Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Một linh mục được ca ngợi là thánh thiện và nhiệt thành chăm sóc người phong cùi

alt 
Hết lòng chăm lo cho người phong cùi và những người nghèo, nhiệt thành trong các công tác mục vụ, sống tình liên đới yêu thương đối với mọi người bằng một đời sống mẫu mực là những phẩm tính của một linh mục được ca ngợi sau khi qua đời ở tuổi 68 tại một giáo phận miền bắc Việt Nam.<!->
 Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ của Thái Bình hôm 22/10 đã chủ tế Thánh lễ an táng cho linh mục Giuse Maria Mai Trần Huynh tại giáo xứ Trà Vy, nơi mà Cha Huynh được bổ nhiệm làm cha xứ ở đây từ năm 1992, kiêm nhiệm 2 giáo xứ Cổ Việt và Thái Sa, đặc trách trại phong Vân Môn. Thánh lễ có khoảng 90 linh mục và khoảng 5 ngàn người tham dự ngoài trời.
 Mở đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tế khen ngợi Cha Huynh là một linh mục hiền lành, khiêm nhường, vâng phục, hy sinh, yêu thương và phục vụ mọi người, cách riêng người nghèo khổ, cùng cực, ốm đau, bệnh tật, cùi hủi và bị bỏ rơi. “Ngài đã chiến thắng sự cám dỗ, yếu đuối mỏng giòn của một con người linh mục thích hưởng thụ, thích tiện nghi và đầy ích kỷ,

alt

để sống và yêu thương theo gương Chúa Giêsu Kitô Linh Mục. Vì thế, Thánh lễ an táng hôm nay mang một ý nghĩa cao cả, thiêng liêng, thánh thiện, phảng phất ý nghĩa hy tế của Chúa Giêsu Kitô Linh Mục. Chính Chúa là chủ vườn nho hôm nay đã mừng công, trao triều thiên vinh quang cho người thợ yêu mến, cho người tôi tớ tín trung của Chúa”, Đức cha Đệ nói.
 Từ khi Cha Huynh qua đời, lúc 18g25 ngày 19/10 tại phòng riêng, thi hài Cha được quàn bên trong nhà thờ Trà Vy cho giáo dân, lương dân, bệnh nhân phong cùi, tăng ni phật tử và cả chính quyền đến phúng viếng. Mỗi ngày có 4 Thánh lễ đồng tế được phân chia cho các giáo xứ mà Cha Huynh đã từng coi sóc như Chính Tòa, Sa Cát, Trà Vy, Cổ Việt, Thái Sa, giáo hạt Kiến Xương, giáo xứ Tây Làng quê hương, anh em linh tông, và Thánh lễ của Đại chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức.
alt
 Trong một thánh lễ của giáo hạt Kiến Xương do Đức ông Hieronimo Nguyễn Phúc Hạnh chủ tế và giảng lễ, Cha Huynh được xem như là một mẫu gương sáng cho các linh mục suy gẫm và noi theo về đời sống thánh thiện, về sự nhiệt thành trong công việc mục vụ, nhất là sự quan tâm săn sóc những người nghèo khổ bệnh tật.
Đức ông Hạnh kể lại những kỷ niệm với Cha Huynh từ hồi 2 người còn là chủng sinh, “thầy Huynh luôn đứng đầu về hạnh kiểm, được Đức giám mục tín nhiệm trao ban chức linh mục và giữ lại làm việc tại Tòa giám mục rồi làm Cha xứ Chính Tòa, người ta dễ dàng mời Cha Huynh đọc kinh, giải tội hoặc dâng lễ nhưng khó có thể mời Cha đi ăn”, Đức ông Hạnh nói.
 Đức ông khen ngợi mẫu gương nhiệm nhặt của Cha Huynh và nhận thấy nơi Cha Huynh có một lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Ngài cho biết Cha Huynh sống ở đâu là ở đấy có nhà nguyện. Cha thường đọc kinh phụng vụ, chầu Mình Thánh và lần chuỗi mân côi cùng với các nghĩa tử và những người giúp việc mỗi ngày.
 Đức ông nguyên là Tổng đại diện của giáo phận Thái Bình, cho rằng 3 năm trước khi qua đời Cha Huynh phải
alt

chịu nhiều đau khổ vì bệnh tật là một dấu chỉ Chúa muốn Cha trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết trước khi phục sinh.
Lúc sinh thời, Cha Huynh không ngần ngại nhìn nhận mình là người nhỏ bẻ về hình thể, hèn kém về khả năng và kiến thức, đau yếu về thể lực cũng như tinh thần. Vì nhu cầu mục vụ trong thời điểm còn khó khăn, Cha Huynh phải dâng nhiều lễ trong ngày, ngồi giải tội lâu giờ ở nhà thờ nên khi đứng lên đi về nhà xứ thì bị choáng và bị té ngã 2 lần làm vỡ xương bánh chè ở cả hai đầu gối hai chân.
 Người ta biết đến Cha Huynh không chỉ ở lòng đạo đức và nhiệt thành, mà Cha còn nổi tiếng vì lòng thương người, nhất là những người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật. Một trong những công tác khiến cho cả chính quyền và lương dân mộ mến và kính phục Cha Huynh là công việc chăm lo cho khoảng một ngàn bệnh nhân phong cùi nội trú ở trại phong Vân Môn và ngoại trú tại gia ở rải rác các huyện thị của tỉnh Thái Bình. Ngoài ra Cha Huynh còn tìm đến viếng thăm và giúp đỡ các bệnh nhân phong 
alt
cùi ở 4 trại phong khác thuộc các tỉnh miền Bắc như: Phú Bình, Quả Cảm, Chí Linh và Ba Sao.
 Vân Môn là một trại phong rộng lớn và có số bệnh nhân đông nhất miền bắc, do các thừa sai sáng lập cách đây hơn 100 năm, hiện đang do nhà nước quản lý và điều hành. Từ năm 1992 Cha Huynh được giao coi sóc đời sống thiêng liêng cho bệnh nhân, ngài đã tạo được mối tương quan tốt đẹp với các vị lãnh đạo để Giáo Hội thường xuyên đến thăm hỏi và chăm sóc các bệnh nhân.
 Một vị xin không nêu tên, nguyên là lãnh đạo trại phong Vân Môn, nói rằng nhờ Cha Huynh mà toàn bộ khu vực trại phong đã sáng đẹp hơn rất nhiều, các cơ sở vật chất được tôn tạo, các bệnh nhân được cải thiện đời sống, nhất là ranh giới rào cản giữa người không mắc bệnh với bệnh nhật được xóa bỏ, mọi người ra vào gặp gỡ thăm hỏi các bệnh nhân thường xuyên mà không còn khiếp sợ như xưa nữa.
 alt
Chăm lo phần linh hồn cho các con chiên chưa đủ, Cha Huynh còn tìm cách xin các nguồn tài trợ giúp cải thiện đời sống vật chất cho các bệnh nhân và người nghèo. Cha còn có công tái thiết 9 ngôi nhà thờ cho người Công Giáo trong các giáo xứ mà Cha phụ trách, mời các dòng tu đến để cộng tác mục vụ và chăm sóc bệnh nhân.
 Một vị giáo dân của giáo xứ Thái Sa cho biết Cha Huynh đã có công tái truyền giáo cho giáo xứ của ông vì giáo xứ đã bỏ đạo nhiều năm trong thời gian thiếu linh mục. “Cha đòi lại nhà thờ đang bị chiếm làm kho chứa phân đạm và vật dụng lao tác của hợp tác xã, Cha rửa tội cho nhiều người lớn, hợp thức hóa hôn nhân cho nhiều gia đình, tái thiết ngôi nhà thờ giáo xứ khang trang và rộng lớn hơn”, ông kể.
 Một số người không Công Giáo tham dự lễ tang nói rằng Cha Huynh đã đến phúng viếng tất cả những ai qua đời trong khu vực mặc dù họ không phải là Công Giáo, Cha cũng không phân biệt lương giáo mỗi khi làm việc từ thiện bác ái và xây nhà tình nghĩa cho người nghèo. “Chúng tôi đến dự đám tang vì mộ mến, kính trọng và biết ơn linh mục Huynh”, họ nói.
 Tieu sử của Cha Huynh được đọc đi đọc lại nhiều lần trong những ngày tổ chức tang lễ, cho biết vị linh mục đã có công nuôi trồng nhiều ơn gọi cho Giáo Hội. Trong số 26 người con thiêng liêng, hiện nay đã có 7 linh mục, 1 phó tế, 7 tu sĩ và đan sĩ, 8 chủng sinh và 3 dự tu, chưa kể nhiều người được Cha giới thiệu và giúp đỡ trong ơn gọi cách này hay cách khác.
alt
 
Trước khi Thánh lễ an táng diễn ra, người ta rước kiệu linh cữu Cha Huynh đi vòng quanh làng Trà Vy, nơi có giáo dân, lương dân và phật tử sinh sống. Thanh niên của các giáo xứ mà Cha đã từng coi sóc đã thay nhau vác quan tài trên vai đi quanh đoạn đường kéo dài 2 giờ đồng hồ.
 Giáo dân của Trà Vy đã tìm mọi cách để được Đức giám mục cho phép an táng Cha Huynh tại khuôn viên nhà thờ của họ thay vì an táng tại vườn thánh các linh mục theo quy định chung của giáo phận. Đến giờ phút chót thì họ đã toại nguyện vì được chấp thuận. Nhiều người đang làm ăn ở xa đã về chịu tang, nhiều người khác tỏ ra tiếc nuối vì không thể sắp xếp về kịp. Người ta cũng thấy trên trang mạng Facebook, giới trẻ đăng và chia sẻ tràn ngập hình ảnh lễ tang của Cha Huynh cùng với những lời cầu nguyện cho Cha, họ thay đổi hình đại diện của mình bằng hình ảnh người cha mà họ luôn tôn kính.
 Cha Huynh sinh ngày 8/9/1947 tại Tây Làng – An Lập, bắt đầu đi tu từ năm 9 tuổi và được đào tạo ở chủng viện cho đến khi chịu chức linh mục ngày 16/10/1977, làm cha xứ Chính Tòa 14 năm, kiêm nhiệm xứ Sa Cát 3 năm. Đến năm 1992 được chuyển về làm cha xứ Trà Vy 22 năm, kiêm nhiệm xứ Cổ Việt, xứ Thái Sa và các họ nhánh trong suốt gần 20 năm.
 Sau khi đã được an táng, một số nữ tu và bệnh nhân phong cùi đứng trên những đôi chân giả, vần còn bùi ngùi vây quanh phần mộ Cha Huynh để kính viếng và cầu nguyện. Họ nói có rất nhiều bệnh nhân muốn đến nhưng vì bị cụt chân tay hoặc do bị thương nặng nên không thể đến kính viếng Cha được.
 Những ngày sau đó người ta thấy luôn có người đến viếng mộ, thắp nhang, châm nến và chưng hoa bên mộ Cha Huynh, họ còn đọc kinh lâu dài và lần chuỗi mân côi ở đó, không kể những lần viếng chung của cộng đoàn giáo xứ Trà Vy mỗi ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét