Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

1.11.1963 Càng sau, càng đau! - Khai Quang

 

 Ngày Tổng Thống nước Việt Nam Cộng Hoà bị giết, lão đã ở “tuổi biết buồn”, tuy có khóc thương Ông nhưng chỉ khóc thương trong lòng, chứ không có được nguồn tình cảm lớn lao và trong sáng của con người xã hội chủ nghĩa khóc tổ sư sáng lập ra cái Xã Hội Chết Ngộp ấy, với nước mắt dầm dề banh... tã lót như “đại văn hào” Tố Hữu mà những lời khóc thương ai oán thảm não là những áng thơ bất hảo lấp lánh trong bầu trời văn chương cho muôn đời con cháu mai sau soi vào để tưởng nhớ “sự nghiệp, công ơn” bác .
<!->

Ngày ấy, 50 năm về trước, cả thôn làng của lão chỉ có được hai cái radio của hai gia đình, một ở Xóm Trong và một Xóm Ngoài. Khi tin dữ được loan ra, dân làng sững sốt, lo âu, chạy nhốn nháo nhà này sang nhà khác báo tin cho nhau và kéo nhau tập trung tại nhà có “đài”. Hồi hộp, cầu nguyện , hy vọng, chờ đợi tình hình đảo ngưọc. Radio ban sáng phát ra hầu hết những bản nhạc hùng tráng; thỉnh thoảng lời kêu gọi của “Cách Mạng”; càng về chiều danh sách những thành phần ủng hộ “Cách Mạng” càng dài hơn, và nhịp độ lập đi lập lại “khí thế Cách mạng” càng nhanh hơn. Càng về khuya, dân làng càng thất vọng trong nỗi lo âu cho số phận của anh em ông Tổng Thống. Suốt đêm hôm ấy, trên nền xi măng trong ngôi nhà ba gian mái tôn vách ván có radio ấy, lão cùng với nhiều dân làng ngồi tựa lưng nhau thì thầm cầu nguyện cho anh em Ông.

Ngày ấy dân làng không hề bị tổ chức nào bắt ép, hoặc bị cá nhân ai xách động kêu gào “làm chuyện đó”. Họ chỉ là những dân quê mộc mạc, biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn cây nào rào cây ấy” hơn là chuyện chính trị chính trường.

Họ nhớ ơn Ông đã đưa họ đến đây xây dựng lại cuộc đời sau khi thoát khỏi cơn hồng thủy Đỏ. Năm 1956 thôn làng hãy còn là một dãi đất nhỏ bé hình dạng không có trong môn hình học, giữa chốn đèo heo hút gió đất đỏ cao nguyên, với số dân khoảng trên dưới hai trăm gia đình; hẵn nhiên làm gì có ánh điện ở nơi như thế lúc bấy giờ. Vậy mà đêm Noel năm ấy bên những túp lều vải,Tổng Thống nước Việt Nam Cộng Hoà đã bất thần đến cùng họ dâng thánh lễ đón mừng Chúa Giáng Sinh, dưới mưa phùn gío lạnh. Ngày ấy lão chỉ là cậu bé tuổi mười hai,nhưng đã thấy ấm lòng làm sao khi bắt gặp ánh mắt của Tổng Thống lúc Ông đưa máy lên chụp hình dân làng đang cố xích lấn đến gần với khuôn mặt vỡ oà hạnh phúc.Chụp xong, Tổng thống đưa máy cho người cận vệ (?) và khoảng vài phút sau là có tấm hình màu được đưa cao cho mọi người xem.Với lão cho đến bây giờ, đó là món quà Noel tuyệt vời nhất cho dân làng.

Dần dà theo năm tháng, thôn làng thay đổi bộ mặt , từ những túp lều vải lên nhà tranh vách lá rồi mái tôn mái ngói; đường sá rộng rãi thẳng tắp; trường học nhà thờ; người người hòa thuận; làng thôn yên lành. Cuộc sống thật là, đúng như lời ai hát, “ấm no an lành”.

Năm ấy, Tháng ấy, sáng ngày mùng 2 “Cách Mạng” loan tin Tổng Thống và bào đệ đã “nạp mình ở nhà Thờ Cha Tam và sau đó đã tự tử chết”. Dân làng không ai tin hai ông tự tử, nhưng hầu hết tin Tổng Thống và ông Cố Vấn đã chết, bị giết chết.

Dân làng bẽ bàng. Trách phường phản nghịch. Tại sao người ta làm như thế với Tổng Thống và cả anh em của Tổng Thống.

Thế rồi nỗi tiếc thương nơi dân làng đối với người vừa “trồng cây” vừa “mang quả” đến cho ăn nguôi ngoai dần theo thời gian và dối gian dồn dập.

“Bà con ơi hãy cầm ngang tờ giấy bạc 5 Đồng lên mà xem : rõ ràng hình con mụ Trần Lệ Xuân đang nằm trần truồng . Vào dinh Diệm mà xem phòng làm việc của Diệm ăn thông với buồng ngủ mụ Nhu. Đến Dinh Gia Long mà ngắm: toàn những hầm tra tấn thủ tiêu đối lập. Nào “Kinh tài Diệm Nhu”; Nào kỳ “thị Phật Giáo, vào chuà bắt tăng ni , đưa xe Thiết Giáp đi cán chết trẻ em Phật Tử nơi Đài Phát Thanh Huế; Ra mà xem cậu Cẩn hiếp dâm mụ Luyến ;Ngô Đình Thục... “vân vân và vân vân”

Nhưng “Thiên bất dung gian”: Ngày 28.2.2003, văn khố Mỹ đã công bố đoạn băng ghi lại cuộc nói chuyện giữa Tổng Thống Johnson với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay trong đó có đoạn như sau:

“Ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta...”

Ít phút sau, ông lại nói với Tướng Maxwell D. Taylor như sau:

“Họ khởi đầu và nói: ‘Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.”

Còn ông William R. Corson xác nhận:

“Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện.”

Ngày nay, chính Tướng Trần Thiện Khiêm cũng đã thú nhận ông “làm theo lệnh của CIA.”

Dần theo thời gian ngót nghét nửa thế kỷ trôi qua, hồ sơ mật được bạch hóa; sự thật được phơi bày ngày một thêm rõ trắng đen.Những biện minh cho hành động của “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa”( cách gọi của TT Mỹ Johnson) toàn là những lời bịa đặt vu khống nạn nhân và lưà phỉnh lương dân, đồng bào chất phác.

Chúng ác ôn côn đồ không chỉ với một vị Tổng Thống do dân bầu lên theo Hiến Pháp, vừa là vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội của chúng, ác ôn côn đồ với một gia đình họ Ngô, mà chúng ác ôn côn đồ cả với một đất nước, một dân tộc!

Lão nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài, những ngọn cây đang đưa vai gánh từng cơn bão rớt, lưng cong oằn. Lão nhìn những lá vàng lả tả rơi, nghe lòng chơi vơi . Lão cũng chỉ là chiếc lá trên cành đang thoi thóp với những sợi diệp lục èo ọt cuối muà. Những chiếc lá rơi về cội của chúng. Lão thì sẽ rơi về nơi đâu.

Từ sau ngày ấy, “Cách Mạng” phá tung hàng rào Ấp Chiến Lược, và lang sói thênh thang đường về. Cuộc sống an lành bị đe dọa. Trai tráng phải ra đi bảo vệ thôn làng , và dần dà phố thị. Chính quyền thay thế chính quyền bằng những “Chỉnh Lý”, Biểu Dương Lực Lượng” liên tục.Giặc không lo đánh; chỉ lo đánh nhau. Quân nước ngoài tràn ngập thì trấn, không phân biệt được gái làng chơi bản xứ với đám nữ sinh trên đường đến trường học. Đồng Đô La Đỏ ( phát cho quân đội Mỹ phục vụ ở VN, thay thế cho Đô La Xanh ) làm tan nát không ít gia đình. Trật tự xã hội đảo lộn, khi “nhất tướng nhì sư tam cha tứ đĩ”, khi “nhất đĩ nhì sư tam cha tứ tướng”. Ký giả chống gậy ăn mày; bàn thờ Phật xuống đường. Sói vào giữa chợ. Mìn, lựu đạn nổ trong rạp hát, hoả tiễn 122 ly của địch rớt xuống nhà dân từ các tỉnh thành đến thủ đô không còn là chuyện hiếm hoi. Đồng minh đổi giọng. Giặc đến ngoài ngõ.Tổng thống của nền Đệ Nhị Cộng Hoà từ chức với cặp mắt ngấn lệ.

Lão không bao giờ quên được thái độ của mấy người lính đối với vị TổngTư Lệnh Quân Đội của họ mà lão chứng kiến. Đó là một buổi tối, lão ghé câu lạc bộ dành cho Hạ Sĩ Quan và Binh Lính trong quân Trường có nhiệm vụ tái huấn luyện các đơn vị tan hàng từ Vùng I và Vùng II. Khi thấy TT. Thiệu xuất hiện trên TV và nói điều gì đó, mấy người lính liền quay mặt sang chỗ khác và giận dữ nói lớn như cố ý cho lão nghe: “Chưa đánh đã bắt chạy, nói gì nữa mà nói”.
Và những người lính ấy đã cùng đơn vị lão đã chiến đấu cho đến giờ phút cuối cùng. Lão nghĩ, giá như Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bị giết, chắc chắn lão đã không phải sống cuộc đời lưu lạc hiện tại. Lão ví mình như chiếc lá vàng trên cây, mùa Thu sắp tàn mà cội nguồn xa tít bên kia bờ Thái Bình Dương. Thôn làng của lão ngày xưa thì nay đã bị giặc “giải phóng” rước kẻ thù truyền kiếp phương Bắc vào, lên ngồi chồm hổm trên nóc nhà Tây Nguyên ...

Lão nhớ đến những người đã về “bên kia thế giới”, gồm những người ruột thịt thân yêu, những bạn bè, những đồng đội năm xưa chết trên chiến trường, chết trong ngục tù cộng sản... Nỗi buồn đau mất mát rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng; nước mắt khóc thương tiếc nuối rồi cũng thôi trào; và ai cũng đã có ngày giỗ đoạn.

Nhưng chỉ riêng ông Ngô Đình Diệm, Tổng Thống nước Việt Nam Cộng Hoà, theo lão có lẽ không có ngày giỗ “Đoạn Tang” cho Ông. Bởi lẽ dù đã gần nửa thế kỷ rồi, mà mỗi năm mỗi thêm người khóc thương nuối tiếc Ông; và lòng càng đau hơn, lệ đổ nhiều hơn và lệ như cay hơn, khi tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong Ngày Quốc Tang 1.11.1963!!!

Khai Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét