Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

“Nổ như tạc đạn” Đặng Mỹ Hạnh

tu chup anh chan dung1
Một tay cầm máy ảnh giương ra hết cỡ, một tay chèo xuồng, miệng thì vẫn ráng cười. (Hình Andy trong bài dưới)
Sáng cuối tuần, vừa mở “phây”. Thay vì, vài hoa lá trong vườn ngày mùa nắng Hạ. Thì, chình ình một cận ảnh chân dung với hàng ria mép rầu rĩ, cặp mắt kiếng tổ chảng lấn hết cái màn hình. Thời buổi hà rầm với hội chứng selfie, có những gương mặt mang dư âm của những ngã mòn. Có lúc, tôi chợt phát hoảng với những mấy kiểu cận ảnh của gã bạn thi sởi.  
Ðang kẹt đạn với cái đề tài chuyên mục mỗi tuần. Nỗi sầu còn ủ mới tinh. Ðồng chí bạn- alô liền cho tui, vừa tán ngẫu vưà xúi dại.
- Bí đề tài a? Thì U viết về “nổ như tạc đạn”, đi!
- Là sao?
- Là ai mà cầm bút cũng tưởng là mình cầm “súng”. Nói tưới hột sen! Không hành văn vì không cần thiết. Còn sáng tác, thì cứ như con khỉ đột.
- ???
- Vừa ăn chuối, vừa gõ bậy trên phím, ra một đống chữ rồi bảo đó là văn chương. Vài anh ma mớp, gia vị thêm chút sex là trở thành món hiện thực “Hiểu chết liền!” Còn về thơ, càng khinh khủng khiếp hơn!
- ?!
- Thí dụ: hắn (tác giả) có thể lấy một đoạn văn tả cảnh hay một đoạn quảng cáo, cắt xén từng đoạn từ 5 đến 7 chữ thành từng đoạn 4 câu. Có khoảng 5 đoạn là thành một bài thơ hậu… hại điện!
- Thơ chưa bao giờ khởi sự, để tự mãn. U đang tỉa tót thứ gì đây?
- Thì cứ như không biết vẽ. Quẹt bậy loạn xà ngầu màu sắc rồi bảo đó là tranh Siêu thực, tranh Lập thể. Tranh chân dung càng… khiếp đảm hơn, vẽ người ra… ma.
- Ðía hoài, cha nội! Tranh dù thế nào, thì trước nhất nhìn vào phải thấy đẹp đã chứ!?
- Không tin thì cứ thử đi. Nhớ lấy một đoạn văn của U rồi cắt ra từng câu… Rồi sắp lại thành một bài thơ. Có cả “kho tàng” thơ đủ mọi tiết điệu, mà U phải chứng minh là văn có thể thành thơ. Rồi sắp nó thành thơ BÍ HIỂM. Ký tên Hồ Thiên.
- Văn thơ tui, có phải để làm xiếc đâu mà phải giả hình?
- Thì đã nói là “nổ như tạc đạn” mà. Thử đọc cái status này, “ Có những người làm thơ để tìm định nghĩa thế nào là thơ hay. Có những người làm thơ để dựng một cảnh báo rằng thế nào là thơ dở. Có những người làm thơ để tự thấy tim mình đập ra sao trước thế giới đang chuyển động. Có những người làm thơ để thấy thế giới chạy mất dép ra sao trước thơ mình. Có những người làm thơ như đói ăn khát uống. Có những người vừa ăn uống vừa làm thơ. Có những người làm thơ và trở thành thi sĩ. Có những người làm thơ và bị thơ làm…” (Anlưu/ fb)
- ???
- Thì thơ làm là… tham… Lờ. Thơ làm là thơ nó ám!
- Thôi đi cha nội. Văn chương gì mà chỉ toàn nặng trĩu những thứ âm khí trần tục. Phản nhân văn bỏ mịa!
- Có người làm thơ để biết mình đang thở. Có họa sĩ bảo rằng thở ra Thơ dở.
- Thơ dở Thơ hay hoặc dở cũng hơn là không biết thở. “Có thở ra thơ. Không nói chuyện hay dở… Có những người làm thơ, để thấy mình đang thở...”
- Chậc, chậc. Gã này đang đi lộn nẻo bao la! Mà này, ngươi đang quyết bảo vệ quyền làm thơ “dở”, đó hử?
- Nè, U thử đọc cái truyện cực ngắn này hè, “Hội thảo về thơ tầm quốc gia bế mạc trong không khí trang trọng, quan trọng, long trọng và nghiêm trọng. Hội trường im phắc nghe lãnh đạo ban tuyên giáo kết luận: Thơ Việt đang vươn lên tầm thời đại, bám chặt truyền thống vẻ vang, trung thành với vốn cổ, hòa nhập với quốc tế. Việt Nam là cường quốc về thơ. Các dịch giả cần gấp rút nghiên cứu tổ chức dịch thơ để xuất khẩu. Tuy nhiên, thơ Việt chưa có đỉnh cao, chưa đạt được so với ham muốn…
Long đang ngủ gật, mơ thấy nàng thơ, lờ mờ tiếng bấc tiếng chì, đến đấy choàng dậy, giấc mộng chưa tàn, buột thốt:
- Ðúng rồi, nàng thơ chưa lên được đỉnh! Ðiểm gờ, điểm gờ!
Lãnh đạo đang cao trào cũng tụt hứng, nghẹn lời. Long chưa thoát khỏi cảnh giới u mê, âm dương hỗn độn, lại vọt thêm ra:
- Toàn liệt dương làm sao nàng lên được đỉnh!?” (fb Lê Anh Hoài)
- Ðúng là rảnh rỗi sinh nông nỗi.
- Giờ tớ phải ngủ. Ðuối như trái chuối rùi.
(Hắn vừa bai. Nói gì thì nói, tui cũng click cái nút Like cổ động hắn cái đã!)
ĐMH
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Bí quyết tự chụp ảnh chân dung
Andy Nguyễn
Hình “tự chân dung” có thể hơi đáng kinh hãi đối với một số người, nhất là nếu bạn cần chụp một tấm hình mới cho một lý do nào đó, chẳng hạn như hình tác giả của một bài báo! Khi bạn không có người quen nào biết chụp hình, bạn có thể have fun trong lúc chụp hình chân dung của mình. Sau đây là vài bí quyết đơn giản để có được những tấm hình “độc” nhất.

Tập cầm máy ảnh ở tầm tay của bạn

Việc đầu tiên nhiều người làm thử khi tự chụp chân dung là một tấm hình ở tầm tay. Đó là khi bạn cầm máy ảnh càng xa càng tốt trên tay và cố gắng chụp một tấm hình của chính mình. Những hình này đôi khi có một cánh tay “vô duyên” (cánh tay đang giang ra cầm máy hình) và ánh chói xấu của đèn flash chiếu vào mặt vì để quá gần. Khi chụp hình ở tầm tay, tôi thường thường dùng ống kính góc rộng (wide angle).
Nên nhớ rằng, một trong những điều tốt nhất về cách tự chụp là bạn có thể nhìn lại hình của mình và chụp thêm nếu muốn. Nhớ xem lại góc cạnh và ánh sáng để tìm vị trí tốt nhất.

Dùng đồng hồ đếm giây

Tìm một cái ghế đẩu hoặc bàn phẳng để đặt máy lên (nếu không có chân máy), rồi chạy vào khung hình. Trong lúc chạy vào hình, đôi khi có thể bạn sẽ tình cờ bắt được những khoảnh khắc bất ngờ rất cool! Bạn nên biết rành đặc điểm “tự đếm” của máy ảnh bạn.

Nhìn lên trời

Nếu bạn giương tay ra để chụp một tấm hình chân dung mình, luôn nhìn lên trời để có được góc cạnh tốt nhất. Nhìn xuống sẽ thấy những cái nọng mỡ dưới cằm, một điều mà các bà các cô tránh như tránh tà.

tu chup anh chan dung
Tấm ảnh tự chụp với ống kính góc rộng trong một chuyến chèo thuyền trên sông.

Đừng nhìn vào ống kính

Mặc dù có cảm giác ngồ ngộ, bạn nên nhìn chỗ khác ngoài ống kính để có nét tự nhiên. Điều này hơi khó làm, nếu chưa quen, nhưng cố gắng thực tập sẽ làm được.

Thử dùng một mặt phẳng phản chiếu

Chúng ta đã từng thấy nhiều kiểu hình này được chụp trước gương. Bí quyết là… nhìn vào gương ở nơi ống kính của máy ảnh và bạn sẽ thấy giống như đang nhìn vào máy (đừng bao giờ nhìn vào mình trong gương khi chụp hình). Tắt flash đi. Thử chụp ở nhiều khía cạnh. Bạn có thể cầm máy thật cao hoặc thật thấp để khỏi bị thấy trong hình. Nên hít một hơi mạnh trước khi bấm máy để bạn có thể nín thở cầm máy càng vững càng tốt. Thử chụp trong những phòng khác nhau để tìm ánh sáng đẹp nhất.

Để máy của bạn chụp nhiều tấm liên tiếp

Khi bạn chạy vào một tấm hình đang có thời gian tự chụp, đừng chỉ chụp một tấm - chỉnh máy của bạn để chụp vài tấm! Cách này, bạn có thể tự bóp méo, vặn vẹo mặt, và “tự diễn”, rồi chọn tấm nào bạn thích nhất. Hơn nữa, bạn không cần phải chạy tới chạy lui để chụp từng tấm mỗi lần.

Bạn không cần phải cho thấy mặt

Có thể bạn đang mang đôi giày hoặc chiếc áo yêu thích nhất và bạn muốn ghi lại hình ảnh đó.

Chụp những chi tiết để kể lại một câu chuyện

Những tấm ảnh tự chụp có thể kể lại một mẩu chuyện nhỏ. Bạn có thể ghi lại những kỷ niệm bằng cách tạo nên một loạt ảnh tự chụp về đời sống hàng ngày của bạn, hoặc cá tính của bạn. Nghĩ về những gì làm cho đời sống của bạn độc nhất mà không bao giờ được đưa lên hình. Chúng ta dễ quên đi những chuyện tầm thường hàng ngày, nhưng hãy cố gắng đưa những yếu tố đó vào tấm ảnh tự chụp mới của bạn!

tu chup anh chan dung2
Hình được chụp với đặc điểm self-timer. Trước khi chạy vào cảnh trước máy, cần phải chỉnh ánh sáng, độ nét, và bố cục (nên chú ý chỗ đứng khi chạy tới). Tôi đã thử ba lần mới có được hình này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét