Hình minh hoạ bởi Rob Dobi (OC
Weekly)
Điều tra
phóng sự truyền hình Terror in Little
Saigon đã gây sôi nổi ngay từ trước khi công chiếu vào ngày 3 tháng 11,
2015. Sau mười ngày, cuộc tranh cãi đã phân định thành nhiều phe tương đối rõ
nét. Nhưng hầu như lập luận của phe nào cũng bị vẩn đục bởi những định kiến sẵn
có, khiến cuộc thảo luận chỉ quanh quẩn, người nọ lập lại ý kiến của người kia
cùng phe, khiến tình trạng ngày càng tù mù thêm. Giống như một sân quần ngựa,
càng nhiều ngựa quần, bụi đất càng mù mịt.
<!->
<!->
Muốn nhìn rõ
vấn đề, trước hết, cần loại bỏ mọi định kiến, nghi vấn, suy đoán theo tưởng tượng.
Cần gạt bỏ mọi tình cảm thiên lệch sẵn có như bênh ai, chống ai...Hãy bắt đầu từ
số không, và chỉ nhìn vào những sự việc có thật, rồi từ đấy mới có thể có cái
nhìn rõ ràng.
Sự thật không thể chối bỏ
Trước hết, những
người chống lại nhóm làm phim đưa ra lập luận: Nội vụ đã sẩy ra hai ba chục năm
rồi, giới hữu trách đã có gắng nhiều, vẫn không tìm ra thủ phạm, không ai bị
truy tố, tại sao làm sống lại chuyện này? Nhằm mục đích gì? Có âm mưu gì? Ai
chi tiền? Đằng sau có ai? Và đằng sau ai có ai nữa? Tại sao lúc này?... Trong
khi ấy, những người có thành kiến với Mặt Trận [Quốc gia Thống nhất Giải phóng
Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh – gọi tắt là Mặt Trận], cũng như với chính đảng
kế tục Mặt Trận là Việt Tân, đều nhấn mạnh về nghi vấn Mặt Trận là thủ phạm. Nội
dung cuốn phim gây tranh cãi cũng thiên về khuynh hướng này, và cũng không nêu
được sự thật mới nào.
Vậy sự thật ở
đâu? Bắt đầu từ chỗ nào?
Dù chưa bắt
được thủ phạm, chưa ai bị truy tố, nhưng có một sự thật không ai chối cãi được,
là có những người bị giết. Sự thật này không ai có thể né tránh, không thể thay
đổi, không thể xoá bỏ. Dù nhắc tới nó hay không, dù can đảm đối diện hay hèn mạt
chối bỏ, nó vẫn còn đó. Chưa có ai bị truy tố, không có nghĩa là không có thủ
phạm, không có người chết. Có nhiều người bị giết mà chưa bắt được thủ phạm, rất
nhiều nguy hiểm; vì thủ phạm vẫn thong dong sống trà trộn với người lương thiện
trong xã hội, “đã quen mất nết đi rồi”, có thể tái phạm tội ác bất cứ lúc nào;
là mối đe dọa thường trực cho mọi người. Hơn nữa, có người chết, thì phải làm
cho sáng tỏ. Không làm được là bất lực, vô trách nhiệm, vô cảm.
Theo những
tài liệu rõ ràng, không ai chối cãi được, là trong mười năm, từ 1981 đến 1990
thế kỷ trước, có nhiều vụ khủng bố mà nạn nhân thuộc thành phần người Việt tại
Mỹ. Kẻ bị đe doạ, bị hành hung, người bị đốt nhà, nhiều người bị bắn chết, có
người chỉ bị thương, thoát chết. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi chỉ nói tới
năm người bị giết, nên ở đây, cũng chỉ đề cập tới những người này.
Năm người bị
giết không phải chỉ là những con số đơn độc vô tri vô giác. Mỗi người không phải
chỉ là một phân số 1/5 của một tổng số. Họ là những con người bằng xương bằng
thịt, có tên tuổi, diện mạo, có sở thích, chí hướng, có gia đình, bạn hữu và
nguồn gốc. Đó là sự thật.
Sự thật khác
là cả năm người khi bị giết đều cùng đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ, là cường
quốc dân chủ số một trên thế giới, là “thành phố ánh sáng trên đồi cao” cho cả
thế giới noi theo về tinh thần trọng luật, và tôn trọng nhân quyền. Sự thật kế
tiếp là những người này đã bị giết hai ba chục năm, mà chính quyền Hoa Kỳ vẫn
chưa tìm ra thủ phạm để đem ra trước công lý. Nếu đây là một vết nhơ, một điều
đáng xấu hổ, đáng nhục thì, ai xấu hổ, ai nhục? Có người nói: khơi lại nội vụ
là làm nhục cộng đồng người Việt. Sự thật, có phải vậy không?
Một sự thật
khác liên hệ tới nhà báo bị giết không thể bỏ qua: Ngày 7 tháng 1 năm 2015, hai
sát thủ xông vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, bắn chết 12 người. Cả
thế giới phẫn nộ. Tổng Thống Pháp từng bị tờ báo này mạ lỵ thậm tệ nhiều lần,
ra lệnh treo cờ rủ, cả nước Pháp để tang, hàng triệu người xuống đường đeo huy
hiệu, tự nhận “Tôi là Charlie” (Je suis Charlie). Tổng Thống Mỹ Obama lên án vụ
tấn công là “horrific shooting” (vụ bắn khủng khiếp), hứa giúp đỡ mọi sự cần
thiết để đưa bọn khủng bố ra trước công lý. Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố:
“Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là
cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do
phát biểu”. Thủ Tướng Anh Cameron bầy tỏ trên twitter: “Những vụ giết người tại
Paris là bệnh hoạn. Chúng tôi sát cánh với dân tộc Pháp trong trận đánh chống lại
kinh hãi và bảo vệ tự do báo chí”.
Khác nhau giữa
các nhà báo Pháp bị giết ở Paris, và nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ là ở chỗ, một
đằng bị giết cùng một nơi, cùng lúc, một đằng bị giết lẻ tẻ, rải rác nhiều nơi,
trong nhiều năm. Thủ phạm giết nhiều người một lúc, là phạm pháp một lần. Thủ
phạm giết người nhiều lần, mỗi lần một vài người, dù tổng số người bị giết ít
hơn, nhưng là phạm pháp nhiều lần, có yếu tố tái phạm. Một yếu tố khiến tội phạm
nặng thêm.
Vậy, vụ các
nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ phải được coi là nghiêm trọng hơn vụ Charlie Hebdo.
Tuần báo Charlie Hebdo là một cá thể trong cộng đồng dân Pháp, dù nhiều người
không ưa cá thể này, nhưng từ tổng thống trở xuống, cả dân Pháp đã đau buồn,
cùng nhau chịu tang, thế giới chia buồn.
Các nhà báo
Việt bị sát hại tại Mỹ, dù có người không ưa họ – chẳng ai được mọi người cùng
ưa – trước hết, họ là những cá thể trong cộng đồng người Việt, cùng lúc, họ
cũng thuộc về cộng đồng tất cả mọi người sống trên đất Mỹ. Trước hết, cái chết
của họ là nỗi đau chung, là tang chung cho cả cộng đồng người Việt. Và theo
cách đối xử của dân Pháp trước vụ Charlie Hebdo, họ cũng đáng được dân Mỹ chia
sẻ niềm đau, chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ, và thế giới quan tâm.
Bây giờ, xin
nhìn thẳng vào sự thật, trước những cái chết của họ, cộng đồng người Việt đã
làm gì? Chính quyền Hoa Kỳ đã làm gì? Thế giới đã làm gì?
Nói theo Nguyễn
Ngọc Lan, trước tội ác sẩy ra cho thành viên của mình, Cộng đồng người Việt đã
“làm thinh”! Nói “làm thinh” là đã nhẹ bớt quá nhiều. Sự thật còn tệ hơn nữa. Trả
lời nhóm làm phim ProPublica, người đã bắn Trần Khánh Vân, chỉ vì ông này chủ
trương đối thoại và giao thương với Việt Cộng, Trần Văn Bé Tư, sau bảy năm ngồi
tù, vẫn còn hãnh diện: “Tôi bắn, hắn đổ xuống như một cái cây”. Và cho biết
thêm: “Dân chúng ở Orange County coi những ngừơi giết những kẻ bị coi là Cộng Sản
như anh hùng”. Ông còn nói đã được tuyển mộ gia nhập K-9 nhưng từ chối, tuy vậy,
ông thán phục việc làm của họ.
Còn chính phủ
Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công
lý”, nhưng đối với bọn khủng bố giết người trên nước ông, ông cũng làm thinh
luôn. Còn thế giới? Cộng đồng Việt như vậy, chính quyền Mỹ như vậy, hà tất thế
giới phải quan tâm.
Sự thật đáng buồn
Một sự thật
đáng buồn hơn cả thái độ làm thinh: Sau khi điều tra phóng sự Kinh hoàng tại
Little Saigon công chiếu, đã có cuộc vận động trong cộng đồng chống lại nỗ lực
của nhóm người làm sống lại vụ án này, với lý do âm mưu làm xấu hình ảnh cộng đồng.
Như đã trình bầy, những người bị giết là nạn nhân, cộng đồng người Việt là tang
gia. Ở đâu có chuyện lạ đời, nhiều thành viên trong gia đình bị giết mà tang
gia bị nhục? Cộng đồng không bao bọc thành viên của mình, và làm thinh, hay còn
vui mừng trước hoạn nạn của thành viên, cái đó mới đáng nhục. Và nhục nhã nhất ở đời là không biết nhục.
Phía chống đối
ProPublica còn nêu nghi vấn: Có thể những nhà báo bị giết là do bàn tay Việt Cộng,
để tạo nghi ngờ và chia rẽ trong cộng đồng Việt tị nạn. Nếu vậy, nội vụ càng cần
làm sáng tỏ, thay vì bỏ qua. Bởi vì, cái nước Mỹ số một thế giới, cùng với cộng
đồng Việt chống cộng nổi tiếng hoàn cầu, mà để Việt Cộng gửi sát thủ sang đây
hoành hành như chỗ không người, thỉnh thoảng giết một nhà báo để bịt miệng, kéo
dài cả chục năm, vẫn không bắt được thủ phạm. Nhục nào bằng?
Chính quyền Mỹ
có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mọi cư dân. Để cho người dưới trách nhiệm bảo
vệ của mình bị giết là một cái nhục. Nhục kế tiếp là bó tay, không tìm ra thủ
phạm. Nhóm làm phim đánh động dư luận, làm sống lại nội vụ, trước hết là góp phần
tìm ra thủ phạm để bộ mặt Hoa Kỳ không bị nhem nhuốc, sau là đem lại một kết
thúc bình an cho gia đình các nạn nhân. Thế mà, điều đáng ngạc nhiên, một nghị
sĩ gốc Việt tại Viện Lập Pháp Tiểu Bang California đã vội vàng lên tiếng phản đối.
Nghị sĩ Janet Nguyễn có một vai trò kép, vừa là đại diện dân Mỹ, vừa là một
thành viên cộng đồng Việt. Đáng lẽ bà phải vui mừng gấp đôi trước việc làm của ProPublica,
vì cố gắng của họ vừa làm đẹp cho nước Mỹ, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng Việt.
Một tuần sau ngày công chiếu phóng sự điều tra, trong lá thư ngày 10 tháng 11 gửi
ProPublica, bà tỏ vẻ bất bình và yêu cầu tổ chức này phải xin lỗi cộng đồng Việt.
Lý do bất bình, bà viết: “Trái với những gì được trình bầy xuyên tạc trong
phóng sự của ông, trên 1.7 triệu người Mỹ gốc Việt là những công dân tôn trọng
pháp luật đã cống hiến cho sự thịnh vượng của xã hội Hoa Ky”. (Contrary to what was portrayed in your
slanted reporting, the more than 1.7 million Vietnamese Americans are law
abiding citizens that contribute to the rich tapestry of America’s society).
Nghị sĩ Nguyễn
nói mà không cần để ý tới thực tế. Sự thật là sắc dân nào, cộng đồng nào cũng vậy,
đều có một số do thiếu hiểu biết, hay cố tình vi phạm pháp luật. Vì thế mới cần
có hệ thống tư pháp. Trên nước Mỹ, năm nào cũng có những người Việt phạm pháp,
bị truy tố ra toà. Đó là chuyện bình thường. Nếu tất cả trên một triệu bảy trăm
ngàn người gốc Việt đều là những công dân tôn trọng pháp luật, vậy những người
bị truy tố hay đang thi hành án trong tù, họ ở đâu ra? Nghị sĩ Nguyễn còn trẻ,
tương lai con nhiều hứa hẹn, không nên phát biểu giống như những người phát
ngôn từ Bắc Kinh hay Hà Nội, lúc nào cũng gân cổ tuyên bố “chúng tôi không có
tù chính trị”, nhưng trong “kho dự trữ” luôn đầy ắp, sẵn sàng đem ra làm quà mở
đường cho một chuyến công du, hay đổi lấy chữ ký cho một thoả hiệp béo bở.
“Bản án tử hình” dành
cho Dương Trọng Lâm (tài liệu trên ProPublica)
Ngoài ra, khi
có những người, hay nhóm người gốc Việt phạm pháp, đó là chuyện cá nhân hay
băng đảng riêng, họ làm họ chịu. Một người hay một nhóm phạm pháp không phải cả
cộng đồng phạm pháp. Uy tín cộng đồng không bị suy giảm khi có một cá nhân, hay
một nhóm trong cộng đồng phạm pháp. Chỉ khi nào cộng đồng cố tình bao che cho một
cá nhân hay một nhóm trong tập thể của mình, lúc ấy, uy tín cộng đồng bị thương
tổn. Ngược lại, khi cộng đồng tham gia việc tìm ra kẻ phạm pháp trong tập thể của
mình, là góp phần rửa sạch bộ mặt mình, càng làm cho uy tín của cộng đồng lên
cao.
Để Nghị Sĩ
Nguyễn dễ phân biệt giữa vinh với nhục, và giữa cá thể với cộng đồng, chẳng cần
tìm đâu xa, có thể nhìn ngay vào lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Năm 1972, Tổng Thống
Nixon bao che cho một nhóm tay chân bộ hạ ở Bạch Ốc đột nhập trụ sở Đảng Dân Chủ ở chung cư
Watergate. Hai nhà báo trẻ của The Washington Post, được sự đồng ý của chủ bút,
cố truy tìm nguồn gốc của việc làm phạm pháp này. Lúc đầu. vì chưa đủ bằng chứng,
nhà báo gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng bị đe doạ, nhưng nhà báo đã cố làm việc
vì công tâm, để bảo vệ những giá trị cao đẹp của Mỹ, không phải để bôi nhọ nước
Mỹ. Trong trường hợp này, truy nguyên để chứng minh ông tổng thống phạm pháp,
là cố gắng can đảm, đáng trân trọng, không phải là việc làm cần ngăn chặn.
Khi ông Nixon
hết đường nói quanh, phải từ chức, tuy ông là đương kim tổng thống, đại diện
cho cả nước Mỹ, nhưng hành vi sai trái của ông chỉ riêng ông phải chịu. Mình
ông xấu mặt. Nước Mỹ chẳng những không xấu, còn được cả thế giới kính phục. Lần
đầu tiên trong lịch sử, nhà báo chỉ với cây bút trong tay, làm cho một ông tổng
thống quyền lực hàng đầu thế giới, nắm chìa khoá nguyên tử trong tay, phải từ
chức.
Một trùng hợp
khá hy hữu, trong cùng ngày Nghị sĩ Nguyễn viết thư cho ProPublica, nói tất cả
người Việt ở Mỹ đều là những công dân tôn trọng pháp luật, ông Nguyễn Xuân Nghĩa,
một cựu lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận cho biết: K-9 có thật, do ông Phạm Văn Liễu
điều động, mục tiêu ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu
thứ nhì là chủ báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến, nhưng cuối cùng, ông Trần Khánh Vân
lãnh đạn! Kẻ bắn ông Vân vẫn còn đó, sau khi mãn án tù vẫn hãnh diện về hành vi
bắn người của mình. Nếu cho đây là niềm hãnh diện chung của cộng dồng, terror
chính là đấy, phải tìm đâu xa?
Ngoài ngạc
nhiên về nội dung thư phản đối của Nghị sĩ Janet Nguyễn, là ngạc nhiên về câu
nói của một nhà lãnh đạo Mặt Trận vốn nổi tiếng khôn ngoan, ông Hoàng Cơ Định.
Trong cuộc phỏng vấn do Hà Giang báo Người Việt thực hiện ngày 6 tháng 11, ông
Định tuyên bố: “Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập
tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là
đã trưởng thành hay chăng.” Nếu chỉ là câu nói vô tình, đó là sự đáng tiếc. Nếu
cố ý, đó là câu nói nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận. Nói chung, ông nêu một
nhận định đúng. Nhưng nó không đúng với trường hợp các nhà báo bị giết. Từ trước
tới nay, có nhà báo từ trần do nguyên nhân không bình thường, nhưng tên tuổi
không nằm trong danh sách những người bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách. Trong
khi ấy, qua bằng chứng còn lại, tất cả những người bị giết, trừ một người là
chuyên viên kỹ thuật, đều là những nhà báo cương quyết bầy tỏ lập trường của họ,
bất chấp áp lực. Họ đích thực là nạn nhân của những vụ giết người để bịt miệng.
Trong số này không có ai là nhà báo ra đường bị xe cán, rồi cộng đồng hô hoán
lên là họ chết vì sự nghiệp viết lách.
Diện mạo các nạn nhân
Theo thứ tự
thời gian, nạn nhân đầu tiên là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút báo Cái Đình
Làng, bị giết 1981, tại San Francisco, CA. Theo “bản án tử hình” bằng tiếng Anh
đề ngày 7 August 1981, được thi hành bởi “Tổ Chức Người Việt Diệt Cộng Phục Quốc”
(VOECRN). Tóm tắt tội trạng liệt kê: Lâm được VNCH cho đi du học năm 1971, thay
vì phục vụ Quốc Gia lại theo Cộng Sản, làm báo Cái Đình Làng để tuyên truyền
cho cộng sản. Sau khi Terror in Little
Saigon công chiếu, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali là cựu Đại
Tá Vũ Văn Lộc cho biết thêm, cha Lâm là Trung Tá VNCH Dương Văn Lạng, nay cũng
đã qua đời. Vẫn theo ông Lộc, xác Lâm lúc đầu đã được chôn trong nghĩa trang cộng
đồng, nhưng có một số quý vị phản đối. Tuy không ép buộc, gia đình tự ý mang
Lâm đi chôn nơi khác, để tránh bị phá hoại.
Chỉ cần riêng
sự thật trên đây, một sự thật không ai chối cãi được, và chỉ cần một vụ này
thôi, có cần thế lực nào, có cần âm mưu nào, có cần ai làm thêm gì nữa để bôi xấu
cộng đồng Việt?
Dương Trọng Lâm khi là sinh viên trường Oberlin. (Courtesy
of Oberlin College Archives)- (Ảnh lấy từ ProPublica)
Hỏi lý do tại
sao bỏ nước chạy sang Mỹ, có lẽ bất cứ ai trong cộng đồng Việt tị nạn, dù đang
ngủ mơ, cũng có thể trả lời trôi chảy: “sang đây để có tự do dân chủ”. Tự do có
phải muốn lên án tử ai cũng được, dân chủ có phải người dân nào cũng có thể tự
mình làm quan toà, kiêm đao phủ? Và giết người rồi, còn không muốn cho chôn! Lời
tuyên bố của Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon sau vụ Charlie Hebdo rất phù hợp cho ở
đây: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh
hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của
dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu” (It was horrendous,
unjustifiable and cold-blooded crime. It was also a direct assault on a
cornerstone of democracy, on the media and on freedom of expression).
Người thứ nhì
là Nguyễn Ðạm Phong, 45 tuổi, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại nhà ở Houston,
Texas. Đạm Phong làm báo từ thời ở Sài Gòn, sang Mỹ, làm chủ nhiệm tờ Tự Do ở
Houston. Những bài báo còn lại cho thấy Đạm Phong công kích Mặt Trận khá nặng nề,
qua những bài báo chiếm đầy trang nhất. Theo thân nhân công khai kể lại, Đạm
Phong đã sang tận Thái Lan tìm hiểu về “chiến khu” của Mặt Trận, từng bị Mặt Trận
mua chuộc, áp lực và liên tục đe doạ.
Qua vụ chiếu
phim Terror in Little Saigon, và những
lên tiếng tiếp theo của con trai, dư luận được biết khi bị ám sát, Đạm Phong có
tới 10 con. Số con mồ côi đông đảo này của Đạm Phong, dù khi bố chết hãy còn
bé, đến nay chắc đã biết rõ bố chết như thế nào, và tại sao. Nhưng mấy chục đứa
con của các con Đạm Phong, những đứa trẻ không có ông như các bạn cùng trang lứa,
những đúa trẻ không bao giờ được ông đưa đón ở cửa trường hay dắt ra công viên,
những đứa cháu không bao giờ được gặp ông. Bố mẹ các cháu sẽ giải thích như thế
nào, để các cháu hiểu được: Tại sao ông đưa cả nhà sang Mỹ để có tự do, rồi lại
chết vì làm báo Tự Do?
Đạm Phong (dứơi cùng bên phải) với vợ
và 8 trong số 10 con (Hình ProPublica)
Nạn nhân thứ
ba là Phạm Văn Tập (tức Hoài Ðiệp Tử), 45 tuổi, chủ nhiệm tạp chí Mai, chết ngộp
khi văn phòng của ông bị đốt Tháng Tám, 1987, tại Garden Grove, California. Người
viết không biết nhiều về nhà báo này. Chỉ được biết, trước khi chết, ông đã từng
bị cảnh cáo, vì báo Mai đăng quảng cáo cho những dịch vụ làm ăn với Việt Cộng.
Nếu còn sống, bây giờ, chẳng những đăng quảng cáo, ông còn có thể mang tiền về
Việt Nam làm ăn, du lịch và du hí, cùng với hàng trăm ngàn khúc ruột ngàn dặm mỗi
năm. Làm báo đi trước thời cuộc, thường là ưu điểm, nhưng sống giữa cộng đồng
Việt mà đi trước thời cuộc, mất mạng như chơi!
Người thứ tư
bị giết là ông Ðỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, chuyên viên kỹ thuật cho tạp chí Văn Nghệ
Tiền Phong, bị bắn chết trong xe, tại Fairfax, Virginia, Tháng Mười Một, 1989.
Ông Nhân là cựu sĩ quan cấp Tá, quân lực VNCH. Không phải là nhân viên toà soạn,
không viết bài, nên ông không bị đe doạ, hay gây tranh cãi gì liên hệ tới bài vở
của tạp chí. Ông sống một mình nên chẳng có ai thắc mắc khi không thấy ông trở
về vào cuối ngày làm việc. Ông rời sở làm chiều Thứ Hai, phu đổ rác phát giác
ông chết ngồi trước tay lái trong xe sáng Thứ Tư. Không biết ông bị bắn bao giờ.
Báo VNTP chỉ loan một tin nhỏ, chẳng mấy ai chú ý, nói ông bị giết vì chuyện riêng. Nội vụ rơi vào
lãng quên. Không hiểu nhà báo căn cứ vào đâu để loan tin như vậy? Không bắt được
thủ phạm, sao biết được chết vì lý do riêng tư.
Ít lâu trước
khi bị giết, ông Lê Triết, một cây viết quan trọng của VNTP, và cũng là tham vấn
cho Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, nói với người thân rằng: “Anh Nhân đã chết
thay tôi. Người ta đã giết anh ấy, vì tưởng lầm là tôi”. Lê Triết giải thích
thêm: Anh ấy không viết bài, chẳng thù oán với ai, đi làm rất chăm chỉ. Vẫn
theo Lê Triết, anh và anh Nhân xấp xỉ tuổi nhau, cả hai cùng tầm vóc, hơi gầy,
cùng đeo kính và cùng đi xe mầu xanh. Chỉ có một khác biệt: Lê Triết tới toà soạn
bất thường, phần vì có thể viết bài ở nhà, phần vì lý do an ninh, để tránh bị
theo dõi. Anh Nhân đi làm theo giờ nhất định, dễ bị theo dõi, bị nhận lầm là Lê
Triết, và bị bắn khi ra về. Sau này, người nghe truyện cảm thấy hối hận, vì chỉ
“nghe rồi bỏ”; tưởng Lê Triết muốn “quan trọng hoá” cá nhân mình. Bỏ qua vì
nghĩ rằng, cùng người Việt chống cộng với nhau, ai nỡ dã man thế.
Nạn nhân cuối
cùng là Lê Triết, 61 tuổi, và vợ là Đặng Trần Thị Tuyết, 52 tuổi. Cả hai cùng bị
hạ sát tại chỗ đậu xe ở đầu nhà, khoảng gần nửa đêm 21 rạng 22 tháng 9, 1990.
Qua bút hiệu Tú Rua trên mục “Ngày Lại Ngày” của VNTP, Lê Triết gây sóng gió
trên tờ báo này trong một thập niên, danh vang khắp nơi, oán thù cũng lắm. Đe
doạ cũng nhiều.
Khi Mặt Trận
ra đời, Lê Triết và VNTP nói chung rất phấn khởi, và tích cực ủng hộ. Toà báo
đã cử ký giả Hoàng Xuyên đi “chiến khu” của Mặt Trận để làm phóng sự. Nhưng từ
khi những thầm kín nội bộ của Mặt Trân dần dần lộ diện, nhà báo thành kẻ thù, bị
đe doạ, qua thư cũng như điện thoại. Lê Triết không phải là người dễ chịu áp lực.
Càng bị đe doạ, anh càng cương quyết, càng chứng tỏ con đường anh theo đuổi là
đúng. Thay vì khuất phục, anh đề phòng, mua súng tự vệ, lắp camera bốn góc nhà,
cộng với con chó Bobby do Nguyễn Thanh Hoàng mua cho.
Tại party của
gia đình một người bạn, mừng con trai hoàn tất chương trình y khoa bác sĩ, vào
tối Thứ Bảy 21 tháng 9, Lê Triết tâm sự với bạn hữu: Qua Mỹ từ 1975, anh không
muốn vào quốc tịch, vì còn mẹ già ở quê cũ, không muốn cắt đứt chút liên hệ
pháp lý còn lại. Chẳng lẽ mẹ người Việt, con công dân Mỹ, như người ngoại quốc.
Mãi đến cuối thập niên 80, trước tình hình khối cộng sản Liên Xô sụp đổ, anh
xin về hưu sớm, và xin nhập quốc tịch Mỹ, để dễ dàng xin thông hành đi Nga. Cả
gia đình là nạn nhân cộng sản, rất phấn khởi trước tình hình mới, anh khoe:
“Tôi làm xong mọi thủ tục đi Mạc Tư Khoa rồi. Chỉ mấy tuần nữa, tôi sẽ chụp một
tấm hình đứng giữa Công Trường Đỏ, gửi về cho mẹ tôi, không cần nói gì cả, Cụ sẽ
mừng và hiểu là tôi đã thoả chí bình sinh”.
Rời party khoảng
11 giờ đêm, anh chị về đến nhà quãng 11:30, lái xe vào chỗ đậu thường lệ ở đầu
nhà. Cũng là nơi sát thủ chờ sẵn, ra tay ngay, gọn lẹ và chuyên nghiệp. Lê Trết
chưa kịp mở cửa xe, chết gục trước tay lái. Chị Triết đã mở được cửa xe, người
nửa trong nửa ngoài, chân co chân duỗi, chết nằm trên sàn xi măng carport.
(Hình lấy từ Terror in Little Saigon –
ProPublica)
Trong vòng vài ngày sau, nhà người thân Lê Triết, điện thoại
reo liên hồi.Khi nhấc lên, thay vì tiếng nói, chỉ là những tràng cười, như
thích thú, như chế diễu, như đe dọa, lạnh lùng, ghê rợn!
Gia đình Lê
Triết ở Việt Nam giữ kín, không dám cho thân mẫu anh biết tin dữ, vì không biết
cách giải thích thế nào cho cụ bà 90 tuổi hiểu được, tại sao con mình bỏ mẹ chạy
lấy người, để khỏi bị chết vì tay Cộng Sản, bây giờ lại chết giữa tập thể đồng
hương chống cộng, ở Mỹ!
Ngày giỗ đầu,
các con đem phim cũ ra chiếu. Khi hình ảnh ông bà Lê Triết xuất hiện, con Bobby
đang ngồi ở góc nhà, vừa vẫy đuôi, vừa sủa, chạy tới hít hít vào màn hình, như
mừng chủ đi xa về. Mừng cho nó, có vẻ an phận, nhờ không ý thức được thế nào là
terror. Nhưng người có mặt đã không cầm được nước mắt. Nó cũng đã đi theo chủ,
lâu rồi.
Kinh hãi trái khoáy
Cuốn phim Terror in Little Saigon (Kinh hãi tại Little
Saigon), như mọi người đã biết, có nội dung nói về cái chết của những nhà
báo gốc Việt bị giết tại Mỹ từ 1981 đến 1990. Nhưng thực tế, nó đã tạo một hiệu
ứng trái ngược trong cộng đồng Việt: Hầu như chẳng ai cảm thấy “kinh hãi” khi
các nhà báo bị giết. Như đã trình bầy, cả cộng đồng và làng báo Việt hồi đó đều
“làm thinh”. Trái lại, đã có một không khí “kinh hãi” trong cộng đồng, trước và
sau hôm công chiếu ngày 3 tháng 11. Nhiều cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng
khắp nơi trên đất Mỹ nhảy dựng, thảo luận, kết án, chống đối, hội họp, tìm cách
đối phó... ngay từ trước khi xem phim. Và sau khi xem phim, mức độ kinh hãi
càng tăng. Hoạt động đối phó cũng tăng: mời họp, thông cáo, kiến nghị, thư phản
đối, họp báo, cả kế hoạch biểu tình trước PBS.
Trong khi cộng
đồng sôi nổi như vậy, lại bị các nhân vật rất gần gũi với cộng đồng chê bai.
Ông Hoàng Cơ Định nghi ngờ về trình độ trưởng thành của cộng đồng, trong khi
ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh
câm, điếc hay mù!” Người viết không tin quý vị trong cộng đồng thiếu trình độ.
Cũng không tin quý vị mắc bệnh câm, điếc, hay mù. Thật ra, quý vị là những người
rất năng động và nhậy cảm, nhưng không đúng lúc, thành ra đôi khi lẫn cẫn. Lúc
đáng lẽ cảm thấy kinh hãi, như khi có người bị giết vì bất đồng chính kiến, hay
để bịt miệng, thì quý vị im lặng. Khi đáng phấn khởi hay vui mừng, như khi nhà
báo tìm hiểu quá khứ, đánh động lương
tâm để giúp tìm ra thủ phạm, thì lạI cảm thấy hãi hùng, lo sợ. Tình trạng này,
có thể tạm gọi là bệnh “kinh hãi trái khoáy” (improper terror).
Ngoài kinh
hãi vì những vụ giết người, có thế nói, qua cuốn phim “terror”, còn có thể thấy
cả kinh hãi ngay trong đời sống cộng đồng:
Tại Cali,
hàng năm cộng đồng Việt đều có tổ chức lễ giỗ và tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô
Đình Diệm. Một trong những đức tính hàng đầu của Tổng Thống Diệm được nêu ra
hàng năm, là sự quý trọng mạng sống con người. Bằng chứng: Hà Minh Trí, sát thủ
Việt Cộng toan ám sát Tổng Thống tại Ban Mê Thuật ngày 22 tháng 2 năm 1957, và
phi công Phạm Phú Quốc, bỏ bom Dinh Độc Lập sáng 27 tháng 2 năm 1962. Cả hai
người này, một là Việt Cộng, một là sĩ quan phản loạn, xử đúng luật, đều đáng
án tử hình. Nhưng ông Diệm đã không giết họ. Dù yêu hay ghét ông, đó là sự thật,
không thể chối cãi. Trường hợp này, ông Diệm còn nhân từ, rộng lượng hơn
Charles de Gaulle. Ngày 22 tháng 8, 1962, có cuộc ám sát hụt Tổng Thống Pháp de
Gaulle ở Paris, do Trung Tá Không Quân Pháp Jean Bastien Thiry chủ mưu. Ông này
bị toà án Paris kết án tử hình ngày 4 tháng 3, 1963, không được de Gaulle ân
xá, và bị xử bắn chỉ một tuần sau đó, ngày 11 tháng 3, 1963. Một tên Việt Cộng,
một sỹ quan phản loạn, chủ tâm giết, đã ra tay và giết hụt Tổng Thống. Mặc dầu
có đầy đủ quyền hành hợp pháp để xử tử họ, nhưng ông không làm. Ông trọng mạng
sống của họ, dù họ đã cố tình giết ông. Cứ giả tỉ Dương Trọng Lâm là Cộng Sản,
anh ta chưa hề giết ai, không có âm mưu giết ai. Vậy mà có người tự tiện giết
anh ta, còn nhân danh cái này cái nọ, và công bố “bản án”. Trước sự việc khủng
khiếp như vậy, có đáng gọi là “kinh hãi”, terror? Lúc sẩy ra chuyện thực sự
kinh hãi, quý vị không làm gì. Chẳng những thế, giết người vô cớ còn không muốn
cho chôn! Đáng kinh hãi hơn nũa! Trong khi đề cao Cụ Diệm, vẫn thản nhiên làm
ngược lại những đức tính tốt của cụ, có phải là tình trạng đáng kinh hãi không?
Ai chưa cảm
thấy kinh hãi đủ, người viết xin trình bầy tiếp: Trở lại vụ ông de Gaulle không
ân xá cho tử tội Thiry. Thật ra, lúc đầu ông đã định ân xá, nhưng sau khi suy
nghĩ, ông đã đưa ra 5 lý do để bác. Trong số này, hai lý do đầu và cuối rất
đáng lưu ý:
- Lý do đầu,
hung thủ đã xả súng vào xe trong đó có chở một người đàn bà vô tội; đó là Bà
Yvonne de Gaulle, vợ ông, ngồi chung xe với ông.
- Lý do cuối,
các hung thủ xử dựng võ khí tấn công, chính họ đối diện với hiểm nguy khi hành
động, họ được giảm án. Nhưng người chủ mưu Thiry, không trực tiếp hành sự, mà
ngồi chỉ huy ở một nơi an toàn, không đáng được ân xá.
Cả hai lý do
trên, đều có thể áp dụng cho vụ ám sát ông bà Lê Triết, với mức độ trầm trọng
hơn; vì ông de Gaulle và người đàn bà vô tội vợ ông đều thoát chết, trong khi
ông Triết và người đàn bà vô tội của ông không may mán như vậy. Đồng thời, theo
hồ sơ cảnh sát, hung thủ là kẻ giết người chuyên nghiệp; nghĩa là kẻ chủ mưu
cũng chỉ huy từ một nơi an toàn, như Thiry.
Người vô tội
bị giết, kẻ đáng tử hình vẫn ngoài vòng pháp luật, trong một phần tư thế kỷ. Đủ
kinh hãi chưa?
Còn nữa: Sau
khi chống đối A.C. Thompson, một phần sinh hoạt nhộn nhịp trong cộng đồng rọi
đèn chiếu vào Tony Nguyễn: Eureka! Nó đây rồi! Lại một thằng cộng sản nữa! Nó
là bạn của Dương Trọng Lâm, lấy tiền của cộng sản để bôi nhọ cộng đồng! Nếu quả
thật Tony Nguyễn là cộng sản, hay thân cộng, thì thật đáng kinh hãi. Không phải
kinh hãi vì anh ta là cộng sản, mà kinh hãi cho cộng đồng. Tất cả mọi người
trong cộng đồng Việt tị nạn, kể cả người viết bài này, xưa nay chống cộng, vì
tin rằng tất cả những gì liên hệ tới cộng sản đều xấu. Nếu Tony Nguyễn là cộng
sản, và ngày nay anh ta xả thân cố làm sáng tỏ cái chết của người bạn tên Lâm sẩy
ra từ 34 năm trước, như vậy là tình bạn của những người cộng sản hay thân cộng
đối với nhau rất sâu đậm. Trong khi ấy, những người quốc gia có chính nghĩa sáng
ngời, không lo làm sáng tỏ cái chết của những thành viên chống cộng như Đạm
Phong, Lê Triết, mà trước nỗ lực truy tầm thủ phạm của nhà báo, lại cảm thấy
“terror”, như chính mình là thủ phạm sắp bị hành quyết. Còn kinh hãi nào hơn?
Vẫn chưa hết:
Trong khi trả lời phỏng vấn trên đài Cali Today ngày 6 tháng 11, một nhân vật
uy tín trong cộng đồng Bắc Cali đã phát biểu ý kiến, giống như một số người
khác, về cuốn phim Terror in Little
Saigon, rằng đây là chuyện cũ, sẩy ra trong lúc lòng người còn giao động,
không nên nói tới nữa. Trong khi ấy, từ trước tới nay, cộng đồng chống cộng vẫn
nhắc tới, vẫn đòi cộng sản phải làm sáng tỏ những vụ giết người từ thời Cải
Cách Ruộng Đất, thời Mậu Thân, thời Tù Cải Tạo, và những vụ bịt miệng thời Nhân
Văn, Giai Phẩm, vụ Xét Lại... Tất cả terror này đều cũ hơn những terror trên đất
Mỹ. Chỉ nhìn thấy lỗi ở người mà không nhìn thấy lỗi ở mình, căn bệnh này có
đáng kinh hãi không?
Lại nữa, Đại
Tá Lộc chê cuốn phim “đầu voi đuôi chuột”, chưa đưa ra được những bằng chứng
thuyết phục. Ký giả và cơ sở truyền thông tư nhân không phải là cảnh sát hay
FBI. Họ đã cố gắng, và họ mới làm được đến thế thôi. Cộng đồng gốc Việt là tập
thể có liên hệ, nêu thấy còn thiếu sót, nên tiếp tay họ để làm tốt hơn, thay vì
coi họ như kẻ thù. Họ mới đem lại được cái “đuôi chuột”, cộng đồng đã hoảng loạn
lên. Nếu họ đem lại cái đuôi voi? Terror!
Ngoài chuyện
terror, nhóm làm phim còn bị công kích về việc dùng chữ “Little Saigon”, nói rằng
địa danh xuất hiện sau các vụ giết người, và có những vụ ám sát sẩy ra ngoài
Cali, như ờ Virginia, hay Texas. Little Saigon đã trở thành tượng trưng cho tập
thể người Việt tị nạn tại Mỹ. Nếu bảo
tên này chỉ dành riêng cho một nơi nhất định nào, tại sao đã có Little Saigon ở
Nam Cali, Bắc Cali cũng đòi y hệt cho San Jose? Sau vụ khủng bố tại Paris hôm
Thứ Sáu 13 tháng 11, nhiều người nước khác đã đeo biểu hiệu “Je suis Paris”.
Sao không ai nói với những người này là khủng bố tận bên Pháp, anh đang ở Mỹ,
anh là (cái chó) gì mà tự xưng Je suis
Paris?
***
Từ đầu bài,
người viết chỉ nhìn vào những gì dựa trên sự thật. Để đổi khẩu vị, xin thay lời
kết bằng một mẩu truyện giả tưởng, thật ngắn:
Cuối năm Con
Dê (2015), Ngọc Hoàng Thượng Đế mở com pú tờ, vào gú gồ tìm chuyện lớn, để hỏi
táo quân các nơi trong buổi tiếp kiến tất niên. Thấy nổi bật:tin khủng bố làm nổ
máy bay Nga ở Sinai; công an giết người và hành hung luật sư ở Việt Nam. Lại thấy
nhiều bài nói người Việt giống người Do. Thiết triều ngày 23 tháng Chạp, Ngọc
Hoàng hỏi Táo Do Thái:
- Sa mạc
Sinai hẹp, sao dân Do Thái xưa mất 40 năm để vượt qua?
Táo Do Thái
thưa:
- Tâu Ngọc
Hoàng, vì một người trong đám dân di tản đánh rơi một quarter.
Ngọc Hoàng vuốt
râu cười hiền: “I see”! Rồi hỏi Táo Việt Tị Nạn:
- Thái Bình
Dương rộng, nay chỉ cần một ngày để vượt qua, sao 40 năm vẫn chưa về giải phóng
quê hương?
Táo Việt Tị Nạn
thưa:
- Bẩm Ngọc
Hoàng, chúng con còn bận cắm cờ, và...
- Và gì? Ngọc
Hoàng hỏi tiếp.
- Rước cờ,
và...
- Gì nữa? Ngọc
Hoàng hỏi thêm.
- Phủ cờ!
Ngọc Hoàng vẫn
giữ vẻ uy nghi, lẩm bẩm một mình: “Đéo hiểu”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét