Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần, 29 Nov. 15 - TS Nguyễn Nam Sơn

Tình thân,
NNS
<!->
............................................................................................................................
(1) Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Song Chi: Môn Sử - đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác
Những ngày qua, dư luận từ báo chí trong nước cho tới báo chí người Việt ở nước ngoài, các trang blog, trang mạng xã hội… đều có những bài viết, ý kiến tranh luận khá gay gắt xung quanh việc Bộ Giáo dục và đào tạo có ý định tích hợp Lịch sử với Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc ở bậc trung học phổ thông. Những ý kiến cố bênh vực cái gọi là đổi mới môn lịch sử cũng có, chủ yếu từ những người thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo và những người đã soạn thảo chương trình, nhưng những ý kiến chỉ trích, không đồng thuận càng nhiều gấp bội.
Trong bài "Tích hợp môn lịch sử : Bộ Giáo dục và đào tạo bị chỉ trích dữ dội", Báo Người Lao Động viết :
Việc cắt ghép, tích hợp môn lịch sử là hết sức tùy tiện, chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Nhiều chuyên gia và giáo viên lịch sử khẳng định không thể dạy được môn lịch sử kiểu tích hợp như vậy.
Những bức xúc của các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên lịch sử bị dồn nén bấy lâu đã được "trút" ra tại hội thảo "Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều, căng thẳng đến mức PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo trung ương, phải thốt lên : "Tôi từng điều hành nhiều hội thảo nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này"…
Một câu hỏi rất cũ : Vì sao học sinh không thích học môn Sử ?
Thực tế ai đã từng học hoặc có con, em đi học dưới mái trường "xã hội chủ nghĩa" Việt Nam đều biết một sự thật là từ nhiều năm nay, môn Sử đã trở thành một môn học khô khan, chán ngán đối với các em học sinh từ tiểu học cho tới trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tại sao vậy ? Đó là do chủ trương, quan niệm dạy môn Sử dưới cái nhìn/ lăng kính của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ; dạy Sử với tính chất tuyên truyền một chiều, không tôn trọng sự thật, tôn trọng tính khoa học của bộ môn lịch sử, thậm chí bóp méo, cắt xén, che dấu sự thật ; dạy Sử với tâm thế đặt nặng tính chính trị lên trên tất cả. Từ nội dung, cách soạn thảo chương trình, quan điểm nhìn nhận đánh giá mọi sự việc trong lịch sử, cho tới cách dạy, cách học, cách kiểm tra…
Đó là chưa kể việc coi nhẹ lịch sử nước nhà, lịch sử của dân tộc, chỉ coi trọng lịch sử đảng cộng sản nên trong chương trình suốt những năm học từ trung học cơ sở cho tới trung học phổ thông, lịch sử đảng cộng sản Việt Nam chiếm phần lớn chương trình, trong khi lẽ ra phải là ngược lại, vì sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam cho tới nay chỉ mới mấy mươi năm trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nội dung thì khô khan toàn những con số, số liệu ngày tháng, trận đánh, lúc nào cũng là ta thắng địch thua… khó tiếp thu, khó nhớ. Dạy thì nhồi nhét không cho phép học sinh được tranh luận, tranh cãi. Học theo kiểu học vẹt để trả bài, để đi thi, thi xong thì cũng vừa "chữ thầy trả hết cho thầy".
Đó là chưa kể phần lịch sử loài người từ thời ăn lông ở lỗ xa xưa thì có học, nhưng lịch sử thế giới cận đại và đương đại với biết bao nhiêu biến cố, sự kiện, trong đó có những sự kiện ảnh hưởng tới lịch sử đất nước Việt Nam, thì không được học bao nhiêu. Cho nên học sinh Việt Nam khi học xong bậc trung học gần như mù tịt về lịch sử thế giới.
Bản thân người viết bài này khi còn đi học ở bậc tiểu học rất thích môn quốc sử dưới thời Việt Nam Cộng Hòa vì những câu chuyện hấp dẫn mà hào hùng về lịch sử Việt Nam. Từ chuyện Bà Triệu tức Triệu Ẩu, Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc với câu nói nổi tiếng : "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người !" ; Hai Bà Trưng chống quân Hán "trả thù nhà đền nợ nước" ; Trần Quốc Toản bóp nát trái cam vì giận không được dự hội nghị Bình Than của Vua Trần để bàn kế chống quân Nguyên, về sau khởi nghĩa dưới lá cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân" ; danh tướng Trần Bình Trọng với câu nói khẳng khái khi rơi vào tay giặc Nguyên "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc" ; Lê Lợi mười năm nằm gai nếm mật đánh quân Minh ; Nguyễn Trãi, một nhà quân sư lớn, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn của Việt Nam và nỗi oan ngút trời vụ án Lệ Chi Viên ; Trần Hưng Đạo tức Hưng Đạo Vương, nhà chính trị, Tư lệnh tối cao của Việt Nam thời nhà Trần, 3 lần đẩy lùi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Mông-Nguyên ở thế kỷ 13 ; danh tướng Lý Thường Kiệt có công lớn trong việc đánh bại quân nhà Tống vào thế kỷ thứ XI, người được cho là đã viết ra bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ("Nam Quốc Sơn Hà") v.v. và v.v.
Có thể nói lịch sử Việt Nam suốt mấy ngàn năm là lịch sử viết bằng máu của một dân tộc thường xuyên phải đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, và trước kia, thời nào chúng ta cũng có những anh hùng, những nhân cách lớn để con cháu đời sau mãi mãi tự hào.
Từ khi lên cấp hai, tức năm 1975, người viết bài này bắt đầu đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đó nhiều năm lại là phụ huynh học sinh có con theo học trung học ở Việt Nam, nên rất hiểu vì sao môn Sử không được phần lớn học sinh Việt Nam bây giờ yêu thích. Mà không chỉ riêng môn Sử, các bộ môn khoa học xã hội như Địa lý, Ngữ Văn cũng bị các em chán ghét bởi cũng nặng tính chính trị, tuyên truyền. Từ khi chia ban ở bậc trung học phổ thông thì ban C (Văn, Sử, Địa) luôn luôn có số lượng học sinh đăng ký học ít nhất, dù ở một số trường, nhà trường đã có những biện pháp ưu ái riêng cho học sinh theo học ban này. Khi đăng ký thi đại học thì những ngành thuộc Ban C hay những ngành khoa học xã hội cũng rất ít thí sinh so với những ngành như Y, Dược, Kinh Tế, Ngoại thương, Ngoại ngữ… Một phần vì những ngành này dễ kiếm việc, lương cao hơn.
Còn nhớ trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2011, có hàng ngàn điểm 0 môn Lịch Sử. Nhưng khi trả lời báo chí, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận lại cho rằng việc này là bình thường ("Hàng ngàn điểm 0 là bình thường", báo Tuổi Trẻ). Theo ông Luận :
"Cuộc sống hiện đại ngày hôm nay với những đòi hỏi thay đổi cũng là một nguyên nhân khiến môn lịch sử trở nên kém hấp dẫn đối với người học. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác.
Điều này không chỉ có ở Việt Nam, cũng không chỉ ở Châu Á. Đó là câu chuyện của thời đại và của cả thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ ; do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động." ("Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử", Thanh Niên). Từ kỳ thi đó đến nay tình hình học và dạy môn Sử vẫn không có gì khá hơn. Mới đây nhất trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vào tháng 7.2015 khi môn Sử là môn tự chọn, không bắt buộc, tình hình ra sao ? : "Những điểm trường chỉ có một thí sinh thi môn Sử" (Việt NamExpress), "66 cán bộ, nhân viên phục vụ 1 thí sinh làm bài thi môn Lịch sử" (Dân trí), "Sáng nay hàng loạt điểm thi đóng cửa không có thí sinh thi Sử " (kênh 14)… Và nếu gõ google cụm từ "vì sao học sinh chán học môn lịch sử" sẽ cho ra hàng loạt bài viết về vấn đề này.
Trở lại câu trả lời của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận năm nào rằng việc môn sử không hấp dẫn học sinh như các môn khác không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở Châu Á mà là "câu chuyện của thời đại". Không biết ông Bộ trưởng và các quan chức, những người soạn thảo chương trình giáo khoa ở Việt Nam đã có bao giờ bỏ công đi tìm hiểu tình hình dạy và học môn Sử bậc phổ thông ở các nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến bao giờ chưa ? Nếu có chắc ông không dám "phán" như vậy.
Sự thật là ở các nước tự do dân chủ, có nền giáo dục được đánh giá tốt, các bộ môn khoa học xã hội nhân văn nói chung và môn Sử nói riêng vẫn rất được học sinh yêu thích, say mê học. Con gái tôi khi theo học chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureate Diploma Programme) tại Na Uy, đã tỏ ra rất hào hứng, thích thú với các môn khoa học xã hội trong đó có môn Sử, và nói rằng đến bây giờ mới được học Sử thế giới một cách đàng hoàng, tử tế, từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, các chế độ phát xít, Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu cũ… cho tới những sự kiện gần đây của thế giới. Các sự kiện được trình bày một cách logic, khoa học, trong chương trình có vài cuốn sách khác nhau với những góc nhìn, quan điểm khác nhau, ngoài ra, học sinh được khuyến khích tìm đọc thêm nhiều sách bên ngoài, được quyền hoài nghi, được đặt mọi câu hỏi không tránh né, tranh luận, thuyết trình v.v. Môn Sử vì thế trở nên rất hấp dẫn. Và ở các nước, sách giáo khoa cập nhật rất nhanh với tình hình thực tế. Vụ khủng bố kép do kẻ cực hữu Anders Behring Breivik gây ra vào ngày 22/7/2011 đã được đưa vào chương trình giáo dục ở Na Uy chỉ sau đó một thời gian là một ví dụ.
Còn ở Việt Nam, bao nhiêu năm qua rồi nhưng cái nhìn lạc hậu về các triều đình nhà Nguyễn cho tới cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn giữ nguyên không đổi, còn những cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, 1984, 1988, cuộc chiến Hoàng Sa, Trường Sa, cả chủ quyền của Việt Nam đối với những hòn đảo này, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khơ-me Đỏ cho tới tình hình thế giới, tình hình biển Đông hiện nay… đều chưa được cập nhật đầy đủ. Chả bù cho Trung Quốc ra sức tuyên truyền, giáo dục cho người dân nước họ và cả thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc ở vùng biển Đông thì Việt Nam, ngược lại, hết sức chậm chạp từ giáo dục cho tới tuyên truyền vận động bên ngoài.
Cho nên vấn đề không phải là đổi mới môn Sử theo kiểu tích hợp môn Sử với hai bộ môn còn khô khan hơn nữa là Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc, làm như thế chỉ càng khiến môn Sử bị coi nhẹ hơn, nặng tính tuyên truyền, tính chính trị hơn và học sinh càng chán hơn. Mà là thay đổi nội dung, quan điểm, cách đánh giá sự kiện, cách dạy, cách học. Nhưng như thế thì phải bảo đảm sự thật lịch sử, mà đó lại là điều tối kỵ với đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vì lịch sử đối với họ là nhào nặn, dối trá, ngu dân.
Vì sao nhiều ý kiến phản đối ?
Không phải vô cớ mà nhiểu người giận dữ, quan ngại trước dự thảo chương trình tích hợp môn Sử của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Từ sự thất bại của bộ môn Sử lâu nay khiến người ta càng thêm lo ngại trước việc tích hợp theo kiểu này. Thứ hai, sự thiếu lòng tin vào Bộ Giáo dục-Đào tạo và những cái gọi là cải cách, đổi mới chương trình như từ trước đến nay. Và cuối cùng, quan trọng nhất, xuất phát từ hoàn cảnh, tình thế của đất nước hiện tại. Việt Nam đã và luôn luôn đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc, bị Trung Quốc không chế, xâm lăng từ văn hóa chính trị cho tới độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải. Giữa lúc này người Việt Nam, ngay từ thế hệ trẻ càng cần phải được hun đúc tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ đất nước, phẩm chất công dân…hơn bao giờ hết, và không có bộ môn nào làm tốt điều này hơn môn Sử. Thậm chí, có những ý kiến gay gắt đến mức còn cho rằng những ai nghĩ ra hoặc ủng hộ dự án đổi mới môn Sử theo kiểu này là có tội với tổ tiên, là tiếp tay cho âm mưu làm cho giới trẻ quên mất lịch sử nước nhà để dễ bề bị Hán hóa v.v.
Mà cũng đúng. Nếu chúng ta nhìn thấy phần đông giới trẻ Việt Nam hiện nay thiếu hụt kiến thức về lịch sử nước nhà, thờ ơ với chính trị, với vận mệnh đất nước ra sao. Và không chỉ giới trẻ. Ngay một số quan chức cán bộ hay những người gọi là có ăn có học, có bằng cấp còn phát biểu những câu hết sức vô cảm về đất nước, vô cảm trước những gì Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành với Việt Nam. Đó là hậu quả nhãn tiền của cách dạy Sử sai lầm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và bây giờ thì họ định dấn tới thêm một bước sai lầm nữa khi âm mưu làm nhẹ hơn và chính trị hóa hơn nữa môn Sử, sai lầm lần này hậu quả sẽ càng khó mà lường hết được ! (Nguồn : RFA, 26/11/2015 (songchi's blog))
(ii) Người Buôn Gió: Bỏ môn Lịch sử làm gì?
Bộ Giáo Dục Việt Nam đã đưa ra một dự kiến bỏ môn Lịch Sử trong giảng dạy, chuyển môn này vào phần Giáo Dục Công Dân. Một cuộc hội thảo chính thức đã diễn ra , theo như lời của sử gia Dương Trung Quốc thì hội thảo này chủ đề là: “Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3-11”
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã lên tiếng phản đối dữ dội trước dự thảo này của bộ giáo dục Việt Nam. Từ giáo sư Phan Huy Lê, sử gia Dương Trung Quốc đến nhiều nhân sĩ, trí thức khác. Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ nguyên phó chủ nhiệm khoa lịch sử trường đại học sư phạm Hà Nội cho rằng việc làm này là có tội với tổ tiên, đất nước. Còn giáo sư Phan Huy Lê gọi đó là thủ tiêu môn lịch sử, ông sử gia Dương Trung Quốc bày tỏ nhẹ nhàng hơn rằng ông thất vọng việc bỏ môn lịch sử.
Thực tế cho thấy nhiều năm trở lại đây học sinh không thiết tha gì với môn lịch sử. Đỉnh điểm kỳ thi hồi tháng 7 năm 2015 mới đây tại một điểm thi chỉ có một thí sinh thi môn lịch sử, và cần đến 66 người coi cuộc thi này. Không ai học như vậy, bỏ cũng là đúng. Nhưng trước tiên phải đi ngược lại vấn đền là tại sao học sinh không muốn học. Nguyên nhân do đâu. ?
Nguyên nhân môn lịch sử VN không thu hút được học sinh, bởi nó được soạn theo ý đồ chính trị của Đảng CSVN, của Ban tuyên giáo ĐCSVN…những nơi chỉ có lừa đối, tuyên truyền một chiều ngự trị, miễn sao là có lợi cho vai trò cầm quyền của Đảng. Ở môn học này những phần về lịch sử Việt Nam thời xưa được dạy sơ sài , chẳng hạn đến Ha Bà Trưng đánh giặc nào cũng không được nói rõ.
Như tấm bia lớn để giữa nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong cuộc chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc chỉ được ghi là hy sinh, hay những tâm bia tội ác chống quân Trung Quốc bị đục bỏ. Hai Bà Trưng cũng chỉ được ghi chung chung là đánh quân xâm lược. Ngược lại thì khắp nơi trên đất Việt Nam đầy rẫy tấm bia ghi tội ác đế quốc Mỹ, sách giáo khoa cũng chi tiết vậy. Lịch sử Việt Nam cả ngàn năm chống chọi trước âm mưu thôn tính của Trung Quốc. Bỏ môn lịch sử đi tức là xoá ký ức của dân tộc, làm lãng quên sự cảnh giác trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc. Những cuộc kháng chiến chống phương Bắc đầy rẫy những hình ảnh oai hùng, có tác động khơi dậy tính dân tộc quật cường sẽ bị xoá bỏ. Nếu nhìn thấy việc các đài truyền hình Việt Nam, các nhà xuất bản ở Việt Nam cho ra liên tiếp và trình chiếu những tác phẩm của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy đây hẳn là một ý đồ có tính toàn diện thôn tính tư tưởng người Việt, tẩy não cả một dân tộc nhằm mục đích thay thế hình ảnh Trung Quốc đầy dã tâm bằng một Trung Quốc thân thiện với Việt Nam.
Từ thời Hai Bà Trưng đánh giặc nào không biết, đến chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc hay sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc cướp không có trong sách giáo khoa. Thay thế vào đó là quan hệ Việt Trung mười sáu chữ vàng, hữu nghị mà Đảng nhồi vào sách giáo dục công dân. Chắc hẳn thế hệ sau này sẽ chỉ biết đến một Trung Quốc tốt bụng và người anh em thân thiết với đảng cộng sản Việt Nam.
Cùng với bán tài nguyên, đất đai, biển đảo cho Trung Quốc. ĐCSVN đang rắp tâm bán nốt tư tưởng dân tộc cho Trung Quốc qua việc bỏ môn lịch sử bằng một thủ đoạn thâm hiểm là đầu tiên dạy sơ sài , dối trá cho học sinh chán. Tiếp theo vin vào lý do học sinh không muốn học để bỏ môn này, gom vào môn giáo dục công dân. Một cái tên nghe đã thấy nặng mùi tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam. Học sinh Việt Nam sẽ không được giáo dục theo truyền thống tổ tiên nữa mà giáo dục thành con người của CNXH, con người của Đảng, của Mác, Lê Ninh, Hồ Chí Minh.
Chính phủ Việt Nam nói rằng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đời này không đòi được, thì để đời con cháu sau này đòi. Nhưng với sự giáo dục như thế này thì liệu rằng con cháu đời sau lấy tinh thần nào để làm động lực đòi lại hai quần đảo ấy.? Cứ cái đà giáo dục, tuyên truyền đang diễn ra thì vài mươi năm nữa có khi thế hệ sau ở Việt Nam xin sát nhập vào Trung Quốc cũng chẳng có gì là ngạc nhiên. Bởi diễn biến tâm lý về mặt tư tưởng ấy đã được sắp thành lộ trình từ hàng chục năm trước giữa Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc. Bỏ môn lịch sử, mục đích duy nhất của chế độ CSVN ngày nay là nằm trong kế hoạch thôn tính tư tưởng, nô lệ hoá dân tộc vào Trung Quốc sau này.
Đòi hỏi giữ nguyên môn lịch sử chưa đủ, cần phải đòi hỏi cải cách giáo trình môn học này, đưa những bài học chân thực và khách quan trong lịch sử vào giảng dạy. Nhà văn nổi tiếng Gamzatov nói rằng ” nêú anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đạn đại bác ”. CSVN còn vượt quá hơn câu thành ngữ ấy, bằng cách xoá sổ quá khứ của dân tộc. Bằng một cuộc tẩy não mà chỉ có chế độ độc tài, phát xít hay dùng đến. Hãy nghe lời tâm tình của Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Quốc Sử trả lời báo Một Thế Giới: "Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống. Hầu hết những gì diễn ra hôm nay đều có nguồn cội, căn nguyên từ quá khứ, hay nói cách khác đó là sự tiếp nối của quá khứ. Bởi thế, muốn hiểu hiện tại, muốn hành xử cho đúng, không lệch lạc trong tương lai thì phải soi chiếu vào lịch sử. Còn môn lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, có nhận thức đúng về quá khứ hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp nhận thức, quan điểm và phương pháp nghiên cứu lịch sử, dạy và học sử của mỗi người.
Đất nước, cộng đồng hay cá nhân nào cũng cần đến vai trò của lịch sử. Với dân tộc Việt Nam, việc tìm hiểu lịch sử còn quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ đất nước ta luôn bị đe dọa, xâm lăng, ngay cả lúc này. Vì vậy, việc tìm hiểu, dạy và học lịch sử là một trong những vấn đề sống còn của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, học sử là để hiểu mình, hiểu người, giúp chúng ta biết mình đang ở tầm vóc nào, hiểu rõ bạn bè và kẻ thù của mình, từ đó sẽ hội nhập tốt hơn.”
Ở cương vị người trong nước, có lẽ phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Quốc Sử chỉ khái quát chung được đến thế , vì ngại vạch rõ mưu đồ của ĐCSVN. Nhưng dù chỉ khái quát thì cũng dễ thấy quan điểm khoa học đúng đắn của ông trình bày đại diện cho rất nhiều tâm tư của người dân Việt Nam.
CSVN đã bán hết phần xác thịt của đất nước như tài nguyên, chủ quyền cho Trung Quốc. Giờ đang đến lúc CSVN bán phần linh hồn dân tộc cho bọn quỷ dữ ngoại bang phương Bắc. Mọi người dân cần nhìn rõ thủ đoạn nham hiểm này để cất tiếng nói giữ gìn được sinh khí của dân tộc, hồn thiêng của sông núi. Không thể làm ngơ cho Cộng Sản, một thứ quái thai của loài người lộng hành, tác quái , bất chấp cả lương tri, đạo lý mà tự tung, tự tác như vậy được. (Theo Facebook NguoiBuonGio)
*** Nguyễn Hưng (news.zing.vn): Quốc hội yêu cầu không tích hợp môn Lịch sử
Trong nghị quyết ban hành chiều 27/11, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới.
Theo nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa 13 về hoạt động chuyên đề, hoạt động chất vấn, Quốc hội yêu cầu: Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để tiếp thu ý kiến xã hội. Theo Dự thảo, nhiều môn học bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn bắt buộc và tăng dần tự chọn.
Nếu ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn Khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).
Nhiều ý kiến của các nhà sử học, giáo viên dạy Lịch sử không đồng tình với việc này. Chiều 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật và các đơn vị liên quan về Dự thảo.
Ngày 15/11, tại Hội thảo khoa học về môn Lịch sử, giới chuyên môn chỉ trích Bộ GD&ĐT đang “khai tử môn Lịch sử” khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, thay đổi môn Lịch sử là "sự xáo trộn về tâm can". Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, sẽ cân nhắc kỹ, nếu không phù hợp sẽ không tích hợp môn Lịch sử.Ngày 17/11, Bộ GD&ĐT cho biết, Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm về việc tích hợp môn Lịch sử.
(iii) Nguyễn Giang (BBC): Nga - Thổ và những đường biên giới mềm
Câu chuyện quốc tế tuần này là xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đột nhiên lên cao sau vụ bắn hạ Su-24. Tình bạn Erdogan và Putin bỗng đổi thành thù.
Nước Nga thấy bị tổn thương, thậm chí bị 'phản bội' vì Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ công khai lên án việc Nga ném bom vào nhóm sắc tộc Turkmen đồng minh của họ mà còn nói Nga là 'lừa đảo'. Nhưng sự bực bội hiện rõ của Putin với Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ còn đến từ chỗ hai người từng khá thân.
Vì hai vị này khá giống nhau. Một nhà báo của BBC Tiếng Nga theo dõi vụ Su-24 cho hay "cuộc đấu khẩu của Putin với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giống như hai tay làm ăn nói về nhau, không phải hai chính khách".
Hai người này đều dùng bàn tay sắt xử lý đối lập trong nước. Họ đều dùng trọng pháo, phi cơ và đặc nhiệm khét tiếng để "xử lý" hoạt động vũ trang chống đối trong nước. Ông Putin ra tay không khoan nhượng ở Chechnya, còn ông Erdogan bắn phá ở vùng người Kurd. Cả hai dùng các nhóm vũ trang thân hữu cho mục tiêu ở biên giới mềm. Ông Putin hỗ trợ cho phiến quân chống Kiev tại Đông Ukraine, còn ông Erdogan có vài nghìn tay súng Turkmen ở Syria để chống lại Damascus.
Họ còn cùng đang thổi lên chủ nghĩa dân tộc để tạo tính chính danh. Học thuyết Putin nói Moscow có quyền đem quân bảo vệ "các cộng đồng nói tiếng Nga" ở bên ngoài. Ông Erdogan thì vừa ve vãn phái Hồi giáo bảo thủ vừa hô hào bảo vệ các sắc tộc nói tiếng Thổ, từ người Uighur ở Tân Cương, Trung Quốc cho đến người Turk ở Đức và khắp vùng Trung Đông. Cả hai cùng quay lại quá khứ nên những bóng ma thời xưa đẩy họ vào thế đối mặt.
Biên giới mềm hay cứng ?
Đầu tiên là vấn đề biên giới quốc gia và 'không gian dân tộc'.
Để hiểu Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, ta không thể quên Đế quốc Ottoman từng chiếm các vùng nay là Ai Cập, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Macedonia, Hungary, Palestine, Jordan, Syria, Lebanon và Bắc Phi. Tồn tại hơn sáu thế kỷ, từ 1301 đến 1922, Đế quốc Ottoman mà người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ có tuổi lâu hơn bất cứ một triều đại Trung Hoa hay Anh Quốc nào. Dù Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là nước cộng hòa nhưng làn sóng phục hồi hào quang Ottoman gần đây cũng rất mạnh. Các đồng nghiệp ở BBC Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay tại nhiều đô thị không chỉ có mốt mặc lại quần áo quý tộc Ottoman mà còn có triển lãm nghệ thuật, thành tựu văn hóa của thời đó.
Nga và NATO đang tranh cãi dữ dội về chuyện chiếc Su-24 bị bắn rơi tại đâu, trong hay ngoài không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đó là đường biên giới hiện đại, còn trong tiềm thức không ít người Thổ thì không chỉ vùng Bắc Latakia mà thậm chí cả Syria đều từng thuộc đế quốc Ottoman. Vùng xung đột hiện nay lại là địa bàn của dân nói tiếng Thổ đã ở đó từ thế kỷ 11.
Đường biên và quốc tịch hiện đại ở Trung Đông đôi khi không phải là tác nhân chính để đánh giá vùng ảnh hưởng của một nhóm người và lòng trung thành của họ. Giống như vậy, Moscow từng nói nhóm phiến quân nói tiếng Nga ở Đông Ukraine có "quyền lịch sử" để tự vệ trước "phát-xít Kiev". Nay Nga gặp phải cảnh có những tay súng Turkmen ở Syria thân hữu với Ankara bắn và giết lính Nga mà chẳng làm gì được. Vẻ mặt ngạc nhiên của ông Putin ở Sochi khi lên án Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Nga muốn tham chiến ở Trung Đông để trở lại 'bàn tiệc lớn' với Hoa Kỳ và Châu Âu nhưng không chuẩn bị kỹ cho các yếu tố địa phương tại Syria. Nhưng vấn đề của Nga không chỉ dừng lại đó.
Lằn ranh tôn giáo
Nga vốn quen đối đầu với Phương Tây nhưng khi vào cuộc chiến Trung Đông sẽ phải dính líu tới các tuyến xung khắc tôn giáo lâu đời. Theo Hồi giáo Sunni, đảng của ông Erdogan ở vị trí 'tự nhiên' chống lại trục Tehran - Damascus theo Hồi giáo Shia. Iran và Syria dưới quyền ông Bashar al-Assad lại là đồng minh của Moscow.
Sau khi xảy ra vụ Su-24, hai nước Hồi giáo Sunni, Ả Rập Saudi và Qatar ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, còn Iran nghiêng về Nga. Những xung khắc lâu dài này không dễ xóa nhòa.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ giao chiến với Nga. Crimea là nơi quân Nga đánh nhau đẫm máu với Đế quốc Ottoman mấy năm liền, từ 1853 đến 1856. Nhưng nay, chuyện Ankara và Moscow đánh nhau chắc khó xảy ra.
Biến Thổ Nhĩ Kỳ, nước chiếm trọng vùng Nam Hắc Hải thành vùng thù địch phải canh gác như thời Chiến tranh Lạnh không nằm trong lợi ích an ninh của Nga. Dù trả đũa kinh tế là điều chắc chắn, các ràng buộc quá phức tạp của Moscow và Ankara trên quốc tế và trong khu vực có thể khiến Moscow đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Chiếc Su-24 và sinh mạng mấy binh sĩ Nga rất có thể sẽ được tính vào phần "chi phí" trong cuộc chơi 'đại cường' của ông Putin tại Trung Đông. (BBC World Service, Asia Region, 26/11/2014)
*** Ngô Nhân Dụng: 
Erdogan và Putin tranh hùng
Ðộc giả Người Việt rất bén nhậy trước tin thời sự. Sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hạ máy bay Nga trên vùng biên giới Thổ-Syria, độc giả ký tên oldcanon nhận xét: “Sau vụ này nếu mà Nga không kéo một mớ hỏa tiễn phòng không S-300 hoặc S-400 qua đặt bên Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì mới là chuyện lạ.” Quả nhiên, trong khi ông “đại bác già, oldcanon” viết thì Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã làm việc đó. Hỏa tiễn Sam có tầm xa 400 cây số, đặt ở một căn cứ Nga cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 50 cây số. Chiến hạm Moskva mang hỏa tiễn tiến vào gần bờ biển, và từ nay máy bay oanh tạc của Nga sẽ có phi cơ chiến đấu đi bên bảo vệ!..Ít khi chính phủ Nga đưa hỏa tiễn Sam tới một vùng tranh chấp xa như vậy, kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Ðáng lẽ khối NATO phải phản đối ầm lên khi Nga đưa Sam tới bên bờ Ðịa Trung Hải; nhưng không thấy. Nhưng họ chỉ nói mấy câu lấy lệ. Ðiều đó chứng tỏ mấy tên đạn này không thay đổi cục diện. Ông Putin phải điều động tên lửa để chứng tỏ cho dân Nga thấy ông vẫn là “người hùng,” thế thôi. Một vị độc giả khác, Kevin Nguyên thì lo lắng cho Thổ Nhĩ Kỳ: “Putin chứ không phải Obama, sẽ không có chuyện nhẹ nhàng khi Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò 'đâm sau lưng...” Ông Nguyễn Lai Châu lo ngại hơn: “Ðây là một bài học nhờ đời cho Thổ không chừng... Thổ coi chừng bị hỏng cẳng vì tính cốc láo của Putin là làm rồi mới nói...”.. Nhưng cuối cùng thì ông tổng thống Nga làm gì? Phản ứng quan trọng nhất phải diễn ra trong vòng một, hai ngày sau khi máy bay Nga bị hạ, nếu không tức là không có gì quan trọng. Ông Putin không triệu hồi đại sứ ở Ankara về nước. Hai sĩ quan Nga đã tới Bộ Quốc Phòng Thổ để hỏi cho ra lẽ, và được nghe những gì tổng thống Thổ đã nói: Bắn máy bay Nga vì cảnh cáo 10 lần mà không trả lời. Phát ngôn viên quân sự Nga đã nói ngay sẽ không có phản ứng quân sự nào cả, ngoài việc chấm dứt các cuộc gặp gỡ đã định trước đó. Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov bãi bỏ chuyến thăm viếng và khuyên du khách Nga ngưng sang Thổ-Thổ Nhĩ Kỳ là nơi người Nga hay đi du lịch nhất.
Hai nước sẽ không lâm chiến. Nghĩa là khối NATO sẽ không phải đụng độ Nga, sau hơn nửa thế kỷ được thành lập chỉ để ngăn đế quốc Liên Xô bành trướng. Chiến tranh sẽ rất tốn kém, trong khi chính quyền Nga đang mang nhiều mối lo khác: Putin đã cho đám quân nổi dậy ở Ukraine vào tủ lạnh, chấm dứt giấc mộng ly khai không biết đến bao giờ. Kinh tế Nga tiếp tục suy yếu, giá dầu lửa ngày càng xuống sẽ làm ngân sách kiệt quệ. Các nước Âu Mỹ tiếp tục cấm vận vì vụ chiếm Crimea; trong khi dân vùng này đang thất vọng vì du khách ngưng tới, mỗi ngày chỉ có điện trong mấy giờ, bị dân Tartar phá vì họ bị kỳ thị. Cuộc phiêu lưu tại Syria không biết bao giờ ngừng. Nếu không được Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Á Rập và Tây phương hợp tác thì những cuộc oanh kích của máy bay Nga sẽ không bao giờ tiêu diệt được lực lượng “Quốc Gia Hồi Giáo IS.” Nghĩa là không thể nào cứu nổi chế độ Bashar al-Assad.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga quá quan trọng, không thể cắt đứt. Hai phần ba khí đốt Thổ nhập cảng đến từ các mỏ bên Nga. Các hợp đồng bán hơi đốt vẫn được thi hành, dù máy bay S-24 đã bị bắn hạ. Kết cục, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tiếp tục “đấu võ mồm” để cho dân chúng hai nước nức lòng ái quốc, giúp cho hai ông tổng thống tăng thêm uy tín!
Khi ông Tayyp Erdogan nhảy từ chức vụ thủ tướng, ra ứng cử lên làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập đã chế nhạo là ông ta đang bắt chước ông Putin. Hai người rất giống nhau; đều lấn áp các phe đối lập, hạn chế tự do ngôn luận, cùng mua chuộc hàng giáo phẩm Hồi Giáo ở Thổ và Chính Thống Giáo ở Nga. Cả hai đều muốn đóng vai “người hùng” bằng cách kích thích lòng yêu nước của dân chúng. Ông Erdogan thì đàn áp các nhóm người Kurd đòi tự trị trong nước. Ông Putin phô trương sức mạnh quân sự ở bên ngoài. Bây giờ hai người đụng độ nhau, và không ai chịu xuống nước, không thể để hình ảnh “người hùng” tan biến. Ông Putin dọa sẽ không nói chuyện với Erdogan trước khi Thổ xin lỗi và bồi thường. Erdogan từ chối nhưng đã dịu giọng bằng cách nói rằng máy bay Thổ khi bắn “máy bay lạ” đã không biết đó là máy bay Nga. Nhưng ông vẫn cứng rắn, nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ chịu nhịn khi biên giới và quyền hạn của mình bị xâm phạm. Khối NATO, kể cả Mỹ, tuyên bố sẵn sàng đoàn kết với Thổ, bảo vệ lãnh thổ một nước thành viên.”Ông Erdogan còn nói mạnh hơn: “Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo vệ những người sắc tộc Thổ khác.” Nguyên nhân gây ra cuộc máy bay đụng độ vừa qua là không quân Nga đã tấn công những làng dân Syria gốc Thổ, trong vùng đó không có quân IS. Nhưng lời tuyên bố này có nghĩa rất rộng và có thể gây hậu quả rất sâu xa.
Bởi vì giống dân gốc Thổ sống rải rác khắp vùng Trung Á, từ sắc dân Uyghur trong tỉnh Tân Cương, qua Iran, Iraq, Afghanistan, sang tới Syria. Họ là một sắc dân du mục, từ hai ngàn năm trước đã kéo nhau sang phía Tây trong nhiều đợt, khi biết không thể bành trướng sang phía Ðông vì đụng phải Ðế quốc Hán tộc. Ðây là một giống dân thiện chiến, đã gia nhập hoặc chống cự những đoàn quân của các đế quốc, từ thời Alexander qua Thành Cát Tư Hãn và sau cùng là đế quốc Hồi Giáo.
Từ thế kỷ 11, đạo quân Thổ Seljuk, cũng thuộc giống Tarar, đã được vị Caliph đứng đầu Hồi Giáo ở Baghdad sử dụng bành trướng về phía Tây, chống Ðế quốc Byzantine và đánh cả các đoàn quân Thập tự chinh. Ðến thế kỷ 15, hậu duệ của người Seljuks đã thành lập Ðế quốc Ottoman sau khi chiếm Constantinople, nay là Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai đế quốc Nga và Ottoman (cũng được gọi là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đã tranh hùng suốt từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20; mỗi cuộc chiến trong tổng cộng 12 lần đều dính tới các nước Châu Âu. Cuộc tranh hùng kéo dài nhất là Chiến tranh Crimea (1853-56), Nga thua liên quân Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và Ý. Trước thế kỷ 20, giống dân Thổ không có ý lập quốc, vì quen sống trong những đế quốc rộng lớn. Sau khi Ðế quốc Ottoman tan vỡ, một quốc gia mới ra đời, quyết tâm canh tân theo kiểu mẫu các nước Châu Âu. Họ quyết định tách tôn giáo khỏi chính trị; bỏ cả lối viết chữ cũ để dùng mẫu tự La tinh.
Từ khi cầm quyền, ông Erdogan đã gia tăng liên lạc với các nước Trung Á cùng gốc Thổ. Những quốc gia Hồi Giáo này mới được độc lập sau khi tách khỏi Liên Bang Xô Viết nhân chế độ Cộng Sản tan rã. Ðất đai của họ kéo dài từ núi Thiên San, Trung Quốc, tới Hắc Hải. Dân chúng đều nói một ngôn ngữ gần với tiếng dân Thổ, có thể hiểu nhau được; trừ 8 triệu dân Tajikistan nói giống tiếng Ba Tư. Dân chúng các nước lớn như Uzbekistan, Azerbaijan đều hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và muốn có ngày sẽ kết hợp với nhau trong một liên bang.
Một cuộc tranh hùng ở vùng Trung Á trong thế kỷ 21 sẽ diễn ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ tham dự. Chưa hết, trong nội địa Liên Bang Nga, các vùng Chechnya và Dagestan cũng đang sôi sục vì dân chúng ở đây theo Hồi Giáo và họ căm thù các chính quyền Nga từ thời Xô Viết đã kỳ thị và đàn áp họ. Ðại đa số dân Hồi Giáo ở Nga và vùng Trung Á đều theo phái Sun Ni; trong khi Nga đang ủng hộ một chính quyền theo phái Shi A ở Syria. Hơn 3,000 người từ Nga đã sang Syria gia nhập quân IS, một phần ba đến từ Dagestan. Tình báo Nga đã ám sát một người Chechnya đang đi quyên góp gây quỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, từng gây ra căng thẳng giữa hai nước.
Ông Putin chỉ nhắm cứu vãn chế độ Assad trong một thời gian ngắn, để có thể tham dự cuộc bàn luận chia sẻ nước Syria sau khi Assad ra đi. Putin rất nóng lòng muốn liên kết với các nước Tây phương trong công việc cùng tiêu diệt lực lượng IS, vì đó chính là một lò huấn luyện người Sun Ni Hồi Giáo từ Nga sang. Trong khi tuyên bố chống Thổ Nhĩ Kỳ, Putin vẫn hân hoan tiếp ông Francois Hollande, tổng thống Pháp, cả hai hô hào tiến hành cuộc liên kết này.
Biến cố máy bay Thổ bắn hạ máy bay Nga có thể là một cơ hội cho các nước NATO và Nga phải thảo luận với nhau để phối hợp trên chiến trường Syria, như Putin vẫn chờ đợi. Vì vậy, ông Putin sẽ không thể giữ tình trạng thù nghịch quá lâu với Thổ Nhĩ Kỳ, một nước kỳ cựu trong khối NATO. Nên mời ông Francois Hollande đóng vai trò trung gian hòa giải!
*** Trí Thức Trẻ: Bị hạ quá dễ dàng, huyền thoại Su-24 dọa tàu chiến Mỹ đã chấm dứt
Việc chiếc Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện từ xa và bắn hạ dễ dàng đã cho thấy huyền thoại “dọa chết khiếp” tàu chiến Mỹ là không có cơ sở.
Trong quá khứ, đã nhiều lần Quân đội Nga đưa ra tuyên bố đầy tự hào về khả năng xâm nhập siêu việt của máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, có thể kể ra đây một vài ví dụ sau.
Ngày 17/10/2000, trên khu vực eo biển Triều Tiên, 2 chiếc Su-24MR (biến thể trinh sát của Su-24 Fencer) đã xuyên qua cả rừng bảo vệ gồm các tàu khu trục Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga để tiếp cận tàu sân bay USS Kitty Hawk trong sự ngỡ ngàng của các thủy thủ Mỹ.
Sự việc trên còn tái diễn vào ngày 9/11/2000 trên vùng biển Nhật Bản, đối tượng tiếp cận hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk vẫn là Su-24MR và Su-27.
Ngày 12/4/2014, sự việc ồn ào nhất từ trước đến nay liên quan đến Su-24 đã diễn ra tại biển Đen, khi một chiếc Fencer 12 lần bay qua đầu khu trục hạm USS Donald Cook ở cự ly gần và nhiều lần thực hiện các động tác mô phỏng một cuộc tấn công trên đầu chiến hạm Mỹ.
Khôi hài hơn, sau đó trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện thông tin 27 thủy thủ của tàu Donald Cook đã nộp đơn từ chức và xin thôi việc, do không có ý định mạo hiểm với tính mạng của mình.
Chuyên gia quân sự Nga thì tự hào rằng máy bay của họ được trang bị các hệ thống chiến tranh điện tử tân tiến nhất, đã làm nhiễu radar của USS Donald Cook. Thủy thủ chỉ có thể nhìn thấy Su-24 bằng mắt thường, còn trên màn hình radar thì không có một chút tín hiệu cảnh báo gì.
Lần gần đây nhất là vào tháng 5/2015, Hải quân Nga cho biết do chịu sự uy hiếp của Su-24, khu trục hạm USS Ross đã phải rời bỏ hải trình định trước và tháo chạy khỏi khu vực biển Đen.
Tuy nhiên, những tuyên bố trên của Không quân và Hải quân Nga luôn khiến cho giới quân sự quốc tế nghi ngờ. Đại tá Steven Warren, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ từng nói với hãng thông tấn AFP: “Tàu USS Donald Cook chưa bao giờ gặp nguy hiểm, nó có thừa khả năng phòng thủ trước 2 chiếc Su-24. Đây đơn thuần chỉ là một hành động khiêu khích”. Tương tự như vậy, việc phi đội Su-24MR và Su-27 bay đàng hoàng từ ngoài vào và vô hiệu hóa được tầng tầng lớp lớp phòng thủ của tàu USS Kitty Hawk cũng bị coi là một việc hoang đường. Điều này chỉ có thể lý giải là do Hải quân Mỹ đã tránh đụng độ không cần thiết.
Và mới hôm kia, việc “Siêu cường kích Su-24” bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi từ xa và bắn hạ rất dễ dàng khi nó mới vượt qua biên giới đã cho thấy năng lực thực sự của các hệ thống tác chiến điện tử mà Nga trang bị cho “Kiếm sĩ”.
Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng, những tổ hợp radar cảnh báo sớm mà Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại biên giới giáp Syria còn xa mới tiệm cận được hệ thống tác chiến Aegis của tàu chiến Mỹ.
Do vậy, rõ ràng từ nay trở đi huyền thoại bất khả xâm phạm của cường kích cánh cụp cánh xòe Su-24 đã chính thức chấm dứt!
*** Infonet: Báo Mỹ: NATO cần loại bỏ “đứa con hư” Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thay đổi liên tục về thời gian và các mối đe dọa, Thổ Nhĩ Kỳ nên bị loại khỏi NATO, tạp chí Mỹ American Thinker nhận định.
Sputnik cho rằng quyết định gia nhập khối NATO vào năm 1952 của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn mang mục đích quân sự. Bởi với tư cách thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đồng minh phương Tây tránh được sự bành trướng của Liên Xô cũ trong khu vực. Theo quan điểm của phương Tây, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là vô cùng đúng đắn trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, theo American Thinker, hiện giờ, NATO không còn cần tới Thổ Nhĩ Kỳ và đây là lúc loại bỏ Ankara đặc biệt là trong bối cảnh nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ mật thiết với các tay súng Hồi giáo ở Trung Đông.
Cũng theo tạp chí của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là “một đứa trẻ hư trong NATO”. Bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tư cách thành viên NATO để đạt được những tham vọng chính trị không hề phục vụ lợi ích của NATO.
Điển hình, vào năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện tấn công và chiếm đóng đảo Síp, dẫn tới những xích mích trong nội bộ NATO. Kết quả Hy Lạp rút toàn bộ lực lượng ra khỏi liên minh cho tới năm 1980.
Tới năm 2012, sau nhiều lần vi phạm trái phép không phận, Không quân Syria đã bắn rơi một chiếc chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc này dẫn tới những đối đầu không mong muốn trong khối NATO.
Theo tạp chí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn duy trì mối quan hệ với các nhóm hồi giáo do những yếu tố mang tính lịch sử. Để bảo vệ tư cách thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực mà khả năng là để hỗ trợ cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bằng cách tiến hành các cuộc trao đổi mua bán dầu mỏ phi pháp với lực lượng khủng bố này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh IS không ngừng lớn mạnh và thực hiện hàng loạt cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ có chung mục tiêu là tiêu diệt IS càng sớm càng tốt. Do đó, NATO không thể dung thứ cho việc một thành viên trong khối “giả vờ làm bạn nhưng lại đâm sau lưng phương Tây”. Và đây là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cần bị loại bỏ khỏi NATO, tạp chí American Thinker nhận định. Thay vào đó, NATO nên cân nhắc về những lợi ích chung với Nga do hai bên đang cùng tham gia cuộc chiến chống lại nhóm hồi giáo cực đoan. Còn hiện tại, NATO đang bị đẩy vào tình thế khó xử khi hôm 24/11, oanh tạc cơ Su-24 của Không quân Nga bị 2 chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận Syria. Hậu quả, một trong hai phi công lái Su-24 thiệt mạng và người còn lại được quân đội Syria giải cứu. Chưa dừng lại, trực thăng Mi-8 của Nga tiếp tục bị tấn công khi đang trên đường tìm kiếm các phi công trong vụ rơi Su-24, khiến một binh sĩ Nga thiệt mạng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng cho rằng Ankara đã hành động đúng để bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ trước các mối đe dọa khi máy bay Nga vi phạm không phận nước này. Song dữ liệu chuyến bay được Bộ Quốc phòng Nga công bố lại cho thấy chiếc Su-24 không bay vào vùng không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và bị tấn công ngay khi đang làm nhiệm vụ trên bầu trời Syria.
*** Nguyễn Hoàng (VnExpress):  Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết không xin lỗi Nga
Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được cho là xuất phát từ nhận thức rằng Nga sẽ không thể đẩy tình hình vượt quá tầm kiểm soát.
Ngày 27/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Nga đang "đùa với lửa" khi không kích vào các đoàn xe chở dầu và đồ tiếp tế tại khu vực biên giới Syria, nơi các nhóm phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn đang hoạt động. Ông này cũng quyết không xin lỗi Nga sau vụ bắn rơi chiếc Su-24, vì cho rằng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã "làm đúng chức trách".
Giới quan sát cho rằng những tuyên bố trên phần nào thể hiện cá tính của ông Erdogan, nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có những tính toán rằng Nga sẽ không thể đẩy tình hình đi quá xa sau vụ bắn rơi máy bay, theo Le Monde. Học giả Giray Sadik thuộc Đại học Yildirim Beyazit ở Ankara cho rằng thái độ cứng rắn của Tổng thống Erdogan cho thấy những toan tính của chính trị gia dày dạn kinh nghiệm này. Dường như ông Erdogan đã tính được trước mức độ đáp trả từ Moscow, và nhận định rằng Nga sẽ không thể leo thang tình hình vượt mức mức kiểm soát và dẫn đến chiến tranh, bởi nó gây bất lợi cho Nga nhiều hơn là Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây đang đi xuống.
Điều Nga lo ngại nhất khi xảy ra chiến tranh là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức đóng cửa eo biển Dardanelles ở Tây bắc nước này, con đường ngắn nhất nối liền Biển Đen tới Địa Trung Hải để Nga tiếp viện cho lực lượng của mình ở Syria. Theo Công ước Montreux, văn bản định ra quy tắc quốc tế trong việc sử dụng các eo biển, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng eo biển trên nếu hai nước trong tình trạng chiến tranh.
Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho rằng thái độ của ông Erdogan chứng tỏ ông này nắm vững được rằng Nga sẽ không có lợi gì khi phản ứng quá mạnh mẽ. Tổng thống Putin lúc này còn phải bận tâm đến nhiều mục tiêu địa chính trị quan trọng khác.
Isabelle Facon, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược phân tích rằng khi tuyên bố không có lý do gì để xin lỗi Nga về hành động bắn rơi cường kích Su-24, dường như ông Erdogan đã chấp nhận đánh đổi quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ để buộc thế giới chú ý đến vai trò của Ankara trên bàn cờ chính trị Trung Đông nói chung và Syria nói riêng. "Kể từ khi Nga bắt đầu các hoạt động không kích tại Syria, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực dường như không được ai quan tâm đến. Đây là một nỗi xấu hổ không thể chấp nhận được với một chính trị gia có tham vọng như ông Erdogan", Falcon đánh giá. Theo Falcon, thái độ cứng rắn của Tổng thống Erdogan cho thấy ông đang muốn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một nước lớn, các bên liên quan kể cả Mỹ và NATO muốn can thiệp vào Trung Đông thì không thể không tính toán đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như những gì đã làm trong suốt thời gian qua.Nắm được điểm yếu của Nga
Ông Julien Nocetti, chuyên gia thuộc viện quan hệ quốc tế Pháp cho rằng thái độ cứng rắn của Erdogan cho thấy dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã "bắt thóp" được Nga và tin tưởng rằng ngay cả khi Nga có những phản ứng mạnh mẽ thì điều này cũng không ảnh hưởng quá xấu tới quan hệ hai nước. Bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại nhiều lợi ích kinh tế không thể xem nhẹ, và Nga dù trong trường hợp nào cũng sẽ đặt mục tiêu tránh đổ vỡ nghiêm trọng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lên hàng đầu.
Chuyên gia năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ Necdet Pamir nhấn mạnh tình hình hiện nay khó có thể đi xa hơn bởi Moscow không muốn làm ảnh hưởng đến chính sách năng lượng mà họ đang theo đuổi với Ankara.
Sau căng thẳng liên quan đến Ukraine, Nga đang nghiên cứu xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga tới châu Âu. Ông Pamir cho rằng trong tương lai Nga sẽ tiếp tục bán khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp quan hệ giữa hai nước bị xấu đi.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky đã xác nhận Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ theo các cam kết trong các hợp đồng cũ, theo Le Monde.
"Thời gian trôi qua, mọi việc sẽ trở lại như cũ, điều quan trọng là ông Erdogan đã thể hiện được tiếng nói của mình đối với người dân trong nước cũng như một bộ phận người Turk sinh sống ở vùng biên giới Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ", ông Nocetti nhấn mạnh.
Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, bên cạnh các luồng tư tưởng cho rằng cần phải trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ một cách nghiêm khắc và không khoan nhượng, trên các phương tiện truyền thông của Nga cũng xuất hiện nhiều nhận định của giới chuyên gia có xu thế xoa dịu tình hình và lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga.
Các chuyên gia này đánh giá rằng những mục tiêu địa chính trị và tôn giáo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết phải mâu thuẫn nhau, thậm chí còn có sự liên hệ khá gần gũi. Một thành phần quan trọng trong nền văn hóa Nga có yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ, bắt nguồn chính từ tộc người Tatars.
Nurettin Altundeger, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Luật pháp, Đạo đức và Chính trị tại Ankara,  cho rằng dường như ông Erdogan nhận thức được vai trò không thể thiếu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành một liên minh chống Nga đang có nguy cơ hiện hữu ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraine. "Nhận thức này đã cho phép Tổng thống Erdogan đủ tự tin để thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng mục tiêu không phải để thách thức Nga, mà nhằm tìm kiếm sự tôn trọng hơn từ Moscow cho vai trò nước này ở Trung Đông", ông Altundeger nhấn mạnh.
*** Đông Hải: Cuộc chiến mới của Putin và Erdogan
"Ẩn sâu phía sau vụ bắn hạ máy bay SU 24 là câu chuyện dài về lịch sử xung đột đầy thù hằn, dai dẳng và đẫm máu kéo dài hàng trăm năm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao phân tích.
Mối quan hệ cựu thù
Lịch sử đã ghi nhận 13 cuộc chiến tranh lớn (chưa kể hàng chục xung đột quân sự, đối đầu ngoại giao) giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (Thổ Nhĩ Kỳ), bắt đầu bằng Chiến tranh Nga-Thổ (1568-1570) kéo dài 12 năm, và cuộc chiến gần đây nhất (1914-1918) trong Chiến tranh thế giới I cách đây ngót 1 thế kỷ dẫn đến sự sụp đổ của cả Đế quốc Ottoman lẫn nước Nga Sa Hoàng. Các cuộc xung đột này dẫn đến việc xáo trộn biên giới quốc gia từ cả 2 phía, khiến hàng triệu người chết. Trong 13 xung đột cả 2 bên đều có thắn, có thua nhưng phần thắng nghiêng về Nga Sa Hoàng". Cũng theo ông Tuấn, "một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh lạnh kéo dài ngót 1/2 thế kỷ có nguồn gốc từ đối đầu giữa Liên Xô - Thổ sau thế chiến II". Ngày 7/8/1946 Chính phủ Liên Xô gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc nước này quản lý hai eo biển Bosphorus và Dardanelle (thông giữa Biển đen và Địa Trung Hải). Đây là 2 eo biển này nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Và, chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ "đóng" hoặc "khóa" lại thì toàn bộ Hạm đội Biển Đen của Liên Xô sẽ bị "nhốt" trong đó. Tuy nhiên, các chính phủ Mỹ, Anh, Thổ lại coi đây là "Tối hậu thư" của Liên Xô, đòi "quốc tế hóa 2 eo biển chiến lược này, cũng như mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô tại Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông. "Sự kiện này cùng vài sự kiện khác khiến Mỹ và các nước Tây Âu lo sợ, co cụm lại và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khỏi nguồn Chiến tranh lạnh được phương Tây phát động ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 nhằm bao vây và cô lập toàn diện Liên Xô", Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn bình luận.
Vai trò của Thỗ Nhĩ Kỳ trong khu vực
Cùng bình luận về sự kiện chiếc SU 24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, nhà báo Quang Dũng, hiện sống tại Pháp cho rằng, "tham vọng của Erdogan rất lớn".
Ông ta tính toán, sau khi lên làm Tổng thống vào tháng 10/2014, đến kỳ bầu cử lập pháp tháng 6/2015 đảng AKP (Adalet ve Kalkınma Partisi-Đảng Công lý và Phát triển) thắng thì tiến hành sửa đổi Hiến pháp, thiếp lập chế độ Tổng thống thay cho chế độ Nghị viện, đưa Tổng thống thành người có quyền lực cao nhất trong nền chính trị. Làm Thủ tướng trong chế độ Nghị viện thì phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, còn làm Tổng thống theo chế độ Tổng thống thì không những không phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện mà còn có thể giải tán cả Nghị viện. Nhưng kể từ khi ông Erdogan lập ra đảng AKP năm 2001, đảng này chưa khi nào thất bại trong các cuộc bầu cử.
Cũng theo nhà báo Quang Dũng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc giáo chính thức nhưng dưới thời Erdogan, nước này gần như trở thành một nhà nước Hồi giáo thế tục. Điều này khiến nhiều người cho rằng Erdogan đang "nuôi dưỡng giấc mộng khôi phục quá khứ vĩ đại Ottoman". Ngay khi lên làm Tổng thống, về đối nội, ông Erdogan không chỉ đưa cánh tay phải là cựu Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu lên làm Thủ tướng, mà ông còn mạnh tay can thiệp trực tiếp vào chuyện điều hành chính phủ (dù trái Hiến pháp). Về đối ngoại, thì từ khi làm Thủ tướng Erdogan đã coi sự hỗn loạn tại Syria là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại vùng đất nằm trong ảnh hưởng Ottoman trước kia. Đó là lí do Erdogan cắt đứt với al-Assad dù từng có thời nồng ấm, hậu thuẫn các phe nổi dậy Turkmen chống lại al-Assad, lợi dụng tình thế hỗn loạn để chơi bài hai mặt với IS và cũng tiện tay diệt luôn các phiến quân người Kurd ở Syria.
Đáng tiếc, thời thế không chiều lòng người, cuộc bầu cử tháng 6/2015 chứng kiến thất bại bất ngờ của AKP và sự thăng tiến của đảng HDP (Halkların Demokratik Partisi-Đảng dân chủ nhân dân) thân Kurd. Trong nước, căng thẳng lan tràn với vụ đánh bom khủng bố nhằm vào các thành viên HDP làm hàng trăm người chết. Cùng lúc, chính quyền của Erdogan phải đối mặt với PKK (Partiya Karkerên Kurdistan-Đảng những người lao động Kurd), PYD (Partiya Yekîtiya Demokrat-Đảng Dân chủ thống nhất), IS (Islamic State-Nhà nước Hồi giáo) và cả ông al-Assad. Chưa hết, tháng 9/2015, Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria, tiêu diệt cả quân Turkmen thân Thổ. (Nhưng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 01/01/2015, đảng AKP thắng lớn và chiếm 316 trên tổng số 550 ghế Quốc hội, Tổng thống Erdogan có toàn quyền thay đổi Hiến pháp để tăng thêm quyền lực-TL).
Đặc biệt, sau vụ khủng bố 13/11 ở Paris, Pháp, trước sức ép báo thù đang ráo riết vận động các nước liên minh với Nga để đánh IS. Pháp là nước phương Tây cứng rắn nhất với al-Assad, đồng minh được Nga tìm mọi cách bảo vệ, nay Pháp lại xuống thang thì khả năng Nga, Mỹ và phương Tây ngồi lại với nhau rất lớn. Một khi Mỹ, Nga, Pháp, Anh đạt được thỏa thuận chính trị về Syria thì vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thế nào ?..Vì thế, việc Thổ bắn hạ Su-24 đã gửi thông điệp "Sultan Erdogan vẫn còn tiếng nói ở đây", nhà báo Quang Dũng kết luận. (Nguồn : VietnamNet, TuanVietnam, 27/11/2015)
(2) Bài từ Bạn bè:
(i) Trần Huiền Ân: Về Xóm Nhỏ
Ta về quê cũ theo chân bạn
Như hồi tuổi trẻ dắt tay nhau
Sáu mươi năm bấy nhiêu ngày tháng
Ruộng vẫn đơm xanh lúa một màu
     Ta về lỡ vấp nơi triền dốc
     Giọt máu hồng rơi xuống đất mềm
     Có phải người xưa ai khẽ nhắc
     Ðường đi nước bước ... lẽ nào quên ?
Ta về dưới gốc đa trăm nhánh
Khóm đá rêu mòn trải cuộc chơi
Bàn cờ kẻ đậm lằn than vạch
Sỏi sạn bày quân tướng sẵn rồi
     Ta về lưng ngã trên nền cỏ
     Nghe mùi lá ủ thoảng hăng hăng
     Con bướm bay vòng vòng khóm đế
     Giữa chiều thung lũng vệt mây giăng
Ta về đêm lạnh ngồi quanh bếp
Củi gộc bùng lên ngọn lửa cười
Tiếng vạc canh khuya chừng đếm nhịp
Tiếng gà thưa thớt gáy đôi nơi
     Ta về xóm nhỏ chào xuân mới
     Vàng bông vạn thọ nắng thêm vàng
     Bâng khuâng...thương nhớ và mong đợi
     Trong lòng sao cứ thấy mang mang..
(ii) Luân Hoán: Cuồng Ca
1. Trong khi Tàu Cộng ngang tàng
trồng dân nuôi mộng dầu loang quê nhà
ta ngồi vơ vẩn ngâm nga
câu thơ dại gái ba hoa chích chòe
     chuyện gió mưa như bóng đè
     nặng trì não bộ u mê tâm hồn
     quên thời quịt nợ núi sông
     nửa chừng bỏ cuộc trên non bạt ngàn
quên luôn thuở tập hiên ngang
xuống đường cảnh cáo ác gian cường quyền
sống lâu ngày cõi bình yên
đâm ra thỏ đế ngoan hiền nai tơ
2. trong khi Tàu Cộng hồ đồ
gặp Trần Ích Tắc cơ hồ lên chân
mưu toan thâu tóm biển đông
mon men rừng núi trồng dân chực chờ
     ta mê gái chẻ ước mơ
     ra thành lạng quạng sợi thơ huê tình
     quên lửng vườn tược miếu đình
     thỉnh thoảng ngụy biện linh tinh dối lòng
thật tình cũng giận cành hông
đã từng đá phải cạnh bàn trầy chân
ngó quanh ngó quẩn bâng khuâng
gặp toàn bất lực cuồng ngông võ mồm
3. đem câu "lực bất tòng tâm"
làm bùa đeo sống quanh năm xa nhà
"nhìn người rồi ngẫm đến ta"
thấy gì ? khó nói - đành xa xót lòng
     dám đâu ma mảnh đèo bòng
     làm thơ tiếp viện đạn đồng về quê
     dân tình ba tỉnh bảy mê
     gần như yên phận an bề cho qua
thảm hơn, một số đồng hòa
nhởn nhơ hưởng thụ bê tha hết mình
không lo chiến trong thời bình
là đã chuẩn bị cực hình vong nô
4. Xin lỗi chữ nghĩa văn thơ
tự nhiên buồn bã dật dờ sáng nay
nỗi tình đậu xuống bàn tay
thổi phù mấy bận chưa bay lên trời
     tràn úng cả chỗ đang ngồi
     vớ vẩn nói nhảm đủ rồi, ngủ thôi

....................................................................................................................
Kinh,
TS. NGUYỄN NAM SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét