Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

ĐẠI THI HÀO LÝ BẠCH TRONG TÂM TƯ NGƯỜI ÂU-MỸ - Đàm Trung Pháp

Li Bai, also known as Li Bo, of the High Tang period, 701-762.   He was one of the two leading figures of Chinese poetry.

Vì lý do thực tế, những đoạn trích dẫn thi ca Lý Bạch trong bài viết này sẽ được ghi theo lối phát âm Hán Việt quen thuộc của chúng ta, thay vì bằng phương thức “pinyin” (phanh âm) để ghi âm quan thoại. Đây cũng là một điều lợi, vì lối phát âm Hán Việt vốn gần gũi với lối phát âm chữ Hán đời Đường. Để thêm hứng thú cho độc giả, xen kẽ vào giữa các bài hoặc đoạn thi ca trích dẫn của Lý Bạch và phần chuyển sang tiếng Anh là những bài hoặc đoạn chuyển sang tiếng Việt của các dịch giả lừng danh. Người Âu-Mỹ thường chỉ đọc thơ Trung Quốc qua các bản dịch sang ngôn ngữ của họ.

Trong số các thi hào Trung Quốc, có lẽ Lý Bạch (701-762) đời nhà Đường là người được các dịch giả Anh-Mỹ chiếu cố đến nhiều nhất. Lý do chính của sự thiên tư này rất có thể là vì thơ họ Lý không mang nặng bản chất uyên bác với nhiều điển tích lòng thòng phức tạp. Thực vậy, “giản dị” và “dễ cảm thông” là hai đặc trưng nổi bật nhất trong thơ Lý Bạch, theo nhận định của giáo sư James Hargett, hiện dạy văn chương Á châu tại State University of New York . Trong bài “The Poetry of Li Bo” trong cuốn Great Literature of the Eastern World (Ian McGreal hiệu đính, Harper Collins xuất bản năm 1996), Hargett trích bài tuyệt cú “Tĩnh Dạ Tứ”, do Arthur Cooper bên Anh Quốc chuyển ngữ năm 1973, để chứng minh nhận định ấy:

Sàng tiền khán nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Đầu giường chợt thấy bóng trăng,
Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa.
Ngửng đầu trông vẻ gương nga,
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn.
(Dịch giả Trần Trọng Kim)

Before my bed there is bright moonlight
So that it seems like frost on the ground:
Lifting my head I watch the bright moon,
Lowering my head I dream that I’m home.

Hai đặc trưng dễ mến ấy cộng thêm những ý niệm cận kề với con tim nhân loại (như khi cô đơn, ta hiểu thế nào là yên tĩnh; đôi khi ta ân hận đã xa nhà và những người thân yêu; và thế giới đổi thay, tiền tài danh vọng có nghĩa gì đâu, tại sao không tận hưởng ngày xuân nhỉ) đã khiến Hargett và nhiều người khác bên trời Âu-Mỹ mến mộ thơ Lý Bạch. Giáo sư Stephen Owen hiện dạy văn chương Trung Quốc tại Harvard và đã dịch nhiều thơ Tàu sang Anh ngữ rất chuộng bài “Tương Tiến Tửu” của họ Lý mà trong đó luận đề “carpe diem” (tương đương với “xuân bất tái lai”) vốn không xa lạ gì với người phương tây, được ngợi ca tuyệt vời. Trong một tuyển tập đồ sộ các tuyệt tác phẩm văn học hoàn cầu đang được dùng trong nhiều đại học Hoa Kỳ mang danh The Norton Anthology of World Materpieces (Volume I, do Maynard Mack hiệu đính, Norton xuất bản năm 1995), Owen đã dịch đoạn đầu của bài thơ theo thể nhạc phủ hào phóng và tráng lệ ấy (“Bring in the Wine”) như sau:

Quân bất kiến
Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Quân bất kiến
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt ….

Thấy chăng ai:
Nước sông Hoàng xuống tự trời kia,
Chảy mau ra biển, chẳng quay về.
Thấy chăng ai:
Gương sáng nhà cao, thương tóc bạc,
Sớm tựa tơ xanh, chiều thành tuyết.
Ở đời đắc ý cứ vui chơi,
Chớ để chén vàng trơ dưới nguyệt …
(Dịch giả Trần Trọng San)

Look there!
The waters of the Yellow River,
coming down from Heaven,
rush in their flow to the sea,
never turn back again.
Look there!
Bright in the mirrors of mighty halls
a grieving for white hair,
this morning blue-black strands of silk,
now turned to snow with evening.
For satisfaction in this life
taste pleasure to the limit,
And never let a goblet of gold
face the bright moon empty ….

Một bài nhạc phủ nữa rất được phương tây ngợi ca là bài “Thục Đạo Nan” trong đó Lý Bạch dùng ngôn từ khuếch đại và giọng văn khẩn trương để dựng lên một cảnh trí cực kỳ sinh động khiến người đọc phải choáng váng, theo nhận định của Hargett. Quả thực, trong cảnh trí ấy – với những con đường cheo leo nguy hiểm chỉ có chim mới bay qua nổi, đất lở, núi xụp, thác chảy, ban mai phải lánh cọp dữ, buổi chiều phải tránh rắn dài – người đọc không thể không đồng ý với thi bá họ Lý rằng:

Y hu hy, nguy hồ, cao tai,

Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên !

Nay xét lại cho kỹ, Lý Bạch chẳng ngoa chút nào, vì con đường từ Trường An (Changan) kinh đô văn vật đời Đường, nay gọi Tây An (Xian) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), sang đất Thục nay là tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), phải vượt dẫy núi Tần Lĩnh (Qinling) hiểm trở. Ngày nay muốn vào thủ phủ của Tứ Xuyên là Thành Đô (Chengdu), du khách phải vượt đoạn đường chông gai dài hơn 400 dặm với trên 300 đường hầm xuyên núi và gần 1000 cây cầu cheo leo ! Cô ký giả Shirley Sun trong cuốn Journey into China (do National Geographic Society xuất bản năm 1982) đã dịch dùm du khách tây phương hai câu thơ lẫy lừng nêu trên của Lý Bạch như thế này:

Eheu! How dangerous, how high!
It would be easier to climb to HeavenThan walk the Sichuan Road!

Kể từ khi dịch giả Arthur Waley cho ra đời cuốn sách One Hundred and Seventy Chinese Poems vào năm 1918 tại Luân Đôn, phương tây bắt đầu chú ý đến những đại danh như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị. Những bài thơ dịch xuất sắc của Waley đã ảnh hưởng đến một số thi nhân Âu-Mỹ, nhất là hai tên tuổi lớn William Butler Yeats và Ezra Pound. Gần đây hơn, năm 1987, dịch giả Greg Whincup người Gia Nã Đại đã cho ra mắt cuốn The Heart of Chinese Poetry (nhà xuất bản Anchor Books), trong đó có 10 bài thơ Lý Bạch. Trong lời nói đầu của cuốn sách chứa đựng 57 bài thơ dịch, Whincup thiết tha tâm sự: “Thi ca được coi là nữ hoàng của nghệ thuật cổ truyền Trung Hoa, và những thi nhân tài hoa nhất mọi thời đại đều vang rền tên tuổi. Vì chúng ta là thành phần của cùng một nhân loại, văn hóa Trung Hoa cũng là văn hóa chúng ta. Trái tim thi ca Trung Hoa cũng đập trong lòng chúng ta nữa ….”
Người phương tây muốn học chữ Hán qua thi ca chắc chắn sẽ hài lòng với cuốn sách của Whincup. Ngoài các bài dịch sang Anh ngữ rất chỉnh, cuốn sách còn cho các bài thơ ấy hiện lên bằng chữ Hán phồn thể, cộng với lối phát âm quan thoại (theo ký hiệu phiên âm của Đại học Yale), và nhất là những lời chú giải khá hấp dẫn của dịch giả. Mười bài thơ họ Lý được Whincup cho vào tuyển tập là các bài “Sơn Trung Vấn Đáp”, “Tống Hữu Nhân”, “Tặng Mạnh Hạo Nhiên”, “Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng”, “Hoành Giang Từ”, “Tự Khiển”, “Tảo Phát Bạch Đế Thành”, “Xuân Tứ”, “Ngọc Giai Oán”, và “Thính Thục Tăng Tuấn Đàn Cầm.”
Theo Whincup, Lý Bạch là người tài hoa trác tuyệt nhất trong các thi nhân Trung Quốc, có thể ví như một thần linh, một động lực của thiên nhiên không chấp nhận một bó buộc nào của nhân sinh mà chỉ thích làm thơ, uống rượu, vui với trăng sao và bè bạn. Whincup đã khéo lựa những bài tuyệt tác của Lý Bạch để minh chứng cho nhận định của mình về thi ca vị thần thơ ấy. Dưới con mắt Whincup, bài ngũ ngôn bát cú “Tống Hữu Nhân” thực kiệt xuất về cả hình thức lẫn nội dung:

Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thủy nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.
Chạy dài cõi Bắc non xanh
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa muôn dặm biết đâu cánh bồng.
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà,
Vẫy tay thôi đã rời xa
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo!
(Dịch giả Tản Đà)
Green mountains
Lie across the northern outskirts
Of the city.
White water
Winds around the eastern
City wall.
Once we make our parting
Here in this place,
Like a solitary tumbleweed
You will go
Ten thousand miles.
Floating clouds
Are the thoughts of the wanderer.
Setting sun
Is the mood of his old friend.
With a wave of the hand
Now you go from here.
Your horse gives a whinny
As it departs.

Yếu tố cân đối song hành (parallelism), vốn hiếm thấy trong thi ca tây phương, làm cho bài thơ rực sáng, chẳng hạn mỗi chữ trong câu 1 có một chữ đối ứng hoàn mỹ trong câu 2:
Thanh (Green) // Bạch (White)
Sơn (Mountains) // Thủy (Water)
Hoành (Lie across) // Nhiễu (Winds around)
Bắc (Northern) // Đông (Eastern)
Quách (Outskirts) // Thành (City wall)
Những hình ảnh chất ngất cảm xúc đối ứng nhau trong câu 5 và 6 (Phù vân // Lạc nhật) chính là trái tim của bài thơ, và hai câu chót dẫn người đọc chơi vơi đến phút chia tay.
Giáo sư Stephen Owen trong cuốn sách An Anthology of Chinese Literature: Beginning to 1911 (do chính ông hiệu đính và dịch thuật, Norton xuất bản năm 1996) đã nhận định Lý Bạch như “một nghệ sĩ với những cử chỉ và khoa trương lớn hơn cả đời sống” (“a performer whose gestures and claims were larger than life”). Những nền văn minh lớn thường được xây dựng trên sự tiết chế của người dân, và do đó, như thể để được đền bù, họ dễ bị thu hút bởi những bậc tài danh đứng ngoài vòng kiềm tỏa của quy ước xã hội. Theo Owen, cái cử chỉ “đứng ngoài vòng” rất ngông ấy của họ Lý, phản ánh trong thơ như một chân dung tự họa, đã khiến thơ Lý Bạch càng thêm hấp dẫn. Điển hình là bài “Nguyệt Hạ Độc Chước” (“Drinking Alone by Moonlight”) mà Owen chuyển ngữ dưới đây:

Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tinh thời đồng giao hoan,
Túy hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.

Trong hoa rượu ngọt một bầu,
Một mình chuốc chén có đâu bạn bè.
Mời trăng cất chén kè nhè,
Thân ta, bóng ấy, trăng kia, ba người.
Trăng thì tiếp rượu không nguôi,
Bóng ta theo mãi không rời thân ta.
Bạn cùng trăng bóng vẩn vơ,
Vui chơi khuây khỏa để chờ ngày xuân.
Ta ca trăng cũng băn khoăn,
Khi ta nhảy múa, bóng lăn lộn hoài.
Cùng nhau khi tỉnh vui cười,
Say rồi nghiêng ngửa, mọi nơi rạc rời.
Vô tình giao kết chơi bời,
Hẹn nhau ở chỗ xa khơi cõi trời.
(Dịch giả Trần Trọng Kim)

Here among flowers one flask of wine,
with no close friends, I pour it alone.
I lift cup to bright moon, beg its company,
then facing my shadow, we became three.
The moon has never known how to drink;
my shadow does nothing but follow me.
But with moon and shadow as companions the while,
this joy I find must catch spring while it’s here.
I sing, and the moon just lingers on;
I dance, and my shadow flails wildly.
When still sober we share friendship and pleasure,
then, utterly drunk, each goes his own way –
Let us join to roam beyond human cares
and plan to meet far in the river of stars.

Và rồi sau cùng, cả đến cái chết ôm trăng của Lý Trích Tiên, tuy huyễn hoặc, nhưng cũng nên thơ làm sao trong tâm tư người phương tây! Quả vậy, theo lời giáo sư James Hargett, một Lý Bạch lịch sử và một Lý Bạch huyền sử sẽ muôn đời là một, và điều này chỉ làm gia tăng mức hấp dẫn cho vị thi thánh ấy mà thôi.

ĐÀM TRUNG PHÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét