Bà Long than thở với ông chồng:
-"Không biết thằng Hưng nhà mình thuộc trường phái mỹ thuật nào, mà khen con Dung là đẹp. Khen lấy khen để. Đang còn con gái mà đã mập phì, hai má núng nính, hai mông nở bành ra tổ bố, cái bụng đầy cả mỡ mòng. Mai sau có một hai con, thì e cũng chẳng khác nào cái bao tạ gạo biết đi mà thôi".<!->
Ông Long, chồng bà, liếc nhìn vợ và cười chúm chím, một lúc sau mới trả lời:
-"Tôi nói, bà đừng giận và buồn. Thằng Hưng cũng có cái óc thẩm mỹ của tôi ngày xưa. Hồi đó tôi thấy bà tròn như trái banh, ngon như miếng chả, thì tôi mê ngay và nhất quyết làm quen cho được, cưới làm vợ. Con Dung nó có vài nét giống bà, nên thằng Hưng thích. Nó thấy mẹ nó đẹp, nên thấy có người giống mẹ, thì mê ngay".
Bà gắt:
-"Ông nói con Dung giống tôi? Giống ở điểm nào? Thế thì tôi xấu xí lắm hay sao? Ông nhục mạ tôi phải không?"
Ông Long vội vã cải chính:
-"Ai mà dám nhục mạ bà. Có to gan bằng trời? Tôi nói bà đẹp theo lối phúc hậu, có da có thịt đầy đặn. Con Dung cũng đầy đặn, và có nụ cười giống bà. Chỉ chừng đó thôi, cũng gọi là giống rồi. Bà cũng biết rõ, quan niệm về cái đẹp, cái xấu, rất mơ hồ. Không có tiêu chuẩn nào rõ rệt cả. Dưới con mắt tôi, thì bọn người mẫu ngày nay không đẹp, nếu cho tôi chấm điểm, thì có rất nhiều đứa chưa đạt mức trung bình, và có nhiều đứa bị cho là xấu. Đẹp cái nỗi gì, mà mặt mày thì cứ vênh vênh, vêu vao hốc hác, gầy gò như bộ xương, bó củi. Như một lũ thiếu ăn, đói khát, mới đi tù cải tạo về. Đi thì cà lắc như bị tật nguyền, có đứa cứng đơ như khúc gỗ, trời trồng. Nhưng với thiên hạ, với ban tổ chức, thì bọn nầy đẹp đáo để, bọn nầy là tiên nga. Thằng Hưng nhà mình, thấy con Dung đẹp, thì cũng đúng theo nó."
Bà Long cười, nói theo ông chồng:
-"Tôi cũng không đồng ý với cái quan niệm đẹp ngày hôm nay. Mấy con nộm ốm tong teo, mà mặt vênh lên, cho rằng ta đây là đẹp. Nhưng mập quá, cũng xấu".
-"Đúng. Không lẽ bọn đàn ông con trai ngày nay thích ôm những bộ xương, những bó củi, cấn cái, làm đau mình mẩy, hơn là ôm những thân thể mềm mại, êm ái chăng."
Bà Long cười trêu ông chồng:
-"Tôi biết rõ ông, cứ thấy ai mập thì khen đẹp. Không cần mặt mày có cân đối, hàm răng, nụ cười, mắt mũi có thanh tú hay không. Tiêu chuẩn của ông xem bộ dễ dãi quá chăng?"
-"Không phải, không phải, bà đừng nói quá, đừng phóng đại. Tôi đâu thấy mấy bà Mễ, bà Mỹ mập mà khen đẹp đâu. Mấy bà nầy da thịt bùng nhùng, mỡ bụng chảy xuống một đống gần thấu đầu gối, nhìn phía trước mà tưởng như cái mông thụng phía sau. Cân nặng mấy trăm ký. Nhưng đừng tưởng nhé, cũng có người thấy các bà nầy là đẹp, nên họ cưới về làm vợ. Các bà mập nầy, họ biết và mặc cảm vì cân lượng dư thừa của họ, nhưng trong thâm tâm, họ cũng nghĩ là họ đẹp, đẹp ở một khía cạnh nào đó. Cũng đúng chứ không sai đâu. Bởi cũng có không ít người ngưỡng mộ cái nhan sắc đầy đặn mầu mỡ đó."
Ông Long ngừng một chốc, rồi nói tiếp:
-"Bà cũng biết rõ, vào các thế kỷ trước, nhiều họa sĩ trứ danh đã để lại những bức tranh bạc triệu, vẽ toàn người mập. Bà nào cũng bụng đầy mỡ mòng, tay chân khúc nần tròn ú, mặt mày đầy đặn, má cằm hai ba lớp. Như thế là đẹp lắm đó. Tụi trẻ ngày nay gọi là nét đẹp “dày cơm". Bên Tàu ngày xưa, cũng có bà Dương Quý Phi mập ú, mà được liệt vào một trong bốn người đẹp bực nhất của nước Tàu từ trước đến nay. Người Tàu gọi là "tứ đại giai nhân" (bốn người đàn bà đẹp nhất). Cũng có bà mắt hí lá răm, môi không có, được các văn nhân, thi sĩ tả lại là “mắt lá răm, môi mỏng như sợi chỉ”. Môi mỏng vào thời đó thì đẹp. Nay các bà phải đi bơm môi đầy ra, cho khêu gợi. Thành thử, biết đâu, một cô nào đó, đối với kẻ nầy, thì xấu xí như con ma xó, mà đối với người khác thì là tiên nga giáng thế. Quan niệm về cái đẹp tùy thời, tùy người. Nhưng có điều, là thiên hạ hay a dua, chạy theo thời. Một người hô hoán lên đẹp, như thế là đẹp, hai ba người hô theo, và sau đó, cứ thế mà thành ra cái "mốt" của thời đại. Đôi khi thành quan niệm mỹ thuật lâu dài trong xã hội đó."
-"Tôi không tin vậy. Ông có bằng chứng nào không?"
-"Có chứ. Bà cũng đã cùng tôi xem phim tài liệu, chiếu về một xứ bên Phi Châu, bà có nhớ không? Ở đó, cô gái nào có mặt dài như mặt ngựa thì được xem là đẹp. Mặt càng dài càng đẹp. Ai mà mặt ngắn, thì xem như xấu xí nhất. Những kẻ có "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" như Thúy Vân, Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du mà qua đó, bán mình một đồng không ai mua, chứ đừng ham mà nói chuyện ngàn vàng. Cũng có nhiều xứ, quan niệm rằng môi dài như mỏ vịt là đẹp. Cho nên họ căng môi ra, dùng một miếng gỗ to như cái dĩa, nhét vào lỗ thủng khoét trên môi mà căng, môi càng dài càng đẹp. Giai nhân của họ, là bọn môi lòng thòng che hết phần cằm, xuống tận cổ. Những người đẹp môi mỏng như sợi chỉ của nước Tàu thời xưa, qua các vùng Phi Châu nầy, trở thành kỳ-hình dị tướng, không ai muốn dòm ngó. Bên Thái Lan và Miến Điện, có vùng đàn bà dùng vòng kiềng chồng lên nhau, căng cổ cho dài ra như cổ rắn, càng dài càng được đàn ông ưa chuộng, lác mắt, mê tơi. Các bà hươu cao cổ nầy, với mình thì chướng mắt lắm. Nhưng với nhãn quan của bọn họ, thì là đẹp không bút mực nào tả hết ".
Bà Long hỏi ông chồng:
-"Theo ông, thì vợ mập, vợ gầy, có những ưu, khuyết điển mào?"
Ông Long cười khà khà và nói:
-"Có được một vợ mập, da thịt mềm mại, thì ôm không đã lắm sao? Mấy bà nầy, mùa Đông thì ấp áp, mùa Hè thì mát mẻ. Nhưng có điều phải cẩn thận khi ngủ, đề phòng tối đa, để lỡ ngủ say, các bà có lăn qua, thì mình không dẹp lép thành cái bánh tráng, như bị xe hủ lô cán. Có bà vợ gầy, ôm vào toàn cả xương xóc và da, như ôm bó củi khô. Đau ngực, đau thân lắm, nhưng lại đỡ tai nạn thảm khốc. Mấy bà gầy, thường khó ăn, khó ngủ, nên tính tình cũng ít khi vui cười dễ dãi. Tôi để ý, thấy mấy bà mập, thường hay cười. Thấy cái gì cũng cười híp mắt, tính tình vui vẻ, ăn được ngủ được nên có lẻ ít cằn nhằn mấy ông chồng hơn. Lẽ tất nhiên, không phải ai cũng vậy. Có nhiều bà gầy đét, mà tính tình dịu dàng, ngọt ngào vui vẻ, không hề than van trách móc ai cả. Gầy mập không phải là yếu tố chính để ảnh hưởng đến tính tình"
Bà Long cắt ngang:
-"Không phải mấy ông ôm vợ gầy, như ôm con mèo nhỏ, gọn gàng trong vòng tay? Còn ôm bà vợ mập, như ôm con gấu bắc cực, tay không hết vòng, lỏng le sao? Mà theo ông, thì tôi có mập quá lắm không?"
-"Không, không. Nếu so với mấy bà Mễ, Mỹ đen, Mỹ trắng núc ních mỡ mòng, thì bà là đã quá thon thả. Bọn mập nầy chỉ ước mơ có được một thân thể gọn gàng như bà mà thôi, là mừng như lên tiên. Bà nặng một trăm tám chục cân Anh, cỡ 75 ký lô, thì đã thấm vào đâu với các bà mấy năm bảy trăm cân. Theo tôi, trọng lượng cơ thể bà, là lý tưởng của một người đẹp trong mộng."
Bà Long cười hớn hở:
-"Thiệt không? Hay ông nói cho tôi vui lòng?"
-"Đó là theo quan niệm của tôi. Theo người khác, thì có thể họ cho bà chưa đủ cân lượng, hoặc cũng có thể là... hơi mập cũng có. Tùy người."
Bà Long cười sung sướng vì câu nói mát ruột của ông chồng. Bà tiếp:
-"Thế thì không có tiêu chuẩn nào là đẹp cả sao?
-"Gần như vậy. Cũng có một số tiêu chuẩn. Nhưng rất chi là chủ quan. Không chắc chắn. Tiêu chuẩn của vùng nầy, không giống với tiêu chuẩn vùng kia. Tiêu chuẩn của thế kỷ nầy, không giống tiêu chuẩn của thế kỷ sau. Thay đổi mãi. Ở Việt Nam ngày trước, con gái chỉ cần có nước da trắng, tóc dài thì đủ để được cho là đẹp. Dù khuôn mặt, đôi mắt, sóng mũi, làn môi, có khuyết điểm cũng không sao, đừng sứt môi lòi răng thì thôi. Con gái da hơi đen, da nâu mặn mòi, thì không được ưa chuộng như ở Mỹ. Ở Mỹ người ta phải đi hấp da, phơi nắng cho ra màu nâu đen, càng bớt trắng, thì càng đẹp. Mình ở Mỹ lâu, cũng thay đổi quan niệm lúc nào mà không biết. Thấy da nâu cũng đẹp, đôi khi còn hấp dẫn hơn da trắng. Thậm chí thấy mấy cô Mỹ da đen tuyền, láng bóng, cũng có vẽ đẹp riêng, đẹp không thua gì các cô da vàng, da trắng. Hồi mới qua Mỹ, thấy mấy cô da đen được bầu làm hoa hậu Mỹ quốc, các bà tức lắm, cho là tụi giám khảo mù, quáng gà, hay là thiên vị, không hiểu nỗi. Nhưng sau khi ở lâu rồi, mới công nhận và nhìn ra vẽ đẹp của các nàng kiều nữ da đen màu cột nhà cháy nầy. Đó, bọn heo thì thấy mõm dài, mũi to nhớp nháp, răng nanh lòi ra là đẹp, là mỹ miều. Chúng nó thấy Tây Thi, Thúy Kiều là xấu xí dị kỳ, không có anh heo nào thèm để mắt nhìn ngắm đến. Bọn chồn cáo, thấy cái mỏ nhọn hoắt, có râu tua tủa, là tuyệt vời, thấy cái miệng ngắn, trơn tru của mấy bà minh tinh màn bạc, thì chúng xấu hổ lắm. Bọn cá sấu, thấy cái mõm dài thòng, răng lởm chởm như lưỡi cưa, thì là duyên dáng vô cùng."
Bà Long vặn lại:
-"Thế sao đàn ông Á Đông ham chuộng nhan sắc của các của các bà Tây phương? Nào là mắt to, mi dài, mũi cao, miệng môi đỏ thắm, gọi là nét đẹp Tây Phương, đem cả vào thơ phú nữa?"
-"Cũng có nhiều người thấy vậy, vì lạ mắt, vì ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật. Nhưng khi ở lâu, và nhìn kỹ, thì những nét gọi là Tây Phương nầy, tôi thấy hơi thô, không còn đẹp và hấp dẫn như các khuôn mặt đàn bà Á Đông. Khuôn mặt Á Đông, tuy có bành bành, trớt trớt, nhưng lại dễ nhìn hơn, không quá đậm nét đến độ bí xị của mấy khuôn mặt mập, hay khô khan cằn cỗi hốc hác của các dáng mặt gầy. Có lẽ cũng có nhiều đàn ông Tây Phương ưa chuộng khuôn mặt bánh dầy của đàn bà Á Đông. Nhưng có lẽ đa số, họ thấy đàn bà họ là đẹp hơn, dễ nhìn hơn. Bởi vì họ đã quen nhìn mẹ, nhìn bà nội, bà ngoại, chị em của họ, thấy những nét đáng yêu, quen thuộc đó, như bị tự kỹ ám thị. Họ thấy hao hao giống họ là đẹp. Và có lẽ, không có bà nào, cô nào tự cho họ là xấu cả, vì mỗi ngày họ nhìn họ trong gương soi, riết rồi thành quen, không thấy cái xấu nữa, và yêu thương cái nét mặt đó, cái dung nhan đó. "
Bà Long hỏi tiếp:
-"Có phải vì vậy, nên thường thường vợ chồng có nhiều nét giống nhau không? Và khi lần đầu tiên họ gặp nhau, mới thấy mặt, là đã thấy như quen nhau từ tiền kiếp, tưởng như có hò hẹn từ lâu, và do đó mà cú sét ái tình giáng xuống, cả hai đều ngất ngây. Nhưng họ không biết, là họ đã tự yêu mình quá, nên yêu ngay người có những nét giống mình. Ông có nói, đàn bà con gái, ít ai thấy mình không đẹp. Thế thì sao có một nữ thi sĩ nào đó, làm cả tập thơ, cả gan lấy nhan đề là "Tôi là gái trời bắt xấu”?
Ông Long cười ngất, và đáp:
-"Bà đã đọc tập thơ đó chưa? Nếu chưa thì khoan vội tin vào cái đề tựa. Nói thế chứ không phải thế đâu. Lấy một cái đề tựa hấp dẫn, là nữ sĩ đó nỗi tiếng ngay. Theo tôi biết, thì nữ sĩ nầy không đẹp, nhưng cũng không xấu. Thơ bà ấy cũng hay. Nầy, bà có thấy Dì Chín không, vừa cời, vêu vao, mắt lác, mập ú, mà khi nào dì cũng chê bai người nầy xấu, người kia không đẹp và tự cho rằng Dì là người có nhan sắc. Và Dượng Chín, cũng thấy Dì ấy đẹp nữa. Trong sách Tàu, kể chuyện xưa, có ông quan được vua yêu mến. Vua nghe ông nầy có bà vợ vừa già, vừa chột mắt mà nhan sắc kém, nên thương hại. Vua đem một cô gái trẻ, đẹp, gả cho ông làm vợ. Ông từ chối, và thưa với vua rằng, vợ tại hạ có một con mắt thôi là đủ rồi, không cần hai con. Đó bà thấy không, ai cũng thấy vợ mình là đẹp nhất thiên hạ. Không đẹp sao lại cưới về, đôi khi còn chịu đựng cái mè nheo, nạt nộ, chê bai, phê bình đủ thứ?"
Hớp thêm một ngụm trà, ông Long nói tiếp:
-"Tôi cam đoan với bà, trên thế giới nầy, không có một người đàn bà nào là không đẹp cả. Bởi thế nên bà nào cũng có chồng. Nếu có một cô nào đó, dưới mắt người khác là xấu xí thậm tệ, thì cũng sẽ có một số người khác, cho rằng, cô ấy là đẹp như tiên, hoặc có duyên, mà mê mệt thương yêu."
Bà Long cắt ngang lời ông chồng và hỏi:
-"Thế sao vẫn còn nhiều người ế chồng? Suốt đời độc thân?"
-"Ấy, ấy. Bà đừng nói chữ ế chồng mà xúc phạm và oan cho người ta. Thường những người đàn bà ở độc thân suốt đời, họ không phải thuộc loại thiếu nhan sắc. Đa số có nhan sắc trên trung bình, hoặc là đẹp nữa. Họ không lấy được chồng, hoặc vì họ đặt tiêu chuẩn quá cao về người phối ngẫu. Đặt cao quá, thì khó tìm thấy. Hoặc vì họ quá trang nghiêm, đứng đắn, không có gã con trai nào dám láng-cháng đến làm quen, tán tỉnh. Muốn lấy được chồng dễ dàng, thì phải hơi "lẵng" một chút, một chút thôi, cho mấy anh con trai khỏi ngại khi mở lời làm quen. Nhưng đừng ngựa quá, mà tự hạ giá mình, và chúng nó khinh khi."
Bà Long nạt ông chồng:
-"Nầy nầy, ông nói như vậy mà nghe được sao? Thế thì ngày xưa tôi có lẵng chút nào đâu, mà vẫn lấy được ông?"
Ông Long nheo mắt cười:
-"Nếu bà không nói cười vui vẻ, mà mặt mày nghiêm trang, khó đăm đăm, thì bố tôi cũng không dám trêu chọc và làm quen. Không thì giờ đây, không chừng bà cũng còn độc thân, đêm nằm ngủ một mình lạnh lắm, và sợ ma nữa."
-"Xí. Đừng có nói bậy. Không phải các cô gái quá nghiêm trang đều phải chịu cảnh độc thân cả đâu. Nhưng có lẽ cũng đúng phần nào. Nhiều bạn gái của tôi làm nghề dạy học, sống độc thân khá đông. Có lẽ vì phải mãi đóng vai nghiêm trang đứng đắn, nên mấy anh không dám thả lời ong bướm, và tuổi xuân đi qua không trở lại. Già và xấu đi, thì không có dịp lập gia đình nữa."
Ông Long phản đối, nói:
-"Tuổi nào cũng đẹp cả. Trẻ đẹp theo trẻ, sồn sồn đẹp theo sồn sồn, già đẹp theo già. Nhưng đàn bà, thì không có tuổi nào gọi là già hết. Một cô gái mới mười bảy mười tám tuồi, dưới mắt của một anh oắt con mười lăm, thì là già cóc đế, già có sạn. Nhưng một bà bảy mươi hai tuổi, vẫn là em gái ngây thơ, bé bỏng, dại dột của một cụ già tám mươi lăm. Trẻ và già chỉ là tương đối. Và đàn bà con gái, ai cũng đẹp, cũng có thể là tiên nga giáng thế dười mắt một người nào đó."
Hai vợ chồng ông Long liếc nhau cười thích thú. Bà Long nói tiếp:
-“Tôi đố ông, cái đẹp nào quý nhất?”
-“Ai mà không biết? Có phải cái đẹp bên trong, lòng nhân từ, tình thương và hy sinh của các bà mẹ, bà vợ là đẹp và quý nhất không? Bà đố dễ thế, thì trẻ con nó cũng trả lời được.”
TRÀM CÀ MAU
California tháng 5 năm 2006
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét