Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Dân tộc Miến Ðiện đáng kính phục - Ngô Nhân Dụng


alt
Người Việt Nam phải ngả mũ tỏ lòng kính phục dân tộc Miến Ðiện. Cuộc bỏ phiếu ngày Chủ Nhật vừa qua là một bước lớn trên tiến trình dân chủ hóa. Cả nước Myanmar đáng ca ngợi, từ những người dân nghèo nàn, ít học ở thôn quê cho tới các nhà tranh đấu vận động dân chủ; và cả đến đảng cầm quyền mới bị thất cử. Cả ba, chính quyền, đối lập và dân Miến cùng chung một bước vững chắc trên đường xóa bỏ chế độ độc tài lạc hậu đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, qua một cuộc bỏ phiếu trong sạch và tự do, hiếm đạt được ở những nước n mới bắt đầu thí nghiệm “luật chơi dân chủ” lần đầu.<!->
 
Phóng viên báo Washington Post phỏng vấn một ngư dân, ông Sein Kyaw Thee, 45 tuổi. Mỗi ngày ông Thee bán cá được số tiền tương đương với 15 đô la Mỹ. Ông nói ông bỏ phiếu cho đảng NLD vì ông kính trọng bà Suu Kyi. Ông hy vọng bà sẽ đem Miến Ðiện tới tương lai phồn thịnh.
Phóng viên hãng thông tấn Al Jazeera của Qatar, một nước Á Rập, thuật lời ông Kyi Win, một thường dân ở thủ đô Rangoon khi nghe tuyên bố đảng của bà Aung San Suu Kyi thắng 70% số ghế trong Quốc Hội: “Chúng tôi đã chờ suốt 50 năm nay! Kết quả này vượt trên cả điều tôi mong đợi!” Ông Kyi Win, 70 tuổi, đã chờ đợi gì? Ông không chỉ chờ ngày bà Suu Kyi chiến thắng. Năm mươi năm trước thì bà Suu Kyi chưa hoạt động chính trị. Ông Kyi Win và những người dân Miến cùng tuổi đã chờ 50 năm, kể từ năm 1962 khi các tướng lãnh cướp chính quyền rồi công bố một thứ chủ nghĩa xã hội bắt dân chúng phải theo, tới ngày hôm nay được sống tự do dân chủ!
 
Nhà báo cũng phỏng vấn bà Daw Khin Myo Sett, bà đi bỏ phiếu lần đầu tiên. Trong cuộc bỏ phiếu tự do sau cùng mà đảng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo toàn thắng trước đây 25 năm thì cô mới 14, chưa đến tuổi được đi bầu. Nhóm quân nhân cầm quyền đã xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử, bà Suu Kyi bị quản thúc, và từ đó đảng NLD tẩy chay không tham dự bầu cử, cho tới năm 2011. Cử tri Khin Myo Sett năm nay 39 tuổi, mong mỏi điều gì khi đi bỏ phiếu lần đầu? Bà nói: “Tôi hy vọng chính quyền mới sẽ cải thiện giáo dục và hệ thống y tế để cho cuộc sống của con cháu tôi tốt đẹp hơn thế hệ tôi.”
Ðó là niềm ước vọng của 30 triệu người dân Myanmar khi họ dùng lá phiếu hòa bình lật đổ chế độ độc tài trong ngày Chủ Nhật vừa qua! Mà đó cũng là ước vọng của mọi phụ nữ ở khắp Á Châu, đặc biệt ở Việt Nam: cải thiện giáo dục và y tế, vì thế hệ tương lai!
Hơn hai phần ba dân Myanmar sống ở thôn quê, kiếm ăn bằng vườn ruộng và sông hồ, nhiều nơi lợi tức dưới hai đô la một ngày. Phần lớn họ không biết chữ, thua xa nông dân và ngư dân Việt Nam. Phòng bỏ phiếu phải niêm yết những bảng chỉ dẫn bằng hình ảnh cho cử tri biết cách thi hành quyền công dân. Nhưng 80% các cử tri đã đi bày tỏ ý kiến của họ qua lá phiếu, trừ hơn một triệu người thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo bị coi không phải là công dân. So với dân Việt Nam, các cử tri Miến Ðiện không phải là những người hiểu biết về chính trị nhiều lắm, họ cũng chưa có kinh nghiệm sống dân chủ bao giờ. Nhưng rõ ràng họ biết một điều: Phải thay đổi chính trị thì đất nước mới tiến bộ! Phải chấm dứt một chế độ tham nhũng bất công và bất lực, chế độ độc tài đã kìm hãm dân trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu hơn nửa thế kỷ.
 
Dân Myanmar may mắn vì những người cầm quyền còn theo luân lý cổ truyền, các tướng lãnh cai trị chuyên chế với các chính sách ngu dốt nhưng vẫn biết tôn trọng các quy tắc đạo lý do tổ tiên để lại chứ không thờ phụng một chủ nghĩa ngoại lai hủy diệt tôn giáo và gia đình. Các ông tướng trong đảng cầm quyền đã nghĩ lại, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái và cá nhân. Cho nên năm 2011, các tướng lãnh đã quyết định thay đổi hệ thống chính trị, dù biết họ sẽ mất những quyền hành, lợi lộc mà họ đã từng hưởng. Tổng Thống Thein Sein và bà Suu Kyi tin tưởng và hợp tác với nhau cùng hướng dẫn nước Myanmar trên đường dân chủ hóa.
Chính quyền và quân đội sẵn sàng tôn trọng kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua. Kết quả bầu cử công bố trên màn ảnh truyền hình cho toàn dân coi. Ngay tại thủ đô Naypyidaw do các ông tướng mới lập ra đảng NLD cũng thắng thế mặc dù đa số dân ở đó là gia đình các công chức và quân đội, thân chính quyền. Kết quả bất ngờ này chứng tỏ công việc bỏ phiếu và kiểm phiếu hoàn toàn trong sạch. Cả tờ báo của đảng cầm quyền cũng viết bài ca ngợi, gọi cuộc bỏ phiếu vừa qua là “Rạng đông mở đầu một thời kỳ lịch sử mới!” Ông Shwe Mann, chủ tịch đảng Liên Minh Ðoàn Kết và Phát Triển, USDP, đang nắm quyền, cũng là chủ tịch Quốc Hội đương nhiệm, gọi điện thoại chúc mừng đối thủ U Than Nyunt thuộc đảng NLD để chấp nhận thất cử. Gần đây ông còn có nhiều hy vọng sẽ lên làm tổng thống, nếu thỏa hiệp được với đảng NLD.
 
Bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD chiến thắng, Nhưng cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của họ, và của dân tộc Myanmar, chưa chấm dứt. Trong những ngày sắp tới, Liên Minh NLD và bà Suu Kyi sẽ tiếp tục đấu tranh, nhưng phải chấp nhận “giao đấu theo luật chơi,” mặc dù luật chơi chưa hoàn toàn dân chủ như họ mong muốn. Ðây cũng là một hiện tượng tự nhiên, vì thực ra dân chủ tự do là một cuộc vận động liên tục không biết bao giờ chấm dứt, vì xã hội loài người thay đổi và không một chế độ dân chủ nào có thể coi là đã hoàn hảo.
Một vết đen trong cuộc bỏ phiếu vừa qua là 1,300,000 người không được coi là công dân, vì họ thuộc sắc dân Rohingya và theo Hồi Giáo, đã từ bán đảo Ấn Ðộ chạy qua sống ở Miến Ðiện. Ðảng NLD cũng chưa dám lên tiếng bênh vực cho những người Rohingya bởi vì không dám chống lại đầu óc kỳ thị của những người không hiểu biết. Ðây là một điểm khiến dư luận quốc tế chỉ trích người dân Miến và đảng NLD cũng như bà Suu Ky. Nhưng họ đành phải chịu, không thể làm gì hơn được, vì cần phải nhiều thời gian mới có thể thay đổi dân trí.
Các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng NLD và bà Suu Kyi còn phải làm việc trong khuôn khổ một bản Hiến Pháp do chế độ quân phiệt soạn ra. Chỉ có một cách xóa bỏ óc kỳ thị nhanh chóng là ghi thêm một tu chính án vào Hiến Pháp, xác định quyền bình đẳng giữa các chủng tộc, tôn giáo; đồng thời Quốc Hội phải làm lại luật về quyền nhập tịch của các di dân. Cả hai điều này sẽ còn bị trở ngại vì dù thắng 70% số phiếu, đảng NLD chưa nắm được toàn quyền hành động.
 
Trước hết, trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc Hội vào Tháng Ba năm tới đảng NLD không thể bầu bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống. Vì bản Hiến Pháp hiện hành cấm những người có vợ, hay chồng, và con quốc tịch nước khác được ứng cử tổng thống. Bọn quân phiệt trước đây đã ghi điều này vào Hiến Pháp chỉ cố để ngăn cản bà Suu Kyi, vì chồng con bà đều quốc tịch Anh. Ðảng NLD cũng không thể bỏ phiếu thay đổi Hiến Pháp, vì muốn tu chính Hiến Pháp cần hội đủ hơn 75% số đại biểu trong Quốc Hội. Hiến Pháp hiện hành lại dành sẵn 25% số ghế cho quân đội, nghĩa là do các tướng lãnh chọn. Do đó, nếu khối đại biểu quân nhân đó không chịu thì không thể nào sửa Hiến Pháp.
Do đó, đảng NLD phải đưa ra mọt ứng cử viên tổng thống khác bà Suu Kyi. Trong năm qua họ đã điều đình với phe quân nhân tìm một người được họ chấp nhận để bầu làm tổng thống, có thể là ông Thein Sein, hoặc ông Shwe Mann, nếu phe quân nhân đồng ý sẽ tu chính Hiến Pháp. Cuối cùng họ không đồng ý. Ðảng LND cũng có thể đưa ra một tướng lãnh khác, như cựu tổng tư lệnh, Tướng Tin Oo, một người vẫn ủng hộ bà Suu Kyi; nhưng ông Tin Oo đã 88 tuổi.
 
Dù sang năm ai sẽ lên làm tổng thống thì cũng không thay đổi được bản Hiến Pháp, trong đó các chức vụ bộ trưởng quốc phòng, nội an và an ninh biên giới phải do ông tướng tổng tư lệnh chọn! Muốn sửa đổi điều này, cũng cần trên 75% số phiếu trong Quốc Hội!
Bà Suu Kyi và đảng NLD cũng sẽ phải làm việc trong khuôn khổ chật hẹp của bản Hiến Pháp; chờ đến ngày có cơ hội thay đổi Hiến Pháp. Dù chiếm đa số, đảng NLD cũng còn phải hợp tác với các đảng chính trị nhỏ, tổng cộng gần 90 đảng, rất nhiều đảng chỉ đại diện cho các nhóm thiểu số ở địa phương.
Tóm lại, dù thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, Aung San Suu Kyi sẽ còn phải hoạt động trong khuôn khổ một Hiến Pháp do chế độ cũ soạn ra. 
Bà sẽ phải tôn trọng Hiến Pháp đó cho tới khi có thể thay đổi. Ðảng NLD quyết định tham dự cuộc bầu cử vừa qua cho thấy họ và bà Suu Kyi tin tưởng hai điều. Thứ nhất, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong sạch, thẳng thắn, phe quân nhân không tìm cách gian lận. Thứ hai, dân chúng Miến Ðiện muốn thay đổi chế độ. Cả hai đều diễn ra như họ mong đợi.
 
Bây giờ, đảng NLD phải đóng vai trò mới, trở thành một đảng cầm quyền, dù quyền hành còn bị hạn chế. Họ không thể dành hết thời giờ cho việc tranh đấu đòi sửa Hiến Pháp. Dân bầu họ vào Quốc Hội để lo cho cả 30 triệu người, chứ không phải chỉ lo cho một số chính trị gia. Khi chấp nhận tham gia tranh cử, họ cũng chấp nhận các luật chơi, theo đúng luật chơi, chờ tới ngày có thể sửa luật chơi cho tiến bộ hơn. Dân chủ hóa là một con đường rất dài, tiến từng bước một, được một bước rồi lại tính thêm tiến thêm các bước khác.
Trong mấy năm tới đảng NLD sẽ phải chứng tỏ khả năng cai trị. Phải đưa ra những đạo luật thay đổi cuộc sống của người dân, cải thiện giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, bảo vệ công bằng xã hội. Cầm quyền là một thử thách lớn, còn khó hơn khi đóng vai đối lập tranh đấu cho dân chủ tự do. Tranh đấu nhằm cổ động nâng Dân Khí lên cao. Qua những cuộc bầu cử vừa qua, dân tộc Miến Ðiện cho thấy Dân Khí đã rất cao. Dân tộc đang phục sinh. Bây giờ có quyền bính trong tay, đảng NLD còn phải lo nâng cao Dân Trí và phục vụ Dân Sinh nữa. Người Việt Nam nhìn tấm gương Miến Ðiện để tính sao cho dân tộc mình có thể cùng tiến bước được như họ.

Không có nhận xét nào: