Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Cả thế giới chờ bà Janet Yellen - Ngô Nhân Dụng

_MG_7507.JPG
Rất nhiều người ở Mỹ biết ông Donald Trump; rất ít người biết tên bà Janet Yellen. Nhưng cả thế giới đang chờ coi quyết định của bà Yellen trong 12 ngày nữa; trong đó có các ông Chu Tiểu Xuyên và cả ông Tập Cận Bình!<!-0-0m-->
Janet Yellen là chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, thường gọi tắt là Fed. Ngày 16 Tháng Chín này Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ của Fed sẽ họp, trong đó bà Yellen có tiếng nói nặng nhất, ngày hôm sau sẽ cho biết lãi suất ở Mỹ có tăng hay không. Nếu Fed tăng lãi suất, kinh tế cả thế giới chịu ảnh hưởng vì kể từ năm 2006 đến giờ lãi suất chỉ giảm, giảm xuống gần số không, chứ chưa tăng lần nào.
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chỉ có bổn phận điều hành khối tiền tệ dân Mỹ đang dùng để giúp giá cả ổn định, chứ không có trách nhiệm nào đối với thế giới. Nhưng trong thực tế, họ gây ảnh hưởng ra bên ngoài, vì các nước khác khi mua bán với nhau đều thanh toán bằng đô la Mỹ.
Nếu bà Yellen nâng lãi suất ở Mỹ lên, đồng đô la Mỹ sẽ lên giá vì thêm nhiều người muốn đổi tiền nước họ lấy Mỹ kim để đưa sang Mỹ kiếm lời. Giới đầu tư khắp thế giới đã đem tiền vào Mỹ mua các trái phiếu, nhất là công trái, vì kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn suốt sáu năm nay, sau cơn khủng hoảng nặng nề bắt đầu năm 2007. Mỹ cùng với nước Ðức trở thành những nơi gửi tiền an toàn nhất, so với các nước kinh tế lớn khác. Chính dòng tiền “chảy vào chỗ trũng” này là nguyên nhân khiến đô la Mỹ lên giá từ gần hai năm nay. Bây giờ, nếu đưa tiền cho Mỹ vay còn được trả lãi cao hơn trước, thì số tiền di cư sang Mỹ còn tăng nữa. Ðó là mối lo của các nước, đặc biệt là những “nền kinh tế đang lên,” tức là những nước trước đây 30 năm còn nghèo hơn ngày nay rất nhiều.
Muốn hiểu tại sao các nước đang lên lại lo lắng nếu lãi suất ở Mỹ tăng, chúng ta cần nhìn lại xem tại sao kinh tế các nước đó có thể tăng trưởng nhanh chóng trong gần hai chục năm qua, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ khắp nơi.
Có ba hiện tượng tạo cơ hội cho các nước “kinh tế đang lên.”
Thứ nhất là cả thế giới giầu hơn nhờ gia tăng mua, bán với nhau. Một quy tắc kinh tế đơn giản là trong mọi cuộc trao đổi tự do, cả hai bên đều có lợi. Năm 2003 số hàng hóa trong thương mại quốc tế trị giá dưới 8 ngàn tỷ đô la, mười năm sau tăng lên thành 18 tỷ rưỡi. Trao đổi về dịch vụ cũng tăng từ 2 ngàn tỷ lên gần 5 ngàn tỷ. Trước đây 40 năm, các nước nghèo chỉ đóng góp một phần tư vào khối lượng mậu dịch quốc tế, bây giờ chiếm một phần ba. Hiện tượng “toàn cầu hóa” này nâng cao mức sống những nước nghèo, họ tiến với tỷ lệ cao hơn vì khởi đầu từ chỗ thấp hơn. Các nước Châu Á lợi nhiều nhất, trong đó có Trung Quốc.
Yếu tố thứ hai giúp nhiều nước nghèo phát triển nhanh là món hàng họ xuất cảng nhiều nhất là tài nguyên thiên nhiên, mà khi kinh tế thế giới lên cao thì giá các món quặng mỏ, dầu khí, gỗ, vân vân, cũng tăng.
Lý do lớn thứ ba là trong hai chục năm qua đi vay tiền được lãi suất rất thấp. Tiền vốn đổ vào các nước nghèo tạo cơ hội sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khiến cho cả ba hiện tượng trên lên mạnh hơn. Một tỷ người Trung Hoa mua nguyên liệu và nhiên liệu từ khắp nơi về để sản xuất, giúp cho các nước bán dầu khí và quặng mỏ. Trong ba thập niên dân Trung Hoa được cởi trói kinh tế, họ làm việc hùng hục nhưng được trả lương rất thấp, số tiền “cưỡng chế tiết kiệm” này được đem ra ngoài cho vay. Vì vậy lãi suất ở các nước Mỹ và các nước Châu Âu xuống thấp trong 35 năm qua. Năm 1981, lãi suất dài hạn ở Mỹ trung bình là 14.5%, hiện nay xuống chỉ còn 2.2%. Trong cùng thời gian đó, Chỉ số Dow Jones thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng từ 900 lên tới trên 17,500 trong mấy tuần qua. Hàng hóa Trung Quốc bán giá rẻ giúp cho tỷ lệ lạm phát khắp nơi xuống thấp; ngân hàng trung ương các nước lớn không bị áp lực phải tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát. Chính sách tiền tệ dễ dãi này có lúc tác hại, như đã thấy qua cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ trong những năm trước 2007.
Nhưng cả ba hiện tượng hữu ích cho kinh tế cc nước đang lên đang yếu dần, và có khuynh hướng đổi chiều. Hiện tượng lên rồi xuống biểu lộ rõ rệt nhất qua nền kinh tế Trung Quốc.
Thứ nhất, trong kinh tế toàn cầu, trong thời gian từ 1980 đến 2002, số lượng mậu dịch tăng với tốc độ nhanh hơn tỷ lệ gia tăng của số lượng sản xuất, tức GDP của thế giới. Lý do chính là vì chi phí của việc trao đổi hàng hóa càng ngày càng thấp; vì lợi tức trung bình lên cao giúp người ta mua đồ nhập cảng nhiều hơn; và vì việc sản xuất hàng xuất cảng có hiệu quả tăng nhanh hơn. Tình trạng này hiện đang đảo ngược: Trong bốn năm qua, mậu dịch quốc tế tăng lên với tỷ lệ thấp hơn tốc độ tăng trưởng của GDP. Các nền kinh tế đang lên đều đặt trọng tâm vào việc sản xuất hàng xuất cảng thay vì hàng tiêu thụ nội địa, chính sách này đang gặp khó khăn. Nỗi khó khăn của một nước lớn như Trung Quốc sẽ lan sang các nước khác.
Vì vậy, giá bán nguyên liệu và nhiên liệu giảm. Năm ngoái giá một thùng dầu có lúc lên tới $110 đô la Mỹ, năm nay đã xuống $50, có lúc xấp xỉ 40 đô la một thùng. Các thứ kim loại từ sắt đến đồng đều xuống giá.
Nếu trong ba chục năm trước kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tạo cơ hội cho kinh tế nhiều nước khác cùng lên, thì ngày nay có tình trạng ngược lại. Trung Quốc không thể tiếp tục chỉ chuyên lo làm hàng xuất cảng; không thể tiếp tục trao tiền cho các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vô ích. Hành động phá giá đồng nguyên và cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán khiến cả thế giới nhìn nước Tàu lo ngại.
Hiện nay kinh tế các nước Châu Âu và Nhật Bản vẫn còn trì trệ, nhưng kinh tế Mỹ đã hồi phục chậm chạp và vững chắc từ sáu năm qua. Khi kinh tế lên, mối lo nẩy sinh là lo lạm phát. Vì vậy, từ đầu năm 2015, trong giới lãnh đạo tiền tệ ở Mỹ nhiều người đã nói đến lúc phải tăng lãi suất. Từ đầu năm nay, cả thế giới tin rằng lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên trong phiên họp của Hội Ðồng Tiền Tệ (Open market committee) ngày 16, 17 Tháng Chín này.
Nếu trong hai tuần nữa bà Janet Yellen báo tin Mỹ tăng lãi suất, cả thế giới sẽ lo. Ðồng đô la sẽ lên giá khi người ta đổi lấy Mỹ kim đem vào Mỹ. Rất nhiều quốc gia đi vay nợ nước ngoài bằng đô la, cũng như nhiều người Việt Nam muốn cho vay bằng “cây vàng.” Khi đô la lên giá, các con nợ phải trả lãi bằng đô la sẽ khốn đốn vì tiền họ kiếm ra được vẫn là tiền bản xứ. Trong số các con nợ này có các công ty lớn và cả các chính phủ. Tiên đoán nỗi rủi ro này, kể từ Tháng Năm, 2015, trái phiếu do các nước đang lên phát hành đã phải trả lãi suất cao hơn.
Khi tiên đoán các nước kinh tế đang lên sắp gặp khó khăn, đồng tiền trong nước họ cũng bỏ chạy. Giữa Tháng Tám 2015, nhật báo The Financial Times cho biết, trong 14 tháng kể từ Tháng Sáu năm 2014, một khối lượng gần một ngàn tỷ đô la (940 tỷ) từ các nước kinh tế đang lên đã di tản! Mỹ sẽ tiếp tục thu hút tiền vốn của thế giới, nghĩa là tiền đầu tư vào các nước khác sẽ hiếm hoi hơn trong lúc họ đang cần nhất.
Vì vậy, kể từ ngày Thứ Hai, 24 Tháng Tám, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giá ào ạt lần thứ nhì trong một tháng, rất nhiều người đã đề nghị bà Janet Yellen khoan khoan, đừng nâng lãi suất Mỹ lên, Ngay trong giới lãnh đạo chính sách tiền tệ ở Mỹ, cũng có người can. Họ nêu ra các lý do chính đáng: Kinh tế Mỹ chưa bị áp lực lạm phát, vì vẫn tăng trưởng ở mức độ vừa phải, chưa quá nóng. Lương bổng công nhân chưa tăng đáng kể. Lạm phát trong Tháng Bảy 2015 còn ở mức 1.2% trong khi chính Ngân Hàng Trung Ương vẫn chọn mục tiêu là giá cả nên tăng 2% một năm. Ðó là tỷ lệ vừa phải để kích thích người sản xuất muốn làm thêm hàng để bán (sẽ được giá cao hơn 2%) còn người tiêu thụ thì muốn mua sớm trước khi giá tăng; cả hai đều kích thích kinh tế!
Ngày Thứ Sáu, 4 Tháng Chín, một tin mừng kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm từ 5.3% xuống 5.1%. Một số thống kê mới cũng cho biết chỉ có 173,000 công việc làm mới tạo ra trong Tháng Tám, thấp hơn con số trung bình 212,000 mỗi tháng kể từ đầu năm nay, khiến chỉ số Dow Jones giảm 1.66%. Nhưng theo kinh nghiệm thì con số “jobs” Tháng Tám xưa nay đều quá thấp so với sự thực, trong tương lai có thể sẽ được điều chỉnh lên thêm 79,000 jobs nữa. Như vậy là kinh tế Mỹ đang lên nhanh hơn, nối lo ngăn chặn lạm phát vẫn còn đó, bà Yellen có trách nhiệm “lo trước cái lo của thiên hạ,” bằng các tăng lãi suất. Cả hai “tin mừng” cho kinh tế Mỹ đều là “tin buồn” cho thế giới bên ngoài, nhất là các nền kinh tế đang lên!
Trong hai tuần sắp tới, giới lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ phải theo dõi xem sự thực kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn tới mức nào. Chính quyền Trung Cộng còn khả năng ngăn không cho thị trường chứng khoán xuống nữa hay không, khi chỉ số Thượng Hải tụt mất 3% trong tuần lễ Mừng Chiến Thắng Nhật? Ngày 10 Tháng Chín họ cũng đón coi Ngân Hàng Trung Ương Anh quốc có quyết định tăng lãi suất như mọi người chờ đợi hay không? Trong khi Nhật Bản, Âu Châu và Trung Quốc đang cần phải giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích kinh tế, thì Anh và Mỹ là hai nước tính làm ngược lại. Nhưng kinh tế cả hai nước này cũng không thể lên nếu kinh tế toàn thế giới trì trệ hoặc suy thoái!
Bà Janet Yellen có thể chỉ nâng lãi suất căn bản ở Mỹ thêm 0.25%, hậu quả cho thế giới bên ngoài sẽ không đến nỗi quá nặng. Tuy nhiên, dù lãi suất Mỹ lên rất nhẹ, hậu quả tâm lý vẫn quan trọng, vì đây là lần đầu tiên lãi suất ở Mỹ tăng lên sau hàng chục năm. Các ông Chu Tiểu Xuyên và cả ông Tập Cận Bình rất lo. Trong hai tháng vừa qua số tiền vốn từ Trung Quốc chạy ra nước ngoài lên tới hàng trăm tỷ đô la mỗi tháng. Nếu Bắc Kinh phải cắt lãi suất lần nữa để kích thích người ta mua cổ phiếu, trong khi lãi suất ở Mỹ tăng, thì càng nhiều người muốn “gánh vàng đi đổ sông Bô (Potomac)!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét