Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015
Cơ Hội Có Một Không Hai Tại California! - Vincent Võ Văn Thiệu
Sau 40 năm xa xứ và được định cư làm ăn trên các xứ văn minh, người Việt chúng ta đa số đã thành công trên nhiều phương diện. Những người Việt ra đi vào thời điểm của biến cố đau thương Tháng Tư 1975, và các người con, cháu đi theo họ định cư bên ngoài Việt Nam nay đã hòa nhập tương đối ổn định và “đâu vào đó”. Các con em của họ lúc đặt chân lên vùng đất mới hãy còn rất nhỏ, đang ở bậc tiểu học hay trung học. Nhưng 40 năm sau lớp người nầy đã trưởng thành và có công ăn việc làm tốt.
<!-->Những người trong lớp tuổi nầy là may mắn nhất vì vẫn còn nói và hiểu tiếng Việt rành rẽ, nhưng lại thông thạo ngôn ngữ bản xứ nơi mình cư ngụ. Đa số nay đã vào lớp tuổi 40s, 50s hay đầu 60s. Tức là khi họ qua đây là còn rất trẻ, học tiếng Anh chẳng hạn, tại các trường trung học và đại học của Mỹ, nên thông thạo được hai thứ tiếng với giọng nói (accent) rất vững vàng. Họ đã có thể sử dụng song ngữ một cách trôi chảy, thông thạo, có “trình độ”, trong công việc giao tế hằng ngày, tại nơi làm việc hay ở trong bất cứ sinh hoạt văn hóa nào. Lớp tuổi nầy được xem như là may mắn nhất trong cộng đồng chúng ta!
Nhưng rồi chúng ta thấy con em của họ, thế hệ thứ hai, sinh ra và lớn lên tại đây, không em nào cũng được như vậy. Một số rất ít có cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc học hai sinh ngữ nên đã bắt các con mình nói tiếng Việt ở nhà, dạy chúng tiếng Việt và sau cùng cho chúng tham gia các lớp học Việt Ngữ nơi mình cư ngụ. Nhưng còn lại đa số các em không có cái may mắn nầy. Đa số các em đã bỏ lỡ cơ hội học tiếng Việt khi còn bé, có chăng là chỉ nói và nghe tiếng Việt lúc dưới 4, 5 tuổi, khi chưa đến nhà trẻ hay lớp mẫu giáo. Nhưng sau đó khi cha mẹ đem các em vào nhà trẻ, bắt đầu ghi danh vào các trường tiểu học, thì cái vốn liếng “tiếng Việt trẻ con” của các em bị phai nhạt lần, rồi mất hẳn đi khi các em lên lớp 2, lớp 3 và sau đó. Ở tình trạng nầy khi xong tiểu học, tức là ở vào tuổi 11 hay 12 các cháu hầu như không biết tiếng Việt hoàn toàn nếu không có cơ hội “làm lại từ đầu”.
Từ chỗ không hiểu rõ ngôn ngữ, các em sẽ xa lánh cộng đồng, không hiểu và thông cảm những khó khăn của các người Việt chung quanh mình. Các em có thể rủ nhau đi ăn nhà hàng Việt Nam, nhưng ngồi vào bàn là nói tiếng Anh và gọi các món ăn bằng Anh Ngữ. Các em có thể đi chơi tại các hội chợ, nhưng rồi đến đó cho vui mà thôi chứ không hẳn thưởng thức trọn vẹn và hiểu rõ văn hoá như chúng ta. Các em có thể theo cha mẹ đi Nhà Thờ hay nhất là đi Chùa mà không hiểu các Thầy giảng ra sao, lại khó khăn hơn khi nghe các bài kinh bằng tiếng...Phạn!
Những nơi dùng toàn bằng Tiếng Việt với các hoạt động có tính cách văn hoá trong cộng đồng như các buổi hội thảo, ra mắt sách, các buổi trình diễn văn nghệ có tính cách văn hóa v.v. thì chúng ta chỉ thấy những người lớn tuổi, hay trung niên, chứ đâu thấy các con cháu của chúng ta, gần như là chúng không đến tham gia hay rất ít chịu khó ngồi nghe vì không hiểu hết câu chuyện! Nếu tình trạng nầy kéo dài mà chúng ta không để ý đến thì tương lai các sinh hoạt trong cộng đồng không có người đến thăm, tham gia và hỗ trợ.
Nhìn chung trong vòng 10, 20 năm nữa lớp người lớn tuổi rồi cũng phải vắng mặt hay ra đi, do đó cộng đồng chúng ta sẽ phải cố gắng ngay bây giờ để cho các thế hệ sau học hỏi tiếng Việt một cách có quy củ, có phương pháp, và nhất là học một thứ tiếng Việt trong sáng, rõ nghĩa, chính xác, không bị lệ thuộc vào văn phạm và lịch sử phò theo Trung Cộng, hay sai lầm ngay cả trong tư tưởng theo kiểu CSVN đang sử dụng bây giờ trên quê hương chúng ta. Một công việc rất khó, nhưng những người hiểu biết và có tâm lo lắng cho dân tộc phải có bổn phận làm nhiều hơn trong công tác đầy ý nghĩa nầy.
Tuy chúng ta cũng có phong trào dạy Việt Ngữ cuối tuần cho các em, nhưng chưa đủ và còn rất rời rạc, thiếu nhiều phương tiện, ít thời gian. May mắn thay là trong khu vực thủ đô của người tị nạn Little Saigon của Orange County, California, nơi có rất đông người Việt sinh sống, có thể nói là đông nhất ngoài Việt Nam, giới chức giáo dục địa phương cũng đã nhìn ra sự quan trọng của việc sử dụng được hai sinh ngữ Anh và Việt.
Do đó Học Khu Giáo Dục Westminster, website:http://www.wsd.k12.ca.us/, đã quyết định cho vào niên khóa tới, tức 2015-2016, lớp học đầu tiên mà họ gọi là “Vietnamese Dual Language Immersion Program” bắt đầu từ lớp Mẫu Giáo tại trường Tiểu Học Cecil B. DeMille, 15400 Van Buren Street, Midway City, CA. 92655. Trường Tiểu học DeMille nầy nằm gần ngã tư Beach/McFadden, rất gần khu Little Saigon và vùng phụ cận. Các em sẽ học chương trình nầy cho đến hết bậc tiểu học tại trường DeMille!
Quý vị có thể vào trang mạng dưới đây để tìm hiểu thêm các chi tiết về chương trình nầy, cả bằng Anh Văn hay Việt Ngữ:http://annkawamura.wix.com/dual-immersion-multi
Trang web nầy cũng cho quý vị biết các buổi họp trong tương lai tại Trường Tiểu Học DeMille từ nay cho đến cuối tháng Sáu, 2015. Xin quý phụ huynh cố gắng đến tham gia, tìm hiểu.
Đây là lần đầu tiên một học khu tại tiểu bang California làm việc nầy. Trên toàn nước Mỹ, chỉ có một chương trình tương tự tại tiểu bang Washington, Oregon và Texas mà thôi!.
Là một người tham gia giúp các con em chúng ta học Việt Ngữ trong nhiều năm qua tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, tôi hoan nghênh ý kiến và nỗ lực nầy của Westminster School District.
Học Khu Westminster đã giới thiệu chương trình nầy lần đầu tiên cho phụ huynh tìm hiểu vào ngày 4 Tháng 2, 2015 tại trụ sở của Học Khu 14121 Cedarwood Street, Westminster, CA. 92683. Tại buổi họp hôm đó chúng tôi được tiếp xúc với Bà Tổng Quản Trị – Superintendent – là Dr. Marian Kim Phelps (một người Mỹ gốc Á Châu), Hiệu Trưởng của trường Tiểu Học DeMille là Bà Shannon Villanueva và người phụ trách chương trình đặc biệt nầy là Cô Renae Bryant. Ngoài ra Phó Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster là Ông Jamison Power cũng có mặt và tỏ lòng ủng hộ tối đa chương trình nầy, cũng một phần vì ông ta là rể Việt Nam, và cho biết khi cậu con trai đầu lòng lên 5 tuổi, ông ta sẽ cho em vào học trong chương trình có một không hai nầy.
Nhưng chương trình nầy có gì đặc biệt mà chúng ta cần tham gia và hỗ trợ? Vì đó là chương trình giảng dạy Việt Ngữ từ khi các em còn bé, chính thức của một học khu, do chính phủ tài trợ. Họ sẽ dành ra một ngân khoản lớn để tuyển chọn giáo viên có bằng sư phạm công nhận bởi tiểu bang California. Họ dự trù mở ra cho niên khóa đầu 2015-2016 hai lớp Mẫu Giáo, mỗi lớp tối đa là 24 học sinh, tổng cộng là 48 em. Họ đã và đang tuyển chọn giáo viên, gởi các người làm việc trực tiếp vào chương trình nầy, như Bà Hiệu Trưởng của DeMille Elementary School và các thầy, cô giáo lên tận Học Khu Burien, thuộc Washington State để học hỏi các kinh nghiệm của một trường trên đó, vì trường đó đã thành công tốt đẹp. Họ không ngừng học hỏi, tu nghiệp, lắng nghe ý kiến xây dựng để cho chương trình được hoàn hảo.
Tại lớp học, họ sẽ chia thời gian của mỗi ngày ra làm hai. Trong nửa buổi các em chỉ xử dụng Anh Văn, còn ½ thời gian còn lại sử dụng toàn Việt Ngữ, giống như thể là các em đang học vỡ lòng trong...đất nước Việt Nam! Chúng ta thử tưởng tượng ra là mỗi ngày học nửa buổi, một tuần học 5 ngày, thì các con em của chúng ta sẽ có cơ hội nghe, nói, đọc và viết tiếng Việt biết bao. Làm như thế thì khi xong bậc tiểu học các em chắc chắn sẽ rành tiếng Việt, không thua gì một học sinh ở bên Việt Nam. Không những không thua, mà chắc chắn các em sẽ giỏi hơn vì có thêm giáo dục về Anh Ngữ và hấp thụ nền giáo dục của Hoa Kỳ.
So với các lớp học Việt Ngữ cuối tuần tại các nhà thờ, chùa, hay ngay tại các trường Việt Ngữ lớn nhỏ, thì các em học mỗi tuần có hai, ba giờ là tối đa. Điểm tốt cho các trường Việt Ngữ là có được số đông học sinh tham gia cuối tuần, như trường Việt Ngữ của Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tại Warner Middle School trên đường Newland nơi có gần 700 học sinh cho hai buổi sáng và chiều. Nhưng tại các nơi đây, phụ huynh phải bỏ ra thì giờ rất nhiều tại nhà, nếu muốn con em mình thành công trong việc học tiếng Việt, một việc làm không phải ai cũng để hết tâm sức vào và có bền chí theo đuổi.
Có phụ huynh thắc mắc là làm như thế, trình độ Anh Văn của các em sẽ “yếu đi”, vì thời gian đã mất đi một nửa. Bà Tổng Quản Trị cho biết rằng kinh nghiệm của các trường khác đã áp dụng chương trình nầy cho thấy điều đó không xảy ra, mà các em còn giỏi Anh Văn cùng học vấn và có khả năng đáp ứng vượt trội hơn các em cùng lứa mà không tham gia chương trình nầy. Họ cho đây là cơ hội cho các em trở thành “bilingual, biliterate and bicultural” mà tôi xin tạm dịch là “song ngữ, song hiểu biết và song văn hóa”. Trong công tác giáo dục, được ba điều nầy là chúng ta có thể xem như khá thành công trong việc giúp đào tạo một người con tốt, một công dân tốt cho xã hội và tổ quốc.
Thế thì bổn phận của bậc phụ huynh và các người hằng quan tâm đến câu châm ngôn “Tiếng Việt Còn Người Việt Còn” phải nên làm gì? Đây là lúc quý vị nên tham gia, tìm hiểu, hỗ trợ, và nếu được cho con cháu mình đến học tại trường DeMille khi các em đến tuổi vào lớp “kindergarten”. Quý vị không cần phải cư ngụ trong thành phố Westminster, hay thuộc vào Học Khu Westminister để tham gia chương trình nầy. Các phụ huynh sống tại Orange County hay ở xa cũng có quyền ghi danh vào qua văn phòng của học khu, cho đến khi tỷ số 48 em – hai lớp học – đạt được thì nhà trường sẽ ngưng nhận đơn.
Một việc khá quan trọng khác là chúng tôi yêu cầu và nhắc nhở Học Khu Westminster là tuy các em còn rất nhỏ, nhưng các em cần được giảng dạy và giáo dục bởi một thứ tiếng Việt trong sáng, không lấy các tài liệu sai trái từ các người làm giáo dục của Cộng Sản Việt Nam, phần vì con cháu chúng ta cũng là nạn nhân của một chế độ tài đảng trị khi ông bà, cha mẹ phải bỏ nước ra đi tìm tự do. Đây là điểm mà quý phụ huynh có con em theo học chương trình nầy nên theo dõi, hổ trợ và giúp cho học khu đi đúng con đường. Không có gì cao quý hơn cho quý vị liên đới đến chương trình nầy là thực hiện một nền giáo dục trong sáng, rõ nghĩa, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật của lịch sử, của Văn Hóa Việt Nam.
Đây là một dịp rất quý báu và quan trọng cho đồng hương, cho cộng đồng chúng ta tham gia, hợp tác với các giới chức giáo dục địa phương để đem lại cho con cháu chúng ta một nền giáo dục lành mạnh và tốt đẹp bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi đặt rất nhiều hy vọng vào các thế hệ con cháu, và mong chúng sẽ là những người công dân tốt trong tương lai, dù là chọn sinh sống tại Hoa kỳ, hay mai sau chọn về lại Việt Nam góp một bàn tay xây dựng lại quê hương, đất nước. Nhưng quan trọng là chúng phải hiểu rành rõi tiếng Việt, yêu Văn Hoá Việt, và nhất là biết yêu tổ quốc Việt Nam. Có được hành trang nầy, thì dù ở đâu các em vẫn là con dân Việt và là một lợi điểm cho nước Việt mến yêu!
Hãy cùng nhau giúp con cháu chúng ta ngay từ bây giờ!
Little Saigon Spring 2015
Vincent Võ Văn Thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét