Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Câu chuyện tháng 9 - Giao Chỉ, San Jose

altNhững quốc khách của Hoa Kỳ
Theo dõi thời sự nhưng đôi khi cũng không để tâm. Chợt thấy sao tháng 9 này Hoa Kỳ đón quốc khách khá nhiều. Đức giáo hoàng La Mã, thủ tướng Ấn Độ, lãnh tụ Trung Cộng rồi đến tổng thống Nga. Chợt xem lại mới biết thiên hạ đến dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ thứ 70. Rồi lại thấy lâu nay không để ý đến ông thầy Moon chính khách Đại Hàn đang đóng vai tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ông Ban Ki Moon đưa ra 17 mục tiêu của diễn đàn quốc tế sẽ thực hiện trong 15 năm từ 2015 đến 2030. Trong khi đó tổng thống Obama chỉ hy vọng giữ chân được Iran không chế bom nguyên tử trong 10 năm sắp tới. Nhân dịp này xin có đôi lời nhắc qua về Liên hiệp quốc.
<!-->
alt
alt
alt
alt     
                              Obama gặp Putin, dạ tiệc với Tổng bí thư Trung Cộng và lên tiếng tại diễn đàn LHQ  
Diễn đàn thế giới
Thành lập sau thế chiến thứ 2, Liên hiệp quốc ngày nay có 193 quốc gia hội viên. Trong đó có 5 đại cường là hội đồng bảo an quyết định chung quyết. Các nước Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Tàu. Trước là Tàu quốc dân đảng, khi mất nước chạy qua Đài Loan thì ghế này dành cho Tàu cộng sản. Ngoài 5 đại cường, Hội đồng Bảo An thường trực mở thêm ra cho 10 quốc gia sẽ luân phiên tham dự theo từng vùng và được bỏ phiếu chọn mỗi năm. Nhiệm kỳ 2008 và 2009 Việt Nam cũng đã từng được ngồi vào ghế danh dự một lần.
Đại hội đồng năm nay lại có ý kiến đưa ra nên dọn trụ sở Liên hiệp Quốc đến 1 quốc gia trung lập tránh ảnh hưởng của Mỹ. Ý kiến này thuộc loại đại hội đồng nghe qua rồi bỏ vỉ lý do ảnh hưởng của Mỹ bao trùm các nhu cầu địa ốc, phương tiện và tài chánh. Hoa Kỳ nuôi Liên hiệp Quốc tồn tại với hơn 1 phần 5 ngân sách. Thứ nhì là Nhật, tuy không có chân trong hội đồng bảo an nhưng góp 10%. Tất cả các nước khác đóng góp rất giới hạn dù là cường quốc như Nga, Tàu, Anh, Pháp.
Các nhà lãnh đạo lên tiếng
Tại diễn đàn Liên hiệp Quốc kỳ họp 70 năm nay các nhà lãnh đạo đã lên tiếng ra sao?
Đức giáo hoàng La Mã là khách mời đặc biệt, ngài đã đề cập đến các vấn đề của thế giới tương tự như những lời tuyên bố chung trong chuyến viễn du Hoa Kỳ.
Mở đầu các bài diễn văn của lãnh tụ các quốc gia là nữ tổng thống Ba Tây và người thứ 5 là nữ tổng thống Đại Hàn. Hai vị nữ lưu trình bày vấn đề nhẹ nhàng trong không khí cũng rất thoải mái. Ba vị nam tử lãnh đạo 3 cường quốc đọc các bài diễn văn đáng chú ý. Tổng thống Obama của Hoa Kỳ nói đôi lời có tính cách phô trương  nhưng liền đó lại hạ giọng. Ông nói: Tôi là người lãnh đạo quân đội mạnh mẽ nhất thế giới nhưng cũng không thể đơn phương giải quyết được vấn nạn khủng bố. Luôn luôn phải nhờ sự hợp tác của toàn thể các quốc gia. Hướng về Trung Quốc ông nói về sự gây hấn tại biển Đông, hướng về Nga ông đề cập đến vấn đề Ukraine. Đó là những lời công kích trực tiếp.
Ông Tập cận Bình rõ ràng là giới thẩm quyền số 1 của Trung cộng lên tiếng rất nhẹ nhàng. Ông kêu gọi thế giới hòa bình chống lại mọi hành động theo luật rừng, chống mọi hình thức bá quyền. Gần như họ Tập chống lại tất cả các tội lỗi mà quốc tế đang gán cho ông một cách hết sức hiền lành và ngây thơ. Tuy nhiên dư luận Mỹ lần này dường như không khó khăn với Tập cận Bình vì tuần trước ông đã họp với 30 nhà tư bản công nghiệp hàng đầu nước Mỹ sau khi ký khế ước mua 300 máy bay Boeing trị giá 39 tỷ mỹ kim.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này, ông Tập Cận Bình đưa ra hàng loạt cam kết tài chính tổng cộng 6,2 tỉ USD hỗ trợ Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình ở châu Phi, thực hiện mục tiêu phát triển toàn cầu sau 2015, giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.
Họ Tập đến Hoa Kỳ lần này vào đúng thời kỳ tinh thần quốc gia lên cao ở cả hai nước. Tháng trước, thị trường chứng khoán suy xụp, Trung Cộng giảm giá tiền tệ, kéo theo sự suy xụp của thị trường Wall Street, Donald Trump, ứng cử viên tổng thống phe Cộng Hoà kêu gọi ông Obama hủy bỏ yến tiệc đãi Tập Cận Bình. Trump nói: “ Đừng đãi tiệc, cho hắn ăn hamburger McDonald là đủ rồi ”.
Nhưng tổng thống Obama lại có mối quan tâm khác, đối với Trung Cộng, ông đưa ra một lời tuyên bố thẳng thừng : “Ăn cắp thông tin trên mạng là một hành động xâm lược.” và sẽ bị “trả đũa bằng hành vi tương tự . Dù sao chăng nữa thì giữa Tàu và Mỹ đang có mối liên hệ làm ăn và sóng gió biển Đông không thể so sánh với khói lửa Trung Đông. Trên diễn đàn thế giới, họ Tập đã nghe đủ 21 tiếng đại bác chào mừng nên không có điều chi phàn nàn Hoa Kỳ.
Trái lại với nhà lãnh đạo Tàu, ông Putin của Nga sô lên tiếng trả lời cho nước Mỹ. Trên diễn đàn Putin phàn nàn về Âu Mỹ cấm vận Ukraine. Ông lên án thái độ của các nước cửa quyền. Ông kể công người Nga đã hy sinh trong thế chiến 60 năm trước.
Đặc biệt xem ra Trung cộng không quan tâm nhưng cả Nga và Mỹ đều rất chú trọng đến chiến tranh Trung đông và vấn đề di dân tại Syria. Trong đó điểm khác biệt là Putin dứt khoát nói rằng chỉ có nhà lãnh đạo hiện nay là Assad đang cầm quyền tại Syria mới chống lại được bọn khủng bố Isis.
Ngược lại Obama theo quan điểm của Hoa Kỳ phải loại bỏ Assad mới giải quyết được nội loạn tại Syria. Tay Assad là dòng họ độc tài cha truyền con nối đã không đem lại tự do dân chủ cho dân và không động viên được người dân chống lại Isis.Trong 5 năm qua trên 4 triệu dân đã bỏ đi và hiện có trên 2 triệu sống tại các trại tỵ nạn biên giới. Cuộc chiến Trung đông trong nhiều năm qua vẫn chưa hề chấm dứt và việc dân bỏ nước ra đi tại khắp nơi đã trở thành vấn nạn chung cho nhân loại. Nhưng đặc biệt không một di dân nào muốn được sống tại Nga. Tất cả đều muốn đến các nước Tây Âu. Hay xa xôi nhất là Mỹ, Canada hoặc Úc châu.
Tuy nhiên, sau hậu trường Nga Mỹ cũng co những thỏa hiệp. Hai ngày sau kỳ thượng đỉnh, không quân Nga đánh phá căn cứ quân Hồi quốc Isis tại Syria nhưng phải né tránh khu vực quân cách mạng do Mỹ yểm trợ chống chính quyền Assad.
Đức Giáo Hoàng đến Mỹ
Với chiếc xe hơi riêng, đoàn xe của đức giáo hoàng Francis rõ ràng là mang sắc thái khác biệt. Chiếc xe nhỏ bé đơn giản khép mình giữa đoàn xe hộ tống rầm rộ chạy qua các khu phố tại thủ đô Hoa Kỳ. Đức thánh cha cáo lỗi không dùng bữa ăn với giới chức lập pháp. Ngài đi ăn cơm với homeless, thăm nhà tù và gặp các học sinh di dân. Rõ ràng là tác phong đức cha của dân nghèo, của 1 nhà truyền giáo cách mạng. Hình ảnh này chuyển tải trên truyền hình đi khắp nơi còn ảnh hưởng hơn cả chuyện thăm viếng Bạch cung, quốc hội hay Liên hiệp quốc.
Hầu như đức giáo hoàng đề cập đến tất cả mọi vấn đề Hoa Kỳ và thế giới đã biết, đang cố thực hiện. Thực hiện không được hay chưa được nhưng không hề có sự phản đối hay phân trần đối thoại. Đó là những vấn đề không bán vũ khí, không phá thai, không chấp nhận đồng tính, không áp dụng án tử hình, giải quyết cách biệt giàu nghèo và chấp nhận di dân. Bằng 1 nụ cười đôn hậu và lời kêu gọi nhẹ nhàng, chuyến viễn du của đức cha đã chinh phục được lòng người. Những lần tập họp được trên 1 triệu dân Mỹ đến với ngài là những thành công đáng kể.
Thiên chúa giáo ngày nay là 1 tổ chức tôn giáo với 2 tỷ tín đồ trên thế giới được coi là sự kết hợp chặt chẽ và có trật tự nhất.
Hồi giáo có trên 1 tỷ tín đồ nhưng hiện không có 1 tổ chức thống nhất nên dù thế giới có muốn thỏa hiệp đối thoại cũng không thực hiện được. Đó là điều đáng tiếc. Một ngày nào đó Hồi giáo thống nhất, có 1 tiếng nói đủ thẩm quyền, mới mong nhân loại bình yên.
Cho đến nay diễn đàn Liên hiệp quốc vẫn tạm thời còn đứng vững với gần 200 hội viên và một hội đồng Bảo An thường trực tương đối uy tín. Trong tương lai các cường quốc kinh tế và dân số như Ấn Độ, Nhật Bản, Đức quốc, Canada có khả năng sẽ trở thành hội viên thường trực để giảm bớt gánh nặng của Hoa Kỳ và cũng để mở rộng diễn đàn đối thoại trên thế giới. Được như vậy vai trò trách nhiệm toàn diện của Mỹ sẽ giảm bớt rất nhiều.(GC/SJ)
 Nhắn tin riêng:
Chúng tôi được tin nhà văn Võ Phiến ra đi tại Nam Cali, hưởng thọ 90 tuổi. Xin chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc cụ ông sớm về nơi vĩnh cữu. Nhắc lại chúng tôi gặp cụ ông lần đầu 38 năm trước tại Bắc Cali khi nhà văn Võ Phiến về hội thảo văn hóa lưu vong do cha Nguyễn văn Tịnh tổ chức.
Tái bút: Giao Chỉ San Jose sẽ có buổi nói chuyện và gặp gỡ bằng hữu trưa ngày chủ nhật 8 tháng 11- 2015 tại quận Cam, Nam Cali. Xin các thân hữu, chiến hữu, văn hữu truyền thông và độc giả miền Nam cho chúng tôi có dịp bắt tay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét