Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Chửi thề nói tục, mặt trái của văn hóa Hà Nội

000_Hkg10126268-622.jpg
Người dân uống bia tại một Lễ hội bia ở Hà Nội trước đây.
Có không ít du khách quốc tế khi đi ngang những tiệm nhậu lộ thiên của Việt Nam đã tự hỏi không biết họ nói gì mà vui thế! Cứ như hát với nhau và trong từng cử chỉ vui vẻ ấy người nước ngoài khó mà biết rằng 20 phần trăm những điều được cho là vui đùa ấy là những tiếng “F” theo tiếng Anh và nói theo tiếng Việt là “chửi thề” nói tục hoặc chí ít là những câu chuyện tiếu lâm hài hước trên cái nền của sinh hoạt tình dục.
Chửi thề đôi khi có tính phản xạ
Bàn nhậu mà không chửi thề nói tục có lẽ sẽ buồn tẻ và nhàm chán đến chừng nào. Chuyện chửi thề đã có từ hàng ngàn năm nay trên bất cứ đất nước nào kể cả đất nước có những giáo phái cấm kỵ chuyện này thì người ta vẫn chửi thề, nói tục một cách thầm kín. Nó như một căn tính của con người mà nếu bị buộc phải nhìn nhận chửi thể nói tục là một thói xấu thì con người cần phải có một bản lĩnh từ bỏ thói quen ấy như bỏ hút thuốc, bỏ rượu hay bỏ cờ bạc.
Nó là cái văn hóa nông dân ở miền đồng ruộng chân lấm tay bùn. Quần áo thì lúc lao động thì trễ tràng hở hang ra do đó rất quen trong việc mô tả những bộ phận thầm kín đến lúc ấy thì lại phô phang ra nó thành một nếp ngôn ngữ. 
Chửi thề nói tục theo các nhà tâm lý học là biểu hiện của sự phản kháng một cách tiêu cực trước các vấn đề bất công xã hội. Người ta chửi thề sau khi bị đánh, bị một thế lực mạnh mẽ và quyền lực ức hiếp hay thậm chí bị người khác coi thường, xua đuổi. Chửi thề nói tục là phản ứng cấp thời đôi khi có tính phản xạ mà bản thân người ấy không hề muốn.
Trong tình trạng người chửi thề ý thức được sự chửi ấy có khả năng giảm stress hay tiêu tán bớt những bực bội trong lòng, thì tiếng chửi thề hay nói tục nhắm vào đối tượng nhất định nào đó hoàn toàn là cách ăn miếng trả miếng và chấp nhận mọi hậu quả do tiếng chửi thề gây ra.
Thế nhưng không phải lúc nào tiếng chửi thề cũng nhằm thỏa mãn uẩn ức hay bị đè nén. Trong xã hội hôm nay, người ta có xu hướng chia sẻ với nhau giữa một cộng đồng hay hội nhóm bất cứ điều gì có thể. Trong lúc giao tiếp như thế tiếng chửi thề hay nói tục hoàn toàn chỉ là tiếng đệm vô nghĩa theo thói quen và không ai để ý tới những tiếng đệm đầy hồn nhiên như thế.
Ngay trong các bàn café người ta cũng thoải mái chửi thề. Trong lĩnh vực chính trị, chửi khi thấy một khuôn mặt tham nhũng bẩn thỉu xuất hiện, chửi khi đất nước bị đục đẽo hay nhắm mắt giao cho ngoại bang thống trị lãnh thổ một cách lộ liễu trước mắt dư luận. Tiếng chửi thề trong trường hợp này được đồng tình từ nhiều người ngồi chung bàn và dĩ nhiên nó lan rộng nếu chủ đề thích hợp cho những tiếng chửi thề tập thể. Chửi thề như vậy hầu như xảy ra hàng ngày khi xã hội có quá nhiều bất mãn từ hệ thống lãnh đạo, nhất là hiện nay tình hình Biển Đông mỗi lúc mỗi rối ren thêm.
Chửi thề suy cho cùng chỉ là con dao gỗ, dùng để sắn trái chuối chín trên bàn và chưa bao giờ làm cho một đối tượng phải từ bỏ công việc mà nó đang theo đuổi.
Nhưng nếu xét trên bình diện văn hóa, khi một quốc gia có quá nhiều tiếng chửi thề trong cộng đồng hay xã hội thì nét văn hóa của nước ấy sẽ mất đi tính chất trang nghiêm hay mỹ quan cần có. Nó cũng phản ảnh sự bức xúc xã hội đã trở nên nguy hiểm và tương quan nguyên nhân - hậu quả cần phải được xem xét cẩn thận trước khi có bất cứ một biện pháp nào nhằm kéo cỗ xe văn hóa ứng xử trở về con đường bằng phẳng trước khi nó tụt sâu xuống con vực tha hóa.
Cốt lõi nào phát sinh ra tệ nạn này?
Việt Nam trong khi vẫn tự hào có hàng ngàn năm văn hiến nhưng người dân nói tục và chửi thề nhiều và đa dạng nhất lại nằm ngay trong lòng thủ đô Hà Nội khiến không ít nhà hoạt động văn hóa trăn trở tìm hiểu cái cốt lõi nào phát sinh ra tệ nạn này và từ đó có thể tìm ra biện pháp giảm thiểu chứ chưa thể nói là triệt tiêu một cách tích cực.

000_Hkg10126251-400.jpg
Người dân uống bia tại một Lễ hội bia ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.

Giáo sư Lê Văn Lan, một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội cho rằng cái nền nã của Thủ đô sở dĩ bị dẫm đạp lên do người từ nông thôn mang vào và cùng với bước chân còn đầy vết tích sình lầy ấy họ mang theo về Hà Nội tiếng nói tục, chửi thề một cách vô tư:
“Nó là cái văn hóa nông dân ở miền đồng ruộng chân lấm tay bùn. Quần áo thì lúc lao động thì trễ tràng hở hang ra do đó rất quen trong việc mô tả những bộ phận thầm kín đến lúc ấy thì lại phô phang ra nó thành một nếp ngôn ngữ và ngôn ngữ ấy lại thể hiện lối sống của những người nông dân làm ruộng trũng, ruộng ướt. Bây giờ nó úp cái đấy vào đô thị Hà Nội phù hợp với tình thế mà Hà Nội tuy tiếng là đô thị nhưng suốt từ nhiều nghìn năm nay nó bị giằng xé bởi xu hướng cố gằng đô thị hóa nông thôn nhưng bên cạnh đó xu hướng nông thôn hóa đô thị thì lại ngày càng thắng thế mạnh mẽ và trong suốt cả nghìn năm là như thế. Bây giờ đến lúc mở rộng Hà Nội thả cửa ra cho xu hướng nông thôn hóa đô thị ngày càng lấn lướt và như thế thì tất nhiên nó sẽ dẫn tới chuyện nói tục chửi bậy của cái văn hóa nông thôn. Nó sẽ theo cái đà lấn lướt thắng lợi ấy của cái việc nông thôn hóa đô thị mà trở thành đại trà, trở thành phổ biến.”
Giới tinh hoa Hà Nội bây giờ ra sao mà không níu giữ chút truyền thống Tràng An như người Hà Nội xưa vẫn tự hào, lại để cho 36 phố phường đầy những tiếng chửi thề từ các chợ búa đầu mối tràn về? Giáo sư Lê Văn Lan lý giải:
“Nó giống như cái tình hình nước Nga cộng sản chuyển sang Xô viết có cái thời ông nhà văn nổi tiếng là Ilya Erenbua có một lần từ Nga Xô viết sang Paris và ông gặp được ở đấy những quý tộc Nga phải lưu vong vì không hợp tác được với cách mạng công nông nên họ phải sang Paris và ở đấy. Ông Erenbua lại gặp được tất cả các tinh hoa các linh hồn của văn hóa của ngôn ngữ Nga chính thống cổ truyền bây giờ bỏ nước Nga và sang Paris. Hà Nội bây giờ cũng thế những thành phần tinh hoa, tinh kết thì họ đi mất rồi. Cái lớp ấy đã đi ra khỏi Hà Nội đã vào Sài Gòn đã sang phương Tây.”
Gần đây nhất ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ra văn bản giao cho các đơn vị dưới quyền việc kiềm tra, ngăn chặn hay đôn đốc chấn chỉnh tình trạng nói tục chửi thề tràn lan tại thành phố Hà Nội. Văn bản này đề nghị bắt đầu từ nhà trường nơi có số học sinh chửi thề nói tục cần phải được kiểm soát trước khi tiến hành trên toàn xã hội.
Giáo sư Văn Như Cương hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh chia sẻ ý nghĩ của ông trước việc ông Lê Hồng Sơn nhắm tới học sinh trước tiên, ông nói:
"Nguyên nhân mà thanh niên nói tục chửi bậy là từ gia đình. Gia đình người lao động đôi lúc trong bữa ăn bố mẹ nói tục với nhau. Đón con đi học về muộn hay con bị điểm kém ngoài đánh con ra lại còn văng tục này khác các thứ là chuyện thường xuyên. "
“Trong hàng ngũ học sinh từ tiểu học cho đến phổ thông trung học thì vấn đề nói tục chửi bậy tôi cho là rất ít không phải là nhiều. Việc các em nói tục chửi bậy trong nhà trường đều bị nghiêm cấm và có những nhắc nhở, phê bình cần thiết do đó các em chấp hành khá là nghiêm chỉnh. Tuy nhiên có thể lúc đi học về hay vào chỗ khác không có trong nhà trường thì có lúc xảy ra chuyện nói tục chửi bậy.
Cái số đông hơn tôi nghĩ là trong hàng ngũ sinh viên, họ có vẻ tự do hơn họ đàn đúm với nhau nhiều hơn. Ngồi ở quán nước hay quán bia, quá cà phê chính những lúc ấy họ thường có những chuyện gì ấm ức thì họ văng tục ra. Ngoài ra số thanh niên tụ tập không công ăn việc làm tụ tập chỗ này chỗ kia thì thành phần ấy mới nhiều nơi chỗ buôn bán hay chợ búa cho nên chúng ta cần nhận định điều ấy cho rõ. Chẳng hạn như các em học sinh trường tôi tuyệt đối khôn bao giờ có chuyện nói những lời xấu xí như thế.”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện phụ trách trang văn hóa cho Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng đồng tình với giáo sư Văn Như Cương, ông nói:
“Điều đó tôi nghĩ rằng không phải chỉ có trong đội ngũ của học sinh sinh viên đâu, mà chắc có lẽ người ta muốn bắt đầu từ học sinh sinh viên. Bây giờ mình chỉ cần liếc qua các quán nhậu thôi, nghe những ngôn ngữ ở đây phải nói rằng nó không thể gọi đấy là ngôn ngữ văn hóa được. Tôi nghĩ bắt đầu từ đấy cũng là điều cần thiết và hơn nữa tôi vẫn mong là Hà Nội phải là nơi gương mẫu nhất trong cả nước cho nên đó cũng là điều cần thiết thôi.”
Kinh nghiệm về nhà nước nhúng tay vào các vấn đề văn hóa một cách nóng vội chưa bao giờ đem về kết quả của giáo sư Lê Văn Lan cho hay:
“Những người lãnh đạo Hà Nội mà tôi biết như ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy ngay cái khóa đầu tiên nhận công tác ông cũng đã phát biểu chương trình công tác của ông ấy rồi. Ông ấy muốn làm thế nào mà trong một nhiệm kỳ công tác của ông ấy thì ông ấy phá được nạn nói tục chửi bậy. Đấy là tuyên ngôn của lãnh đạo Hà Nội hẳn hoi nhưng bất lực không thực hiện được. Ông ấy đã làm đến khóa thứ hai rồi mà càng ngày thì tình thế lại càng nghiêm trọng hơn.”
Theo GS Văn Như Cương, việc nói tục chửi bậy phát suất từ gia đình, chính nó như một tấm gương mà trẻ con soi vào để ứng xử như những gì chúng thấy từ mái nhà nhỏ bé của chúng:
Nguyên nhân mà thanh niên nói tục chửi bậy là từ gia đình. Gia đình người lao động đôi lúc trong bữa ăn bố mẹ nói tục với nhau. Đón con đi học về muộn hay con bị điểm kém ngoài đánh con ra lại còn văng tục này khác các thứ là chuyện thường xuyên. Trẻ con chứng kiến việc bố mẹ chửi bới như thế nên con chị nói với con em thỉnh thoảng cũng văn tục chửi bậy nhưng đến trường thì nó lại không. Do đó sự giáo dục của nhà trường là hết sức quan trọng và sự giáo dục trong gia đình cũng quan trọng lắm.
Để những người 4-50 tuổi bỏ tính nói tục chửi bậy thì rất khó. Theo tôi vấn đề giáo dục và lên án chuyện ấy là cần thiết và phải làm thường xuyên. Ví dụ nơi bán hàng hay chợ búa nên có những câu tuyên truyền như “không nên nói tục” hay các lời hay ý đẹp thì chúng ta sẽ dần dần giảm đi được việc chửi bậy nói tục chứ còn nói phạt người người nói tục thì khó lắm bởi vì cơ chế nào, ai làm nhiệm vụ ấy, cái đội nào thì được phạt?”
Thật khó mà tưởng tượng ra người thi hành lệnh phạt về chửi tục nói bậy sẽ thực hiện ra sao khi mà anh ta không chắc rằng trong khi viết giấy phạt, lại nóng giận vì bị chọc tức có buộc miệng chửi thề do phản xạ hay không.
Kịch bản người săn tìm kẻ chửi thề nói tục để ghi giấy phạt là một tấn bi hài kịch. Không giống như công an giao thông đứng chờ người vi phạm trên đường phố để ghi giấy phạt, người ta chửi thề bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào, vậy thì đội quân rình mò ghi giấy phạt không lẽ rình rập trên cả nước nơi có con người xuất hiện hay sao?
Một mệnh lệnh hành chánh cần phải khả thi và khi ban ra phải được xã hội đồng thuận. Ngồi trong văn phòng ban lệnh mà không tham chiếu sự thật diễn ra hàng ngày bên ngoài là cung cách quan liêu của thời kỳ văn bản được lập ra bằng những chiếc máy đánh chữ. Thời đại computer đã thay đổi toàn bộ đời sống con người cho nên mọi áp đặt do duy ý chí sẽ trở thành lố bịch và khó được công luận chia sẻ.
Vấn đề chửi thề nói tục tiềm ẩn trong tất cả ngóc ngách xã hội và vì vậy biện pháp để giảm thiếu nó chỉ có thể bằng bài học vỡ lòng cho trẻ con ngay từ ngày đầu đi học. Bài học ấy phải được người lớn thực hành hàng ngày từ lòng thương yêu con cái mong muốn chúng được nên người qua cung cách ứng xử của cha mẹ trong gia đình.
Một chỗ khác quan trọng không kém là nơi tụ tập sinh hoạt đường phố, nơi mà chửi thề nói tục trở thành chăn chiếu của người cùng khổ, vô gia cư. Chính quyền có bổn phận giúp đỡ họ nhận ra giá trị bản thân hơn là xua đuổi bắt bớ giam cầm. An sinh xã hội phải đi đôi với nhân ái và điều này đã được minh chứng rất rõ trong các hội từ thiện quốc tế.
Mặc Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét