Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Ngày hội ngộ: VUI BUỒN KHÓ QUÊN - nhớ Ngày Hội Ngộ CTNCT/QNĐN 26/7/2015

Tuổi đời như nắng hôn hoàng,
Chia tay nào biết có còn gặp nhau.

Phạm Thọ

                                                         

Cuộc chiến Việt Nam đã 40 năm qua rồi, nhưng vết thương lòng của những người nửa đường “Gãy súng” đến nay vẫn còn rỉ máu. Nhìn lại chặng đường dài mà ta đã đi qua,  biết bao nhiêu dấu ấn đã in sâu vào tâm khảm. Ngày xưa, chúng ta là những người lính, những người tù và ngày hôm nay, là những người cựu tù đang lưu vong tỵ nạn trên xứ người, vui có, buồn có, khổ có, sướng có, vinh có, nhục có. Tất cả những thứ mà chúng ta có, giờ đây đã và đang từ từ ra đi, để lại trong ta những kỷ niệm khó quên, đầy thương yêu luyến nhớ của những người cựu tù còn ở lại, khi mà tuổi đời của người cựu tù như ánh nắng vàng nhợt nhạt của buổi chiều cuối thu, chợt biến mất trong khoảnh khắc.


Thời kỳ đất nước chiến tranh do cộng sản miền Bắc xâm lược miền Nam, Hải đi vào quân đội, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh chấm dứt trong thương đau nghiệt ngã, nước mất nhà tan. Cuộc “đổi đời”  oan trái, Hải đi tù “cải tạo” lao động khổ sai. Và rồi, Hải đi lưu vong tỵ nạn. Sống tha hương trên xứ người mấy chục năm qua, từ ngày rời đất nước ra đi, chưa một lần về thăm lại cố hương, mặc dầu Hải rất thương và rất nhớ. Bây giờ, với tuổi đời trên “Thất thập cổ lai hy”, tuổi hay sống về quá khứ.  Ngoài sự vui sống với gia đình, gặp lại bạn bè, gặp lại anh chị em cựu tù thân thiết, cùng chung một lý tưởng, cùng chung một cảnh ngộ, ngồi lại với nhau, để hàn huyên tâm sự, để cảm thông, để chia ngọt xẻ bùi, ôn lại những kỷ niệm, dù kỷ niệm của chúng ta là những kỷ niệm thương đau, khó quên. Niềm đau đó, không những là niềm đau riêng của chính mình mà còn là niềm đau chung của đất nước và dân tộc. Vì thế, gặp lại anh chị em cựu tù trong khung cảnh vui buồn lẫn lộn của ngày Hội Ngộ, là niềm hạnh phúc, là niềm vui, và cũng là ước mơ của tuổi xế chiều, khi chợt nghĩ ra rằng, tuổi đời của mình đã xuống dốc bên kia cuộc đời, còn lại rất ít thời gian, còn lại rất ít cơ hội để mà gặp lại nhau.

Ngày Hội Ngộ cựu tù nhân chính trị là dịp tốt, là cơ hội tốt để gặp lại anh chị em cựu tù thân thương trong thời gian thật lâu chưa gặp lại. Hải ra bến xe Đò Hoàng trên đường Burdetti ở San Jose  để đi dự Hội Ngộ Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam Đà Nẵng, tổ chức ở Nam Cali ngày 26 tháng 7 năm 2015.

Sáng nay, trời San Jose trong xanh mát dịu. Sáng sớm Hải đã có mặt tại bến xe Đò Hoàng. Xe Đò Hoàng đã lấy đầy khách, Hải là người khách cuối cùng. Hải bước lên xe tìm chỗ ngồi. Sau vài ba phút nhắc nhở của chủ xe, xe từ từ lăn bánh. Thành phố San Jose bỏ lại phía sau. Trong không khí nao nao đón chờ ngày Hội Ngộ, Hải vui vẻ trông chờ.

Sau hơn sáu tiếng đồng hồ phom phom chạy trên Xa lộ, xe  Đò Hoàng đã đổ bến trước chợ ABC trên đường Bolsa Nam Cali. Lấy đồ gởi trên xe xong, Hải kéo va li đi dọc theo đại lộ Bolsa về hướng Thương xá Phước Lộc Thọ.

Little Sài Gòn, Thủ đô của người Việt Nam tỵ nạn cộng sản rộn rịp người từ các Tiểu bang xa về đây du lịch, vui chơi, ăn uống cho thoải mái nhân mùa con cháu nghỉ hè. Họ vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ, có vẻ như họ thích quang cảnh xinh đẹp và sầm uất của Thủ đô tỵ nạn. Người Việt Nam sống ở vùng Thủ đô tỵ nạn rất đông, gồm có thành phố Westminster, Garden Grove, Fountain Valley và Santa Ana. Ngoài đường phố, Hải thấy người Việt Nam nhiều hơn người bản xứ. Phố xá buôn bán nhộn nhịp, tấp np người qua lại. Các nhà hàng ăn uống, các tiệm buôn bán, các quán giải khát, các tiệm cà phê, các văn phòng Bác Sỹ, Luật sư, Nha sỹ, các tiệm hớt tóc, các tiêm làm móng tay, móng chân, các tiêm bán mỹ phẩm, các chợ. v.v... hầu hết các bảng hiệu  đều viết bằng chữ Việt không khác gí thành phố Sài Gòn ở Việt Nam.

Nhìn Thủ đô Sài Gòn tỵ nạn của người Việt lưu vong, Hải liên tưởng, tiếc nhớ đến Thủ đô Sài Gòn của nước Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Dù đất nước đang chìm ngập trong thời kỳ khói lửa chiến tranh, nhưng Sài Gòn vẫn phát triển không ngừng, một thời huy hoàng, một thời Tự do, một thời xứng đáng với tên gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Sài Gòn năm xưa vẫn nhớ mãi với những cơn mưa chiều bất chợt. Thình lình, cơn mưa rào  đổ tới. ba mươi hoặc bốn mươi phút sau, trời quang mây tạnh, trong xanh tươi mát. Nhà cửa, cây cối, đường phố, sau khi tắm gội, giặt sạch bởi cơn mưa chiều, khô ráo, bóng láng sạch sẽ. Người người và xe cộ lại đổ ra đường, sinh hoạt lại trở lại bình thường nhộn nhịp và sầm uất.

Sài Gòn năm xưa vẫn nhớ mãi với những buổi chiều tan học, tà áo dài Gia Long, Trưng Vương rộn ràng trên hè phố, các cô nữ sinh xinh đẹp đùa giỡn, chuyn trò tung tăng như một đàn chim Sẻ ngày mùa, trên tay cầm những trái me chua.

Sài Gòn năm xưa vẫn nhớ mãi với Dinh Độc Lập, với tòa Đô Chính Sài Gòn, nhà Quốc Hội, Ch Bến Thành, biểu tượng cho Tự do Dân chủ của  miền Nam, thời Việt Nam CộngHòa.

Sài Gòn năm xưa vẫn nhớ mãi những chàng trai thời binh lửa từ Quân trường Thủ Đức đi phép về Sài Gòn vào những chiều cuối tuần, âu yếm nắm tay người yêu dạo chơi trên đường phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ. Hình ảnh thật đẹp và dễ thương trong thời kỳ đất nước ngập tràn khói lửa chiến tranh.

Sài Gòn, Thủ đô của một nước chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, nhưng vẫn yên bình và vươn lên trong chiến tranh, trong hoàn cảnh thật khó khăn, bởi vì những gì mà chúng ta muốn, nó không thuộc về ta, bởi lẽ, nước chúng ta là một nước nhỏ lại nghèo nàn và nhược tiểu bị các cường quốc xâu xé vá áp đặt theo quyền lợi của họ. Trên con đường chiến đấu vì chính nghĩa, vì đất nước, vì Tự do, chúng ta luôn luôn giữ niềm tin chiến thắng. Nhưng rồi vận nước không may, Sài Gòn ngày ấy, bây giờ tất cả còn đâu, đã biến mất sau cơn “Đại hồng thủy” của ngày tháng 4  đen oan nghiệt năm 1975, chúng ta là người lính “thua trận”, mất nước, vào tù và trở thành những kẻ lưu vong tỵ nạn trên xứ lạ quê người.

Đại lộ Bolsa Thành phố Westminster


Tượng đài Đức Thánh Trần ở Little Saigon


Thủ đô Tỵ nạn với Đại lộ Bolsa, cây cối màu xanh tươi đẹp, mát mẻ, ngay hàng thẳng lối. Thành  phố sạch sẽ, văn minh. Hai bên đường, trên những trụ đèn cao vút, cờ Việt Nam cộng hòa và cờ Hoa Kỳ phất phới tung bay theo gió, chạy thắng tắp thật xa đến tận cuối con đường. Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo dựng giữa trung tâm thành phố tỵ nạn, uy nghi đứng trên bệ cao, sáng lên hình ảnh Việt Nam kiêu hùng, người Việt Nam không bao giờ khuất phục trong công cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc để giữ nước.  Trong bài “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ” nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã viết:  “..... Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng...” Tinh thần yêu nước của người Việt Nam là thế, “ Giặc đến nhà đàn bà phải đánh “ đừng nói chi là trai tráng, là đấng nam nhi.

Những hàng phượng tím phơi mình trong nắng ấm của mùa hè rực rỡ giữa khung trời màu xanh mây trắng. Rất tiếc là mùa hè ở Thủ đô tỵ nạn Nam Cali, không có màu phượng đỏ và tiếng ve sầu kêu inh ỏi suốt ngày đêm để gợi nhớ lại, thuở nào, một thời, chúng ta còn cắp sách đến trường trước năm 1975 ở quê nhà, lúc hoa phượng đỏ nở đầy quanh sân trường hoặc trên các con đường, nghe tiếng ve sầu hòa tấu những khúc nhạc rộn ràng vui tươi, là mùa hè đến, mùa tan trường, mùa nghỉ hè, chúng ta tha hồ vui chơi thỏa thich. Hồi tưởng lại, nhớ về một thời quá khứ, một thời cắp sách đến trường, trong đó có chúng ta, Hải thấy thương thương nhớ nhớ khung trời Quê hương ôm ấp biết bao nhiêu kỷ niệm, bây giờ còn đâu, tất cả đã mất rồi trong niềm đau ly hương.

Bao nhiêu thương nhớ qua rồi,
Thầy xưa bạn cũ ngày nào còn đâu.

Lâu lắm rồi Hải mới trở lại miền nắng ấm Nam Cali, vùng Little Sai Gòn, Thủ phủ của người Việt tỵ nạn cộng sản, lòng Hải phơi phới vui tươi. Là một người Việt Nam mất nước ra đi lưu vong, nhìn thấy Thủ đô tỵ nạn có tên Sài Gòn, lại có tên đường Sài Gòn ở trung tâm Thủ đô tỵ nạn, Hải rất hãnh diện và vui mừng.  Dù Thủ đô tỵ nạn ở Mỹ không lớn bằng Thủ đô Sài Gòn của VNCH năm xưa, nhưng gợi nhớ lại một thời Hải đã sống và lớn lên thành người, một thời Hải đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước, bảo vệ Thủ đô Sài Gòn mến yêu. Xin chân thành cảm ơn những vị đã nghĩ đến Quê hương Việt Nam, nghĩ đến Sài Gòn Việt Nam, quyết tâm tranh đấu xây dựng lại Thủ đô Sài Gòn tỵ nạn cộng sản ở xứ người. Hải lấy máy quây phim quây lại những hình ảnh xinh đẹp của Thủ đô tỵ nạn, giữ làm kỷ niệm, đề nhớ lại Sài Gòn Việt Nam năm xưa, mà Hải chưa một lần về thăm từ ngày rời khỏi đất nước thân yêu.

Hải kéo vali đi vào trong Thương xá Phước Lộc Thọ. Hải đến tiệm Lee's  Sandwiches ngồi xuống ghế và gọi ly cafe sữa đá uống cho mát lòng. Nhìn đồng hồ đã hơn 4 giờ chiều, ngoài trời vẫn còn nắng ấm và mây trắng bay. Chiều thứ bảy cuối tuần, mọi người di dạo phố, đi mua sắm, đi ăn uống càng lúc càng đông. Đại lộ Bolsa xe cộ nối đuôi chạy không dứt. Hải lấy điên thoại gọi cho người bạn thân, nhờ họ chở Hải về khách sạn Ramada ở đường Garden Grove thuộc thành phố Garden Grove.

Về khách sạn, cả đêm thao thức không ngủ, có lẽ vì lạ chỗ, lạ người, và một phần, trông trời mau sáng để ngày mai gặp anh em, Hải thấy đêm xuống thật dài và thật lâu. Hải lấy phôn tay mở nhạc ra nghe để giết bớt thời gian. “Thôi chia tay cạn ly vui chúc đi, Ta chúc nhau những gì đẹp lòng nhau, Dù thời gian có phôi pha, Ta không bao giờ quên”. Đó là lời ca thắm thiết mà nhạc sĩ Lam Phương muốn gởi cho chúng ta trong nhạc phẩm “Ngày tạm biệt”. Quên làm sao được khi mà tình bạn đã gắn bó với nhau trên chiến trường, tình “ huynh đệ chi binh” sống chết có nhau.  Quên làm sao được tình bạn tù trong các trại tù cộng sản khét tiếng độc ác ở tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, khổ cực có nhau, đói no có nhau, hoạn nạn có nhau, vui buồn có nhau. Và quên làm sao được với những năm tháng dài xa Quê hương, sống đời tỵ nạn với nỗi lòng của một người ly hương, với nỗi lòng của một người mất nước, nhớ Quê hương, nhiều khổ đau.

Là người lính “thua trận”,
Lưu vong tỵ nạn xứ người,
Đời chiến binh cười ra nước mắt,
Nước mất rồi Tổ quốc còn đâu.
Việt Nam! Việt Nam!
Nỗi đau mất nước.

Và rồi, người cựu tù lần theo thời gian, cũng như bao nhiêu người Việt tỵ nạn, nuôi những ước mơ, mơ  ngày Quê hương thanh bình, không còn cộng sản để dân tộc được ấm no hạnh phúc tự do.

Mong ngày Việt Nam trời quang mây tạnh,
Cộng sản không còn, dân tộc hạnh phúc tự do.

Đến bao giờ những người cựu tù mới được Hội Ngộ ở Sài Gòn Việt Nam? Ước mơ này luôn luôn giữ mãi trong lòng của anh em cựu tù lưu vong. Điều đó chắc chắn sẽ đến với chúng ta, nhưng mà, với tuổi đời xế bóng, chúng ta có kịp về hay không. 40 năm qua, giấc mơ bị xói mòn vì tuổi đời càng ngày càng đi vào ngõ cụt. Ước vọng sao thấy chưa đến mà chân thì đã mỏi, đường lại còn xa, sức khỏe cạn dần không biết có kịp về bến nước vinh quang để nhìn thấy lá cờ Vàng 3 sọc đỏ phất phới tung bay trên đất nước Việt Nam tự do ngày quang phục. Đứng bên này bờ Thái Bình Dương trông về Quê nhà, Việt Nam ôi thương nhớ quá!

Mờ trong biển mặn Quê ta,
Việt Nam tôi đó nhưng xa lối về.

Hải đến nhà hàng Palace ở đường Westminster góc GoldenWest thuộc thành phố Westminster nơi tổ chức ngày Hội Ngộ. Vì chờ xe bạn đến đưa Hải đi, nên Hải đến hơi trể. Anh em ở các Tiểu bang xa về dự Hội Ngộ rất đông. Thấy Hải đến, anh em  tới bắt tay vui mừng. Hải bắt tay và ôm chặt từng người. Nguyễn Ngọc Lân ở Arizona, Đào Minh Châu, Nguyễn Văn Điểu  ở New York, Ngô Văn Giai ở Virginia, Nguyễn văn Thực, Nguyễn Xuân Đáng ở Texas, Lê Quang ở Origon, Nguyễn văn Ngữ ở Michigan, Hồ Quang Trung ở Dalas, Phạm Minh Hùm ở Massachusetts, Tạ Mộng Tân, Phạm Văn Thuận, Trần Văn Bông, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Văn Đông, Nguyễn Minh, Bùi Ký ở Nam Cali và còn nhiều nhiều anh em ở các Tiểu bang khác nữa kể sao cho hết. Đông quá là đông, bắt tay thăm hỏi sức khỏe từng người cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa hết.

Sau bao nhiêu năm gặp lại, lòng mừng mừng tủi tủi. Thời gian đi qua mau, anh em thay đổi rất nhiều. Tóc bạn nào cũng bạc trắng, mặt bạn nào cũng đầy vết nhăn nheo, trông ốm yếu và già đi rất nhiều. Mới ngày nào... bây giờ thi... Có bạn tuổi già,  đi đứng khó khăn phải nhờ “bà xã” hoặc con cái đi theo đỡ dìu. Anh nói: “Có lẽ đây là lần cuối cùng, cố gắng đi dự Hội Ngộ để được găp lại anh em, nhớ lắm!”. Ôi! Tình bạn nào thắm thiết cho bằng tình bạn của những người tù “cải tạo“. Thật cảm động biết bao!.

Đến giờ khai mạc, chúng tôi rũ nhau vô ngồi chung một bàn, cùng ăn, cùng uống, cùng nghe ca hát. Không khí thật vui tươi, nồng ấm. Mọi người cùng hàn huyên tâm sự, kể chuyện cho nhau nghe, đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện trên trời, chuyện dưới đất. Chuyện ở Quê hương, chuyện ở Mỹ. Chuyện thằng K, thằng C,  thằng B đã chết rồi. Nhiều bạn tù đã chết mà ước mơ của nó chưa thành. Chuyện thằng N, thằng H làm ăn khấm khá, con cái học hành đỗ đạt huy hoàng. Chuyện thằng M vợ chết, về Việt Nam cưới vợ trẻ đẹp. Nó bảo lãnh vợ nó qua. Đến Mỹ được mấy tháng, con vợ trẻ đẹp của nó cao chạy xa bay. Tốn một mớ tiền, nghĩ mà tức cho cảnh đời. Chuyện thằng Q đau nặng đang nằm bệnh viện không đi dự ngày Hội Ngộ được v.v...

Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong thời gian xa nhau khá lâu, bây giờ có cơ hội gặp lại, anh em thi nhau tâm sự, tâm sự vui, tâm sự buồn, làm cho mọi người cảm thấy ấm lòng. Một bạn nói: Chúng mình đã gần 80 tuổi, còn gặp nhau ngày hôm nay là hạnh phúc, là vui lắm rồi. Kỳ tới, nếu có Hội Ngộ, biết còn gặp nhau nữa hay không? Thôi thì, mình chúc nhau mạnh khỏe và may mắn “. Một bạn khác lại nói: “Già rồi, hơi đâu nói chuyện ngày mai , phải không?”. Ta hãy nhớ câu: Qua một ngày, vui một ngày, sống thanh thản, sống thoải mái” . Còn nữa, một bạn khác lại tiếp : Qua một ngày, mất một ngày, vui một ngày, lãi một ngày”. Hải thì chậm rãi nói: Tối  đi ngủ, sáng thức dậythấy mình còn sống là vui lắm rồi.”

Đúng rồi! Đúng rồi! Mọi người vỗ tay cười vui, đứng dậy vòng tay ôm nhau. Không khí thật vui tươi. Rồi mọi người trở lại ghế ngồi... Không khí lại lặng yên. Nhìn lên nét mặt anh em, hình như ai cũng có một chút gì đó ngậm ngùi, một chút gì đó thoáng buồn hiện trên khuôn mặt gầy còm nhăn nheo. Thật xúc động.

Niềm vui của người cựu tù còn được bao nhiêu ? 2 năm, 3 năm hay nhiều hơn? khi mà tuổi đời của chúng ta đã leo lên tới đỉnh, đã và đang xuống dốc bên kia. Có người đã xuống tới dốc,  “đi rồi”. Có người đang chuẩn bị bước xuống. Có người ở lưng chừng. Cuôc đời vô thường ai mà biết được. Hội Ngộ lần nầy vắng đi nhiều bạn, hỏi ra mới biết, người đó cũng đã “đi rồi.” Người đó đã vĩnh viễn “đi rồi” để lại những nỗi buồn cho người ở lại. Cuộc đời cứ mãi xoay vần, kẻ ở, người đi. Đến lần Hội Ngô kế tiếp, chúng ta lại mất đi bao nhiêu bạn bè vĩnh viễn không đến dự, vì thời gian còn lại dành cho chúng ta không còn nhiều như chúng ta mơ ước.

Tuổi đời chúng ta, bây giờ như ngọn đèn trước gió, như giọt nắng vàng yếu ớt cuối ngày, như chiếc lá úa vàng dính trên cành cây, một cơn gió nhè nhẹ thổi qua, ngọn đèn sẽ tắt, giọt nắng sẽ rơi, và chiếc lá vàng úa sẽ rụng. Cũng vì thế, mỗi lần Hội Ngộ, anh em cố gắng về đông, để thăm nhau, để hàn huyên tâm sự, để biết ai còn ai mất, để chia xẻ vui buồn trong kiếp sống tha hương khi tuổi đời còn lại quá ít. Rồi một ngày nào đó, bôn ba lận đận với kiếp sống tha hương, trôi dạt góc bể chân trời, chúng ta cũng sẽ trở về cội nguồn của kiếp sống con người. Chúng ta vĩnh viễn không còn gặp nhau ờ thế giới này nữa, họa chăng chúng ta chỉ gặp nhau ở một vùng đất mới nơi cõi Vĩnh hằng.

“Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi,
Cội nguồn ơi chiếc lá lại rơi về”.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, cuộc Hội Ngộ nào rồi cũng tan, để lại cho anh chị em cựu tù về tham dự ngày Hội Ngộ một nỗi buồn trống vắng. Trời chiều đã xuống, nắng chiều nghiêng dài và nhạt dần trên lối đi. Bên trong nhà hàng vắng vẻ, tiếng nhạc ngưng tự hồi nào, chỉ có vài người phục vụ dọn bàn. Quang cảnh u buồn. Anh chị em cựu tù ra về, mắt ngơ ngác nhìn quanh. Mây buồn lơ lửng trên bầu trời trắng đục Nam Cali. Hình như thành phố không còn tươi vui và đẹp đẽ như hồi Hải mới đến, đúng rồi  Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. ( ND ). Buồn quá. Ôi! buồn quá đi thôi.

Bước chân của anh chị em cựu tù về tham dự Hội Ngộ bịn rịn không muốn rời xa... Quang cảnh buổi sáng của ngày Hội Ngộ vui vẻ, nao nức, sống động bao nhiêu thì giờ này, buổi chiều chia tay lại buồn bã ảm đạm bấy nhiêu. Hải bắt tay những người bạn tù cố nán lại không muốn ra về. Những cái bắt tay cuối cùng của cuộc vui Hội Ngộ, nghẹn ngào, buồn bã, nói không ra lời, cảm động, nước mắt rưng rưng. Hải ôm từng người thật chặt và thật lâu như muốn gởi những tình cảm sâu đậm và chân tình, nồng ấm của Hải đến với anh em trước khi rời xa, chia tay ra về, mỗi người mỗi ngả.

Ngày mai, từ thành phố Westminster Nam Cali, đại gia đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam Đà Nẵng như một đàn chim tung cánh bay đi muôn hướng. Họ từ giã cuộc vui ngày Hội Ngộ, từ giã anh chị em, bạn bè. Mổi người ra đi về một phương trời xa lạ, mang theo hành trang buồn vui lẫn lộn.  Biết chừng nào  chúng ta mới gặp lại nhau. Buồn ơi! chia tay. Buồn sao là buồn...

Ngập ngừng không muốn chia tay,
Tà dương ngã bóng mây bay cuối trời.

Kính chúc quý anh chị, quý bạn bè trở về quê nhà nhiều may mắn, thượng lộ bình an.

Sáng thứ hai, ngày 27 tháng 7, một buổi sáng buồn nhiều hơn vui. Hải lên xe Đò Hoàng trở về San Jose. Giã từ ngày vui Hội Ngộ. Giã từ Little Sai Gon xinh đẹp. Tất cả đã in sâu vào  tâm khảm của Hải. Hải mong sao, mai này trên vạn nẻo đường lưu vong nơi xứ người, dù chúng ta vì tuổi già khó gặp nhau nhưng tình cảm của anh em bạn tù, chúng ta vẫn giữ mãi trong lòng, nhớ nhau và mãi mãi nhớ nhau.  Các bạn ơi! Đừng đánh mất những gì tốt đẹp ta đã có.

Một điều không ngờ, 50 năm, thời gian quá dài, quá lâu, xa nhau. Nửa thế kỷ lăn lộn trên  Quê hương Việt Nam cũng như trên xứ người. Từ thuở Hải yêu người con gái dưới mái trường Trung học trong thời kỳ Quê hương ngập tràn khói lửa chiến tranh. Đời lính nay đây mai đó, luôn luôn đối diện với quân thù, chết sống bên mình, may ít rũi nhiều. Nghĩ rằng:  “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” nên Hải chưa tính đến chuyện hôn nhân. Vì thế tình yêu không trọn vẹn và nàng đã sang ngang. Hải tưởng chừng mối tình như đã nhạt nhòa và phôi pha theo năm tháng. Và tình yêu cũng đã quên lãng theo thời gian, theo sự thăng trầm của đất nước, với cuộc “đổi đời” quá nghiệt ngã của dân tộc, Hải nghĩ là không bao giờ gặp lại nàng. Bất ngờ, nàng cùng chồng đi dự ngày Hội Ngộ CTNCT/QNĐN ở Nam Cali. Hải gặp lại cô bạn học trò ngày xưa, người yêu của Hải 50 năm về trước, bây giờ nàng đã có cháu nội, cháu ngoại, như là chuyện trong mơ, trên trời rớt xuống. Thật là “...Em ơi! Trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau”.

Chiếc xe Đò Hoàng từ từ lăn bánh, những bàn tay vẫy chào của những người bạn tù ở lại tiễn Hải đi. Rồi những bàn tay vẫy những bàn tay. Nắng ấm ban mai đã lên cao. Little Sai Gòn bỏ lại sau lưng. Những người bạn tù đưa mắt nhìn theo với lòng buồn rười rượi.

Xe Đò Hoàng đã rời xa thành Westminster. Đường về San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng Bắc Cali xinh đẹp  mỗi lúc mỗi ngắn lại. Trên xe mọi người đều lim dim ngủ, ngủ gà, ngủ gật. Anh tài xế còn trẻ, mãi lặng thinh, cầm tay lái thẳng đường chạy phon phon, thỉnh thoảng anh đưa mắt nhìn lại phía sau qua kính chiếu hậu. Thấy mọi người ngủ yên, anh tắt nhạc, trả lại không khí lặng im. Hàng ngàn chiếc xe lớn nhỏ xuôi ngược, nối đuôi nhau chạy trên xa lộ. Hải miên man trong suy nghĩ, bàng hoàng trong nỗi nhớ...

Ngày Hội Ngộ thật vui và cũng thật buồn... Nỗi buồn vui khó quên trong đời.

Thân ái kính chào tạm biệt.

Phạm Thọ

Copy từ hon-viet.co.uk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét