Hữu Thanh, số 21, 1/9/1924). Huỳnh Thúc Kháng. “Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? (Chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời)”, Tiếng Dân, số 317, 17/9/1930): “Ở xã hội ta từ có kẻ tán dương Kiều, truyền bá học Kiều đến nay, đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi bể tình, vứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà theo mối ham mê của mình. Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít”. Xin đọc thêm trên Net (yahoo Vietnam) những bài viết rải rác của những nhà phê bình VC ca tụng hai ông này.
3 Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Hàn Thuyên, Hà Nội, 1944.
4 Nguyễn Bách Khoa, Văn chương Truyện Kiều, Tạp chí Văn Mới, Hàn Thuyên, Hà Nội, 1945, Phần III, chuơng 3: “Tính cách bạc nhược của âm điệu lục bát”.
5 Trong nước bây giờ, VC cũng cho học sinh học Truyện Kiều, nhưng rất qua loa, chiếu lệ, dưới nhãn quan Mác-Xít của nền giáo dục CHXHCN Việt Nam. Cháu gái tôi, 16 tuổi, đã làm một bài luận văn nộp cho thầy giáo trong đó có một đoạn về nhân vật Từ Hải: “[...] Từ Hải là một tên tướng cướp loại đầu gấu, ham chơi bời, lấy một gái điếm làm vợ. Ông ta rất phản động, dám chống lại nhà cầm quyền. Về sau, các lãnh đạo nhà nước đã dùng mưu kế bắt sống ông ta để bắt đi cải tạo mút chỉ. Nhưng ông ta chống cự lệnh trên, cho nên các chiến sĩ phải bắn hạ ông ta mà ông ta vẫn ngoan cố không chịu nằm xuống để chết[...]”. V.v...
6 Người ta được biết, qua Yahoo Vietnam, từ sau 30/4/1975, Nguyễn Văn Trung được Việt Cộng lưu dụng, cho làm việc tại Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp TP/HCM đến năm 1994 thì được xuất ngoại. Hiện đang sống tại Montréal, Canada.
7Nguyễn Hưng Quốc, Thơ, v.v… và v.v…, CA, 1996, tr.39-53 : “[...] Trường-phái-thơ-thúy-kiều đến nay vẫn là dòng chủ đạo trong nền thơ Việt Nam, đẹp thì cũng có thể gọi là đẹp, nhưng là một cái đẹp rất sáo, rất cũ, đặc biệt, rất ru em và rất dầm dề. Ru em ở nhạc điệu: lúc nào cũng du dương, cũng nhè nhẹ, cũng à ơi. Dầm dề ở cảm xúc: động một chút là thở than, là rơi nước mắt, là ‘Ôi Kim lang, hỡi Kim lang.’”. Theo cư dân Net, ngoài thơ Con Cóc, GS Nguyễn Hưng Quốc còn khen bài thơ “Ngọn cỏ” rất quỷ khốc thần sầu sau đây của nhà thơ siêu hiện thực Nguyễn Thị Hoàng Bắc là “hay tuyệt vời”:
Tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước uống sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
trong bồn cầu tí tách
thứ nước uống sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ được ngồi trên bồn cầu
chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phì
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.
(1997, trích từ talawas)
chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phì
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.
(1997, trích từ talawas)
Rất may, ông tiến sĩ chưa đưa nàng Kiều vào bài thơ này hoặc so sánh nó với thơ Truyện Kiều.
8 Hồng Huy, Đọc kỹ Truyện Kiều, Làng Văn, 1998: “Nhưng TK dài trên ba ngàn câu, lại là thơ kể chuyện, bị vần điệu và những chi tiết cụ thể câu thúc, không thể tránh hết những ý không rõ, những chữ không xứng [...]” (Lời nói đầu, tr.5). Làm như chưa ai “đọc kỹ” như ông. Nhân chữ “đồng thân” trong câu “Với Vương Quan trước vốn là đồng thân”, Hồng Huy không cắt nghĩa tại sao “đồng thân” là một chữ gượng ép, hoặc đề nghị thay bằng chữ khác, nhưng cứ viết: “Điều đáng tiếc là những nhà chú giải TK, đã vì quá tôn sùng Nguyễn Du, không dám nói rõ đó là một chữ dùng gượng, để giúp cho người hậu học phân biệt được chỗ nào thỏa đáng, chỗ nào miễn cưỡng” (tr.145). Người đọc hân hoan mong đợi những khám phá tân kỳ của ông, cuối cùng chỉ gặp một số lập luận, ví dụ, dẫn chứng “miễn cưỡng”, không “thoả đáng” có thể bị phản bác lại dễ dàng. Lại nữa, tuy chê chữ này câu nọ, nhưng tác giả không, hoặc không thể, đưa ra chữ hay câu nào khác khả dĩ thay thế để cho “rõ”, cho “xứng” (chữ của ông) hơn, như mục đích quyển sách đề ra.
9 Trong một băng video của Trung tâm ca nhạc Paris By NIght mới đây có tiểu đề “Tôi là người Việt Nam”, hay “Hãnh diện là người Việt Nam”, tôi không nhớ rõ, một số người Việt trẻ thành công được mời lên phát biểu. Họ nói tiếng Việt ngọng nghịu, vấp váp, trông thật tội nghiệp và xấu hổ cho người Việt Nam. Hãnh diện ở chỗ nào? Tôi là người Việt Nam, hay Việt Lai, Việt Lèo đây?
Portland, 30 tháng 10, 2015,
Kim Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét