Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

KHAI BÚT ĐẦU NĂM CANH DẦN: SỨC MẠNH CỦA VĂN CHƯƠNG - Tạ Phong Tần

.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgBXKZS4yjKZgexLX_0AodTSlxrkJAD98WDMmhVydHcQ5s_uj78UhrS18d_HC5zjo0Fr0YnoyESlsGLeEZLUrYpg_5Bx3ZX3Wcz22uX-8dx6lbLFEoWqIACj8HMsB929t3TlkxqW4zzjVE/s320/ft_hacho.jpg

Theo Từ điển Tiếng Hoa, văn () có nghĩa là nho nhã, nhỏ nhẹ, đẹp đẽ. Chương () là sách, trật tự, mạch lạc, điều lệ, con dấu, huy chương.
Theo Từ điển Tiếng Việt, "văn chương là lời văn, câu văn, tác phẩm văn học nói chung. Như vậy, không cần phải cất công lâu ngày chày cháng để viết ra một quyển sách dày mo mới gọi là văn chương, một bài thơ, một bài báo ngắn, một câu chuyện hài hước… được sáng tác ra mang hơi thở nóng bỏng của xã hội đương đại cũng là một tác phẩm văn chương.
<!->

Văn chương có thể sáng tác và ghi lại bằng chữ thành sách (văn tự), có thể sáng tác rồi truyền miệng bằng cách thuộc lòng (thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện tiếu lâm).  

Trước khi con người phát minh ra chữ viết, văn chương đã có từ rất lâu qua những câu chuyện, bài ca truyền miệng trong dân gian qua tài nghệ của các nghệ nhân hát rong. Trong giai đoạn xã hội đã phát triển, mặc dù đã có chữ viết, có phương tiện in ấn hẳn hoi nhưng có những lúc người ta vẫn dùng "công cụ thô sơ, lạc hậu" là kể truyền miệng cho nhau nghe để tránh sự kiểm duyệt, đàn áp của giới cầm quyền. Văn chương truyền miệng trong dân gian có sức sống mãnh liệt hơn hẳn sách báo, bởi sách báo in ra mà không người mua, không người đọc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Họa chăng chỉ có ý nghĩa với những người tự viết, tự in, tự "lưu hành nội bộ" để mà "tự sướng" với nhau.  

Thử điểm qua vài câu chuyện nổi tiếng trên thế giới mà người Việt ai cũng biết, chúng ta sẽ thấy bất cứ ở thời nào, giới cầm quyền độc tài hay không độc tài cũng đều nhìn thấy sức mạnh của văn chương. Họ vừa sợ hãi, vừa muốn lợi dụng văn chương làm công cụ phục vụ cho mình. 

Chuyện  bên Tàu 

Năm 213 trước Công nguyên, Thừa tướng Lý Tư (
李斯) tâu lên Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (秦始皇, húy là Doanh Chính 嬴正): “... nay Hoàng đế đã thâu tóm cả thiên hạ,phân biệt trắng đen mà định ra điều duy nhất được tôn trọng.Những kẻ học Nho theo cái học riêng của mình lại cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống thì họ đều lấy cái học riêng của mình để bàn tán. Khi vào triều thì trong bụng chê bai. Ra đường thì bàn bạc chê vua của mình để lấy danh, làm cho khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ ở dưới phỉ bàng. Nếu như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút, ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm là hơn. Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất dấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà đều đem đến quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thư, Kinh Thi thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đối sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành. Những sách không bỏ là sách thuốc, sách bói; sách trồng cây. Ai muốn học pháp luật thì thờ quan lại làm thầy”. Chế của nhà vua nói: “Được”.
...
Bèn sai ngự sử  xét tất cả các nhà Nho. Các nhà Nho tố  giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều  đã cấm. Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở  Hàm Dương, báo cho thiên hạ biết điều đó để làm răn. Sau đó lại sai đày ra biên giới nhiều người bị tội để đi thú. 
(Tần Thủy Hoàng bản kỷ - Sử ký Tư Mã Thiên).  

Từ đó, cụm từ "Phần thư khanh nho" (焚書坑儒, đốt sách chôn Nho) trở thành một câu thành ngữ thông dụng ở Trung Quốc và lưu truyền cho đến ngày nay. Mục đích của Lý Tư dâng kế "Phần thư khanh Nho" là nhằm bịt miệng những kẻ lấy cái học "Vào triều thì trong bụng chê bai. Ra đường thì bàn bạc chê vua", đối với vua chỉ được khen chớ không được quyền chê, cho dù hành động của vua có nhiều điều hết sức xằng bậy rành rành ra đó, tức dập tắt quyền tự do ngôn luận, thống nhất một chiều về văn hóa, tư tưởng của dân chúng, nhằm xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền trung ương. Có thể thấy ngay từ thời rất xa xưa ấy Tần Thủy Hoàng và Lý Tư đã ý thức rất rõ văn chương có sức mạnh làm lung lay sự độc tài đế chế nhà Tần. Người đời sau cho rằng "Tần Thủy Hoàng có công thống nhất đất nước, làm cho Đất nước Trung Hoa thời đó hết loạn lạc vì chia năm xẻ bảy đánh nhau liên miên. Nhưng tiếp theo đó ông ta thể hiện sự tàn bạo và hà khắc đến cực đoan. Điều đó chứng tỏ ông ta thống nhất đất nước vì tham vọng quyền lực chứ không phải thương dân". 

Năm Sơ Bình thứ mười đời Hán Hiến Đế (200, Đông Hán), Lưu Bị ( tự Huyền Đức 懸德) thua trận bèn đến chổ Viên Thiệu (袁紹, tự Bản Sơ 本初) xin hàng. Viên Thiệu được Lưu Bị làm vây cánh bèn phát binh giao chiến với Tào Tháo (曹操, tự Mạnh Đức 孟德), đóng đại quân ở Lê Dương. Viên Thiệu còn sai thủ hạ của mình là Trần Lâm (, tự Khổng Chương 孔章, ám chỉ văn chương xuất chúng) thảo hịch kể tội Tào Tháo. Trần Lâm là người Xạ Dương, quận Quảng Lăng, nay là Hoài An, tỉnh Giang Tô. Tương truyền, bài hịch này là áng văn điển hình về lối nghị luận, giọng văn vừa tao nhã, vừa hùng hồn, lập luận sắc sảo chặt chẽ, được coi là "Thiên cổ hùng văn" trong nền văn học cổ điển Trung Quốc.  

"Bài hịch truyền tận Hứa Đô, bấy giờ Tào Tháo đang bị chứng nhức đầu nằm trên giường. Tả hữu đem bài hịch vào trình, Tháo xem xong rợn tóc rùng mình, mồ hôi toát ra như tắm, khỏi cả nhức đầu, từ giường vùng dậy, ngoảnh lại hỏi Tào Hồng: "Ai làm bài hịch này?". Hồng nói: "Bài ấy nghe đâu của Trần Lâm soạn". Tháo cười: "Có văn hay phải có võ lược đi kèm, văn Trần Lâm tuy hay, nhưng võ lược của Viên Thiệu lại dở, thì làm thế nào?" (La Quán Trung - Tam Quốc Diễn Nghĩa).  

Sau khi Viên Thiệu thất thế, Trần Lâm đầu hàng Tào Tháo. Ngụy Vương coi trọng người tài bèn phong quan tước cho Trần Lâm, không truy cứu chuyện cũ, cũng không phủ nhận những chuyện mà Trần Lâm đã "hạch tội" mình (chắc là chuyện có thiệt rồi).  

Chuyện  bên Tây 

Cả thế giới ai cũng biết người Đức vốn đề cao tính nguyên tắc, tính kỷ luật và không biết đùa cợt. Đội bóng quốc gia Đức được mọi người gọi bằng biệt danh "Cổ xe tăng". Vậy mà ở Đức, người ta vừa thu thập những câu chuyện tiếu lâm truyền miệng thời Quốc xã để in thành sách (Từ trạng thái "chuyện" đã chuyển sang "truyện", oai chưa!). Những mẫu chuyện này cho chúng ta thấy thái độ của dân chúng Đức hồi đó đối với Hitler. Vào những năm 50, các nhà sử học Đông Đức cho rằng người dân Đức bị bộ máy tuyên truyền của Hitler "mê hoặc", nhưng những câu chuyện hài này cho thấy giới cầm quyền đừng ảo tưởng rằng dân chúng ngu muội, tuyên truyền thế nào họ cũng nghe theo. Trong chế độ độc tài hung bạo, khi người ta không nói, không có nghĩa là người ta đồng ý với luận điệu tuyên truyền đó, mà vì một lý do nào đó người ta không tiện nói thẳng vào mặt rằng: "Thôi đi mấy cha nội, nói láo vừa vừa nó, con nít nó còn không tin lời mấy cha đừng nói chi người lớn". Sự tồn tại dai dẳng, sức sống của chuyện tiếu lâm trong quán rượu, đường phố chính là bằng chứng cho thấy ngay cả khi Hitler cấm viết, cấm in, cấm đọc, cấm biểu tình thì thiên hạ vẫn không ngừng "thể hiện chính kiến", Hitler vẫn không thể "bịt mồm" thiên hạ, không thể cấm thiên hạ suy nghĩ và chán ghét cái chế độ độc tài phát xít do y dựng nên. 

Tôi xin trích dẫn ra đây hai câu chuyện tiêu biểu. Tất nhiên là  còn nhiều mẫu chuyện khác lắm, nhưng kể ra đây nhiều quá e lại làm khổ người đọc mất, các bạn có thể tìm thấy rất nhiều trên mạng Internet.  

Chuyện thứ  nhất: Hitler đi thăm một bệnh viện tâm thần. Các bệnh nhân đều giơ tay chào. Khi đến cuối hàng, y bắt gặp một người vẫn đứng duỗi tay. “Sao anh không chào như những người khác?”. Y quát. “Thưa ngài, tôi là y tá, tôi không bị điên!”. 

Chuyện thứ hai: Để thể hiện sự kiêu ngạo của những kẻ lãnh đạo trong chính quyền Đức quốc xã, một bức biếm hoạ vẽ Göring đang gắn một mũi tên vào dãy huân, huy chương trên bộ quân phục của y. Kèm theo đó là dòng chữ: “Xem tiếp ở trang sau”. 

Người Nga vốn hay nói và có óc khôi hài. Chuyện cười thời Xô Viết  ở Nga cũng hài hước không kém. Đơn cử như mấy mẫu chuyện dưới đây: 

1- Stalin quyết  định vi hành trong thành phố để xem công nhân sống như thế nào. Và, một lần ông bí mật rời khỏi Điện Kremlin. Ông rẽ vào rạp chiếu phim. Cuối chương trình, người ta tấu lên Quốc ca Liên Xô, còn trên màn ảnh xuất hiện hình ảnh to lớn của Stalin. Tất cả mọi người đứng dậy và bắt đầu hát - ngoại trừ Stalin vẫn tiếp tục ngồi, tự thỏa mãn. Một phút sau có một khán giả hàng ghế sau hướng đến Stalin và thì thầm vào tai ông ta: "Nghe này, đồng chí, tất cả chúng ta ai cũng cảm nhận được chính điều ấy, nhưng hãy tin tôi, cứ đứng dậy đi là an toàn nhất”. 

2- Một người chết phải xuống âm phủ mới thấy có hai địa ngục: Tư Bản và Cộng Sản. Ở địa ngục Tư Bản có đầy quỷ sứ hành hình tội nhân trong vạc dầu, dùng kìm búa tra tấn. Ông ta vội chạy sang địa ngục Cộng Sản thì chỉ thấy một hàng người rồng rắn. Xếp hàng mãi mới vào đến cửa thì thấy một ông già hình như là Karl Marx. "Ông có thể cho biết địa ngục Cộng Sản có gì khác?". Marx nói: "Cũng thế thôi, cũng toàn quỷ sứ luộc ông trong vạc dầu, rồi dùng dao kéo cắt da xẻ thịt ông". Người đàn ông nọ ngạc nhiên: "Vậy tại sao lại phải xếp hàng dài thế?". Marx buồn bã: "Nhiều khi chúng tôi thiếu cả dao và cả dầu, thậm chí không có cả nước nóng...". 

3- Leonid Breznev đang có chuyến thăm chính thức quốc gia tại Pháp và  người ta tổ chức một chuyến thăm quan-VIP giới thiệu Paris cho ông. Người ta giới thiệu những vẻ đẹp của Điện Elysé, còn ông, như mọi khi, vẫn giữ khuôn mặt như đá. Khi người ta giới thiệu cho ông những tuyệt tác của Luvr, ông chẳng hề có phản ứng, biểu hiện gì... Người ta đưa ông đến Khải Hoàn Môn, ông không hề một chút mảy may biểu hiện thích thú. Cuối cùng, đoàn xe chính thức tiến đến dưới chân Tháp Eiffel. Và ngay lúc đó Breznev kinh ngạc. Ông quay hướng sang các bạn Pháp và hỏi một cách sửng sốt:" Các bạn này, ở Paris có đến những 9 triệu dân...mà các bạn chỉ có chính xác đúng một tháp canh thôi à?". 

4. Ba người công nhân bị vào tù và hỏi nhau, vì cái gì. Người đầu tiên: "Tôi luôn luôn đi làm việc muộn mất năm phút, bởi thế người ta kết tội tôi tội phá hoại ngầm”. Người thứ hai: "Tôi luôn luôn đến sớm năm phút, bởi thế họ buộc tôi tội hoạt động gián điệp". Người thứ ba: "Tôi luôn luôn đi làm việc đúng giờ, bởi vậy họ kết tội tôi cái tội rằng tôi dùng sản phẩm Phương Tây". 

5- Có  một cụ ông đang chết trong một túp lều tồi tàn trên thảo nguyên. Tiếng gõ cửa nghe hung bạo vang lên. “Ai ở ngoài ấy đấy”- Ông già hỏi. “Tử Thần đây!”- Một giọng nói vang lên từ sau cánh cửa. “Lạy Chúa!” - Ông già nói - “Thế mà tôi nghĩ là K.G.B”. 

Chuyện  bên Ta 

Vào thế  kỷ 13, vó ngựa Mông Cổ tung hoành khắp Châu  Âu, đạo quân trường chinh của Thành Cát Tư Hãn  còn tràn xuống phương Nam "làm cỏ" cả Trung Hoa lục địa và lập ra nhà Nguyên. Tháng 12 năm Giáp Thân (1284), hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đại binh Thái tử Thoát Hoan nhà Nguyên tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế phải bảo vệ Vua và Thái Thượng hoàng lui binh về Vạn Kiếp (nay là vùng Vạn Yên, tỉnh Hải Dương), giao cho Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng cầm chân giặc ở Thiên Trường. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, lo sợ nói với Vương rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?". Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!". 

Hưng Đạo Vương hiệu triệu 20 vạn quân Nam,  thảo bài Hịch Tướng Sĩ (Dụ chư tỳ tướng hịch văn諭諸裨將檄文) đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Có ý kiến cho rằng quân ta chiến thắng quân Nguyên bởi lòng yêu nước cao độ, bởi sự đoàn kết, bởi người chỉ huy tài giỏi. Nhận xét này cũng đúng nhưng còn thiếu, nói thế thì hóa ra dân chúng cả Châu Âu và Trung Hoa người ta không yêu nước, không đoàn kết và không có người tài giỏi hay sao? "Trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim ghi rằng binh sĩ nghe lời hịch nức lòng, lấy mực xăm vào tay hai chữ : "Sát Thát" (giết quân Mông Cổ), và hết lòng chiến đấu chống giặc". Nhờ bài Hịch Tướng Sĩ mà khí thế quân ta lên cao, đánh đuổi được đoàn quân Nguyên Mông vô địch. bài Hịch Tướng Sĩ được coi là áng "Thiên cổ hùng văn" thứ nhất của nước Nam. 

Bài "Thiên cổ hùng văn" thứ hai là Bình Ngô đại cá(吳大誥) "là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt".  

Thế  kỷ 20, nhà cách mạng Phan Bội Châu quan niệm: "Cái nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang nước ta, đến nỗi một tên độc phu  và vài vạn kẻ dung nhân làm cá thịt trăm họ dân ta. Thế mà dân ta ngu ngốc khờ dại, không biết giành dân quyền, giữ quốc mệnh, chỉ ngày đêm lo hết lòng hết sức đem máu mỡ của mình cung đơn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt? Than ôi! Thật đáng thương thay”. Và cụ cũng viết: “Than ôi! Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay!”.  

Mở mang dân trí bằng cách nào đây? Đem mấy con số, mấy phép tính, mấy loại hóa chất, mấy phản ứng hóa học, mấy thứ máy móc cơ khí phương Tây nhét vào đầu của dân chúng thì có làm cho xã hội văn minh lên không? Xin thưa rằng không. Một Giáo sư Toán học đại tài vẫn bị coi là có tâm hồn ấu trĩ nếu ông ta thiếu kiến thức về xã hội. Nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân thành đạt... nhưng biết cách cư xử với người bạn đời khiến gia đình đổ vỡ, ông Dale Carnegie (tác giả quyển Đắc Nhân Tâm) gọi họ là "Những kẻ thất học trong hôn nhân". 

Văn chương phản ảnh hiện thực cuộc sống. Kiến thức về cuộc sống xã hội nhà Toán học chỉ có thể học được từ văn chương mà ra. Nhà thơ Tchya Đái Đức Tuấn và cụ Đồ Chiểu còn so sánh sự sắc bén của ngọn bút lông ngang ngữa với các loại vũ khí: "Lấy tài nghiên bút đọ đao cung", "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". 

Văn chương thời nay 
Những ai đã từng sống qua thời bao cấp hẳn còn nhớ mấy câu đồng dao truyền miệng châm biếm: "Lao động là vinh quang, Laang thang là chết đói, Hay nói là vô tù", "Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may ô (áo thun 3 lỗ) mới được phần may ô", v.v... Có một thời, văn chương bị xem là là thứ vô bổ, trò  giải trí tiểu tư sản, khi muốn đề cao bạo lực thì người ta coi cái gậy, cái đòn xóc tre "hơn nghìn trang giấy luận văn chương". Nói thì nói như thế, nhưng rõ ràng, văn chương ngầm được xem là thứ ghê gớm, đáng ngại, nguy hiểm. 

Ngày xưa, các "vụ án văn chương" (Văn tự ngục) thời nhà Thanh chỉ nổi tiếng trong phạm vi lịch sử nước Tàu, những "vụ án văn chương" ngày nay nhờ có Internet chỉ trong vài phút nổi tiếng khắp thế giới.  

Vì vậy, chúng ta hãy sử dụng văn chương để phục vụ đại đa số quần chúng nhân dân lao động theo tinh thần cách mạng của cụ Phan Bội Châu: "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh", không nên dùng văn chương như một thứ giải trí rẻ tiền, hay công cụ tuyên truyền sai sự thật để phục vụ quyền lợi của một nhóm người, một giai cấp nào đó trong xã hội.  

Một tác phẩm văn chương ra đời, thường được ví như là "đứa con tinh thần" của tác giả. Khai bút đầu Xuân Canh Dần, CL&ST tôi xin chúc tất cả những người Việt Nam yêu nước: "Vung bút nở hoa, Nhấn tay sát ác", công bằng bác ái sáng bừng trên bàn phím, sao cho mỗi đứa con tinh thần của chúng ta ra đời xứng với câu: "Hổ phụ sinh Hổ tử, Lân mẫu xuất Lân nhi".

Sài Gòn, Mùng 5 Tết Canh Dần 2010

Tạ Phong Tần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét