Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần, 5 Sept. 15 - NNS



Y Vân: Ảo Ảnh
Tiếng hát: 
Ý Lan
Tình thân,
NNS
.......................................................................................................
(1) Chuyện Thời sự
Quốc khánh: Chủ tịch Việt Nam gián tiếp nêu lên mối đe dọa Trung Quốc 
Ông Trương Tấn Sang kêu gọi xây dựng một quân đội vững mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam - Reuters


Trong bài diễn văn nhân ngày lễ Quốc khánh 02/09/2015, chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi cảnh giác về những mối « đe dọa » hiện nay đối với toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gián tiếp nói đến Trung Quốc.
Trong bài diễn văn đọc tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, sáng nay, kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh đến « những tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông », ám chỉ đến tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc ở vùng biển này. Theo ông Trương Tấn Sang, những tranh chấp đó « đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta ». 
Trong bài diễn văn này, chủ tịch nước của Việt Nam còn kêu gọi xây dựng một quân đội vững mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang cũng không quên lên án những người mà ông gọi là « các lực lượng thù địch » vẫn chống phá chế độ và « xóa bỏ các thành quả cách mạng ».
Tuy vậy, chủ tịch nước của Việt Nam thừa nhận rằng nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang « làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ».
Ông Trương Tấn Sang đọc bài diễn văn nói trên trước khi diễn ra cuộc diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh, với sự tham gia của hơn 30.000 người, thuộc lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể, các sắc tộc thiểu số ..... Nhưng trong cuộc diễu binh, Việt Nam không phô bày những thiết bị quân sự nào như xe tăng, đại pháo, tên lửa ......
Nhân ngày Quốc khánh năm nay, chính quyền Hà Nội đã trả tự do cho khoảng 18.500 phạm nhân, thế nhưng trong số này không có một tù chính trị nào. ( RFI, Thanh Phuong)

Chú thích:
(i) Ts Nguyễn Hưng Quốc: 70 năm sau Cách mạng tháng 8
Đầu tháng 9 này, chắc chắn giới lãnh đạo và giới truyền thông Việt Nam sẽ làm ầm ĩ về những thành tựu họ đã đạt được trong suốt 70 năm kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhân dịp này, chúng ta cũng nên nhìn lại vấn đề công và tội của đảng Cộng sản đối với đất nước.
Công lớn nhất và đáng kể nhất của đảng Cộng sản là cuộc kháng chiến chống Pháp, kéo dài 9 năm, kết thúc với trận đánh oanh liệt tại Điện Biên Phủ vào năm 1954, chấm dứt ách đô hộ kéo dài gần một thế kỷ của thực dân Pháp. Dĩ nhiên, người ta có thể cho đó là thành tích của cả dân tộc chứ không hẳn của riêng đảng Cộng sản. Người ta cũng có thể phản biện lại: ngay trong điều gọi là công trạng này đã có mầm mống của tội ác qua việc đảng Cộng sản loại trừ những người yêu nước không phải cộng sản hoặc chống lại cộng sản. Tuy vậy, nhìn chung, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản trong việc mang lại độc lập cho Việt Nam.
Điều đáng tiếc là công trạng vừa nêu cũng là công trạng duy nhất mà đảng Cộng sản đã mang lại cho đất nước. Kể từ trận Điện Biên Phủ trở đi, với tư cách đảng cầm quyền độc tôn ở miền Bắc, và sau đó, kể từ năm 1975, trong cả nước, đảng Cộng sản vấp phải hết sai lầm này đến sai lầm khác, sai lầm nào cũng đẫm máu, và vì tính chất đẫm máu ấy, sai lầm biến thành tội ác.
Trước hết, đảng Cộng sản hoàn toàn sai lầm trong việc gây ra cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm ở miền Nam. Đã đành mục tiêu khá chính đáng: thống nhất đất nước. Nhưng, như lịch sử gần đây chứng minh, để thống nhất đất nước, người ta không nhất thiết phải chọn biện pháp chiến tranh. Đông Đức và Tây Đức, sau mấy chục năm phân hoá, đã được thống nhất một cách hoà bình. Nam Hàn và Bắc Hàn không may mắn như vậy, cho đến nay, vẫn còn chia cắt, nhưng sự chia cắt ấy cũng không phải là một bất hạnh bởi vì ít nhất một nửa nước, Nam Hàn, cũng được sống một cách sung sướng và đầy tự hào với nền kinh tế phát triển vượt bực. Đảng Cộng sản Việt Nam, do thiếu kiên nhẫn và phần nào, cũng do hiếu chiến, đã chọn biện pháp bạo lực để thống nhất đất nước, dẫn đến hậu quả là một cuộc chiến tranh kéo dài với khoảng ba triệu người, ở cả hai miền, bị giết chết một cách thảm khốc và những chấn thương trong tâm lý, cho đến bây giờ, bốn mươi năm sau, vẫn còn khiến nhiều người nhức nhối.
Sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, đảng Cộng sản lại vấp phải một sai lầm nghiêm trọng khác: Thay vì hoà hợp và hoà giải dân tộc, xoá bỏ hận thù, hàn gắn các vết thương do cuộc chiến tranh kéo dài mang lại để mọi người an tâm xây dựng lại đất nước, họ lại lập ra các trại cải tạo để giam nhốt và hành hạ những người thuộc phe thua cuộc, hơn nữa, còn có những chính sách kỳ thị nặng nề đối với dân chúng miền Nam, khiến cho đến nay, bốn mười năm sau, các vết thương chia rẽ vẫn còn sâu hoắm.
Có thể kể thêm vô số các sai lầm khác của đảng Cộng sản, trong đó, nổi bật nhất là các chính sách cải cách ruộng đất làm cả chục ngàn người bị chết, các chính sách chống xét lại đẩy hàng ngàn người vào cảnh tù đày, các chính sách đánh tư sản mại bản và ép dân đi kinh tế mới khiến hàng chục ngàn người lâm vào cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, hai sai lầm và cũng là tội ác lớn nhất của đảng Cộng sản là: Một, làm nền kinh tế Việt Nam ngày càng kiệt quệ và hai, làm băng hoại nền văn hoá truyền thống của Việt Nam.
Trước hết, về kinh tế, hầu như ai cũng biết, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, khá cao so với các quốc gia trong khu vực. Dạo ấy, Sài Gòn vẫn được xem là “hòn ngọc Viễn Đông”, niềm mơ ước của nhiều quốc gia khác. Vài năm sau 1975, khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Hiện nay, tình trạng khá hơn một chút, nhưng Việt Nam vẫn chỉ thuộc quốc gia có thu nhập vào loại trung bình thấp.
Mới đây, trong cuộc hội thảo về kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức vào ngày 28 tháng 8, các chuyên gia đều thừa nhận Việt Nam thua kém hẳn các quốc gia khác ở Châu Á. Với thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 2000 Mỹ kim hiện nay, Việt Nam chỉ bằng Philippines năm 2010, Indonesia năm 2008, Thái Lan năm 1993, Malaysia năm 1988 và Hàn Quốc năm 1982. Nói cách khác, “GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.” Người ta cũng tiên đoán nếu mức phát triển kinh tế hiện nay không được cải thiện, khoảng cách nêu trên sẽ càng ngày càng lớn. Hơn nữa, Việt Nam còn có nguy cơ bị Campuchia và Lào qua mặt.
Chuyện kinh tế và phát triển rất dễ thấy, tuy nhiên, theo tôi, lầm lẫn – đúng hơn, tội ác – nghiêm trọng nhất của đảng Cộng sản là phá hoại văn hoá Việt Nam, một yếu tố trừu tượng và mơ hồ, khó nhận biết, nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến cách sống cũng như quan hệ giữa người với người. Các cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950 làm phá nát quan hệ hàng xóm vốn là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc. Các cuộc phê bình và tự phê bình làm cho không ai còn tin ai được nữa. Các nỗ lực phá hoại sự hình thành của xã hội dân sự làm cho con người càng ngày càng trở thành vô cảm trước những nỗi đau khổ của người khác. Các hành động trấn áp những người yêu nước, đặc biệt trong các phong trào chống Trung Quốc, khiến mọi người đâm ra dửng dưng trước số phận của đất nước. Hậu quả của tất cả của những điều vừa kể là con người càng ngày càng trở nên ích kỷ, và hậu quả của sự ích kỷ này là con người càng ngày càng độc ác hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các tội ác trong xã hội càng lúc càng trở thành phổ biến.
Những sự tụt hậu về kinh tế có thể được khắc phục nếu không phải trong vài năm thì cũng vài chục năm, nhưng những sự đổ vỡ trong văn hoá và đặc biệt trong đạo đức và quan hệ giữa người với người thì rất khó hàn gắn và để lại rất nhiều di hại, làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế cũng như tiến trình dân chủ hoá của đất nước. Hơn nữa, nó cũng ảnh hưởng cả đến những nỗ lực chống lại các âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Đó mới chính là điều đáng lo sợ nhất. (Source: VOA)

(ii) Huy Đức: Tượng đài Độc lập
Tiến sỹ Nguyễn Quang A về tới Nội Bài vào ngày 1-9-2015 có thể chỉ là một sự trùng hợp. Nhưng việc tước 15 giờ tự do của ông trong đêm trước lễ Độc lập đã gửi một thông điệp rất phản chính trị.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A là một người vận động cải cách một cách ôn hòa. Ông khát khao một tiến trình chuyển đổi an toàn. Thay vì "lật đổ" hay "cướp chính quyền", ông chủ trương một lộ trình dân chủ hóa có sự tham gia của cả những người đang cầm quyền.
Nếu không có tự do chính trị thì không thể có dân chủ. Nhưng nếu chỉ có tự do đảng, phái thì cũng không thể có dân chủ thực sự. Một nền dân chủ mạnh, bền vững, chỉ có thể đứng được trên nền tảng: xã hội dân sự, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền.
Không thể có dân chủ khi nó không phải là nổi khát khao cháy bỏng của mỗi người dân. Nhưng cũng không thể có dân chủ khi khát khao quá cháy bỏng để rồi nôn nóng quá. Tôi có đôi lần trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Quang A, Việt Nam cần một lộ trình đi đến dân chủ mất hai mươi năm hơn là một lộ trình hai tháng hay chỉ hai năm. Tất nhiên, là phải bắt đầu lộ trình đó ngay từ bây giờ chứ không phải vì "còn hai mươi năm" mà trì hoãn.
Không có những người dấn thân thì không thể có những đổi thay. Nhưng đó không phải là công cuộc tìm kiếm minh quân. Tiến trình xây dựng nền tảng của xã hội dân sự, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền cần sự tham gia của mọi người. Ai cũng có phần việc của mình để góp một cục gạch cho ngôi nhà tương lai đó.
Tại sao "nước độc lập hơn 70 năm" mà "dân vẫn chưa có tự do".
Có chính quyền mà nhân sự và mô hình chính trị không được quyết định bởi lá phiếu của người dân thì chỉ mới có được một phiên bản khác của nền thực dân. Có chính quyền mà dân không tin là hết lệ thuộc, đường lối đối nội, đối ngoại chưa hoàn toàn minh bạch, thì Nước cũng chưa độc lập.
Cờ - đèn - kèn - trống chỉ có giá trị sân khấu. Tự do của dân chúng mới là tượng đài vững bền. Tượng đài độc lập.
 (HuyDuc-FB)


(iii) Nguyễn Lê Nam: Quốc khánh và 'quyền mưu cầu hạnh phúc'
Theo dự báo thời tiết thì chiều tối nay 02/09 Hà Nội sẽ có mưa. Hình như mỗi năm cứ đến quốc khánh là ông trời lại làm mưa như xót thương bao nỗi thống khổ mà dân tộc tôi đã phải chịu đựng.
Nếu ví số phận của mỗi dân tộc như cuộc đời của mỗi con người thì trong cuộc đời mình, dân tộc tôi đã chịu đủ chiến tranh, thiên tai, loạn lạc, chia ly.
Tôi tin rằng những người đứng trên quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9 của 70 năm về trước đều là người Việt, dù ít dù nhiều cũng đều yêu nước. Tất cả đều mong đất nước này phát triển, hùng mạnh và độc lập.
Tôi cũng ngưỡng mộ bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn của Hồ Chí Minh trên quảng trường Ba Đình năm đó. Bản tuyên ngôn dường như đã chắt lọc được những tinh hoa của cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ.
Nhưng tiếc thay nói hay mà làm dở!
"Mọi người sinh ra đều bình đẳng". Trong khi con em nông dân được ưu ái, được coi là "giai cấp cách mạng" thì "Trí, phú, cường, hào đào tận gốc, trốc tận rễ". Có sự bình đẳng nào lại chia dân tộc mình thành "cách mạng" và "phản cách mạng" không? Ở thế hệ cha mẹ tôi, con em những người làm nghề buôn bán (từng bị dán cho cái nhãn "con buôn") không được học đại học. Ở thế hệ tôi thì những người bạn cùng thế hệ của tôi không được vào đại học vì họ là con em của những người lính, viên chức "ngụy".
Chủ nghĩa lý lịch mặc sức tung hoành. Xét giới tính, xét tôn giáo, xét cha mẹ, nghề nghiệp của cha mẹ, đi đâu, làm gì trước năm 1975.
Vâng, "bình đẳng" là như thế đó!
Còn "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" thì sao?
'Hoành tráng'
Tôi đã đọc về đánh tư sản, về Z30... và tự hỏi buôn bán, làm giàu cũng là có tội thì tự do và mưu cầu hạnh phúc bằng cái gì?
Ngày xưa, cần đánh thì là tư sản mại bản, bán nước. Giờ cần dùng thì nào là hợp tác quốc tế, nào là doanh nhân. Còn ngày mai thì sao?
Tôi cũng đã đọc về cuộc đời của Nguyên Hồng, của Hữu Loan, của Văn Cao.. và tự hỏi những nghệ sỹ tài hoa mà rắn rỏi đó đã làm sai điều gì?... À, mà họ sai thật. Họ không hiểu được điều đơn giản "Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của họ là làm theo những yêu cầu của "cách mạng". Họ sai rồi, quá sai rồi!
Chuyện cũ qua rồi, thôi thì cho qua! Hôm nay lại là một Ngày Quốc khánh nữa, nhưng to hơn mọi năm. Một số người thì háo hức xem duyệt binh, xem pháo hoa. Một số người thì như tôi, họ dửng dưng.
Duyệt binh dù hoành tráng. Vũ khí dù hiện đại. Nhưng lòng người không theo thí có ích gì? Pháo hoa dù đẹp, nhưng chóng tàn và chẳng thế nào qua cơn đói. Quốc khánh dẫu to cũng không thể nâng cao vị thế đất nước bằng những hợp đồng xuất khẩu lao động sang các nước Đông Á và Trung Đông, và nay sang cả Lào và Campuchia.
Tôi không mong duyệt binh hoàng tráng, khí tài hiện đại. Chỉ mong hòa bình lâu dài, làm bạn với những nước văn minh Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... và học hỏi cách họ vươn mình thành "rồng" thành hổ".
Tôi không mong quốc khánh hoành tráng mà ngân khố thì cạn kiệt, bộ tài chính phải đi vay ngân hàng nhà nước. Chỉ mong mỗi đồng ngân sách đều dùng để xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất.
Tôi không mong mỗi quan chức đều giống như Friedrich đại đế của Phổ, đến lúc mất không có một chiếc áo sơ mi lành lặn, phải táng bằng chiếc áo của một người hầu. Chỉ mong họ tận tâm, tận lực làm tròn bổn phận của mình.
Nếu không, sau những quốc khánh hoàng tráng như vậy đất nước này sẽ đi về đâu? (Gửi tới BBC từ Hà Nội).

(iv) Phillip Adams: Cuộc diễn hành 2/9 dưới mắt một nhà báo Úc
6 giờ sáng, cả thành phố hầu như trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập phía dưới toà nhà bằng đá chứa thi thể Hồ Chí Minh dáng lù lù đe doạ tại Quảng trường Ba Đình nơi ông tuyên bố một nước Việt Nam độc lập vào năm 1945.Tất nhiên, nói độc lập như thế là cực kỳ lạc quan. Bởi vì Việt Nam sẽ không đạt được tự do đích thực, trừ khi, tính đến những thời điểm rất gần đây, chế độ hiện hành có thể được mô tả là một chế độ tự do. Kể từ ngày tuyên bố độc lập ấy, hết đợt này đến đợt khác của những cuộc chiến tranh xâm lược đã diễn ra. Hôm nay, người dân ăn mừng chiến thắng của mình.
Nhiều tháng trời diễn tập đã mang lại những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, và các chi phí tốn kém chắc chắn phải khiến có người lo ngại về ngân sách. Chúng tôi đã được thầm mách bảo cho biết rằng khi nhìn thấy đội dân tộc thiểu số, một trong 54 sắc dân như thế ở Việt Nam, diễn hành trong trang phục màu sắc đa dạng của họ, sự thực chỉ là những người dân địa phương Hà Nội, đóng bộ lên mà thôi. Hoá ra, ngay cả trong dịp trọng đại này, cũng phải xem lại cách chi tiền của chính phủ.
Hiện chúng tôi đang dồn trong khu vực của các nhà báo, nhìn sự kiện trước mặt qua các chân máy quay phim chụp ảnh. Không nhiều người nước ngoài lắm. Có một đoàn quay phim từ NHK (Nhật) bên cạnh chúng tôi, và tất cả mọi người đang chụp ảnh tôi khi tôi tường thuật, đại đa số phóng viên truyền thông chung quanh là người địa phương.
Đến lúc chủ tịch nước đọc diễn văn. Chúng tôi có văn bản ở ngay trước mặt: đó một bài phát biểu điển hình nói về cuộc đấu tranh lâu dài dành độc lập, tự do từ nước ngoài và các tầng lớp phong kiến, và một biểu hiện lạc quan lớn lao về văn hoá, chính trị. Và sẽ được bắt đầu bằng bài quốc ca, theo sau là 21 phát đại bác mà tôi phải đau khổ đứng chào. Đó là một truyền thống của người cộng sản. Tôi cho rằng hai sự kiện hoành tráng nhất trong những ngày này là các lễ khai mạc thể thao Olympic và các cuộc diễu hành quân sự như thế này.
Tôi đã được cho biết là sẽ được xem một cuộc diễn hành kỷ niệm 70 năm thậm chí còn vĩ đại hơn cả Bắc Kinh, và dường như ở Bắc Triều Tiên thì cứ hai ngày lại có một cuộc diễn hành loại này. Nhưng không khí ở đây rất thoải mái; đó không khí hạnh phúc. Đông người lắm, nét mặt ai cũng ngời sáng vẻ vui sướng, chờ đợi cuộc diễu hành, không phải để sóng bước theo mà chỉ xem.
Người ta ước tính rằng có thể đến tám triệu người Việt thuộc về đồng phục của một tổ chức này hay tỗ chức khác. Thành thử không khó để tổ chức một cuộc diễn hành lớn, với số lượng quân đội, không quân, hải quân đông đảo, vì tất cả đều có số đông đáng kể.Nhưng cũng có những chiếc xe hoa, các nhóm cựu chiến binh, công nhân, nông dân, doanh nhân, người lao động, thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số (bằng những người dân địa phương đóng giả). Khi đi ngang qua các quan chức cấp cao, họ đều hô vang những âm thanh như “ho ho ho”.
Nhóm mà chúng tôi thực sự mong muốn được nhìn thấy là nhóm trí thức, nhưng chúng tôi đã không thể tìm thấy họ. Có lẽ họ đi lang thang lẫn lộn trong đám đông chăng ? Bạn biết những trí thức không chịu vào phép ra sao rồi – họ là những người khó có thể phối hợp với nhau.
Nếu muốn có những đại quân đoàn diễn hành, bạn có thể không qua mặt được Nuremburg. Hitler là một biên đạo múa tuyệt vời hoặc chắc chắn đã có những người vũ đạo giỏi – nhưng tất nhiên những cuộc diễu hành quân sự vĩ đại đạt đến sự tôn kính tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, nơi các quan chức đảng trong quá khứ, kể cả Stalin, có thể đứng trên đỉnh lăng mộ của Lenin để xem các tên lửa khổng lồ và Hồng quân diễn hành. Trong những năm qua, những người xung quanh Stalin, từng người một đã bị tẩy xóa, biến mất, thanh lọc, gửi đến các trại tập trung.Không có cảm giác về một thảm kịch ấy ở đây. Đây là một nơi rất tự tin và thanh thản một cách hợp lý. Họ không đứng trên đỉnh lăng mộ của Hồ mà tụ tập ở bên dưới.
Hôm nào tôi sẽ đến thăm ông. Tôi lo là ông có thể không có trong thành phố vì cứ hai tháng mỗi năm, cơ thể của Hồ Chí Minh được đưa đến lăng mộ của Lenin: không phải là một chuyến thăm chính thức nhưng để ông có thể được chăm sóc bởi các tay ngâm dấm chuyên nghiệp. Tôi hy vọng họ sẽ làm một công việc tốt cho Hồ hơn là đã phục vụ cho Lenin, vì đã có một thời điểm rất nổi tiếng vào những năm 1920 khi mũi của Lenin bị rụng xuống. Tôi biết rằng cái xác Lenin mà họ kiểm tra hiện giờ gần như hoàn toàn bằng sáp, và tôi thật không muốn phải nghĩ rằng xác ướp Hồ đã chỉ trở thành một hình nộm của bà Tussaud.
Sẽ có những người dân địa phương xếp hàng dài đến thăm Hồ, và thái độ của họ đối với ông ta là vừa thương vừa oán ghét. Với người ưa thích, ông được cực kỳ ngưỡng mộ như một người chỉ huy, một lãnh tụ cách mạng. Với những người khác, có một số oán hận do ông từng cưỡng bức áp dụng các trang trại nông trường tập thể theo mô hình Mao Trạch Đông, người làm theo tấm gương của Stalin, khiến đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp ở Việt Nam. Nhưng nói chung, ngay những người phê bình ông Hồ cũng thừa nhận là ông ở trong một tình hình chính trị không thể làm theo ý mình.
Sự sùng bái cá nhân ở đây không giống như những gì xung quanh Lenin trong thời kỳ Xô viết, nơi bạn không thể đi bộ quá một sải mà không đụng ngay một bức tượng khổng lồ của Vladimir Illich, nơi mỗi tòa nhà có một hình nộm, mỗi đồng xu và tiền giấy toàn hình Lenin, Lenin và Lenin. Ở đây, cho đến nay chúng tôi chỉ phát hiện ra hai bức tượng một ở Sài Gòn và một ở Hà Nội. Trong cuộc diễu hành hôm nay có vô số hình ảnh (ông Hồ), nhưng chỉ thực hiện trên những băng-rôn mỏng manh và sẽ được cất đi cho các dịp lễ tiếp theo. Vì vậy, dấu ấn của Hồ không phải là áp chế lắm.
Mục đích của lễ kỷ niệm là để cho thấy sự thống nhất, để chứng minh rằng cái xã hội rất phức tạp này với các dân tộc thiểu số và những khác biệt trong khu vực thực tế hiện nay là một quốc gia thống nhất. Vì mục đích ấy, không chỉ những ai thuộc về một lực lượng vũ trang, bất cứ ai có một bộ đồng phục đều được khuyến khích tham gia diễn hành. Chúng tôi đã rất ấn tượng chẳng hạn như với cuộc diễn hành của các đội cứu hỏa.
Tôi tự hỏi liệu có sẽ thấy một phản đề của những bộ đồng phục – màu đen đơn giản nổi tiếng từng được những người Việt Cộng mặc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Và rồi, cuối cùng đã có xuất hiện những bộ đồ ngủ màu đen. Nhưng lại không đại diện cho VC, mà đại diện cho người nông dân. Và điều đó nhắc nhở chúng ta rằng cơ sở của một cuộc chiến tranh du kích là những người lính từ tập thể nhà nông và đã từng khiến một quân đội có tổ chức gần như không thể đánh bại được họ.
Bài phát biểu của chủ tịch nước là một nỗ lực lập lại nguyên văn những cụm từ chuẩn mực, nhắc đến các anh hùng dân tộc, nhưng cũng có một chút công bằng của sự tự phê bình, rằng vẫn còn tham nhũng và thiếu đạo đức trong các thành viên hàng đầu của đảng. Vì vậy, chủ tịch nói về sự cần thiết phải liên tục đổi mới và tái tạo sinh khí cho đảng. Tôi hy vọng điều đó không dẫn họ đến việc sao chép cách mạng.
Tôi đã không thể không tự hỏi tướng Giáp sẽ cảm nhận ra sao được khi biết được rằng thành phố mà ông đã chiến đấu để dành được, hiện đã bị một viên đại tá cấp dưới từ miền nam nước Mỹ, Đại tá Sanders KFC (Gà chiên Kentucky) chiếm đoạt mất: một trong rất nhiều biểu tượng của nên kinh tế hỗn hợp, của thực tế rằng nơi đây bây giờ, giống như nhiều nơi của Trung Quốc, là một sự pha trộn của thị trường tự do và trung ương kiểm soát.
Không phải ai cũng xem diễn hành, một tỷ lệ lớn dân số vẫn buôn bán nơi các cửa hàng của họ, hay trên những quầy hàng nhỏ bé trên đường phố, hoặc chỉ đơn giản là đi mua sắm. Tôi có một cảm giác rằng nhiều người trong số họ đã chứng kiến quá nhiều những cuộc diễn hành như thế trong đời mình và đã dành thời gian của mình cho những cái gì hay hơn.
Tóm lại, nếu bạn gom tất cả các cuộc tuần hành và đám rước ở Úc, gom tất cả những người đã tham gia vào Mardi Gras ở đường Oxford hoặc Moomba ở Melbourne, hoặc những đám đông tham dự Thế vận hội Sydney, hay những đám đông vui mừng sau một trận đấu bóng đá, bạn sẽ vẫn không có được một sự kiện quy mô mà tôi vừa chứng kiến. Hôm nay là một ngày nóng ẩm tiêu biểu trong năm, người diễn hành mệt mỏi kiệt sức, ướt đẫm mồ hôi dưới các trang phục rực rỡ của mình – còn người đứng xem thì cũng hết hơi mệt xỉu. (ABC). (Người dịch: Lê Quốc Tuấn)

*** Ts Nguyễn Văn Tuấn: Ngây thơ
Sáng nay đọc một bản tin trên vtc.vn, “Báo Australia: ‘Gộp hết lễ hội lớn của Úc cũng không bằng diễu binh 2/9 ở Việt Nam'” mà thấy có cái gì ngây thơ trong bài báo. Bài báo trích dẫn nhận xét của kí giả Úc Phillip Adams của đài truyền hình ABC, trong đó có câu trên, hàm ý nói rằng báo chí quốc tế như Úc khen buổi diễu hành ngày 2/9. Nhưng tôi sợ là nhà báo đã hiểu sai, vì đọc nguyên bản bài viết của kí giả Adams thì câu đó là một cách nói xỏ xiên, mỉa mai.
Nguyên văn tiếng Anh của bài “Resplendent, colourful, fantastic: Phillip Adams on Vietnam’s independence celebrations” . Trong bài viết dài (bản dịch dưới đây của Lê Quốc Tuấn), Phillip Adams nhận xét rằng trong các chế độ cộng sản, người ta thích phô trương, và diễu hành là một hình thức như thế. Adams còn nhắc đến Hitler như là một đạo diễn tuyệt vời về những màn diễu hành. Trong một đoạn gần cuối bài viết, có câu độc: “nếu bạn gom hết các cuộc tuần hành và các đám rước ở Úc, cộng luôn những người đã tham gia vào Mardi Gras ở đường Oxford hoặc Moomba ở Melbourne, hoặc các lễ hội Thế vận hội ở Sydney, hay những lễ lạc ăn mừng sau một trận đấu bóng đá, bạn sẽ vẫn không có được một sự kiện lớn mà tôi vừa chứng kiến.” Lễ hội Mardi Gras là dành cho người đồng tính, rất màu mè, phường tuồng. Do đó, đặt câu đó trong văn cảnh, đó không phải là một lời khen, mà là một cách nói mỉa mai.
Người phương Tây có nhiều cách xỏ xiên và mỉa mai rất thâm thuý, mà nếu không am hiểu tiếng Anh thì tưởng rằng họ khen! Cũng giống như mấy ông giáo sư Tây khi đến Việt Nam khen y tế Việt Nam rất tuyệt vời làm cho các quan chức y tế và bác sĩ nở mũi, nhưng họ không biết đó là những cách nói mỉa mai – mỉa mai bằng cách khen.


Viết về buổi diễu hành 2/9 tôi nghĩ khó có ai có nhận xét ngắn gọn, hay mà sâu sắc như Huy Đức, khi anh viết ” Cờ – đèn – kèn – trống chỉ có giá trị sân khấu. Tự do của dân chúng mới là tượng đài vững bền. Tượng đài độc lập”.

(2) Chuyện thường ngày ở Huyện
(i) Ôlalala La: Chuyện của nhà văn, chuyện của chúng ta
Khi đọc "Chuyện kể năm 2000" tôi cứ thắc mắc về chữ "năm 2000" trong tựa đề của tiểu thuyết. Năm 2000 là năm bản lề, 1 năm nằm vắt ngang giữa thế kỉ cũ và mới, 1 năm chênh vênh giữa quá khứ và tương lai. Đặt tựa như thế cho tác phẩm có lẽ Bùi Ngọc Tấn coi những gì ông kể chỉ như 1 cơn mơ thoảng qua đời người. Thế hệ được nghe ông kể chuyện tưởng đó như 1 câu chuyện cổ tích – 1 thứ cổ tích mà ai cũng tưởng có 1 “happy ending”.
"Chuyện kể năm 2000" kể chuyện nhân vật chính bị đi tù vì 1 lí do lãng nhách - viết 1 cuốn sách. Các thầu văn nghệ của chế độ cho rằng tác giả lách chữ nghĩa để xỏ xiên đảng bóp chết tiếng nói của nhân dân thế nên ông bị cho vào khám gần chục năm. Tiểu thuyết có 2 phần – phần 1 là ký sự về tù đày, chỉ phần này thôi cũng đã sánh ngang với “Quần đảo Goulag“ của Soljénitsyne. Phần 2 day dứt và đau đớn hơn kể lại những khó khăn mà nhân vật chính gặp phải sau mãn tù. Nhân vật chính (hay chính là Bùi Ngọc Tấn) đã cố ngoi lên mà sống mà cho ra hình một con người trong 1 xã hội không khác gì địa ngục. Trên cái nền đó Bùi Ngọc Tấn đã phác họa ra một bức tranh lớn của 1 xã hội thời độc tài toàn trị. Tất cả đều được tác giả kể bằng một lối văn nhẹ nhàng đầy hình ảnh, chan chứa tấm lòng nhân hậu. Suốt 1000 trang giấy, trang nào cũng lấp lánh tâm hồn bao dung của tác giả, ngay cả ở những cảnh hung bạo nhất. Ông không oán con người. Con người xấu xa (ví như ông Lan, ông Trần và những ông khác ) theo ông chỉ là do cái hệ thống, cái chế độ chính trị hư hỏng làm họ mất đi phần “người’’, mất mà không hề hay biết mình bị đánh mất.
“Chuyện kể năm 2000” có những nhân vật điển hình. Ví như Già Đô - ra tù không nơi nương tựa, ông làm 1 cái đơn xin trở lại nhà tù nhưng không được chấp nhận. Sau đó phải lang thang ngủ bờ ngủ bụi, chịu đựng đói khát nắng mưa, phút sau cùng biết không qua khỏi, đã chọn một ngôi đình để… chết. Đoạn văn mô tả việc chọn ngôi đình để chết khiến tôi nhớ đến Nguyễn Hữu Đang của Nhân văn giai phẩm. Ông cũng chọn sẵn chỗ chết cho mình “chút thổ phần bò xéo cuối thôn“ (thơ Phùng Cung). Phùng Quán trong “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Ðài Tuyên Ngôn Ðộc Lập trong Ba Phút Sự Thực" cũng viết như thế về ông “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người… Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai… Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay”.
Còn nhiều các nhân vật khác: Ngụy Như Cần - người tù lâu năm nhất của trại giam - đã treo cổ tự tử sau khi trại tù hoàn tất thủ tục phóng thích. Trước khi chết anh còn thương con cá chép trong hồ anh nuôi và huấn luyện bao nhiêu năm mỗi ngày chờ nghe tiếng anh gõ nổi lên để được anh cho ăn và ve vuốt. Sáng - một thanh niên tuổi mới đôi mươi năm lần vượt ngục , coi “tự do hay là chết”. Ngọc – người vợ của nhà văn - giữa muôn trùng vây của những con mắt rình mò, xa lánh, lọc lừa, vẫn thủy chung biết sống và biết yêu…
“Chuyện kể năm 2000” còn có những đoạn văn thật đẹp, những từ ngữ ấn tượng. Tôi nhớ đoạn tả cảnh sau khi từ “nhà tủ nhỏ” bước ra “nhà tù lớn” nhân vật chính kinh ngạc khi nhìn cuộc sống bên ngoài - ở đó tất cả mọi người đều khoác 1 bộ đồng phục “đồng phục mặt người”. Rồi ông thấy ai trông cũng quen quen cứ như thể vừa mới đc phóng thích ra từ 1 nhà tù nào đó trước ông. Ai cũng mang trong mình 2 phiên bản đối lập – 1 là tù nhân dự khuyết của chế độ nhưng đồng thời cũng là một thứ "cai ngục không lương cho nhà nước".
Bùi Ngọc Tấn vừa mới chia tay chúng ta đi về nơi không còn có tù ngục đọa đầy. Để vĩnh biệt ông chúng ta hãy đọc lại đoạn văn mà theo tôi là hay nhất của tác phẩm:
“Hắn nhìn sao, nhìn vào đêm sao thăm thẳm mà ngẫm ngợi về cuộc sống con người. Hắn phát hiện ra: nhìn lâu vào trời sao cũng có cùng một cảm giác như nhìn vào mộ chí. Thấy rõ cái vô cùng của trời đất và cái hữu hạn của một kiếp người. Thật vô nghĩa cho những cái bong bóng xà-phòng, những con côn trùng bé tí ấy chà đạp nhau, tiêu diệt nhau, mưu toan, dục vọng, lừa đảo, chém giết, đầy đoạ… nhau, thích thú vì đã ngoi lên, đã làm khổ được đồng loại. Những người ấy hẳn chưa bao giờ nhìn kĩ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng.”
Tuy ông đã ra đi mãi mãi nhưng cái mà ông để lại chính là tình yêu và niềm tin nơi con người. Tình yêu thì bao la mà kiếp người thì có hạn. Sao không sống tử tế với nhau?
Nhà thơ Phùng Cung trong những đêm ở trại giam Bất Bạt cũng đã nhiều lần ngước nhìn như thế, với nỗi băn khoăn tương tự:
Tôi đứng trong đêm / Ngửng đầu nhìn cao xa
Vọng hỏi / Có phải nước mắt con người
Đằm đằm dội xuống / Mà trên thiên cầu / Bao vì sao xao xuyến đổi ngôi.

(ii) Đinh Phương: Thằng ấy công an nhưng mà nó tốt
Hắn nghĩ, thật là không công bằng chút nào khi hắn cứ moi móc những cái xấu của chế độ ra chửi, dù ông bà có câu thuốc đắng giã tật. Cũng phải công bằng mà viết về cái hay nếu nó có thật chứ!
Ai muốn nói ra nói vào thì cứ nói chứ hắn là tay việt kiều, dù đã rời nước ra đi 40 năm có, nhưng rất thân thiện với nhà nước VN hiện nay, với chế độ. Đều đặn hắn lui tới với quê hương, mang đồng EURO vào VN mỗi khi có dịp. Thỉnh thoảng hắn viết bài càm ràm về những điều chướng mắt nghịch nhĩ với mong muốn xã hội có thể sống tử tế với nhau hơn, chứ hắn không hề có ý nghĩ lật đổ chính quyền nhân dân. Hắn có phản động hay thế lực thù địch gì đâu. Đúng là đao to búa lớn quá mức tưởng tượng, người ta cứ làm như hắn quan trọng lắm. Ngược lại, hắn tự hào với hắn, là người dụ bè bạn về VN thành công nhất, đúng với chủ trương vươn ra biển lớn của nhà nước, và hắn cũng thường tỏ ra mình là khúc ruột ngàn dặm đàng hoàng hẳn hòi những khi có dịp. Trong lúc dụ, hắn còn dặn dò thêm với bạn bè hắn là khi đi nhớ mang theo… tiền, càng nhiều càng tốt.
Hè vừa rồi cũng thế, hắn và người yêu cùng đứa con gái năm nay 19 tuổi (chíp hôi) về Việt Nam, mục đích vẫn thứ nhất là thăm thân, thứ nhì là thăm hàng xóm, tiện cả đôi đường.
Từ cửa khẩu nhập cảnh cho tới khâu kiểm tra hành lý, hắn cứ theo thủ tục mà làm, người ta có chen có lấn nhưng hắn thì không, cứ đủng đỉnh. Mọi chuyện êm xuôi, người xí xô, chỉ thiếu vài nụ cười thân thiện của nhân viên an ninh, nhưng hắn nghĩ cũng không sao, các anh các chị ấy đang thi hành công vụ nên căng thẳng, mọi người cũng phải hiểu cho. Hắn biết, khi còn ở trong khu vực an ninh, hắn phải cẩn thận kiểu khác, và khi rời khỏi khu vực này, hắn phải cẩn thận kiểu khác, thế thôi.
Trong suốt kỳ nghỉ hè, được một chú em cho vay chiếc xe Toyota loại cow boy đời mới, xe rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, hắn thì đã đổi bằng lái xe nước ngoài ra bằng Việt Nam từ mấy năm trước nên tha hồ mà lái, tha hồ mà… sướng. Hắn phải công nhận là giao thông ở Việt Nam lúc này đã đàng hoàng lên thấy rõ, nhất là ở Sài Gòn (hắn quen dùng từ Sài Gòn bởi nghe ra nó tình tứ và đáng yêu hơn.)
Mới từ năm ngoái, rời mắt ra là hắn đã thấy các loại xe – nhất là xe máy – vượt đèn đỏ như rươi, thế mà năm nay ai nấy chờ đến đèn xanh mới chạy, hắn ngạc nhiên và thích thú. Bản thân hắn không có thói quen vượt đèn đỏ, nhưng dù có muốn vượt hắn cũng không dám sợ người ta nhìn hắn giống đười ươi hay quái vật. Ơ nước ngoài nếu có máu vượt đèn đỏ thì đa phần là những thằng cha nghèo kiết xác, bởi đóng tiền phạt hết rồi còn dư đâu mà giầu với có. Ở những ngã tư nhỏ còn thấy đôi ba con đười ươi, nhưng ở những ngã tư lớn thì hoàn toàn không thấy quái vật nào cả. Hắn lái xe thấy dễ chịu hơn những lần trước rất nhiều. Hắn chở người yêu hắn và chíp hôi đi khắp cả Sài Gòn, chạy ra Vũng Tàu, về Lâm Đồng Đà Lạt… chẳng có ai hành tỏi gì hắn cả mặc dù các chú lúc nào cũng thấp thoáng lúc mờ lúc tỏ khắp trên các dọc đường.
Rồi một cuối tuần thứ nhì đầu tháng tám, hắn và người yêu quyết đi Phan Thiết. Trời tháng tám buổi sáng thứ sáu thật dễ chịu, không mưa, và nắng cũng không gắt, người yêu hắn cũng tỏ ra hiền lành hơn mọi khi. Người người cuối tuần ăn mặc cũng tươm tất hơn, ai cũng đẹp. Trên xe chỉ có ba người, người yêu của hắn thì bận… làm thơ, chíp hôi với cái iphone đang chít chát gì đó, còn hắn thì tập trung lái xe và… nghe đài.
Vô tình đài đang phát thanh chương trình tư vấn tình yêu, thỉnh thoảng hắn bật cười, có lúc hắn làu bàu: Sao mà cải lương thế. Chíp hôi có vẻ đồng tình không nói gì, nhưng người yêu hắn thì cứ lườm lườm nguýt nguýt mỗi khi hắn phá ra cười hay linh tinh gì đó. Đường trong khu dân cư chỉ được phép chạy không qúa 50Km/giờ nên cũng thoải mái cho hắn lái xe.
Tầm 10 giờ, xe hắn vào địa hạt tỉnh Gia Ray thuộc huyện Xuân lộc. Đang chạy ở khu vực trước ngã ba Gia Ray vài cây số bỗng có một chiếc xe của cảnh sát giao thông (loại xe tải nhỏ, có dung lượng chất được chừng 10 chiếc xe máy) đậu bên hông đường với 2 chú công an, họ giơ hiệu lệnh bắt xe hắn phải dừng. Hắn ngạc nhiên, phản ứng đầu tiên là hắn nhìn đồng hồ tốc độ, thấy còn non một chút mới đến 50Km/giờ, hắn an tâm, biết mình trước sau chạy rất cẩn thận, không phóng nhanh vượt ẩu…
Người yêu của hắn thấy hắn sign tấp vào lề thì dáo dác hỏi:
– Anh định mua gì thế? (cô này rất háu ăn)
– Mua cái gì mà mua, các chú thổi còi! Hắn trả lời.
Dừng xe xong, hắn nhẩn nha, vừa lục giấy tờ tùy thân, của xe và bảo hiểm, bằng lái xe xong thì cũng vừa lúc một chú công an đi bộ đến.
Không chào hỏi gì cả, hắn lớn tiếng gắt:
– Các chú dừng anh lại là phải có lý do đấy nhá!
Chú công an này chừng 40 tuổi, tên là Hòa, đòi và chờ cho đến khi hắn đưa các loại giấy tờ xong thì mời hắn xuống xe theo chú ấy đến chỗ chiếc xe tải công vụ đang đậu đằng sau cách đó chừng 30 mét.
Hắn ấm ức nói với theo lần nữa trước khi xuống xe:
– Các chú phải cho anh biết lý do các chú dừng xe anh lại, anh chạy rất từ tốn, không chen lấn bậy bạ… không có cái kiểu hành dân muốn làm gì thì làm.
Chú công an tên Hòa đi đến chỗ chú công an khác tầm chừng 28 tuổi mà hắn đã quên mất tên, nói gì đó với nhau và nhường cho chú trẻ này làm việc với hắn.
Hắn hỏi mà giọng như quát:
– Xe anh có vấn đề gì? Chú phải giải thích vì sao các chú dừng xe anh lại.
Chú công an trẻ (khá bảnh trai) nhẩn nha móc trong túi quần ra một chiếc máy điện thoại di động loại Samsung đời mới màn hình to, lật lật vài cái, và cho hắn xem một cái hình và bảo:
– Trước đây chừng 6 phút xe anh chạy vượt tốc độ quy định 16Km/giờ, tức là anh chạy trong vùng dân cư với tốc độ 66Km/giờ.
Hắn chững lại, nhìn cái hình trên máy, đúng là xe mình, có ghi rõ thời gian và tốc độ chạy đúng như chú công an trẻ nói. Lúc đầu hắn hơi ngỡ ngàng bởi trong quá trình vừa chạy hắn luôn luôn đề ý tốc độ, còn chủ động nhường rất nhiều những xe tốc hành đường xa muốn vượt ẩu, hắn đã lái xe một cách rất chừng mực, bình thường không thể có chuyện chạy quá tốc độ được.
Hắn bắt đầu đấu khẩu, giọng vẫn cứ ra rả:
– Anh nói cho các chú nghe, hoàn toàn không có chuyện anh chạy qúa tốc độ, cả gia đình anh ở trong xe, anh phải giữ mạng sống cho mọi người chứ, đấy chú thấy cả nhà anh ràng dây an toàn, không những thế, anh rất tôn trọng sinh mạng của những người cùng tham gia giao thông. Có thể là trường hợp bất khả kháng anh phải tăng tốc để vượt qua một chướng ngại vật nào đó rồi trở lại ngay với tốc độ bình thường, các chú chụp được hình thì các chú cũng kiểm chứng được cái phong thái chạy xe của anh, anh vượt tốc độ trong tình huống nào…
Chú công an trẻ cắt ngang:
– Nhưng mà rõ ràng anh chạy quá tốc độ…
Hắn cướp lời:
– Anh đã nói với chú rồi, có thể là trường hợp bất khả kháng chú không biết à? Các chú là công an, các chú phải hiểu những tình huống này, nó là trường hợp đặc biệt, các chú phải biết, các chú phải biết châm chước cho dân nếu là những lỗi vô tình hoặc nhẹ. Trường hợp chạy không theo luật định gây nguy hiểm cho các đối tương tham gia giao thông khác, các chú cứ phạt không ai nói gì cả…
Chú công an trẻ lại ngắt lời hắn:
– Nhưng mà rõ ràng anh chạy qúa tốc độ, anh ở nước ngoài, phạm luật là có giấy gửi về nhà ngay chứ ai châm chước cho anh, ai cho anh cãi tay đôi, ai cho anh khiếu…
Hắn đớp lại liền:
– Chú nói sai rồi, việc thứ nhất, nếu phạm luật và máy chụp tang chứng (ta gọi là bắn tốc độ) thì chú nói đúng, nhưng chỉ đúng một phần, anh có quyền khiếu nại trong vòng 2 tuần lễ vì một lý do nào đó. Ở mặt sau của tờ giấy phạt luôn có phần kê khai phản biện này. Những trường hợp tóm dọc đường như các chú đây thì hoàn toàn khác, trước hết họ hỏi “Anh có khoẻ không?” (ý là có uống bia rượu gì không?) rồi thứ đến mới nói lý do, nếu là những lỗi nhỏ như tốc độ vượt không qúa đáng, chạy loạng quạng vì lạ đường, dừng bậy bạ ở chỗ không gây ra nguy hiểm, họ nhắc nhở, có khi ngó lơ, chúc bình an và cho đi, việc thứ hai là bảng bảo trên đường, các chú về bảo với cấp trên là bảng báo giao thông cứ như là gài bẫy chuột …
Chú công an trẻ lại ngắt lời hắn:
– Suốt nãy giờ toàn anh nói mà anh lại lớn tiếng nữa…
Hắn phản pháo liền:
– Anh có vấn đề với các chú nên anh phải nói, công an nước ngoài cũng là công an nhưng luôn thân thiện với dân. Anh về Việt Nam thấy các chú làm việc khác hẳn, tươi cười với dân là chuyện coi như phải mua, hơi chút là các chú hành dân, bắt bẻ dân từng ly từng tí, lại còn móc túi dân nữa, chuyện rõ như ban ngày, đừng có chối. Các chú họp hành nội bộ, cấp trên bảo với các chú là cái gì châm chước được cho dân thì phải châm chước, nên cảnh cáo và nhắc nhở đến sự nguy hiểm tính mạng…v.v…, có đúng thế không…
Chú công an trẻ nói lại:
– Cái đó không có trên văn bản…
Giận qúa hắn lại càng lớn tiếng:
– Thế công an ăn hối lộ của dân có trên văn bản không? Ở đây anh không nói các chú ăn hối lộ bởi các chú chưa lấy tiền của anh, nhưng chuyện ăn hối lộ của công an nó hà rầm trẻ con đứa nào cũng biết, chúng nó còn ngồi trong góc đếm giùm, đời thuở nào cứ gặp dân là mắt trước mắt sau…
Đang nói tới đây thì cô bạn gái của hắn sốt ruột, cũng khoảng 15 phút rồi chứ ít gì, cô ấy xuống xe, lững thững đến chỗ hắn, nghe tới đấy cô ấy nổi đóa (cộng sản con nhà nòi mà) bắt đầu giở nghề nhà báo cách mạng. Lúc này thì cô ấy quên cà hắn, cô ấy nói nào là thông tư số x của bộ, nào là văn bản số y của chú Nhanh, rồi anh hùng núp z, các chú chọn điểm kiểm tra không đúng quy đinh gây nguy hiểm giao thông, rồi báo chí đưa tin… và còn nhiều điều mà chính hắn cũng mới nghe lần đầu không thể nhớ nổi. Nói một thôi, đã và mệt cô ấy dừng và… ho.
Hắn, sau một hồi xả hơi, nói với chú công an trẻ (chú công an lớn tuổi tên Hòa thì đứng đầu kia làm nhiệm vụ với một công dân khác):
– Thật tình với các chú, anh không muốn gì cả, anh chỉ muốn các chú cư xử tử tế với dân, lỗi nhỏ, châm chước cho dân, nhắc nhở và cảnh cáo dân, như thế dân đội các chú lên đầu. Phạt 10-20US$ với anh không là gì cả, các chú cứ việc viết giấy phạt cho hẳn hòi, ghi rõ tên tuổi chức vụ ở dưới, ghi lệnh phạt, tình huống, thêm vào lời trình bày của anh là chỉ muốn công an thông cảm với những lỗi vô tình và nhỏ, và công an phải có thái độ nhã nhặn với dân, anh ước ao rằng khi anh rời đất nước, cái hình ảnh của công an ít nhất là nó còn luẩn quẩn êm đềm, còn… công an còn mình khi nghĩ đến…
Chú công an trẻ nghe tới đấy thì ngắt lời hắn:
– Anh bảo chị đi về xe đi!
Hắn suy nghĩ một chút rồi bảo với người yêu là chú ấy nói thế thì em về xe đi. Thế là cô ấy cắp tay sau đít đỏng đảnh trờ lại xe. Còn chú công an trẻ tay cầm giấy tờ xe của hắn với biên bản đã ghi gần xong.
Không biết đã họp kín với anh công an tên Hòa lúc nào, chú công an trẻ bảo với hắn:
– Anh thấy không, suốt nãy giờ hết anh nói đến chị nói, lại còn lớn tiếng nữa. Chúng em hoàn toàn chỉ làm nhiệm vụ. Vừa nói, tay chú ấy vừa trả lại bộ giấy tờ cho hắn, chú ấy còn chúc anh chị và cháu đi bình an, nhớ cẩn thận, ở VN người ta chạy ẩu lắm, hôm nay là cuối tuần say xỉn rất nhiều.
Thoáng chốc hắn ngạc nhiên, hoàn toàn hắn chẳng bị phạt mà cũng chẳng đút lót đồng nào. Mục đích của hắn ngay từ ban đầu là không phải chí phèo để tránh phạt. Hắn cũng phải công nhận là bọn hắn đã lớn tiếng thật, hình như những cái xấu nghe về công an hằng ngày nó nén trong lòng đã lâu, xui cho hai chú công an này hôm nay gặp hạn, bị ăn quả xổ.
Hắn cũng cảm thấy đôi chút ân hận vì sự lớn tiếng của mình. Hắn ngỏ lời cám ơn và nói:
– Anh cũng chỉ muốn nhìn các chú thân thiện, thật ấn tượng lần này với các chú. Chắc chắn anh sẽ mang theo hình ảnh và cảm giác này về bên kia, cho anh xin lỗi về sự lớn tiếng!
Trong lúc trở về xe, hắn cũng không quên chào chú công an tên Hoà. Một người dân đang bị xét giấy tờ cứ trố mắt nhìn, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cả..
Chui vào xe, đang cất giấy tờ thì hai chú công an đã chầm chậm chạy về phía trước, thùng xe vẫn trống. Khởi động được một lúc sau thì xe hắn bắt đẩu vượt xe của các chú công an vừa nãy (nhưng tốc độ không quá 50Km/giờ). Người yêu hắn (xinh), và cả chíp hôi (cũng xinh) nữa, vẫy tay chào tạm biệt các chú ấy. Cả hai chú công an nhìn sang tủm tỉm cười!
Đấy, rõ ràng "thằng ấy tuy là công an nhưng mà nó tốt thật!" Không phải các chú ấy không phạt hắn là các chú ấy tốt, nhưng mà là các chú ấy biết thế nào là bạn dân. Cái cảm giác nhẹ nhàng trong suốt chuyến đi nó kéo dài cho đến hôm nay, ra đến nước ngoài, chính xác là sau ba tuần khi rời quê hương không hề nhạt đi. Lòng hắn chùng lại.
Lần đầu tiên hắn có cảm tình với công an, hắn cảm thấy gần gũi với họ. Hắn muốn nhắn gửi là ai hoặc chú công an nào ở thị xã Gia Ray thuộc huyện Xuân Lộc có đọc được bài này, biết chú Hoà và chú trẻ là ai thì cho hắn chuyển lời thăm. Hắn sẵn sàng mời các chú ấy café cà pháo cuối tuần, ngay dịp tới.
Hắn nói thật tình. (Source: Da Màu)

(3) Thơ từ Bạn bè gởi 
(i) Trần Mộng Tú: Vết Thương Nội Chiến
Trên chiếc xe ca đó
nhồi nhét bao con người
đi tìm vùng đất hứa
có đàn ông đàn bà
có người già em bé
xác thân đã nẫu chín
thành nước và bốc hơi
ứa ra cùng hy vọng
nhỏ giọt xuống mặt đường
giọt chảy như giọt lệ
ướt sũng thềm lưu vong
      Như những tảng băng đen
      lênh đênh Địa Trung Hải
      gần năm trăm con người
      và năm mươi xác thối
      ôm nhau kéo lên bờ
Em bé Syria
em chết như cá chết
xác nằm như cá ươn
tôi nghe mà nhỏ lệ
tôi nghe mà xót thương
      những thân xác da đen
      nhuộm đen vùng biển mặn
      cánh tay nào giơ lên
      vẫy vào bờ tuyệt vọng
Tôi cũng có lịch sử
của dân tộc lưu vong
có trăm ngàn xác trôi
theo con tàu đã đắm
      tôi cũng có mẹ cha
      kéo lê đường biên giới
      tôi cũng có người con
      sống biệt tăm dấu vết
Tôi cũng có nội chiến
đồng chủng bắn giết nhau
đạn bom như đồ chơi
chiến tranh như hoạt họa
bốn mươi năm đã qua
tiếng đạn bom đã ngưng
máu vẫn còn rỉ rả
      Ôi em bé Syria
      em chết như cá chết
      nằm ươn trên bến người
Ôi bà mẹ Syria
bà chết như gia súc
nằm toi trong xe ca
      Ôi tất cả chúng ta
      người chết và kẻ sống
      mang một kiếp lưu vong
      trừng mắt trong đêm đen
      nhìn vết thương nội chiến.
(*) Nguồn trên mạng-Syria bước vào năm thứ năm của cuộc nội chiến. Từ tháng 3-2011 đến tháng 1-2015, Liên Hiệp Quốc phỏng định có 220,000 người bị giết. (tmt - 30/8/15)
...................................................................................................
Kính,
TS - NGUYỄN NAM SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét