Nga không kích quân nổi dậy hay IS ở Syria ?
Một khu dân cư ở thành phố Nawa, Deraa (Syria) sau khi bị phi cơ Nga oanh kích ngày 21/11/2015.REUTERS/Alaa Al-Faqir
« Tại Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo nằm rất xa trong tầm ngắm của máy bay ném bom Nga » - Libération (23/11/2015) tố cáo. Các phi cơ Nga tiếp tục nhắm vào Quân đội Syria Tự do hơn là IS. Theo tờ báo, đây là dấu hiệu xấu cho việc thiết lập một liên minh chống thánh chiến.
Quân đội Syria Tự Do
Nhưng hôm 12/11, những chiếc Sukhoi của Nga bất ngờ xuất hiện và thả bom, tất cả là mười đợt oanh kích trong đó có hai cuộc dùng bom phosphore. Mười người bị tử thương, và nhà máy xay bột do Pháp và Liên Hiệp Âu Châu trợ giúp đã bị bom đánh sập cùng với cơ sở bánh mì công nghiệp bên cạnh.
Như thường lệ, Matxcơva loan báo là các phi cơ Nga đã tấn công một khu vực của IS. Tuy nhiên vùng này đã thoát khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ đầu năm 2014, và hiện nay đang do nhiều nhóm liên quan đến Quân đội Syria Tự do (ASL) kiểm soát. Vào lúc Pháp thay đổi chính sách, chuyển sang hợp tác với Nga, Matxcơva lại tiếp tục sách lược của Bachar Al Assad là làm cho người dân không thể sống nổi tại những vùng đang nằm trong tay phe nổi dậy. Và ưu tiên tấn công vào các nhóm nổi dậy đang chiến đấu chống lại IS.
Cho đến nay, mối đe dọa chính từ trên không là việc các trực thăng của chế độ Assad thả những thùng thuốc súng xuống. Nhưng bây giờ các phi cơ Nga đã thay chân với những vụ oanh kích ồ ạt đẫm máu. Các video do quân đội Nga công bố cho thấy những hình ảnh ghê rợn, và gần đây lại thêm những hỏa tiễn hành trình bắn vào Idlib và Aleb, các thành phố đã thoát khỏi tay IS.
Như vậy việc không kích Binin không phải là trường hợp ngoại lệ. Các bệnh viện vẫn là mục tiêu đánh phá của máy bay Nga, cũng như tất cả các cơ sở liên quan đến việc cung cấp thực phẩm cho dân chúng. Hôm 30/09/2015, kho bánh mì của thành phố Talbiseb đã bị bom Nga phá hủy, hai người chết.
Một nhiệm vụ ưu tiên khác của không quân Nga là tấn công vào các đơn vị quân nổi dậy thân phương Tây nhất, đặc biệt là những đơn vị nào sở hữu hỏa tiễn chống tăng TOW của Mỹ. Đội quân Jeish Al Iza ở bắc Hama bị oanh kích hàng ngày, còn binh đoàn số 13 chủ yếu là quân chính phủ bỏ ngũ, cũng bị tấn công. Hai ngày trước đó, binh đoàn này loan báo phá hủy được hơn một chục chiến xa của quân Assad do Nga sản xuất, bằng hỏa tiễn TOW. Phe nổi dậy cho biết, các sĩ quan Nga cố vấn cho quân lính Assad.
Hiện có khoảng ba chục đơn vị quân nổi dậy nhận được hỏa tiễn TOW có thể từ kho ở Ả Rập Xê Út, giúp ngăn chận xe tăng quân Assad tiến vào thành phố. Một số đang trong tình trạng khó khăn vì kẹt giữa hai lằn đạn : một bên quân chính phủ với cố vấn quân sự Nga và Iran, bên kia là quân IS. Hôm 7/10, kho đạn của nhóm Souqour Al Jebel (Đại bàng núi) thuộc ASL bị máy bay Nga phá hủy, đồng thời nhóm này còn là nạn nhân một vụ khủng bố bằng xe hơi gài chất nổ của IS. Không quân Nga hợp sức với IS đã khiến quân nổi dậy mất đi một căn cứ quân sự quan trọng cách đây vài tuần.
Bỉ : Hậu cứ của quân thánh chiến Âu Châu
« Nước Bỉ đã trở thành hậu cứ của thánh chiến tại Âu Châu như thế nào ? ». Theo Les Echos, cách tổ chức hành chính của Bỉ khiến việc phối hợp giữa các đơn vị cảnh sát thêm phức tạp. Bên cạnh đó là khủng hoảng kinh tế, các quy định lỏng lẻo về vũ khí, và ảnh hưởng của Ả Rập Xê Út.
Bỉ là một nước nhỏ, vào và ra đều nhanh chóng, nên thu hút được tất cả những ai có hoạt động bất hợp pháp. Tổ chức hành chính trong đó chính quyền liên bang phải « sống chung hòa bình » với những bang lớn như Wallonie, Flandres, Bruxelles và các cấp chính quyền cơ sở khiến cảnh sát khó phối hợp với nhau.
Việc dễ dàng mua vũ khí rõ ràng là một lợi thế dưới mắt quân thánh chiến. Amedy Coulibaly, tên khủng bố siêu thị Do Thái ở Pháp, đã sang Bỉ mua vũ khí. Cho đến năm 2006, chính quyền Bỉ vẫn không dám đụng đến các đạo luật lỏng lẻo nhất châu Âu. Số công ăn việc làm tại FN Herstal, một trong những công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đóng gần Liège đã khiến chính phủ không muốn để mắt nhiều vào vấn đề này.
Giáo sư Brice De Ruyver, cựu cố vấn an ninh của nguyên Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt cho biết : « Rất dễ xin được giấy phép mua súng trường hoặc súng ngắn, và một số loại vũ khí tác chiến lại được xếp vào loại súng thể thao ». Đến năm 2006 Bỉ mới thay đổi quy định, nhưng thị trường chợ đen đã phát triển mạnh mẽ với lượng cung dồi dào.
Trong bối cảnh đó, vùng Molenbeek đóng một vai trò đặc biệt. Abdelhamid Abaaoud, anh em nhà Abdeslam, thủ phạm các vụ thảm sát ở Paris cũng như một trong các tên khủng bố Madrid cách đây 11 năm đều xuất thân ở đây. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 80, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp lên đến 40%, và sự nghèo khó dẫn đến tình trạng co cụm trong cộng đồng. Vùng đông dân nghèo đa số là người nhập cư trở thành mồi ngon cho Hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng của Ả Rập Xê Út. Năm 1967, vua Baudouin của Bỉ đã tặng vua Fayçal của Ả Rập Xê Út một món quà : Đại giáo đường Hồi giáo tại khu phố cổ Cinquantenaire, và thế là được đáp lễ hậu hĩ với tiền từ dầu lửa. Trung tâm văn hóa Hồi giáo Bỉ được tranh thủ lập nên, để truyền bá Wahhabi, Hồi giáo Sunni theo kiểu Ả Rập Xê Út. Việc lôi kéo người dân theo Hồi giáo cực đoan không chỉ diễn ra tại các đền thờ mà còn công khai trước các cửa hàng hay trên YouTube.
Những sơ hở trong chống khủng bố
Tại Pháp, theo Le Figaro, bọn thánh chiến đã lợi dụng những sơ hở và yếu kém của hệ thống chống khủng bố hiện nay. Tờ báo phân tích những sai sót trong từng trường hợp cụ thể.
Chẳng hạn như đối với Abdelhamid Abaaoud, kẻ điều phối các vụ khủng bố ở Paris, người gốc Maroc mang quốc tịch Bỉ, đã tự do đi về giữa Âu châu và Syria nhiều lần mà không hề bị giữ lại, cho dù là đối tượng bị truy nã của Âu châu và quốc tế, sau bản án 20 năm tù do khủng bố bất thành ở Verviers. Hay anh em Abdeslam, đi từ Hy Lạp sang Áo thoải mái, và Bỉ không hề thông báo cho Pháp.
Hoặc Samy Amimour, một trong ba tên khủng bố ở nhà hát Bataclan, đã bị tịch thu hộ chiếu và thẻ căn cước do toan đi Yemen, bị kiểm soát tư pháp ; nhưng tên này cùng với đồng bọn đã đến cơ quan cảnh sát khai báo mất giấy tờ và được cấp cho thẻ căn cước mới !
Omar Ismael Mostefai, một tên khủng bố khác ở Bataclan đã tám lần bị kết án nhưng chưa hề ở tù, có tên trong danh sách S tức những người trở nên cực đoan, đã được Thổ Nhĩ Kỳ hai lần thông báo cho Pháp việc hắn đi Syria. Còn Mohammad Al Mahmod và Ahmad Al Mohammad, hai kẻ khủng bố tự sát tại sân vận động Stade de France đã trà trộn trong số những người tị nạn đi tàu đến cảng Pirée ở Hy Lạp rồi đến Cộng hòa Sec, cho thấy không gian Schengen có những lỗ hổng.
Cuối cùng, không thể quên Reda Hame, bị câu lưu sau khi từ Syria về Pháp, khai rằng Abaaoud đã yêu cầu tiến hành khủng bố « một nhà hát », và nên đi vòng sang Praha để tránh bị chú ý. Tuy nhiên lời cảnh báo này đã không được chú ý lắm.
Không thể thương thảo với IS
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Libération, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố, ông Gérard Chaliand cho rằng « Không có gì để thương lượng với phe Hồi giáo ». Trước câu hỏi liệu có nên không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) với nguy cơ lại bị khủng bố, chuyên gia này cho rằng đây chính là lúc để tự vệ chứ không phải tự trách mình.
Theo ông Chaliand, IS không phải là một phong trào khủng bố đơn thuần mà là một tổ chức có nhiều hoạt động khác nhau, từ khủng bố, chiến tranh tâm lý cho đến du kích. Bên cạnh đó còn kiểm soát hành chính đối với dân cư : in tiền, lo y tế, điện nước…Sự xuống dốc của chủ nghĩa mác-xít và chủ nghĩa dân tộc đã giúp Hồi giáo thay chân. Tại một số vùng ngoại ô Âu Châu , những người trẻ đứng bên lề xã hội chỉ có lựa chọn này.
Đặc điểm của Hồi giáo cực đoan là không có chuyện thương lượng. Nếu chúng theo đuổi một mục tiêu, là để đè bẹp đối tượng. Những kẻ cực đoan này tìm kiếm một chiến thắng toàn diện.
Chuyên gia cho rằng tuy không dễ dàng, nhưng cần phải kìm hãm IS trước hết bằng quân sự, và có được hệ thống luật lệ vững chắc để đối phó với kẻ thù từ bên trong. Bên cạnh đó, do khủng bố chủ yếu là trấn áp tinh thần, không nên để cho chúng đạt mục đích gây sợ hãi. Không nên liên tục đưa các hình ảnh tàn bạo, đó là một loại « kiểm duyệt trong chiến tranh ». Tất nhiên cần phải thông tin, nhưng cũng không nên gây hoảng loạn.
Trung Quốc lấy cớ chống khủng bố để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Liên quan đến Á Châu , Le Monde viết về « Chiến dịch đẫm máu nhằm chống khủng bố tại Trung Quốc », trước việc Bắc Kinh loan báo đã giết 28 người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Thông cáo của Bộ Công an Trung Quốc hôm 14/11 đã khoe khoang « chiến thắng áp đảo » chống lại « khủng bố », so với các cuộc khủng bố ở Paris. Theo đó, 28 « tên khủng bố » đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch quy mô của công an kéo dài 56 ngày, sau vụ tấn công bằng dao vào những người Hán xảy ra hôm 18/9 tại hầm mỏ Sogan ở Aksu, phía bắc Kachgar, Tân Cương. Theo Radio Free Asia (RFA), trong vụ mỏ Sogan có 50 người chết trong đó có 5 công an.
Gần hai tháng sau, vẫn còn lại những vùng xám, không chỉ về vụ mỏ Sogan mà còn về việc sát hại 28 người Duy Ngô Nhĩ bị cho là khủng bố trên. Cũng theo RFA, ba người tổ chức vụ tấn công đã bỏ trốn lên núi, về phía nước Kirghizstan láng giềng cùng với toàn bộ gia đình. Nhưng tất cả đã bị thảm sát kể cả phụ nữ và trẻ em: họ trốn trong một hang động nhưng công an Trung Quốc đã tấn công vào hôm 12/11 khiến 17 người chết trong đó có bốn phụ nữ và ba trẻ em.
Khủng bố và ảnh hưởng đến nước Pháp
Sau các vụ khủng bố đẫm máu vừa qua tại Paris, nhật báo Le Figaro hôm nay phân tích « Những sai sót trong cuộc chiến chống khủng bố ». Le Monde nói về một « Nước Pháp hậu khủng bố », một đất nước chìm trong nỗi sợ. L’Humanité cho rằng « Paris, Bamako, Bruxelles, Saint-Denis…cùng một cuộc chiến đấu », còn Les Echos quan tâm đến việc « Bruxelles ở trung tâm mối đe dọa thánh chiến ».
Trong bối cảnh đó, Libération nhận định chiến dịch tranh cử trong cuộc bầu cử cấp vùng sắp tới tại Pháp mang tính « khẩn cấp », còn theo La Croix thì đây là một « chiến dịch bất khả thi ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét