Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

                                       (ấn bản Tu chỉnh ngày 25.09.15
                   Văn Bút Quốc Tế vẫn đòi nhà cầm quyền cộng sản
    trả tự do vô điều kiện cho nhà báo Tạ Phong Tần 
          
 Chúng ta cần nói cho công luận thế giới biết rằng Tù nhân Ngôn luận và Lương tâm, cũng như Tù nhân Chính trị, trong chế độ Việt cộng, đều là những người bị bắt làm con tin – tồi tệ, bất nhân hơn nữa, làm món hàng để trao đổi, mua bán.
<!-->
                                Tù nhân như một con tin
 Thật vậy, đêm 19 tháng Chín năm 2015, bà Tạ Phong Tần vừa đặt chân lên mảnh đất tạm dung, quê quán của Những Chùm Nho Phẫn Nộ, Ở Về Phía Đông Eden…, không khác gì mười một tháng trước, nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đã đến đây, xứ sở của Người Nghệ Sĩ Dấn Thân…
Trước biến cố này, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã nói với Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù : Cộng sản vừa lén lút tổ chức bắt bà Tạ Phong Tần ra khỏi trại giam rồi buộc bà đi lưu đày tận Hoa Kỳ. Bà không có quyền tự do để lựa chọn. Bà đã bị cộng sản hành hạ trong 4 năm tù rồi. Bà từng tuyệt thực lâu mấy tuần lễ để phản đối. Bà đau yếu, mắc nhiều chứng bệnh. Còn 6 năm tù giam và 5 năm tù quản chế nữa. Gia đình bà không hề được thông báo trước ngày giờ bà bị một đám đông công an mật vụ áp giải ra phi trường. Và tàn nhẫn hơn nữa, cộng sản chỉ cho người tù yêu nước dũng cảm Tạ Phong Tần được tạm hoãn thi hành bản án bất công, 10 năm tù giam kèm thêm 5 năm tù quản chế. Thân Mẫu của bà Tạ Phong Tần đã phải chết bằng tự thiêu để phản đối việc con gái của Bà bị cộng sản giam cầm độc đoán.
Chúng ta phải tiếp tục tố cáo hành vi bất nhân, vô liêm sĩ và vi luật trắng trợn của cộng sản. Đó là những tội ác đối với tù nhân mà vài trường hợp điển hình được biết : linh mục Nguyễn Văn Lý (bại liệt một phần thân thể mà vẫn còn bị đày đọa trong trại giam) hay là tù nhân thế kỷ Trương Văn Sương (đã chết non một tháng sau khi bị đưa trở lại trại giam), hay là nhà giáo Đinh Đăng Định (đã chết vài tuần sau khi nhận giấy ‘’ân xá’’ để về nhà). Những vị tù nhân kể trên đều ‘’được tạm hoãn thi hành án tù giam để trị bệnh hoặc vì lý do nhân đạo’’. Trước nữ tác giả nhựt ký điện tử Công Lý và Sự Thật, ngày 21 tháng Mười năm 2014, cộng sản cũng đã áp dụng biện pháp cưỡng bức lưu đày xa quê hương tương tợ đối với nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải; ngày 7 tháng Tư năm 2014, nhà luật học Cù Huy Hà Vũ; và ngày 23 tháng Sáu năm 2011, nhà thơ và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.
Chúng tôi vui mừng vì bà Tạ Phong Tần vừa thoát khỏi địa ngục cộng sản. Vì là người Việt Nam tự do và công dân nước Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi từng biết thế nào là chế độ ngục tù thực dân Pháp và ngục tù cộng sản Việt Nam. Nhứt là cộng sản Bắc Việt (phía bắc vĩ tuyến 17), còn gọi là VNDCCH và sau ngày dùng bạo lực quốc tế cộng sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam Tự Do, đổi tên ra CHXHCNVN. Cho nên chúng tôi luôn luôn cảm nhận và thấu hiểu niềm lo lắng sâu xa, nỗi đau buồn phẩn uất của gia đình những tù nhân ngôn luận và lương tâm cùng tù nhân chính trị, nạn nhân của cộng sản. Mỗi ngày, mỗi tuần còn bị biệt giam, bị tù thường phạm đại hình tổ chức đánh đập, làm nhục…thì bà Tạ Phong Tần có cơ nguy rất lớn - cái chết thường trực đứng sau lưng hay trước mặt bà. Bởi vì bạo quyền Hà Nội, lính đánh thuê và nô dịch cho Bắc triều, sẽ không để cho người trí thức yêu nước, bất khuất đó, được sống sót đến ngày mãn hạn tù giam.
Nhưng chúng ta không thể chỉ bằng lòng với cái gọi là ‘’tù nhân được trả tự do’’ kiểu ấy. Chào đón ông Điếu Cày ra khỏi trại tù cộng sản năm ngoái, chúng tôi đã cảnh báo và tố cáo trên báo chí Thụy Sĩ và thế giới : Đây là bước đầu của những cuộc trao đổi tưởng chỉ xảy ra ở Phi châu và Trung Cận Đông. Chế độ độc tài, bạo quyền cuồng tín, quân khủng bố  đem Con Tin đổi lấy Vũ Khí sát nhân và áp bức ! Coi chừng không bao lâu nữa sẽ có thêm tù nhân ngôn luận và lương tâm khác bị đưa vào chỗ mà cộng sản đã biệt giam ông Điếu Cày trong mấy năm qua. Từ một nước Việt Nam bất hạnh còn bị cộng sản đày đọa, tước đoạt nhân phẩm và nhân quyền, máy bay dân sự ngoại quốc sẽ tiếp tục chở tù nhân ngôn luận và lương tâm, và tù nhân chính trị, như những con tin, cất cánh bay về một góc biển chân trời, một miền đất cưỡng bức lưu đày vô định nào đó.
Được biết, hồi đầu tháng Mười năm 2014, đúng 3 tuần trước khi có tin tù nhân Điếu Cày bị lưu đày biệt xứ, Đại hội thế giới Văn Bút Quốc tế kỳ thứ 80 tại Bishkek, thủ đô nước Kirghizistan, đã đồng thanh thông qua một bảnQuyết Nghị về Việt Nam. Bản văn do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại biên soạn, với sự tán trợ của hai Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức và Ý thoại. Hiệp hội các Nhà Văn thế giới cực lực tố cáo cộng sản tiếp tục chà đạp quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm, hành hạ, ngược đãi và giam cầm nhiều nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và các nhà tranh đấu bảo vệ Nhân Quyền. Bản Quyết Nghị nêu lên bốn trường hợp đáng quan tâm nhứt là LMNguyễn Văn Lý, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, bà Hồ Thị Bích Khương và bà Tạ Phong Tần.
Đến cuối tháng Năm 2015 mới đây, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã tham dự Hội Nghị Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù tại Amsterdam, Hòa Lan, chuẩn bị cho Đại hội thế giới Văn Bút Quốc tế kỳ thứ 81 tại Bắc Mỹ. Đại diện cho Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đã lưu ý các văn hữu về sự kiện ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành tù nhân vì dấn thân bảo vệ Nhân Quyền, Công bằng Xã hội và Tự do Dân chủ. Có những người Mẹ, người vợ, người chị, người em gái bị bắt giữ độc đoán, bị đánh đập, tra tấn, câu lưu ngắn hạn hoặc bị áp đặt những bản án tù giam nặng nề. Bà Tạ Phong Tần và bà Hồ Thị Bích Khương là mối quan tâm hàng đầu của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại. Trước đó, cuối tháng Tư đầu tháng Năm 2015, tại Hội Chợ Quốc tế Sách Báo Genève, Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đã đặc biệt giới thiệu hai bản Kháng Nghị Thư, một bản dành cho nhà văn Lưu Hiểu Ba,Nobel Hòa Bình và vợ ông, nhà thơ Lưu Hà và một bản cho bà Tạ Phong Tần và bà Hồ Thị Bích Khương (Bản Tin LHNQVN-TS . Văn Bút Quốc Tế và Hội Chợ Quốc Tế Sách Báo Genève 2015). Ngoài ra, Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại cũng tố cáo cái gọi là ‘’tòa án nhân dân’’ của cộng sản đã tuyên phạt nhiều bản án tù giam vô nhân đạo và bất công, thật nặng nề. Và nêu ra trường hợp những án tù giam từ hai năm trở lên, như ông Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm), ông Ngô Hào(15 năm), ông Đặng Xuân Diệu (13 năm), ông Hồ Đức Hòa (13 năm), Mục sư Nguyễn Công Chính (11 năm), bà Nguyễn Đặng Minh Mẫn (9 năm), ông Trần Vũ Anh Bình (6 năm), cựu tù nhân Nguyễn Kim Nhàn (5 năm 6 tháng), ông Đinh Nguyên Kha (4 năm), ông Việt Khang Võ Minh Trí (4 năm), bà Bùi Thị Minh Hằng (3 năm), ông Nguyễn Văn Minh (2 năm 6 tháng) và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (2 năm)…
Tiểu sử, thân thế nhà báo và nhà luật học Tạ Phong Tần
 Bà Tạ Phong Tần là tác giả nhựt ký điện tử Công Lý và Sự Thật có sáng tác phong phú, bà còn là một nhà luật học và hội viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Bị bắt ngày 5 tháng 9 năm 2011, mãi đến ngày 24 tháng 9 năm 2012 bà mới bị kết án 10 năm tù giam và 5 năm tù quản chế về cái tội ''tuyên truyền chống nhà nước''. Bà là tác giả của hơn 700 bài viết về các vấn đề ‘’nhạy cảm’’, bao gồm tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tịch thu độc đoán đất của người dân cô thế và ngược đãi trẻ con. Những bài viết cho nhựt ký của bà được đọc nhiều nhứt trên các cơ quan truyền thông lớn và được phổ biến trên trang thông tin đài BBC. Từ năm 2008, bà bị tạm giam ngắn hạn nhiều lần. Công an đã sách nhiễu bà thật hung bạo. Đảng cộng sản thu hồi tư cách đảng viên của bà. Ngày 30 tháng 7 năm 2012, bà Đặng Thị Kiêm Liêng, thân Mẫu tù nhân Tạ Phong Tần, qua đời sau khi tự thiêu để phản đối việc giam cầm bất công con gái của bà. Vẫn không nhận tội, bà Tạ Phong Tần bị hành hạ, ngược đãi trong trại tù. Bà bị lưu đày tại trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, cách xa quê hương Bạc Liêu của bà hơn 1700 cây số. Sức khỏe của bà càng thêm suy sụp và yếu kém. Thân nhân gia đình và cô em gái Tạ Minh Tú vô cùng lo ngại cho sinh mạng của bà nếu bà không được trả tự do tức khắc và vô điều kiện.
          Năm 2011, có người Việt Nam trong số 48 tác giả từ 24 quốc gia được tổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch trao Giải thưởng Hellman/Hammet. Bà Tạ Phong Tần được vinh danh cùng với  ông Cù Huy Hà Vũ, bàHồ Thị Bích Khương, ông Lê Trần Luật, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Phan Thanh Hải và ông Vi Đức Hồi.  Tạ Phong Tần còn được trao tặng Giải Phụ nữ Can đảm của thế giới năm 2013. Cũng trong năm đó, bà được bầu vào danh sách bốn ứng viên chung kết Giải Tự Do Ngôn Luận và Báo Chí của tổ chức uy tín quốc tế Index on Censorship.
Bà Tạ Phong Tần là một trong những người cầm bút chân chính, những người yêu nước dũng cảm, đối kháng độc tài cộng sản, nguồn gốc của quốc nạn tham nhũng và bất công xã hội ở Việt Nam. Bà có thể tin chắc rằng chúng ta và bạn hữu thế giới không bao giờ  đồng lõa hay thỏa hiệp bằng sự im lặng với chế độ cộng sản hiện nay.
Cũng nên nói thêm rằng bà Tạ Phong Tần là tác giả một bài viết trên Nhựt ký điện tử châm biếm đầy thâm thúy tờ báo công an cộng sản đã vu khống, đả kích Văn Bút Quốc Tế và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt.
                    Kháng Nghị thư của Văn Bút Quốc Tế
 Trong một Kháng Nghị thư phổ biến toàn cầu ngày 24 tháng Chín năm 2015, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù (Comité des Ecrivains en Prison/Persécutés de PEN International/CODEP/WIPC) đã chào mừng bà Tạ Phong Tần vừa ra khỏi trại tù cộng sản. Văn Bút Quốc Tế nhắc lại bản án tù giam 10 năm bất công và vô nhân đạo mà cộng sản đã áp đặt đối với bà. Văn Bút Quốc Tế cũng tố cáo cộng sản đã áp giải bà từ trại tù Thanh Hóa đến phi trường Nội Bài Hà Nội để lên máy bay đi Hoa Kỳ. Văn Bút Quốc Tế hết sức bất bình vì vị nữ tù nhân Tạ Phong Tần đã bị cộng sản bắt buộc đi lưu vong, bỏ lại thân nhân gia đình. Trong lúc đó, bạo quyền Hà Nội chỉ ra quyết định ‘’tạm hoãn thi hành bản án tù giam’’ (để đi trị bệnh?).
Văn Bút Quốc Tế đã gởi ngay Kháng Nghị thư đến nhà cầm quyền cộng sản. Đồng thời yêu cầu các Trung tâm Văn Bút sớm gởi Kháng Nghị thư tương tợ, để
 * Chào mừng nhà báo và tác giả nhựt ký điện tử Tạ Phong Tần (bút hiệu Công Lý và Sự Thật) đã ra khỏi trại tù ngày 19 tháng Chín năm 2015. Tuy nhiên Văn Bút Quốc Tế trách cứ nhà cầm quyền cộng sản chỉ trả tự do có điều kiện cho bà Tạ Phong Tần, bằng sự cưỡng bức tù nhân lưu đày ra ngoại quốc và chỉ tạm hoãn thi hành án tù giam; 
 * Thúc giục nhà cầm quyền cộng sản công nhận bà Tạ Phong Tần được quyền tự do trở về Việt Nam;
 * Thúc giục nhà cầm quyền cộng sản hủy bỏ tức khắc bản án tù giam và tù quản chế đã áp đặt đối với bà Tạ Phong Tần; 
 * Thúc giục nhà cầm quyền cộng sản phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những nhà văn và nhà báo bị giam cầm chỉ vì hành sử ôn hòa quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm của mình.
 Nguồn tin, tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, phó chủ tịch Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại (đặc trách Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù), hội viên Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong, Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc – Genève UNSW, Hội Nhà Văn và Nhà Phiên Dịch Vùng Á châu – Thái Bình dương APWT, Hội Nhà Báo Thụy Sĩ Độc lập Ch-Media và Hiệp Hội Quốc Tế Báo Chí Pháp thoại UPF.
 Genève ngày 24 tháng Chín năm 2015                 Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland.
                             ----------------------------------------------------------------
Ghi chú thêm: Thông cáo/Kháng nghị thư của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù còn được phổ biến trên hệ thống IFEX Action Alert Network (International Freedom of Expression Exchange/Trao Đổi Quốc Tế Quyền Tự Do Phát Biểu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét