Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Chơi với Tàu, Anh quốc được lợi gì? - Ngô Nhân Dụng

alt
Joshua Wong, tức Hoàng Chi Phong (Chi-fung, ), một lãnh tụ sinh viên đòi dân chủ hóa đã bay từ Hồng Kông sang London để biểu tình phản đối Tập Cận Bình; cũng như những người Tây Tạng và Uyghur. Các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích chính phủ Anh đã bỏ qua các vi phạm nhân quyền của Cộng Sản Trung Hoa khi mở rộng giao thương với lục địa. Chính phủ Mỹ cũng tỏ ý bất bình. Nhưng đứng trên quyền lợi nước Anh thì việc tiếp đón Tập Cận Bình có nhiều điều lợi hiển nhiên, khó bỏ qua; mà nếu đem so sánh hai bên thì Anh Quốc lợi hơn<!->.
Khi nói đến quyền lợi kinh tế, chính phủ Anh xưa nay không quan tâm đến các vấn đề nhân nghĩa. Sau khi Trung Cộng chiếm được lục địa Trung Hoa, Anh Quốc là nước Tây phương đầu tiên lập quan hệ ngoại giao chính thức. Dù chính quyền Mỹ rất bất bình nhưng sau đó cũng hiểu rằng tất cả chỉ vì quyền lợi kinh tế, trong khi nước Anh vẫn đứng bên cạnh Mỹ trong tất cả các cuộc tranh chấp với Trung Cộng. Không ai quên được rằng vào nửa đầu thế kỷ 19, Anh quốc đã đòi nhà Thanh mở cửa buôn bán làm ăn bằng sức mạnh quân sự, nổi tiếng nhất là những cuộc “Chiến tranh Nha phiến.” Bắt vua Tàu cho con buôn người Anh đem thuốc phiện vào bán cho dân Trung Hoa hút; một nước đã làm như vậy nay muốn đóng vai giảng dạy về nhân quyền cũng hơi khó.
Người đi tiên phong trong chính phủ Anh trong việc mở cửa với Bắc Kinh là Bộ Trưởng Tài Chánh George Osborne, người nhiều hy vọng sẽ lên thay Thủ Tướng David Cameron sau này. Vào Tháng Ba năm 2015, chính phủ Anh là quốc gia đầu tiên trong khối G-7 đồng ý gia nhập Ngân hàng Ðầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đề xướng. AIIB được dựng lên để cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, nằm trong ảnh hưởng Mỹ và Nhật Bản. Không riêng chính phủ Mỹ mà các nước khác ở Châu Âu cũng than phiền; vì Ðức và Pháp muốn cùng với Anh tham dự với tư cách một khối Châu Âu đoàn kết. Một tháng trước khi Tập Cận Bình qua London, ông Osborne đã qua Bắc Kinh, được đón tiếp long trọng trong năm ngày, với những nghi lễ thường dành cho các người cầm đầu chính phủ. Ðiều đó chứng tỏ Tàu thấy cần Anh không khác gì Anh muốn chơi với Tàu. Osborne tuyên bố: Muốn Anh trở thành nước cộng tác hạng nhất với Trung Quốc ở phương Tây!
Chính phủ Anh có thể nói trắng ra như vậy vì họ tự tin trong nước cờ này chính nước Anh được lợi nhiều hơn. Tuy kinh tế Tàu được coi là lớn thứ nhì thế giới, lợi tức tính từng đầu người (GDP per capita) dân Trung Hoa lục địa chỉ bằng một phần ba của dân Anh (một phần tư dân Mỹ). Kinh tế Tàu mới giảm tốc độ tăng trưởng, chỉ còn 6.9% (trong thực tế có lẽ là 4%). Thị trường chứng khoán bên Tàu đã mất giá gần 40% trong mấy tháng qua. Làm ăn với một nước như vậy không có lý do nào để sợ. Nhưng kinh tế nước Tàu đang thay đổi, cuộc thay đổi không thể tránh được nhưng sẽ phải qua nhiều khó khăn. Từ một nền kinh tế chỉ lo sản xuất đồ rẻ tiền, chỉ lo xây cất nhiều nhà máy mà không biết có lợi hay không, xây cất nhiều cao ốc, đường sá và phi trường rồi bỏ trống, Trung Quốc sẽ phải quay sang gia tăng hàng tiêu thụ cho thị trường dân trong nước. Các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải cải tổ, làm ăn theo tiêu chuẩn quốc tế; các thị trường chứng khoán cũng vậy. Trước đây Trung Quốc chăm chú nhập cảng quặng mỏ, nguyên liệu từ Phi Châu, Brazil, Úc và máy móc thiết bị từ nước Ðức. Nay mai, Bắc Kinh sẽ cần “mua” rất nhiều dịch vụ tài chánh, ngân hàng, mà nước Anh đang sẵn sàng cung cấp, nếu Mỹ còn ngần ngại.
Hệ thống tài chánh quốc tế ngày càng phức tạp và liên kết ràng buộc với nhau. Những chuyên viên tài chánh ngồi làm cố vấn và chuyển dịch tiền vốn khắp thế giới đem lợi tức về gấp ngàn lần những kỹ sư công nhân chạy máy. Cắt đứt khả năng giao dịch một ngân hàng Nga với thế giới bên ngoài gây tai hại cho chính phủ Putin hơn là gửi một sư đoàn sang Ukraine. London vẫn cạnh tranh với New York trong vai trò trung tâm tài chánh của cả thế giới, cũng như Hồng Kông và Singapore đang giành vai trò trung tâm tài chánh vùng Á Ðông.
Ông George Osborne “biết thóp” chính quyền Bắc Kinh đang khao khát điều gì. Họ muốn đồng nhân dân tệ được sử dụng như một đồng tiền quốc tế, nếu không bằng mỹ kim thì cũng được giới làm ăn chấp nhận ngang hàng với đồng tiền Anh, Nhật Bản hay Canada. Nhu cầu “quốc tế hóa đồng nguyên” lộ rõ, đã được thí nghiệm ở Hồng Kông nhưng không có kết quả. Bởi vì người ta chỉ chấp nhận cầm một đồng tiền nếu biết rằng có thể đem nó đi trả ở chỗ khác, hoặc ít nhất, đem đổi ở chỗ khác dễ dàng.
Bắc Kinh đang khao khát mong đồng nguyên “được chấp nhận.” Từ năm 2013, ông George Osborne đã hé mở ý kiến cho đồng nguyên được mua bán trên thị trường London. Bây giờ, để mở đầu sẽ cho Bắc Kinh phát hành các trái phiếu nhà nước tại London, người mua sẽ trả bằng đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh sẽ mở mặt với đời, nhưng London sẽ thâu thuế, tạo công việc cho các chuyên viên tài chánh của mình, và mở ra một cuộc làm ăn mới.
Trong khi đang ở Trung Quốc, Osborne đã nói với đài BBC rằng ông muốn lục địa Trung Hoa, trong 10 năm, sẽ trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất cho hàng hóa và dịch vụ của nước Anh (hiện nay nó đang đứng hàng thứ sáu). Người dân Trung Hoa đang được chính quyền khuyến khích tiêu thụ nhiều hơn. Giai cấp trung lưu ở Trung Quốc đang lớn dần, sẽ có 400 triệu người sẵn sàng tiêu tiền (trong lục địa, lương 1000 đô la một tháng được coi là “trung sản” rồi). Họ sẽ mua những thứ mà công nghiệp Anh có thể cung cấp: Xe hơi, dược phẩm thứ thiệt không lo hàng giả.
Nhưng món “hàng xuất cảng” quan trọng hơn là những dịch vụ cung cấp cho các xí nghiệp vào lúc chính quyền đang bắt các doanh nghiệp nhà nước phải được tư nhân hóa và cạnh tranh ráo riết trên thị trường. Các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải cải tổ, cần cố vấn dịch vụ tài chánh; một kỹ năng mà Anh quốc đã truyền cho các thuộc địa cũ Hồng Kông và Singapore. Trong cuộc công du ở Bắc Kinh tháng trước, ông Osborne đã yêu cầu Trung Cộng cấp thêm giấy phép cho các ngân hàng Anh quốc mở chi nhánh.
Tất nhiên, một mối lợi dễ thấy nhất là tiền đầu tư của Bắc Kinh. Số tiền đó lên tới 46 tỷ Mỹ kim. Tất nhiên đây là chuyện hai bên cùng có lợi. Với kho dự trữ ngoại tệ 3,600 tỷ đô la, Bắc Kinh có thể đem dăm chục tỷ bỏ vô chỗ này, vài chục tỷ bỏ chỗ khác; không cần phải tìm đến nước Anh; dù đầu tư vào nước Anh lời hơn mua công trái chính phủ Mỹ với lãi suất vài phần trăm một năm. Ðối với kinh tế Anh, số tiền đầu tư mới sẽ tạo thêm công việc làm cho gần 4,000 người. Nhất là trong lúc nước Anh đang thiếu và cần tiền cho một vụ đầu tư đang lúng túng, là nhà máy điện nguyên tử Hinkley Point tại Somerset.
Nhà máy Hinkley Point đã tiêu tốn £24.5 tỷ (bảng Anh), và đến kỳ hạn 2023 chưa chắc đã hoàn tất. Công ty Pháp EDF đứng đầu dự án, đóng vai cổ đông chính và sẽ được hưởng nhiều nhất. Nhưng công ty EDF đang gặp khó khăn kỹ thuật trong việc kiến tạo máy phát điện, không những ở hai nhà máy đang xây dựng ở Anh mà còn ở Pháp và Phần Lan. Các dự án đều bị trì hoãn và chi phí có nơi tăng gấp ba lần. Các nhà đầu tư Anh hay Mỹ không thiết tha tham dự vào công trình dang dở này. Hai công ty quốc doanh Trung Quốc sẽ góp £2 tỷ bảng (3 tỷ Mỹ kim) để thành những cổ đông nhỏ.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu nước Anh có bị ràng buộc quá chặt chẽ với Trung Cộng, hoặc “lệ thuộc” Trung Cộng, sau khi mở cửa giao thương hay không? Câu hỏi quan hệ kinh tế có tạo ra áp lực chính trị hay không đã được đặt ra khi người ta nhìn vào số tiền chính phủ Mỹ nợ Bắc Kinh. Vào Tháng Tư năm 2015, Mỹ đang nợ Nhật $1.2244 ngàn tỉ (trillion) đô la, chỉ nợ Trung Cộng $1.2237 ngàn tỉ! Quý vị có thể tìm đọc lại một bài cũ trong mục này “Mỹ nợ tiền Trung Cộng, có sao không?” Câu trả lời là không sao cả. Thực ra, những số tiền đầu tư dưới dăm chục tỷ đô la không thấm thía gì đối với một nước Anh với tổng sản lượng nội địa (GDP) ba ngàn tỷ đô la. Dân Anh chỉ có 64 triệu dân còn 1,300 triệu người Trung Quốc, chỉ làm ra GDP 10 ngàn tỷ đô la!
Trong thực tế năm 2014 người Trung Quốc đã đứng hàng thứ tư trong các nguồn đầu tư ngoại quốc vào nước Anh, với 112 dự án. Ðặc biệt là trong địa ốc. Những người Trung Hoa giầu có gần đây gửi con sang Anh học nhiều hơn, thay vì gửi qua Canada hay Australia. Sau đó, họ sang London mua nhà và đất; cũng như đã sang mua ở Úc, Canada và Mỹ. Ða số những thành phố được người Trung Hoa ưa chuộng nhất thế giới nằm ở Mỹ Châu, London là thành phố Châu Âu duy nhất.
Chính phủ Anh có lý do chính đáng cho Tập Cận Bình được hưởng một cuộc tiếp đón vương giả hào nhoáng. Không phải vì muốn hủ hóa một “lãnh tụ vô sản” mà để thu lợi cho nước Anh. Họ nhìn nhận một thực tế là kinh tế Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Trung Quốc mua một phần tư số hàng xuất cảng của Australia, một đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Á!
Nhưng trong cuộc tính toán của Thủ Tướng David Cameron và Bộ Trưởng Tài Chánh George Osborne, cái gì có lợi cho nước Anh thì họ làm. Trung Cộng cũng được lợi, nhưng mối lợi tương đối nhỏ hơn. Hơn 170 năm sau cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, London đã đề nghị trao đổi kinh tế với Trung Quốc nhiều hơn và lần này Bắc Kinh đã hồ hởi đồng ý. Cuộc trao đổi thuần túy kinh tế, không ai nói đến một liên kết quân sự hay ngoại giao nào cả, đó là điều cần chú ý.
Lãnh tụ sinh viên Joshua Wong, Hoàng Chi Phong, vẫn có quyền tự do biểu tình chống Tập Cận Bình, mà còn được mời tới nói chuyện ở các đại học như Oxford Union, the London School of Economics và The London School of Oriental and African Studies. Tập Cận Bình đủ khôn ngoan để không thốt ra một lời phản đối, dù trong lúc được Thủ Tướng Cameron mời đi nhậu rượu bia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét